Thứ Tư, 18 tháng 9, 2013

Gặp lại...ký ức

Không có chuyến đi nào khiến chúng tôi náo nức như chuyến đi Ukraine, nhất là khi Thanh Niên mang Khát vọng trẻ 6 đến đất nước này. Nó hồi hộp như gặp lại người yêu đầu tiên, dù bây giờ người đó có già hơn, có thành danh hay thất bại, có con cái đề huề hay cô đơn…thì trong tôi, cô ấy vẫn trẻ trung, đầy đam mê. Khó mà quên được người mà ta đã từng yêu từ cái nhìn đầu tiên…
Chuyến bay của hãng hàng không Turkish Airline hạ cánh xuống sân bay
Dneproptrov vào buổi chiều tà. Mùa Thu của Ukraine khiến hành khách đều có chung cảm giác bình yên, thanh thản đến nao người.  Bất chợt nhớ câu hát nổi tiếng (dù đó là hát về Maxccơva): Chiều thanh vắng là đây âm thầm gió rì rào…Một cô gái trong đoàn thốt lên, thật đáng yêu và rất muốn yêu.
Tôi run rẩy khi đặt chân lên mảnh đất mà từ rất lâu đã ước mơ có dịp trở lại. Thực ra không nghĩ đến một địa danh cụ thể mà là đến bất kỳ nước nào trước đây thuộc Liên bang CHXHCN Xô viết (CCCP), vì đối với thế hệ chúng tôi, thì đó là một ký ức trinh nguyên. Có cảm giác giống như sắp gặp lại người yêu đầu tiên vậy.
*
Từ Istanbul sang, chúng tôi đi máy bay của Turkish Airline, được đánh giá là “Hãng hàng không tốt nhất Châu Âu” do Skytrax bình chọn lần thứ ba liên tiếp. Nói thế để có thể so sánh với những gì tôi sắp chứng kiến sau đây: Vào thời điểm đó, sân bay chỉ đón một chuyến bay thương mại, khiến người ta có cảm giác như đó là sân bay Chu Lai của Quảng Nam, chỉ khác hai từ quốc tế. Đoàn mang theo đồ đạc, đạo cụ lỉnh kỉnh phục vụ đêm diễn nhưng nhà ga tuyệt nhiên không có một chiếc xe đẩy hành lý. Ai không vào toilet thì thật là hoang phí, bởi đó chính là bảo tàng sống động về …toilet thời bao cấp của Liên Xô.
Mấy thanh niên của làng Thời Đại, một địa chỉ nổi tiếng, biểu tượng sinh động về tình đoàn kết, tính cộng đồng của người Việt ở Kharcov lên đón đã rất hiểu điều này nên mang theo hai chiếc xe đẩy dã chiến. Chuyện thật khó tin. Nhưng kệ. Với tôi, người yêu đầu tiên vẫn thuần hậu. chất phác như xưa.
*
Tôi ngồi lặng người nhìn qua cửa kính xe. Những cánh đồng hướng dương vừa thu hoạch trải dài mênh mông. Hai bên đường tuyệt nhiên không có một ngôi nhà (theo kiểu bám mặt tiền mà sống như bên ta), khiến người ta liên tưởng đến sự khoáng đãng của tâm hồn người dân nơi đây.
Kharcov đây rồi. Những hàng bạch dương, những rặng phong vàng rực dưới nắng chiều…Chiếc tàu điện cổ xưa màu gỉ sắt thay cho màu sơn vẫn rung lên trên đường ray giữa đường phố tráng lệ, giữa những tòa nhà cao tầng cổ kính xen kẽ hiện đại…Nó không hề bị lạc lỏng mà thậm chí rất hòa quyện, vì nó dường như là…ký ức, ký ức thì không thể tách rời trong đời của một con người.
*
Quảng trường Tự Do nằm giữa trung tâm TP Kharcov. Tôi thực sự ngỡ ngàng, dù đã được kể trước, khi ngắm nhìn tượng đài Lenin sừng sững. Không chỉ vì sự ngưỡng mộ của mình với Lenin mà vì ngưỡng mộ người dân Ukraine vĩ đại. Có cảm giác như người yêu đầu tiên vẫn cất giữ lá thư viết tay mình gửi cho cô ấy dù thời đại đã dành cho iFone, iPad. Một người yêu chung tình.
Người ta bảo con gái Kharcov đẹp nhất châu Âu, điều đó quả không sai. Tôi thì thấy họ không chỉ đẹp mà gương mặt rất thanh thoát. Người có một đời sống dù đầy đủ đến mấy nhưng tâm hồn suy nghĩ lăn tăn thì không bao giờ có gương mặt đó. Họ thật sự có một đẳng cấp văn hóa cao khi làm chủ được tâm hồn của mình.
Kharcov (và Kiev) vẫn như xưa, như là mình nhận ra ngay người yêu mình sau bao nhiêu năm xa cách, chính là cô ấy. Có cảm giác như thành phố có bàn tay tài ba của một kiến trúc sư trưởng từ thời liên bang xô viết. Sự phát triển mà chúng ta có thể nhìn thấy được rõ nhất là những bảng hiệu kèm thêm tiếng Anh. Thành phố rất phát triển, nhưng là sự phát triển giống như một cô gái biết trang điểm cho hợp thời, hợp cảnh hơn là phẫu thuật thẩm mỹ.
*
Suốt những ngày ở Kharcov, ở trong làng Thời Đại, chúng tôi có cảm giác như mình không phải đi xa mà đang được về nhà. Mỗi ngày hai bữa đến nhà hàng Cây Dừa, nơi mà mấy chị em chăm chút việc ăn uống cho đoàn. Vẫn là phở bò, miến ngan, bún giò…vẫn là cơm, cá kho tộ, tôm thịt rim…và tám bằng tiếng Việt.
Thích nhất là cảnh mỗi buổi sáng, những bảo mẫu người Kharcov (bên ta gọi là Osin) đưa con của các gia đình người Việt đi dạo, những cô gái Ukraine phục vụ trong nhà hàng bưng phở cho khách, những chàng trai Ukraine tóc vàng nhặt banh ở sân tenis của người Việt…Thế mới biết vì sao ông tỉnh trưởng Kharcov nói rằng, người Việt là những công dân số 1 của Ukraine.
Loanh quanh trong làng Thời Đại, ngắm nhìn tượng đài Thánh Gióng uy nghi, viếng chùa Việt…tôi thật không thể cắt nghĩa được vì sao cộng đồng người Việt ở đây lại có thể tạo nên kỳ tích này giữ đất nước bạn. Điều hành một cơ quan đã khó, một làng ở Việt Nam càng khó…vậy thì làm sao có thể xây dựng và điều hành một làng Việt Nam ở  nước ngoài? Phải là người có đầu óc cực thông minh và một trách nhiệm với cộng đồng cực kỳ cao mới khơi dậy và làm cho cộng đồng gắn bó đến nhường này.
Thời gian chúng tôi ở Kharcov, không chỉ đoàn Khát vọng trẻ 6 bao gồm cả trăm nghệ sĩ và nhà tổ chức mà thời gian đó có trên 200 doanh nghiệp VN ở 12 nước châu Âu và đoàn doanh nghiệp Mỹ về dự diễn dàn thường niên do Hiệp hội doanh nhân VN ở Ukraine đăng cai tổ chức, thế mà việc đi lại, tổ chức diễn đàn, tổ chức chương trình nghệ thuật Khát vọng trẻ đều do “người làng” lo liệu không chút sơ suất. Thật phi thường.
*
Ngoài khách sạn của làng, nhiều anh em được bố trí về ở với các gia đình (mỗi gia đình có một căn hộ rộng rãi, tiện nghi), thoạt đầu có vài anh em ca sĩ, người mẫu ái ngại nhưng ở rồi mới thấy ai phải ở khách sạn mới thiệt thòi.
Lâm Hiếu Dũng, Đoàn Mẫn, Lê Văn Quý, Thành Trung ở nhà chị Phương, di vài bước đến nhà hàng Cây Dừa. Chị Phương quản lý nhiều quầy hàng ở khu chợ do người Việt xây dựng (lớn nhất Kharcov). Công việc bộn bề là thế nhưng chị luôn giành thời gian chăm sóc đoàn. Có cảm giác như chị đón mấy đứa em đi xa về thăm quê, nhà đầy ắp tiếng cười, tiếng nói.
Anh em ở khách sạn cũng lấy nhà chị làm nơi tụ tập. Thế mà khi chia tay, chị còn băn khoăn vì công việc quá bận nên sợ mình không được chu đáo.
*
Buổi tối diễn ra chương trình Khát vọng trẻ 6 mới thật sự mang đến cảm xúc cho những người tổ chức. Trong cuộc đời, tôi chưa từng thấy có một chương trình nào khiến người ta quan tâm và chờ đợi như thế. Còn 3 tiếng nữa mới đến giờ khai diễn nhưng từ chiều, trước đó 3 tiếng, trước sảnh Nhà hát Opera và balet Kharcov đã chật kín người. Chỉ tiếc là nhà hát chỉ có 1.700 chỗ ngồi nên nhiều người đã không có cơ hội. Và bà con cộng đồng người Việt đã không phải thất vọng khi chứng kiến một bữa tiệc nghệ thuật mãn nhãn và mãn nhĩ. Anh Lợi và những người trong ban tổ chức phái Kharcov xúc động: “Rất tự hào, chúng tôi rất tự hào!”
*
Không đủ thời gian để tìm hiểu kỹ hơn về sự thành công của người Việt ở Ukraine, về những sinh viên du học quyết định ở lại lập nghiệp và bây giờ đã thành ông của của những tập đoàn nổi tiếng về đầu tư trở lại trong nước với Vinpearl, Bà Nà Hills…và hàng loạt công trình tầm cỡ, nhưng may mắn thay, được dự diễn đàn doanh nghiệp VN tại Châu Âu lần thứ 7 bàn về chủ đề xây dựng hệ thống bán lẻ và kinh doanh nhà hàng, cửa hiệu…
Ông Lê Viết Lam, Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân VN ở Ukraine, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Sun Group điều hành diễn đàn cho hay, bán lẻ là lợi thế của người Việt ở nước ngoài vì họ chịu thương, chịu khó, nhờ hệ thống bán lẻ, nhất là các chợ theo mô hình VN của người Việt đã làm cho cuộc sống của người dân bản địa dễ dàng hơn…Chính vì thế, đã có rất nhiều người khởi nghiệp và thành doanh nhân thành đạt từ công việc này. Thế nhưng, thời ký bán hàng ở ký túc xá, chợ tạm…đã không còn thịnh vượng, vì thế phải thay đổi cho phù hợp hơn. Những người Việt Nam xa xứ đều có hoàn cảnh và số phận khác nhau nhưng đều có chung một khát vọng thay đổi cuộc sống của mình. Và vì thế phải nuôi dưỡng khát vọng đó bằng cách tìm cách thay đổi mô hình kinh doanh…Chia sẻ với ý tưởng này, doanh nhân Phạn Ngọc Chu (Hungary) cho rằng, thời gian trước đây, mọi người “đi chợ kiếm tiền”, ai có tiền thì lại xây chợ, nhưng bây giờ là giai đoạn “cơn mưa vàng bán lẻ ở chợ” đã qua, kiếm tiền ở chợ rất vất vả, vì thế phải chuyển đổi phương thức bán lẻ. Doanh nhân Nguyễn Ngọc Đức (CH Sec) trăn trở: Thời ký bà con bán lẻ ở khu vực chợ vùng biên giáp Đức-Áo đã qua, nay hội làm sao để giúp bà con làm ăn? Vì thế Hội doanh nhân VN ở đây đã thuê các tập đòn lớn nghiên cứu và đưa ra mô hình bán lẻ mới. Nhiều ý kiến khác chia sẻ kinh nghiệm nên xây dựng mô hình bán lẻ theo kiểu của hàng quy mô nhỏ, phát triển thành chuỗi cửa hàng. Để làm được điều đó cần chọn vị trí (nơi đông dân và ít người kinh doanh), mặt hàng phải đa dạng, thời gian bán hàng dài (nhiều giờ trong ngày), phương pháp bán hàng phải thân thiện (cái mà siêu thị không có được) và phù hợp với thói quen của người bản địa…
Sự trăn trở của các doanh nhân thành đạt qua diễn đàn cho tôi cảm nhận họ không phải lo cho họ (vì họ đã hướng đến điều lớn hơn) mà lo cho cộng đồng- đó là điều quý nhất.
Doanh nhân Phạm Minh Nam (Anh) thì đặt câu hỏi mà như đã trả lời: “Vì sao nước ngoài đến VN đầu tư mà chúng ta không về đầu tư trong nước?”. Là họ vẫn đau đáu về Tổ quốc của mình.
Bên lề diễn đàn, tôi rất thích tâm sự của một doanh nhân: “Thời đó sinh viên đi du học về nước gọi là người yêu nước, những sinh viên ở lại nước ngoài lập nghiệp thì tiếng ra tiếng vào nhưng chúng tôi ở lại là vì nước. Nay thành công ở nước ngoài về đầu tư ở trong nước thì người yêu nước và người vì nước đã hòa nhập làm một”.
*
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền CHXHCN VN tại Ukraine đánh giá, Chương trình Khát vọng trẻ của Thanh Niên là đại sứ của tính hữu nghị, đó là đánh giá về mặt quan hệ, riêng tôi, chuyến đi dù nhắn nhưng cho tôi nhiều trải nghiệm, qua đó lý giải được phần nào về sự thành công của cộng đồng người Việt tại Ukraine nói riêng và Châu Âu nói chung.
Người ta có nhiều quan điểm khác nhau về các nước trước đây là XHCN, không ít những người báng bổ, tôi thì nghĩ khác: Nếu không phải đã từng XHCN anh em thì làm sao cộng đồng người Việt lại có thể xây được cả ngôi làng với tượng đài Thánh Gióng sững sững, với khu chùa VN hoành tráng đậm chất tâm linh ngay giữ lòng Kharcov- Ukraine? Và kiến trúc, quy hoạch của TP Kharcov hay Kiev hôm nay có nền tảng từ thời XHCN đã chứng minh ở các nước này XHCN không phải cái gì cũng không thành công.  
*
Tôi rất thích những tượng đài, rất thích những phù điêu từ thời Liên Xô vẫn còn nguyên vẹn trên những tòa nhà như thích người yêu đầu tiên vẫn để tóc dài và nay mặc áo dài cách điệu…

Không gì đẹp bằng ký ức.


Ukraine, tháng 9.2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét