Thứ Hai, 10 tháng 4, 2017

CHONG ĐÈN NGHĨ CHUYỆN ĐÀ NẴNG VÀ LUẬN... LUNG TUNG

NGUYỄN THẾ THỊNH 
Đêm nào mình cũng thức rất khuya hoặc dậy rất sớm. Giới hạn ngủ chỉ trong 6 tiếng đêm cộng một tiếng buổi trưa, là bảy. So với thuyết âm mưu của giới chuyên môn thì thiếu mất 1 tiếng.
Thời gian thức thì làm 3 việc, đọc, xem và viết.
Hôm nay mình đọc lần thứ ba quyển "Lời tự thú của một nhà báo Mỹ" (Tom Plate).
Mình thích ông này vì những nhận xét rất riêng. Ví dụ, nhiều quyển sách viết về Lý Quang Diệu mà mình đã đọc hầu hết đều mô tả ông là quá hoàn hảo, trong khi Tom nhận xét: " Ông Lý quả thực là một nhà độc tài châu Á tàn nhẫn không bao giờ biết ăn năn, người mà tính không khoan dung cứng như đá...."
Tom dường như đã nhìn rất sâu vào vẻ ngoài điềm đạm của ông Lý.
*
Đọc đến đây bỗng dưng bật cười vì nhớ lại ngày xưa học với GS Trần Quốc Vượng, một hôm ông nhìn mình rất lâu rồi nói, "Tướng tốt, chỉ cần thêm một tí mạnh, một tí ác... ". Thầy bỏ lửng câu nói làm mình suy nghĩ hoài mấy chục năm qua. Rốt cục cũng không mạnh và không ác được.
Nhưng có lẽ, ở một khía cạnh nào đó, mình đã không hiểu hết ý thầy. Mạnh và ác ở đây không hoàn toàn hiểu như cái vỏ ngôn ngữ của nó.
*
Ngẫm lại, anh làm việc trong một cơ quan nào đó, nếu anh là người hiền lành, luôn tuân thủ và không bộc lộ tính cách thì anh sẽ hoặc là luôn luôn bị lợi dụng, hoặc là luôn luôn bị bắt nạt, thậm chí chỉ để các sếp và cả đồng nghiệp sai vặt. Ngược lại, nếu anh cá tính, có chính kiến rõ ràng, phản biện đúng thì làm cho người ta nể sợ. Thậm chí sếp cũng phải kiềng.
Làm lãnh đạo cũng thế, nếu anh luôn luôn nhún nhường sẽ bị người khác lấn lướt. Phải thể hiện sức mạnh của mình, sức mạnh đó không cần phải đao to búa lớn mà có, nó có ngay từ trong một câu nói thầm vào tai người khác. Tuy nhiên, anh phải là người kín kẽ, nếu không anh không bao giờ dám mạnh mẽ vì bản thân anh luôn bị ám ảnh "có tật giật mình".
Ông Nguyễn Bá Thanh có tố chất này.
*
Ở một khía cạnh khác: Ông Lý độc tài, không khoan dung là vì ông Lý chỉ có lòng tham vô đáy, nhưng lòng tham đó thuộc về dân tộc ông.
Khác với An Nam.
Ít người dám mạnh là vì tham mà tham chỉ cho mình.
*
Đối với nghề báo, so với thuyết âm mưu thì thuyết hỗn mang là kim chỉ nam tốt hơn cho hành xử nếu chúng ta muốn tìm cách hiểu hay dự đoán nó.
Nhất là làm báo ở Đà Nẵng hiện nay.
Hãy nhớ, phải dùng thuyết hỗn mang.
Đọc xong có ai hiểu chi không? :P :P :P

ANH CHƯƠNG CỤC... CẤM HÁT

NGUYỄN THẾ THỊNH

Xin méc với anh Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng cục Cấm, Bộ Văn Thể Du:
- Hiện em thấy hầu hết các buổi chào cờ bọn chúng hát Quốc ca chỉ hát lời 1, không hát lời 2 là cực kỳ sai với bản gốc Tiến quân ca của Văn Cao. Lời hát cũng không đúng bản gốc  luôn.
Đề nghị anh xem xét.
- Bài Chào mừng Đảng Cộng sản VN bản gốc của Đỗ Minh có tựa (và cả trong lời) là Chào mừng Đảng Lao động VN.
Đề nghị anh xem xét nốt.
Muốn méc anh nhiều nhưng chừng đó đã, hé. Sợ anh tẩu hỏa nhập ma.
Con đường xưa chả là cái đinh chi mô anh.
Anh cấm được hai bài trên thì anh là đỉnh của đỉnh.
Chơi luôn đi anh. Thế anh mới là tinh của tinh tướng :P
Kính anh
Nỗi ám ảnh của đời em.

***
P/s: Còn chuyện chúng nó dịch Tư bản luận theo kiểu lược dịch; chuyện Di chúc của Bác Hồ bản công bố đầu tiên (nay vẫn lưu truyền) không đúng bản gốc để em méc bên Cục Xuất bản :P



TỪ ĐIỂN "THỦ ĐOẠN CHÍNH TRỊ"

NGUYỄN THẾ THỊNH

Mình thường khuyên những người bạn, người em của mình làm chính trị, ít nhất xem ba lần phim “House of Cards”, dù đó là loạt phim dài tập. 
Để làm gì? Để mỗi khi gặp tình huống nào đó thì nhớ và mở đúng đoạn tương tự ra xem.
Vì sao? Vì bộ phim cực kỳ hấp dẫn này chính là cuốn "từ điển của thủ đoạn chính trị".
*
Phàm thể chế nào thì lobby vẫn cứ tồn tại. Lobby được hiểu nôm na là "vận động hành lang" nhằm tác động lên quá trình ra quyết sách về một vấn đề nào đó. Ở Mỹ, thậm chí nó thành một nghề và có nhiều nhân vật nổi tiếng vì họ đã lobby nhiều vụ rất thành công.
Tuy nhiên, người lobby chỉ làm lobby, khác VN.
Chính trường Mỹ cũng bị các nhà tài phiệt thao túng. Thậm chí, có những việc đại sự quốc gia, tổng thống cũng phải nhờ đến họ.
Những kiểu "chạy" giấy phép, "chạy" dự án hay chia sẻ quyền lợi với quan chức của các doanh nhân Việt Nam có thể xem là một phần của hoạt động lobby.
Những doanh nhân giàu có hoặc nhanh chóng giàu có hầu hết đều lobby giỏi. Và khác Mỹ, họ lobby cho chính họ.
Điều quan trọng nhất, ở VN, ít ai nhìn thấy, là kết cục của những người lobby giỏi, sống bằng lobby thì đều rất bi thảm.
Khi nhận ra điều này, mình chú ý tìm hiểu và rút ra rằng, dù cho anh có thân thiết và mang lại lợi ích đến mấy cho người chống lưng anh thì rốt cục, khi có biến họ không bao giờ đánh đổi cái ghế đang ngồi để bảo vệ anh. Nói tóm lại, là họ sẽ rất nhanh chóng "bỏ của chạy lấy người".
"Biến" ở đây có nhiều nghĩa.
Trong “House of Cards”, tất cả những người giỏi nhất của các lĩnh vực khác nhau, trong mắt người làm chính trị đều chỉ có giá trị lợi dụng mà thôi.
Các nhà tài phiệt Mỹ cũng thế. Hết giá trị lợi dụng hoặc tính đến nguy cơ thì họ sẽ bị xử đẹp.
Cô nhà báo kiêm người tình của Phó tổng thống trong phim đã bị chính ông này đẩy vào đường tàu là một ví dụ.
*
Mình không làm chính trị nhưng xem phim này kỹ.
Vì thế mình chưa từng nhận xét và tiên đoán về tương lai chính trị hoặc tương lai kinh tế của ai (mà mình quan tâm) sai cả.
Đó là nhờ "từ điển thủ đoạn chính trị" do Mỹ sản xuất cho... nhân loại xem.
Hiện mình cũng đang đoán rất đúng. :P :P :P