Thứ Năm, 31 tháng 1, 2019

MIỀN CỰC LẠC TIÊU TIỀN ĐỊA PHỦ, CÁ NƯỚC NGỌT BỊ DÌM CHẾT DƯỚI SÔNG HÀN

Phong tục thờ cúng gia tiên (gọi là thọ mai) là một nét văn hóa của người Việt, nó không liên quan đến tôn giáo nào cả.
Thế nhưng hiện nay, trên mạng, các trang hướng dẫn về phong thủy, nghi lễ, thậm chí hầu hết các báo viết về đề tài này đều dẫn những bài văn khấn (nhất là các lễ cúng dịp tết) đều bắt đầu và kết thúc bằng câu “Nam mô a di đà phật (3 lần). 
Ai cũng biết câu này thuộc về đạo Phật.
*
Tôi không theo đạo Phật nhưng rất thích triết lý của đạo Phật. Thượng tọa Thích Nhật Từ giải thích ngắn gọn, triết lý đó là lo cho người sống chứ không phải người chết. Ngay cả khi làm lễ cầu siêu cho người đã khuất cũng là lo cho người sống.
Sống phải tích đức chứ không phải chết rồi cầu phúc đức.

Thầy nói thế này:
Khi cúng ông Công, ông Táo hay cúng tất niên, giao thừa, thường có áo mũ, vàng mã. Không đúng. Ông Công, ông Táo, quan hành khiển làm việc của Ngọc Hoàng giao. Họ có trang phục, có phương tiện được cấp. Không ông nào lại mang đồ cuả người dương gian tặng, cưỡi cá chép, cầm tiền vàng của dương gian cúng… (hóa ra họ nhận lối lộ à?). Nên các lễ cũng đó là nghi lễ đón rước hoặc đưa tiễn, nên làm vui vẻ nhưng nhẹ nhàng. Đã là tiên, là thánh… thì họ chỉ hưởng hương hoa mà thôi.
Tôi thấy có lý.
Và thọ mai không khấn Nam mô…chỉ kính lạy (ông này bà khác).
*
Ai cũng cầu cho người chết vãng sinh cực lạc, tức là đến miền cực lạc. Vậy sao đốt tiền “Ngân hàng địa phủ”? Muốn họ ở đó hoài để tiêu tiền à?
Quá vô lý.
*
Mấy hôm nay trên mạng đưa các clip về phóng sinh mà thấy đau lòng. Người vừa phóng sinh, cá chưa kịp bơi đã bị điện dí giãy đành đạch. Họ bắt lại không phải để ăn mà để cho nó tỉnh lại rồi bán tiếp cho người mua để… phóng sinh.
Không có chuyện phóng sinh thì có phải chim cá nó sống đàng hoàng không?
Phóng sinh là khi thấy một con chim bị ướt lông không bay được thì cứu nó. Thấy ai làm thịt con chó thì can lại, hỏi mua rồi mang về nuôi hoặc thả nó nơi hợp lý…Chứ đi đặt mua để phóng sinh là mắc tội chứ phóng sinh gì?
Đặt thì có người săn bắt, mới sinh chuyện dí điện đau lòng đó.
Ấy là chưa kể mấy người mua cá vàng phóng sinh xuống sông Hàn. Cá vàng sống nước ngọt, sông Hàn nước mặn làm sao nó sống cho nỗi. Vậy mà hôm rồi, bờ sông đoạn cầu Tuyên Sơn xếp hàng...phóng sinh. Phóng gì, thả xuống nước mặn nó nổ mắt mà chết chứ có mà phóng?
*
Người học hành đầy mình, đầu hai thứ tóc lại gọi thầy bói không biết chữ bằng thầy, xưng con. Thầy phán cứ dạ thưa răm rắp.
Đó là biểu hiện cao nhất của sự bế tắc, sự ngu muội của lối giáo dục cứ khóc là Bụt hiện ra...

LỬA ẤM

Thời nhỏ, ba đi vắng, mạ ở nhà một mình vất vả vô cùng tận nên làm được gì phụ mạ là làm. Mình là anh của một đàn em.
Thời đó cả làng uống nước sông Kiến Giang. Nhà cách xa sông, hai đứa lớn nhất hai đầu cái đòn gánh có cái thùng ở giữa xuống bến lấy nước. Đầu tiên hai đứa nửa thùng, lớn lên xí, hai phân ba thùng, rồi đầy thùng.
Lớn lên tí nữa thì mình tự gánh hai đầu hai thùng nhưng cũng bắt đầu từ một phần ba thùng nước.
Gánh nước là thước đo sự trưởng thành của anh em mình.
Đến khi gánh được hai thùng đầy. Mình đã lớn.
*
Đến bữa nấu cơm, rất hiếm củi, chủ yếu đun bằng rơm rạ nên mạ bày trong một nồi phải nấu được cả cơm cả cháo. Vì em nhỏ ăn cháo.
Muốn thế thì khi cơm sôi, bắc nghiêng nồi lại, gạt sắn ra một bên (cơm độn sắn nên cho khá nhiều nước) rồi lấy đũa đánh góc có nhiều gạo. Đánh một lúc phải để nghiêng nồi thế mà đun lửa rơm cho đến chín. Phía gạo nhiều sẽ thành cháo.
Bữa mua được con cá trê dành nấu cháo cho em. Muốn một con cá nấu nhiều bữa thì cắt phần đuôi nấu trước, phần còn lại vẫn để con cá vào chậu đậy lại, cá trê vẫn sống như thường. Bữa sau lại cắt khúc kế tiếp (chưa đến ruột). Sau cùng mới là phần đầu. (Vì sợ luộc ra thì anh chị thèm quá lén ăn hết phần em).
*
Cái nghèo, cái đói ngấm vào căn cốt, có nhiều thói quen đến giờ vẫn không bỏ được.
Mình không bao giờ ra quán uống cà phê, ăn sáng.
Buổi sáng pha trà đặc, ngồi đọc báo, uống trà. Thường thì không ăn, nhưng nếu đêm trước nhậu, sáng ra đói thì lấy cơm nguội ra chiên hoặc nấu thành cháo, ăn với nước mắm.
Thức ăn còn thừa cứ tiếc, không bao giờ đổ, bỏ tủ lạnh. Có thứ không ăn tiếp nữa nhưng chờ hư mới chịu đổ.
Cá, thịt ăn chán xay ra làm ruốc bông. Đôi khi cũng chẳng ăn, lâu quá lại đổ.
Nhà nhất định duy trì bữa cơm, người này bận, người kia nấu, không gọi đồ ăn ngoài. Bếp nhất định phải “đỏ lửa”.
Nói chung, cái thói quen không hề hay nhưng khó bỏ.
Thói quen làm hai đứa con cũng quen luôn. Đi học xa, không ăn ngoài, đi chợ, nấu cơm cho đến khi ra trường. Con sang học nước ngoài cũng tự nấu ăn, ngày nào mẹ cũng skype hỏi nấu món gì.
*
Hồi trước, khi ra Hà Nội, mình vận động ba mạ về sống ở Đồng Hới cho gần các em. Ba mạ vẫn để một góc làm cái bếp củi. Sáng, mạ lui cui đun nước, pha trà, ba đi bộ về thì hai ông bà ngồi uống.
Trưa, chiều, ba nhóm lửa, mạ nấu cơm.
Nói nấu bếp ga cho nhanh, mạ nói nấu bếp củi ngon hơn. Ba nói, nước nấu bếp củi pha trà thơm hơn.
Bọn mình bảo ba mạ bảo thủ.
Nhưng mà…
Có bếp củi, người trong nhà ngồi bên nhau nhiều hơn.
Lửa ấm.
***
Ảnh: Vợ chồng bên góc bếp nhà ba mạ ở TP Đồng Hới.