Thứ Năm, 28 tháng 2, 2013

Chiếc cầu Định Mệnh (9)


11/14/2011 03:26 pm
Năm 1999, miền Trung lũ lớn.
Tôi được Tòa soạn cử áp tải một xe hàng cứu trợ đi từ Hà Nội vào Huế, xong thì ở đó chi viện cho Văn phòng miền Trung.
Đến nơi thì đã thấy Đặng Ngọc Khoa từ Đồng Nai, Hải Châu từ Đà Nẵng, Quang Minh Nhật dẫn một đoàn xe tải chở gạo từ Đồng bằng sông Cửu Long, hôm sau thì Ngọc Giao theo máy bay quân đội từ Vinh vào...
Vì đèo Hải Vân tắc nên Văn phòng miền Trung có sáng kiến chuyển tiền ra mua hàng ngay ở Huế để kịp cứu trợ. Công việc làm không hết, bài vở cũng phải hoàn thành.
Buổi sáng, chúng tôi đến Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế vừa là để lấy thông tin, vừa là để họ giới thiệu địa điểm cứu trợ. Hồi đó, tỉnh này không mặn mà với chuyện cứu trợ trực tiếp đến dân như bây giờ. Hàng hóa chuyển đến, họ cho vào kho để tự họ phân phối sau. Chúng tôi không chịu làm cách đó.
Trong lúc anh em báo chí tụ tập ở Văn phòng UBND, đứng ngồi chật cả phòng, thì một nhà báo nhớn đi vào. Ông gạt toàn bộ cốc uống nước trên bàn rồi bỏ ra một lọ hồ, một cái kéo, một bản báo cáo của Ban PCBL tỉnh dài dễ đến hai chục trang và bắt đầu cắt dán. Ông cắt từng khúc, dùng hồ dán dán lại, rồi đặt cái tít, viết thêm một đoạn champo...tổng cộng cỡ chừng 5 trang, sai người của văn phòng fotocopy lại rồi ghi số fax bảo họ fax ra cho tờ báo nhớn của ông. Ông làm tự nhiên đến nỗi, anh em các báo theo dõi, bình luận và cười cợt bao nhiêu, ông cũng không thèm để ý. Xong việc, ông lại thu hồ dán, dao kéo...cho vào túi rồi nói với chánh văn phòng ủy ban: “Ngày mai đăng nguyên văn hoành tráng đó!”.
Tôi chạy theo cô văn thư để xin một bản foto nói là “học tập kinh nghiệm”, mang về, anh em đọc cười tức cả bụng. Vì ông chỉ chọn những đoạn tỉnh báo cáo là đã chỉ đạo thế này, làm thế kia nên không để xẩy ra thiệt hại...Trong lúc đó thì dân tình đang kêu đói khản cả giọng...
*
Đêm lại, anh em trong đoàn Báo Thanh Niên lên phòng của một đoàn cứu trợ từ Hà Nội vào (ở số 2 Lê Lợi-Huế), đa số là sinh viên, người dẫn đầu có chút quan hệ nên muốn Thanh Niên chuyển sang cho 2 tấn gạo để hôm sau họ đi khám bệnh và phát luôn, nếu không, chỉ khám bệnh thì dân không khám.
Tôi đi trước, tiếp đến là Hải Châu rồi Đặng Ngọc Khoa...Mở cửa phòng thì...chao ôi, trai gái nằm ỏng ẻo trên giường, đang đục sữa hộp ra uống, vỏ lon sữa đặc có đường vứt nghênh ngang trong cái thùng đề bên ngoài “Hàng cứu trợ đồng bào Thừa Thiên- Huế bị bão lụt”. Dường như thấy chướng, người trưởng đoàn (là một vị  nghe danh rất khả kính) đá mấy cái thùng cát-tông vào gầm giường.
Ba chúng tôi ngồi bàn chuyện cứu trợ mà mặt mày ngượng đến mức chỉ mong tìm được cái lổ nẻ mà chui xuống.
Chuyện này sau đó đến mỗi đợt lũ, chúng tôi không thể không nhắc lại với nhau như một nỗi nhục không thể rửa.
*
Ngọc Giao đi máy bay quân đội, xách theo một cái va ly màu đỏ của gia đình một người rất nổi tiếng lúc đó gửi vào cứu trợ. Đặng Ngọc Khoa mình đầy kinh nghiệm bèn đề xuất ý kiến: Mở ra, chọn một cái áo của người này mang ra tổ chức đấu giá để lấy tiền giúp bà con. Mọi người đồng ý liền. Ngọc Giao mở va ly ra thì chỉ có vài bộ áo quần cũ, còn lại...toàn là đồ lót của cô vợ tương lai của anh chàng nổi tiếng.
Chúng tôi ở Huế một tuần, mỗi ngày nhận được ít nhất hai cuộc điện thoại của gia đình người nổi tiếng này hỏi vì sao chưa đưa tin gia đình họ gửi hàng cứu trợ đồng bào...
Đôi khi tấm lòng nằm trên miệng người đời. (Còn tiếp)

Chủ Nhật, 24 tháng 2, 2013

Chiếc cầu Định Mệnh (8)


Quay trở lại chuyện về Thanh Niên.

Tôi làm thường trú tại Quảng Bình- Hà Tĩnh một năm thì có giấy báo được Giải Báo chí Toàn quốc (nay gọi là Giải Báo chí Quốc gia). Điện thoại xin anh Trương Điện Thắng, Trưởng VPMT, anh Thắng báo với BBT và BBT đồng ý cho ra Hà Nội nhận giải. Đó là lần đầu tiên tôi biết Toà soạn Hà Nội.

Cuộc đời tôi từng có lần được thưởng Huy hiệu của Người (cách gọi của Huy hiệu Bác Hồ) hồi học lớp 5 ở xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hoá) về thành tích cứu người trên sông Mã. Lần đó Thứ trưởng Bộ Nội vụ (Bộ Nội vụ lúc đó có cả công an) Lê Tất Đắc trao. Thế đã thấy oai lắm rồi. Lần này oai hơn, Chủ tịch Nước Trần Đức Lương trực tiếp trao.

Nhận xong giấy chứng nhận, bằng khen và tiền thưởng, thấy một anh tiến đến, hỏi, anh là Nguyễn Thế Thịnh? Tôi gật. Người đó bảo, em là Việt Hưng, anh Quốc Phong nói em đón anh về Toà soạn. Đó cũng là lần đầu tôi gặp Việt Hưng.

Hồi đó anh em tuy chưa gặp nhau nhưng đọc nhau rất kỹ. Ai đều biết ai như thế nào. Không phải như bây giờ người ta ít đọc về nhau, có đọc cũng ít nhớ, chủ yếu là vì làm báo bây giờ chỉ cần thông tin, không quan trọng bản sắc. Mà bản sắc từng cây bút có được nhờ giọng điệu. Bây giờ ai viết giọng điệu thế nào cũng bị chặt đầu chặt đuôi, chặt vi cạo vảy bỏ vào nồi cho vừa.

Việt Hưng chở tôi về Toà soạn thì gặp anh Quốc Phong, Phó tổng biên tập. Ấn tượng đầu tiên là anh quá giống ông anh vợ của tôi, giống đến mức càng lâu thấy càng giống. Anh Phong giới thiệu tôi với mọi người. Nói đến ai nhớ đến nấy vì đọc bài của họ rất nhiều. Mọi người có vẻ cũng biết tên tôi.

Liên Châu thì hỏi tôi chuyện “thổi thắt thổi mở”, vì lúc đó tôi có viết một bài về chuyện có bà người Nguồn ở huyện Minh Hoá (Quảng Bình) có tài thổi thắt thay cho đặt vòng chị em, thổi mở để cần sinh thì sinh được. Thu Hồng thì hỏi chuyện văn nghệ, Việt Chiến thì bảo thằng này được, thằng này được…Quảng Bình đã có anh em Quang Lập, Quang Vinh lại còn sinh ra anh em Thế Tường, Thế Thịnh…Nói chung anh em như đã quen nhau từ lâu. Không khí này bây giờ không có. Một phần như tôi nói, là do khuynh hướng làm thông tin hiện nay, phần khác có vẻ như con người càng ngày càng ích kỉ, chỉ biết mình là đủ.

Tôi ở lại Hà Nội một ngày và gặp rất nhiều bạn bè làm báo. Hồi đó ai đi công tác vào Quảng Bình nhất định phải tìm đến tôi vì hai nhẽ, tôi có nhiều thông tin và quan trọng hơn, rất nhiệt tình với bạn bè. Nhẽ thứ ba, cũng là nhẽ đã nói, anh em đọc nhau và quý nhau.

*

Năm sau đó, anh Trương Điện Thắng điện thoại bảo, mày vào Đà Nẵng đi TPHCM xem Duyên dáng Việt Nam với tao,  Nguyễn Công Khế cho rồi (anh Thắng rất bản lĩnh, đến nay không có ai là sếp mà ảnh gọi bằng anh, gọi bằng tên là may rồi, khác với tôi, bạn tôi, em tôi lên làm sếp lập tức tôi gọi bằng anh và xưng tên). Tôi sướng quá nhảy tưng tưng. Mình mới về báo chưa lâu lại được đi coi chương trình bao nhiêu người mơ ước, không tưng mới lạ.

Hôm chiêu đãi anh em nghệ sĩ ở Quê Hương, anh Khế hỏi, ông có ưa ra Hà Nội không. Tôi hơi bất ngờ nhưng gật đầu vì cũng đã đến lúc phải thay đổi, ở Quảng Bình, thường trú một thân một mình, không ai quản lý, tự do thoải mái vô cùng, nhưng tự do quá, rảnh rỗi quá cũng chán. Tưởng nói thế rồi thôi, ai dè khoảng tháng sau tôi nhận được quyết định.

*

Lại kể, ở Quảng Bình, phải nói về thông tin thời sự không được như các nơi khác, nhưng tôi viết nhiều là nhờ đi vào một mảng khác, đó là chuyện lạ. Những đề tài khác thường, trái với quy luật đều là…lạ. Tôi quy ước với tôi như thế. Bây giờ, như đã nói, anh em thường trú cày ải trên một mảnh đất vốn không phải là đầu mối thông tin, trong khi báo chí càng về sau càng chú trọng vấn đề thời sự nên nhiều lúc cũng nản. Tôi biết, vì tôi từng trải qua cảm giác đó. Tham nhũng thì ở tỉnh vài trăm triệu mình thấy đã to, như viết vào toà soạn lại cho như hạt cát. Vì vậy phải viết về cách…tham nhũng…lạ, không giống ai mới được.

Tôi nhớ nhất chuyện hồi đó, cứ mỗi nhiệm kỳ đại hội, ông này lên thay ông kia nhưng nhất định không đi xe ông kia mà phải mua xe mới vì sợ…xui. Chuyện này có lẽ ở đâu cũng có, nhưng tôi viết bài “Cả nghìn con trâu bị nhốt trong nhà xe uỷ ban” thì lạ. tít thế không đọc chết liền. Đó là chuyện một chiếc xe Crow 3.0 bị đùn qua đẩy lại, cuối cùng phải cho vào nhà xe khoá lại để mua xe mới. Chiếc xe đó giá trị bằng một nghìn con trâu.

*

Nghĩ đi nghĩ lại mới thấy, đôi khi chỉ một ý tưởng, một quyết định của sếp cũng làm thay đổi số phận một (hoặc nhiều) người. Trong trường hợp của tôi thì hoàn toàn như thế. Về làm Thanh Niên là định mệnh, từ Quảng Bình ra Hà Nội cũng là định mệnh. (Còn tiếp)

Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2013

Chiếc cầu Định Mệnh (7)


Lại kể chuyện trước đó, tôi mới về Báo Dân (Bình Trị Thiên) nhận việc, thấy một người dong dỏng cao, gầy như không thể gầy hơn, ngồi trước hiên, xung quanh là một đám nhà báo trẻ, nam có, nữ có...Đang chuyện rôm rã, anh dong dỏng cao bất chợt thở dài rồi đọc hai câu:
Sự đời như cái lá đa/ Ngẫm đi ngẫm lại mả cha cái sự đời.
Sau này tôi mới biết đó là anh Ngô Đức Biền, bút danh Hiền Lương, phụ trách công tác bạn đọc và giữ chuyên mục mỗi kỳ một chuyện trên báo.
Anh có bệnh hen, sức khỏe không mấy tốt nhưng lại hay đi. Trong khi mọi người chú trọng đến chuyện đại sự quốc gia thì anh một mình một chiếc xe đạp cà tàng anh đi khắp ngõ ngách, đến từng gia đình có hoàn cảnh oan trái hoặc gặp khó khăn trong đời sống. Anh bảo mình rứa thôi, sức yếu làm việc nhỏ.
Mục mỗi kỳ một chuyện của anh là mục được nhiều bạn đọc theo dõi nhất. Từ câu chuyện tranh nhau một lối đi, một cái hàng rào, một bụi chuối, những hiềm khích trong đời sống gia đình, hàng xóm...được anh khái quát lên thành một vấn đề xã hội bằng lối viết nhẹ nhàng, chân chất như con người Quảng Trị quê anh.
Anh bảo tôi, mình phải viết cho người đi lượm ve chai cũng hiểu.
Không chỉ viết, nhận được đơn từ khiếu nại anh tham gia giải quyết rốt ráo, có hiệu quả. Nhiều lần người ta đến cám ơn anh, mang cho anh hai lá thuốc lá (anh bị hen nhưng hút thuốc quấn nguyên lá), thấy anh rất vui.
Thời bắt đầu luồng gió đổi mới, mục mỗi kỳ một chuyện (lúc đó báo tuần ra 4 kỳ) và là mục “nóng” nhất. Nhiều người có chuyện thấp thỏm không biết hôm nay nó có nói mình không?
Một hôm chúng tôi hoảng hồn khi hay tin anh nhập viện. Mọi người chạy ào lên. Thế rồi bác sĩ bảo anh đã đi.
Đám trẻ chúng tôi không kiềm chế được, khóc rống lên. Anh đi, chúng tôi mất một chỗ dựa tinh thần gần như duy nhất. Bởi vì lúc đó cánh phóng viên già là một nhóm có tên chung là ông Quyền Lực, đối với họ lớp trẻ làm gì cũng...không đáng tin, thậm chí là cái gai trong mắt họ, không khí tòa soạn nặng nề vô cùng. Chỉ có anh Biền (và anh Tân Dân, sau này nữa là anh Quý Doãn) là người để chúng tôi tụ tập xung quanh.
Cánh phóng viên trẻ thay nhau trực 3 ngày ba đêm bên linh cửu anh. Tôi sống 3 ngày đó và thấy yêu thương cuộc đời hơn, nhờ anh.
Người đến viếng anh là chị lượm ve chai, bà bán cá ở chợ, anh đạp xe thồ...Họ đến, quỳ sụp bên linh cửu anh, khóc than như thể chính họ mất đi một người thân, một chỗ dựa, một niềm tin...Trong số họ có người không đủ tiền mua nguyên một thẻ nhang, một chai rượu...Họ cầm trên tay chỉ 3 que nhang, thắp lên mà lạy mà kêu khóc thảm thiết...
3 ngày chứng kiến những chuyện đó khiến đứa nào trong chúng tôi cũng cạn khô nước mắt nhưng đều rất tự hào khi có một đồng nghiệp như anh.
Cái chết của anh hồi đó cũng có đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến vấn đề tiêu cực, nhưng sau đó mọi chuyện đều chìm xuống và trôi đi.
Tiễn anh đi rồi, cánh trẻ chúng tôi tụ tập lại trong quán rượu, tôi nhớ có anh Tân Dân, anh Đỗ Quý Doãn và bọn tôi, Chung Anh, Lê Công Doanh, Lê Văn Điểm...ôm lấy nhau mà khóc. Không phải khóc thầm mà khóc tồ tồ. Người ở quán biết chuyện cũng khóc theo. Đến lúc đó chúng tôi vẫn không thể nào dám tin là anh đã bỏ chúng tôi mà đi...
Thấy chúng tôi khóc dữ quá, mấy ông ở Viện Kiểm sát tỉnh (gần đó) bèn điện thoại về cơ quan. Ngay lập tức Tổng biên tập Phạm Xuân Thích đạp xe đến kêu về. Và cuối năm đó, những người khóc đều bị cắt lao đông tiên tiến chỉ vì cái tội...khóc.
Anh Ngô Đức Biền mất để lại mấy đứa con còn nhỏ, gia đình rất khó khăn. Thế rồi chia tỉnh, tôi về Quảng Bình, bôn ba với đời sống và công việc. Cho đến khi vào Đà Nẵng, nhận được nhiều bài cộng tác viết rất tốt của một cô gái ở Huế. Trong một cuộc thi viết về Người tình nguyện do báo Thanh Niên tổ chức, cô ấy đoạt gải nhì. Sau này anh Nguyễn Tuấn mới cho tôi hay, đó là cô con gái đầu của anh Ngô Đức Biền.
Anh Ngô Đức Biền là một nhân cách ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc đời tôi, cho dù thời gian sống cùng anh rất ngắn.
Sau này, theo thời gian, tôi chứng kiến nhiều sự ra đi của nhiều đồng nghiệp nhưng thấy không ai giống anh Biền. Không giống ở chỗ, người ta viết bài chia buồn trên báo rất nhiều và rất dài vì người viết không có thời gian khóc đến mức bị kỷ luật như bọn tôi hồi đó.
Trong cuộc đời, đôi khi chỉ gặp một con người cũng là định mệnh. (Còn tiếp)

Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

Chiếc cầu Định Mệnh (6)


10/31/2011 05:31 pm

Đang nói đến đoạn về Thanh Niên và ra Hà Nội, nhưng dừng lại một chút để nói chuyện cũ hơn một chút.
Ông Nguyễn Đắc Xuân, Trưởng VPĐD Báo Lao Động tại miền Trung ra Quảng Bình tìm cộng tác viên (hồi đó gọi là phái viên) cho báo, mọi người giới thiệu tôi nhưng ông có vẻ lừng khừng. Cuối cùng ổng chọn cách tìm thêm một người khác rồi trả phụ cấp cho cả hai. Mỗi tháng tôi được nhận 200 đồng.
Làm được một thời gian thì VP thuê một xe 12 chỗ ngồi chở PV và phái viên vào TPHCM họp, chuyến đi nhớ đời, đến Nha Trang đã 2 giờ sáng, ông Xuân cho hết anh em vào hội trường của LĐLĐ, muỗi cắn đập không xuể. Ngồi thế cho đến sáng lại đi. Nhưng chuyến đi đó tôi học được rất nhiều từ các bậc tiền bối: Lý Quý Chung, Trần Trọng Thức và Ba Thợ Tiện.
Hồi đó anh Ba giữ mục “Nói hay đừng”, gần ngày vào SG, tôi viết một bài cho mục này có tên “Bài học đạo đức” kể chuyện bà hội đồng (vợ ông cấp lớn) trả lời trước hội đồng câu hỏi tiền đâu để làm cái nhà bự chác giữa thị xã, bà đáp tỉnh queo: “Tôi ra đường được cục vàng đem về bán đi xây nhà”. Trong bài đó tôi nhắc lại bài học đạo đức từ hồi còn bé có tên “Được của rơi trả lại cho người đánh mất”, rồi đặt câu hỏi, sao bà không trả? Đại để thế. Bài đăng, ký tên Học trò Thợ tiện. Anh Ba gặp tôi, bảo: “Mấy đứa biên tập bậy, anh để cái tên em ký (Tư Đèo Ngang) không hiểu sao chúng nó sửa lại bậy thiệt, anh xin lỗi! Bài ấy xứng đáng là thầy thợ tiện chứ học trò chi? ”
Bài ấy công bằng mà nói thì cũng có hay, nhưng anh khen chủ yếu là khen động viên, biết thế nhưng được đà, tôi viết nhiều, đặc biệt là phóng sự “thương hiệu Báo Lao Động”. Nhiều bài được thưởng chất lượng và...tiếng nổi như cồn. Hồi đó được đăng phóng sự trên Lao Động Chủ nhật (làm ở SG) là...kinh khủng lắm!

Sau này mọi người hay nhắc cũng là nhắc phóng sự trên Lao Động của tôi. Đặc biệt bài “Đi chợ bò” được rất nhiều giáo trình lấy ra làm...kinh điển.
Lao Động đã cho tôi rất nhiều. Tiền (hồi đó đang nghèo, tháng tôi thu nhập một hai triệu nhuận bút (cả cây vàng) là kinh lắm), danh (như đã nói), do vậy khi quyết định đi là tôi nhắm đến Lao Động.
*
Nộp hồ sơ xong và chờ. Chờ không được, tôi nhảy tàu ra Hà Nội.
Tổng biên tập Phạm Huy Hoàn nghe tôi trình bày xong thì nói vanh vách đầu đề mấy phóng sự của tôi. Tôi mừng hết lớn. Nhưng rồi anh hạ giọng: “Cậu cũng có vài vấn đề, nhưng được rồi, để tớ xem đã nhé!”.
Tôi sang gặp anh Lý Sinh Sự, anh Lý là người thường liên lạc với tôi và đã gặp mấy lần. Gặp, anh nói ngay: “Cũng có người muốn cứu cậu đó, nhưng cũng còn vài vấn đề...”
Ơ hay, cứu là cứu cái gì? Đi được thì đi không thì việc tôi tôi làm chứ sao ai lại cứu? Tự nhiên thấy mất hứng.
Trưa, anh Lý cũng mời tôi và anh Hân Hương đi cơm trưa tại nhà hàng Ngọc.  Ông nhà văn Hòa Vang và anh Lương Ngọc nhà thơ bất ngờ chạy đến ôm tôi, thắm thiết lắm, rồi hai người thi nhau ca tôi, bảo anh Lý nên nhận tôi về. Anh Lý lại nói: “Nó cũng còn một số vấn đề”.
Tối tôi đi nhậu với Trần Duy Phương (hồi đó đang là Tổng thư ký) và một người bạn rồi nhảy lên tàu vào Đồng Hới, tự kiểm điểm lại xem “một số vấn đề” là vấn đề gì, nhưng không thể nào biết được. Nói chung là hơi thất vọng.
Hôm sau đến nhà, nhận được điện thoại một người bạn trong Lao Động: “Thôi, thế là được rồi đó, chờ vài hôm đi, yên tâm!”. Tôi cười mếu: “Yên tâm mả mẹ gì được, một số vấn đề mà vấn đề gì không biết thì sao mà yên tâm!”
*
Sau tôi nghe kể lại:
Anh Nguyễn Công Khế điện thoại cho anh Trương Điện Thắng, Trưởng VPMT, bảo: “Nghe nói Thế Thịnh nó định về Lao Động nhưng lùng bùng gì đó, ông xem bảo nó về báo ta”. Anh Thắng cử anh Thái Ngọc San ra gặp.
Anh San không báo trước, gặp tình cờ ở quán café, anh bảo: “Mi có hay đọc Thanh Niên không mi?”. Tôi bảo: “Hữu Thái, Phó thư ký tòa soạn của em cộng tác với Thanh Niên nên nó có báo, em đọc hết, em nói thiệt nghe, tờ báo anh rồi phát triển mạnh lắm đó. Em rất thích cách làm của báo anh”. Anh San cười cười: “Rứa mi ưa về báo ta không?”. Tôi đáp: “Được thế thì tốt quá!”
Nói thì như nói chuyện chơi rồi quên đi. Vài hôm sau, nhận được điện thoại anh Trương Điện Thắng, sau đó cỡ tiếng đồng hồ nhận được điện thoại anh Nguyễn Thanh Minh (sau này mới biết là Chánh Văn phòng Báo Thanh Niên), hỏi tôi ăn lương bậc mấy, phụ cấp ra sao, thu nhập thế nào...tôi trả lời hết, rồi thôi.
Hôm sau nữa, anh Thắng gọi: “Mi có quyết định rồi, chừ gửi ra hay mi vô lấy”. Tôi bảo hôm sau em vô, và nhờ một người bạn chở vô. Lần đầu tiên tôi biết VPMT của Thanh Niên.
Tôi nhận quyết định, nhận tháng lương đầu tiên rồi mới quay ra Quảng Bình, gặp Tổng biên tập Báo Quảng bình trình bày xin nghỉ phép để đi xin việc. Ông tổng động viên, nếu xin không được chỗ vừa ý thì về mần lại cho bui rồi ký giấy cho tôi nghỉ phép đi xin việc. Cầm giấy cho vào túi xong, tôi chìa quyết định của Thanh Niên ra. Thế là xong.
Tôi coi đó là cơ duyên. Nếu về Lao Động thì có "lăng ba di bộ" siêu như Vũ Mạnh Cường còn không né nỗi huống chi loại bốp chát như tôi. Như thế có phải là định mệnh?
Sau này, mỗi khi nhắc lại, anh Thái Ngọc San bảo: “Trong cuộc đời ta không mần được cứt chi hết, chỉ mần được một việc là đưa thằng này (tức là tôi) về Thanh Niên”. Tôi coi đó là lời khen cũng là lời răn.
*
Tôi chưa từng viết cho Thanh Niên nên về tôi viết như điên. Bài đăng lia chia.
Năm đó tổ chức Duyên dáng VN, anh Khế cho tôi vô Sài Gòn chơi. Năm sau tổ chức U21 tại Đà Nẵng ảnh cũng cho tôi vô chơi. Tôi coi đó như là một sự tưởng thưởng.
Rồi tôi ra Hà Nội mấy năm, cho đến 2001. Ở đó, tôi vẫn chơi thân thiết với bạn bè tôi ở Lao Động. Và tôi vẫn viết phóng sự cho Lao Động.
Rồi tôi nhận được giấy báo của Hội Nhà báo, cho hay tôi đoạt giải nhất duy nhất, trị giá 15 triệu đồng cho phóng sự “Một lão nông tài ngang...tiến sĩ” đăng trên Lao Động.
 Kể chuyện này để nói lại chuyện cũ, tôi nhất định phải tìm ra “một số vấn đề” là vấn đề gì.
Và được biết: Hồi đó tôi viết bất kỳ bài nào trên báo Lao Động cũng có đơn khiếu nại. Ông Quyền Lực đọc báo, thấy bài, lập tức đến đơn vị gọi là bị phê bình hoặc có nhắc đến trong bài viết xúi họ kiện. Chẳng những thế, ông còn tự viết bài phản bác, rồi thuê người đánh máy, in ra, mang đến cho họ ký, đóng dấu, gửi đi.
Khi nghe rục rịch tôi xin về Lao Động, ông đã tự tay viết một lá đơn dài 14 trang để tố tôi, trong đó chủ yếu nói tôi ngạo mạn, không tôn trọng người lớn, hay mạt sát cấp trên, tham vọng quyền lực, tính cách ưa làm lãnh tụ...vân vân (đơn này sau đó được một người làm fotocopy đưa cho tôi).
Hơn thế, có người tổ chức cho ông ra tận Tòa soạn Lao Động, gặp lãnh đạo để trình bày.
Khi TS đang phân vân, hỏi ý kiến ông Nguyễn Đắc Xuân, ông Xuân tóc trắng nhận xét: “Lý lịch hắng (hắn) có vấn đề, chú hắn là linh mục” (chuyện này tôi mới biết sau này).
Tôi xin nói để ông Xuân biết: Ông ngoại tôi Lê Viên là Trưởng ty Công an đầu tiên của tỉnh Quảng Bình (hiện có nhà lưu niệm của Bộ Công an xây ở quê); bác tôi là cán bộ cao cấp, chú ruột tôi là liệt sĩ công an, ba tôi là cán bộ tiền khởi nghĩa (Đảng viên 60 năm tuổi Đảng); mạ tôi là một du kích cừ khôi thời chống Pháp (có nhiều huân chương); tôi vào bộ đội năm 17 tuổi, đánh nhau xong thì đi học đại học và đào tạo để thành cán bộ cao cấp trong quân đội; tôi có 8 anh em thì 6 người là Đảng viên cộng sản. Tôi có người chú cùng họ Nguyễn Thế là linh mục ở nhà thờ Châu Ổ, từng là ủy viên Ủy ban MTTQVN, anh em của chú toàn là tướng tá cách mạng (vì thế mà không được tấn phong cao hơn). Tóm lại, ông Quyền Lực hay ông Xuân nói tôi thế nào là điều tôi không lạ, cái lạ là tại sao mấy anh người lớn bên Lao Động lại úp mở không hỏi thẳng tôi. Thế thôi.
*
Câu ông Quyền Lực nói thì tự hỏi: Tôi có tham vọng không?
Người không có tham vọng thì chết đi cho rảnh. Nhưng tham vọng là tham vọng gì? Làm báo thì phải có tham vọng, tham vọng viết hay!
Tôi về Thanh Niên ra Hà Nội được 4 năm thì đoạt 3 giải báo chí toàn quốc. Về 4 năm thì Tổng biên tập biểu, một trong hai người, tôi hoặc Hoàng Hải Vân vô làm phó tổng thư ký tòa soạn, tôi thấy sức không trụ được áp lực nên kiếu. Ban biên tập bảo không vô TP HCM thì vô làm trưởng VPMT, tôi chưa quen nên xin làm phó VP cho đến khi quen việc thì anh Hùng hay bệnh nên bảo tôi làm trưởng. Thanh Niên cho tôi nhiều lắm.
Như thế có chi là tham vọng?
Nhưng tôi có tham vọng thật:
Khi tôi vào VPMT, điểm in Đà Nẵng in 7000 tờ báo. Sau đó lên 37.000 tờ bình quân (có lúc lên 42.000 tờ) gấp đôi tờ báo đứng thứ hai.
Mỗi ngày, thấy số lượng báo lên, đã đời lắm!
Tôi không nói nhờ tôi mà báo lên, đó là cái đà đi lên của một tờ báo, cái vía của người cầm lái, của tập thể anh em, nhưng trong đó có VP tôi, có cả tôi.
Tôi vẫn hay trạng: Trong cùng một công việc, tôi đã làm chỉ muốn đứng thứ nhất. Nếu đứng thứ hai thì thằng thứ nhất nhất định đã chết rồi.
Tôi có tham vọng là thế!
Kể lại chuyện chuyển nơi làm việc, lại nhớ mới rồi trong dịp hội thảo về phương pháp giảng dạy báo chí của Dự án Nâng cao năng lực báo chí VN, anh em đang tám về chủ đề không có đất dụng võ, cô Thu Hà, trước ở VTV (tôi biết do xem chương trình Báo chí tuần qua), sau chuyển qua kênh O2, nay về lại VTV làm Phó ban Chào buổi sáng, nói một câu khiến mọi người gật gù: "Không sợ không có đất dụng võ, chỉ sợ mình không có võ"
(Còn tiếp)

Chiếc cầu Định Mệnh (5)


10/19/2011 09:29 am
Hồi tui làm Thư ký Tòa soạn Báo Quảng Bình, anh Nguyễn Thế Tường nhắc, mày muốn tồn tại thì "chó đừng oai hơn chủ". Khi đó, anh Doãn đã là sếp lớn, một sếp khác mới lên. Người ta đến báo chỉ hỏi tôi nên anh Tường mới nói thế.
Nghe câu đó thoạt đầu tôi cũng điên, nhưng nghĩ lại, anh Tường có hơi quá lời nhưng có lý.
Ông tổng mới của tôi nhanh chóng bị thay, một sếp mới nữa về. Sếp mới nhìn tướng tá nhưng rất dễ chịu. Ổng làm hai việc chưa ai từng làm, một là, hỏi thẳng từng người trong chi bộ vì sao không kết nạp tôi vào Đảng; hai là, kết nạp Đảng tôi. Đó là một buổi lể kết nạp rất vui, khi hô chào cờ chào, anh Lợi phụ trách bấm bài Quốc ca ấn nút catsete, và tiếng loa vang lên: Làng quan họ quê tôi, tháng Giêng vui hát hội....
Ổng tổng càng giao việc cho tôi tôi càng sợ và bắt đầu nhớ lời anh Tường để cẩn thận hơn.
Năm đó dự thi Hội Báo Xuân của Hội NBVN tổ chức tại Hà Nội, báo tôi được luôn hai giải, trình bày bìa và xã luận. Sếp tôi rất thản nhiên nhận luôn tiền thưởng cả hai giải. Một số công thần của báo nằm trong nhóm quyền lực không tiếc lời ca ngợi bài xã luận sắc sảo của sếp. Tôi cười cười, không hề hé răng, nghĩ, như vậy chủ đã oai. Nhưng người đánh máy thì hồn nhiên cãi lại, tôi bảo, em im miệng, không thì toi cả nút. Nhưng mà ông sếp tôi sau đó cười cười, nói mần rứa cho mi đỡ ra cho rồi. Té ra ông cũng biết.
Anh Tường còn dặn tôi, mày viết cái gì cho sếp cũng phải giả vờ sai mấy chữ cho ổng sửa cho ổng sướng. Cái ni thì tôi không làm được. Với lại, ông sếp này rất vui, tui đưa cái chi ổng cũng nói, tự quyết định đi.
Ông sếp thứ ba này cũng nhanh chóng bị điều chuyển về lại vị trí cũ do cận ngày đại hội Đảng bộ tỉnh thì có đơn kiên rằng ổng không phải con...ba ổng, có đơn chưa giải quyết nên người khác điền tên ứng cử, thành một sếp mới. Và tôi quyết định "cho thằng lùn nhảy trang". Đó là quyết định khó khăn nhất mà tôi tôi có: Đi khỏi Báo Quảng Bình. Quyết định hay định mệnh? Có lẽ định mệnh sinh ra quyết định.
Tôi từng nói, trong báo chí, đối với quyền lực thì cho dù bạn có đấu tranh bằng phương pháp nào cũng không thể chiến thắng, kể cả bạo lực cách mạng, điều Lê nin từng dạy (mà ta không thể ứng dụng trong báo chí). Sau này ở nhiều nơi, biết nhiều chuyện, tôi mới ngộ ra, phàm trong cơ quan báo chí nào cũng có những nhân vật bản sao của ông Quyền Lực dưới nhiều hình thức, đó là một hiểm hoạ mà ta phải sống chung và chịu đựng, không chịu đựng được mà bỏ đi là thì là thất bại. Và chúng ta nên nhớ một điều, đừng thất bại trước những con người như thế. Nhưng tôi đã bỏ đi, đi không phải vì thất bại. Tôi không sợ quyền lực nhưng không thể chung sống với những người nhôm nhựa tự cho mình quyền lực bằng biểu quyết số đông với một người sếp đương thời rất sợ số đông.
Nhóm gọi là quyền lực đó được sủng ái chỉ do những chuyện như thế này: Có hôm chúng nó đi đâu về nói với sếp, tôi vừa ngồi trên xe Minh (ông này là Phó bí thư Tỉnh ủy), Minh khen anh lắm, nói thằng đó được, thằng đó được. Thằng đó tức là sếp tôi. Chỉ thế là sếp sướng ngất ngây mấy ngày liền.
Thời sếp này tôi lần đầu tiên trong đời bị kỷ luật khiển trách trong chi bộ; theo nguyên tắc thì khiển trách cấp chi bộ thì không ghi lý lịch. Nhưng khi tôi sang Báo Thanh Niên, phát hiện lý lịch ghi kỷ luật khiển trách, lý do: mạt sát tổng biên tập.
Thực ra chỉ có sếp mới mạt sát lính, còn lính có chăng thì hỗn với sếp. Dùng từ mạt sát trong trường hợp này là không đúng. Sự thật tôi chỉ nói một câu, câu đó chỉ một chữ, đằng sau có chấm dấu than. Không tiện nói ra nhưng có lẽ cũng nhiều người đoán được chữ đó là chữ gì.
Đến giờ tôi vẫn không quên anh Lại Thế Ái. Nói không quên là không muốn quan trọng hóa vấn đề lên, như thế thành ra không thấu tình với anh Ái. Trước anh làm Chủ tịch Công đoàn ngành Giao thông, cộng tác với nhiều báo, sau không hiểu sao lại chuyển sang làm Phó chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh và sinh hoạt cùng chi bộ với tôi. Anh hiền lành, chất phác, bình thường nói năng không hoạt khẩu nhưng vào cuộc họp, bao giờ anh cũng phát biểu sau cùng, rất ngắn nhưng có thể thay đổi cả thế cờ bày sẵn. Anh nói có viện dẫn điều này điều nọ, chết lý ở mức độ cấm cãi.
Nhà thơ Nguyễn Văn Dinh cũng là người tôi rất tôn trọng. Càng về những năm sắp về hưu, tính ông bỗng nhiên đổi khác. Từ một người rất bảo thủ trong nhóm quyền lực, ông bỏ nó để thành con người biết lắng nghe, như câu ông thường nói "phải trái phân minh, nghĩa tình trọn vẹn".
Đó là nói về lớp người lớn tuổi trong báo, còn bọn trẻ thì công bằng mà nói, đứa thích tôi nhiều hơn đứa ghét. Mà lạ, sau ni cũng thế, tôi chỉ chơi được với bọn trẻ thôi. Có lẽ vợ tôi nói đúng, tôi mãi là đứa trẻ con nhiều tuổi. Điều đáng nói là lớp trẻ chưa bao giờ là lớp quyền lực ngoại trừ duy nhất anh bí thư chi đoàn lúc đó. Nói lúc đó là vì sau đó, anh này cũng hết thời trở nên vất vưởng.
Tôi khăn gói ra Tòa soạn Hà Nội, tí tởn với suy nghĩ một chân trời mới đang mở ra cho nghề nghiệp của mình....
Hà Nội là...định mệnh? (Còn tiếp)  

Thứ Tư, 20 tháng 2, 2013

Chiếc cầu Định Mệnh (4)

10/10/2011 10:49 pm
Cái may mắn của cuộc đời tôi khi bước chân vào làm báo là gặp được hai người thầy, đó là anh Trần Đàn, Thư ký Toà soạn và ông Phạm Xuân Thích, Tổng biên tập. May mắn hơn rất nhiều, đó là những ngày đầu tiên của thời kỳ đổi mới, và người thầy vĩ đại chính là Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh với “những việc cần làm ngay”. Báo chí được cởi trói và có vẻ như bọn tôi rất hung hăng. Các số báo ra đời đầy tính chiến đấu với hàng loạt vụ việc được phanh phui. Đó có vẻ như là địa hạt sở trường của tôi nên tôi chiến đấu không biết mệt mỏi, nhờ thế, công bằng mà nói, ít người mới chân ướt chân ráo vào làm báo, lại làm báo Đảng của tỉnh, lại nhanh chóng có tiếng như tôi. Hồi đó tôi chưa có thẻ nhà báo nhưng đi đâu, chỉ cần nói tên là mọi người đều biết và yêu quý. Từ đó về sau, tôi chưa bao giờ phải sử dụng đến một loại giấy tờ gì để chứng minh mình làm báo và cũng chưa bao giờ ai bắt tôi phải xuất trình. Thẻ nhà báo chỉ sử dụng khi bị công an thổi phạt.
Dường như thấy được bọn báo chí khá manh động nên Thường vụ Tỉnh uỷ tổ chức một cuộc gặp, thực tế là để chấn chỉnh lại tư tưởng. Sau khi nắn gân xong,  ông bí thư Tỉnh uỷ nói một câu an ủi đại để, báo chí thì vẫn chiến đấu, như chiếc xe cài số vào rồi là phải chạy, không được cài số lùi. Thế là bài tường thuật của tụi tôi chớp lấy, đặt ngay cái tít: Bí thư Tỉnh uỷ…: “Báo chí không được cài số lùi!”. Bài báo gây được không khí ngoài ý muốn của Thường vụ. Còn bạn đọc thì hỉ hả ra trò. Đây là một xảo thuật mà báo chí Việt Nam hay dùng, bỏ lơ sự bất lợi, chỉ ghi lại những điều có lợi cho mình.
Nói chúng tôi là vì, hồi đó, tôi và Lê Công Doanh được Ban biên tập cử làm “phóng viên xung kích”. Đó là từ Tổng biên tập Phạm Xuân Thích gọi. Nói nghe ghê thế nhưng thực chất hai đứa chúng tôi có nhiệm vụ viết thật nhanh, Toà soạn yêu cầu viết cái gì, bao nhiêu chữ phải có liền. Bài tường thuật trên hai đứa ký tên chung. Doanh vào làm báo trước tôi ít lâu và viết rất hay. Sau này bị một sự cố nên tự nhiên Doanh như người đứt mất giây thần kinh viết, gọi chữ không về được. Rất uổng.
Tôi vẫn nhớ một vụ việc xẩy ra ở Công ty Ngoại thương. Một cục trầm rất lớn trị giá hàng tỷ đồng hồi đó tự nhiên mất tiêu. Chúng tôi nhảy vào điều tra, có chị Hoàng Thị Thọ lúc đó làm bên Đài Truyền thanh TP tham gia. Chị em tôi còn mượn chiếc xe U-oát chở ông Nguyễn Vạn, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh lên tận A Lưới, vào cái bản nơi có người tìm được khúc trầm rục đó. Ông Nguyễn Vạn vốn hoạt động ở vùng này và được bà con người dân tộc kính trọng như một già làng. Sau một tháng lần theo dấu vết, cuối cùng đường dây lộ dần ra và xác định được khúc trầm đó ở nhà của một người mà khi nghe báo cáo, Tổng biên tập tôi đã bảo thôi, dừng lại ngay dù ông rất đau khổ vì chuyện này. Đó là lần đầu tiên tôi nhận thức được có những giới hạn mà người làm báo không thể vượt qua cho dù đó là sự thật. Sau này, tôi luôn luôn gặp những giới hạn đó đến mức thành quen và có vẻ như là rất nản chí.
Tom Plate nói rằng, trong làm báo nói riêng và cuộc đời nói chung, có những thời khắc đòi hỏi con người phải quyết định có cho “thằng lùn nhảy trang”(*) hay không. Đó là thời khắc mà Tổng biên tập của tôi không thể cho “thằng lùn nhảy trang” được. Sau này tôi hỏi ông, nếu được quyết định lại thì chú có cho đăng bài báo đó không, chú Thích vẫn lắc đầu.
Tổng biên tập Phạm Xuân Thích là con người rất sâu sắc và tinh tế. Ông viết rất hay, nhìn vấn đề thấu đáo và có tầm nhìn. Chỉ tiếc trên ông có rất nhiều ông trùng chung một cái tên, gọi là Quyền Lực. Trong cơ quan cũng có rất nhiều ông Quyền Lực thường gần gủi và tham mưu nhiều chuyện mưu tham, trong lúc ông lại đứng quá cao nên ít hoặc không nghe được tiếng nói của lớp trẻ. Ông Thích là người mà khi tiếp nhận anh Đỗ Quý Doãn (sau này là thứ trưởng Bộ TTTT) vào đã nói chắc như đinh đóng cột, anh Doãn sau này sẽ là tổng biên tập. Quả nhiên,3 năm sau thì anh làm tổng biên tập.
Thư ký Toà soạn Trần Đàn là một dạng khác, cuộc đời làm báo của tôi cho đến nay chưa thấy ai yêu nghề và có nghề bằng anh. Sau này tách tỉnh Bình Trị Thiên làm ba, tôi nhanh chóng làm được mọi việc của một thư ký toà soạn là nhờ học từ anh. Đó là những đêm anh trằn lưng ra làm báo Tết, tính toán, làm ma-két từng trang; tôi ngồi chầu bên cạnh và học được hết các chiêu thức của anh. Thỉnh thoảng anh viết, bài cũng rất hay. Anh là một người thầy thực thụ.
Phải sống một thời gian tôi mới biết anh chức danh chính thức là Phó thư ký Toà soạn phụ trách chứ chưa bao giờ là thư ký cho đến khi gặp sự cố và về nhà viết sách, dịch chữ Hán. Hồi đó chia tỉnh rồi và tôi nghe máng máng hình như anh gặp nạn là do ký vào cái bản ủng hộ Dương Thu Hương.
Tôi vào làm báo tháng 12.1986, đến tháng 9. 1989, chưa đến 3 năm đã làm thư ký toà soạn kiêm trưởng phòng phóng viên, sau đó gọi chung là trưởng phòng nghiệp vụ, như thế gọi là rất nhanh tiến bộ. Hồi đó đi hội thảo báo Đảng, tôi được coi là thư ký toà soạn trẻ nhất và đặc biệt nhất (do chưa phải là đảng viên). Một thời gian sau, lại được gọi là thư ký toà soạn lâu nhất, chậm tiến bộ nhất Việt Nam . Hồi anh Đỗ Quý Doãn làm tổng biên tập. Có lẽ đó là thời kỳ huy hoàng nhất của Báo Quảng Bình quê choa và là thời kỳ làm báo đã nhất của tôi. (Còn tiếp)

***
(*) Thằng lùn nhảy trang
(Điều không được dạy trong các trường báo chí)
Thành phố xẩy ra hàng loạt vụ trộm bí ẩn. Những căn biệt thự sang trọng của những người lắm tiền và lắm quyền liên tục bị thăm viếng. Tên trộm tài ba này có thể qua mặt nhân viên bảo vệ, các thiết bị chống trộm chỉ là đồ chơi của y. Các vụ trộm hay đến mức, tờ báo có luôn một chuyên mục chỉ chờ…trộm xẩy ra để tường thuật và hốt tiền bán báo.
Một hôm, phó tổng biên tập chạy bổ vào phòng tổng biên tập hét toáng lên: Cảnh sát đã bắt được tên siêu trộm. Thưa sếp, đó là một tên lùn!
Tổng biên tập sững người, đoạn nói, cuối cùng thì Chúa cũng cho ta một cơ hội. Hai người thảo luận việc tường thuật vụ việc sốt dẻo này như thế nào, giật tít  lên trang  nhất ra sao. Việc này cũng bình thường, vấn đề là trình bày cái bài sốt dẻo Chúa ban này như thế nào.
Tống biên tập với bộ óc đặc biệt khác thường của mình đã đưa ra gợi ý: Sao chúng ta lại không thể cho tên lùn nhảy trang?
Không ai hiểu được ý của sếp lúc đó nên ông giải thích thêm, chúng ta có thể đặt một tiêu đề với bài tường thuật như đã bàn, nhưng chúng ta sẽ gây sốc bằng cách đăng hình ảnh với kích thước thật của tên lùn.
Sếp phó giãy nảy, nó là một tên nhỏ con nhưng đâu đến nỗi nhỏ để nằm trong tờ báo chúng ta. Sếp tổng từ tốn, đúng vậy, nhưng ta sẽ nhảy trang khi đăng hình hắn. Này nhé, khi ngang ngực hắn ta sẽ rạch ngang rồi ghi (xem tiếp trang 7), đến hết trang 7 ta sẽ đăng tiếp hình hắn khúc thứ hai rồi rạch ngang và ghi (xem tiếp trang 9), cứ như thế…Bạn đọc mua báo, có thể cắt các trang ghép lại hình kích thước thật của tên trộm tài ba và treo nó trên tủ lạnh. Đây sẽ là để tài nóng bỏng cho bạn đọc thảo luận ngày mai…
Phó tổng biên tập nhìn sếp mình hồi lâu, ngạc nhiên vì thấy ông vĩ đại hơn sự vĩ đại mà mình từng thấy. Nhưng rồi ông bàn lùi, cho rằng làm như thế sẽ có người nói này nói nọ (kiểu như xúc phạm người khuyết tật, vi phạm nhân quyền, thằng đó đâu đáng đưa lên trang nhất....).
Cuối cùng, để an toàn, bộ óc vĩ đại của sếp đã phải chùn lại. Hôm sau, tờ báo đăng bài tường thuật với tấm hình bình thường như truyền thống. Tên trộm không bị chặt khúc ra nữa.
Nhiều năm sau, câu chuyện này vẫn gây tranh cãi trong tờ báo.
*
Quyển sách dày 566 trang của Tom Plate đã được tôi “nghiền nát” trong một ngày. Và, không thể kiềm chế được sự hưng phấn trong người như thể được uống trà sâm Hàn Quốc, tôi phải kể lại một trong muôn vàn câu chuyện thú vị này cho bạn đọc blog tôi, nhất là các em sinh viên báo chí có gọi tôi bằng thầy, những người sẽ là đồng nghiệp, có thể là sếp truyền thông trong tương lai như một sự chia sẻ về nghề nghiệp. 
Câu hỏi đặt ra cho cả chúng ta bây giờ là: Trong trường hợp đó, nếu là sếp, chúng ta phải quyết định thế nào. Có cho tên lùn nhảy trang?
*
Hãy xem ông phó tổng biên tập, sau này là tổng biên tập tờ báo nói trên, nghĩ gì.
Ông nói với cộng sự trong toà soạn rằng, sau này khi ông không còn thời gian ở trên cõi đời này nữa, hãy đọc điếu văn và khắc trên bia mộ của ông dòng chữ: “Giờ đây khi đã nằm xuống và không thể làm gì được nữa, tôi nhận ra rằng, lẽ ra tôi đã phải cho nhảy trang khi đăng hình tên trộm lùn”.
*
Trong cuộc sống, trong nghề nghiệp, nhất là đối với những người làm báo, chúng ta vẫn đối mặt với những khoảnh khắc “nhảy trang”. Quyết định thế nào là quyền của chúng ta, không quyết định và ân hận muộn màng cũng là quyền của chúng ta.
Thằng trộm lùn thật quỷ quái!

 

Thứ Ba, 19 tháng 2, 2013

Chiếc cầu Định Mệnh (3)

Lại kể, giấc mơ trở thành nguyên soái của tôi chấm dứt khi mắt không còn nhìn thấy dù chiếc kính đã dày hết cỡ. Thể trạng suy yếu. Người xanh rớt như tàu lá chuối. Bàn tay trắng bệch chỉ thấy gân xanh, giơ lên trời nó trong như thủy tinh. Vết thương trên đỉnh đầu, ngay chỗ cái xoáy đã thành sẹo tự nhiên sình lên, xọp xuống. Cái mảnh đạn nằm ở chân phải lâu nay yên vị tự nhiên nó chạy đi mất tiêu. Đi chụp phim, người ta đọc thấy nó bị bao mỡ nhưng nằm...trong động mạch. Hết.
Đoạn này dài dòng nhưng tóm lại thế này, tôi thất vọng đến tột cùng vì giấc mơ thuở nhỏ bỗng dưng tan biến. Lại nghĩ, một mai mình mù thì sao? Và lúc đó, tôi nhớ đến Pa ven Cooc-sa-ghin, nhân vật trong Thép đã tôi thế đấy, tiểu thuyết gối đầu giường đúng nghĩa của chúng tôi hồi đó. Và tôi nghĩ, rất ảo tưởng rằng, mù thì mình...viết văn (và đôi khi cuộc đời sống được cũng nhờ ảo tưởng). Thế là xin nhà trường cho đi thi vào Khoa Văn, Trường ĐHTH Huế với lời cam kết: Thi được thì chuyển ngành sang ăn lương đi học, không đậu thì phục viên. Và đậu.
Tôi về làm sinh viên chỉ nặng 42kg như hồi bắt đầu đi bộ đội (thời gian ở bộ đội chưa bệnh tôi nặng 58kg), người vẫn xanh rớt như tàu lá. Nói chung là bi thảm trên mức bình thường.
Thế rồi đi mổ mắt. Mắt sáng dần, họa sang năm 2 thì khỏi đeo kính (đến nay không cần đeo kính). Theo đó, đời sống sinh viên tuy khổ cực nhưng thoải mái đã làm thể trạng dần nâng lên. Chỉ mỗi tháng mỗi trận sốt rét như con gái đến kỳ. Thời gian này hầu như tôi không còn mơ ước, thậm chí không biết khi ra trường mình sẽ làm gì. Trống rỗng.
Cuối năm thứ hai, thầy Nguyễn Đình Thảng, Bí thư chi bộ, Phó chủ nhiệm khoa, nói với tôi, họ Nguyễn Thế nhà cậu là thứ dữ, tớ là bạn ông Thiệp. Ông Nguyễn Thế Thiệp là chú tôi, linh mục ở nhà thờ Châu Ổ (Quảng Ngãi), quê thầy. Chú chậm tiến theo đường này là vì vào Ủy viên MTTQVN, lại có anh em toàn là tướng tá của cách mạng. Chú nói tiếng Anh và tiếng Pháp như cháo chảy. Trên đất nước này, thầy Nguyễn Đình Thảng không phục ai về chữ Hán ngoại trừ chú Thiệp. Thầy Thảng nói, cố gắng duy trì kết quả, tôi giữ cậu lại trường. Từ đó tôi đinh ninh sau này mình sẽ làm thầy giáo nên cũng không có mơ ước gì hơn. Tưởng đó đã là định mệnh.
Nhưng một người phụ nữ đã làm thay đổi định mệnh này, người đó là cô Trần Thùy Mai, nhà văn, hồi đó là giảng viên trường ĐHSP, người trường tôi mời phản biện luận văn tốt nghiệp của tôi. Chuyện này tôi đã kể, cô Mai cho tôi điểm...11 và đề nghị xuất bản luận văn thành sách. Lời phê của cô sock đến độ mấy thầy (Hồ Quốc Hùng, Phạn Phú Phong) mang luận văn về đọc lại và phát hiện ra tôi viết 3 câu, dài 43 chữ giống tham luận thầy Hùng đọc ở đâu đó (chứ không phải in đâu đó). Mấy câu đó nói về địa lý làng Vĩnh Hoàng (Vĩnh Linh), Đông giáp, Tây giáp...Luận văn nổi tiếng thành tai tiếng và bị hội đồng quyết định trừ một điểm. (Nhiều năm sau này nhiều người ác khẩu đồn lên tôi đạo luận văn. Nhưng nói thế này, đến lúc tôi thực hiện luận văn đó chưa hề có ai làm về đề tài chuyện trạng Vĩnh Hoàng, mà hình như sau này cũng chẳng có ai, thành ra có muốn đạo cũng không được. Sau này, tôi về khoa tìm lại luận văn để sửa chữa in thành sách theo lời khuyên của thầy Trần Quốc Vượng thì luận văn đã mất tiêu. Rồi thầy Nguyễn Xớn phát hiện một người đạo hai chương y chang luận văn tôi trong luận án phó tiến sĩ, người đó làm thầy nhưng đã đi trường khác).
Kể chuyện này là vì, do chuyện này, định mệnh đã thay đổi. Cũng không thể nói là may hay rủi. Thầy Thảng sau này về hưu, mỗi lần ra Đà Nẵng, chỉ ngồi với tôi và Trương Duy Nhất (chính xác ra là chỉ tôi và Trương Duy Nhất tiếp), mỗi lần thế hay nhắc lại chuyện xưa, coi đó như một sai lầm của thầy, nhưng tôi nói thôi thầy, cứ gọi là "Tái ông thất mã".
Tôi ra trường thì người yêu tôi đã có việc ở Huế. Và vì thế tôi chọn Huế, dù chưa hình dung về đâu, hồi bạn bè khăn gói vô Nam hoặc lên Tây Nguyên hết, ở Huế dường như là điều không tưởng.
Nhưng một người khác đã tạo ra định mệnh của tôi. Anh họ tôi, nhà văn Nguyễn Thế Tường.
Anh nói, không thử thì không thể nói là không thể. Và tôi đi theo anh sang Báo Bình Trị Thiên, hồi đó vẫn quen gọi là Báo Dân. Hành trang của tôi lúc đó là dzia-rô, tôi chưa từng viết một cái tin. Thử việc, và tôi được nhận ngay sau 1 bài viết. Bài đó có tên "Rau xanh TP-nhìn từ hướng người sản xuất". Bài báo đầu tiên của tôi được đăng y nguyên không sửa một chữ. Theo Tổng biên tập Phạm Xuân Thích nói với Thư ký Tòa soạn Trần Đàn thì đó là "bài viết quá tốt!".
Đây cũng là là bài học trong cuộc đời làm báo.Tôi muốn kể lại để nói rằng, các bạn trẻ đừng bao giờ tự đóng cửa cơ hội của mình bằng những lời đồn đại (kiểu chỉ con ông cháu cha mới có thể ở lại Huế). Không thử thì không thể nói là không thể. Anh họ tôi nói. Chúng ta nên tin điều đó.
Nhưng bây giờ tôi không biết nên cám ơn hay nên trách anh Nguyễn Thế Tường. Đó là mâu thuẫn tồn tại trong đời tôi từ khi bước chân vào làm báo cho đến nay. Dù tôi biết đó là định mệnh. Cũng như anh Tường thôi, anh từng nói với tôi ngày tôi được kết nạp, rằng, mày đến nỗi chi mà phải vào đảng, nhưng năm 57 tuổi, anh lại viết đơn xin vào Đảng. (Còn tiếp)

Chiếc cầu Định Mệnh (2)


Tờ báo tôi làm đầu tiên vốn có cái tên rất hay, báo Dân- Cơ quan của Đảng bộ Đảng CSVN tỉnh Bình Trị Thiên. Và như đã kể ở trên, nó được đổi tên thành báo Bình Trị Thiên chỉ vì một lý do duy nhất báo Đảng không thể mang tên Dân.

Tổng biên tập lúc đó là nhà báo Phạm Xuân Thích, ông quê Quảng Bình, từng làm kế toán Ty Lương thực, việc vì sao ông về làm báo thì tôi hoàn toàn không nghe kể.

Hồi đó báo in ti- pô, tuần hai số, thứ ba và thứ bảy. Số thứ bảy có mục “Chuyện hàng tuần”. Bài chuyện hàng tuần đầu tiên tôi đọc được là bài “Nhà văn cũng cần đọc báo”. Vào thời điểm đó, trên tạp chí Sông Hương có đăng một bút ký của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, tôi đã quên mất đầu đề, nhưng đại ý thì vẫn còn nhớ. Bút ký viết về một ngôi trường và ông hiệu trưởng ngôi trường tên Lê Phước Thuý. Kết thúc, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường nói rằng, một ngôi trường như thế, một hiệu trưởng như thế nhưng báo Đảng của tỉnh tuyệt nhiên không có một dòng viết về họ. Chuyện hàng tuần trên chỉ ra rằng, không những không viết mà báo Dân còn viết rất nhiều bài, và kết luận, “nhà văn cũng cần đọc báo”. Thế thôi.

Bẩm sinh của nhà báo là săm soi thiên hạ, nên khi xếch mé được một người về một việc gì đó người ta thường hỉ hả lắm. Hôm đó cơ quan tôi đang bàn luận râm ran thì ông Thích đi xuống, ông dặn bọn trẻ chúng tôi rằng, nếu ai hỏi thì không được nói tác giả (vì bài viết ký một bút danh hơi lạ). Vào thời điểm đó, tôi không biết bài viết đó là của Tổng biên tập nhưng cũng dạ.

Mấy hôm sau, có một cuộc uống rượu gạo quán Mệ, mấy người bạn đồng nghiệp và anh em văn nghệ sĩ hỏi đi hỏi lại tên tác giả, thầy Phong (vốn thích giao du với giới báo chí, văn nghệ) đùa, anh em Huế ai cũng yêu anh Tường, nên tao đoán bài đó chỉ có thể là thằng Thịnh Quảng Bình. Tôi cười cười không nói không cũng không nói có. Chuyện chỉ thế thôi.

Thế rồi một hôm giao ban, ông đầu bạc mang chuyện này ra nói. Ông ta bảo tôi là phóng viên trẻ, chưa có cống hiến gì đã nhận vơ bài viết của người khác là bài của mình. Ông dẫn lời thầy Phong ra làm chứng, rằng, thằng Thịnh nói với tôi là nó viết. Tôi kể lại câu chuyện trên bàn rượu nhưng có vẻ như ông không tin. Lúc đó ông là một quyền lực. Một quyền lực vô hình tự có, không ai giao trọng trách. Một quyền lực khiến ai cũng sợ. Vì thế mới có định nghĩa: “Chi bộ là gì? Chi bộ là nơi người ta nói xấu người khác mà không cho người khác biết họ đã nói xấu mình như thế nào!”.

Câu chuyện rồi cũng qua đi, cho đến một ngày, cũng trên bàn rượu, có anh Hoàng Phủ Ngọc Tường, anh Nguyễn Trọng Tạo, anh Tô Nhuận Vỹ, chị Lê Thị Mây…và có cả thầy Phong. Anh Tạo mang chuyện này ra trách, bảo sao Thịnh lại viết chuyện đó lên báo, nếu có thế, chỉ cần nói với anh Tường một câu. Tôi khẳng định đó không phải là bài viết của tôi, để tránh hiểu nhầm và thời gian cũng đã trôi qua rồi, tôi nói luôn, đó là mục của Tổng biên tập giữ.

Không ngờ vào kỳ họp sau, ông đầu bạc, tạm đặt tên là ông Quyền Lực, lại mang chuyện này ra nói, ông bảo đã lỡ nói của mình rồi thì để cho họ hiểu thế đi, ai lại phủ nhận nó và khai ra người viết. Tôi thừa nhận là tôi đã khai ra. Tất nhiên là tôi bị ông dạy cho một bài học.

Đây là bài học đầu tiên của cuộc đời làm báo của tôi. Và càng lâu tôi càng thấm thía. Rằng, trong báo chí, đối với quyền lực thì cho dù bạn có đấu tranh bằng phương pháp nào cũng không thể chiến thắng, kể cả bạo lực cách mạng, điều Lê nin từng dạy (mà ta không thể ứng dụng trong báo chí). Nếu bạn cố gắng đấu tranh chống lại quyền lực thì bạn bị nghiền nát bởi chính nó, hoặc nhanh, hoặc từ từ. Bằng chứng là ông Quyền Lực từng nói một câu “kinh điển”, tụi bây học hành chi cho tốn cơm, báo chí chỉ có hai thể loại, bài và tin, bài ngắn gọi là tin, tin dài gọi là bài, thế mà tuyệt nhiên không ai cãi lại. Nhưng trong sự khốn nạn đó, tôi đã nghĩ ra một cách rất hay, viết. Và tôi bắt đầu nhảy vô viết “Chuyện hàng tuần”. Anh Trần Đàn, Thư ký Toà soạn vừa đọc vừa cười tủm tỉm.

Dễ đến tháng sau, sau một chuyến công tác dài ngày từ cơ sở, ông Quyền Lực trở về và phát biểu hùng hồn trong cuộc họp, rằng, lớp trẻ phải học cách viết của Tổng biên tập. Và ông dẫn ra và phân tích cái hay trong mấy câu chuyện hàng tuần đã đăng. Ông nói một thôi một hồi, Tổng biên tập ngắt lời không được, mãi sau ông mới đứng lên, ra hiệu cho ông Quyền Lực ngồi xuống rồi nói giọng từ tốn: “Anh này, mấy bài anh nói đó là của cậu Thịnh viết chơ có phải tui viết mô!”. Ông Quyền Lực há hốc mồm kinh ngạc, nhưng rất nhanh, ông chuyển mũi nhọn sang anh Trần Đàn, đại để, đồng chí Thư ký Toà soạn nhận thức rất non, không thể để một phóng viên trẻ đứng trong mục chung với Tổng biên tập. Anh Đàn bịt miệng cười khùng khục, nói, anh lại nhầm nữa rồi, tui chưa phải là đồng chí. Quả thật anh Đàn chưa là đảng viên.

Một lần nữa tôi thấm thía, rằng, trong báo chí, đối với quyền lực thì cho dù bạn có đấu tranh bằng phương pháp nào cũng không thể chiến thắng, kể cả bạo lực cách mạng, điều Lê nin từng dạy (mà ta không thể ứng dụng trong báo chí). Sau này ở nhiều nơi, biết nhiều chuyện, tôi mới ngộ ra, phàm trong cơ quan báo chí nào cũng có những nhân vật bản sao của ông Quyền Lực dưới nhiều hình thức, đó là một hiểm hoạ mà ta phải sống chung và chịu đựng, không chịu đựng được mà bỏ đi là thì là thất bại. Và chúng ta nên nhớ một điều, đừng thất bại trước những con người như thế. Quyền lực phải để quyền lực triệt tiêu. Tôi từng khuyên tôi điều đó, dù sau này phải sống chung thêm với nhiều ông quyền lực như thế.
Và quả nhiên, lý thuyết của tôi đã được chứng minh, quyền lực triệt tiêu quyền lực. Đó cũng là định mệnh. (Còn tiếp)

Thứ Hai, 18 tháng 2, 2013

Chiếc cầu Định Mệnh (1)


10/07/2011 01:42 am
Cho dù có cố gắng bao nhiêu thì tôi cũng không thể nhớ được lần đầu tiên mình được đọc báo là từ khi nào. Nhưng mang máng rằng, hình như lần đó, ba tôi gửi về nhà một gói đồ, trong đó có ít kẹo, một gói polyvitamin, hai gói trà và hai gói thuốc kèm một lá thư. Tất cả bọc trong một tờ giấy báo khổ lớn, đó là tờ Nhân Dân.
Theo thư ba dặn, tôi mang trà thuốc biếu bác tôi, kẹo thì mạ tôi chia cho mỗi đứa mấy cái, polyvitamin thì trút vào một cái chai cất vô tủ chờ khi nào có đứa ốm mới được bồi dưỡng. Tôi vuốt thẳng tờ Nhân Dân ra và đọc. Tôi cũng nhớ mang máng là hình như họ nói về Tết trồng cây. Tóm lại lần đầu tiên tôi biết được có chuyện người ta làm xong thì được người khác viết lại và in lên trên một tờ giấy gọi là tờ báo. Ấn tượng duy nhất chính xác là việc gì họ cũng không nêu ngày tháng cụ thể mà nói “vừa qua…”. Chẳng hạn hạn, “vừa qua, tỉnh Vĩnh Phú tổ chức Tết trồng cây…”.
Suốt một thời kỳ dài dằng dặc của tuổi thơ, nền văn hoá của người miền Bắc chủ yếu được xây dựng thông qua đài phát thanh, mà radio thì mỗi làng hoạ hoằn mới một nhà có. Xóm tôi có nhà anh Lộc. Anh làm ở cửa hàng thương nghiệp huyện, tối thứ bảy về mang theo radio, cả xóm tụ tập lại để nghe “Câu chuyện cảnh giác”. Tôi thậm chí còn không ấn tượng người viết nên câu chuyện đó bằng người đọc (kể) lại nó trên đài. Và vì thế, tuyệt nhiên không khái niệm gì về nghề làm báo chứ đừng nói là trở thành mấy người đó.
Tôi cũng không hề mơ trở thành chủ tịch nước hay thủ tướng mà mơ trở thành Stalin, hay ít nhất cũng là một thượng tướng, đại tướng chỉ huy quân đoàn nào đó như mấy ông tướng oai hùng được mô tả trong Bộ chỉ huy Xô viết trong chiến tranh, quyển sách hiếm hoi mà tôi đọc được thời đó. Nói chung, nếu nói có ước mơ thì tôi ước mơ trở thành tướng và nghề phải làm khi lớn lên là chỉ huy đánh trận.
Thực sự thì tôi không hiểu bản thân mình có tố chất gì và đến đâu, nhưng nói công bằng thì có chút vai trò thủ lĩnh. Trong các cuộc chơi tôi đều chỉ huy, sắp đặt hết mọi thứ. Nhất là những trận đánh giả, tôi thậm chí đóng vai thống soái để phong tướng cho những đứa khác và cất chức những đứa khác.
Người bạn thân nhất của tôi lúc đó là Thắng, Phan Đức Thắng, người ở sau nhà tôi. Cậu ta lớn hơn tôi hai tuổi và thực sự là một người bạn tuyệt vời. Tôi cùng Thắng chia sẻ rất nhiều chuyện và có cùng sở thích. Khi đánh trận giả tôi với Thắng thường ở một phe. Chúng tôi cày cục khoét sáo và tập thổi cho đến hay mới thôi. Mỗi đêm khuya, hai thằng lại vác sáo ra thổi. Công bằng mà nói thì Thắng thổi sáo hay hơn tôi nhiều nhưng người làng tôi thẩm âm không được tốt nên xếp hai đứa bằng nhau. Tiếc là khi tôi đi K8, một kế hoạch của miền Bắc hồi đó, đưa con em cán bộ ra Thanh Hoá sơ tán vì chiến tranh ác liệt, gọi là giữ những hạt giống đỏ, sau này lỡ quê hương bị huỷ diệt thì mình là hạt giống được mang về gieo lại. Thắng thì không đi. Sau này, không biết đưa đẩy thế nào cậu ta vào làm công an.
Tôi ra Thanh Hoá, ở huyện Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Yên, thôn Thọ Đồn. Lúc đi đang học lớp 4, bỏ mất một học kỳ đi đường nhưng ra vẫn được lên lớp 5. Lớp tôi do cô Kiền chủ nhiệm. Lúc đó cô chừng 40, người gầy và không đẹp nhưng dễ mến. Cô Kiền rất yêu thương hai anh em tôi, có lẽ vì thế mà cô Vân thì bảo tôi vô đội học sinh giỏi Toán còn cô Kiền thì bảo vào đội học sinh giỏi Văn. Tôi yêu quý cô Kiền nên không cãi lại dù lúc đó không thực sự biết mình học Văn thế nào, chỉ biết mình viết chữ rất đẹp, đó là một lợi thế.
Ở Thanh Hoá tôi được nghe đài qua hệ thống truyền thanh công cộng chứ không cần vào nhà anh Lộc như khi ở quê. Tôi không hề biết làm đài cũng được gọi là làm báo. Tuổi thơ bên dòng sông Mã của tôi vẫn miệt mài với những trận đánh giả và ước mơ làm nguyên soái.
Duyên nợ có lẽ bắt đầu từ hồi học ở trường quân sự. Lúc đó Chi đoàn Radar-Tên lửa của tôi làm một tờ báo tường, mỗi người đóng góp một bài. Cái này là nỗi đau khổ của không biết bao nhiêu người, họ thà làm công việc khổ ải còn hơn viết một cái gì đó lên báo tường. Lúc đó không hiểu thế nào lại làm một bài thơ. Không hiểu thế nào khi tờ báo tường đăng bài thơ đó lên thì Bí thư Chi đoàn tên Kim, một anh chàng bảnh choẹ học trên một khoá, đi tìm tôi. Anh ta bảo trong cuộc đời anh ta chưa từng đọc một bài thơ nào hay như thế. Bài thơ từ đó nhanh chóng được mọi người chép lại, học thuộc lòng, thậm chí chép nguyên văn hoặc trích dẫn trong thư gửi bạn gái. Tôi nổi tiếng trong K (K giống như một khoa. Lại giống như một tiểu đoàn) của trường. Một hôm, đại uý Vui, Chính trị viên K gọi tôi lên thông báo, tôi đuợc chọn làm cộng tác viên cho tờ báo quân chủng, trách nhiệm của tôi mỗi tháng viết 3 cái tin cho tờ báo này. Viết xong thì đưa ông kiểm duyệt và gửi đi.
Suốt một năm tôi chẳng viết được cái tin nào, cho dù vậy tôi vẫn không bị cắt suất cộng tác viên và vẫn được đi dự họp mỗi khi tờ báo này về trường tổ chức. Tôi đang bận học để thực hiện ước mơ trở thành nguyên soái.
Chính trị viên cho rằng tôi làm thơ hay nên cho vào đội văn nghệ. Đội trưởng là thằng Minh, người Hà Nội, một công tử bột con của một vị tướng. Hắn nói chỉ có bọn nhà quê mới thổi sáo nên phân tôi chơi guitar bass, thứ mà tôi mới học từ khi vào bộ đội. Sở đoản nên tôi mất vị trí chỉ huy, luôn phải ngồi hàng sau của dàn nhạc, chán phèo. Cho đến khi đội văn nghệ đi hội diễn được giải nhất, chính trị viên bảo tôi viết một báo cho báo quân chủng, tôi viết. Bài báo được chuyền tay nhau đọc và được khen nức nở nhưng không bao giờ được đăng. Nhưng mà, nhờ bài báo không đăng đó, thằng Minh suy nghĩ khác về tôi. Thậm chí nó còn dẫn tôi về nhà ở Hà Nội diện kiến bố nó, một vị tướng, và giới thiệu em gái mình, lúc đó đâu như đang học lớp 8…
Tôi hoàn toàn không có ý định trở thành một nhà báo. Ngay cả bây giờ thì tôi vẫn cho rằng, đó là một sự sắp đặt của định mệnh. Một định mệnh sai lầm. Bởi, cho dù bình tĩnh xem xét một cách khách quan, tôi vẫn thấy như Tom Plate, cuộc sống của người làm báo hời hợt và không có niềm tin. Người làm báo hầu như chỉ có một điều duy nhất là ham muốn, ham muốn săm soi cuộc sống của người khác, gần như là để phá hỏng cuộc sống của họ dưới bất cứ hình thức nào, vô tình hay cố ý. Cuộc sống của một con người luôn luôn bị áp lực về thời hạn, cái gì cũng ra thời hạn, mà tư duy lại không phụ thuộc vào thời hạn. Đó là hai mặt của cuộc sống mà tôi đang sống. Cuộc sống do định mệnh tạo nên chứ không phải do tôi lựa chọn. (Còn tiếp)

Thứ Năm, 7 tháng 2, 2013

Sự khôi hài của người Việt



09/21/2011 07:03 am
Chiều qua diễn ra trận cầu giữa U23 VN và đội tuyển sinh viên Hàn Quốc trong khuôn khổ giải bóng đá Quốc tế TPHCM. Hàng ngàn khán giả đến sân cổ vũ cho đội tuyển với một sự háo hức và khao khát chiến thắng thì người bình luận viên, như mọi khi, vẫn lảm nhảm những điều ngớ ngẩn.
Trong khi HLV Kim Jong Pil của Hàn Quốc nói, chúng tôi đến đây không phải để dạo chơi, thì anh bình luận viên VTV lại lải nhãi rằng, HLV Falko Goetz cho biết, tại giải đấu này kết quả không phải là điều quan trọng. Đây là luận điệu của Liên đoàn bóng đá VN mỗi lần tham dự các giải đấu, giải nào cũng “chủ yếu là giao lưu, học hỏi”. Vì thế người VN hầu như quen với thất bại và tự vỗ về mình bằng những cái tít: Trận thua xem được; Chúng ta đá rất hay, nhưng đội hay hơn đã thắng; U23 VN thua đẹp...
Thi đấu bóng đá mà kết quả không quan trọng thì cái gì quan trọng? Ông Falko Goetz có nói thế thì bình luận viên cũng không thể lấy luận điệu của ông ta mà trám vào mồm mình. Ngược lại, phải vả vào mồm ông ta. Chúng tôi thuê ông không phải để ông bảo “kết quả không phải là điều quan trọng”. Những lời này của một  bình luận viên đài quốc doanh thể hiện sự yếm thế của người Việt. Những người từ quá tả sang quá hữu, từ chỗ thấy thằng nào mũi lỏ cũng cho là kẻ thù, ưa đòm một phát, chuyển sang thấy mũi lỏ thì khúm nà khúm núm. Chỉ thích tinh tướng với người nhà mình.
Người Việt thường hay tự hiểu nhầm mình và cho phép mình hiểu nhầm. Nữ tiếp viên hàng không là người phục vụ trên máy bay lại tưởng mình là người mẫu thời trang biểu diễn trên sàn diễn ở chín tầng mây nên mặt luôn luôn nghiêm trọng và đi lại nắn nót, hoạ hoằn mới ném ra một câu như đã lập trình, rất vô hồn, chủ yếu để diễn chứ không phải để phục vụ. Họ rất nghèo vốn từ, tất cả trên máy bay đều là quý khách, không phân biệt được già trẻ, lớn bé…vì thế họ phục vụ đồng loạt như rô bốt.
Trên đường phố đông đúc của Hà Nội, đáng lẽ người cảnh sát đứng ở ngã tư phải năng động điều tiết xe cộ thì họ lại đứng như phỗng, dáng vẻ suy tư như một triết gia. Có vẻ như họ đang nghĩ, chúng ta không thể điều tiết được vì tất cả phải tuân theo 3 quy luật, 6 cặp phạm trù.
Trong khí đó thi cảnh sát núp lùm theo truyền thống chiến tranh du kích, cứ như thể không chặn xe bất ngờ thì không hoàn thành nhiệm vụ. Đối với họ, đã là xe thì phải chặn vì trên đất nước này không có xe nào không có cái sai. Rồi họ lại nghĩ, chúng ta không thể lập biên bản phạt hết tất cả lái xe VN nên người nào kẹp tiền trong giấy tờ thì mau đi cho nhanh gọn để mình còn thực hiện sự nghiệp vung gậy chiến tranh du kích.
Quan chức và công chức VN lại luôn luôn coi rằng, trách nhiệm của người dân là phải đóng thuế và trách nhiệm của mình là bằng mọi cách rút tiền đó ra khỏi kho bạc cho vòng quay đồng tiền nhanh hơn theo 3 quy luật, 6 cặp phạm trù mà họ đã được học ở các trường dòng. Họ sống theo nhiều “nguyên tắc duy nhất”, dân sai-mình đúng; của công là của mình, của riêng là của dân…Nguyên tắc đó chi phối cả trong sự ban phát của họ, muốn cho ai thì cho, ưa ai là được…
Thầy giáo VN cũng thế. Họ tuân theo nguyên tắc thầy đọc trò chép vĩnh cửu của hệ thống. Đến nỗi ai không đọc cho học trò chép thì người đó bị phê bình. Vì là giáo dục nên quan chức giáo dục luôn luôn làm nhiệm vụ cải cách, cải cách liên tiếp, cải cách chồng lên nhau, tức là cải cách luôn cái đang cải cách. Họ luôn luôn tuân theo một nguyên tắc bất di bất dịch: sai thì sửa. Có cải cách mới có ăn! Họ luôn luôn nói không với cái này cái nọ nhưng làm thì có.
Báo chí VN cũng rất vui. Ai cũng chê tờ này tờ khác đưa tin kiểu lá cải, rồi họ dẫn chứng, phân tích, đăng lại hình ảnh để chứng minh nó lá cải như thế nào. Tức là họ dán các lá cải lại để làm cho lá cải to ra như lá chuối.
PV VN đi tác nghiệp rất biết dừng lại đúng lúc, thể hiện đạo đức của người làm báo. Khi đi thâm nhập một động mại dâm, một nhà hàng caraoke có tiếp viên…bao giờ phút cuối cùng họ đều viết một câu “tôi tìm cách tháo lui”. Thâm nhập để viết về vấn đề thịt thú rừng bán tràn lan bao giờ nhà hàng dọn thịt rừng ra họ cũng tìm cách từ chối để ăn rau. Họ luôn luôn có một câu chữa cháy rất hay “để rộng đường dư luận, chúng tôi xin đăng lại công văn (hoặc ý kiến) phản hồi”...
Người VN tâm niệm khách sạn, nhà nghỉ là nơi ai cũng có thể dắt nhau đến để ngủ xã giao. Ưa thì họ gọi và khách sạn, nhà nghỉ sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của quý khách được ngủ xã giao (dù chưa bao giờ và không bao giờ thừa nhận mại dâm là một nghề). Chuyện đó xẩy ra bình thường đến nỗi những chiếc xe con biển số xanh mỗi khi dừng lại lái xe đều hỏi nhân viên khách sạn, nhà nghỉ (thay cho sếp) một câu: “Ở đây có gì không?”. Rất hay, khách sạn thì có phòng nghỉ chứ còn có gì không là sao? Chẳng lẽ trong đó có...đại hội?
Người VN thật quá khôi hài!
Đoạn này viết thêm nhân kết quả hội thảo về giá xăng dầu: Người VN làm sếp các tổng công ty, tập đoàn Nhà nước thường kêu lỗ rất to nhưng họ lại thưởng cho nhau rất lớn. Lỗ to chừng nào thưởng lớn chừng đó và họ càng ngày càng đại gia hơn.
Nhân đây nói luôn: Tui bắt đầu thích người VN ít khôi hài có tên Vương Đình Huệ với câu nói, không làm được thì giải tán...! (Mặc dù chưa biết ổng giải tán chúng nó hay chúng nó giải tán ổng trước)