Thứ Ba, 5 tháng 2, 2013

Múa kiếm dưới trăng


Ở chung với dân kẻ chài cuối đuồi làng, nhưng con cháu họ Phan có nghề gia truyền cày ruộng. Đến đời thứ tám khai khẩn vùng đất này, trưởng tộc Phan có một đứa cháu đích tôn tên Phan Rạng. Từ bé, Rạng đã tỏ ra uy dũng khác người, đầu đội nắng, chân đạp nước, ngụp lặn cả ngày dưới sông như rái cá; đứt tay, rạch chân lấy bùn đắp vào là hết.
Ngày Rạng tròn mười tám, nội gọi vào bảo nhỏ:
-Tộc ta tám đời cày sâu cuốc bẩm, mắt nhìn không qua đuôi trâu, con cháu đời nào cũng chùi đít bằng đất cày, chẳng qua là thiếu đi một tí mạnh, thiếu đi một tí ác, thành ra giang dở...
Nói rồi hộc máu đen mà chết.
Rạng đập đầu xuống nền nhà, đất lún ngang tai, tay bóp vào thành chõng làm ống tre vỡ lắc rắc. Đoạn ngẩng mặt lên trời, gừ một tiếng trong cuống họng rồi đứng phắt dậy, nhằm đỉnh núi phía Tây mà đi.
*
Cả làng không biết Rạng đi đâu. Người bảo Rạng lặn như rái cá chắc bị ma rà quấn tóc dìm ngủm rồi. Lại có người bảo, suốt mấy đời quất mông trâu chắc bị ma trâu thù móc thủng bụng mang thẳng vào rừng làm mồi cho hổ cũng nên...Giọng lưỡi thiên hạ biết đâu mà lần.
Lý trưởng làng An chắp tay sau đít, cười mỉm, bảo nhà họ Phan ở vào địa hình ác tướng, nước hai con hói (con sông nhỏ, người miền Nam gọi là kênh, rạch) bên nhà hợp lại phía trước rồi chảy đi, sinh ra tán khí. Nhưng nếu lấp con hói Cùng lại, địa hình sẽ thành “văn khúc thổ tinh”, khí tốt chảy vào cửa chính, ắt vượng.
Sau khi ngả giá 80 thúng lúa để trừ nợ, lý trưởng cho làng lấp hói Cùng, phá ngôi nhà cũ, cất ngôi nhà chua gõ năm gian, cổng xây có khắc ba chữ “Lê Gia Viên”. Con cháu họ Phan hết chỗ thờ tự, tản mác khắp nơi.
Họ Lê đã vượng cứ thế vượng lên. Năm sau lý trưởng đã thành chánh tổng. Chánh tổng Lê Biền danh tiếng vang cả một vùng.
*
Khi cả làng không còn ai nhắc đến dòng họ Phan nữa thì một buổi sáng, chánh tổng Biền thấy một thanh niên ngồi lù lù trước cửa, bên cạnh có cây kiếm cắm phập xuống đất. Cụ chánh hiểu ngay. Ông hất hàm, xòe tay làm hiệu. Gã trai chỉ xuống bến nơi có mười hai đò lúa đầy ắp. Cụ chánh gật đầu. Hôm sau cả làng xôn xao, mấy chữ “Lê Gia Viên” bị đục bay, thay vào đó mấy chữ son sáng chói: “Thiếu lâm Phan Gia môn”. Phan Rạng xưng danh, chào bà con trong tổng rồi phát cho mỗi người một đấu gạo. Người họ Phan lưu lạc mười năm hay tin lục tục kéo về. Võ đường Phan Gia Thiếu lâm từ đó đêm nào cũng vang lên tiếng hây dza, hây dza...kinh động cả một vùng.
*
Lý trưởng làng An bẩm với cụ chánh rằng, Phan Rạng từ ngày bỏ làng ra đi đã đến tá túc ở Sơn Nghĩa đường, một võ đường trên Bất Nghĩa sơn. Võ đường có gốc gác từ phương Bắc, đồn rằng thuộc Thiếu lâm Châu gia, sau chia ra Châu gia ngũ hổ, chia nữa thành tam thập lục phái...Phan Rạng có tố chất võ học, 5 năm đã thành tài, 5 năm nữa học tứ thư ngũ kinh và nghiền ngẫm võ học. từ thế tay nhấc cày, tay quất đít trâu, Rạng sáng tạo bài binh khí đánh roi, binh khí mà trong thập bát ban của Châu gia chưa có, từ đó giữ chức chưởng môn. Chưởng môn Phan Rạng có thể chống cây roi dài tám thước, đầu mềm như sợi lạt, bay qua nóc nhà...
Cụ chánh nghe cụ lý bẩm đến đâu, mặt xanh thêm đến đó. Tuy thế, cụ vẫn ra bộ bình thản, hắng giọng hỏi thêm:
-Còn gì nữa?
Cụ lý khúm núm:
-Bẩm cụ, hắn có thể dùng roi đánh gãy trường côn.
-Chỉ thế thôi à?
-Bẩm, còn. Bút lực của hắn siêu phàm lắm. Hắn có thể vừa múa kiếm vừa vung bút viết, chữ như rồng bay phượng múa...
Con gái cụ chánh là Lê Thị nãy giờ hóng chuyện, buột miệng:
-Đáng phục, đáng phục!
Cụ chánh đá tung đôi guốc mộc, dằn mạnh ly rượu xuống bàn:
-Huyễn, huyễn, huyễn cả!
*
Phan sư phụ ngày ngày dạy môn sinh tập luyện, dăm bữa nửa tháng lại một lần đưa thuyền đến các phú hộ trong vùng chở thóc. Tùy theo sự giàu có của từng người mà Phan đánh tiếng muốn lấy một, hai hay ba thuyền lúa. Tịnh không ai dám cãi. Chưa từng thấy Phan Rạng ra tay nhưng danh tiếng nghiêng cả một vùng. Ngay cả Cọc Sào, Cọc Sính là người lâu nay chỉ cần thò tay là lấy được trời cho vào bị cói cũng lệnh cho đàn em thu hẹp địa bàn, tránh đụng độ với họ Phan. Thóc chở về, phần chia cho dân nghèo, phần nuôi môn sinh, phần đầu tư khai khẩn ruộng đồng. Đất Phan Rạng giờ đã nhiều hơn đất cụ chánh.
Chánh Biền ức lắm, trút giận lên đầu lý trưởng:
-Cụ làm lý trưởng hay thằng Rạng tám đời chùi đít bằng đất cày làm lý trưởng?
Cụ lý bị mắng oan chịu không nổi, tự vả vào mồm mấy cái mới bẩm:
-Thằng Rạng có muốn gọi cũng không gọi bằng lý Rạng, chánh Rạng mà phải gọi bằng...án sát Rạng ạ!
Cụ chánh đờm chặn ngang họng, thở hồng hộc, nói không ra tiếng, lấy tay chỉ chỉ xuống đất, không hiểu ý gì.
Con gái Lê Thị vuốt ngực bố, mắt nhìn về hướng nhà họ Phan, chẳng nói chẳng rằng.
*
Giáp hạt, dân đói khắp vùng, đến củ chuối cũng không có để đào. Phan Rạng đánh tiếng muốn lấy của cụ chánh năm thuyền lúa. Cụ chánh bấy giờ đã yếu, thở thều thào:
-Trời sập, trời sập rồi, con nhà họ Phan làm giặc rồi!
Lê Thị nghiêng đầu nói nhỏ gì đó vào tai cụ chánh, thoạt đầu cụ lắc lắc, sau chuyển qua gật gật...
Xẩm tối, người võ đường Phan gia hùng hổ kéo đến. Lê Thị người quấn lụa, ngồi trên ghế mây, tay phẩy quạt:
-Các người về mời Phan sư phụ sang đây cho ta nói chuyện.
Hay tin, Phan Rạng bực lắm, nhưng nghĩ quyền cước cũng có lúc cương lúc nhu, lại nghe đồn Lê Thị sắc nước hương trời, văn võ toàn tài nên muốn mục kích một lần, Rạng bấm bụng sang nhà cụ chánh.
Lê Thị từ tốn mời Rạng sư phụ ngồi thưởng trà, thục nữ chắp tay yêu kiều:
-Lê gia đồng ý mở kho lấy năm thuyền lúa cứu đói cho dân làng. Phiền sư phụ cho mượn sáu chục môn sinh xay thóc thành gạo, giã gạo thành tấm rồi Lê Thị tôi tự tay phát chẩn, khỏi phiền sư phụ.
Quá bất ngờ, Rạng như cấm khẩu, lúng túng làm đổ ly trà, đoạn đứng lên, chào về.
Hôm sau Rạng cho sáu chục môn sinh sang nhà cụ chánh. Suốt năm ngày năm đêm, nhà chánh Biền đèn đuốc sáng trưng, tiếng xay thóc ù ù, tiếng giã gạo uỳnh uỵch. Phan Rạng đi đi lại lại trong nhà, lòng như lửa đốt, thỉnh thoảng lại nắm tay đấm vào tường. Khi thóc biến thành gạo, gạo thành tấm, môn sinh lục tục kéo về. Rạng đang bực mình thì Lê Thị đích thân sang nhà:
-Lần này thì phiền đến sư phụ rồi. Gia đinh nhà tôi nhà nhà đói kém đã cho hết lên rừng đốt than, kiếm củi đổi gạo. Đã giúp thì giúp cho trót, phiền sư phị mượn thêm ba chục môn sinh lên rừng đốn củi, ba chục nữa cõng tấm đến vùng xa nấu cháo phát chẩn. Không biết ý sư phụ có thuận không?
Họ Phan mặt biến sắc, bụng nghĩ, không khéo ả này đến lúc còn nhờ mình khiêng kiệu không chừng, nhưng dù miệng đắng ngắt vẫn phải gật đầu. Lê Thị cúi gập đầu tạ ơn làm lụa quấn sổ tung, nàng bối rối làm mấy động tác vụng về khiến Rạng phải quay mặt đi.
Hôm sau, trời vừa tảng sáng, lý trưởng cho người khua chiêng gõ mõ kêu người đi khơi thông hói Cùng. Đến nơi đã thấy cây kiếm cắm phập giữa nền đất, im phắc, lại bảo người khua chiêng gõ mõ lui quân.
*
Từng nghe “quân tử không tính chuyện trả thù”, lại từng nghe “quân tử trả thù mười năm chưa muộn”, Phan Rạng phân vân lắm, nhưng nghĩ lại chuyện cũ lấy làm điên tiết. Nhớ lại lời nội “chẳng qua là thiếu đi một tí mạnh, thiếu đi một tí ác, thành ra giang dở...”, lại được thắng Ngáo, vốn là gia đinh họ Lê gia nhập võ đường đổ dầu vào lửa, Rạng đập tay xuống bàn:
-Cho chúng nó biết tay!
Được lời, Trương Ngáo dẫn mấy chục môn sinh vây nhà cụ chánh. Quá nửa đêm có người về báo bắt gặp Lê Thị bị đánh bầm dập, áo quần te tua đang nằm ngất trên nền đất hói Cùng. Người này còn bảo tận mắt thấy Trương Ngáo cõng Lê Thị ra đây. Phan Rạng tay chân bủn rủn, mồn thở phì phì, sai gia nhân gọi ngay Trương ngáo về:
-Là tao chỉ bảo mày cho chúng biết tay, ai bảo mày làm thế?
Ngáo ta mặt mày xanh xám, rập đầu xuống đất:
-Thì con cứ tưởng....
-Câm ngay!
Nói xong, Rạng vung kiếm, hai tai Ngáo phút chốc rơi xuống đất. Ngáo le lưỡi kinh hãi, nhanh như chớp, cái lưỡi lìa mồm. Đoạn Rạng chỉ tay ra cửa:
-Cút. Đừng để tao thấy mặt!
Trương ngáo đi rồi, Rạng loay quay như gà mắc tóc. Ngẫm lời sư phụ truyền dạy trên Bất Nghĩa sơn, Rạng linh cảm có điều gì đó không ổn. Chỉ ba đêm, tóc Rạng bạc đi phân nửa.
*
Rạng đi trước, tự tay bưng quả. Theo sau cả mấy trăm môn sinh. Đến, Rạng rập đầu xuống đất, xin cụ chánh cho cưới Lê Thị về làm vợ. Cụ chánh đang trong thế khó xử, nghe Rạng cầu hôn, thấy chỉ còn mỗi cách, nên miễn cưỡng gật đầu.
Đám cưới được cử hành ngay sau đó. Dân làng An lại nghĩ có lẽ Phan Rạng muốn lấy dược Lê Thị nên bày ra mẹo này với Ngáo. Riêng Rạng bầm gan tím ruột, uống rượu tì tì. Đêm tân hôn, Rạng cố làm ra vẻ bình thường để Lê Thị khỏi mủi lòng, dù sao thì cũng đã gọi là duyên kiếp.
Nhưng Rạng như tỉnh hẳn ra, thảng thốt nhìn vào tấm lụa đào, hắn không kìm được, thốt lên:
-Nàng còn trinh?
Lê Thị kéo tấm lụa che thân, miệng tươi như hoa:
-Thì thiếp mới chỉ lần đầu thôi, sao chàng nghĩ vậy?
Phan Rạng mặt ngượng chín. Lê Thị thủng thẳng tiếp lời:
-Chàng nghĩ thằng Ngáo làm chuyện đó ư? Nhà nó ba đời làm gia đinh họ Lê, hưởng lộc Lê gia, sao Trương Ngáo lại có thể thất lễ với thiếp?
Kêu người thắp sáng nến phòng ngoài, Phan Rạng bước ra, đã thấy Trương Ngáo lễ phép đứng hầu, ú ớ mấy câu vì bị cụt lưỡi. Chưởng môn Phan gia Thiếu lâm rút kiếm múa loang loáng dưới ánh đèn, môn sinh vòng trong vòng ngoài mặt xanh như tàu lá.
Đến gần Lê Thị, cây kiếm bỗng bay vút lên, Lê Thị rút cây bút lông, phóng vù một cái, cây kiếm gãy làm đôi, cắm phập xuống nền nhà.
*
Đồn rằng sau đó, Phan chưởng môn dẫn Lê Thị lên ẩn cư ở Bất Nghiã sơn, đổi tên lại thành núi Thần Đinh. Vợ chồng ở chốn phòng the vẫn kính trọng nhau như khách. Điều đó không biết thực hư thế nào, chỉ biết hậu duệ của họ đều mang họ ghép Phan Lê sau này đều hành nghề dạy học. Các cụ đồ dòng Phan Lê tiếng tăm lẫy lừng, học trò đếm không xiết. Không mở võ đường, nhưng kỳ thi nào học trò của họ người đỗ đầu về văn, người đỗ đầu về võ. Đó là bí truyền của dòng họ Phan Lê.
*
Sau trận lũ lớn, hói Cùng khơi thông trở lại nhưng không hòa cùng dòng chảy các con hói khác trong vùng, nó là một con hói cụt, sau vỡ to thành cái đầm mọc đây năn, lác.
Mỗi năm đến rằm tháng tư, ngày vợ chồng Phan-Lê bỏ nhà lên núi ẩn cư, cũng vào mùa trăng thanh gió mát, người trong vùng lại tụ về đầm Cùng để xem múa kiếm. Dưới ánh trăng mờ ảo, gió nồm hiu hiu, những ngọn lác khua lên loang loáng như muôn vàn cây kiếm sắc.
Trong cảnh tượng kỳ vĩ ấy, ít ai nhận thấy, những ngọn năn ẩn mình đung đưa nhè nhẹ tựa nghìn vạn bút lông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét