Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2015

Điều răn và..."trên"

Một thiếu nữ theo đạo xin đi nhờ xe, ngồi bắt chéo, để lộ cái đùi trắng nõn. Người nam cầm lái bắt đầu tiếp cận cái đùi, suýt nữa thì gây tai nạn. 
Sau khi điều chỉnh lại tay lái, người nam không cầm lòng được, tiếp tục thò tay sang chỗ ban nãy.
Nữ kêu: “Xin ngài, hãy nhớ điều răn 129″. Nam liền bỏ tay ra. 
Nhưng sau khi vào số, nam lại tiếp tục tiếp cận chỗ cũ. Một lần nữa nữ kêu: “Xin hãy nhớ điều răn 129″. 
Nam thẹn quá: “Xin lỗi, tôi trần tục quá”. 
Tới nơi, nữ thở dài và bỏ đi.
Nam vội cầm điện thoại nhờ Google tra cứu ngay cái điều răn 129 ấy, thấy đề: “Hãy tiến lên, tìm kiếm, xa hơn nữa, con sẽ tìm thấy hào quang”.
*
Ở VN không cần điều nào, chỉ cần nói: Trên chỉ đạo... là dưới răm rắp... Bố Google cũng chẳng biết được "trên" là ai?

Thứ Hai, 22 tháng 6, 2015

Bệnh viện Nguyễn Bá Thanh

Thành lập Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng để điều trị miễn phí cho bệnh nhân là ý tưởng vô cùng nhân văn của ông Nguyễn Bá Thanh lúc còn ở Đà Nẵng.
Lúc đó hoàn toàn có thể làm được bởi ông Thanh có tâm huyết, có uy tín và có sức mạnh để kêu gọi các nhà hảo tâm và các tổ chức phi chính phủ tài trợ.
Ông Thanh đi sớm, bây giờ Đà Nẵng ngồi bàn, đưa ra nhiều phương án nhưng chưa phương án nào được thông qua.
Theo quan điểm cá nhân của tui thì không nên quốc hữu hóa bệnh viện này vì như thế khó thực hiện được mục đích ban đầu. Cách tốt nhất nên cổ phần hóa nhưng phải có các điều kiện sau:
- Một là, đổi tên bệnh viện thành Bệnh viện Nguyễn Bá Thanh, bệnh viện chuyển thành bệnh viện đa khoa nhưng vẫn đầu tư khoa ung bướu thành khoa được trang bị hiện đại và vẫn chữa ung thư miễn phí cho người nghèo. (Tên bệnh viện là để tri ân người đưa ra ý tưởng và “thương hiệu” Nguyễn Bá Thanh vẫn có sức lan tỏa lớn, làm bệnh viện đa khoa là để thu tiền bên này nuôi bên khoa ung bướu).
- Hai là, mời ông Nguyễn Công Khế (hiện làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn truyền thông Thanh Niên làm Chủ tịch HĐQT của bệnh viện. Ông Khế là người rất thân thiết và có nhiều ý tưởng chia sẻ với ông Nguyễn Bá Thanh lúc sinh thời, ông cũng là người có khả năng kêu gọi bạn bè ông góp vốn tối thiểu 51% để ông đứng ra làm đại diện. Ông Khế hiện là Phó chủ tịch Hội Việt Mỹ, đó là một thuận lợi.
- Ba là, mời ông Phạm Hùng Chiến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng (trong tháng sau sẽ về hưu) làm Giám đốc. Ông Chiến là người biết rõ nhất ý tưởng hình thành bệnh viện; ông cũng là học sinh miền Nam như ông Thanh và cũng từng làm Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng trong thời gian dài. Ông Chiến là người có rất nhiều ý tưởng đặc biệt.
Nếu 3 điều kiện trên đây được đáp ứng thì việc duy trì một bệnh viện nhân văn như ý tưởng ông Nguyễn Bá Thanh là có thể làm được.
Không biết ai có cao kiến gì hơn?

Thứ Hai, 15 tháng 6, 2015

Sơ kè với Thái Lan

Nhân Seagames, truyền thông Thái Lan mấy hôm nay xoay quanh chủ đề: Vì sao người Việt Nam hay so kè với Thái?
Họ bàn tán sôi nổi, trong đó, có một cha làm tiến sĩ ở VN về nói rằng, bản chất của người VN hiếu thắng, không biết mình đang đứng ở đâu nhưng với ai cũng muốn hơn.
Thoạt nghe, mình điên lắm, nhớ cái thuở Sài Gòn là “hòn ngọc Viễn Đông” thì Thái Lan vẫn bị gọi là Xiêm La. Xiêm La là một từ có hàm ý miệt thị, mặc dù năm 1948 nước Xiêm đã đổi tên thành Thailand.
Nhưng bình tĩnh nghĩ lại, thấy thằng cu Đít ngày xưa đi chăn trâu cùng mình, bị mình đá đít, bắt bò trên cỏ cho mình cưỡi, sau này làm chủ tịch tỉnh nó cưỡi lên đầu mình thì thấy thằng Xiêm La có lý.
Về tổng thể, trong kỳ Seagames này, cái gì mình cũng chỉ đứng thứ ba, thứ ba tức là sau 2 hai thằng nữa chứ không chỉ sau Thái Lan, nên chi bóng đá huy chương đồng cũng là đúng sức, không tiếc nuối làm chi.
Nếu đất nước đang vượng khí thì thể thao cũng vượng khí, còn không thì ngược lại..
Và nếu VN ta cứ lấy “hòn ngọc Viễn Đông” làm quá khứ tự hào thì đến một Seagames nào đó, truyền thông Lào sẽ bàn luận: Vì sao Việt Nam lại hay so kè với…Lào?
Nên Thinhbabel tôi chưa bao giờ dám so với thằng Đít. Vì thằng Đít từng biết bò cho Thinhbabel tôi cưỡi, thời điểm đó, thằng Đít biết mình là ai.

Thứ Tư, 10 tháng 6, 2015

CÁM ƠN CON RẤT NHIỀU, ÁNH VIÊN!

“Tôi đã giành sáu HC vàng và phá 7 kỷ lục SEA Games nhưng tôi sẽ không ngừng phấn đấu. Nếu tôi hài lòng với những gì đã đạt được, tôi là kẻ thất bại ngay từ bây giờ, chứ không phải chờ tới ngày mai. Tôi không nhớ đến chiến thắng, mỗi ngày đều nỗ lực như chưa giành được gì”
*
Nghe đi nghe lại câu trả lời của Ánh Viên, tôi đã lặng người đi rất lâu. Cô gái đó mới 19 tuổi, nhỏ hơn cả con gái út của tôi, người đang đứng trên đỉnh vinh quang lại suy nghĩ rất giản dị nhưng vĩ đại, vĩ đai trong giản dị, chân thành. Nó thực sự làm lay động trái tim và tâm hồn tôi, một người sống lâu năm và thường tự phụ về những chuyện cỏn con mà mình làm được.
*
Mình đã làm được cục cứt chi mà đâu tranh (đâu chứ không phải đấu) với thiên hạ?
Bản thân sự đâu tranh, đố kỵ, sân si…là đã thất bại rồi.
Thực sự Ánh Viên đã cho đời một bài học lớn.
Ánh Viên, bác muốn nói thế nhưng sợ không phù hợp với tính cách của con, nên chỉ nói cảm nhận của cá nhân mình: Con đã dạy cho bác một bài học lớn, một triết lý sống, một sự thức tỉnh...
Cám ơn con rất nhiều.
NGUYỄN THẾ THỊNH

Thứ Ba, 2 tháng 6, 2015

NGÀY ĐỊNH MỆNH: 5 THÁNG 6 NĂM 1974


 Ngày 5.6 là ngày mình lên đường nhập ngũ.
Sáng đó, các bạn đồng học tiễn mình lên Huyện đội Lệ Thủy thì đi thi tốt nghiệp cấp 3 buổi đầu tiên.
Bằng tốt nghiệp phổ thông của mình (hệ 10 năm) sau này được ghi “Tốt nghiệp đặc cách nghĩa vụ quân sự”- dòng này được viết bằng mực đỏ.
Trong xóm, mình chơi thân với Nguyễn Thanh Sinh, nó cũng học cùng khóa nhưng khác lớp, cũng đi bộ đội một ngày, vào cùng một đơn vị. Lúc học lớp 10, nó và em gái của Trần Quang Vinh một người bạn cùng khóa thích nhau. Vinh đi bộ đội trước và hy sinh sau ngày nhập ngũ một năm, ở chiến trường Quảng Trị.
Nguyễn Thanh Sinh hy sinh, Trần Thị Gái, cô hoa khôi của trường, bạn nó, vào ngành công an, vẫn ở vậy cho đến nay.

 Vào chiến trường, mình, Sinh và Thân Trọng Bình rất thân nhau. Ngoài việc có bề ngoài khiến nhiều người nhầm thì 3 đứa đều trẻ nhất đơn vị, 17 tuổi.
Bình quê Thừa Thiên nhưng ba mẹ tập kết ra Bắc, ở Đồng Hới. Tối nào sau giờ sinh hoạt và điểm danh của đơn vị, ba thằng cũng trốn về bãi cát ven sông Sê kông đoạn qua Ma-ka- muỗng tập võ. Bình là đứa biết nhiều thứ nhất trong đám bạn. Nó chơi đàn guitare cực hay và là thầy dạy đàn và dạy phóng dao của mình và Sinh. Nó cũng là tiền đạo đội bóng đá của F470 có cái chân trái khéo như cái tay.
Bình xuất ngũ, về học Âm nhạc Huế rồi ở lại trường. Về âm nhạc, nó là đứa, vào thời điểm đó, có học vị cao và sớm.
Bình lấy vợ là một cô sinh viên cùng ngành, có hai con trai thì lâm bệnh và mất.


 Vẫn nhớ hôm nhập ngũ, mấy đứa con gái khóc như ri. "Thịnh ơi, mi đừng chết!"
Mình không chết. Nhưng có hai người bạn thân thì đã ra đi.
Mỗi năm đến ngày nhập ngũ, lại nhớ đến hai đứa nó. Rất nhớ.
Mình gọi ngày 5 tháng 6 năm 1974 là ngày định mệnh. Vì nếu ngày đó không thế thì cuộc đời của 3 đứa mình sẽ khác, rất khác.
Sinh ơi, Bình ơi! Tao rất cô đơn.