Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2013

Thư gửi Hoàng Thị Kim Dung- người mẹ sinh con với chồng quá cố

Từ khi đọc được mẩu tin Dung sinh cho người chống quá cố hai đứa con, tôi đã bị ám ảnh. Câu chuyện dường như chỉ có trong huyền thoại này đã đánh thức cảm xúc hầu như đã đông cứng tâm hồn nhiều người, có cả tôi, bởi cuộc sống đầy nhiễu nhương mà người ta hàng ngày phải đối mặt. Đó không chỉ là một thành tựu y học trước đó là điều không tưởng, mà chính là em, người đàn bà, người vợ, người yêu...đã viết nên một câu chuyện thần thoại mà dù có tưởng tượng phong phú đến đâu nhiều người như tôi không thể nào nghĩ ra được.
Em đã yêu anh ấy 5 năm, đã phải xa ảnh sau ngày cưới để hoàn thành chuyện học hành. Chỉ ngần ấy thôi cũng đã làm cho người ta thán phục. Không chỉ nghị lực của em mà còn tình yêu của N. chồng em, người em yêu và chắc chắn đã rất yêu em.
Sạu ra đi đột ngột của chồng, rất nhiều người có thể tưởng tượng và thấu hiểu nỗi đau khổ của em, nhưng không ai nghĩ được rằng, trong nỗi đau tột cùng đó, em đã nghĩ đến và làm được một điều vĩ đại. Điều đó phải xuất phát từ tình yêu mãnh liệt của hai người, phải xuất phát từ bản lĩnh và trí tuệ của em, của những năm tháng phải xa chồng để học tập. Anh ấy đã ở nhà, yêu thương, chờ đợi, lo toan và tất cả những điều đó là kết quả của hôm nay, cho dù đi xa, anh ấy vẫn hiện diện với hai đứa con của mình, nhờ em, nhờ những năm tháng đó.
Thời nay người ta không yêu được thì chết, không yêu được thì làm cho người mình yêu không chết thì cũng thân tàn ma dại mà hàng ngày vẫn đọc được đâu đó...Em đã chứng minh cho cuộc đời một điều, yêu là để sống, sống dưới mọi hình thức. Em đã chứng minh một điều vốn người ta hay nói nhưng khó thực hiện: tình yêu vĩnh hằng.
Em đã đánh thức tâm hồn, ít nhất là đối với tôi, cuộc đời vẫn còn nhiều điều tốt đẹp tiềm ẩn đâu đó quanh ta, vì thế cuộc đời rất đáng sống, nếu người ta sống tốt thì cuộc đời không lấy hết của ai cái gì bao giờ.
Anh tin cả nhân loại này cầu chúc cho mẹ con em mãi mãi hạnh phúc, và cả người ở thế giới bên kia của N. cũng đang cầu chúc cho mẹ con em.
Dù không muốn, em vẫn là biểu tượng của tình yêu, Dung à.
 

Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

Chấm điểm sự hiểu biết về phụ nữ

1. Vùng nào phụ nữ xoăn nhất?
- Châu Phi (10 điểm)
- Chỗ bạn đang nghĩ (3 điểm)
2. Cái gì của đàn ông cứng mà phụ nữ thích cầm?
-Thẻ ATM (10 điểm)
-Chỗ bạn đang nghĩ (6 điểm)
3. Đàn ông thường khoe khoang điều gì?
-Số lượng phụ nữ chinh phục được. (10 điểm)
-Tiền (4 điểm)
4. Phụ nữ hay giấu giếm điều gì?
- Số lượng người tình. (10 điểm)
- Khiếm khuyết về nhan sắc (5 điểm)
5. Phụ nữ thích nhất điều gì ở chồng và người yêu?
- Ghen. (10 điểm)
- Mạnh mẽ (5 điểm)
6. Phụ nữ thích lấy người đàn ông nào làm chồng?
- Chung thủy. (10 điểm)
- Đẹp trai (3 điểm)
7. Phụ nữ thường bị loại đàn ông nào chinh phục?
- Đểu. (10 điểm)
-Nhiều tiền (5 điểm)
8. Sự lừa dối nào của đàn ông khiến phụ nữ thích?
- Khen họ đẹp. (10 điểm)
- Khen họ giỏi (2 điểm)
9. Phụ nữ không thích đàn ông mập, nhưng có một thứ càng mập họ càng thích?
- Cái ví. (10 điểm)
- Cái bạn đang nghĩ (5 điểm)
10. Điều phụ nữ muốn là được?
- Chinh phục đàn ông (10 điểm)
- Quản lý chồng (0 điểm)
**
Đạt 100 điểm: Rất đểu; Từ 70 đến 90 điểm: Đểu; Dưới 70 điểm: Khờ

Thứ Hai, 4 tháng 11, 2013

Thơ

Truyền thuyết về Đời
Đã có những tháng ngày đàn ong cần mẫn xây tổ của mình, cần mẫn với những cuộc chơi, thả hồn trong dàn hợp xướng có rất nhiều cung bậc khác nhau.
Những con ong hát bè cao bảo, nếu không có những con ong khác hát bè trầm giọng nó không thể vút cao. 
Những con ong hát bè trầm bảo, không có giọng hát vút cao thì không ai nhận ra có bè trầm…
Người ta gọi đó là thiên đường.
Rồi một ngày, có một con ong thử bằng giọng khác
nhiều con ong âm thầm luyện giọng riêng
Dàn hợp xướng lạc phách
Và người ta gọi đó là đời.
Tôi trở thành triết gia khi định nghĩa: Đời là đàn ong vỡ tổ.
Nhiều người cũng sẽ trở thành triết gia khi có riêng định nghĩa của mình.
Tháng 10.2013

Tỉ phú thời gian
Thượng đế ban phát nhiều thứ trên đời
Cho nhiều người làm tỉ phú tiền bạc kim cương
Tôi chỉ cầu xin Người một thứ:
Được làm tỉ phú thời gian.
(Thứ mà Người chưa từng ban phát).

Người hãy tin
Tôi nhất định không nhảy lầu, nhảy cầu, uống thuốc rầy vì gái
Không đố kị với bọn tỉ phú vàng bạc kim cương
Không ngồi trong phòng viết lên tường facebook
than thân trách phận, ném đá, ném bùn...

Tôi sẽ yêu và sống mỗi ngày như ngày cuối cùng được sống
Tôi sẽ đi như ngày cuối cùng được đi
Tôi sẽ làm như ngày cuối cùng làm việc
Và sẽ cho những gì mình còn có để cho
(Kể cả thời gian Người tặng)

Bận rộn vô cùng
Đến nỗi không có thời gian.

Tháng 11.2013

Thứ Tư, 18 tháng 9, 2013

Gặp lại...ký ức

Không có chuyến đi nào khiến chúng tôi náo nức như chuyến đi Ukraine, nhất là khi Thanh Niên mang Khát vọng trẻ 6 đến đất nước này. Nó hồi hộp như gặp lại người yêu đầu tiên, dù bây giờ người đó có già hơn, có thành danh hay thất bại, có con cái đề huề hay cô đơn…thì trong tôi, cô ấy vẫn trẻ trung, đầy đam mê. Khó mà quên được người mà ta đã từng yêu từ cái nhìn đầu tiên…
Chuyến bay của hãng hàng không Turkish Airline hạ cánh xuống sân bay
Dneproptrov vào buổi chiều tà. Mùa Thu của Ukraine khiến hành khách đều có chung cảm giác bình yên, thanh thản đến nao người.  Bất chợt nhớ câu hát nổi tiếng (dù đó là hát về Maxccơva): Chiều thanh vắng là đây âm thầm gió rì rào…Một cô gái trong đoàn thốt lên, thật đáng yêu và rất muốn yêu.
Tôi run rẩy khi đặt chân lên mảnh đất mà từ rất lâu đã ước mơ có dịp trở lại. Thực ra không nghĩ đến một địa danh cụ thể mà là đến bất kỳ nước nào trước đây thuộc Liên bang CHXHCN Xô viết (CCCP), vì đối với thế hệ chúng tôi, thì đó là một ký ức trinh nguyên. Có cảm giác giống như sắp gặp lại người yêu đầu tiên vậy.
*
Từ Istanbul sang, chúng tôi đi máy bay của Turkish Airline, được đánh giá là “Hãng hàng không tốt nhất Châu Âu” do Skytrax bình chọn lần thứ ba liên tiếp. Nói thế để có thể so sánh với những gì tôi sắp chứng kiến sau đây: Vào thời điểm đó, sân bay chỉ đón một chuyến bay thương mại, khiến người ta có cảm giác như đó là sân bay Chu Lai của Quảng Nam, chỉ khác hai từ quốc tế. Đoàn mang theo đồ đạc, đạo cụ lỉnh kỉnh phục vụ đêm diễn nhưng nhà ga tuyệt nhiên không có một chiếc xe đẩy hành lý. Ai không vào toilet thì thật là hoang phí, bởi đó chính là bảo tàng sống động về …toilet thời bao cấp của Liên Xô.
Mấy thanh niên của làng Thời Đại, một địa chỉ nổi tiếng, biểu tượng sinh động về tình đoàn kết, tính cộng đồng của người Việt ở Kharcov lên đón đã rất hiểu điều này nên mang theo hai chiếc xe đẩy dã chiến. Chuyện thật khó tin. Nhưng kệ. Với tôi, người yêu đầu tiên vẫn thuần hậu. chất phác như xưa.
*
Tôi ngồi lặng người nhìn qua cửa kính xe. Những cánh đồng hướng dương vừa thu hoạch trải dài mênh mông. Hai bên đường tuyệt nhiên không có một ngôi nhà (theo kiểu bám mặt tiền mà sống như bên ta), khiến người ta liên tưởng đến sự khoáng đãng của tâm hồn người dân nơi đây.
Kharcov đây rồi. Những hàng bạch dương, những rặng phong vàng rực dưới nắng chiều…Chiếc tàu điện cổ xưa màu gỉ sắt thay cho màu sơn vẫn rung lên trên đường ray giữa đường phố tráng lệ, giữa những tòa nhà cao tầng cổ kính xen kẽ hiện đại…Nó không hề bị lạc lỏng mà thậm chí rất hòa quyện, vì nó dường như là…ký ức, ký ức thì không thể tách rời trong đời của một con người.
*
Quảng trường Tự Do nằm giữa trung tâm TP Kharcov. Tôi thực sự ngỡ ngàng, dù đã được kể trước, khi ngắm nhìn tượng đài Lenin sừng sững. Không chỉ vì sự ngưỡng mộ của mình với Lenin mà vì ngưỡng mộ người dân Ukraine vĩ đại. Có cảm giác như người yêu đầu tiên vẫn cất giữ lá thư viết tay mình gửi cho cô ấy dù thời đại đã dành cho iFone, iPad. Một người yêu chung tình.
Người ta bảo con gái Kharcov đẹp nhất châu Âu, điều đó quả không sai. Tôi thì thấy họ không chỉ đẹp mà gương mặt rất thanh thoát. Người có một đời sống dù đầy đủ đến mấy nhưng tâm hồn suy nghĩ lăn tăn thì không bao giờ có gương mặt đó. Họ thật sự có một đẳng cấp văn hóa cao khi làm chủ được tâm hồn của mình.
Kharcov (và Kiev) vẫn như xưa, như là mình nhận ra ngay người yêu mình sau bao nhiêu năm xa cách, chính là cô ấy. Có cảm giác như thành phố có bàn tay tài ba của một kiến trúc sư trưởng từ thời liên bang xô viết. Sự phát triển mà chúng ta có thể nhìn thấy được rõ nhất là những bảng hiệu kèm thêm tiếng Anh. Thành phố rất phát triển, nhưng là sự phát triển giống như một cô gái biết trang điểm cho hợp thời, hợp cảnh hơn là phẫu thuật thẩm mỹ.
*
Suốt những ngày ở Kharcov, ở trong làng Thời Đại, chúng tôi có cảm giác như mình không phải đi xa mà đang được về nhà. Mỗi ngày hai bữa đến nhà hàng Cây Dừa, nơi mà mấy chị em chăm chút việc ăn uống cho đoàn. Vẫn là phở bò, miến ngan, bún giò…vẫn là cơm, cá kho tộ, tôm thịt rim…và tám bằng tiếng Việt.
Thích nhất là cảnh mỗi buổi sáng, những bảo mẫu người Kharcov (bên ta gọi là Osin) đưa con của các gia đình người Việt đi dạo, những cô gái Ukraine phục vụ trong nhà hàng bưng phở cho khách, những chàng trai Ukraine tóc vàng nhặt banh ở sân tenis của người Việt…Thế mới biết vì sao ông tỉnh trưởng Kharcov nói rằng, người Việt là những công dân số 1 của Ukraine.
Loanh quanh trong làng Thời Đại, ngắm nhìn tượng đài Thánh Gióng uy nghi, viếng chùa Việt…tôi thật không thể cắt nghĩa được vì sao cộng đồng người Việt ở đây lại có thể tạo nên kỳ tích này giữ đất nước bạn. Điều hành một cơ quan đã khó, một làng ở Việt Nam càng khó…vậy thì làm sao có thể xây dựng và điều hành một làng Việt Nam ở  nước ngoài? Phải là người có đầu óc cực thông minh và một trách nhiệm với cộng đồng cực kỳ cao mới khơi dậy và làm cho cộng đồng gắn bó đến nhường này.
Thời gian chúng tôi ở Kharcov, không chỉ đoàn Khát vọng trẻ 6 bao gồm cả trăm nghệ sĩ và nhà tổ chức mà thời gian đó có trên 200 doanh nghiệp VN ở 12 nước châu Âu và đoàn doanh nghiệp Mỹ về dự diễn dàn thường niên do Hiệp hội doanh nhân VN ở Ukraine đăng cai tổ chức, thế mà việc đi lại, tổ chức diễn đàn, tổ chức chương trình nghệ thuật Khát vọng trẻ đều do “người làng” lo liệu không chút sơ suất. Thật phi thường.
*
Ngoài khách sạn của làng, nhiều anh em được bố trí về ở với các gia đình (mỗi gia đình có một căn hộ rộng rãi, tiện nghi), thoạt đầu có vài anh em ca sĩ, người mẫu ái ngại nhưng ở rồi mới thấy ai phải ở khách sạn mới thiệt thòi.
Lâm Hiếu Dũng, Đoàn Mẫn, Lê Văn Quý, Thành Trung ở nhà chị Phương, di vài bước đến nhà hàng Cây Dừa. Chị Phương quản lý nhiều quầy hàng ở khu chợ do người Việt xây dựng (lớn nhất Kharcov). Công việc bộn bề là thế nhưng chị luôn giành thời gian chăm sóc đoàn. Có cảm giác như chị đón mấy đứa em đi xa về thăm quê, nhà đầy ắp tiếng cười, tiếng nói.
Anh em ở khách sạn cũng lấy nhà chị làm nơi tụ tập. Thế mà khi chia tay, chị còn băn khoăn vì công việc quá bận nên sợ mình không được chu đáo.
*
Buổi tối diễn ra chương trình Khát vọng trẻ 6 mới thật sự mang đến cảm xúc cho những người tổ chức. Trong cuộc đời, tôi chưa từng thấy có một chương trình nào khiến người ta quan tâm và chờ đợi như thế. Còn 3 tiếng nữa mới đến giờ khai diễn nhưng từ chiều, trước đó 3 tiếng, trước sảnh Nhà hát Opera và balet Kharcov đã chật kín người. Chỉ tiếc là nhà hát chỉ có 1.700 chỗ ngồi nên nhiều người đã không có cơ hội. Và bà con cộng đồng người Việt đã không phải thất vọng khi chứng kiến một bữa tiệc nghệ thuật mãn nhãn và mãn nhĩ. Anh Lợi và những người trong ban tổ chức phái Kharcov xúc động: “Rất tự hào, chúng tôi rất tự hào!”
*
Không đủ thời gian để tìm hiểu kỹ hơn về sự thành công của người Việt ở Ukraine, về những sinh viên du học quyết định ở lại lập nghiệp và bây giờ đã thành ông của của những tập đoàn nổi tiếng về đầu tư trở lại trong nước với Vinpearl, Bà Nà Hills…và hàng loạt công trình tầm cỡ, nhưng may mắn thay, được dự diễn đàn doanh nghiệp VN tại Châu Âu lần thứ 7 bàn về chủ đề xây dựng hệ thống bán lẻ và kinh doanh nhà hàng, cửa hiệu…
Ông Lê Viết Lam, Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân VN ở Ukraine, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Sun Group điều hành diễn đàn cho hay, bán lẻ là lợi thế của người Việt ở nước ngoài vì họ chịu thương, chịu khó, nhờ hệ thống bán lẻ, nhất là các chợ theo mô hình VN của người Việt đã làm cho cuộc sống của người dân bản địa dễ dàng hơn…Chính vì thế, đã có rất nhiều người khởi nghiệp và thành doanh nhân thành đạt từ công việc này. Thế nhưng, thời ký bán hàng ở ký túc xá, chợ tạm…đã không còn thịnh vượng, vì thế phải thay đổi cho phù hợp hơn. Những người Việt Nam xa xứ đều có hoàn cảnh và số phận khác nhau nhưng đều có chung một khát vọng thay đổi cuộc sống của mình. Và vì thế phải nuôi dưỡng khát vọng đó bằng cách tìm cách thay đổi mô hình kinh doanh…Chia sẻ với ý tưởng này, doanh nhân Phạn Ngọc Chu (Hungary) cho rằng, thời gian trước đây, mọi người “đi chợ kiếm tiền”, ai có tiền thì lại xây chợ, nhưng bây giờ là giai đoạn “cơn mưa vàng bán lẻ ở chợ” đã qua, kiếm tiền ở chợ rất vất vả, vì thế phải chuyển đổi phương thức bán lẻ. Doanh nhân Nguyễn Ngọc Đức (CH Sec) trăn trở: Thời ký bà con bán lẻ ở khu vực chợ vùng biên giáp Đức-Áo đã qua, nay hội làm sao để giúp bà con làm ăn? Vì thế Hội doanh nhân VN ở đây đã thuê các tập đòn lớn nghiên cứu và đưa ra mô hình bán lẻ mới. Nhiều ý kiến khác chia sẻ kinh nghiệm nên xây dựng mô hình bán lẻ theo kiểu của hàng quy mô nhỏ, phát triển thành chuỗi cửa hàng. Để làm được điều đó cần chọn vị trí (nơi đông dân và ít người kinh doanh), mặt hàng phải đa dạng, thời gian bán hàng dài (nhiều giờ trong ngày), phương pháp bán hàng phải thân thiện (cái mà siêu thị không có được) và phù hợp với thói quen của người bản địa…
Sự trăn trở của các doanh nhân thành đạt qua diễn đàn cho tôi cảm nhận họ không phải lo cho họ (vì họ đã hướng đến điều lớn hơn) mà lo cho cộng đồng- đó là điều quý nhất.
Doanh nhân Phạm Minh Nam (Anh) thì đặt câu hỏi mà như đã trả lời: “Vì sao nước ngoài đến VN đầu tư mà chúng ta không về đầu tư trong nước?”. Là họ vẫn đau đáu về Tổ quốc của mình.
Bên lề diễn đàn, tôi rất thích tâm sự của một doanh nhân: “Thời đó sinh viên đi du học về nước gọi là người yêu nước, những sinh viên ở lại nước ngoài lập nghiệp thì tiếng ra tiếng vào nhưng chúng tôi ở lại là vì nước. Nay thành công ở nước ngoài về đầu tư ở trong nước thì người yêu nước và người vì nước đã hòa nhập làm một”.
*
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền CHXHCN VN tại Ukraine đánh giá, Chương trình Khát vọng trẻ của Thanh Niên là đại sứ của tính hữu nghị, đó là đánh giá về mặt quan hệ, riêng tôi, chuyến đi dù nhắn nhưng cho tôi nhiều trải nghiệm, qua đó lý giải được phần nào về sự thành công của cộng đồng người Việt tại Ukraine nói riêng và Châu Âu nói chung.
Người ta có nhiều quan điểm khác nhau về các nước trước đây là XHCN, không ít những người báng bổ, tôi thì nghĩ khác: Nếu không phải đã từng XHCN anh em thì làm sao cộng đồng người Việt lại có thể xây được cả ngôi làng với tượng đài Thánh Gióng sững sững, với khu chùa VN hoành tráng đậm chất tâm linh ngay giữ lòng Kharcov- Ukraine? Và kiến trúc, quy hoạch của TP Kharcov hay Kiev hôm nay có nền tảng từ thời XHCN đã chứng minh ở các nước này XHCN không phải cái gì cũng không thành công.  
*
Tôi rất thích những tượng đài, rất thích những phù điêu từ thời Liên Xô vẫn còn nguyên vẹn trên những tòa nhà như thích người yêu đầu tiên vẫn để tóc dài và nay mặc áo dài cách điệu…

Không gì đẹp bằng ký ức.


Ukraine, tháng 9.2013

Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2013

Sai lầm

Sai lầm của bọn con trai là hay hớp hớp mấy đứa con gái dễ dãi (tưng tưng).
Sai lầm của bọn con gái là hay thích bọn con trai...nổ.
Sai lầm của mấy bà vợ là đánh giá cao chồng...hàng xóm.
Sai lầm của mấy ông chồng là đánh giá thấp vợ mình.
Sai lầm của sếp là tưởng làm cái gì cũng giỏi.
Sai lầm của lính là tưởng ai cũng có thể làm sếp.
Sai lầm của mấy ông bồ là hay cho.
Sai lầm của mấy cô bồ là hay nhận.
Sai lầm của chính quyền là tưởng mình đang cai trị.
Sai lầm của người dân tưởng chính quyền là ông chủ.
Sai lầm của người làm báo tưởng mình là chân lý.
Sai lầm của người đọc báo là tin những gì báo viết.
Sai lầm của bọn tham nhũng là quá nhiều tiền.
Sai lầm của dân nghèo là không thể...tham nhũng.
Sai lầm của hổ là tưởng ăn con gì cũng được.
Sai lầm của Sách Đỏ là ghi tên hổ.
Sai lầm của thỏ là tin vào rùa.
Sai lầm của rùa là tin vào người.
Sai lầm của thầy giáo là sợ dạy mà học sinh hiểu mất.
Sai lầm của học sinh là chỉ học để thi.
Sai lầm của Mark Zuckerberg là chỉ để like.
Sai lầm của người chơi fb là bấm vào đó.
...

(Bản quyền của NTT)

Thứ Hai, 19 tháng 8, 2013

Một ý tưởng cho đường hoa xuân Đà Nẵng 2014

Dịp tết Quý Tỵ, đường hoa xuân Bạch Đằng Đà Nẵng năm 2013 lần đầu tiên được xây dựng theo chủ đề “Trăm hoa khoe sắc” đã mang lại một nét xuân mới lạ, rực rỡ với rất nhiều cảm xúc cho người thưởng ngoạn. Còn năm nay?

Phải mất một tháng thi công cả ngày lẫn đêm, tối 7.2.2013, đường hoa xuân Bạch Đằng năm 2013 đã khai mạc trong sự chào đón hân hoan của người dân Đà Nẵng. Trên chiều dài hơn 1.000m từ ngã ba Bạch Đằng-Phan Đình Phùng đến ngã ba Bạch Đằng-Lê Văn Duyệt, công trình được trang trí theo 6 đoạn, tương ứng theo 6 chủ đề: Xuân ký ức, Xuân sung túc, Xuân non nước, Trăm hoa khoe sắc, Mùa tình yêu và Mùa tụ hội.
Biểu tượng chính của Đường hoa Xuân Bạch Đằng 2013 lấy ý tưởng cách điệu từ linh vật của năm Quý Tỵ cùng đại cảnh Rắn vui Xuân đã mang lại sự háo hức cho người dân. Đường hoa được xây dựng với tổng trị giá 14 tỉ đồng do Công ty TNHH VietArt OOH đầu tư theo cam kết của công ty này với thành phố trong 10 năm.
Từ thành công này, ngay từ những tháng đầu năm nay, được sự đồng ý của UBND TP, Sở VH-TT-DL, VietArt OOH đã tổ chức cuộc thi ý tưởng xây dựng đường hoa xuân 2014 dịp tết Giáp Ngọ.
Tổng giám đốc Công ty TNHH VietArt OOH Nguyễn Lê Phương Thảo cho biết, Ban tổ chức, ban giám khảo cuộc thi đang gấp rút làm việc để chọn ra ý tưởng tốt nhất cho việc xây dựng đường hoa lần này. Tuy nhiên, bà không tiết lộ chi tiết cuộc thi, chỉ bật mí, có nhiều chủ đề hay và gần gủi hơn với người Đà Nẵng và những du khách yêu mến thành phố được mệnh danh là “thành phố thông minh hơn”, ‘thành phố đáng sống” này.
Thành công ngay từ lần đầu tổ chức, đường hoa Đà Nẵng đã thành một thương hiệu, một sản phẩm du lịch, một điểm thưởng lãm cho người dân trong dịp xuân về, tết đến, theo chúng tôi cần được duy trì và phát huy, tuy nhiên nó cũng cần được đổi mới cho phù hợp với tâm lý của người dân và du khách.
Đường hoa năm 2013 tập trung trên một đoạn đường 1.000m, nó có lợi thế là tập trung nhưng cũng có bất cập là lượng người tập trung rất đông khiến cho người thưởng lãm không được thoải mái. Theo thiển ý của chúng tôi, đường hoa năm nay nên rải ra nhiều điểm, không chỉ ở bờ tây mà nên có cả bờ đông sông Hàn. Ví dụ, ở bờ tây (đường Bạch Đằng) thì nên chọn 3 điểm chính ở trước trụ sỏ UBND TP, chân cầu sông Hàn và chân cầu Rồng…Ba điểm này sẽ được kết nối bằng những tiểu cảnh trên đoạn đường này. Phía đông sông Hàn (đường Trần Hưng Đạo) sẽ chọn thêm 2 điểm, có thể liền kề ở chân cầu sông Hàn. Vị trí này rộng rải, thoáng đãng, có không gian để làm nơi khai mạc đường hoa mà không sợ ảnh hưởng giao thông.
Nếu hình dung, chúng ta có thể nghĩ, 3 điểm ở bờ đông kết nối với nhau như theo hình chữ S giống bản đồ nước ta và 3 điểm nhấn là 3 thành phố lớn Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM; còn phía bờ đông như là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc. Năm nay là năm Giáp Ngọ nên biểu tượng chính là Thánh Gióng cưỡi ngựa có lẽ phù hợp hơn cả.
Nếu kịch bản này được các nhà tổ chức chấp thuận thì cái lợi có thể thấy được là mật độ người thưởng ngoạn đường hoa sẽ được giãn ra, thời gian du xuân chiêm ngưỡng được kéo dài, từng điểm đến sẽ mang lại cảm xúc khác lạ, tươi mới. Một điều rất nhỏ thôi nhưng cũng cần lưu ý, đó là người du xuân sẽ có nhiều tấm hình đẹp ở những điểm khác nhau, các góc độ khác nhau để lưu giữ. Đó cũng là điều rất quan trọng.
Về chủ đề tổng thể và những phân đoạn (hay điểm) của đường hoa, theo chúng tôi, cần gần gũi với đa số người dân và thân thiện với cuộc sống. Không nên khái quát cho có tầm vĩ mô, mà nên cụ thể. Vì chúng ta yêu thành phố mình sống, du khách yêu thành phố họ đến tức là đã yêu quê hương, Tổ quốc của mình. Nhất là dịp xuân về, người ta càng nghĩ nhiều về điều đó. Cái gì gần gũi, thân thiện cũng gợi cho con người nhiều xúc cảm.
Một điều nữa là chúng tôi mong muốn, các điểm nhấn của đường hoa không nên có những hàng rào, dù đó là hàng rào bằng hoa, cứ để tự nhiên thì nó sẽ rất thân thiện.
Năm ngoái,  trong thời gian đường hoa mở cửa, người dân Đà Nẵng và du khách đã thể hiện một nét dẹp tuyệt vời khi không có cảnh bẻ cành, ngắt hoa như nơi khác; chỉ khi bế mạc, có một chút đáng tiếc là người dân hiểu nhầm đã “xả trại” nên có đến lấy hoa và vật dụng. Đó chỉ là sự hiểu nhầm, chứ chúng tôi tin người Đà Nẵng sẽ vẫn thể hiện lối sống văn minh, lịch sự như từng có kể cả khi không có hàng rào và người bảo vệ đông như năm trước.
Thời điểm kết thúc nên chọn vào đêm khuya hoặc rạng sáng, có thể phối hợp với phía quân đội, công an và các lực lượng khác để hoàn trả mặt bằng khi trời vừa sáng, chắc chắn sẽ không có sự lộn xộn xẩy ra.

  Nhiều người cho rằng, trong thời buổi kinh tế khó khăn nên để Công ty TNHH VietArt OOH nộp số tiền làm đường hoa vào ngân sách, theo chúng tôi, đây là cách nghĩ không sai nhưng chưa đúng, bởi vì cuộc sống tinh thần của người dân cũng cần được nâng niu, chăm sóc, nhất là mỗi năm chỉ có một lần vào dịp Tết cổ truyền dân tộc. Nhưng nếu cứ cho là chi phí 14 tỷ đồng cho gần 1 triệu người dân và người làm việc ở TP (chưa kể du khách) thì mỗi người bình quân thụ hưởng được 10 nghìn đồng. 10 đồng để có thêm xúc ảm mùa xuân, góp phần tái tạo năng lượng cho một năm mới đến thì chẳng lý do gì để không đầu tư xây dựng cuộc sống tinh thần cho người dân cả.

Thứ Hai, 24 tháng 6, 2013

Vì sao chân dài thích?

 Đã hứa sau cuộc tàn sát dã man kéo dài qua 21.6, phải dưỡng quân vài ngày lấy lại sinh khí, nhưng nhận được điện thoại của một chân dài loại bậc nhất Đà thành, vốn tính dại gái nên không cưỡng được, đi nhậu. 
Câu chuyện trong cuộc đó thế này:
* Cả cuộc đời một người làm báo giỏi như anh (hihi, mình được đánh giá rất cao) thì anh viết được bao nhiêu phóng sự (cũng biết phóng sự chớ đừng đùa)?
- Một trăm! (Nói xong thì ngồi thẳng, ngực ưỡn ra).
* Một phóng sự được trả nhuận bút bao nhiêu K?
- Nhiều ít tùy từng bài, từng lúc, nhưng đổ đồng, bình quân mỗi cái 1 triệu.
* Vậy là anh có 100 triệu nhuận bút từ phóng sự?
-Đúng!
* Anh làm gì với 100 triệu đó?
-E hèm…theo em thì làm gì?
*Theo em thì chung vốn với ai đó để mua 2 mét vuống đất ở đường Bạch Đắng, gọi là cổ phần.
Đến đây mặt mình nghệt ra như ngỗng ỉa, mẹ kiếp, sự nghiệp có đến 100 cái phóng sự lẫy lừng là thế mà chỉ được có 2 mét vuông đất, cú nhưng kiềm chế, đoạn thủng thẳng:
- Nếu em tính 100 triệu anh có thể mua được 50 tấn lúa, có phải vĩ đại hơn không?
Chân dài bụm miệng cười rinh ríc. Đụng thằng nào mình đã cho nhai bã trầu rồi, đằng này vì chân dài mà mình lại dại...chân, nên kiềm chế phát nữa.
Chân dài tiếp tục:
*Vậy anh đã làm gì với 100 triệu đó?
-E hèm, anh...anh, anh đã mua 1 chai Chivas 62 năm tuổi ở cửa hàng miễn thuế bên Singapore, giá 7.000 đô Sing, vị chi là 70 triệu VNĐ; về VN, anh mua 2 kg thịt bò Kobe hết 30 triệu; gọi bạn bè đến nhậu hết rồi!
Chân dài ngất như chiếc tất. 
Chết chưa, dám à...
(Nửa đêm thức giấc, nhớ chuyện, bèn chép lại, thay cho việc giải thích vì sao chân dài lại thích mình? Kaka)

Thứ Hai, 17 tháng 6, 2013

21.6: Ca sĩ Phương Thanh phỏng vấn ngược nhà báo

 1. Nhà báo có khi nào mặc hàng nhái không mà phát hiện nghệ sỹ nhanh và kỹ vậy?
- Nhà báo biết được là do nghệ sĩ này tố nghệ sĩ khác!
2. Nhà báo có thích lộ hàng không mà dạo này toàn thích đăng nhiều lộ hàng quá ta?
- Thích lộ hàng với riêng ...nhà báo. Không thích lộ hàng cho nhiều người.
3. Nhà báo có tắm trắng không? Thích làm đẹp không?
- Nhà báo thì không nhưng...bồ nhà báo thì thích.
4. Mỗi lần đi phỏng vấn nghệ sỹ, ý muốn đầu tiên là "cầm dao" dọa hay thích nghe tâm sự trước?
- Nghe tâm sự trước, cầm dao sau.
5. Có khi nào Nhà báo dùng những chuyện cá nhân của mình để "uýnh" nghệ sỹ trên báo không? Có khi nào Nhà báo phỏng vấn không được mà quay sang đập nghệ sỹ một bài cho "có qua có lại" không?
-Nghề của chàng.
6. Có khi nào nhà báo trả lời thay ca sỹ, sau đó đọc lại thấy mắc cười vì toàn cách hành văn của mình không?
- Quen rồi nên chẳng thấy mắc cười.
7. Nhà báo có cảm thấy khó chịu khi con cái của mình được quan tâm một cách quá mức cần thiết? Nhất là chê con mình thì sẽ ra sao?
-Vì con mình chưa được quan tâm, chưa bị chê nên không biết.
8. Một lúc nào đó, nhà báo thử làm ca sỹ, thử cầm micro hát xem cảm giác như thế nào, xem có bị quên lời không - vì một số ít nhà báo hay "canh me" sự cố quên lời của ca sỹ. Thử bữa nào cầm mic xem tâm lý ra sao!
-Cầm micro và nhìn lên màn hình karaoke rất tự tin!
9. Nhà báo thử đóng phim đi, vì mỗi lần phim ra nhận xét sẽ đỡ hơn. Tình hình là, phim do Việt Nam sản xuất thường không bao giờ đủ vốn nên làm chắt chiu, thời gian có hạn nên sẽ có nhiều hạn chế. Đấy, nhà báo thử đóng phim mà xem!
-Đã là nhà báo tức là đang...đóng phim. Phim nhà báo đóng thường hên- xui nên bị Chanh chạnh chọe đó!
NGUYỄN THẾ THỊNH (Thanh Niên)

Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2013

Tháng 6 về...

Mình rất thích bài hát "Tháng Tư về".
Nhưng bây giờ là tháng 6.
Bắt đầu từ mùng 10 đã nhận được rất nhiều giấy mời nhân ngày 21.6.
Khác với các tỉnh khác, các đơn vị ở TP Đà Nẵng ít mời cái gọi là "đại diện", hầu hết đều mời đích danh, lãnh đạo cũng đích danh, phóng viên, nhân viên cũng đích danh.
Đích danh có cái hay là nó vừa thân mật vừa thấy từng cá nhân được trân trọng. Tuy nhiên, cái dở là đôi khi bận không đi được thì không ai chịu đi thay.
Mình rất lười đi, vì thấy nhiều nơi nó có gì đó đãi bôi cho phải phép, không khí gượng gạo, không vui.
Có nơi lại phát cái xách quà từ khi mới vào nên xách kè kè trông rất dị (mà đa số quà đưa về không dùng được vì có in tên).
Hôm rồi hơi bực mình khi một đơn vị tổ chức lại bắt mấy cha chủ báo và trưởng các cơ quan đại diện chơi trò "Tay đâu, tay đâu...Tay đây tay đây". Ớn!
Nhưng năm nào mình cũng đi với Mobifone chỉ vì chơi thân với mấy cha bên đó (dù điện thoại mình dùng mạng Vinafone mà thằng Vina này là chúa nghểnh ngãng với khách hàng, khổ nỗi số mình dùng bạn bè đã quen). Với lại bên đó tổ chức cũng vui vẻ, thân mật. Năm nay mình cũng đi và hát tẹt ga.
Năm nay nhiều nơi không đi được nhưng những nơi nhất định đi thì có một nơi vui nhất, đó là nhà bác Chiến.
Gọi là bác vì bác ấy là bác sĩ, giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng. Thực ra thì bác í tầm tuổi mình lại luôn xưng em, gọi mình là anh.
Vợ chống bác Chiến mời anh em lại nhà. Nhà ở trung tâm TP nhưng trong kiệt, có khoảnh vườn rất xinh. Đồ ăn thì do vợ bác í tự tay nấu, toàn thứ mang ở rẫy về. Ngon tuyệt!
Hồi trước mình thích bác Chiến vì lúc đó bác í làm Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng nhưng ai gọi cũng nghe máy, người nhà bệnh nhân hỏi gì bác í cũng bày vẻ rất kỹ càng. Mình dễ cáu nên không được kiên nhẫn như bác, nên thích.
Sau này, bác í kể mấy chuyện làm mình phải mang về kể với vợ con. Kể mà như nói là mình cũng phấn đấu làm được như thế.
Hồi con trai bác í cưới vợ, bác í nói với bác gái: "Bắt đầu từ ngày mai (ngày cưới của hai đứa nhỏ), bà phải đầu hàng tuyệt đối với con dâu. Đầu hàng để nó ở với mình, nó cho mình bồng cháu. Phật lòng nó ở riêng thì buồn lắm!".
Một hôm bác í điện thoại, mở cổng, thấy bác trai chở bác gái đến cho quả mít mới hái trên vườn. Mở cửa xe, thấy ông cháu nội ngồi trên băng ghế. Bác í cười nói, thỉnh thoảng chở cháu đi chơi anh thấy vui không?  Tất nhiên là quá vui.
Hôm rồi bác í kể, hồi tui mới yêu bà Liên (vợ bác giờ) tui chỉ quy ước một điều: Sau ni cô phải đối xử với bạn tui tốt như tui đối xử với bạn cô là được. Câu ni có vẻ đơn giản nhưng thực hiện không phải dễ. Nhưng có vẻ như bác gái cũng đã làm được.
Hôm đó không khí ấm cúng, thân thiện và quá vui nên mình uống hơi nhiều, đủ các loại và hát hơi hăng, hát Tháng Tư về-bài mình rất thích dù giờ đã là tháng 6 lại còn khuyến mại thêm bài Giấc mơ trưa. Keke.
Khi về lại còn chở theo một quả mít, một chai rượu thuốc. He he, mình thiệt là ham hố.
Trưa ni đã uống một ly rượu thuốc và ưa hát thêm bài nữa nhưng hết bài tủ rồi. Hây dza. Chắc phải tự sáng tác bài Tháng 6 về...

Thứ Hai, 27 tháng 5, 2013

Rạm chợ Tréo

Chợ Tréo ngự ở góc phía Đông Nam của ngã ba sông Kiến Giang, huyện vựa lúa Lệ Thuỷ của tỉnh Quảng Bình. Chợ đông từ sáng sớm, nhưng không hiểu sao lại gọi là chợ Tréo (ngoe). Cái tên chợ gợi tò mò cho không ít người.
Một lần có đoàn nhà báo từ trung ương vào dự đại hội, đi thăm đâu không đi, nhất định phải đi chợ Tréo.
Hôm ấy nhằm ngày mùng năm tháng năm, là ngày con rạm (giống như con cua đồng nhưng sống ở nước lợ, thân dẹt hơn) nổi lên, kết thành bè dưới phá Hạc Hải, người dân vớt được từng thuyền mang đi chợ Tréo. Rạm mùng năm béo, ăn gỏi cũng ngon, muối xổi càng ngon hơn. Dân đồng chiêm trũng Lệ Thuỷ dịp này mua làm nước mắm để trữ ăn dần. Nước mắm rạm đặc biệt lắm!
Lại kể, thấy bà bán một thúng rạm đầy nhưng không đậy, một anh nhà báo người Bắc nhanh nhẩu: “Bà ơi! Đậy lại không rạm nó bò hết!”. Nghe lời nhắc, bà già chẳng những không cám ơn lại còn nhìn anh này chằm chằm, đoạn hỏi: “Chớ chú ở đâu tới mà không biết rạm ni là rạm Lệ Thuỷ?”. Anh nhà báo vẫn hồn nhiên hỏi lại: “Rạm Lệ Thuỷ thì sao ạ?”. Bà cụ thúc thắc: “Rạm Lệ Thuỷ thì con ni bò lên, con khác kéo cẳng xuống, đố con mô bò ra được”. Anh nhà báo nở một nụ cười cầu tài vì câu chuyện ngồ ngộ, nhưng có vẻ như anh ta chẳng để ý gì về ngụ ý sâu xa của câu bà cụ nói.
Hôm sau, đại hội của hội nọ diễn ra căng thẳng ngay từ khâu kiểm tra tư cách đại biểu. Đoàn nhà báo bất ngờ đến mức không tài nào hiểu được một hội (mà nơi khác thông thường mọi người đều khiêm tốn nhường cho nhau, nếu không nói là đùn đẩy) ở đây lại “máu”đến thế. Anh nhà báo nọ, rốt cục đã viết một bài ca ngợi hết lời tinh thần đấu tranh thẳng thắn của các đại biểu đăng trên báo ngành. Báo đăng, anh gọi điện cho ông hội tưởng vừa đắc cử:“Bác thấy em viết thế nào ạ?”. Ông hội trưởng (về khía cạnh này cũng như bà bán rạm) không cám ơn đã đành, lại còn buông một câu: “Chú chả hiểu gì về câu chuyện rạm Lệ Thuỷ!”, rồi cúp máy.
Dịp này, mới giữa nhiệm kỳ, hội đã phải đại hội để bầu lại. Anh nhà báo lại được cử vào để dự. Không đi chợ Tréo nữa, anh dành thời gian để nói chuyện với ông hội trưởng đặng nắm thêm tình hình. Ông hội trưởng chưa quên câu chuyện “tinh thần đấu tranh” dạo nọ anh viết nên giở giọng “nói ngang Mỹ Lộc, nói dọc Quảng Cư” ra trước: “Anh theo dõi địa phương này, anh có biết quê chúng tôi mạnh nhất là môn thể thao nào không?”. Nghe đến đó, anh nhà báo không ngần ngại: “Biết chứ ạ, quê ta mạnh nhất là bơi lội!”. Ông hội trưởng thẳng thừng: “Trật lất! Tôi nói cho anh nghe, mạnh nhất là môn “thọc gậy bánh xe!”. Lần này có viết thì phải viết về “thọc gậy bánh xe, đừng viết về bơi lội!”. Nói xong, ông hội trưởng quay ngoắt đi, chắc là chuẩn bị cho cuộc họp sắp đến dự kiến cũng sẽ căng ngay từ khi bắt đầu.
Anh nhà báo đứng há hốc mồm, như đang ngơ ngác nhìn theo "hòn đá" mà ông hội trưởng vừa ném lên trời...
Nghe đâu sau đó, anh nhà báo cố công tìm lại bà bán rạm để hỏi cho rõ ngọn ngành nhưng không gặp, vì dạo này người ta ngăn đập Mỹ Trung để “ngọt hoá” phá Hạc Hải nên rạm không còn nước lợ để sống.

Thứ Năm, 23 tháng 5, 2013

Thơ tặng Nick

Chúng tôi rất khâm phục anh
Nhưng anh cũng phải khâm phục chúng tôi-
đất nước có rất nhiều người khuyết tật.
Anh không chân, không tay
Làm được rất nhiều thứ trên đời.
Đất nước chúng tôi nhiều người không não
Vẫn làm được một thứ anh không thể nào làm:
Quan!

Thứ Ba, 14 tháng 5, 2013

"Không ai chiến đấu cho sự tồn vong..."

Tôi là một trong số những người thích bác Nguyễn Bá Thanh. Thích là vì những gì tôi được nghe, được nhìn thấy chứ không phải thấy nhiều người thích thì mình thích theo. Chính vì thế, khi hay tin bác í không được vào BCT, tôi đã có chút thất vọng, tuy nhiên, không đến nỗi bi quan như khi nhận được tin nhắn của một người bạn: “Thịnh ơi, người ta đã không còn chiến đấu vì sự tồn vong của Đảng nữa rồi”. Tin nhắn đó tôi nhận được ngay khi bầu thêm 2 ủy viên BCT qua hai lần bỏ phiếu. Nói chỉ có chút thất vọng là vì có thể đoán được phần nào.
Mấy ngày này, tôi lại thấy mọi người mổ xẻ về vấn đề này, có người có luận điểm tôi thích, nhưng nhiều người, khá nhiều người nói tôi không thích, có cảm giác như họ là những người “dậu đổ bìm leo”.
Nói “dậu đổ bìm leo” là một cách nói chứ thực ra dậu có đổ còn chẳng ai là bìm ở đây cả, vì  bìm chưa hề có ai lên tiếng, nhưng thấy, nhiều người “vui đâu chầu đấy” hơn là giữ chính kiến của mình.
*
Tôi không thích cách phân tích của bác Trần Du Lịch trên BBC mà mọi người dẫn lại. Bác í nói, ông Thanh trật là vì ổng làm ở địa phương chưa có kinh nghiệm. Tôi không phục. Vì có ai sinh ra là làm ở trung ương ngay? Anh Nguyễn Thanh Nghị làm ở một trường đại học, anh Nguyễn Xuân Anh làm ở quận cũng trúng ủy viên dự khuyết đó thôi, có ai bảo các anh ấy chưa có kinh nghiệm quản lý hay kinh nghiệm công tác đảng đâu? Bác Trần Du Lịch còn nói thêm là do ông Thanh chưa gì đã đòi “hốt hết, nhốt hết”. Tôi cũng thấy không phục, vì đó mới là Nguyễn Bá Thanh!
Tôi cũng không thích quan điểm cho rằng bác Thanh không khôn khéo, làm chính trị phải thế này thế nọ, ra Thăng Long là phải thế nọ thế kia…Ông Thanh mà làm được như các bác nói thì ổng đã lên trung ương từ đời tám hoánh, đâu có để các bác bây giờ mới có cơ răn dạy? Nếu thế thì đâu còn một Nguyễn Bá Thanh cho nhiều người (như tôi) kỳ vọng và nhắc đến hôm nay?
Lâu nay tôi và nhiều người thích bác Thanh chính vì cách nói đó và cách làm đó. Có thể với chuyện “hốt hết, nhốt hết” bác í chưa làm được (hoặc chưa có cơ hội để làm) và cũng là một cách nói trong một ngữ cảnh cụ thể bị thêu dệt lên, còn đa phần thì bác ấy nói được, làm được.
Nhưng cái này thì tôi công nhận, “người khôn nói lắm cũng nhàm”, liên tục những ngày chia tay để nhận nhiệm vụ mới, bác ấy tiếp xúc cử tri Đà Nẵng và nói rất nhiều, tôi thấy tất cả đều tâm huyết, chỉ có điều là…hơi bị nhiều.
Báo chí cũng có “công” lớn trong việc “khen vài bài cho nó chết”. Bác Thanh nói cái gì cũng tường thuật nguyên xi, chỉ thiếu cái hắt hơi, có ngày hai bài (vì bác í nói hai nơi). Thấy bạn đọc đọc nhiều, like nhiều lại càng làm tới. Bản thân tôi từng bị phê bình vì không tường thuật chuyện bác Thanh tiếp xúc cử tri ở Hòa Vang. Lúc đó, tôi đã than trên facebook: “Mình là fan của ông Nguyễn Bá Thanh nhưng nghe báo chí tường thuật ổng nói hoài thấy chẳng thích. Việc lớn Ở Hà Nội đang chờ, sao ông cứ loanh quanh với chuyện sân goff, đầu rồng...Đà Nẵng mãi hoài vậy?”.
Nói thì nói vậy chứ trước HNTƯ7 bác Nguyễn Bá Thanh cũng là niềm hy vọng của nhiều người, trong đó có tôi. Hy vọng là đúng.
Tôi thấy bác Thanh ngoài chuyện được báo chí khen hơi nhiều và vì thế làm phật lòng không ít người như đã nói, còn lại bác í chẳng có gì là không phải. Có trách thì trách ổng không biết…cơ hội để đạt được mục đích mà thôi. Bản thân tôi thì khâm phục tính cách đó. Là thế, không được thì thôi, ẻ quẹt!
*
Mới đây, đọc bài trả lời phỏng vấn của ông Tương Lai do Quê choa bóc băng ra, tôi không hiểu bác Tương Lai lấy chuyện ông Thanh thân Trung Quốc ở đâu để nói rằng bác bỏ phương án Nguyễn Bá Thanh là một bước phát triển đáng mừng. Theo những gì tôi biết (như chuyện ông Thanh cho đoàn Trung Quốc ở khách sạn trên đường Hoàng Sa; chuyện ổng chỉ huy hàng trăm tàu cá đẩy thuyền Trung Quốc…) thì nói ông Thanh thân Trung cộng là điều khó tin, nhất là với người Đà Nẵng, nói vì thế mà bị bác bỏ lại càng không có lý.
Tôi nói nhiều người “vui đâu chầu đấy” là vì tôi nghĩ, con người đất nước mình cũng lạ, con người không ai toàn bích, ông Thanh có cái dở của ông Thanh nhưng mỗi khi đã thấy cái hay của ổng nổi trội hơn thì nên ủng hộ ổng. Từ chỗ tung hô, bây giờ thấy ổng thất thế thì nói ngược lại tôi thấy không phải với người ta và không phải với chính mình.
Tôi thích quan điểm của T. Thanh trong bài “Đôi lời góp ý với Tổng bí thư, với Đảng” đăng trên blog Quê choa.
Ông Thanh không vào được ủy viên BCT không phải là lỗi của ông Thanh, là lỗi của BCT và TBT. Qua hội nghị lần này, dù báo chí buộc phải nói theo TTXVN nhưng nhân dân cũng hiểu được nhiều điều chuyện nội bộ Đảng.
*
Tôi không thạo tin, cũng chẳng được nghe ai ngồi trong cuộc họp đó nói ra nên không biết BCT cơ cấu như thế nào, điều hành bầu bán ra sao, nhưng tôi phân vân mãi một điều, rằng:
Theo suy đoán của tôi thì lần này bầu bổ sung 3 ủy viên BCT thì một sẽ làm mặt trận, 2 người còn lại là 2 trưởng ban mà BCT đã bổ nhiệm, nội chính và kinh tế. Không biết mặt trận cơ cấu ai nhưng hai ban kia đã quá rõ. Vậy thì những người (quá nhiều người) được giới thiệu thêm, sau đó cũng còn nhiều người để bầu, vậy những người không rút có vi phạm nguyên tắc đảng không? Ví dụ, trường hợp bà Nguyễn Thị Kim Ngân trúng (nếu bà ấy không được BCT cơ cấu và giới thiệu)  thì bà ấy có vi phạm không?
Tôi hỏi là vì nhớ chuyện này, hồi đó, HĐND tỉnh Quảng Bình bầu chủ tịch HĐND, Thường vụ Tỉnh ủy cơ cấu và giới thiệu ông Trần Hòa (lúc đó là phó bí thư, dự kiến sẽ là bí thư Tỉnh ủy). Hội nghị giới thiệu ông Đỗ Quý Doãn, Trưởng ban Tuyên giáo (được cơ cấu sẽ làm phó bí thư thường trực). Ông Trần Đình Luyến, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND chủ tọa “gút” lại danh sách và nói cứ để hai người bầu. Kết quả, ông Trần Hòa chỉ hơn ông Doãn đúng 1 phiếu. Ông Doãn bị kiểm điểm, chính ông Lê Khả Phiêu vào để làm việc về vụ này. Ông Doãn thoát nạn (chỉ bị phê bình) nhờ mọi người chứng minh là ông Luyến điều hành bảo cứ để thế bầu, bản thân ổng Doãn quan niệm thôi thì để thế cho nó có vẻ…dân chủ chứ ông Hòa chắc chắn trúng; ông ấy cũng chứng minh là ổng không bỏ phiếu cho ổng mà bỏ phiếu cho ông Trần Hòa, vì ổng ngồi cạnh ông Trần Hòa và được ông Trần Hòa xác nhận là nhìn thấy ông Doãn bỏ cho bình. Tuy thế, ông Doãn cũng phải ra Vụ Báo chí. Nếu ông Doãn bỏ phiếu cho ổng thì ổng sẽ trúng, lúc ấy thì sao?
Chuyện ông Doãn có gì khác chuyện bà Ngân?
Nếu không khác thì, một là, bây giờ đảng dân chủ hơn; hai là người điều hành đã để cho bể trận.
Lâu nay tôi thường được dạy, Đảng lãnh đạo thông qua công tác cán bộ, mà thế thật, lâu nay Đảng cơ cấu ắt thành; bây giờ cán bộ thì Đảng bổ nhiệm rồi nhưng các đồng chí đại biểu hội nghị “bỏ qua”, các đồng chí đó cho Đảng biết là Đảng (Bộ Chính trị và Tổng bí thư) đã bị việt vị. Vậy thì làm sao trách ông Thanh, ông Huệ?
*
Nếu ông Thanh được cơ cấu làm Chủ tịch MTTQVN, hỏi ổng có trật ủy viên BCT không?
Nếu ông Nguyễn Thiện Nhân được cơ cấu để làm thủ tướng hỏi ổng có trúng ủy viên BCT không?
Câu hỏi này tức cười nhưng mà có chuyện của nó.
*
"Thịnh ơi, người ta đã không còn chiến đấu vì sự tồn vong của Đảng nữa rồi”-Tôi đọc đi đọc lại tin nhắn này, mỗi lần lại cảm nhận thêm được sự xót xa của người nhắn.

Thứ Tư, 24 tháng 4, 2013

Không chống cự được thì tận hưởng


Thông tin Ảrập trục xuất 3 người đàn ông đẹp trai bởi các quan chức lo ngại vẻ ngoài hấp dẫn của họ có thể khiến phụ nữ không kiểm soát được hành vi.
Một trong ba chàng trai này tên là Omar Borkan Al Gala quả thật là quá đẹp trai. Theo nhận xét của tui, về hình thức thì nhược điểm của Omar là...không có nhược điểm. Một số người cho rằng, anh ta toát lên vẻ vương tôn cao quý, rất đúng. Tui còn thấy anh ta giống một vị thánh hơn là người. Vẻ đẹp của anh ta xứng đáng để chiêm ngưỡng vì nó không phàm tục (không gợi nhục dục đê hèn-keke).
Mà cấm làm gì, chị em thích để cho họ thích. Cái đó của họ chơ đâu phải... "bộ mặt của chính quyền"? Chẳng phải người Mỹ dạy kỹ năng sống vẫn nói: Khi bị hiếp dâm, nếu thấy không chống cự được thì nên tận hưởng (vì đằng nào nó cũng là sự đã rồi) đó sao. Huống gì anh này có "nguy cơ" làm cho nhiều phụ nữ...tự nguyện? Nếu họ muốn và Omar cũng muốn thì để cho họ tận hưởng.
Lại nhớ chuyện hồi trước Tổng thống Bill Clinton dính scandal với cô thực tập sinh Nhà Trắng, phụ nữ nước Mỹ lên án, bấy giờ trên một tạp chí của Nga có bài viết trích dẫn thư của nhiều phụ nữ đại ý rằng: Phụ nữ Mỹ ngu, không biết xài thì đưa ổng sang đây cho bọn tui xài. Người thế không xài, phí. Ke ke. Rất thật.
Vấn đề ở đây là chính quyền Ảrập rất giống với chính quyền VN, cái gì không quản được thì cấm.
Ngày còn chiến tranh, bộ đội ta sang Lào, Campuchia...ai léng phéng với on gái đều bị kỷ luật, yêu nhau cũng không cho lấy.
Khác với Tàu, đi đâu họ cũng "đồng hóa" phụ nữ bản xứ rất nhanh. Và họ thành công nhờ thế.
Nếu ngày xưa cho bộ đội thoải mái thì Đông Dương bây giờ chả khác rồi sao?
*
Nhưng thôi, nói gì thì nói, mình cũng tự an ủi bản thân, bây giờ đã bớt đẹp trai, cứ như xưa thì phiền lém! Kekeke...banh xác!

Thứ Ba, 23 tháng 4, 2013

Yêu cuồng, sống vội và bài học đạo đức lớp 1


Câu chuyện diễn ra tại kỳ họp HĐND ở một tỉnh, khi các đại biểu chất vấn "bà hội đồng" (vợ một vị lãnh đạo) lấy tiền đâu xây được cái nhà bự chảng giữa trung tâm tỉnh lỵ to hơn cả công sở. "Bà hội đồng" trả lời rằng, là do bà đi ngoài đường nhặt được cục vàng.
Bấy giờ, một đại biểu khác đã đứng lên hỏi bằng cách kể câu chuyện thế này: "Rứa là chị không nhớ bài học đạo đức hồi lớp 1 rồi. Bài Em Thanh nho nhỏ/Học lớp 1B/ Hôm qua học về/ Vừa đi vừa hát/ Thấy 5 đồng bạc/ Của ai đánh rơi/ Thanh nhặt lên rồi/ Đem trình cô giáo/ Tươi cười cô bảo/ Đáng khen em ngoan/ Thấy của không tham/ Cho 10 điểm tốt. Sau bài đó có câu ghi nhớ: Được của rơi trả lại cho người đánh mất. Tôi hỏi chị, vì răng chị được cục vàng mà không mang nộp cho công an để trả lại cho người mất?"
Lúc đó cả hội trường cười ồ. Cười là vì anh này học lớp 1 cách đó ít nhất cũng 40 năm mà vẫn thuộc lòng bài học, cười cũng vì lập luận của anh rất đơn giản nhưng làm "bà hội đồng" đứ đừ đừ.
Hồi ở miền Bắc, môn đạo đức dạy những cái rất thường gặp trong cuộc sống hàng ngày. Tôi còn nhớ bài học Đi tìm việc tốt, đại để kể câu chuyện một em nhỏ muốn đi tìm để làm việc tốt, nhưng tìm mãi không thấy, em mới về kể lại với cô giáo, cô hỏi, em này kể lại đi tìm mà không thấy, chỉ gặp một bà cụ già đi sang đường, sợ bà cụ mắt không rõ dễ bị đụng xe nên em mới dắt tay bà cụ sang bên kia rồi mới đi. Cô giáo bảo, đó là việc tốt!
Bây giờ thì môn đạo đức sau nhiều lần "cải cách" đã thay bằng tên gọi mới: giáo dục công dân. Cái tên đầy tính hàn lâm y như nội dung môn học, nào là phạm trù đạo đức cơ bản, khái niệm và các giá trị đạo đức; vật chất, ý thức, tồn tại xã hội, ý thức xã hội, phương pháp luận biện chứng...(y như môn triết học mà người lớn cũng khó gặm), đã thế ngành GD-ĐT còn thường xuyên bổ sung rất nhiều nội dung y như các đợt "ra quân tuyên truyền": giáo dục an toàn giao thông, giáo dục phòng, chống HIV/AIDS, phòng chống tham nhũng...rồi nào thì là Liên hợp quốc, hợp tác quốc tế...
Môn đạo đức đã không được coi trọng, học sinh lớp 11, 12 ở vào độ tuổi cần định hình nhân cách thì lại không được học đạo đức, càng không được đề cập đến chuyện yêu và phải yêu như thế nào (cứ như yêu là điều cấm kỵ) nên như dân gian nói "quả báo nhãn tiền", báo chí liên tục thông tin những chuyện yêu cuồng, sống vội. Đó là do những người trẻ này không biết tình yêu cao thượng đến thế nào, không biết yêu là phải hy sinh cho tình yêu, không biết yêu là làm cho người mình yêu hạnh phúc...vì thế mới sinh ra ích kỷ, hiếu thắng và tự ái... Yêu mà không được đáp lại thì chém, giết, đốt, tung ảnh thời yêu thương lên mạng để trả thù, yêu không được thì nhảy cầu, nhảy lầu...chỉ để biểu hiện cái tôi ích kỷ. Thậm chí chiếm bằng được người ta bất chấp thủ đoạn để rồi sau đó mới cay đắng nhận ra một điều, đó không phải là tình yêu. Thế nên mới có có những vụ án man rợ: vợ đốt chồng, người yêu tạt a xít, dùng xăng đốt, vác dao truy sát người yêu...
Một người quen với tôi, ngày xưa mới ra trường về công tác ở miền núi, anh đem lòng yêu một cô giáo nhưng không được đáp lại. Rồi cô cưới anh người yêu làm ở kiểm lâm huyện (sau bị mất việc), có 2 con, cuộc sống gia đình rất khó khăn. Một lần đi rẫy, cô bị rắn cắn phải cưa cụt một chân. Anh chồng ốm nặng rồi mất. Bấy giờ anh mới lên gặp cô, ngỏ ý muốn đưa cô về chung sống (lúc đó anh đã 40 tuổi chưa lập gia đình), nhưng cô giáo nhất định không chịu, bảo thế thì thiệt thòi cho anh quá. Phải 5 năm sau, thấy anh quá thành tâm và kiên trì nên cô mới chịu gật đầu. Anh nói, cuộc đời tớ đếch làm được cái gì nên hồn (mặc dù anh đã rất giàu có, thành đạt), chỉ làm được mỗi một việc...(và cười). Anh tâm sự, tớ chỉ nhớ mãi và làm theo mỗi một điều tâm đắc được học từ thời phổ thông: "Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình".
Bây giờ đến nhà, thấy anh chị anh anh em em, con chị ba ba con con với anh (anh chị có một đứa con chung), mỗi chiều anh lại đẩy chiếc xe lăn đưa chị đi dạo...mới thấy cuộc đời có nhiều chuyện thiệt là kỳ diệu.
Sự kỳ diệu đó không phải trên trời rơi xuống, nó được tích lũy bằng những bài học được nhập tâm vào ý thức, sát thực với cuộc sống, từ những việc nhỏ nhất như vòng tay thưa người lớn thì phải nhìn vào người lớn, mời người lớn ăn cơm thì hướng về người mình mời, từ cách nói dạ trước khi trả lời...chứ không phải làm cho xong chuyện. Những thứ đó như những mạch nước nhỏ, ngấm sâu trong lòng đất và chảy về thành khe suối, nhiều suối chảy về thành sông, nhiều sông đổ ra biển lớn...
Không phải định nghĩa xong các khái niệm về đạo đức thì có ngay...đạo đức.

Uống nước nửa ly


Cao Đình học điêu khắc. Người hắn góc cạnh và thô ráp y như một bức tượng tạc bằng đá tách ra từ lèn Cao Quảng quê hắn. Trong một buổi giao lưu sinh viên hai trường, hắn nhìn thấy Nguyệt Tú. Và như bị ám, tan cuộc hắn lẻo đẽo đi theo. Nguyệt Tú biết người theo mình lấy làm khó chịu. Quay lại, thấy một thằng cha xù xì lại càng khó chịu hơn. Khi về phòng E6 cư xá Nguyễn Huệ của Đại học Tổng hợp, quay ra, vẫn thấy thằng cha xù xì đứng dưới gốc xà cừ nhìn vào. Cô nguýt dài một cái rồi đóng sầm cửa lại.
Từ đó, tầm mười giờ đêm, thằng cha xù xì lại trồng cây si dưới gốc xà cừ nhìn vào phòng cô, một lúc thì về. Ngày bão số 8 cây đổ ngổn ngang trên sân trường, mười giờ đêm mở cửa, cô vẫn thấy hắn đứng như thế, xù xì y như một bức tượng tạc bằng đá.
 Cô đi thư viện, bị cha xù xì kẹp thư vào sách. Hắn làm thơ. Mấy đứa bạn cùng phòng Tú biết chuyện, bảo đó là sai lầm nghiêm trọng có tính hệ thống của bọn con trai khi tán tỉnh con gái học văn. Cứ tưởng muốn yêu con gái học văn thì nhất thiết phải làm thơ hoặc đọc thơ mới được. Đúng là bọn cù lần.
*
Thứ bảy, Nguyệt Tú ra bến xe về nhà. Đến nơi, đã thấy thằng cha cù lần đứng đó. Bằng vẻ mặt hết sức cù lần, hắn nói, Nguyệt Tú cho Đình về quê với. Tất nhiên là cô giãy lên như đỉa phải vôi.
Xe chạy, thằng cha cù lần đạp xe theo. Mấy người trên xe nhìn thấy, tủm tỉm cười, hỏi, giận người yêu à, Tú bảo yêu đương chi, đồ cù lần!
Cả nhà cơm nước vừa xong thì nghe ngoài ngõ xôn xao, nhìn ra, thấy cha cù lần tay dắt xe đạp, miệng chỉ chỉ hỏi bọ trẻ con có phải nhà chị Tú. Tú hoảng hồn thất sắc, lao ra chặn Đình lại, dậm chân thình thịch, nuốt tiếng vào cổ: “Cái anh ni, mần ri thì mần răng? Chi lạ ri hè?”. Ba Tú nghe tiếng đi ra, hỏi ai đó, ai đó, Tú hết hồn, mặt trắng bệch, chưa biết ứng phó thế nào thì Đình lên tiếng:
-Cháu chào bác, cháu là bạn học của Tú, có việc ra Hương Điền, nghe tin Tú về nhà nên ghé qua hỏi cô ấy lịch học tuần tới. Cháu xin phép bác cháu đi ạ.
Nói xong dắt xe đi.
Tú thở phào.
Sáng thứ hai lên bến xe, Tú đã thấy thằng cha ám mình đứng đó, sau xe đạp buộc một hòn đá chẻ vuông rất to. Té ra mấy hôm ni hắn vẫn ở quanh đây. Tú quay mặt làm lơ.
Cao Đình cũng không hỏi. Hắn đến nói với anh tài xế gửi hòn đá trên xe, trả tiền cước xong, người lái xe hỏi anh đi xe đạp làm sao lấy hòn đá. Cao Đình chỉ vô Tú, bảo cô ấy đi trên xe, đến bến, anh cứ gửi cho cô ấy. Nói xong đạp xe đi liền.
Đến bế xe An Hòa. Người lái xe giao hòn đá cho Tú. Cô một phen giãy nảy. Nhưng vô thế rồi biết làm sao. Đành đứng nhìn hòn đá bỏ giữa sân mà khóc.
Cuối cùng thì Cao Đình cũng đã tới. Mồ hôi mồ kê nhễ nhại vì phải đạp chiếc xe cà tàng hơn bốn chục cây số. Đình thản nhiên:
-Cám ơn Tú nghe!
Nói xong, không nhìn Tú, hắn rinh hòn đá bỏ lên sau xe buộc lại, đạp đi.
*
Tối, tầm mười giờ, học xong, Tú mở cửa nhìn ra gốc xà cừ, không thấy cái tượng xù xì đâu cả, cảm thấy có gì đó thiêu thiếu.
Mấy ngày sau cũng thế. Có lẽ cái tượng ấy đã di dời.
Đã hơn tháng vẫn không thấy cái tượng ở chỗ cũ.
Bạn bè hỏi náo lên, sao chẳng thấy cha đó mô cả, có chuyện chi à, Tú bảo, ai mà biết.
*
Lại kể, Cao Đình mang cục đá về thì loay hoay đục đục đẻo đẻo. Xong, thỉnh tác phẩm của mình lên bàn đặt giữa phòng trọ. Từ đó sau giờ học, hắn ngồi lỳ không ra ngoài. Hắn ngồi thế, mắt đăm đắm nhìn vào pho tượng.
Pho tượng đó tạc Nguyệt Tú.
Câu chuyện loang ra và nhanh chóng trở thành đề tài bàn luận của cả hai trường. Sinh viên dựng lên nhiều giai thoại, đại để, cha cù lần tự nguyện làm tượng đứng nhìn vào phòng E6 không được bèn tạc tượng người phòng E6 thỉnh ở phòng mình. Đám con trai còn kể, Cao Đình mua rượu về uống, say lên đập vỡ chai, lấy mảnh thủy tinh rạch nát cái tượng, nhưng cái tượng bằng đá cứ trơ ra, thách thức.
Chuyện đến tai Nguyệt Tú.
*
Ra trường, Nguyệt Tú dắt Cao Đình về ra mắt gia đình. Biết Cao Đình là người Khùa ở Minh Hóa nên gia đình, họ hàng cực lực phản đối. Nhất quyết không thể nào. Đôi trẻ lấy làm buồn lắm. Nguyệt Tú nói, không cưới được nhau một ngày thì cùng chết một ngày. Cao Đình nói, chết mà được chết cùng nhau thì coi như sống trọn đời với nhau rồi. Cả hai quyết định thế.
Hôm đó, Đình và Tú ra ngồi bên bờ sông quê. Đình mang theo một chai nước nói là đã pha sẵn thuốc, bảo hôm nay quyết định sống với nhau trọn đời. Nói xong thì đưa chai nước cho Tú.
Tú nước mắt giàn dụa, đẩy chai nước về phía Đình, bảo anh đi trước đi, em theo. Đình mở nắp, ngửa cổ tu một hơi rồi ngã vật ra. Nước trào lên mép. Tú nhìn thấy Đình thì sảng. Cô giật lấy chai nước. Nhưng cô không uống. Phút chốc cô nhảy dựng lên, la:
-Làng nước ơi, cứu, cứu!
Bà con nghe kêu chạy ào ra, đưa Đình lên trạm xá.
Đình lồm cồm bò dậy, nói nhỏ vô tai cô y sĩ, tôi uống nước đường, không can chi mô mà sợ. Nói xong thì về.
Cuối năm, hay tin họ cưới nhau.
*
Cao Đình mở một xưởng điêu khắc. Thời kinh tế thị trường, nói là xưởng điêu khắc nhưng thực ra chỉ làm tượng coppy các tác phẩm kinh điển nổi tiếng bán cho khách hàng. Vài năm thì có nhà lầu xe hơi. Đám bạn bè lận đận chưa xin được việc làm cứ tấm tắc khen Tú có con mắt tinh đời. Chồng xù xì một tí nhưng là chồng mình, chồng mà đẹp trai chẳng qua cũng là chồng thiên hạ.
Xưởng của Đình thành công ty, thêm chức năng kinh doanh bất động sản. Hồi đó người ta không coi trọng người làm bất động sản mà gọi một cách miệt thị: cò đất. Vì thế Đình có tên là Đình cò.
Tú bỏ việc ở Phòng Văn hóa-Thông tin thành phố để làm bà chủ. 
Cuộc đời phơi phới.
*
Một đám bạn bè cùng lớp đến thăm, xúm lại ca ngợi Đình và Tú. Tú nói, mình cũng tưởng lấy chồng xù xì một tí cho chắc chắn là chồng mình, không ngờ thiên hạ lắm kẻ cũng thích đàn ông xù xì. Đám bạn tưởng nói cho vui thế nên cũng chẳng hỏi thêm.
Lâu sau, bạn bè hay tin Nguyệt Tú lâm bệnh nặng, lũ lượt kéo đến thăm.
Tú bấy giờ như người mất hồn, lúc nhớ lúc quên. Ai nói gì cũng cười vô hồn. Hỏi bệnh chi không ai nói.
Chuyện này chỉ có Đình biết.
Đó là một hôm, Nguyệt Tú pha sẵn một chai nước, mời Cao Đình ngồi rồi nói, đã yêu nhau nhất định sống trọn đời với nhau, hôm nay em quyết định chúng ta phải sống như thế. Em không muốn cảnh chồng chung. Nước em đã pha sẵn thuốc, anh uống đi, em theo. Cao Đình nghe nói cả cười, rằng, con trai ra ngoài đôi lúc cũng ưa văn hóa văn nghệ, hái hoa bắt bướm tí cho vui, vả lại cũng do công việc làm ăn nên có quan hệ này nọ khó nói ra, em phải thông cảm cho anh, anh chỉ có mỗi em là vợ. Nguyệt Tú bảo anh không cần giải thích gì thêm, uống đi. Bấy giờ Đình nổi máu gia trưởng, quát, cô thích thì uống, tôi không uống. Trong bụng Đình nghĩ Tú không có gan, chỉ dọa thế thôi, chắc chai nước kia là nước đường.
Nguyệt Tú đang trong cơn giận, tu hết phân nửa thì ngã vật ra đất, sùi bọt mép.
Cao Đình gọi xe cấp cứu.
Bệnh viện súc ruột cứu được mạng Tú nhưng cô trở nên thơ thơ thẩn thẩn, nhớ nhớ quên quên là thế.
*
Sau cú sốc ấy, Đình như ngộ ra. Anh bỏ hết công việc bên ngoài, đưa đón con đi học rồi về nhà chăm sóc vợ. Ngày mấy lần xoa bóp, tối lấy nước cho vợ ngâm chân. Đình tự đi chợ, nấu các món vợ thích. Đình nấu cái gì Tú cũng ăn, chỉ khi Đình rót nước cho Tú, Tú nhất định phải bắt Đình uống một nửa, còn mình uống nửa còn lại.
Bà con thấy Đình chăm vợ, ai cũng phục lăn, bảo Tú có con mắt tinh đời mới lấy được ông chồng Việt Nam chất lượng cao. Năm nào gia đình Tú cũng nhận bằng gia đình văn hóa. Bạn bè hết lời ca ngợi.
Đà Nẵng 12.2009