Thứ Ba, 29 tháng 12, 2015

BÁO CHÍ CHÍNH THỐNG TRỞ NÊN... KÊNH KIỆU

Càng đến gần ngày đại hội, thông tin trên mạng càng tóa lọa khiến bàn dân thiên hạ một mặt rất hoang mang với những điều thật giả, mặc khác, qua đó cũng đọc được sự rối rắm của thế cờ.
Chúng ta hay nói đến cụm từ “diễn biến hòa bình” của “thế lực thù địch”, nhưng tui thấy, “thế lực thù địch” ở nước ngoài “không đáng quan ngại” vì từ xưa đến nay, họ chỉ xui người khác… vào tù chứ chẳng có phương pháp quái gì cho ra hồn cả.
Quan ngại nhất là “thế lực thù địch” nội bộ.
Bao nhiêu trang mạng lập ra bôi từ lãnh đạo cao nhất đến những nhân vật “có nguy cơ” trở thành một trong những vị trí cao nhưng chẳng ai làm được gì họ. Báo chí chính thống tự phụ khi nói rằng, không thèm quan tâm vì nó… lá cải. Lá cải mà hàng triệu người đọc sao không quan tâm?
Hôm nay lần đầu tiên đọc cái tin trên Tuổi Trẻ, khoan hãy nói tui có thích hay không thích ông Phúc, nhưng tui thấy nên làm như họ. Nếu không thì chức năng định hướng của báo chí không còn. Báo chí chính thống trở nên... kênh kiệu!

Thứ Tư, 23 tháng 12, 2015

BẠN TÙ NÓI VỀ NGUYỄN CÔNG KHẾ Ở TRONG NHÀ TÙ CHÍNH QUYỀN VIỆT NAM CỘNG HÒA NHƯ THẾ NÀO ?

Một công dân lên facebook chỉ nhận xét mặt chủ tịch tỉnh “kênh kiệu” bị phạt 5 triệu đồng, nhưng nhiều trang blog, fb lập ra chỉ để bôi xấu cán bộ lãnh đạo từ hạ tầng cơ sở đến thượng tầng kiến trúc "nhân một dịp gì đó" thì vẫn ngang nhiên tồn tại mà chẳng ai làm gì được.
Đó là bi kịch đang tồn tại trong đời sống chúng ta.
Bài viết sau đây của các đồng đội hoạt động cùng thời và cùng bị chế độ cũ bắt đi tù với Nguyễn Công Khế là Lê Văn Thọ, Lê Thị Ngọc Lan, Phạm Thị Tuyết Nhung, Nguyễn Duy Việt, Nguyễn Thị Ngọc Trinh, Nguyễn Thị Thọ, Huỳnh Thị Kim Kha. Tôn Nữ Thị Nga, Lê Thị Quỳnh Dung, Huỳnh Tấn Thọ, Nguyễn Cam, Đinh Công Hảo, Châu Chí Bảo, Đặng Văn Cự ... Tôi ở miền Bắc, đi bộ đội tháng 6 năm 1974 nên không biết, nhưng họ là những người trong cuộc nên có thể mang lại cho mọi người một nguồn thông tin để có cái nhìn khách quan hơn.
*
Hiện nay, trên trang mạng xã hội xuất hiện hàng loạt bài viết về Nguyễn Công Khế, nguyên Tổng biên tập Báo Thanh Niên-Tổng Giám đốc Công ty Truyền thông Thanh Niên, khiến dư luận chú ý. Nếu đây là vấn đề minh bạch, chính đáng thì sao không nêu danh tính, địa chỉ cụ thể mà phải núp bóng, giả danh người này người nọ để bôi đen quá trình hoạt động và công tác của Nguyễn Công Khế.
          Để làm sáng tỏ những vấn đề khuất tất mà trang mạng đã nêu nhắm vào Nguyễn Công Khế thì đã có các bài viết của những người trong cuộc như anh Nguyễn Quốc Phong, nguyên Phó Tổng Biên tập báo Thanh Niên; anh Hoàng Hải Vân, nguyên Tổng Thư ký tòa soạn báo Thanh Niên; anh Nguyễn Thông, nguyên biên tập viên báo Thanh Niên; anh Hồ Văn Đắc, Phó Giám đốc Công ty Truyền thông Thanh Niên, tất cả đều khẳng định anh Nguyễn Công Khế có công đầu và là người quyết định sự hình thành và vươn lên mạnh mẽ của báo Thanh Niên, đồng thời là một thủ trưởng có bản lĩnh, đáng tin cậy của tập thể cán bộ, công nhân viên, phóng viên (cbcnv, pv) báo Thanh Niên.
          Có thể khẳng định, những gì mà anh Nguyễn Công Khế đã làm đều xuất phát từ lòng yêu nghề, đam mê công việc, mong muốn báo Thanh Niên là tiếng nói trung thực, tin cậy, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo bạn đọc. Bên cạnh đó, tờ báo cũng tạo ra doanh thu giúp đời sống CBCNV, PV có cuộc sống ổn định và khá lên.
          Ngoài những điều mà các anh đã kể, đã viết hết sức trung thực về anh Khế. Hôm nay, chúng tôi, những bạn học, bạn tù, đồng nghiệp, những người gắn bó với anh Khế hơn 40 năm qua, xin nói thêm những việc mà không phải ai cũng có thể biết, bởi lẽ, nó là phần sâu kín nhất trong cuộc sống của một con người và chỉ có những ai cùng ăn, cùng ngủ, cùng sinh hoạt với nhau trong suốt thời gian dài mới thấy được, đó là:

NGUYỄN CÔNG KHẾ Ở TRONG NHÀ TÙ  CHÍNH QUYỀN VIỆT NAM CỘNG HÒA NHƯ THẾ NÀO ?

  
          Anh Nguyễn Công Khế và chúng tôi cùng hoạt động công khai trong tổ chức Tổng đoàn Học sinh Đà Nẵng, do Đặc khu ủy Quảng Đà trực tiếp lãnh đạo, thuộc Quận đoàn quận Nhất, Thành phố Đà Nẵng giai đoạn từ 1970 đến 1975. Trong lúc đang chuẩn bị đợt đấu tranh mới của “Mùa hè đỏ lửa” thì ngày 15 Tháng 5 năm 1972, tổ chức Tổng đoàn Học sinh Đà Nẵng bị địch đánh phá ác liệt. Tất cả anh chị em nòng cốt của phong trào đều bị an ninh của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa bắt, trong đó có Nguyễn Công Khế.
          Trong bài viết trên mạng, công bố Biên bản hỏi cung nói Nguyễn Công Khế bị bắt rồi khai ra là không đúng, hoàn toàn sai sự thật. Trước đó thì anh chị em nòng cốt của phong trào sinh viên, học sinh ở Sài Gòn, Huế đã bị bắt. Một số đưa vào Đà Nẵng giam cùng chúng tôi. Khi bị đưa ra tòa án quân sự tại Đà Nẵng xét xử, nhiều người bị xử án tù ở, có người bị án tù 1 năm, người bị 18 tháng, người bị án 2 năm. Nguyễn Công Khế bị xử 30 tháng tù ở.
          Trong suốt thời gian ở tù, từ các nhà lao Đà Nẵng đến nhà tù Chí Hòa (Sài Gòn), Nguyễn Công Khế cùng bị giam chung với chúng tôi và các anh khác nữa như Huỳnh Tấn Mẫm, Bửu Chỉ, Trương Văn Khuê, Lê Văn Nuôi, Lê Văn Nghĩa, Đoàn Khắc Xuyên, .... Các anh và gia đình vẫn đang sống tại Thành phố Hồ Chí Minh.
          Trong những ngày bị giam giữ, anh Nguyễn Công Khế luôn  thể hiện một ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất. Anh tham gia hầu hết các cuộc tuyệt thực, chống đàn áp, kêu gọi thả tù chính trị, đòi thực thi hiệp định Paris. Khi chúng tôi, gồm Nguyễn Cam, Lê Văn Thọ và Nguyễn Văn Hòe bị đưa ra Tòa án quân sự Sài Gòn để xét xử lần thứ 2 về tội chống đi lính, thì chính anh Nguyễn Công Khế đã động viên chúng tôi. Anh dặn, lợi dụng cơ hội này để đấu tranh trước tòa án, vạch trần tội ác, lên án chế độ nhà tù, giam giữ sinh viên - học sinh, qua đó, lên án những hà khắc của nhà tù chế độ cũ, tạo dư luận trong và ngoài nước biết. Chúng tôi đã làm đúng như lời anh Khế và tập thể anh em trong tù dặn dò. Chúng tôi đã mổ bụng, cắt mạch máu tay, phản đối chế độ giam giữ của nhà tù. Việc đó, diễn ra ngay trong phiên tòa, trước sự chứng kiến của háng trăm người có mặt tại Tòa án quân sự Sài Gòn vào ngày 30.4.1974 và đã tạo được dự luận rộng rải trong nước và thế giới lúc bấy giờ.
          Không như một trang mạng đã viết, xin hãy xem tạp chí Đồng dao, số 57-1974, về Thư của 20 trí thức và sinh viên bị giam giữ tại nhà tù Chí Hòa, gửi Đức Giáo chủ Phaolô VI , làm tại Chí Hòa ngày 25-3-1974, Tâm thư của 26 trí thức, sinh viên học sinh bị giam tại Chí Hòa kính nhờ Ủy ban Vận động cải thiện chế độ lao tù miền Nam Việt Nam chuyển đạt cho Toàn thể đồng bào các giới, Quý vị giáo sư, Quý vị lãnh đạo các đoàn thể, tổ chức tôn giáo và chính trị, Quý vị thân hào nhân sĩ, Quý vị phụ huynh Sinh viên, học sinh, Các bạn Sinh viên, Học sinh, làm tại Chí Hòa ngày 2-1-1974 và Tuyên cáo của 21 trí thức, sinh viên, học sinh ở nhà tù Chí Hòa đòi trả tự do tức khắc và vô điều kiện cho những thành viên của lực lượng thứ ba, làm tại Chí Hòa, ngày 26-2-1974 (Xem Phác họa chân dung một thế hệ, Tần Hoài Dạ Vũ, Nguyễn Đông Nhật, NXB Trẻ, 2013, trang 417, 418, 419).
          Ba văn bản trên thể hiện phẩm chất, khí phách của những anh Huỳnh Tấn Mẫm, Trương Văn Khuê, Lê Đại Nghiêp, Lê Văn Nuôi, Nguyễn Duy Thông, Huỳnh Kim Dũng, Bửu Chỉ, Nguyễn Huy Diễm, Đoàn Khắc Xuyên, Trần Tuấn Nhậm, Nguyễn Đình Khoáng, Trịnh Công Lý, Nguyễn Văn Thuận, Bùi Nghị, Lương Đình Mai, Lê Thành Vỵ, Văn Đây, Bùi Văn Mười, Trần Hữu Quang, Đinh Công Hảo, Nguyễn Công Khế, Nguyễn Cam, Lê Văn Thọ, Nguyễn Văn Hòe, Lê Văn Nghĩa, Phan Minh Phong.
          Chỉ trong những lúc khó khăn, gian khổ thì con người mới bộc lộ ra bản chất của mình. Cái giả dối không bao giờ có thể che dấu nổi ! Nói Nguyễn Công Khế phản bội cách mạng, khai báo, làm hại đồng chí mình là sự vu khống đầy ác ý!
          Về những nội dung Nguyễn Công Khế khai trong tù, trên trang mạng nói, Khế khai đồng chí mình và gọi là tên Thái, tên Pháp, v.v. Ở đây, cần lưu ý một điều, đây là BIÊN BẢN HỎI CUNG do chính những thẩm vấn viên, điều tra viên lập nên, báo cáo với cấp trên, không có chữ ký của người bị hỏi cung. Mọi lời lẽ, ngôn từ, diễn đat trong bản HỎI CUNG đều do bộ phận hỏi cung lập ra, xây dựng thành biên bản. Biên bản thể hiện cách nói, cách ghi của người lấy cung, sau đó cho đánh máy lại, không có ý kiến của người được hỏi cung.
          Thêm một lưu ý, trong Biên bản hỏi cung, có ghi: "Cụ thể, tháng 3/1971, Khế từ quê ở Bình Nguyên, Thăng Bình, Quảng Tín ra Đà Nẵng, là học sinh trường Phan Châu Trinh. Tháng 8/1971, được đồng chí Đỗ Pháp (Phó Chủ tịch Nội vụ của Tổng đoàn Học sinh Đà Nẵng, là học sinh cùng lớp với Khế khi ấy) giới thiệu vào tổ chức cách mạng này". Chi tiết này sai hoàn toàn.
          Khi học xong lớp Đệ tứ (Lớp 9), kết thúc năm học 1969-1970, tháng 8-1970, các anh Huỳnh Văn Hoa, Nguyễn Tấn Lê, Hồng Văn Tiên chuyển ra học Trung học Phan Châu Trinh. Anh Nguyễn Nhật Ánh vào học Trung học Trần Cao Vân-Tam Kỳ, sau khi đỗ Tú tài phần Một, cũng chuyển ra học Phan Châu Trinh. Chẳng lẽ anh Khế nhập học ngày tháng nào lại không nhớ à ? Ai đi học cũng biết, không bao giờ tháng 3 lại nhập học.
          Cuối cùng, điều mà người ta muốn đi đến là quy chụp, là bôi bẩn, nói là Nguyễn Công Khế làm tay sai cho giặc, đã khai báo với địch nên nhiều cán bộ bị bắt sau đó. Đây là sự bịa đặt, không căn cứ. Sự thật là, tất cả lực lượng nòng cốt của Tổng đoàn đều bị bắt cùng một thời điểm trong ngày 15.5.1972. Sau đó, tuyệt nhiên,  không có một ai bị bắt thêm. Đây là sự thật, sự thật của lịch sử. Điều này, hoàn toàn không đúng như ai đó đã vu khống, nói rằng: "Chưa hết, sau khi Đoàn Thanh niên Cách mạng Đà Nẵng bị trấn áp, nhiều cơ sở của ta tại Đà Nẵng tiếp tục bị lộ, bị địch bắt giữ, thủ tiêu cũng do Khế khai thác được từ các đồng chí của mình trong thời gian ở tù, báo cáo cho địch".
        Viết như trên là ngậm máu phun người, không thể như thế được!
          Và một điều cần nói thêm là, sau này. khi Khế làm thủ tục để kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam thì tổ chức đã làm rõ mọi vấn đề, đặc biệt là thời gian ở trong tù. Khế chính thức được kết nạp vào Đảng CSVN. Vậy, hôm nay trang mạng lật lại là có ý đồ gì ?
          Xin nói rõ, khi làm hồ sơ, tư liệu cho tập Kỷ yếu 40 năm Tổng đoàn học sinh Đà Nẵng-Chúng tôi, có một thời như thế, nhóm biên soạn đã sưu tầm hồ sơ của bạn bè, đồng đội trong phong trào đô thị, giai đoạn 1970-1975, trong đó có những tư liệu về Nguyễn Công Khế.
          Để làm rõ hơn về thời gian trong tù, xin phép công bố các xác minh ở phần sau bài viết này.
*

Khế xuất thân trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Bác ruột là sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Chú ruột đi tập kết, Chủ tịch huyện Thăng Bình và là cán bộ lãnh đạo của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Cha tập kết ra Bắc. Mẹ là cơ sở cách mạng. Ngày bé thơ, một mẹ một con, gia cảnh đơn chiếc, anh đã mang cơm lên tận nhà lao huyện Thăng Bình nuôi mẹ, nhất là những năm tố cộng, luôn bị rình rập, theo dõi, do có người thân liên quan đến cách mạng. Lẽ nào anh Khế lại phản bội cha anh của mình! 
***
 Vào thời điểm cuộc chiến tranh đang diễn ra khốc liệt, chúng tôi là những học sinh mới 16,17 tuổi đầu, đã dấn thân vào cuộc đấu tranh quyết liệt, đối đầu sông chết với kẻ thù, chấp nhận cả hy sinh, tù tội để mong đất nước được thanh bình, dân tộc được ấm no, hạnh phúc. Thử hỏi, những người hôm nay được thụ hưởng sự yên bình, ngồi mát ăn bát vàng, gõ gõ bàn phím, đặt điều, suy diễn ra những thứ giả dối, kết tội người anh em, đồng chí chúng tôi! Họ là ai, có xứng đáng để chúng ta tin cậy không ?
          Vậy mà, gần đây, có cái gọi là Tài liệu mật: Tên gián điệp Nguyễn Công Khế nợ máu như thế nào với cách mạng và  nhân dân Việt Nam. Một bài viết nhiều sai lầm, khó có thể chấp nhận.
          1. Về sự hy sinh của Trần Phú Quý:
          Theo tài liệu Chúng tôi-Có một thời như thế, NXB Đà Nẵng, năm 2011, trang 141, thì, Trần Phú Quý, sinh năm 1953, Phó Chủ tịch Ngoại vụ Ban Chấp hành Tổng đoàn Học sinh Đà Nẵng, Ủy viên Ban Chấp hành Đặc Khu đoàn Quảng Đà, quê quán thôn Lạc Thành, xã Điện Hồng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Trần Phú Quý hy sinh ngày 5-10-1974, nhằm ngày 20-8 âm lịch năm Giáp Dần, tại Diêm Sơn, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, Đặc khu Quảng Đà, nay là tỉnh Quảng Nam. Bài viết của Tài liệu mật nói rằng, sau khi bị tên Khế chỉ điểm, một ngày cuối năm 1972, Trần Phú Quý đã anh dũng hy sinh. .
          Tài liệu mật đã cho Trần Phú Quý hy sinh trước 2 năm. Lạ thay !
          2. Đặc san Tiếng gọi học sinh
          Bài viết Nhớ họa sĩ Bửu Chỉ và bìa báo "Tiếng gọi học sinh" đầu tiên của Tổng đoàn học sinh Đà Nẵng, Huỳnh Ngọc Thành nói rõ, bìa do anh Bửu Chỉ vẽ, "tôi là người có duyên cầm tranh bìa từ tận tay anh, mang từ Huế vào Đà Nẵng" (Xem Chúng tôi-Có một thời như thế, trang 379. 378). Tiếng gọi học sinh chỉ ra được một số vào Xuân Nhâm Tý (1972). Sau đó, tình hình không cho phép ra tiếp các số.     
          Tài liệu mật nêu, "Anh (Trần Phú Quý) là người sáng lập và điều hành tờ báo Tiếng gọi học sinh hoạt động từ 1970, được đông đảo học sinh, sinh viên đón nhận, mỗi số ra cả nghìn tờ (?), là nỗi kinh hoàng của chính quyền chế độ cũ tại Đà Nẵng. Dù bị truy soát gắt gao nhưng tờ báo vẫn hoạt động an toàn suốt 3 năm (?) cho đến khi bị tên Khế chỉ điểm".
          Quả là, không thể có cái đánh tráo thời gian về "tờ báo vẫn hoạt động an toàn suốt 3 năm" được.
          Mọi việc sờ sờ ra đó, sao có thể suy diễn lệch lạc, mờ ám như vậy ?
          3. Cũng theo Tài liệu mật, gửi Ông Giám đốc Trung tâm thẩm vấn Tam Hiệp (Sài Gòn) về việc "được ủy quyền nhận tên Việt cộng Nguyễn Công Khế về Phủ Đặc ủy nhận công tác", Công văn này ký ngày 15-4-1975. Sao có chuyên ngớ ngẩn và ngây thơ như vậy được! Bởi lẽ, ngày 7- 2-1975, Nguyễn Công Khế được cấp Giấy phóng thích, về trú số 65, Thanh Hải, Quận Nhất, Đà Nằng. 
          Tuy nhiên, theo Blog Hoàng Hải Vân, đấy chỉ là loại giấy tờ ngụy tạo mà thôi. Trong bài viết, Xung quanh câu chuyện ở tù của Nguyễn Công Khế, ngày Thứ tư, 23-12-2015, Hoàng Hải Vân viết:
           "Tôi cũng được biết, người ta đã dùng các biện pháp nghiệp vụ xác minh loại giấy và con dấu trong văn bản của Phủ Đặc ủy Trung Ương tình báo chính quyền Sài Gòn cũ là giả mạo".           

          Gắp lửa bỏ tay người là hành vi của tội ác, thiếu nhân văn, phi đạo lý! Lich sử đã có nhiều bài học và phải trả giá đắt, vì vậy, cần phải chặn lại những bàn tay tội ác, phù thủy này! Lợi dụng trang mạng để bịa đặt, vu khống, hãm hại người trung thực là cách mà kẻ tiểu nhân lợi dụng để gây chia rẽ, tranh đoạt quyền chức và danh lợi. Hành động này, chúng tôi kiến nghị cần phải được ngăn chặn và cảnh giác !

                                                Đà Nẵng, ngày 24 tháng 12 năm 2015     
Chúng tôi đồng đứng tên dưới đây:

Lê Văn Thọ, Lê Thị Ngọc Lan, Phạm Thị Tuyết Nhung, Nguyễn Duy Việt, Nguyễn Thị Ngọc Trinh, Nguyễn Thị Thọ, Huỳnh Thị Kim Kha. Tôn Nữ Thị Nga, Lê Thị Quỳnh Dung, Huỳnh Tấn Thọ, Nguyễn Cam, Đinh Công Hảo, Châu Chí Bảo, Đặng Văn Cự... 


ĐÍNH KÈM CÁC TÀI LIỆU LIÊN QUAN:  



 

Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2015

NGÔI TRƯỜNG HUYỀN THOẠI CỦA TÔI

(Thay lời tri ân vì ngày 20.11 không ra được để chung vui với Khoa Báo chí- Truyền thông- ĐHKH Huế theo giấy mời)
Sinh viên K33 Khoa BC- Truyền thông

“Tôi đã học nhiều nơi nhưng chưa có ngôi trường nào mà mỗi lần trở lại, trong tôi lại có nhiều cảm xúc như thế, bởi nơi này lưu giữ rất nhiều kỷ niệm đặc biệt.
Đó là nơi nảy nở mối tình đầu tiên, duy nhất của tôi.
Ngôi trường mang đến cho tôi một người vợ duy nhất.
Vợ tôi sinh cho tôi một đứa con trai duy nhất, một đứa con gái duy nhất.
Và cả 4 người trong gia đình đều học cấp 4 duy nhất ở một trường.
Cuộc sống có những điều thật kỳ diệu, từ bạn đồng liêu, tôi trở thành thầy giáo của hai con, sau đó tôi và con trai lại trở thành bạn đồng học trong lớp đào tạo giảng viên Dự án nâng cao năng lực báo chí VN…
(Sau này con tôi đi nước ngoài học lên cao và trở thành… thầy của tôi).
Ngôi trường Đại học Tổng hợp Huế đã cho tôi quá nhiều niềm hạnh phúc, và vì thế tôi hạnh phúc khi trở lại đây làm người truyền nghề cho các thế hệ sinh viên sau tôi, các đồng nghiệp tương lai của tôi với một nỗ lực đền đáp lại những gì mà cuộc sống đã ban tặng cho tôi
20.11, trân trọng tri ân thầy cô của ngôi trường huyền thoại”.

Thứ Tư, 18 tháng 11, 2015

Nói với con: CHUỖI NGÀY HẠNH PHÚC NHẤT…

Nếu mỗi ngày biết chọn một niềm vui thì ngày nào trong cuộc đời cũng là ngày hạnh phúc.
Ngày 15.11, hai gia đình có một niềm vui lớn, vì thế có thể gọi đó là ngày hạnh phúc đặc biệt. Đặc biệt vì từ nay, niềm hạnh phúc của hai gia đình, của hai con chuyển sang một gia đoạn mới có chiều sâu và trách nhiệm hơn.


Bắt đầu từ khi Vũ Nguyễn và Lam Le quen biết, yêu thương đến nay đã gần 9 năm.
9 năm hai đứa lúc sống và học tập ở Việt Nam, lúc ở Úc, lúc ở Anh, từ lúc còn là học sinh đến khi đều học xong sau đại học, đã gặp gỡ rất nhiều người, đủ các quốc tịch… cả hai vẫn khẳng định tình yêu của mình là đầu tiên và duy nhất.

Trong cuộc đời ít khi người ta tự hỏi, vì sao mình (hay ai đó) lại lựa chọn và yêu thương vợ/chồng mình (hay họ) đến thế?
Sự thủy chung không phải lúc nào cũng dễ thấy được trong cuộc sống ngày nay. Tình yêu hai đứa đáng để gọi là trường kỳ; đáng để, ít nhất ba mẹ, anh chị em hai gia đình ngưỡng mộ.

Các con hãy sống có trách nhiệm và trung thành với lựa chọn của mình. Nói thì đơn giản nhưng làm được các con mới là người vĩ đại!

Ngày 15.11 chưa phải là ngày hạnh phúc nhất mà chuỗi ngày hạnh phúc nhất đang ở phía trước các con.

Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2015

Mưu kế tương đồng

Ở chốn rừng xanh, loài dê bị Sói, Gấu, Cáo ức hiếp đến mức không thể sống nỗi. 
Một hôm, Dê trưởng mang lễ vật dâng cho Chúa rừng, đoạn ghé tai thì thầm bla, bla… Chúa rừng xanh phá lên cười rồi gật đầu lia lịa.
Dê trưởng về, tập trung hết dê trong rừng lại mà rằng, “Chúa rừng đã đồng ý, sắp đến sẽ có một trong ba anh là Sói, Gấu, Cáo về làm thủ lĩnh của chúng ta”.
Đàn dê bất bình, đi đâu cũng bàn tán và cho rằng không thể để loài ức hiếp chúng lâu nay lại làm thủ lĩnh của chúng. 
Tuy phản ứng nhưng tụi dê chưa biết làm cách nào chống lại.
Tin tức loan nhanh đến tai Sói, Gấu, Cáo.
Vài hôm sau, cả Rừng xanh sửng sờ khi hay tin Gấu bị ngạt khí ga.
Tin đồn bị Sói hoặc Cáo hãm hại.
Vài hôm sau nữa, cả Rừng xanh sửng sờ khi hay tin Sói và Cáo cùng đi nhậu với nhau về ngủ thì ngủ luôn.
Tin đồn Sói và Cáo cùng âm mưu hại nhau. Mưu kế tương đồng.
Dê trưởng lại mang lễ vật đến dâng Chúa rừng. Chúa rừng mở tiệc đãi Dê trưởng.
Dê trưởng nhậu xong thì không tỉnh lại được. Tin tức lan truyền rằng Dê trưởng bị thượng mã phong.

Thứ Năm, 8 tháng 10, 2015

LÊ PHƯỚC HOÀI BẢO ƯỚC GÌ?

Dạo này, bà con sôi lên với chuyện Lê Phước Hoài Bảo 30 tuổi làm Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư Quảng Nam. Nhiều người nghĩ bụng, giá mà mình được làm con các ông lớn như anh Bảo. Nhưng tui đồ rằng, trong lúc này, Lê Phước Hoài Bảo đang ước, giá ba mẹ mình là… nông dân. Nếu thế thì khỏi ai nói, quá khỏe.
Biểu tượng cảm xúc tongue
Có lần tui nói, con nhà nghèo học giỏi hầu như là chuyện bình thường thời nay, phải học mới hy vọng thoát nghèo. Vì thế, nên biểu dương, trao học bổng cho những em “vượt giàu học giỏi”.
Lê Phước Hoài Bảo là người “vượt giàu học giỏi”. Sinh viên giỏi, học xong được giữ lại trường.
Nếu là tui, tui đi Mỹ làm thạc sĩ rồi về dạy lại ĐH. Đi làm tiếp tiến sĩ. Sau một thời gian sẽ thành giáo sư, phó giáo sư… rồi lên Hiệu trưởng ĐH KT, Giám đốc ĐH Đà Nẵng. Mua ngôi biệt thự ở thành phố đang sống, đánh xe hơi đi làm. Vừa sang vừa sướng. Sau đó, nếu có năng lực và cơ hội thì lên thứ trưởng giáo dục như anh Ga (cũng từ trường này)…
Thế mà anh này “chịu” về Quảng Nam, không hay à?
Vậy nên bà con đừng nói nữa mà nên ủng hộ người trẻ làm. Chí ít học cũng có khát vọng thể hiện bản thân (một thời gian). Coi lại mà coi, cái chức Giám đốc Sở Kế hoạch- đầu tư trao vào tay mấy cha cáo già, họ chẳng lo nghĩ mẹo cá nhân hết ngày đó sao? (Phải chạy thì phải nghĩ cách thu hồi vốn sớm).
Các trường hợp khác, con của ông lớn, nhà giàu mà “vượt giàu học giỏi”, chịu ở quê, có làm lãnh đạo thì tui cũng ủng hộ tuốt. He he. Biểu tượng cảm xúc tongue
*
Tui tưởng tượng, con một anh nông dân, công dân bình bình thường 30 tuổi được bổ nhiệm làm giám đốc sở chắc đời nó sống cũng chẳng yên.
Nhớ hồi sếp tui là Đỗ Quý Doãn, con nông dân, 35 tuổi vô Ủy viên thường vụ Tỉnh ủy mà chẳng được nổi tiếng (vì chưa có mạng meo).
*
Từ giờ trở đi, Lê Phước Hoài Bảo chỉ nên ước một điều thôi: Nỗ lực để chứng minh giá trị của mình!

Thứ Hai, 28 tháng 9, 2015

Đại gia đình Thanh Niên

Ngày 26.9.2015, Báo Thanh Niên của chúng tôi chuyển từ 248 Cống Quỳnh, Q1 sang trụ sở mới số 268-270, Nguyễn Đình Chiểu, Phường 5, Quận 3, TP.HCM. Tuy khác quận nhưng chỉ cách nhau một đoạn đường.
Ngày 3.1.2016 tới đây, Thanh Niên tròn 30 tuổi.
Bây giờ đại gia đình Thanh Niên đã có 520 người, nhiều thứ đã khác trước, ví như trụ sở lớn hơn; tổng quỹ lương, tiền thưởng hàng năm đã nhiều hơn rất nhiều, nhưng câu chuyện tôi viết (đăng trên Thanh Niên) cách đây 8 năm đọc lại thấy xúc cảm vẫn tràn đầy.

Cám ơn đại gia đình Thanh Niên, nơi tôi đã gắn bó 20 năm và có nhiều trải nghiệm thú vị.
CÂU CHUYỆN NHỎ CỦA TÔI
01/03/2009 10:01 am
Hôm nay ngày 3.1, kỷ niệm 23 năm Báo Thanh Niên đồng hành cùng bạn đọc, tôi viết lại câu chuyện nhỏ này.
Quê tôi ở làng Lộc An, một làng quê nhỏ bé và nghèo nhất tỉnh Quảng Bình, cũng có nghĩa là nghèo nhất nước.
Tuổi thơ của tôi bị ám ảnh cái đói. Vì thế 17 tuổi, tôi chích máu viết đơn vào bộ đội, nghĩ mình đói là do bọn đế quốc sài lang, phải đánh nó để được no.
Đánh xong bọn sài lang vẫn đói, bèn đi học, làm báo, phấn đấu cho sự tiến bộ xã hội. Xã hội tiến bộ ắt mình được no. Tôi nghĩ đơn giản thế thôi!
Hết đói lại chuyển sang khổ, luẩn quẫn mãi, cho đến một ngày được về làm Báo Thanh Niên, cho đến một ngày khác, được trả một mức lương mà cái thằng ăn khoai sống, đi chăn trâu cắt cỏ lúc đó có là tôi có mơ trở thành nhà văn để viết truyện viễn tưởng cũng không thể nghĩ tới. Nhờ đó nuôi được gia đình, giúp được hai bên nội ngoại ở cái vùng quê nghèo khó của tôi như bây giờ.
Một hôm, một nhân viên mới được tuyển ở Văn phòng đại diện Báo Thanh Niên tại miền Trung nhận tháng lương đầu tiên, cẩn thận và trân trọng bỏ vào phong bì mang về cho ba mẹ. Ba mẹ người này cầm nguyên phong bì đến hỏi xem tôi có nhầm không. Khi biết không nhầm, ông này bảo: “Tôi làm công chức 30 năm cũng chưa một lần nhận được tháng lương như thế này, nếu không nhầm thì đây là một sự tiến bộ xã hội lớn nhất, cụ thể nhất mà tôi chứng kiến”.
Người ta bảo tiền không quan trọng, tôi nghĩ cũng đúng, nhưng quan trọng là không có tiền. Gần 500 người, 500 gia đình sống ổn định bằng đồng lương chân chính của mình (chưa kể hàng nghìn đại lý và quầy bán báo) thì đó, với tôi, là câu chuyện vĩ đại.
Tôi là người vào báo sau, được hưởng thành quả của các anh chị đi trước xây dựng lên từ hai bàn tay trắng nên càng thấu hiểu hơn công lao vô bờ bến của họ.
Họ đã làm nên một giấc mơ có thật, và hơn cả giấc mơ.
Nhưng chưa hết.
Trong lúc mọi người lo lắng, trăn trở vì ở chỗ này chỗ khác người ta chạy chọt để có một chỗ làm. Đi làm rôi thì chạy chọt vào vị trí này vị trí nọ...thì tôi được sống và làm việc ở một cơ quan mà không phải cấp dưới nịnh sếp mà sếp lại... “nịnh” cấp dưới của mình. Chuyện viễn tưởng nữa ư? Không! Đây là chuyện thật.
Mỗi lần Tổng biên tập Nguyễn Công Khế ra Đà Nẵng, anh bảo tôi mời cho được vợ tôi đi ăn cơm. Tôi đơn giản bảo thôi. Nhưng anh nói: “Ông phải mời cô ấy đi để tôi cám ơn cô ấy, nhờ có cô ấy mà ông làm việc tốt như thế. Ông phải để tôi cám ơn cô ấy...”.
Mình không thể không làm việc tốt khi nghe những lời như thế.
Đó là điều trước đây tôi chưa từng mơ tới.
*
Có một chuyện vui thế này: Một lần anh Phó tổng biên tập, người thường ký các quyết định tiếp nhận phóng viên và CB-CNV, đi trong thang máy chung với nhiều người. Mấy phóng viên trẻ hỏi anh: “Chú ở ban nào?”. Anh đáp: “Chú chẳng ở ban nào hết”. Mấy phóng viên nói thầm với nhau: “Chắc chú ấy làm bảo vệ cơ quan”.
Một lần khác, Tổng biên tập thấy có một cô gái cao ráo, xinh đẹp đứng trước sân cơ quan, hôm đó gặp mặt các ca sĩ và người mẫu làm Duyên dáng Việt Nam, anh bảo: “Em lên đi, gặp mặt ở hội trường tầng 4”. Cô Hồng Hạnh, lúc đó làm trưởng Văn phòng đại diện Đồng bằng sông Cửu Long mới bảo: “Đó là nhân viên văn phòng của em mà anh”. Anh cười: “Thế à, tưởng là người mẫu đến họp!”
Chứng kiến chuyện này, nhiều người cười quá trời. Người ta đi xin việc phải mòn đường chết cỏ, mình vào làm việc rồi lại tưởng người ký quyết định tiếp nhận mình là chú bảo vệ cơ quan, lại tưởng nhân viên của mình là người mẫu. Nghe như là chuyện bịa. Nhưng qua đó để thấy một điều, tờ báo phát triển quá nhanh, nhân sự cũng theo đó mà phát triển, chuyện tiếp nhận ai cũng theo quy trình chung, lấy năng lực làm trọng, không cần cầu cạnh, xin cho. Chuyện này với tôi cũng là chuyện lạ.
*
Cách đây ba ngày, ngày cuối cùng của năm 2008, và chỉ còn 3 ngày nữa kỷ niệm 23 năm Thanh Niên ra số đầu tiên, tại hội trường Báo Thanh Niên 248-Cống Quỳnh, TPHCM, lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi chứng kiến cảnh những người đàn ông mặt mày từng trải có, kiêu bạc có, hùng dũng có, thư sinh có, râu ria có, “hầm hố” (như tôi) cũng có...đã bật khóc nức nở khi chia tay người tổng biên tập đã gắn bó với tờ báo từ khi khai sinh. Một đồng nghiệp đàn anh của tôi nói rằng: “Mỗi năm, đến ngày cuối cùng của năm cũ thấy có một cái gì đó man mác buồn. Nhưng nếu ai hỏi tôi ngày cuối cùng của năm cũ nào buồn nhất, thì cho đến sau này tôi vẫn nói đó là ngày hôm nay”.
Vẫn biết chuyện đi ở là chuyện của cuộc đời, có điều tự hỏi, vì sao những người đàn ông phải bật khóc, âu đó cũng là chuyện của cuộc đời, nhưng là một chuyện hiếm hoi. Có lẽ nó được tích lũy bằng những câu chuyện nhỏ lan man mà tôi kể ở trên. Những câu chuyện nhỏ không phải ai cũng làm được, không phải ở đâu cũng có...

Thứ Hai, 21 tháng 9, 2015

Chuyện xưa, chuyện nay...

Cái thời chúng tôi, ở miền Bắc, hầu hết mọi người khổ hơn những người khổ nhất bây giờ.
Tôi đi học cấp 3 (hệ 10), trường cách nhà 8km. Buổi sáng không ăn, dậy từ sớm bỏ cỏ cho trâu ăn no để đi cày, về, tròng chiếc quần dài vá đít, chân đất, vừa đi vừa chạy; nghe trống tan trường là lao một mạch về nhà để chiều ra đồng… (nếu không phải đi lao động).
Buổi trưa, mạ nén một ít sắn độn cơm vào cái bát rồi úp vào đĩa để bên cạnh dĩa muối ớt, chén canh rau lang nêm ruốc. Có hôm, anh chưa về mà mấy đứa em còn đói quá, nó cứ ngồi cạnh dĩa cơm thò tay rút mấy lát sắn để ăn làm bát cơm lỏng ra; tôi về, lật bát cơm ra thì cục cơm sắn rơi xuống đất, con chó đói lao đến đớp phát chạy mất. Nước mắt cứ thế chảy ra, thương em, giận con chó mà không biết làm sao, để cái bụng đói meo vác cuốc ra đồng.
Niềm kiêu hãnh duy nhất của gia đình là mỗi sáng thứ hai chào cờ, tên anh em tôi lại được xướng danh, tuyên dương về thành tích học tập.
Nhà 7 anh em thì chỉ 2 đứa sau còn học phổ thông, 5 đứa đi học xa cách nhau chỉ một hai năm. Thời chiến, ba đi biền biệt, mạ tôi tần tảo nuôi con. Mùa rét phải lấy rơm lót ổ rồi đắp bao tải nằm mà vẫn không yên; mưa dột, gió luồn tứ phía.
Tôi vào bộ đội năm 17 tuổi chỉ nặng 42 kg. Đến 28 tuổi tôi mới được ăn một bữa no.
*
Đậu đại học, mạ cắt giấy tờ gửi vô cho thằng Cường đang học ĐHSP sang ĐHTH nhập học cho tôi, còn tôi vác rìu đi trầm.
Suốt thời học đại học, cứ nghỉ hè là tôi lại đi trầm.
Có chuyến vượt đèo Vít Thù Lù, hai bắp chân tôi tụt xuống, dượng tôi phải nắn lên rồi lấy dây buộc lại, đi tiếp. Hết hè nhập học, sốt rét xanh như tàu lá, ra nắng đưa hai bàn tay lên trời thấy gân xanh trong đó.
Hè, các em tôi, đứa giúp mạ đồng áng, đứa đi chở cát sạn về bán cho người ta đúc bờ-lô để kiếm ít tiền xe tàu nhập học.
*
Hồi đó không có mạnh thường quân nhận nuôi.
Hồi ấy không có ai làm từ thiện, trao học bổng hay đại loại gì đó như bây giờ.
Bây giờ, chưa thi có “tư vấn mùa thi”; đi thi có “tiếp sức mùa thi”; đậu rồi có “tiếp sức đến trường”… Hàng năm rất nhiều tổ chức trao học bổng. Đến mức có trường không biết ai nghèo để trao phải ra tiêu chí, ai không có smatphone mới gọi là…nghèo.
Bây giờ, báo viết bài “cậu tân sinh viên bất ngờ, ngạc nhiên, bật khóc…” khi chỉ có 300 nghìn đồng đóng học phí, đúng là nghèo, nhưng trong ảnh chụp đi dép Bitis, mặc áo pull cổ động viên MU không đến nỗi đi chân đât, mặc quần vá đít…
Bây giờ có tâm thư.
Bây giờ có báo, có mạng xã hội.
Người không kêu thì bây giờ các bạn cùng lớp cũng không để bạn nào phải bỏ học bao giờ.
*
So sánh thì khập khiểng nhưng không so sánh làm sao biết được sự thay đổi của cuộc sống?
Đây là một trong những câu chuyện tôi vẫn kể cho con tôi nghe, mỗi ngày. Chỉ để nói rằng, không có gì có thể làm ta gục ngã, ta phải tự lo cho ta, đừng ca thán, trông chờ, đó là liêm sỉ!
Nếu là thời tôi đi học, nhin cảnh bây giờ trên phim, chắc tôi nghĩ đó là thiên đường.
Nhiều người bảo đừng so ta với ta mà phải so ta với thế giới. Nhất trí. Nhưng so gì thì so, đừng so nội chiến, đánh bom, xả súng, huynh đệ tương tàn... Rất sợ.

Thứ Tư, 2 tháng 9, 2015

Bí mật của lịch sử

- Người mẫu biểu diễn một show chỉ được 200.000đ đến 400.000đ nhưng ai cũng xài đồ hiệu, đi xe sang, ở nhà đẹp... Đó là một bí mật của lịch sử.
- Lương cỡ chủ tịch tỉnh và tương đương chỉ hơn chục triệu đồng nhưng ai cũng có biệt thự và nhà thờ họ khủng. Đó là một bí mật của lịch sử.
- Làm công chức mỗi tháng nhận lương chỉ hơn 2 triệu đồng một xí nhưng người ta sẵn sàng cầm sổ đỏ của bố mẹ để lấy 300 triệu đồng chạy vào công chức. Sau đó nhịn ăn, nhịn mặc 12 năm mới thu hồi lại vốn. Đó là một bí mật của lịch sử.
- Nhiều người làm báo không lương, chỉ được cơ quan cho cái danh nghĩa, viết bài nào ăn bài đó nhưng vài tháng sau mới nhận được nhuận bút, vậy mà những người này thường tậu nhà, sắm xe hơi trước cả những nhà báo ở tờ báo có thu nhập cao. Đó là một bí mật của lịch sử.
- Nhà thơ làm một bài thơ được trả nhuận bút 50.000đ; nhà văn viết một truyện ngắn được trả 200.000đ; phải tự bỏ tiền ra in sách của mình nhưng ai cũng tồn tại. Đó là một bí mật của lịch sử.
- Hàng chục vạn cử nhân thất nghiệp nhưng ai cũng chạy đôn chạy đáo để vào đại học. Đó là một bí mật của lịch sử.
- Rất nhiều người nói xấu vợ nhưng những người đó thường sống với vợ cho đến chết. Đó là một bí mật của lịch sử.
- Rất nhiều bài diễn văn lê thê ai cũng lắc đầu nhưng ai cũng vỗ tay. Đó là một bí mật của lịch sử.
- Rất nhiều điều của lịch sử bị viết sai lêch nhưng ai cũng phải học, thi, trích dẫn và vận dụng nó. Đó là một bí mật của lịch sử.
- Xung quanh ta tồn tại rất nhiều bí mật "ai cũng nhìn thấy". Đó là một bí mật của lịch sử.

Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2015

Mùi oải hương

Cư xá 27 Nguyễn Huệ (Huế) có 3 dãy, dãy nữ ở trước, sau là hai dãy của nam, mình ở giữa, cách dãy nữ một hàng cây bàng và ghế đá.
Hồi đó hầu hết sinh viên ở cư xá (trừ các bạn người Huế) nên biết nhau hết.
Rồi mình nhìn thấy một bạn có má lúm đồng tiền, nền nã, ngoài giờ học ngồi đan len bên cửa sổ.
Rồi mình nhờ một “chim xanh” để làm quen với bạn ấy.
Tối đến, mình ngóng sang, thấy bạn ấy ôm chồng sách vở lên giảng đường là mình vơ vội quyển vở chạy lên theo. Bạn ấy ngồi phòng nào mình theo vào phòng đó.
Kiếm cớ mãi, rất lâu sau mới có dịp ngồi gần.
Tụi mình bắt đầu chát.
Không phải chát như bây giờ mà mình lấy một tờ giấy viết vài dòng (có thể là thơ) đẩy qua, bạn ấy viết trả lời, đẩy lại.
Cứ như thế.
Mỗi lúc càng nhiều giấy hơn.
Mình viết bao nhiêu lời lẽ lúc thì như triết gia, lúc lém lỉnh, đôi khi viết xong mình phục mình sao thông minh thế… Bạn ấy vẫn không có vẻ gì là chấp nhận, chỉ có một dấu hiệu là mình chát thì bạn ấy trả lời và chỉ ra về khi bảo vệ cư xá tắt đèn.
Rất lâu sau, đến lúc bạn ấy đi thực tập ở Quảng Nam. Và mình nhận được một lá thư. Mình viết lại rất nhiều thư.
Một tháng sau, bạn ấy về, tụi mình công khai sóng đôi từ cư xá đi ra. Mọi người mặc nhiên biết tụi mình yêu.
*
Chuyện cổ tích này không có câu ngày xửa ngày xưa… như các chuyện cổ tích in trong sách giáo khoa, vì nó mới…30 năm.
*
Trước lối ra của cư xá trường ĐH Tổng hợp Huế (27 Nguyễn Huệ) có một cây phong.
Mùa Thu, lá phong chuyển từ màu xanh sang màu vàng. Cuối Thu, lá phong đỏ rực trước khi rụng xuống phủ đầy mặt đất.
Mỗi chiều, sau khi ăn bữa cơm độn bo bo ở nhà ăn tập thể, tôi quần loe áo chẽn, đi dép sam-po; nàng đồ bộ hoa màu thẩm, đi guốc mộc sóng đôi từ cư xá ra đường. 
Chiếc ghế đá dưới gốc phong là điểm dừng đầu tiên.
Rất nhiều đôi đang yêu cũng theo lộ trình y hệt chúng tôi. Sau khi dừng ở ghế đá gốc phong thì về dòng Chúa cứu thế. Sinh viên Huế thường đi rất chậm.
*
Hồi đó phương tiện đi lại vô cùng khó khăn nên suốt mùa hè đầu tiên khi yêu không một lần gặp mặt, có cảm giác như thời gian kéo dài hàng thế kỷ.
Vào năm học mới khi lá phong đã chuyển sang màu đỏ.
Theo lộ trình cũ. Từ dòng Chúa cứu thế, tôi và nàng vào sân trường Vĩnh Lợi. Học sinh phổ thông vẫn đang nghỉ hè, sân trường phủ kín lá vàng.
Chúng tôi ngồi thế rất lâu nhìn những chiếc lá chuyển mình theo làn gió. 
Và lần đầu tiên tôi khoác vai nàng.
Lần đầu tiên tôi cảm nhận được hơi thở của nàng thơm mùi oải hương.
*
Mỗi lần trở lại trường cũ thỉnh giảng, bao giờ tôi cũng ngồi trên chiếc ghế đá ngày xưa. Rất lâu.
Có hai lần tôi hỏi hai lớp khác nhau thì cả hai lần hơn hai trăm sinh viên đều không hề biết sân trường có cây phong dù mùa đó cây phong đang trùm khăn đỏ. 
Sinh viên Huế bây giờ đi nhanh hơn.

Tất nhiên, sau này, trong phòng họ không bao giờ có một bình oải hương (khô) như phòng của chúng tôi bây giờ.
Mùi oải hương thần thánh.

Thứ Hai, 17 tháng 8, 2015

ÔNG NUÔI HEO VÀ SẾP BÁO LÁ CẢI

Ông hàng xóm có con heo nái đẻ được bầy lợn sữa. Một hôm, cô góa hàng xóm qua chơi, trông thấy mới khen bầy heo đẹp, lại phàn nàn nhà không có tiền mua một con về nuôi. 
Ông suy nghĩ một lúc rồi nói:
- Cho tui hun (hôn) cái, tui cho con. 
Thoạt đầu cổ thấy chi lạ, sau nghĩ đi nghĩ lại, hun thì mất chi mô, lại được con heo nên tặc lưỡi, cho.
Hun rồi, ổng chỉ một con, đoạn nói:
- Cho sờ ngực cái, cho con nữa.
Cô chần chừ một lát rồi lại tặc lưỡi, cho.
Tiếp đó, ông lại nói, lại sờ rồi cho con nữa...
Miết, hết cả bầy heo con, ổng lại nói:
- Cho bỏ vô cái, cho luôn con heo nái, tui đàn ông đàn ang, nuôi vất vả lắm.
Cổ nghĩ thì cũng vui, lấy được con heo nái về hay chơ, cho.
Ông hàng xóm bỏ vô xí thì dừng lại, cổ hỏi răng dừng. Ổng nói, hết heo rồi. Cổ bảo: Vô đi, trả lại ông một con. Ổng cho vô xí lại dừng. Cổ lại bảo, sao dừng. Ổng kêu, hết heo rồi... Cổ trả lại con nữa. Miết vậy, nên bầy heo vẫn là của ổng.
Hôm sau, cô góa lại lân la sang ngắm heo, khen, bầy heo đẹp, không có tiền mà mua con về nuôi. Ổng lặp lại bài cũ, nhưng cô hàng xóm bảo, cổ không ưa heo con mà ưa luôn con heo nái..
Hi hi....Đến đây không cần kể nữa, tưởng tượng hay hơn.
*
Một ông sếp báo mạng bị cho làm báo lá cải kể chuyện khác.
Một hôm có người kêu, mày đừng làm chuyện này nữa thì vầy. Ổng không làm nữa, được vầy. Mấy hôm sau, lại kêu, mày đừng làm chuyện này thì vầy vầy, ổng vâng, không làm nữa, và được vầy vầy...
Ông không làm hết chuyện này đến chuyện khác nên tờ báo đó mới thành cái gọi là lá cải như hiện nay.
*
Thiên hạ hay bàn về chuyện lá cải với lá môn, ai cũng có lý của mình, tuy nhiên có điều không thấy người ta nói đến: Nếu không được làm gì nữa thì chỉ có mấy chuyện ấy thôi, là cướp, giết, hiếp, hở, gái gú, trai trơ...chơ còn chi nữa? Vậy thì lá cải, lá môn, lá sen, lá khoai, lá nho...chi cũng phải mần mà tồn tại, than cũng thế thôi.
*
Phải thừa nhận, ông sếp báo bị coi là lá cải không giỏi bằng ông nuôi heo.

Thứ Ba, 21 tháng 7, 2015

Mình về


Mình về cát trắng chân mây
Đường xưa gió đã thổi bay lối mòn
Mình về bước chập bước chờn
Vịn tay vào ngọn gió nồm chiều nay.

Mình về chợt tỉnh chợt say
Rượu đong đong mãi chẳng đầy
ly vơi
Dốc tình cao quá ơi hời...
Tính tình tang hát với người hôm nay.

Gió nồm một ngọn cầm tay
Nắng sương một nắm, đắng cay nửa lời
Ba nước mắt, bảy nụ cười
Mười thương, chín nhớ đến người đến ta.

Mình về đường có còn xa
Người còn đứng đợi như ta thuở nào?
Với tay ngắt một vì sao
Cho thêm vào túi chiêm bao
Mình về.

NGUYỄN THẾ THỊNH

Ta về với mạ ta thôi

Ta về với mạ ta thôi
Có chi mà phải rong chơi cho nhiều
Mạ ngồi bậu cửa mỗi chiều
Ngóng ta như thế bao nhiêu năm rồi.
Sao ta lại thế ta ơi
Mãi mê muội giữa dòng đời nhiễu nhương
Thì ai cũng bảo quê hương
Thì ai cũng nhớ cũng thương cũng là...
Dặm đường thuở ấy đi qua
Bây giờ chỉ có mạ ta ngồi chờ.
Ta về theo tiếng ầu ơ
Ta về để khỏi bơ vơ giữa đời.
Ta về với mạ ta thôi!

NGUYỄN THẾ THỊNH

Thứ Bảy, 11 tháng 7, 2015

Kiểm tra sức khỏe

Nhân viên vệ sinh của công ty rất buồn phiền vì các ông thường lơ đãng khi vào nhà vệ sinh. Để giải quyết những vũng nước vàng khè dưới nền toilette, một nhân viên nữ nghĩ ra sáng kiến dán lên tường một tờ giấy: “Không tiểu tới bô chứng tỏ bạn bị yếu, tiểu ra ngoài bô chứng tỏ bạn bị… ủ rũ!”.
Ngay từ ngày hôm sau, toilette nam sạch bóng.
Cái gì cũng phải có sáng kiến.
Đang đại hội các cấp, những ai có tên trong danh sách “quy hoạch” đều đi khám sức khỏe và tất nhiên ai cũng có một giấy chứng nhận sáng choang. Tiền khám chứ đâu phải họ khám.
Mình thấy thế không công bằng, lại tạo ra sự gian dối, nên đề nghị lấy một cái lon sắt tây đựng sữa, bỏ cát vào nén chặt lại rồi bắt mấy cha đứng xa 1m đái vào. Cha nào đái mà cát re ra ngoài thì ghi đủ sức khỏe, không thì loại, rất công bằng.

Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2015

Điều răn và..."trên"

Một thiếu nữ theo đạo xin đi nhờ xe, ngồi bắt chéo, để lộ cái đùi trắng nõn. Người nam cầm lái bắt đầu tiếp cận cái đùi, suýt nữa thì gây tai nạn. 
Sau khi điều chỉnh lại tay lái, người nam không cầm lòng được, tiếp tục thò tay sang chỗ ban nãy.
Nữ kêu: “Xin ngài, hãy nhớ điều răn 129″. Nam liền bỏ tay ra. 
Nhưng sau khi vào số, nam lại tiếp tục tiếp cận chỗ cũ. Một lần nữa nữ kêu: “Xin hãy nhớ điều răn 129″. 
Nam thẹn quá: “Xin lỗi, tôi trần tục quá”. 
Tới nơi, nữ thở dài và bỏ đi.
Nam vội cầm điện thoại nhờ Google tra cứu ngay cái điều răn 129 ấy, thấy đề: “Hãy tiến lên, tìm kiếm, xa hơn nữa, con sẽ tìm thấy hào quang”.
*
Ở VN không cần điều nào, chỉ cần nói: Trên chỉ đạo... là dưới răm rắp... Bố Google cũng chẳng biết được "trên" là ai?

Thứ Hai, 22 tháng 6, 2015

Bệnh viện Nguyễn Bá Thanh

Thành lập Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng để điều trị miễn phí cho bệnh nhân là ý tưởng vô cùng nhân văn của ông Nguyễn Bá Thanh lúc còn ở Đà Nẵng.
Lúc đó hoàn toàn có thể làm được bởi ông Thanh có tâm huyết, có uy tín và có sức mạnh để kêu gọi các nhà hảo tâm và các tổ chức phi chính phủ tài trợ.
Ông Thanh đi sớm, bây giờ Đà Nẵng ngồi bàn, đưa ra nhiều phương án nhưng chưa phương án nào được thông qua.
Theo quan điểm cá nhân của tui thì không nên quốc hữu hóa bệnh viện này vì như thế khó thực hiện được mục đích ban đầu. Cách tốt nhất nên cổ phần hóa nhưng phải có các điều kiện sau:
- Một là, đổi tên bệnh viện thành Bệnh viện Nguyễn Bá Thanh, bệnh viện chuyển thành bệnh viện đa khoa nhưng vẫn đầu tư khoa ung bướu thành khoa được trang bị hiện đại và vẫn chữa ung thư miễn phí cho người nghèo. (Tên bệnh viện là để tri ân người đưa ra ý tưởng và “thương hiệu” Nguyễn Bá Thanh vẫn có sức lan tỏa lớn, làm bệnh viện đa khoa là để thu tiền bên này nuôi bên khoa ung bướu).
- Hai là, mời ông Nguyễn Công Khế (hiện làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn truyền thông Thanh Niên làm Chủ tịch HĐQT của bệnh viện. Ông Khế là người rất thân thiết và có nhiều ý tưởng chia sẻ với ông Nguyễn Bá Thanh lúc sinh thời, ông cũng là người có khả năng kêu gọi bạn bè ông góp vốn tối thiểu 51% để ông đứng ra làm đại diện. Ông Khế hiện là Phó chủ tịch Hội Việt Mỹ, đó là một thuận lợi.
- Ba là, mời ông Phạm Hùng Chiến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng (trong tháng sau sẽ về hưu) làm Giám đốc. Ông Chiến là người biết rõ nhất ý tưởng hình thành bệnh viện; ông cũng là học sinh miền Nam như ông Thanh và cũng từng làm Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng trong thời gian dài. Ông Chiến là người có rất nhiều ý tưởng đặc biệt.
Nếu 3 điều kiện trên đây được đáp ứng thì việc duy trì một bệnh viện nhân văn như ý tưởng ông Nguyễn Bá Thanh là có thể làm được.
Không biết ai có cao kiến gì hơn?

Thứ Hai, 15 tháng 6, 2015

Sơ kè với Thái Lan

Nhân Seagames, truyền thông Thái Lan mấy hôm nay xoay quanh chủ đề: Vì sao người Việt Nam hay so kè với Thái?
Họ bàn tán sôi nổi, trong đó, có một cha làm tiến sĩ ở VN về nói rằng, bản chất của người VN hiếu thắng, không biết mình đang đứng ở đâu nhưng với ai cũng muốn hơn.
Thoạt nghe, mình điên lắm, nhớ cái thuở Sài Gòn là “hòn ngọc Viễn Đông” thì Thái Lan vẫn bị gọi là Xiêm La. Xiêm La là một từ có hàm ý miệt thị, mặc dù năm 1948 nước Xiêm đã đổi tên thành Thailand.
Nhưng bình tĩnh nghĩ lại, thấy thằng cu Đít ngày xưa đi chăn trâu cùng mình, bị mình đá đít, bắt bò trên cỏ cho mình cưỡi, sau này làm chủ tịch tỉnh nó cưỡi lên đầu mình thì thấy thằng Xiêm La có lý.
Về tổng thể, trong kỳ Seagames này, cái gì mình cũng chỉ đứng thứ ba, thứ ba tức là sau 2 hai thằng nữa chứ không chỉ sau Thái Lan, nên chi bóng đá huy chương đồng cũng là đúng sức, không tiếc nuối làm chi.
Nếu đất nước đang vượng khí thì thể thao cũng vượng khí, còn không thì ngược lại..
Và nếu VN ta cứ lấy “hòn ngọc Viễn Đông” làm quá khứ tự hào thì đến một Seagames nào đó, truyền thông Lào sẽ bàn luận: Vì sao Việt Nam lại hay so kè với…Lào?
Nên Thinhbabel tôi chưa bao giờ dám so với thằng Đít. Vì thằng Đít từng biết bò cho Thinhbabel tôi cưỡi, thời điểm đó, thằng Đít biết mình là ai.

Thứ Tư, 10 tháng 6, 2015

CÁM ƠN CON RẤT NHIỀU, ÁNH VIÊN!

“Tôi đã giành sáu HC vàng và phá 7 kỷ lục SEA Games nhưng tôi sẽ không ngừng phấn đấu. Nếu tôi hài lòng với những gì đã đạt được, tôi là kẻ thất bại ngay từ bây giờ, chứ không phải chờ tới ngày mai. Tôi không nhớ đến chiến thắng, mỗi ngày đều nỗ lực như chưa giành được gì”
*
Nghe đi nghe lại câu trả lời của Ánh Viên, tôi đã lặng người đi rất lâu. Cô gái đó mới 19 tuổi, nhỏ hơn cả con gái út của tôi, người đang đứng trên đỉnh vinh quang lại suy nghĩ rất giản dị nhưng vĩ đại, vĩ đai trong giản dị, chân thành. Nó thực sự làm lay động trái tim và tâm hồn tôi, một người sống lâu năm và thường tự phụ về những chuyện cỏn con mà mình làm được.
*
Mình đã làm được cục cứt chi mà đâu tranh (đâu chứ không phải đấu) với thiên hạ?
Bản thân sự đâu tranh, đố kỵ, sân si…là đã thất bại rồi.
Thực sự Ánh Viên đã cho đời một bài học lớn.
Ánh Viên, bác muốn nói thế nhưng sợ không phù hợp với tính cách của con, nên chỉ nói cảm nhận của cá nhân mình: Con đã dạy cho bác một bài học lớn, một triết lý sống, một sự thức tỉnh...
Cám ơn con rất nhiều.
NGUYỄN THẾ THỊNH

Thứ Ba, 2 tháng 6, 2015

NGÀY ĐỊNH MỆNH: 5 THÁNG 6 NĂM 1974


 Ngày 5.6 là ngày mình lên đường nhập ngũ.
Sáng đó, các bạn đồng học tiễn mình lên Huyện đội Lệ Thủy thì đi thi tốt nghiệp cấp 3 buổi đầu tiên.
Bằng tốt nghiệp phổ thông của mình (hệ 10 năm) sau này được ghi “Tốt nghiệp đặc cách nghĩa vụ quân sự”- dòng này được viết bằng mực đỏ.
Trong xóm, mình chơi thân với Nguyễn Thanh Sinh, nó cũng học cùng khóa nhưng khác lớp, cũng đi bộ đội một ngày, vào cùng một đơn vị. Lúc học lớp 10, nó và em gái của Trần Quang Vinh một người bạn cùng khóa thích nhau. Vinh đi bộ đội trước và hy sinh sau ngày nhập ngũ một năm, ở chiến trường Quảng Trị.
Nguyễn Thanh Sinh hy sinh, Trần Thị Gái, cô hoa khôi của trường, bạn nó, vào ngành công an, vẫn ở vậy cho đến nay.

 Vào chiến trường, mình, Sinh và Thân Trọng Bình rất thân nhau. Ngoài việc có bề ngoài khiến nhiều người nhầm thì 3 đứa đều trẻ nhất đơn vị, 17 tuổi.
Bình quê Thừa Thiên nhưng ba mẹ tập kết ra Bắc, ở Đồng Hới. Tối nào sau giờ sinh hoạt và điểm danh của đơn vị, ba thằng cũng trốn về bãi cát ven sông Sê kông đoạn qua Ma-ka- muỗng tập võ. Bình là đứa biết nhiều thứ nhất trong đám bạn. Nó chơi đàn guitare cực hay và là thầy dạy đàn và dạy phóng dao của mình và Sinh. Nó cũng là tiền đạo đội bóng đá của F470 có cái chân trái khéo như cái tay.
Bình xuất ngũ, về học Âm nhạc Huế rồi ở lại trường. Về âm nhạc, nó là đứa, vào thời điểm đó, có học vị cao và sớm.
Bình lấy vợ là một cô sinh viên cùng ngành, có hai con trai thì lâm bệnh và mất.


 Vẫn nhớ hôm nhập ngũ, mấy đứa con gái khóc như ri. "Thịnh ơi, mi đừng chết!"
Mình không chết. Nhưng có hai người bạn thân thì đã ra đi.
Mỗi năm đến ngày nhập ngũ, lại nhớ đến hai đứa nó. Rất nhớ.
Mình gọi ngày 5 tháng 6 năm 1974 là ngày định mệnh. Vì nếu ngày đó không thế thì cuộc đời của 3 đứa mình sẽ khác, rất khác.
Sinh ơi, Bình ơi! Tao rất cô đơn.

Thứ Năm, 21 tháng 5, 2015

Chữ nghĩa lắt léo

Thời bao cấp, Luật Hôn nhân không như bây giờ. Việc ly hôn không dễ.
Muốn nộp được đơn phải có cả chữ ký của vợ lẫn chồng.
Có lần tòa án nhận được đơn của cô vợ xin ly hôn để lấy chồng khác, dưới cũng có chữ ký của anh chồng, nhưng trên chữ ký, ảnh viết một câu không chấm phẩy:
“Tôi cho cô về nhà lấy chồng nhất thiết không được ở lại với tôi”
Ra tòa, luật sư bên nguyên nói, anh chồng thuận tình ly hôn, nên câu này được hiểu: “Tôi cho cô về nhà lấy chồng, nhất thiết không được ở lại với tôi”
Luật sư bên bị lại bảo, ảnh không đồng ý ly hôn, nên câu này được hiểu:
“Tôi cho cô về nhà, lấy chồng nhất thiết không được, ở lại với tôi”
Hỏi lại anh chồng, ảnh nói một tràng: “Tôi cho cô về nhà lấy chồng nhất thiết không được ở lại với tôi”.
Tòa búi.
Hôm qua ngồi uống nước, nghe hai anh bàn bên bàn chuyện gì đó của tòa. Một anh (có vẻ như là người phía bị can) hỏi: Rốt cục thì đoán họ xử khoảng mấy năm? Anh kia (có vẻ như là luật sư hay quan tòa gì đó) lắc đầu: Biết đâu được, cái đó là do…Obama quyết định.
Thoạt đầu ngu lâu không hiểu, nhăn trán suy nghĩ mãi, sao vụ án ở VN lại do Obama quyết định?
Hiểu ra mới thấy, chữ nghĩa thời nào cũng rất lắt léo.

Thứ Năm, 14 tháng 5, 2015

LIKE PHÓ THỦ TƯỚNG VŨ ĐỨC ĐAM!

(Cám ơn Thuận Thắng đã cho tôi niềm cảm hứng từ một bức ảnh)

Từ lâu, tôi đã rất thắc mắc, nên có lần hồi còn ở Hà Nội, đi theo dõi ĐH Đảng (lần đó bác Mạnh trúng Tổng bí thư), đánh bạo hỏi một vị lãnh đạo cấp cực cao, rằng VN mình có quy định nào về cách ăn mặc của lãnh đạo không, rồi phân bua, tôi hỏi thế là vì tôi thấy các đồng chí đi thị sát vùng thảm họa thiên tai hay nhân tai đều mặc áo sơ mi trắng hoặc áo đại cán, có chăng là đội thêm cái mũ cối của bộ đội. Đồng chí ấy cười rồi lờ đi, không nói.
*
Nhiều lần ngồi “mơ nước Nga”, tôi tưởng tượng mình làm nhớn, lúc đó tôi phóng mô tô đi làm; thị sát vùng nào, ví dụ đi kiểm tra thi công QL như anh Thăng, tôi mặc áo pull quần jean, đội mũ quay ngược lưỡi trai…
Lúc đó lại nghĩ, hình ảnh anh Thịnh lúc lên báo có gây ra đàm tiếu gì không ta? Haha.
Nghĩ xong thì thấy ghen tị với cha Putin.
Mơ.
*
Một lần, tôi lướt mạng, gặp hình ảnh Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đá bóng. Kéo lên kéo xuống xem hoài rồi thốt lên: chính là đây!

Sáng qua đọc Tuổi Trẻ, gặp hình ảnh Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đeo ba lô lội suối, sãi chân dài, thanh thoát như một con báo; mạnh mẽ hơn tất thảy những người cùng đi; hình ảnh chưa từng gặp ở chính khách nào (trừ Bác Hồ hồi ở chiến khu Biệt Bắc). Hình ảnh đó thực sự đã chạm đến trái tim, lòng rưng rưng cảm xúc.
Cho đến lúc này, xem lại bức ảnh, sự rưng rưng ấy vẫn trào lên.
*
Phó thủ tướng trả lời phỏng vấn bằng tiếng Anh (cái này người ta cũng hay ngụy biện là về ngoại giao, chính khách phải nói tiếng mẹ đẻ), cách tư duy trong câu trả lời của ông rất…Mỹ!
Tất nhiên là có chuẩn bị, nhưng chuẩn bị được cũng thật đáng nể phục.
*
Thực sự tôi cũng thán phục đồng nghiệp Thuận Thắng của Tuổi Trẻ, anh đã chộp được khoảnh khắc để có lẽ, không chỉ mang lại cho riêng tôi mà rất nhiều người niềm cảm hứng tươi tắn, thanh thoát, cho tôi gặp lại những gì tưởng đã mất đi vĩnh viễn…

TỰ DO LÀM NGƯỜI!

Ngày 12.5 cách đây 7 năm, anh Nguyễn Việt Chiến bị bắt vì viết loạt bài về vụ PMU18. 
8 tháng sau anh được trả tự do, tôi mời gia đình anh vào Đà Nẵng chơi.
Hôm đó anh em chúng tôi tiếp anh ở nhà hàng Cội Nguồn (khu Đảo Xanh- Đà Nẵng). Một anh CA ngồi ở bàn bên cùng đồng nghiệp (không mặc sắc phục), chỉ là quen biết trên công việc chứ cũng không mấy thân thiết và cũng ít gặp nhau, nhưng thấy tôi nên sang cụng ly. Tôi giới thiệu, đây là anh Nguyễn Việt Chiến. Anh ấy sửng ra mấy giây rồi đặt ly xuống bàn, chấp tay lại: Anh Việt Chiến, cho em lạy anh một lạy!
Khi ra về, tụi tôi kêu tính tiền thì chủ quán nhất định không lấy, tôi hỏi vì sao, anh chủ quán chỉ nói, tôi bảo không lấy là không lấy.
Vậy là nhờ anh Việt Chiến mà lần đầu tiên kể từ ngày từ Hà Nội vô Đà Nẵng, tôi được một bữa uống bia…chùa.
Hôm nay 14.5, ngày mà cách đây 7 năm, trên trang nhất Thanh Niên có một cái tít khó có người dám dùng: "Phải trả tự do cho các nhà báo chân chính!".

Anh Nguyễn Việt Chiến vừa viết bài thơ về sự kiện này, mở đầu bằng hai câu: “Bảy năm, ờ nhỉ, qua rồi/ Tôi đã trở lại là tôi mỗi ngày” .
Nhưng tôi lại thích nhất hai câu kết: “Tháng ngày tôi vẫn ước mơ/ Một lần trở lại tự do làm người”. Hai câu thơ kiệt xuất!
***
(Tui cố tình dùng hai từ cuối. Thực ra người ta nói thơ là kiệt tác, con người mới kiệt xuất)