Thứ Hai, 19 tháng 8, 2013

Một ý tưởng cho đường hoa xuân Đà Nẵng 2014

Dịp tết Quý Tỵ, đường hoa xuân Bạch Đằng Đà Nẵng năm 2013 lần đầu tiên được xây dựng theo chủ đề “Trăm hoa khoe sắc” đã mang lại một nét xuân mới lạ, rực rỡ với rất nhiều cảm xúc cho người thưởng ngoạn. Còn năm nay?

Phải mất một tháng thi công cả ngày lẫn đêm, tối 7.2.2013, đường hoa xuân Bạch Đằng năm 2013 đã khai mạc trong sự chào đón hân hoan của người dân Đà Nẵng. Trên chiều dài hơn 1.000m từ ngã ba Bạch Đằng-Phan Đình Phùng đến ngã ba Bạch Đằng-Lê Văn Duyệt, công trình được trang trí theo 6 đoạn, tương ứng theo 6 chủ đề: Xuân ký ức, Xuân sung túc, Xuân non nước, Trăm hoa khoe sắc, Mùa tình yêu và Mùa tụ hội.
Biểu tượng chính của Đường hoa Xuân Bạch Đằng 2013 lấy ý tưởng cách điệu từ linh vật của năm Quý Tỵ cùng đại cảnh Rắn vui Xuân đã mang lại sự háo hức cho người dân. Đường hoa được xây dựng với tổng trị giá 14 tỉ đồng do Công ty TNHH VietArt OOH đầu tư theo cam kết của công ty này với thành phố trong 10 năm.
Từ thành công này, ngay từ những tháng đầu năm nay, được sự đồng ý của UBND TP, Sở VH-TT-DL, VietArt OOH đã tổ chức cuộc thi ý tưởng xây dựng đường hoa xuân 2014 dịp tết Giáp Ngọ.
Tổng giám đốc Công ty TNHH VietArt OOH Nguyễn Lê Phương Thảo cho biết, Ban tổ chức, ban giám khảo cuộc thi đang gấp rút làm việc để chọn ra ý tưởng tốt nhất cho việc xây dựng đường hoa lần này. Tuy nhiên, bà không tiết lộ chi tiết cuộc thi, chỉ bật mí, có nhiều chủ đề hay và gần gủi hơn với người Đà Nẵng và những du khách yêu mến thành phố được mệnh danh là “thành phố thông minh hơn”, ‘thành phố đáng sống” này.
Thành công ngay từ lần đầu tổ chức, đường hoa Đà Nẵng đã thành một thương hiệu, một sản phẩm du lịch, một điểm thưởng lãm cho người dân trong dịp xuân về, tết đến, theo chúng tôi cần được duy trì và phát huy, tuy nhiên nó cũng cần được đổi mới cho phù hợp với tâm lý của người dân và du khách.
Đường hoa năm 2013 tập trung trên một đoạn đường 1.000m, nó có lợi thế là tập trung nhưng cũng có bất cập là lượng người tập trung rất đông khiến cho người thưởng lãm không được thoải mái. Theo thiển ý của chúng tôi, đường hoa năm nay nên rải ra nhiều điểm, không chỉ ở bờ tây mà nên có cả bờ đông sông Hàn. Ví dụ, ở bờ tây (đường Bạch Đằng) thì nên chọn 3 điểm chính ở trước trụ sỏ UBND TP, chân cầu sông Hàn và chân cầu Rồng…Ba điểm này sẽ được kết nối bằng những tiểu cảnh trên đoạn đường này. Phía đông sông Hàn (đường Trần Hưng Đạo) sẽ chọn thêm 2 điểm, có thể liền kề ở chân cầu sông Hàn. Vị trí này rộng rải, thoáng đãng, có không gian để làm nơi khai mạc đường hoa mà không sợ ảnh hưởng giao thông.
Nếu hình dung, chúng ta có thể nghĩ, 3 điểm ở bờ đông kết nối với nhau như theo hình chữ S giống bản đồ nước ta và 3 điểm nhấn là 3 thành phố lớn Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM; còn phía bờ đông như là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc. Năm nay là năm Giáp Ngọ nên biểu tượng chính là Thánh Gióng cưỡi ngựa có lẽ phù hợp hơn cả.
Nếu kịch bản này được các nhà tổ chức chấp thuận thì cái lợi có thể thấy được là mật độ người thưởng ngoạn đường hoa sẽ được giãn ra, thời gian du xuân chiêm ngưỡng được kéo dài, từng điểm đến sẽ mang lại cảm xúc khác lạ, tươi mới. Một điều rất nhỏ thôi nhưng cũng cần lưu ý, đó là người du xuân sẽ có nhiều tấm hình đẹp ở những điểm khác nhau, các góc độ khác nhau để lưu giữ. Đó cũng là điều rất quan trọng.
Về chủ đề tổng thể và những phân đoạn (hay điểm) của đường hoa, theo chúng tôi, cần gần gũi với đa số người dân và thân thiện với cuộc sống. Không nên khái quát cho có tầm vĩ mô, mà nên cụ thể. Vì chúng ta yêu thành phố mình sống, du khách yêu thành phố họ đến tức là đã yêu quê hương, Tổ quốc của mình. Nhất là dịp xuân về, người ta càng nghĩ nhiều về điều đó. Cái gì gần gũi, thân thiện cũng gợi cho con người nhiều xúc cảm.
Một điều nữa là chúng tôi mong muốn, các điểm nhấn của đường hoa không nên có những hàng rào, dù đó là hàng rào bằng hoa, cứ để tự nhiên thì nó sẽ rất thân thiện.
Năm ngoái,  trong thời gian đường hoa mở cửa, người dân Đà Nẵng và du khách đã thể hiện một nét dẹp tuyệt vời khi không có cảnh bẻ cành, ngắt hoa như nơi khác; chỉ khi bế mạc, có một chút đáng tiếc là người dân hiểu nhầm đã “xả trại” nên có đến lấy hoa và vật dụng. Đó chỉ là sự hiểu nhầm, chứ chúng tôi tin người Đà Nẵng sẽ vẫn thể hiện lối sống văn minh, lịch sự như từng có kể cả khi không có hàng rào và người bảo vệ đông như năm trước.
Thời điểm kết thúc nên chọn vào đêm khuya hoặc rạng sáng, có thể phối hợp với phía quân đội, công an và các lực lượng khác để hoàn trả mặt bằng khi trời vừa sáng, chắc chắn sẽ không có sự lộn xộn xẩy ra.

  Nhiều người cho rằng, trong thời buổi kinh tế khó khăn nên để Công ty TNHH VietArt OOH nộp số tiền làm đường hoa vào ngân sách, theo chúng tôi, đây là cách nghĩ không sai nhưng chưa đúng, bởi vì cuộc sống tinh thần của người dân cũng cần được nâng niu, chăm sóc, nhất là mỗi năm chỉ có một lần vào dịp Tết cổ truyền dân tộc. Nhưng nếu cứ cho là chi phí 14 tỷ đồng cho gần 1 triệu người dân và người làm việc ở TP (chưa kể du khách) thì mỗi người bình quân thụ hưởng được 10 nghìn đồng. 10 đồng để có thêm xúc ảm mùa xuân, góp phần tái tạo năng lượng cho một năm mới đến thì chẳng lý do gì để không đầu tư xây dựng cuộc sống tinh thần cho người dân cả.