Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2015

Mùi oải hương

Cư xá 27 Nguyễn Huệ (Huế) có 3 dãy, dãy nữ ở trước, sau là hai dãy của nam, mình ở giữa, cách dãy nữ một hàng cây bàng và ghế đá.
Hồi đó hầu hết sinh viên ở cư xá (trừ các bạn người Huế) nên biết nhau hết.
Rồi mình nhìn thấy một bạn có má lúm đồng tiền, nền nã, ngoài giờ học ngồi đan len bên cửa sổ.
Rồi mình nhờ một “chim xanh” để làm quen với bạn ấy.
Tối đến, mình ngóng sang, thấy bạn ấy ôm chồng sách vở lên giảng đường là mình vơ vội quyển vở chạy lên theo. Bạn ấy ngồi phòng nào mình theo vào phòng đó.
Kiếm cớ mãi, rất lâu sau mới có dịp ngồi gần.
Tụi mình bắt đầu chát.
Không phải chát như bây giờ mà mình lấy một tờ giấy viết vài dòng (có thể là thơ) đẩy qua, bạn ấy viết trả lời, đẩy lại.
Cứ như thế.
Mỗi lúc càng nhiều giấy hơn.
Mình viết bao nhiêu lời lẽ lúc thì như triết gia, lúc lém lỉnh, đôi khi viết xong mình phục mình sao thông minh thế… Bạn ấy vẫn không có vẻ gì là chấp nhận, chỉ có một dấu hiệu là mình chát thì bạn ấy trả lời và chỉ ra về khi bảo vệ cư xá tắt đèn.
Rất lâu sau, đến lúc bạn ấy đi thực tập ở Quảng Nam. Và mình nhận được một lá thư. Mình viết lại rất nhiều thư.
Một tháng sau, bạn ấy về, tụi mình công khai sóng đôi từ cư xá đi ra. Mọi người mặc nhiên biết tụi mình yêu.
*
Chuyện cổ tích này không có câu ngày xửa ngày xưa… như các chuyện cổ tích in trong sách giáo khoa, vì nó mới…30 năm.
*
Trước lối ra của cư xá trường ĐH Tổng hợp Huế (27 Nguyễn Huệ) có một cây phong.
Mùa Thu, lá phong chuyển từ màu xanh sang màu vàng. Cuối Thu, lá phong đỏ rực trước khi rụng xuống phủ đầy mặt đất.
Mỗi chiều, sau khi ăn bữa cơm độn bo bo ở nhà ăn tập thể, tôi quần loe áo chẽn, đi dép sam-po; nàng đồ bộ hoa màu thẩm, đi guốc mộc sóng đôi từ cư xá ra đường. 
Chiếc ghế đá dưới gốc phong là điểm dừng đầu tiên.
Rất nhiều đôi đang yêu cũng theo lộ trình y hệt chúng tôi. Sau khi dừng ở ghế đá gốc phong thì về dòng Chúa cứu thế. Sinh viên Huế thường đi rất chậm.
*
Hồi đó phương tiện đi lại vô cùng khó khăn nên suốt mùa hè đầu tiên khi yêu không một lần gặp mặt, có cảm giác như thời gian kéo dài hàng thế kỷ.
Vào năm học mới khi lá phong đã chuyển sang màu đỏ.
Theo lộ trình cũ. Từ dòng Chúa cứu thế, tôi và nàng vào sân trường Vĩnh Lợi. Học sinh phổ thông vẫn đang nghỉ hè, sân trường phủ kín lá vàng.
Chúng tôi ngồi thế rất lâu nhìn những chiếc lá chuyển mình theo làn gió. 
Và lần đầu tiên tôi khoác vai nàng.
Lần đầu tiên tôi cảm nhận được hơi thở của nàng thơm mùi oải hương.
*
Mỗi lần trở lại trường cũ thỉnh giảng, bao giờ tôi cũng ngồi trên chiếc ghế đá ngày xưa. Rất lâu.
Có hai lần tôi hỏi hai lớp khác nhau thì cả hai lần hơn hai trăm sinh viên đều không hề biết sân trường có cây phong dù mùa đó cây phong đang trùm khăn đỏ. 
Sinh viên Huế bây giờ đi nhanh hơn.

Tất nhiên, sau này, trong phòng họ không bao giờ có một bình oải hương (khô) như phòng của chúng tôi bây giờ.
Mùi oải hương thần thánh.

Thứ Hai, 17 tháng 8, 2015

ÔNG NUÔI HEO VÀ SẾP BÁO LÁ CẢI

Ông hàng xóm có con heo nái đẻ được bầy lợn sữa. Một hôm, cô góa hàng xóm qua chơi, trông thấy mới khen bầy heo đẹp, lại phàn nàn nhà không có tiền mua một con về nuôi. 
Ông suy nghĩ một lúc rồi nói:
- Cho tui hun (hôn) cái, tui cho con. 
Thoạt đầu cổ thấy chi lạ, sau nghĩ đi nghĩ lại, hun thì mất chi mô, lại được con heo nên tặc lưỡi, cho.
Hun rồi, ổng chỉ một con, đoạn nói:
- Cho sờ ngực cái, cho con nữa.
Cô chần chừ một lát rồi lại tặc lưỡi, cho.
Tiếp đó, ông lại nói, lại sờ rồi cho con nữa...
Miết, hết cả bầy heo con, ổng lại nói:
- Cho bỏ vô cái, cho luôn con heo nái, tui đàn ông đàn ang, nuôi vất vả lắm.
Cổ nghĩ thì cũng vui, lấy được con heo nái về hay chơ, cho.
Ông hàng xóm bỏ vô xí thì dừng lại, cổ hỏi răng dừng. Ổng nói, hết heo rồi. Cổ bảo: Vô đi, trả lại ông một con. Ổng cho vô xí lại dừng. Cổ lại bảo, sao dừng. Ổng kêu, hết heo rồi... Cổ trả lại con nữa. Miết vậy, nên bầy heo vẫn là của ổng.
Hôm sau, cô góa lại lân la sang ngắm heo, khen, bầy heo đẹp, không có tiền mà mua con về nuôi. Ổng lặp lại bài cũ, nhưng cô hàng xóm bảo, cổ không ưa heo con mà ưa luôn con heo nái..
Hi hi....Đến đây không cần kể nữa, tưởng tượng hay hơn.
*
Một ông sếp báo mạng bị cho làm báo lá cải kể chuyện khác.
Một hôm có người kêu, mày đừng làm chuyện này nữa thì vầy. Ổng không làm nữa, được vầy. Mấy hôm sau, lại kêu, mày đừng làm chuyện này thì vầy vầy, ổng vâng, không làm nữa, và được vầy vầy...
Ông không làm hết chuyện này đến chuyện khác nên tờ báo đó mới thành cái gọi là lá cải như hiện nay.
*
Thiên hạ hay bàn về chuyện lá cải với lá môn, ai cũng có lý của mình, tuy nhiên có điều không thấy người ta nói đến: Nếu không được làm gì nữa thì chỉ có mấy chuyện ấy thôi, là cướp, giết, hiếp, hở, gái gú, trai trơ...chơ còn chi nữa? Vậy thì lá cải, lá môn, lá sen, lá khoai, lá nho...chi cũng phải mần mà tồn tại, than cũng thế thôi.
*
Phải thừa nhận, ông sếp báo bị coi là lá cải không giỏi bằng ông nuôi heo.