Thứ Hai, 28 tháng 3, 2016

Mỗi phóng viên đều là tổng biên tập

Nếu mình làm tổng biên tập một tờ báo điện tử, mình sẽ giao quyền cho phóng viên viết bài và tự đưa lên báo, đồng thời trực tiếp xuất bản và trả lời comment.
Có mấy cái lợi:
- Tin tức cập nhật nhanh hơn.
- Phóng viên sẽ thấy mình được tôn trọng hơn và có trách nhiệm hơn.
- Giảm được nhân sự biên tập.
- Làm báo qua điện thoại mọi lúc mọi nơi, khỏi tốn tiền mua sắm máy tính, laptop.
- Trình độ phóng viên (cả nghiệp vụ và độ thẩm chính trị) sẽ thể hiện rõ ràng hơn.
- Sự tương tác với bạn đọc tốt hơn và vì thế bạn đọc sẽ rất thích thú.

...
Vân vân…
*
Mình không sợ phóng viên viết sai vì họ có trách nhiệm với bản thân và có trách nhiệm với mình, vì mình tin họ.
(Trường hợp có sai thì người trực xóa trước khi liên hệ với phóng để “chỉnh”. Ai sai nhiều...nghỉ liền!).
*
Mình sẽ làm tổng biên tập và sẽ làm thế. Lúc nào thì...từ từ tính.

Lúc đó mình sẽ viết lời tựa, dòng đầu thế này: "Các bạn đang đọc một ấn phẩm độc đáo của một tờ báo độc đáo, nơi mỗi người đều là tổng biên tập của chính mình...

THOẢI MÁI NHƯ Ở NHÀ


Muôn đời nói cái chuyện đầu ra cho khách du lịch đến thành phố.
Có dự án chục tỷ, trăm tỷ… vẫn không đâu đến đâu.
Đà Nẵng làm phát “Thoải mái như ở nhà”. Xong!

(Sẽ có người bình luận: Chuyện này nước ngoài người ta làm rồi chứ đâu phải mới. Hehe. Đâu không biết chứ Đà Nẵng có là “sướng” cái đã).

Ngày trước, tui có viết trên Blog 360, nói mần răng toàn TP Đà Nẵng có wifi, đó là một trong những cách thu hút khách du lịch. Sau đó có đặt bài cho TS Hoàng Quang Tuyến viết và đăng trên Thanh Niên, Đà Nẵng đã phủ sóng wifi!

Nhưng mà vì cả TP nên người dùng vào một lúc lại phải out ra rồi mới vào lại nên không thoải mái. Bây giờ làm sao vận động hết mọi cửa hàng, cửa hiệu, khách sạn, quán xá, gia đình… để wifi free “thoải mái như ở nhà” nữa thì thật là tuyệt.

Làm sao để ai đến Đà Nẵng cũng thoải mái như ở nhà.


Sức mạnh của quần chúng là ở đó chứ đâu xa!

Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2016

BẨN và SIÊU

I.
Ông Bríu Liếc dù là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam, Bí thư Huyện ủy Tây Giang nhưng mà tốt. Ông không màng tham ô tham nhũng đã đành lại còn trồng, nhân rộng giống cây ba kích, biến rượu ba kích thành thương phẩm… Biết bao nhiêu người nhờ đó mà có thu nhập.
Ông đào cái hầm trong núi thuộc khu vực đất của ông để chứa rượu. 
Hầm rượu vài vạn hũ của ông sau 10 năm sẽ trở nên vô giá và nhất định trở thành một điểm du lịch lý thú ngay từ khi mở cửa chứ không phải đợi lâu.
Vậy thì hãy hướng dẫn ông làm hầm cho kiên cố, an toàn. Sao báo chí tập trung đánh ông; người của đảng, chính quyền tập trung dọa lấp hầm của ông?
Chó thế!
II.
Vừa đến đảo Ba Bình, trên điện thoại các phóng viên quốc tế trong chuyến tham quan do Đài Loan tổ chức trái phép nhất loạt hiện lên dòng tin nhắn: "Welcome to Vietnam!". Đài Loan một phen bẽ mặt.
Hãy hành động và ủng hộ những hành động thiết thực như Viettel!
Viettel thành nhà mạng mạnh nhất, giàu nhất không có gì là lạ.
III.
Hôm trước Bloomberg loan tin, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc hãng hàng không Vietjet Air có thể trở thành nữ tỷ phú đầu tiên của Việt Nam.
Hôm nay báo nhà loan tin: VietJet Air sẵn sàng nhận số hành khách đã mua vé xe lửa chuyển sang đi trên các chuyến bay nội địa của hãng mà không phải trả thêm chi phí.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo không thành tỷ phú đô la mới là chuyện lạ. Quá siêu!

Thứ Năm, 17 tháng 3, 2016

ĐÀN ÔNG LẠT DẠ

Một người đàn ông muốn chinh phục một người phụ nữ thường rất khó khăn, thành bại ở mức độ hên- xui, còn người phụ nữ nào đó đã muốn chinh phục người đàn ông nào đó, nhất định họ sẽ thành công.
Vì sao? Vì đàn ông lạt (nhẹ) dạ hơn phụ nữ. À không, phụ nữ không lạt dạ bằng đàn ông.
*
Chúng ta vẫn thường gặp những cặp vợ chồng mà cô vợ nhìn bề ngoài ở mức bình thường và dưới bình thường nhưng anh chồng lại xuất sắc trên tất cả mọi phương diện. Những cặp vợ chồng này thường rất bền vững. Vì sao ư? Vì cô vợ này vốn rất khéo (mới như thế) và anh chồng cũng như những người đẹp trai, tài giỏi khác thường rất yếu đuối, cần được che chở.
Ngược lại, người đàn ông hình thức bình thường, có thể tài giỏi, giàu có mà lấy một cô vợ xinh hơn mình nhiều lần thì coi như hôn nhân có 9 phần thất bại.
Phụ nữ là thứ dữ, à không, đàn ông cơ bản là thứ không dữ.
*
Nhiều cặp vợ chồng hình thức rất khác nhau nhưng về sống với nhau lâu thì trở nên… giống nhau.
Chị vợ càng lâu càng giống anh chồng thì người chồng đó rất được yêu.
Nếu người chồng càng lâu càng giống vợ thì đời anh ta khổ rồi.
*
Nếu người đàn ông nói một việc gì đó mà vợ anh ta bảo: Thế à anh. Thì anh đó là người có vẻ như được tôn trọng nhưng hôn nhân không bền.
Nếu người đàn ông nói một việc gì đó mà vợ anh ta hỏi ngược lại, thấy có vẻ chướng nhưng những cặp đó hôn nhân lại bền.
*
Những mối tình được quá nhiều người ngưỡng mộ nếu không thành họ sẽ được tiếp tục ngưởng mộ; nếu thành, sẽ đến lúc họ xây nhà không cần mua gạch đá.
Những người phụ nữ đăng đàn nói về tổ ấm, về hạnh phúc thường là người bất hạnh.
Những người đàn ông đăng đàn nói về tình yêu thường là những tay bịp bợm.
*
Nói ra, hẳn sẽ có người cãi, nhưng không sao, cãi là một trong những tố chất của người Việt Nam.
Bạn bè hay cự nhau thường chơi với nhau rất bền.

Thứ Tư, 16 tháng 3, 2016

Mâu thuẫn

Con gái thường thích con trai nhiều tài vặt, đàn giỏi, làm thơ hay mà không hề nghĩ, những thứ đó là thứ họ rất ghét khi bước vào cuộc hôn nhân.
Con gái thường thích con trai ga lăng mà không hề nghĩ, họ sẽ căm thù chồng như thế nào khi anh ấy tiếp tục ga lăng.
Cả con trai, con gái thường nghĩ, hôn nhân là cái kết đẹp cho một mối tình nhưng không hề nghĩ, đó mới chỉ là khởi đầu của một cuộc tình.
Cả con gái, con trai đều nghĩ, giai đoạn khó khăn nhất của một cuộc tình là khi mình vượt qua những rào cản để đi đến hôn nhân, thực tế thì rào cản lớn nhất mà họ phải vượt qua là 5 năm đầu chung sống.
Con trai thường thích bạn gái chọn váy áo, trang điểm đẹp khi đi ra ngoài nhưng họ không biết rằng, sau này, điều khó chịu nhất là khi chờ vợ mình chọn váy áo và trang điểm.
Con trai thường giành làm hết việc cho người yêu nhưng khi có con họ lại hiếm khi giành chăm con nhỏ mỗi đêm khi con thức giấc.
Người vợ thường kỳ kèo trả giá một mớ rau thấp xuống 1 nghin. Người chồng ngồi trên xe máy chờ không cần tính toán khi hút hết nửa gói ba số.
Con gái nói không là có.
Con trai thường hứa rồi thôi.

Thứ Ba, 8 tháng 3, 2016

“Chúng ta không phải dạng vừa đâu”: V. LẮT LÉO

Nhân viên tạp vụ của công ty rất buồn phiền vì các ông thường lơ đãng khi vào nhà vệ sinh. Để giải quyết những vũng nước vàng khè dưới nền toilette, một nhân viên nữ nghĩ ra sáng kiến dán lên tường một tờ giấy: “Không tiểu tới bô chứng tỏ bạn bị yếu, tiểu ra ngoài bô chứng tỏ bạn bị… ủ rũ!”.
Ngay từ ngày hôm sau, toilette nam sạch bóng.
*
Những ai có tên trong danh sách “quy hoạch” đều đi khám sức khỏe và tất nhiên ai cũng có một giấy chứng nhận sáng choang.
Một người thấy thế không trung thực nên đề nghị lấy một cái lon sắt tây đựng sữa, bỏ cát vào nén chặt lại rồi đưa mấy người được “quy hoạch” đứng xa 1m đái vào. Người nào đái mà cát re ra ngoài thì ghi đủ sức khỏe, không thì loại, rất trung thực và công bằng. (Đối với phụ nữ sẽ có quy định riêng. Hehe).
Người này dán tờ giấy đề nghị lên bảng tin của cơ quan nhưng không được phản hồi.
*
Các học viên kể: Mỗi lần thi hết môn họ thường đút tài liệu dưới học bàn để chép. Một lần, anh học viên chép đến đoạn: Lê nin nói (hai chấm mở ngoặc kép) thì cô giáo đến đứng cạnh. Anh này đút tài liệu sâu vào học bàn rồi ngồi im. Cô giáo hỏi: Lê nin nói gì sao không thấy viết vô? Anh học viên đáp: “Cô đứng đó Lê nin không nói, cô đi Lê nin mới nói”.
*
Thời bao cấp, Luật Hôn nhân không như bây giờ. Việc ly hôn không dễ.
Muốn nộp được đơn phải có cả chữ ký của vợ lẫn chồng.
Có lần tòa án nhận được đơn của cô vợ xin ly hôn để lấy chồng khác, dưới cũng có chữ ký của anh chồng, nhưng trên chữ ký, ảnh viết một câu không chấm phẩy:
“Tôi cho cô về nhà lấy chồng nhất thiết không được ở lại với tôi”
Ra tòa, luật sư bên nguyên nói, anh chồng thuận tình ly hôn, nên câu này được hiểu: “Tôi cho cô về nhà lấy chồng, nhất thiết không được ở lại với tôi”
Luật sư bên bị lại bảo, ảnh không đồng ý ly hôn, nên câu này được hiểu:
“Tôi cho cô về nhà, lấy chồng nhất thiết không được, ở lại với tôi”
Hỏi lại anh chồng, ảnh nói một tràng: “Tôi cho cô về nhà lấy chồng nhất thiết không được ở lại với tôi”.
Tòa búi.
Có lần ngồi tám chuyện trên trời dưới đất, mình mang chuyện này ra kể, sau một hồi tranh cãi, một cha xua tay:
-Dễ ợt.
Mình hỏi, sao dễ? Nó bảo, nếu tôi xử, tôi sẽ phán:
-Thôi, chuyện này để…Obama quyết định. Vậy đi!
Thoạt đầu ngu lâu không hiểu, nhăn trán suy nghĩ mãi, sao lại do Obama quyết định?
Hiểu ra mới phá lên cười, người Việt có rất nhiều cách xử lý vấn đề, cách nào nào cũng lắt léo phết. He he.

Thứ Bảy, 5 tháng 3, 2016

“Chúng ta không phải dạng vừa đâu”: IV. CÔ HÀNG XÓM THÍCH NUÔI HEO

Ông hàng xóm có con heo nái đẻ được bầy heo sữa. Một hôm, cô góa hàng xóm qua chơi, trông thấy mới khen bầy heo đẹp, lại phàn nàn nhà không có tiền mua một con về nuôi. 
Ông suy nghĩ một lúc rồi nói:
- Cho tui hun (hôn) cái, tui cho con.
Thoạt đầu cổ thấy chi lạ, sau nghĩ đi nghĩ lại, hun thì mất chi mô, lại được con heo nên tặc lưỡi, cho.
Hun rồi, ổng chỉ một con, đoạn nói:
- Cho sờ ngực cái, cho con nữa.
Cô chần chừ một lát rồi lại tặc lưỡi, cho.
Tiếp đó, ông lại nói, cho sờ chỗ khác rồi cho con nữa...
Miết, hết cả bầy heo con.
Đến đây ổng lại nói:
- Cho bỏ vô cái, cho luôn con heo nái, tui đàn ông đàn ang, nuôi vất vả lắm.
Cổ nghĩ thì cũng vui, lấy được con heo nái về hay chơ, cho.
Ông hàng xóm bỏ vô xí thì dừng lại, cổ hỏi răng dừng. Ổng nói, hết heo rồi. Cổ bảo: Vô đi, tui trả lại ông một con.
Ổng cho vô xí lại dừng. Cổ lại bảo, sao dừng. Ổng kêu, hết heo rồi... Cổ trả lại con nữa. Miết vậy, nên bầy heo vẫn là của ổng.
Hôm sau, cô góa lại lân la sang ngắm heo, khen, bầy heo đẹp, không có tiền mà mua con về nuôi hè. Ổng lặp lại bài cũ, cho sờ cái cho con heo con nhưng cô hàng xóm bảo, cổ không ưa heo con mà ưa luôn con heo nái..
Hi hi....Đến đây không cần kể nữa, tưởng tượng hay hơn.
*
Mình chơi với một cha cũng khá lâu rồi, không phải vì chả giàu có hay danh giá mà vì chả cũng quý mình, không chê mình ít tiền và…không danh giá như chả.
Một hôm, chả đưa cái điện thoại Vertu ra hỏi, ông biết cái này nhiêu không, mình nhìn rồi đoán, khoảng 16 ngàn (đô).
Chả lại chỉ cái đồng hồ Rolex hỏi, cái này nhiêu? Mình bảo, cái “Pilots” này ít nhất phải từ 4.300 bảng Anh (Tương đương hơn 130 triệu đồng Việt Nam).
Mình biết vì đó là hai thứ mình mê nhưng không có tiền mua nên vô mạng ngắm cho đỡ ghiền.
Cha này mới bảo: Ông thích dùng điện thoại này không tôi đổi cho.
Tưởng chả giỡn nên mình gật đại, ai dè chả tắt máy tháo sim ra. Đoạn cầm cái Note 4 của mình tháo sim ra rồi lắp sim của chả vào. Mình ngạc nhiên hỏi, mày làm thật hả? Chả gật.
Lại hỏi: Ông thích đồng hồ này không? Mình đang đà giỡn, bảo thích. Chả bảo, tôi đổi cho ông cái đồng hồ của tôi lấy cái đồng hồ của ông cộng với toàn bộ tiền trong ví ông, đổi không?
Mình nhẩm: Cái đồng hồ của mình đang đeo cỡ 2 triệu, trong ví đâu như có 3 triệu nữa vị chi là 5 triệu. Cái đồng hồ của nó đến 130 triệu mắc chi không đổi. Gật.
Hai bên lột đồng hồ trao nhau, tôi móc ví đưa hết tiền cho chả.
Xong, hắn nói, viết giấy cam đoan không đòi lại đi.
Mình gắt, ông có đòi thì đời mắc chi tôi đòi? Hắn không chịu, bắt viết. Thì viết. Xong.
Đoạn, hắn thủng thẳng: Tôi nói cho ông biết, tôi mua cái điện thoại này trên mạng, giá một triệu tám Việt Nam đồng lại còn được khuyến mãi thêm cái đồng hồ đó nữa đó. Tôi đeo, ai cũng bảo đồ xịn như ông đoán giá, vì cỡ tôi mà đeo đồ dỗm sao được, phải không? Nhưng ông đeo, tui nói thiệt, bọn nó nhìn nó nhổ nước bọt liền!
Mình há hốc mồm như bị trúng gió, ngậm lại không được.
Nhưng thôi, cũng còn may, mình không phải là cô hàng xóm thích nuôi heo.
He he.

Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2016

“Chúng ta không phải dạng vừa đâu”: III. NGƯỜI VIỆT NAM KHÔI HÀI

Người Việt thường hay tự hiểu nhầm mình và cho phép mình hiểu nhầm.
Nữ tiếp viên hàng không là người phục vụ trên máy bay lại tưởng mình là người mẫu thời trang biểu diễn trên sàn diễn ở chín tầng mây nên mặt luôn luôn nghiêm trọng và đi lại nắn nót, mắt nhìn lên...mây, hoạ hoằn mới ném ra một câu như đã lập trình, rất vô hồn, chủ yếu để diễn chứ không phải để phục vụ. Họ rất nghèo vốn từ, không phân biệt được già trẻ, lớn bé…vì thế họ phục vụ đồng loạt như rô bốt.
Tất cả các hãng hàng không hoạt động trên lãnh thổ VN chung tay làm nên thương hiệu Sorry Arlines. Chẳng vấn đề gì, máy bay chậm, hủy chuyến... lại là cơ hội, quán Delay ra đời ngay sát sân bay (ảnh) đông nghìn nghịt. Zô zô vui như hội.
Trên đường phố đông đúc, đáng lẽ người cảnh sát đứng ở ngã tư phải năng động điều tiết xe cộ thì họ lại đứng như phỗng, dáng vẻ suy tư như một triết gia. Có vẻ như họ đang nghĩ, chúng ta không thể điều tiết được vì tất cả phải tuân theo “3 quy luật, 6 cặp phạm trù”.
Trong khi đó thì dọc đường, theo truyền thống chiến tranh du kích, cảnh sát cứ như thể không chặn xe bất ngờ thì không hoàn thành nhiệm vụ. Đối với họ, đã là xe thì phải chặn vì trên đất nước này không có xe nào không có cái sai. Rồi họ lại nghĩ, chúng ta không thể lập biên bản phạt hết tất cả lái xe VN nên người nào muốn đi nhanh thì phải có “nghiệp vụ hai ngón” để mình còn thực hiện sự nghiệp vung gậy chiến tranh du kích.
Họ đam mê các bảng hạn chế tốc độ.
Công chức có chút quyền lại coi rằng, trách nhiệm của người dân là phải đóng thuế và trách nhiệm của mình là bằng mọi cách rút tiền đó ra khỏi kho bạc cho vòng quay đồng tiền nhanh hơn theo “3 quy luật, 6 cặp phạm trù” mà họ đã được học ở các trường dòng. Họ sống theo nhiều nguyên tắc dân sai-mình đúng; của công là của mình…Nguyên tắc đó chi phối cả trong sự ban phát của họ, ưa ai là được…Người muốn họ ưa thì phải biết điều.
Thầy giáo cũng thế. Họ tuân theo nguyên tắc thầy đọc trò chép vĩnh cửu của hệ thống. Đến nỗi ai không đọc cho học trò chép thì người đó bị phê bình. Vì là giáo dục nên quan chức giáo dục luôn luôn làm nhiệm vụ cải cách, cải cách liên tiếp, cải cách chồng lên nhau, tức là cải cách luôn cái đang cải cách. Họ luôn luôn tuân theo một nguyên tắc bất di bất dịch: sai thì sửa. Họ luôn luôn nói không với cái này cái nọ nhưng làm thì có.
Báo chí VN cũng rất vui. Ai cũng chê tờ này tờ khác đưa tin kiểu lá cải, rồi họ dẫn chứng, phân tích, đăng lại hình ảnh để chứng minh nó lá cải như thế nào. Tức là họ dán các lá cải lại để làm cho lá cải to ra như lá chuối.
Phóng viên VN đi tác nghiệp rất biết dừng lại đúng lúc, thể hiện đạo đức của người làm báo. Khi đi thâm nhập một động mại dâm, một nhà hàng caraoke có tiếp viên…bao giờ phút cuối cùng họ đều viết một câu “tôi đưa cho cô ấy 50 nghìn rồi tìm cách tháo lui”.
Thâm nhập để viết về vấn đề thịt thú rừng bán tràn lan bao giờ nhà hàng dọn thịt rừng ra họ cũng tìm cách từ chối để ăn rau. Họ luôn luôn có một câu chữa cháy rất hay “để rộng đường dư luận, chúng tôi xin đăng lại công văn (hoặc ý kiến) phản hồi”...
Người VN quan niệm khách sạn, nhà nghỉ là nơi ai cũng có thể dắt nhau đến để ngủ xã giao. Ưa thì họ gọi và khách sạn, nhà nghỉ sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của quý khách được ngủ xã giao. Dù chưa bao giờ và không bao giờ thừa nhận mại dâm là một nghề nhưng chuyện đó xẩy ra bình thường đến nỗi những chiếc xe con biển số xanh mỗi khi dừng lại lái xe đều hỏi nhân viên khách sạn, nhà nghỉ (thay cho sếp) một câu: “Ở đây có gì không?”. Rất hay, khách sạn thì có phòng nghỉ chứ còn có gì không là sao? Chẳng lẽ trong đó có...đại hội?
Đối với quan chức bóng đá VN, kết quả thi đấu không phải là điều quan trọng, giải nào cũng “chủ yếu là giao lưu, học hỏi”. Vì thế người VN hầu như quen với thất bại và tự vỗ về mình bằng những cái tít: Trận thua xem được; Chúng ta đá rất hay, nhưng đội hay hơn đã thắng; VN thua đẹp...
Thi đấu bóng đá mà kết quả không quan trọng thì cái gì quan trọng?
Tất nhiên, quan trọng là giao lưu học hỏi.
Giao lưu học hỏi, giao lưu học hỏi nữa, giao lưu học hỏi mãi.
Người VN thật quá khôi hài!
Đoạn này viết thêm nhân kết quả hội thảo về giá xăng dầu: Người VN làm sếp các tổng công ty, tập đoàn Nhà nước thường kêu lỗ rất to nhưng họ lại thưởng cho nhau rất lớn. Lỗ to chừng nào thưởng lớn chừng đó và họ càng ngày càng đại gia hơn.
Nhân đây nói luôn: Tui bắt đầu thích người VN ít khôi hài với câu nói, không làm được thì giải tán. Dù biết, người nói đó có giải tán chúng nó hay chúng nó giải tán người nói thì còn hên- xui.

Thứ Năm, 3 tháng 3, 2016

“Chúng ta không phải dạng vừa đâu”: II. MÌNH ĐỂU THẾ!

 Giải phóng Buôn Mê Thuột, mình làm công vụ cho thủ trưởng nên được giao ở và trông coi ngôi biệt thự của một sĩ quan chế độ cũ cùng với 3 anh vệ binh sư đoàn.

Hôm đầu tiên sang hậu cần nhận thực phẩm về nấu cơm, anh Hùng trắng quê Hải Phòng được phân công nhặt rau muống, Nhặt xong, thái ra (kiểu nấu canh của bộ đội thường thái ngắn rau), nhìn quanh không có xô chậu, thấy cái bình sứ trắng nên anh đổ rau vào rồi thấy chỗ nào như cái nút là ấn. Tự nhiên nước ào ra, xoáy tròn rồi…hút rau đi mất tiêu.
Anh lao ra, chụp khẩu ẠK lên đạn rồi chỉa vào cái bính sứ, quát: “Giơ tay lên!”.
Mọi người nghe tiếng cũng lao vào cầm súng, lên đạn… Nhưng mãi chẳng thấy ai. Bèn khóa cửa ra sân phân tích. Ai cũng nhất trí với nhận định là cần báo cáo lên cấp trên, ở ngôi nhà này có một đường hầm và kẻ gian đã thông qua đó để phá hoại bộ đội.
Đang lúc căng thẳng thì thủ trưởng Châu về. Mọi người ra hiệu im lặng. Nói với nhau là phải tự điều tra, không báo cáo cho thủ trưởng khi chưa biết sự thực.
Chiều đó,thủ trưởng đi rồi, bốn thằng nghiên cứu cái bồn sứ trắng bí hiểm. Đến mức, nhìn bác được bên quân quản cử đến chăm sóc vườn thấy bác cũng rất…đáng nghi.
Vẫn như mọi khi, bác bắt chuyện: Ở ngoài Bắc có ti vi không chú? Anh Hùng trắng xẳng giọng: Đầy, ti vi chạy đầy đường!
Bác cười không nói gì.
Không nghiên cứu được, cả tổ quyết định báo cáo với thủ trưởng. Nghe báo cáo xong, thủ trưởng cười lớn, đoạn xổ ra một tràng tiếng Nghệ An: Tụi bây ngu chi mà ngu rứa bây, đấy là cái bồn cầu để ỉa, ỉa xong người ta chùi đít rồi ấn cái nút xả nước… Ngu ơi là ngu! Thế mấy ngày này tụi bây ỉa đâu?
Thủ trưởng đã nói thế rồi nhưng cả tổ vẫn không ai tin người ta ị vào cái bồn trắng tinh như thế, nhất định đây phải là một hệ thống bí mật nào đó của kẻ địch.
Mấy ngày sau, nhân chuyện vui, thủ trưởng Châu kể, ổng biết là nhờ thời học ở Liên Xô, Liên Xô cũng ỉa y như bọn tư bản. Kể rồi ổng quát: Không biết thì hỏi, sao tụi bây không hỏi bác Tám (bác làm vườn)? Hèn chi mấy đồng chí Liên Xô nói, Việt Nam tụi mày không biết hỏi, hỏi sợ người ta cho mình dốt. Đúng là…
Sau đó ít lâu, chủ nhật, mấy đứa đồng hương sang chơi, xuýt xoa khen cái bể đẹp nhưng thắc mắc không biết để làm gì, anh Hùng trắng mới quát: Tụi bây ngu chi mà ngu, đây là cái bồn cầu để ỉa, ỉa xong người ta chùi đít rồi ấn cái nút xả nước… Ngu ơi là ngu!
*
Hồi đó mình ở tỉnh lẻ nhưng nhờ viết báo nên có nhiều người biết, ai có dịp đến Quảng Bình đều tìm. Ban đầu thì chưa quen, sau vài chầu nhậu thành ra thân thiết lắm.
Một lần có anh nhiếp ảnh nhưng là đại gia đất kinh kỳ, không biết làm gì nữa nhưng nghe đâu tiền mỗi lần thu phải cân ký. Thông qua một người bạn mà ảnh tìm đến. Đầu tiên ảnh ngắm cái nhà mình rồi phán, cái nhà cậu cẩu vào đặt gọn trong phòng khách nhà tớ. Rót trà mời ảnh cũng cầm cái cốc lên rồi bỉu môi đặt xuống, bảo nhà ảnh uống trà nằng chén cổ. Vào quán nhậu ảnh chê từ cái ghế đến đôi đũa… Mình thấy bình thường vì người giàu quen rồi nhìn nơi nghèo nó thế, phải chịu thôi.
Đồng Hới lúc đó chẳng tỉa vẻ gì, mình cứ mộc mạc gọi hai ký cua, hai ký tôm hùm… luộc lên là nhậu. Bình thường như cân đường hộp sữa vậy thôi.
Tôm cua thì ảnh không chê.
Tụi mình đến đoạn ôm vai bá cổ nhau thì thầm giống mượn tiền thì nghe ồn ào. Quay lại thấy ảnh đang mắng phục vụ: Nước chè lại còn đựng trong tô, không có cốc mày bắt tao cầm tô mà uống à, mấy nhãi ranh?
Vừa quát ảnh vừa lấy cái ly uống bia múc nước trong tô tráng, múc thêm lần nữa rồi đưa lên tu một hơi.
Không chỉ bọn “ranh con” sợ hết hồn, khép nép, không nói nên lời mà cái thằng tôi lúc đó mặt cũng ớ ra như ngỗng ỉa: Đó là tô nước bã trà mọi người ăn tôm cua vừa rửa tay xong!
Chưa biết tính thế nào thì ảnh đã quay sang: Quảng Bọ nhà mày quê thế, nhưng mà tôm cua thì được đấy!
Mình không cần lựa lời trong vốn từ vựng, xởi lởi ngay tắp lự: Dạ được, dạ cũng tàm tạm, dạ cũng bình thường…dạ cũng quê.
Đến đây bèn nhớ lại chuyện lời thủ trưởng Châu nói về cái bồn cầu: Hèn chi mấy đồng chí Liên Xô nói, Việt Nam tụi mày không biết hỏi, hỏi sợ người ta cho mình dốt.
Giờ nghĩ lại tô nước đã muốn ọe, sao lúc đó không ọe? Mình không giống thủ trưởng Châu, mình đểu thế!

Thứ Tư, 2 tháng 3, 2016

“Chúng ta không phải dạng vừa": I. QUE DIÊM

Mình có nghề tay trái: đi truyền nghề mình đang làm.
Những tiết học, mình thường có vài trò chơi nho nhỏ, trò thì do mình nghĩ ra, trò thì do mình học được từ thầy hoặc bạn học.
Ví như ở môn Kỹ năng báo chí, trò chơi đầu tiên thế này:
Mình cầm một bao diêm, vừa quẹt lần lượt 3 que vừa hướng dẫn: Bây giờ mỗi em quẹt một que, trong thời gian que diêm cháy, phải giới thiệu với mọi người thông tin về mình. Làm sao để khi que diêm cháy xong, người khác có thông tin tốt nhất để có thể liên lạc với em.
Trò này thầy Lars Moeller dạy.

Có lần hướng dẫn xong, mình thấy cả lớp ai nấy đều ngơ ngơ, có vẻ không hiểu, bèn hỏi, các em có biết chơi trò đó làm gì không. Tiếng trả lời đều ran: Dạ khoooông!
Bèn nói: Trò này có hai ý nghĩa, một là, người chơi phải có kỹ năng sống, trong trường hợp này là quẹt cháy que diêm và làm sao để nó cháy lâu nhất; hai là, rèn luyện cách truyền thông tin.
Trong lĩnh vực báo chí, đó là kỹ năng làm sao với một thời lượng có hạn, mình có thể chuyển tải được những thông tin tốt nhất đến người khác. Thông tin nào cần thiết nhất phải nói trước.
Còn tìm cách để que diêm cháy lâu làm gì? Ngoài việc mình truyền được nhiều thông tin nhất cò có ý nói rằng, mình phải viết chặt chẽ và hấp dẫn nhất đến mức có thể, buộc người biên tập không thể cắt gọt được chỗ nào cả và người đọc (người nghe) dù có dài hơi vẫn thấy hấp dẫn…
Mặt hết ngơ.

Nhiều người quẹt diêm không cháy.
Nhiều người vừa thấy cháy đã thả (sợ nóng).
Nhiều người nói liến thoắng đến mức chẳng ai nghe gì.
Nhiều người nói khá mạch lạc nhưng đến hai phần ba que diêm thì thả.

Đến lượt người truyền nghề quẹt. Que diêm cháy và anh ta bắt đầu giới thiệu về mình. Khi que diêm cháy đến 2/3 thì anh ta dùng tay khác cầm đầu mũ que diêm đã cháy (lúc đó đã hết nóng), phần còn lại của que diêm vẫn cháy và anh ta vẫn tiếp tục nói cho đến khi que diêm rụi lửa.

Không biết quẹt que diêm làm sao cho cháy cũng là việc bình thường, vì xét cho cùng nhiều em đâu đã cầm hộp diêm lần nào mà biết. Nhưng khi người truyền nghề cố tình quyẹt 3 que nhưng các em không chịu quan sát để học theo, đó là cái dở. Cái dở của sự đại khái. Kiểu đọc bài chỉ đọc cái tít.

Đến khi thấy người truyền nghề có cách để que diêm cháy toàn thân cũng không thấy ai tỏ ra ngạc nhiên hoặc gật gù về cách làm độc đáo, đó là cái dở thứ hai. Cái dở của những người tỏ ra “biết tuốt”. Cái dở cố hữu của người làm báo (và sẽ làm báo) ở Việt Nam: không bao giờ khen bài của đồng nghiệp.

Thầy Lars Moeller có lần nói với học viên (là giảng viên sau này): Người Việt Nam rất giỏi chê, cái gì cũng tìm ra chỗ để chê. Trong khóa học này, tôi yêu cầu các anh chị phải “phản hồi tích cực”, tức là chỉ khen, tìm ra cái tốt của bạn mà khen. Khen được mới giỏi!


Nhiều khi ngồi độc ẩm trà, nhớ lời thầy, mình lại gật gù một mình: Thầy thật là giỏi!

Thứ Ba, 1 tháng 3, 2016

Cuộc đời ai chả có ước mơ

Phần đông ủng hộ cách làm việc của ông Đinh La Thăng, nhưng cũng có không ít người bảo ông "dài tay", lấn lướt chính quyền. Ngày trước nghe họ nói thế, ông Nguyễn Bá Thanh vặc lại: Đảng lãnh đạo là lãnh đạo cụ thể, không có chuyện chung chung, hô hào quần chúng xông lên còn mình thì núp lùm, sợ văng miểng.
Nghĩ cũng có lý. Ngày trước làm cách mạng đâu đã có chính quyền, các đảng viên đều là người đề xướng, vận động và tổ chức thực hiện cả. Đâu nghe ai nói họ dài tay?
Nói dài tay là do những người làm công tác Đảng. Một thời gian dài say sưa nói, nay làm nên thành ra người ta thấy lạ vậy.
Nhưng nếu thế thì chính quyền làm gì? Tồn tại cả hai bộ máy quả thực tốn kém.
Nói chuyện đa đảng hay giải tán gì cũng là ảo tưởng (và phạm húy), vậy thì nên... giải tán chính quyền.
Không được. Chẳng ai mang dấu Đảng đóng vào giấy tờ nhà đất. Nhưng mà, nếu Đảng làm được như ông Thanh, ông Thăng thì để Đảng làm, chính quyền gom lại, chỉ còn một bộ phận đủ chứng giấy tờ hành chính, một bộ phận đủ đi kiện đòi lại Hoàng Sa. Như thế cũng đã làm GDP tăng đột biến rồi.
Đến đây lại nhớ chuyện bà cụ 80 nửa đêm la làng kêu mình bị hiếp dâm. Mọi người chạy đến chẳng thấy gì cả. Hỏi, bà thủng thẳng: Cuộc đời ai chả có ước mơ. Hehe.