Thứ Năm, 9 tháng 2, 2017

BÁO LỚN, BÁO NHỎ


Tôi có ông thầy làm tổng biên tập tờ báo cho đăng biếm họa nhà tiên tri Mohammed và cái đầu của ông từng bị đưa ra treo giải (thầy đứng giữa, trong ảnh). 

Năm trước, ổng sang VN, về chỗ tôi nói chuyện. Lúc đó mới biết ổng đã sang làm Giám đốc Đài truyền hình Quốc gia.
Tôi không rành truyền hình lắm nên băn khoăn, hỏi ổng sao đang yên đang lành bỗng dưng thầy lại sang đài quốc gia? Ổng cười (chắc bụng nghĩ sao mày ngu thế?), rồi giải thích đại ý: Đài truyền hình Quốc gia là đài hoạt động từ tiền thuế của dân nên dân đòi hỏi phải làm hay. Chuyện lễ tân lễ tiếc, hội nghị hội nghiếc, bỏ. Chỉ lấy cái hay làm tiêu chí. Lượng người xem tụt thì lo mà từ chức.
Tôi nghe xong ớ ra.
*
Bèn nghĩ, ở VN, trong lúc một số tờ báo tự hạch toán bị đánh thuế như doanh nghiệp thì cơ quan chức năng lại yêu cầu họ phải tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách theo chỉ đạo, không được nói chuyện này chuyện kia. Làm sao học có thể thực hiện nhiệm vụ “hai trong một” đó được?
Dù khó nhưng vẫn phải làm, ráng để tồn tại.
Các cơ quan báo chí được cấp kinh phí hoạt động đa phần là “hoạt động bí mật”. Truyền hình, nhiều đài bao cấp vẫn rầm rộ ra đời và… sống khỏe, bất chấp lượng người xem.
*
Khi các tờ báo gọi là lớn khó khăn thì đó là cơ hội cho các tờ báo mạng, các trang mạng, tạm gọi là “báo nhỏ”.
Từ hoạt động thực tiễn, tôi thấy, nhiều cuộc hội nghị, hội thảo, khai trương, khánh thành (có nhiều dự án lớn có tác động đến xã hội) họ không mời các báo lớn vì rất khó đưa cho họ một cái tin, trong lúc, các tờ báo nhỏ lại có thể tin ảnh, thậm chí cả bài dài nhiều ảnh…
Nhiều chuyện báo lớn không đăng (vì nhiều lý do) thì báo nhỏ vô tư. Đăng lên, bị nhắc nhở thì gỡ xuống nhưng cư dân mạng đã nhanh tay sao chép lại và lan truyền chóng mặt. Cứ bài bị gỡ lại hot. Gỡ nhiều tiếng tăm của tờ báo càng nổi.
Từ đó các tờ báo lớn vô hình trung nhường vị trí cho các tờ báo nhỏ.
Vì thế, tờ báo lớn hay nhỏ, theo tôi, phải định nghĩa lại ở mức độ lan truyền của nó. Có tờ báo in ra không ai đọc sao có thể là báo lớn? Gọi đúng ra là tờ báo tiêu tiền lớn.
*
Bộ TT-TT dạo này mạnh tay xử phạt, nhưng hầu hết xử về chuyện ít nhiều liên quan đến chính trị, trong lúc tin tức nhảm nhí phải nói là làm lùn văn hóa của một thế hệ thì nhan nhãn như nấm sau mưa.
N:Phiều trang mạng mang tên các vị chức sắc cao cấp vô tư đăng tải chuyện thâm cung bí sử, thậm chí dựng chuyện vu khống, hạ bệ người khác thì chẳng biết ai mà phạt, cũng không (hoặc không thể) chặn được nó. Mà nó lại được đọc nhiều nhất. Nó trở thành báo lớn.
“Nắm thằng có tóc không nắm thằng trọc đầu” là đây!
*
Trước đây, có trào lưu PV trong hệ thống bao cấp chạy đi làm báo kinh doanh thì nay ngược lại, vì làm báo bao cấp an toàn hơn (về thu nhập).
Cái này ngược với quy luật thị trường.
Chuyện thầy tôi đang làm báo tư nhân về làm đài quốc gia khác xa chuyện các PV quay về báo bao cấp. Ở chỗ, nhà nước của họ tôn trọng quy luật của thị trường: Cạnh tranh.
Không phải như báo lớn của ta, họ chỉ cạnh tranh trong cách viết: Bí thư Huyện ủy trở lên thì Bí thư viết hoa; bí thư Đảng ủy Xã trở xuống thì bí thư viết thường.
Cách quản lý báo chí "có gì đó sai sai".
NGUYỄN THẾ THỊNH 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét