Sự kiện cá chết đồng loạt ở
bờ biển các tỉnh miền Trung cho dù chưa có kết luận cuối cùng nhưng lời phát
biểu của Giám đốc đối ngoại Formosa đã gián tiếp nói lên sự thật: Chọn một
trong hai thứ, sắt thép hoặc cá tôm, không thể được cả hai. Chó dù lời nói như
một lời thách thức (hoặc là này hoặc là kia, chọn đi) nhưng là lời nói thật, một
sự thật đắng lòng. Đó là điều mà người ta thường nói: cái giá của phát triển.
Một sự việc khác, chiều 24.4,
tại xã Hải Ninh Quảng Ninh (Quảng Bình), FLC tổ chức lễ khởi công dự án tổ hợp
10 sân golf. Hàng trăm người dân ở đây đã xông lên lễ đài, phản ứng, quan khách
đại biểu buộc phải rời khỏi nơi làm lễ.
Sự phản ứng có thể gọi là
manh động của một số người trong một buổi lễ như thế là hoàn toàn sai, nhưng
phản ứng chỉ vì nghe tin đồn FLC là thủ phạm phá hoại môi trường nói lên một
phân “tâm tư” lo ngại, chưa thông suốt cần được lãnh đạo địa phương lưu ý.
Nhân nói về sự lựa chọn “sắt
thép hay cá tôm” mới nhớ, ngày 5.12.2011, ông Nguyễn Bá Thanh, lúc đó đang là Bí
thư Thành ủy Đà Nẵng, làm việc với đoàn Hiệp hội các nhà kinh doanh châu Á do
ông Sawada Hideo, chủ tịch Tập đoàn HIS, làm trưởng đoàn đến tìm kiếm cơ hội
đầu tư tại Đà Nẵng.
Tại đây, ông Nguyễn Bá Thanh
nói: TP Đà Nẵng đang hướng tới một đô thị sạch, kiểu mẫu nên vừa qua khi có hai
tập đoàn nước ngoài xin đầu tư hai dự án thép và sản xuất bột giấy có tổng vốn
lên đến 4 tỉ USD nhưng lãnh đạo TP đã từ chối.
Vậy Đà Nẵng chọn phát triển
công nghiệp để phát triển nhanh hay chỉ có du lịch, dịch vụ, công nghệ cao… để
có đô thị sạch, kiểu mẫu như ông Thanh từng nói trong lựa chọn mà ông giám đốc
đối ngoại của Formosa cảnh tỉnh?
Quá khó!
Nhưng sự lựa chọn khó khăn đó
mới đòi hỏi tư duy và bản lĩnh của những người lãnh đạo. Nói nôm na, phải có
một “tầm nhìn xa trên 10km”.
GS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục
trưởng Cục YTDP và Cục Quản lý Môi trường Y tế, Bộ Y tế đã liên tưởng sự kiện
cá chết dọc biển một số tỉnh miền Trung với thảm họa vịnh Minamata ở Nhật Bản.
Cho dù đây chỉ là một sự lien
tưởng nhưng là sự lien tưởng có tính cảnh báo khiến chúng ta phải giật mình.
Đúng vào thời kỳ phát triển
kỳ diệu của Nhật Bản , nước này phải đối diện với nỗi kinh hoàng mang tên thảm
họa Minamata do vụ nhiễm độc chất thải chứa thủy ngân trên diện rộng.
GS Nguyễn Huy Nga nói: Nếu
lặp lại sự kiện Vịnh Minamata thì là thảm họa. Người ăn cá từ vịnh này bị ngộ
độc thần kinh với những hậu quả vô cùng thảm khốc.
Sau hơn 50 năm, Nhật Bản vẫn
có nhiều trẻ em sinh ra với dị tật do thủy ngân và hàng ngàn người hiện nay vẫn
bị nhiễm độc thần kinh làm tiêu tốn rất nhiều triệu đô la của nhà nước. Đấy là
cái giá phải trả cho sự buông lỏng kiểm soát môi trường trong phát triển.
Tên vịnh Minamata biến thành
tên bệnh Minamata, một căn bệnh khủng khiếp đã gây ra nỗi kinh hoàng cho cả
nước Nhật trong những năm cuối thập kỉ 60 đầu 70 của thế kỷ trước,
Những người bệnh nặng thường
rú lên vì đau đớn, thường xuyên co giật và bị liệt. Một số bệnh nhân bị mù,
điếc hoặc mất trí và nhiều người bị nhẹ hơn thì tay chân run, mất cảm giác, mất
thăng bằng.
Phụ nữ nhiễm metyl thủy ngân
khi mang thai sẽ có nguy cơ sinh con liệt não, bị điếc, bị mù hoặc đầu quá nhỏ,
lớn lên thì tâm trí phát triển chậm.
Chắc chắn không một ai và
không bao giờ ai muốn đánh đổi sự phát triển bằng mọi giá để con cháu mình gánh
chịu những nỗi đau như thế. Nói cách khác, chúng ta khẳng định ngay và luôn: chọn
“tôm cá”!
Nguyễn Thế Thịnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét