Thứ Năm, 31 tháng 3, 2022

MẬT NGỌT TRONG ĐẦU


Một người để mất đi công việc, hoặc giả, chỉ quyết đinh thay đổi công việc, đã là sốc, huống gì, mất đi công việc cao cả nhất của cuộc đời, đó là yêu thương và bao bọc người phụ nữ của mình.
Người chưa mất thứ đó, không bao giờ biết mất đi nó sẽ như thế nào đâu. Vì thế họ có thể có thể nghĩ về câu chuyện này theo cách của họ.
Thực ra, con người là tạo vật của thói quen. Khi mất đi thói quen, họ quay về với ký ức. Điều đó có thể lý giải phần nào sự đãng trí của người già, họ rất hay quên cái hiện tại nhưng không bao giờ quên ký ức. Và, đến một lúc nào đó họ có thể quên cả chính bản thân mình nhưng ký ức thì vẫn còn. Người ta gọi đó là head full of honey (mật ngọt trong đầu).



Sẽ chẳng còn gì khi không còn ký ức.
Sống với ký ức của mình như thể mài sâu các nếp nhăn rất có nguy cơ ngày một phẳng ra. Nên bạn, ạnh chị, ông bà nào đó, đừng phán xét về những người như thế. Vì họ không làm gì ảnh hưởng đến ai.
Văn hóa người Nhật chỉ tóm gọn trong một câu: “Không làm phiền người khác”. Họ không làm phiền mình, mình cũng không làm phiền họ.
Đau đớn thay những người đang sống mà không còn ký ức. Vì sao? Vì sống nhạt. Sống mà không thể kể được một câu chuyện của hôm qua.
Hãy học cách trân trọng những gì bạn đang có trước khi thời gian khiến bạn trân trọng những gì bạn đã từng có nhưng lúc đó mới tỉnh ra, mình chẳng có gì! Đó mới là cái chết thực sự.
Không một câu chuyện nào trong ký ức mà tôi có thể quên. Tôi từng nói, ký ức không phải là nơi đến mà là viên đá lát đường để mình bước qua. Không có những viên đá đó khiến ta lạc lối.
Có thể đến lúc già, lẩn thẩn, tôi chỉ lặp đi lặp lại mỗi câu: “Ôi, cái ông già này!”. Vì sao lặp lại câu đó mà không câu khác? Vì đó là câu của P. nhà tôi, cô ấy nói câu này từ khi chúng tôi còn rất trẻ, và đó là lời trách cứ yêu thương nhất.
“Ôi, cái ông già này!”.

NGUYỄN THẾ THỊNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét