1. Tôi biết đi xe đạp năm 1970, lúc đang học lớp 6.
Hồi đó người tôi nhỏ thó, chiếc xe đạp nam rất cao lại có giàng ngang nên không thể ngồi trên yên mà vẫn thò chân qua khung rồi đứng vẹo sườn như thế mà đạp đi học. Tôi đạp, bạn bè cầm sách vở chạy theo sau một đoàn, người trong làng trong xã chạy ra coi, ai cũng nức nở tài hè, thằng nớ tài hè...
Hồi đó làng Lộc An chỉ có ba nhà có xe đạp là nhà chú Lộc làm thương nghiệp, chú Hải dạy thể dục trường cấp 3 trên huyện và nhà tôi. Ba tôi lúc đó làm Trưởng Ban Chính trị Tuyến Thống nhất, đơn vị đóng ở làng Ho (Quảng Bình), nơi có hơn 3 nghìn người thồ hàng hóa bằng xe đạp vượt Trường Sơn vào Nam. Năm 1969, ba tôi được đơn vị hóa giá một chiếc xe hiệu Vĩnh Cữu của Trung Quốc, kiểu xe thồ, không có gác-đờ bu (chắn bùn), gác-đờ sên (chắn xích), tồng ngồng như một gã thanh niên cao lớn cởi truồng. Ba tôi mang xe đạp về rồi lên Trường Sơn. Trước khi đi, ông lên công an huyện đăng ký, lấy chứng nhận và biển số xe về giao cho mạ tôi, dặn: "Ba nói anh Đạt cho đăng ký tên mẹ, con nó còn nhỏ, mẹ khoan cho đi". (Sau này bác Trần Thanh Đạt là Giám đốc Công anh Quảng Bình, chắc hồi đó bác làm công an huyện). Mạ tôi lấy dây treo chiếc xe lên sát phên đất trong nhà.
Một năm sau, tôi mới táy máy đưa xuống, bơm lên và dắt, bọn trẻ xúm sau mà đẩy, miết không biết thế nào lại có thể thò chân qua khung mà đạp, cứ đạp nửa vòng lại đạp ngược lại vì chân thò không đến nơi...Hôm tôi đạp chạy quanh làng, cả làng xôn xao như có một sự kiện lớn. Ai nấy phục lăn.
Đến trường, cả trường xúm lại xem. Tôi làm mặt lạnh khóa xe cái cụp rồi vào lớp. Mỗi khi ra về lại thấy hai bánh xẹp lép do mấy đứa bạn nghịch ngợm cũng có, đố kỵ cũng có, xì hơi cho bỏ ghét. May lúc đó, xe nào cũng có ái ống bơm dắt sẵn ở thanh chéo của khung xe, lấy ra bơm rồi đi.
Bây giờ mới biết, tài sản đầu tiên đứng tên mạ tôi là chiếc xe đạp, ngang một gia tài, lại chính chủ nữa mới oai. (Hồi đó cái nhà tranh nhà tôi chưa có sổ đỏ).
2. Lên học cấp 3, nhà xa trường 8 km. Xe hay bị hỏng và chỉ có một chỗ sửa xe duy nhất là nhà bác Bích ở Mỹ Lộc. Bác Bích trước ở Thái Lan về nên là bà con gọi là ông Bích Thái Lan. Tôi thường được sửa xe không mất tiền vì thỉnh thoảng cắt biếu bác Bích một miếng mủ cao su ép (ba tôi mang về một miếng lớn như chiếc khăn mùi-soa) để ngâm xăng làm nhựa vá xe, loại hàng hiếm bấy giờ nên bác Bích quý lắm.
Bác Bích rất khéo tay. Hồi đó bác lên rừng, tìm chỗ máy bay rơi nhặt về từng đoạn ống đuya-ra (hợp kim không gỉ) rồi chế lại làm cái khung xe đạp, uốn làm ghi-đông...Chỗ mảnh thân máy bay thì nung chảy, đúc vành và các phụ tùng khác. Bác ráp lại thành chiếc xe trắng tinh, đẹp không thể tả. Bác đạp xe đi, ai ai cũng ngưỡng mộ.
Thế rồi một ngày, đi học về ngang nhà bác, thấy rất đông người, tôi len vào xem. Thì ra công an huyện đang lập biên bản. Bác ký biên bản xong, mấy chú công an lấy búa đập cáo khung xe bẹp dúm lại thành một cục rồi vứt xuống sông Kiến Giang trước nhà. Bác ngồi đốt thuốc liên miên, không nói không rằng.
Lúc đó xe đạp cốt cái khung vi chỗ khung dưới ổ trục có số khung. Có số khung mới đăng ký và có biển số. Xe bác không có số khung, tất nhiên là không đăng ký được. Xe lại làm toàn bằng vật liệu của bọn đế quốc sài lang. Phải đập.
Lâu sau, có lần bác kể, bên Thái Lan xe đạp không cần đăng ký. Tôi nghe nhưng không tin, lại còn nghĩ bác tư tưởng tư sản, ca ngợi bọn tư bản giãy chết. Có điều không nói ra, sợ bác lấy tiền sửa xe.
3. Thời bao cấp, xe đạp thuộc diện phân phối. Cán bộ được phân một chiếc xe đạp Thống Nhất, Hữu Nghị...là quý lắm. Tôi nhớ đâu như giá 360 đồng (lúc đó 1.000 đồng có thể mua được ngôi nhà ngói 3 gian, loại có thể coi ngang biệt thự bây giờ). Tất cả phụ tùng đều phân phối, gọi là chế độ "cung cấp". Có tiền cũng không dễ gì mua. Vì thế nên nhiều người đi xe hai chiếc săm vá chằng vá đụp, chiếc lốp nát khâu không được phải dùng cao su quấn lại, gọi là lốp cố vấn (cố mà vấn lại).
Mãi sau này rồi, đến năm 1985, phụ tùng xe đạp vẫn là hàng hiếm, có nhiều chuyện cười ra nước mắt.
Chuyện làm tôi ấn tượng nhất phải mang ra kể mãi, hồi tôi mới đi làm, dịp Tết, anh Lê Văn liên hệ mua được của Nhà máy xe đạp Phú Xuân (Huế) một ít lốp và xích (sên) xe đạp. Về công đoàn cơ quan tổ chức bốc thăm. Quy ước hai lá thăm ghi chữ L được chung một chiếc lốp; hai lá thăm ghi chữ X được chung một cái xích. Anh Lê Văn và ông Việt Cao chung một chiếc lốp. Anh Văn cầm chiếc lốp mặt nghệt ra. Đoạn, xách chiếc lốp đi khuyềnh khoàng về phía khu tập thể.
Tôi mới đi làm không thuộc diện được bốc thăm nên chạy theo, thấy anh xăng xái mở phòng, lôi ra cái cục kê và cây rựa vẫn dùng để chẻ củi, đặt chiếc lốp lên và... bụp, bụp. Chỉ hai nhát, chiếc lốp đã chia làm đôi thành hai nửa vòng tròn. Anh xách nửa chiếc, chạy lên cơ quan, gọi lớn: “Trưởng phòng Cao, bài lốp của ông đã được biên tập thành hai tin lốp!” (Lúc đó bác Cao làm trưởng phòng phóng viên). Nói rồi dúi nửa chiếc lốp vào tay ông Cao và đi khuyềnh khoàng về phía khu nhà tập thể để lại đằng sau hàng chục cái mồm cấm khẩu như bị trúng gió.
4. Trở lại ngày trước, khi đất nước vừa thống nhất, bộ đội về phép thế nào cũng phải dành dụm phụ cấp mua cho được cái khung xe đạp. Trên ga tàu, bến xe, hình ảnh anh bộ đội đeo ba lô, trên có cái khung xe quấn kỹ bằng vải và con búp bê là hình ảnh ghi đậm dấu ấn của một thời.
Chiếc xe là tài sản lớn trong nhà nên phải đăng ký và có biển số để quản lý là chuyện đương nhiên. Hồi đó cái khóa xe đôi khi còn quan trọng hơn cả chiếc xe. Có loại khóa gắn sẵn, có loại khóa dây, có người cẩn thận sử dụng luôn cả hai khóa. Kẻ trộm xe về lấy phụ tùng bán còn cái khung thì hủy. Năm 1976, đại hạn, lần đầu tiên sông Kiến Giang quê tôi bị khô tận đáy, nhiều người nhặt được khung xe đạp là vì thế.
Anh Khánh cạnh nhà lấy xe ba anh, khoác cái đài Xương Mao, cầm đèn phin sang làng bên tán gái (gọi là moden lúc đó, kiểu thanh niên đi xe Audi cầm iPhone 5 bây giờ). Không biết say sưa nghe đài thế nào mà để mất chiếc xe, hớt ha hớt hải chạy về nhà, bảo ba đưa cho giấy đăng ký xe để sáng hôm sau lên huyện báo công an. Mất xe, cả nhà anh buồn cả tháng, không ai nói với ai câu nào. Thế mà dễ chừng đến cả năm, công an mời lên nhận xe, thực ra là cái khung xe do bác đi chài cá kéo lên từ lòng sông giao nộp lại cho công an.
Người bình thường đi xe không phanh, không chuông, không gác-đờ bu nên mới có lời chế từ bài hát Tôi, người lái xe rất thịnh hành lúc đó. Nguyên bài hát có lời: Xe tôi băng qua trăm núi ngàn sông/ Khắp nơi nhân dân đêm ngày ngóng trông...thành ra Xe tôi không phanh không gác-đờ bu/ Vẫn lai cô em trên đường vi vu...
Người "có điều kiện" thì xe đầy đủ, có cả chuông, cả đèn.
Thành bạn học của tôi có chiếc xe đạp Phượng Hoàng. Nó nhét sau yên xe một cái khăn, hễ dừng xe là nó rút khăn ra lau sạch không còn hạt bụi. Dựng xe, nó lôi từ túi quần ra một miếng bìa, lót xuống đất rồi mới lấy tay bẻ chân chống xuống (chứ không dùng chân đá như người khác), về nhà, khi tựa xe vào vách, nó lấy khăn bịt chỗ tay cầm trên ghi-đông mới đặt sát vô tường.
5. Hóa ra bên Liên xô thời trước xe đạp cũng có biển đăng ký. Trên trang Nước Nga trong tôi- diễn đàn của những người yêu nước Nga còn chụp được biển số xe đạp của cư dân Poltava thời thập niên 40.
Ở nước ta, thời trước không chỉ có đăng ký mà còn cả bằng lái xe đạp.
Gia đình ông Huỳnh Văn Luận còn giữ được bắng cấp hạng phổ thông về xe đạp đường trường do chủ sự Sở Thanh niên-thể dục-thể thao Trung Việt, Quốc gia Việt Nam cấp ngày 27.12.1935. Nội dung: Chứng nhận ông huỳnh Văn Luận, quê ở Hà Lam (Quảng Nam ) đã đi được 25 cây số đường trường bằng xe đạp (trung bình mỗi giờ đi được 12 cây số).
Những năm 70, những năm tháng khốn khó của thời bao cấp, xe đạp là phương tiện giao thông tiến bộ nhất của người dân.
Những năm đó, sinh viên đi học ở Liên Xô về nước mang theo xe đua hiệu Sputnhic là rất oai. Anh nào đi chiếc Sputnhic thì không gái nào là tán không được.
Thời gian sau năm 1975, đất nước thống nhất, xe đạp sản xuất từ miền Nam theo chân bộ đội phục viên, xuất ngũ hay đi phép ra miền Bắc nhiều lại không đóng số khung, hồi đó không có nhiều thông tin nên không biết có nghị định nào không nhưng công an bỏ luôn đăng ký và cấp biển số xe đạp.
Sang đến thập niên 80, người đi xuất khẩu lao động ở các nước Đông Âu gửi về các loại Favorit (Tiệp), Mifa (CHDC Đức) được coi là hợp mốt nhất thời kỳ đó.
Thời kỳ đầu đổi mới, xe cũ của Nhật theo cánh thủy thủ tàu viễn dương về nhiều. Xe Nhật bền nhưng giá một chiếc gọi là còn mới không dưới 6 chỉ vàng. Thủy thủ nào mang về 10 chiếc lãi mua được cả cái căn hộ ở Hà Nội. Các tỉnh phía Bắc, nhất là Thủ đô ngập tràn xe đạp. Hình ảnh người con gái mặc áo dài đi xe đạp là hình ảnh đẹp và đặc trưng của Việt Nam thời đó. Chả thế mà có bài hát Mùa xuân đến, đạp xe trên phố, tóc xõa vai mềm...ngày nào Đài tiếng nói VN chẳng phát vài lần. Một thành phố mà mọi người lưu thông bằng xe đạp thấy rất yên bình.
6. Bây giờ nói chuyện xe đạp có biển số lớp trẻ chẳng tin. Nhưng một thời là thế. Vì thế, chiếc xe đạp chiếc biển số nhỏ gắn ở phía trước của học sinh trường THPT Sào Nam (Quảng Nam) trở nên đặc biệt đối với người dân thị trấn Nam Phước. Thầy Đoàn Công Đường cho hay, đoạn đường từ trường ra trung tâm thị trấn thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông gây hậu quả đáng tiếc, do đó ban giám hiệu và đoàn trường quản lý học sinh nhà trường trong giao thông bằng biển số. Đầu năm, từ đăng ký của học sinh, nhà trường đặt làm 2.118 biển số xe bằng những tấm thép nhỏ. Trên đó số hiệu xe của học sinh khối lớp 12 vẽ màu đỏ, khối 11 có màu xanh nước biển và khối 10 màu xanh lá. Mỗi biển số như vậy, học sinh chỉ tốn có 1.000 đồng. Những năm học trước, tình trạng trộm cắp xe đạp ở trường THPT Sào Nam diễn ra rất phức tạp, từ khi gắn biển số, nạn ăn cắp hầu như không còn.
*
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét