Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2013

Blog “Sống ở Đà Nẵng”


Các blogger thường viết đủ chuyện nhưng thường là chuyện khó nói thành lời, không ai “sắm” blog chỉ để chuyên viết về nơi mình đang sống, nhưng tôi thì khác. Không phải “thấy Đà Nẵng sang bắt quàng làm họ” (vì tôi gốc quê bọ Quảng Bình vào sống ở đây), nhưng bạn hãy nghĩ xem, một thành phố mà chỉ cần đi đâu dăm bảy ngày về đã thấy khác, như sống với người vợ luôn là “lạ” đối với mình thì thú vị quá đi chứ lị? Thế nên trích ra đây mấy đoạn để bạn đọc cùng chia sẻ.

Cám ơn Đà Nẵng
Một trong những ngày đầu tiên khi gia đình mới chuyển vào Đà Nẵng, con trai tôi khi đang phấn khích vừa đạp xe vừa nghêu ngao hát trên đường phố Phạm Văn Nghị gần nhà thì bị một đám tóc vàng tóc xanh chặn lại xin tiền. Sau khi lục soát cậu học sinh lớp 7 mới nhập học Trường THCS Chu Văn An không có một cắc trong túi, đám choai choai bèn lột chiếc đồng hồ trên tay cậu bé, chiếc đồng hồ là phần thưởng mà cậu được tặng do thành tích học giỏi, chăm ngoan và hiếu thảo. Không phải chỉ mình cậu mà cả gia đình tôi bị sốc, mới chân ướt chân ráo đã để lại ấn tượng không tốt thế này hẳn không dễ dàng gì cho một cậu bé theo gia đình sống ly quê, cậu buồn như chấu cắn.
Từ đó, mỗi lần nhìn vào tấm panô quyết tâm thực hiện “thành phố 5 không”(nói chung là không có các tệ nạn xã hội) vẫn treo đầy dọc đường,  không hiểu sao tôi lại thấy xấu hổ với con mình.
5 năm sau, năm 2006, từ trường Phan Chu Trinh danh tiếng của Đà Nẵng, thi đỗ á khoa đại học, bây giờ, trong mỗi Email gửi về cho mẹ (con trai thường tâm sự với mẹ mà!) bao giờ cậu cũng viết lại câu: “Con nhớ mẹ, nhớ gia đình, nhớ Đà Nẵng quá!”
(Cả trên blog của cậu con trai, tôi vẫn gặp thoang thoảng đâu đó từ này, dù không viết ra nguyên vẹn).
Con trai nhớ mẹ là lẽ đương nhiên, nhưng nhớ Đà Nẵng-tôi đọc câu này mà mừng như ăn gừng giải say. Vậy là cậu đã vượt qua cú sốc đầu tiên khiến tôi lo lắng nhiều năm liền để rồi yêu và nhớ Đà Nẵng. Biết cám ơn ai bây giờ đây, thôi đành cám ơn Đà Nẵng vậy!
(Tôi viết chia sẻ trên blog với cậu điều này).
Bình thường thôi, Đà Nẵng
Từ tỉnh Quảng Bình, phía trong đèo Ngang (đang nghèo) quyết chí làm một cuộc cách mạng đổi tên đèo thành đèo Ngếch (đếch nghèo), “tiến thẳng” ra thủ đô, ngày nhận được quyết định điều chuyển công tác, tôi ngắm nghía hai từ Hà Nội như ngắm vợ tôi hồi...mới yêu. Bị choáng vì được sống ở Hà Nội, mỗi lần ai hỏi tôi ở đâu, tôi bèn giở giọng trọ trẹ học được từ mấy anh đồ Nghệ: Bình thường thôi, Hà Nội!. Hà Nội ở khu nào? Bình thường thôi, bờ hồ! (Dù- nói thật-đó là căn nhà xép trong một ngách, ở một ngõ nhỏ hun hút của một hẻm trong kiệt của một đường phố khu vực bờ hồ đi chăng nữa). Cho đến một ngày, có người bạn đồng đội ra thăm con, đến chơi, hỏi tôi: “Sống thế này mà gọi là sống à, phải nói đây là đi...chiến đấu”. Tôi ớ người ra mất mấy chục giây, ừ nhỉ, đúng là đi chiến đấu thật chứ còn gì nữa. Ra đường thì chiến đấu với kẹt xe, vào hẻm thì chiến đấu với cống rãnh, về nhà thì chiến đấu với nạn thiếu nước, ngủ thì chiến đấu với nóng vì mất điện...Tôi như người ngộ ra điều mình bấy lâu ấm ức nhưng không cắt nghĩa được.
Bỗng một ngày đẹp giời nào đó, sếp hỏi: “Ông thích vào TP Hồ Chí Minh hay Đà Nẵng?”. Tôi vừa có chuyến công tác từ Hà Nội đi dọc vào Cần Thơ, ngang qua Đà Nẵng, thấy Đà Nẵng thay đổi đến kinh ngạc, nên không ngần ngại giong tay: Yes sir, Đà Nẵng!
Mua đất làm nhà xong, ngày vợ con chưa vào, tôi bật điện sáng trưng ba tầng lầu, đếm hết từng tấm gạch men của ba trăm mét vuông diện tích sử dụng, đi lên đi xuống cầu thang không biết mỏi chân, gọi điện thoại cho con liên tục: “Con ơi, là thật chứ không phải mơ!”. Đến mức con tôi bảo: “Ba biết mấy giờ rồi không”. Nhìn đồng hồ đã 1 giờ 30 sáng. Quê thiệt!
Bạn bè xa đến thăm, hỏi tiền đâu làm nhà to thế này, tôi nói thật mà như đùa, căn lầu nhà tôi đây tính ra chỉ bằng tiền bán diện tích căn phòng ngủ của chính tôi ở Hà Nội, rồi nổ như pháo Nam Ô hồi chưa cấm đốt: “Còn diện tích cái toilet ở ngoải, tôi đủ mua một chiếc ô tô, ngày làm việc, chiều lái xe chở vợ con đi tắm biển hoặc về  phố cổ Hội An uống café”. Mà tôi mần thiệt.
Nói nổ thì cũng nổ , nhưng nói không nổ thì cũng không sai. Cũng chừng đó tiền thôi, ở Hà Nội có chiến đấu cũng đủ mua một căn nhà nhỏ trong ngách sâu, nhưng cũng số tiền ấy ở Đà Nẵng có thể có nhà lầu, xe hơi (nếu muốn), đường sá rộng thênh thang, ô tô đỗ đâu thì đỗ, cần gì phải chiến đấu. Chỉ riêng chuyện vợ tôi cười rinh rích khi thì thầm với bạn gái về chuyện “bất kỳ lúc nào” cũng khỏi “cảnh giác” với con, đã rên như con ốc sên rồi. Thế chẳng ra sống sao?
Bây giờ thì bạn bè có hỏi ở đâu, tôi mặt mày hớn hở, ngực nở đầy rôm, lại giở giọng trọ trẹ ra mà rằng: Bình thường thôi, Đà Nẵng!
Nói theo cách…Đà Nẵng
Một lần lái xe đi Huế, bấm còi mãi, cậu thanh niên đi chiếc honda phía trước vẫn không tránh, người ngồi cạnh bảo: “Anh phải bấm còi... giọng Huế thì nó mới nghe”. Tôi ngẫm câu này mà thấm thía.
Từng nghe “Quảng Nam hay cãi...”, đó cũng là một giọng riêng, nhưng vào Đà Nẵng, nghe một câu có vẻ dân dã hơn: nhiều họng!
Đà Nẵng mới khánh thành Nhà hát Trưng Vương, nhưng từ khi đang xây, người ta đã kể rất nhiều chuyện về nó theo kiểu nói của người...Đà Nẵng, xin chép lại mấy chuyện để..ngẫm cho vui.
Chuyện thứ nhất:
Một anh bạn mặt lạnh như tiền, nói với bạn mình:
-Nguy quá, Total họ đang kiện thành phố mình vi phạm bản quyền.
Anh bạn ngạc nhiên:
-Bản quyền chi?
-Thì đó, nhà hát Trưng Vương làm y mô hình cây xăng của Total chứ còn chi nữa.
Anh bạn nghe chuyện chợt hiểu và thấy mình bị hố nhưng cũng không vừa:
-Ủa, rứa đó họ xây nhà hát hả, lâu nay tao cứ tưởng đập nhà hát cũ để xây cây xăng lớn nhất miền Trung?!
Chuyện thứ hai:
Một người mới vào quán café đã bắt chuyện:
-Qua uống café bên đường Nguyễn Chí Thanh nhưng thấy mấy quán ế òm, buồn phải chạy.
-Ủa, café Trung Nguyên bển đông lắm mà?
-Chừ vắng teo, vì mấy tuyến đường Nguyễn Chí Thanh, Hùng Vương, Lê Lợi .. người ta cấm hút thuốc lá, uống café mà không được hút thuốc chán òm.
-Sao mấy tuyến đường ấy bị cấm?
-Thì gần cây xăng Trưng Vương, hút thuốc có mà hoạ.
       Quanh chuyện nhà hát xây giống... cây xăng, một lần ngồi tán chuyện, nhà báo Trương Điện Thắng đem lý luận về nhà hát ra bình, nào là không gian, nào là kiến trúc, nào là nhà hát phải là biểu tượng của thành phố...Một quan chức nghe chuyện dường như thấy mình bị đuối, nhưng rất...Đà Nẵng, ông phán một câu: “Ai nói đó là nhà hát thành phố, mai mốt xây nhà hát chỗ khác đẹp như ông nói, đây ta làm nhà văn hoá...quận Hải Châu. Nói chi cho lắm!”. Nghĩ đến câu nhiều họng mà hở cả mười cái răng. Hèn chi dân Quảng Nam- Đà Nẵng, ai làm báo cũng tài.
Về Đà Nẵng chơi
Sau bão Langsane ít lâu, bạn mới gọi điện hỏi nhà bị sao không. Tôi giở giọng...Đà Nẵng ra bảo: “Bão Langsane không sao, nhưng cơn bão tài chánh làm tao sắp khánh kiệt rồi”. Bạn hỏi: “Bão tài chánh nào?”. “Nào nữa, hồi trước tao lĩnh lương, ngày mô cũng lo coi dự báo thời tiết để...phơi tiền, sợ mốc; nay tụi bây thấy Đà Nẵng ngon, đứa mô cũng về chơi, ra bắc vô nam ai cũng ghé chơi. Chơi, chơi, chơi...rứa là thành bão còn chi?”. Ông bạn thời mặc quần đùi không vừa: “Mày ở Đà Nẵng người ta mới đến chơi, ở nơi khác ai đến? Lúc đó chỉ lo ngồi phơi tiền còn buồn hơn. Sắp tới nhà tao vô chơi nghen. Nghe nói Đà Nẵng giờ ngon lắm mày?”. Tôi bấm bụng làm sang: “Ngon, Đà Nẵng ngon, còn tao thì ...ngon hơn!” (may mà không nói như người Đà Nẵng: chơi bà lơi xơi!)
Nói bị bão tài chính làm khánh kiệt là một cách nói, còn lo nhất là bão thời gian. Mùa hè đến, bao nhiêu là khách bạn về thành phố này du lịch, tắm biển cũng mát, lên núi Bà Nà cũng mát..nơi nào cũng mát. Vậy là đón, tiếp, tiễn, rồi đón, tiếp, tiễn, rồi đón...Mệt thế nhưng lúc nào cũng phải nở nụ cười cầu tài mới...mệt hơn. Một lúc nào đó mệt vì thiếu thời gian (và sức khoẻ) quá, bèn nghĩ theo cách...nhiều họng: Nếu mình đang ở một nơi không ai để ý thì ai về chơi làm chi, họ đâu có về đó mà đi cày. Nhiều người biết đến Đà Nẵng, ghiền Đà Nẵng họ mới nhớ đến mình, vậy là nhờ Đà Nẵng mà mình..nổi tiếng theo. Coi như lãi!
Đà Nẵng giờ đã là một thương hiệu, biết đâu một ngày đẹp giời nào đó, mình cũng trở thành...thương hiệu! Hic, hicc!
Kinh doanh theo kiểu “mùi ngò gai”

Sống ở Hà Nội, nhắc lại chuyện thời bao cấp, ai cũng rùng mình. Thời bao cấp thì cái gì cũng gắn với hai chữ “quốc doanh”, tóm lại, trong tai mọi người, hai từ này khó lọt.

Thế mà ngày mới từ Hà Nội vào Đà Nẵng, đi trên đường Hùng Vương, bắt gặp một tấm bảng lớn “Bánh mì quốc doanh”,  xung quanh người xúm đen xúm đỏ như cái thời chỉ có quốc doanh, thế mới lạ.
Hỏi ra, bánh mì quốc doanh ở Đà Nẵng là một thương hiệu, đến nỗi, người ta làm giả bánh mì quốc doanh, treo giả bảng hiệu bánh mì quốc doanh.. . Nghe như nghe Go-rơ-bát- cô  kể chuyện trên mặt trăng. 
Bánh mì quốc doanh có ngon không? Ăn thử mới biết, ngon! Vì sao ngon? Nhiều người cảm nhận khác nhau. Riêng tôi thấy nó đủ xốp, đủ chắc, đủ nóng.. .và cầm rất vừa tay (cái này quan trọng lắm!)
Nhưng nghe người ta bảo, quan trọng hơn “cái vừa tay” là bánh mì... thật, làm bằng bột nở thật. Ô hay, bột nở sao còn thật với giả nhỉ, chỉ cần tiêu chí nở là được thôi mà? Hỏi mà không ai đáp, chỉ cười.
Cho đến một ngày, một vị tiến sĩ quen biết ở tận Hà Nội điện cho tôi hay, rất nhiều lò bánh mì bỏ đạm (phân U rê) vào bánh mì cho nó nở toe loe bông bí.
Tôi hoảng hồn, nghi chả nói đùa, chả bảo là phóng viên thì đi làm điều tra sẽ biết. Chết cha tôi rồi, bánh mì là món khoái khẩu tôi thường chén tì tì từ thời ở tận ...Liên Xô. Kiểu này bệnh hoạn là cái chắc. Đêm về lo lắng, cầm lòng không đậu, bèn đem ra kể với vợ, giọng “dịu dàng pha lẫn trầm tư”. Tôi hình dung ra cái kết của kịch bản phim “Ngộ độc” mà tôi định viết (về câu chuyện của chính tôi ăn bánh mì bỏ phân Urê) để bán bản quyền cho các nhà làm phim Hàn Quốc thế này, nghe xong, lòng nôn nao xúc động, nàng ôm ghì lấy chàng như thể sợ buông ra thì chàng biến mất.
Nhưng không, nàng nghe tôi kể xong, phá lên cười hở cả mười cái răng: “Chàng ơi là chàng, cái ngày chàng ở Liên Xô thì phân U rê còn đắt và hiếm hơn mì chính cánh, có đâu mà trộn bánh mì?”
Tôi dị đến đỏ cả cái mặt vốn đã như...mặt trận Ixraen. Nhưng cũng cố chống chế: “Nhưng bây giờ thì đạm Urê rẻ mà?”. Nàng vẫn chưa hết cười: “Giờ thì cái gì mà nó không làm được. Muốn nở cho nở, muốn xẹp cho xẹp. Anh không nghe người ta tổng kết à, chỉ có cháu của bà ngoại là không giả được thôi, còn thì được tất tần tật”.
“Ô hay cái nàng này, sao chuyện bánh mì lại chuyển sang chuyện cháu bà ngoại?”.  “Còn sao nữa, vì con gái bà ngoại mà treo bảng quốc doanh thì chàng có mà..tiêu tán đường!”.
Rồi như sợ tôi hiểu nhầm chủ ý thì to chuyện, nàng nghiêm chỉnh lại nhưng không mất giọng “ngoáy tóc lỗ mũi”: “Cũng là một cách làm lạ đó thôi. Kiểu như mấy ông giờ thích “hương đồng gío nội” thì người ta làm bề ngoài cho ra hương đồng gió nội. Anh đi nhậu hoài không thấy chỗ nào cũng treo bảng Đồng Quê, Hoa Cỏ May, Mùi Ngò Gai... Đồng quê gì mà chai rượu đến 2 tấn lúa, mùi ngò gai quái gì mà toàn tiếp viên xịt nước hoa Nàng Đê-chang-cưm. Kinh doanh mà lại!”
Tôi gật gù thấm ý, đoạn ôm vợ, nịnh một câu y như ca cải lương: “Mùi ngò gai vương vấn của tôi ơi!”.
Nàng làm tôi giật cả mình: “Đóng cửa!”
**
Đoạn thêm:
Trong một entry trên blog, tôi có viết một đoạn vui, giả sử nếu chuyển trung tâm hành chính quốc gia về Đà Nẵng cho nó trung tâm thì có được không? Một bạn đọc chia sẻ: Đó là một ý tưởng ngộ nghĩnh, nhưng giả sử nó xẩy ra thật thì Đà Nẵng sẽ đông nghịt người, ông sẽ lại phải chiến đấu trong cảnh tắc đường, trong nạn chưa mưa đã ngập...y chang...Hà Nội. Lúc đó ông còn đủ yêu thương để viết về Đà Nẵng trên blog mà tôi đang được đọc không? Tôi ngộ ra: Ừ nhỉ, thế thì thôi, cứ để Đà Nẵng là Đà Nẵng vậy!
Box2: Đọc entry viết về người Đà Nẵng, một blogger chia sẻ: “Anh yêu Đà Nẵng một cách thái quá, tôi thấy Đà Nẵng giống món thịt heo cuốn bánh tráng đặc sản vùng này, không ăn thì thèm, ăn vào chóng chán. Trời ơi, “cả thèm chóng chán” là bệnh chung của một nửa thiên hạ mà, sao lại nói Đà Nẵng của tôi! Xin bày cho anh một cách, khi nào chán thịt heo thì anh ăn riêng bánh tráng, chán bánh tráng thì ăn riêng rau sống, chán rau sống thì anh chỉ ăn ớt xanh chấm muối trắng, chán nữa rồi anh quay lại thịt heo... đừng cuốn chung tất cả vào như người ta vẫn làm. Tức là phải làm lạ đi, thế là được. Xin chép tặng anh câu: “Lạ giường được ba, lạ nhà được bảy”. Ba và bảy là gì thì tự suy ra mà biết. OK!



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét