Thứ Ba, 26 tháng 4, 2016

“Đúng quy trình”sao trật đường ray?

Gần đây, một cụm từ trở nên thông dụng và được nhiều người dùng để giải thích một sự cố nào đó vừa xẩy ra: đúng quy trình!
  Chị Trần Thái Hằng, Ủy viên Ban thường vụ Huyện đoàn Đô Lương (Nghệ An),một cán bộ đoàn xuất sắc, bỗng dưng nhận thông báo cho thôi việc vì bị cáo buộc bố có tiền án mà anh thì nghiện ma túy nhưng đã không khai trong lý lịch.
Khi chị Hằng kêu cứu, UBND huyện Đô Lương cho rằng các bước tiến hành thẩm tra dẫn đến quyết định cuối cùng đều “đúng quy trình”. Chuyện đến tai Bí thư Tỉnh ủy, ông cho thẩm tra lại và sự thực cả hai điều trên đều… không đúng. Bấy giờ huyện mới thừa nhận và hứa sẽ bố trí lại công tác.
     Liên quan đến việc một công ty của Trung Quốc được lựa chọn để cung cấp đường ống và phụ kiện với giá thấp hơn 11,8% so với gói thầu được phê duyệt cho dự án nước sông Đà số 2 về Hà Nội, đại diện chủ đầu tư Công ty CP nước sạch Vinaconex (Viwasupco) khẳng định việc lựa chọn nhà thầu Trung Quốc là cả quá trình chứ không phải vì giá thấp. Tức là việc đấu thầu diễn ra “đúng quy trình”.
  Đường nước sạch sông Đà số 2 được khởi công ngày 7.10.2015. Giai đoạn một của dự án hoàn thành năm 2009 với công suất 300.000 m3/ngày đêm. Từ đó, đường ống số 1 đã bị vỡ 17 lần khiến cuộc sống của khoảng 70.000 hộ dân thuộc 6 quận nội thành Hà Nội thường xuyên bị ảnh hưởng. Nguyên nhân ống vỡ được cơ quan chức năng chỉ ra là do Ban quản lý sử dụng chất liệu composite cốt sợi thủy tinh không phù hợp trên nền đất phức tạp. 9 cựu quan chức của Vinaconex vì việc này đã vướng lao lý.
   Hai dự án đường sắt đô thị trị giá hơn 2 tỷ USD tại Hà Nội liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn, sự cố... khiến một người chết, 5 người bị thương và nhiều phương tiện bị hư hỏng.
Dù thi công “đúng quy trình” thì lần đầu, sắt bị tuột khỏi cẩu rơi xuống đường: lần thứ hai sàn bê tông đổ sập:  lần thứ ba là một thanh dầm thép: lần thứ tư là một thanh sắt rơi xuống trúng chiếc xe: lần thứ năm,  chiếc cần cẩu dài hơn 10m  đè lên nhà dân…
  Hàng chục vụ việc người dân phát hiện, làm đơn tố cáo vì không thể chịu nỗi ô nhiễm môi trường từ nước thải của các nhà máy, lần nào cũng được các cơ quan liên quan giải thích là các cơ sở đó được cấp phép và đều xả nước “đúng quy trình”. Phải lao đao lận đận lắm mới “nhờ” được các bên liên quan vào cuộc và sự thực là xả thải sai cho dù làm “đúng quy trình”!
Mới đây nhất, vụ cá chết tràn lan trên biển, người dân nghi vấn nhà máy Forsama Vũng Ánh (Hà Tĩnh) xả thải có độc tố khi họ chôn ống sâu dưới biển, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Võ Nhân Tuấn khẳng định: Đường ống xả thải ra biển của Formosa Hà Tĩnh  đã được cấp phép. Việc được phép lắp đường ống xả thải chạy ngầm với việc nước thải đó có chất gì gây hại môi trường hay không là hai chuyện khác nhau. Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn thì khuyên  bà con: Yên tâm ăn cá, tắm biển Vũng Áng!
 Cuối năm ngoái, dư luận xôn xao về việc 7 lái xe được bổ nhiệm làm Phó chánh văn phòng. Việc bổ nhiệm phó chánh văn phòng của một huyện được thực hiện theo “đúng quy trình”. Thế nhưng, theo rà soát của cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa sau đó, 7 huyện có lái xe được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó chánh Văn phòng Huyện ủy, Ủy ban nhân dân các huyện trong tỉnh, chỉ có hai huyện bổ nhiệm đúng theo quy định về bằng cấp, tuổi là Quan Sơn và Thọ Xuân, còn lại 5 huyện bổ nhiệm sai.  
 Vấn đề được dư luận quan tâm nhất trong thời gian gần đây là vụ khởi tố chủ quán cà phê Xin Chào ở Bình Chánh (TP HCM). Trước đó, cả Công an, Viện kiểm sát huyện này đều cho rằng vụ việc đã được thực hiện “đúng quy trình”, trong cuộc họp báo, đại diện Công an TP cũng bày tỏ quan điểm khởi tố không sai nhưng hơi nóng vội. Vụ việc tuy nhỏ (so với các vụ khác) nhưng ảnh hưởng môi trường kinh doanh và lòng tin rất lớn nên Thủ tướng phải chỉ đạo và cuối cùng Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí yêu cầu Viện trưởng Viện KSND TP.HCM chỉ đạo Viện trưởng Viện KSND huyện Bình Chánh ra ngay quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với ông Nguyễn Văn Tấn, đồng thời tiến hành công khai xin lỗi và bồi thường thiệt hại (nếu có) cho ông Tấn. Theo đó, những người liên quan cũng bị đình chỉ công tác để làm rõ.
Xa hơn tí thì vụ các ông Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén bị hàm oan cuối cùng cũng được trả tự do, công khai xin lỗi và đền bù thiệt hại dù trước đó, công an, VKS, TA… các cấp đều đã xử “đúng quy trình”.
Từ vài vụ việc điển hình nêu trên đặt ra câu hỏi: Vì sao “đúng quy trình” mà vẫn sai (trật đường ray)?
Theo thiển ý của tôi, trước hết, xuất phát từ việc đối xử với người dân “không thân thiện”, muốn thể hiện và khẳng định uy quyền được giao.
Thứ hai, nếu không vì điều thứ nhất, thì do trình độ nhận thức về mặt pháp luật không thông đạt. Thứ ba, là do lợi ích cá nhân.Thứ tư, là thiếu lắng nghe quần chúng và dư luận…
Luật pháp là do con người tạo ra, nó cũng như con người, không thể toàn bích, có thể phù hợp với lúc này mà không phù hợp với lúc khác (thế mới có chuyện sửa đổi, điều chỉnh…): Luật pháp lại do con người thực thi nên dù có đưa ra “quy trình” thì “quy trình” cũng khó chế ngự được con người thực thì vì những điều đã nói ở trên.

Thánh nhân, thiên tài và cổ nhân đều dạy, phẩm chất con người “làm người” trước hết phải trung thực và liêm sỉ là vì vậy! 
NGUYỄN THẾ THỊNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét