Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2017

BÁO CHÍ BÍ ĐỀ TÀI?

Các bạn làm báo cứ than ra tết bí đề tài. Trời đất.
Cứ gắn cái camera trước cúc áo ngực, đến bất kỳ cơ quan công quyền nào, theo chân một người dân đi làm thủ tục gì đó, chắc chắn có một clip hay mà chỉ cần đặt tít, viết câu dẫn, không phải thêm một lời bình nào. Bảo đảm view cao ngất trời.
Mỗi ngày một clip.
Gặp chuyện không tốt cũng hot, gặp chuyện tốt thời buổi này càng hot.
Cao siêu gì cho lắm, cứ cái gì đụng đến dân thì làm, làm thì dân ủng hộ, tin tưởng.
Làm báo xét cho cùng là thế thôi.
(Gặp mấy tay bảo vệ hạnh họe cũng đã hay rồi. Anh nào dắt xe, tận tình chỉ dẫn cho ta càng hay hơn)
***
Clip đính kèm chẳng cần bình luận cũng nói lên rất nhiều điều: Về câu chuyện phóng sinh- Về kết luận của cơ quan chức năng là cá chim này vô hại...http://kenh14cdn.com/57036d4cd2/2015/08/11/4A7p7aa-d21d8.gif

Thứ Năm, 9 tháng 2, 2017

DUYÊN NỢ VỚI SÔNG HÀN


Đừng bắt học sinh nộp lon bia nữa!

Ra tết, vợ chồng người em ở  khu phố Cẩm Sa, P. Điện Năm Bắc, thị xã Điện Bàn, (Quảng Nam) sang nhà hàng xóm xin lon bia cho con để mai nộp cho trường.

Nhà có 3 đứa đang đi học.
Hỏi, vậy sao không nộp tiền, khỏi đi mua?
Trả lời, nhà trường bảo làm thế để giáo dục ý thức cho học sinh.
Nhưng xin hỏi thật: Cái lý nằm ở đâu?
Dù cố tỉnh táo để nghĩ nhưng nghĩ mãi không ra.
Vậy “phong trào kế hoạch nhỏ” này nó có thực sự giáo dục được học sinh không?

Hỏi ra mới hay, đầu tháng mỗi học sinh nộp 30 lon bia, cuối tháng nộp 3 kg giấy báo.
Hỏi, làm sao xin đủ trăm lon bia và chục ký giấy? Phụ huynh bảo xin được bao nhiêu thì xin, còn lại ra vựa chai bao mua lại.
Tôi tưởng chuyện này có từ thời con tôi đi học, nay đã bỏ rồi, ai dè nó vẫn tồn tại, không chỉ ở Quảng Nam mà rất nhiều nơi khác nữa.
Thời con tôi học tiểu học rồi THCS, tôi đã thấy chuyện này không phù hợp, nhiều lần muốn đi họp phụ huynh để ý kiến, nhưng bà xã biết tính tôi nên không cho đi vì… ngại.
Nhưng "phong trào kế hoạch nhỏ" chai bao này tồn tại trong nhà trường lâu như thế, đôi khi tự nghĩ, nó phải có cái lý của nó.

Ở nước ta, người ta vẫn uống bia, thậm chí uống rất nhiều bia, nhưng hầu hết là uống ở quán xá, ở quán thì không thể bỏ túi lon bia mang về.
Nếu tính mỗi nhà có hai con đi học thì làm sao có 60 lon bia, nhất là ở nông thôn, để nộp?
Mỗi gia đình mỗi ngày phải đặt bao nhiêu tờ báo để cuối tháng có 6 kg?

Mang câu hỏi này hỏi nhiều người có con trong độ tuổi đi học, đa phần đều than phiền, cho rằng đây là một “gánh nặng” của gia đình. Vì con họ không thể đi lượm lon bia và giấy báo như lượm chai bao. Đi xin cũng không có mà xin. Rồi hầu hết các em ngại không xin, nhờ bố mẹ làm thay. Việc giáo dục đã không có từ đây.
Bố mẹ xin không được thì tự đi hoặc cho con tiền ra vựa chai bao (đồng nát) để mua về đi nộp cho đủ. Sự dối trá sinh ra từ đây.

Tôi hiểu, “phong trào kế hoạch nhỏ” nhằm giáo dục, trước hết, cho học sinh ý thức được việc tái chế phế liệu, bảo vệ môi trường; tiết kiệm hay gây quỹ từ rác để giúp đỡ bạn nghèo là khâu thứ yếu. Nhưng bây giờ có nhiều nơi, thấy việc nộp lon bia và giấy báo không còn khả thi nên chuyển sang nộp tiền, như vậy mục đích của phong trào đã biến tướng, không còn ý nghĩa ban đầu.

Cần phải nói rằng, “phong trào kế hoạch nhỏ” và một ý tưởng tốt, nhưng phong trào nào cũng có thời điểm của nó, phong trào nào khi thấy không còn phù hợp thì nên thay thế bằng phong trào khác. Ví dụ, bây giờ không ai làm “hũ gạo tiết kiệm” để bớt một bữa một nhúm gạo nữa, cũng không ai duy trì “phong trào học sinh tăng gia sản xuất để tự túc lương thực” vì nó không còn phù hợp.
Vậy thì, khi đã thấy “kế hoạch nhỏ” chai bao gây khó, làm phát sinh sự dối trá cho học sinh và phụ huynh thì nên thay thế nó đi.
Cần phải nói thêm, một xã hội phát triển là xã hội có trình độ phân công lao động chuyên nghiệp cao. Nhà trương có nhiệm vụ truyền tải kiến thức và kỷ năng sống cho con trẻ. Nếu trẻ nhỏ nhận ra bản chất của công việc thì sẽ mất hết lòng tin, sự kính trọng đối với nhà trường, thầy cô vì quy trình thu gom của nhà trường cũng thương mại hóa không khác gì bà ve chai cả. 
Cá nhân tôi thấy ngành giáo dục và hội đồng đội nhà trường đã cạn ý tưởng, vì thế mới duy trì phong trào chai bao này.
Hãy dạy bọn trẻ nghĩ lớn để thành công, đừng dạy chúng đi xin và dối trá.
Còn nếu muốn dạy chuyện nhỏ thì hãy nghĩ ra chuyện khác phù hợp hơn. Ví dụ, dạy học sinh giúp ba mẹ phân loại rác ở trong nhà trước khi đưa ra xe rác, điều mà cả người lớn cũng chưa ý thức được. Như vậy nó thiết thực hơn.
NGUYỄN THẾ THỊNH




BÁO LỚN, BÁO NHỎ


Tôi có ông thầy làm tổng biên tập tờ báo cho đăng biếm họa nhà tiên tri Mohammed và cái đầu của ông từng bị đưa ra treo giải (thầy đứng giữa, trong ảnh). 

Năm trước, ổng sang VN, về chỗ tôi nói chuyện. Lúc đó mới biết ổng đã sang làm Giám đốc Đài truyền hình Quốc gia.
Tôi không rành truyền hình lắm nên băn khoăn, hỏi ổng sao đang yên đang lành bỗng dưng thầy lại sang đài quốc gia? Ổng cười (chắc bụng nghĩ sao mày ngu thế?), rồi giải thích đại ý: Đài truyền hình Quốc gia là đài hoạt động từ tiền thuế của dân nên dân đòi hỏi phải làm hay. Chuyện lễ tân lễ tiếc, hội nghị hội nghiếc, bỏ. Chỉ lấy cái hay làm tiêu chí. Lượng người xem tụt thì lo mà từ chức.
Tôi nghe xong ớ ra.
*
Bèn nghĩ, ở VN, trong lúc một số tờ báo tự hạch toán bị đánh thuế như doanh nghiệp thì cơ quan chức năng lại yêu cầu họ phải tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách theo chỉ đạo, không được nói chuyện này chuyện kia. Làm sao học có thể thực hiện nhiệm vụ “hai trong một” đó được?
Dù khó nhưng vẫn phải làm, ráng để tồn tại.
Các cơ quan báo chí được cấp kinh phí hoạt động đa phần là “hoạt động bí mật”. Truyền hình, nhiều đài bao cấp vẫn rầm rộ ra đời và… sống khỏe, bất chấp lượng người xem.
*
Khi các tờ báo gọi là lớn khó khăn thì đó là cơ hội cho các tờ báo mạng, các trang mạng, tạm gọi là “báo nhỏ”.
Từ hoạt động thực tiễn, tôi thấy, nhiều cuộc hội nghị, hội thảo, khai trương, khánh thành (có nhiều dự án lớn có tác động đến xã hội) họ không mời các báo lớn vì rất khó đưa cho họ một cái tin, trong lúc, các tờ báo nhỏ lại có thể tin ảnh, thậm chí cả bài dài nhiều ảnh…
Nhiều chuyện báo lớn không đăng (vì nhiều lý do) thì báo nhỏ vô tư. Đăng lên, bị nhắc nhở thì gỡ xuống nhưng cư dân mạng đã nhanh tay sao chép lại và lan truyền chóng mặt. Cứ bài bị gỡ lại hot. Gỡ nhiều tiếng tăm của tờ báo càng nổi.
Từ đó các tờ báo lớn vô hình trung nhường vị trí cho các tờ báo nhỏ.
Vì thế, tờ báo lớn hay nhỏ, theo tôi, phải định nghĩa lại ở mức độ lan truyền của nó. Có tờ báo in ra không ai đọc sao có thể là báo lớn? Gọi đúng ra là tờ báo tiêu tiền lớn.
*
Bộ TT-TT dạo này mạnh tay xử phạt, nhưng hầu hết xử về chuyện ít nhiều liên quan đến chính trị, trong lúc tin tức nhảm nhí phải nói là làm lùn văn hóa của một thế hệ thì nhan nhãn như nấm sau mưa.
N:Phiều trang mạng mang tên các vị chức sắc cao cấp vô tư đăng tải chuyện thâm cung bí sử, thậm chí dựng chuyện vu khống, hạ bệ người khác thì chẳng biết ai mà phạt, cũng không (hoặc không thể) chặn được nó. Mà nó lại được đọc nhiều nhất. Nó trở thành báo lớn.
“Nắm thằng có tóc không nắm thằng trọc đầu” là đây!
*
Trước đây, có trào lưu PV trong hệ thống bao cấp chạy đi làm báo kinh doanh thì nay ngược lại, vì làm báo bao cấp an toàn hơn (về thu nhập).
Cái này ngược với quy luật thị trường.
Chuyện thầy tôi đang làm báo tư nhân về làm đài quốc gia khác xa chuyện các PV quay về báo bao cấp. Ở chỗ, nhà nước của họ tôn trọng quy luật của thị trường: Cạnh tranh.
Không phải như báo lớn của ta, họ chỉ cạnh tranh trong cách viết: Bí thư Huyện ủy trở lên thì Bí thư viết hoa; bí thư Đảng ủy Xã trở xuống thì bí thư viết thường.
Cách quản lý báo chí "có gì đó sai sai".
NGUYỄN THẾ THỊNH