Thứ Năm, 15 tháng 6, 2017

CÁN BỘ Ở ĐÂU TÀI NHẤT THẾ GIỚI?

Cách đây vài năm, hay tin Hà Nội đưa ra kế hoạch phải phổ cập tiến sĩ cho cán bộ lãnh đạo, tôi thấy hơi lạ, nhưng nghĩ, chắc mình chưa đủ trình để hiểu hết chiến lược của đất nước mà Thủ đô là tinh túy nên im im lặng chờ xem đặng mở mang tầm hiều biết.
Thế rồi thấy tỉnh thành nào cũng có chủ trương chiêu hiền đãi sĩ. Trong đó giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ… là đối tượng được ưu tiên nhất. Cũng hơi lạ, vì không biết giáo sư họ về tỉnh thì sẽ làm gì, chẳng lẽ dạy THPT?
Thế rồi đọc công văn của văn phòng tỉnh nọ gửi cho các ban ngành, huyện thị yêu cầu khi giới thiệu phải giới thiệu đủ chức danh, học hàm, học vị… của vị bí thư , thế này: Xin trân trọng kính giới thiệu, đồng chí Phó giáo sư, tiến sĩ, nhà giáo ưu tú… Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND… Trong mỗi cuộc họp, khi nhắc đến đồng chí đó, ai nấy đều kính thưa như trên. Lúc đó mới hiểu hơn chút đỉnh.
Mấy lần đi bầu cử, đọc lý lịch các ứng cử viên, hóa ra họ đều là tiến sĩ, mèng cũng thạc sĩ… lúc nào mình cũng không hay. Cứ thắc mắc hoài, sau khi học 12 năm phổ thông, 4 năm đại học, họ đi làm việc. Rồi họ phải học 1 năm quản lý nhà nước, 2 năm cao cấp (hoặc cử nhân chính trị), rồi chương trình chuyên viên chính mới làm được lãnh đạo. Ngày nào cũng thấy họ họp hành, lên tivi, không biết họ học lúc nào để lên tiến sĩ (ít nhất thạc sĩ 2 năm và tiến sĩ 3 năm). Ấy là chưa kể phải đạt trình độ ngoại ngữ theo yêu cầu mới được học lên cấp 5 cấp 6.
Thật tài tình.
Thế rồi thấy các đồng chí học chuyên ngành này lại làm chuyên ngành khác như tiến sĩ Kỹ thuật, Thạc sĩ chuyên ngành Thuỷ lợi, Kỹ sư chuyên ngành Đường ô tô phụ trách tuyên giáo; học Sư phạm phụ trách du lịch; học Công đoàn phụ trách văn hóa; học văn chương làm bí thư tỉnh ủy; học Văn hóa phụ trách công thương, chưa viết cái tin nào thì làm sếp báo… Hóa ra, học bất kỳ ngành gì nhưng sau đó học xong trường Đảng thì làm gì cũng được.
Vậy sao ngay từ đầu không tuyển sinh học sinh vào học trường Đảng luôn cho tiết kiệm thời gian?
Chưa hết, trước khi làm trưởng các ngành đó, các đồng chí này đều được luân chuyển cán bộ, về làm bí thư, chủ tịch các quận huyện, có khi vài quận huyện. Chạy như chó đạp lửa mà vẫn nắm được tình hình, chỉ đạo, lãnh đạo xuất sắc thì là thiên tài.
Tôi chỉ làm cái chức trưởng văn phòng của một tờ báo mà ngoài học hết các lớp bồi dưỡng chuyên môn về báo chí, quản lý báo chí (trong, ngoài nước) còn phải học về kinh tế báo chí… toét cả mắt, sáng sớm tinh mơ phải thâm nhập thị trường, phải suy nghĩ, phải ứng phó… mà còn vất vả mới gọi là hoàn thành nhiệm vụ, huống chi các đồng chí đó kiêm nhiệm thêm một mớ chức vụ, mới thấy các đồng chí cán bộ của ta tài năng vô cùng tận.
Đến đây sẽ có người lập luận, vậy thì Obama, Trump… học gì mà làm tổng thống? Tôi không biết rõ, nhưng chắc chắn các ông đó không học trường Đảng.
Nói cho vui thôi, chứ mỗi chế độ khác nhau người lãnh đạo khác nhau, chế độ phổ thông đầu phiếu là do cử tri chọn, họ chọn người xuất sắc nhất, hội tụ khả năng để cầm lái đất nước trong thời kỳ đó, họ tranh cử công khai, mà mỗi khi quyết định ra tranh cử, họ đều là những người tiếng tăm, họ đã phải học hết sách chứ không phải chuyện đơn giản. Có điều khác biệt là họ ít bằng cấp hơn cán bộ VN.
Trump nếu nộp đơn thi công chức Việt Nam ông sẽ nhận được câu nổi tiếng mà ông vẫn thường nói (trong chương trình The Apprentice) : "You're fired" (Bạn đã bị sa thải) mà… từ vòng gửi xe.
Cán bộ VN làm gì cũng được, chỉ nhiệm vụ chính là quản lý thì cũng làm được nhưng...không đúng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét