Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

Chiếc cầu Định Mệnh (5)


10/19/2011 09:29 am
Hồi tui làm Thư ký Tòa soạn Báo Quảng Bình, anh Nguyễn Thế Tường nhắc, mày muốn tồn tại thì "chó đừng oai hơn chủ". Khi đó, anh Doãn đã là sếp lớn, một sếp khác mới lên. Người ta đến báo chỉ hỏi tôi nên anh Tường mới nói thế.
Nghe câu đó thoạt đầu tôi cũng điên, nhưng nghĩ lại, anh Tường có hơi quá lời nhưng có lý.
Ông tổng mới của tôi nhanh chóng bị thay, một sếp mới nữa về. Sếp mới nhìn tướng tá nhưng rất dễ chịu. Ổng làm hai việc chưa ai từng làm, một là, hỏi thẳng từng người trong chi bộ vì sao không kết nạp tôi vào Đảng; hai là, kết nạp Đảng tôi. Đó là một buổi lể kết nạp rất vui, khi hô chào cờ chào, anh Lợi phụ trách bấm bài Quốc ca ấn nút catsete, và tiếng loa vang lên: Làng quan họ quê tôi, tháng Giêng vui hát hội....
Ổng tổng càng giao việc cho tôi tôi càng sợ và bắt đầu nhớ lời anh Tường để cẩn thận hơn.
Năm đó dự thi Hội Báo Xuân của Hội NBVN tổ chức tại Hà Nội, báo tôi được luôn hai giải, trình bày bìa và xã luận. Sếp tôi rất thản nhiên nhận luôn tiền thưởng cả hai giải. Một số công thần của báo nằm trong nhóm quyền lực không tiếc lời ca ngợi bài xã luận sắc sảo của sếp. Tôi cười cười, không hề hé răng, nghĩ, như vậy chủ đã oai. Nhưng người đánh máy thì hồn nhiên cãi lại, tôi bảo, em im miệng, không thì toi cả nút. Nhưng mà ông sếp tôi sau đó cười cười, nói mần rứa cho mi đỡ ra cho rồi. Té ra ông cũng biết.
Anh Tường còn dặn tôi, mày viết cái gì cho sếp cũng phải giả vờ sai mấy chữ cho ổng sửa cho ổng sướng. Cái ni thì tôi không làm được. Với lại, ông sếp này rất vui, tui đưa cái chi ổng cũng nói, tự quyết định đi.
Ông sếp thứ ba này cũng nhanh chóng bị điều chuyển về lại vị trí cũ do cận ngày đại hội Đảng bộ tỉnh thì có đơn kiên rằng ổng không phải con...ba ổng, có đơn chưa giải quyết nên người khác điền tên ứng cử, thành một sếp mới. Và tôi quyết định "cho thằng lùn nhảy trang". Đó là quyết định khó khăn nhất mà tôi tôi có: Đi khỏi Báo Quảng Bình. Quyết định hay định mệnh? Có lẽ định mệnh sinh ra quyết định.
Tôi từng nói, trong báo chí, đối với quyền lực thì cho dù bạn có đấu tranh bằng phương pháp nào cũng không thể chiến thắng, kể cả bạo lực cách mạng, điều Lê nin từng dạy (mà ta không thể ứng dụng trong báo chí). Sau này ở nhiều nơi, biết nhiều chuyện, tôi mới ngộ ra, phàm trong cơ quan báo chí nào cũng có những nhân vật bản sao của ông Quyền Lực dưới nhiều hình thức, đó là một hiểm hoạ mà ta phải sống chung và chịu đựng, không chịu đựng được mà bỏ đi là thì là thất bại. Và chúng ta nên nhớ một điều, đừng thất bại trước những con người như thế. Nhưng tôi đã bỏ đi, đi không phải vì thất bại. Tôi không sợ quyền lực nhưng không thể chung sống với những người nhôm nhựa tự cho mình quyền lực bằng biểu quyết số đông với một người sếp đương thời rất sợ số đông.
Nhóm gọi là quyền lực đó được sủng ái chỉ do những chuyện như thế này: Có hôm chúng nó đi đâu về nói với sếp, tôi vừa ngồi trên xe Minh (ông này là Phó bí thư Tỉnh ủy), Minh khen anh lắm, nói thằng đó được, thằng đó được. Thằng đó tức là sếp tôi. Chỉ thế là sếp sướng ngất ngây mấy ngày liền.
Thời sếp này tôi lần đầu tiên trong đời bị kỷ luật khiển trách trong chi bộ; theo nguyên tắc thì khiển trách cấp chi bộ thì không ghi lý lịch. Nhưng khi tôi sang Báo Thanh Niên, phát hiện lý lịch ghi kỷ luật khiển trách, lý do: mạt sát tổng biên tập.
Thực ra chỉ có sếp mới mạt sát lính, còn lính có chăng thì hỗn với sếp. Dùng từ mạt sát trong trường hợp này là không đúng. Sự thật tôi chỉ nói một câu, câu đó chỉ một chữ, đằng sau có chấm dấu than. Không tiện nói ra nhưng có lẽ cũng nhiều người đoán được chữ đó là chữ gì.
Đến giờ tôi vẫn không quên anh Lại Thế Ái. Nói không quên là không muốn quan trọng hóa vấn đề lên, như thế thành ra không thấu tình với anh Ái. Trước anh làm Chủ tịch Công đoàn ngành Giao thông, cộng tác với nhiều báo, sau không hiểu sao lại chuyển sang làm Phó chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh và sinh hoạt cùng chi bộ với tôi. Anh hiền lành, chất phác, bình thường nói năng không hoạt khẩu nhưng vào cuộc họp, bao giờ anh cũng phát biểu sau cùng, rất ngắn nhưng có thể thay đổi cả thế cờ bày sẵn. Anh nói có viện dẫn điều này điều nọ, chết lý ở mức độ cấm cãi.
Nhà thơ Nguyễn Văn Dinh cũng là người tôi rất tôn trọng. Càng về những năm sắp về hưu, tính ông bỗng nhiên đổi khác. Từ một người rất bảo thủ trong nhóm quyền lực, ông bỏ nó để thành con người biết lắng nghe, như câu ông thường nói "phải trái phân minh, nghĩa tình trọn vẹn".
Đó là nói về lớp người lớn tuổi trong báo, còn bọn trẻ thì công bằng mà nói, đứa thích tôi nhiều hơn đứa ghét. Mà lạ, sau ni cũng thế, tôi chỉ chơi được với bọn trẻ thôi. Có lẽ vợ tôi nói đúng, tôi mãi là đứa trẻ con nhiều tuổi. Điều đáng nói là lớp trẻ chưa bao giờ là lớp quyền lực ngoại trừ duy nhất anh bí thư chi đoàn lúc đó. Nói lúc đó là vì sau đó, anh này cũng hết thời trở nên vất vưởng.
Tôi khăn gói ra Tòa soạn Hà Nội, tí tởn với suy nghĩ một chân trời mới đang mở ra cho nghề nghiệp của mình....
Hà Nội là...định mệnh? (Còn tiếp)  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét