Thứ Tư, 16 tháng 8, 2017

HỌC SƯ PHẠM ĐÃ LÀ... DŨNG CẢM!

Nói dũng cảm là vì các ngành khác học ra không làm thầy thì làm thợ, ngành sư phạm thì không thể làm thợ, có chăng thì làm... thợ may ở các khu công nghiệp.

Dân tình sôi sùng sục sau những phát biểu ất ơ của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ. Mình là người không rành về giáo dục cũng thấy rất là lạ. Ông chỉ nói được một ý đúng, "ngành sư phạm không cần giỏi, ví dụ giáo viên mầm non chỉ cần múa hát" (cũng như quan chức thì chỉ cần chạy chọt là xong.  )
Cả nước đang thừa 26.000 giáo viên mà ông cứ cho mở trường và tăng chỉ tiêu tuyển sinh năm sau cao hơn năm trước. Điều đó có bất hợp lý không? Quá bất hợp lý. Ông có thấy không? Quá rõ. Nhưng vì sao vẫn làm? Cái này chịu.
*
Nếu chưa thể cùng một lúc làm lại kế hoạch đào tạo và sử dụng nhân lực trình độ đại học thì trước hết hãy làm riêng ngành sư phạm đi.
Việc cân đối đầu ra đầu vào, lập lại bản đồ về giáo dục có lẽ không khó đến mức VN không ai làm được.
Bộ đã từng chi hàng trăm tỉ cho những dự án không ứng dụng được tại sao không làm dự án này?
Bộ chỉ cần cung cấp dữ liệu để các cá nhân làm dự án, không cần đầu tư trước, ai bảo vệ thành công, nhận 1 tỷ thôi, bảo đảm chỉ cần 3 tháng, có người làm được.
Nếu cứ đào tạo tràn lan thế này vừa tốn ngân sách, vừa sinh ra một lớp "giáo viên điểm sàn" thì quá nguy!
*
Tôi thấy, không cần miễn học phí cho sinh viên sư phạm như ông Nhạ nói trong điều kiện ông đề ra mà nên cắt nó đi. Tập trung các nguồn kinh phí:
- Từ cắt giảm chỉ tiêu các trường công mà nhà nước phải chi ngân sách
- Từ nguồn học phí lâu nay nhà nước trả.
- Nguồn các dự án vô bổ.
Từ đó bảo đảm thí sinh thi vào sư phạm ra trường có việc làm ngay. Cùng với đó tăng lương cho giáo viên hơn các ngành khác một chút.
Người giỏi không đua vào sư phạm mới lạ.
*
Việc tuyến thí sinh cũng phân bổ theo nhu cầu của từng địa bàn để họ có sự gắn bó.
Có một thực trạng là lâu nay, cứ đến mỗi dịp kết thúc năm học cũ, các Phòng GD lại sử dụng chiêu bài "luân chuyển giáo viên", có khi thật nhưng cũng rất nhiều khi "rung cây nhát khỉ", làm cho giáo viên ôm tiền chạy cuống cả lên. Họ đã nghèo lại còn gặp eo. Cái này có lẽ là khổ nhất.
*
Việc lập lại kế hoạch không chỉ trong đào tạo mà cả việc phân bổ trường cho hợp lý để phụ huynh khỏi phải chen chúc mỗi khi xin cho con đi học đôi khi chỉ cần trường tiện đưa đón. (Ví dụ các khu công nghiệp có nhiều công nhân cần tăng nhiều trường hoặc tăng quy mô trường).
*
Chúng ta lo ngại, thậm chí mỉa mai về chất lượng "giáo viên điểm sàn" nhưng tôi nghĩ, thời buổi này mà em nào thi vào sư phạm đã là... dũng cảm. Nếu không dũng cảm thì đã hết đường, chỉ chờ vào sự hên xui, nghĩa là họ đánh cược cuộc đời mình với... ông Nhạ. Gia đình lại chuẩn bị cầm cố nhà cửa, ruộng đất để chạy chọt cho con một cái hợp đồng chỉ để mỗi tháng đủ tiền xăng xe. Nói thế là vì các em thi vào sư phạm hiện nay đa phần là con nhà nghèo, chọn sư phạm là để không phải đóng học phí.
Thầy cô có thể toàn tâm toàn ý, thanh thản để dạy dỗ học sinh những điều phụ huynh mong muốn khi bản thân họ nơm nớp nỗi lo luân chuyển mỗi mùa hè đến và khi chính họ đã phải luồn cúi chạy chọt cửa sau?
Nhưng phải cái, quan chức giáo dục từ đó mà giàu, rất giàu!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét