Thứ Hai, 28 tháng 9, 2015

Đại gia đình Thanh Niên

Ngày 26.9.2015, Báo Thanh Niên của chúng tôi chuyển từ 248 Cống Quỳnh, Q1 sang trụ sở mới số 268-270, Nguyễn Đình Chiểu, Phường 5, Quận 3, TP.HCM. Tuy khác quận nhưng chỉ cách nhau một đoạn đường.
Ngày 3.1.2016 tới đây, Thanh Niên tròn 30 tuổi.
Bây giờ đại gia đình Thanh Niên đã có 520 người, nhiều thứ đã khác trước, ví như trụ sở lớn hơn; tổng quỹ lương, tiền thưởng hàng năm đã nhiều hơn rất nhiều, nhưng câu chuyện tôi viết (đăng trên Thanh Niên) cách đây 8 năm đọc lại thấy xúc cảm vẫn tràn đầy.

Cám ơn đại gia đình Thanh Niên, nơi tôi đã gắn bó 20 năm và có nhiều trải nghiệm thú vị.
CÂU CHUYỆN NHỎ CỦA TÔI
01/03/2009 10:01 am
Hôm nay ngày 3.1, kỷ niệm 23 năm Báo Thanh Niên đồng hành cùng bạn đọc, tôi viết lại câu chuyện nhỏ này.
Quê tôi ở làng Lộc An, một làng quê nhỏ bé và nghèo nhất tỉnh Quảng Bình, cũng có nghĩa là nghèo nhất nước.
Tuổi thơ của tôi bị ám ảnh cái đói. Vì thế 17 tuổi, tôi chích máu viết đơn vào bộ đội, nghĩ mình đói là do bọn đế quốc sài lang, phải đánh nó để được no.
Đánh xong bọn sài lang vẫn đói, bèn đi học, làm báo, phấn đấu cho sự tiến bộ xã hội. Xã hội tiến bộ ắt mình được no. Tôi nghĩ đơn giản thế thôi!
Hết đói lại chuyển sang khổ, luẩn quẫn mãi, cho đến một ngày được về làm Báo Thanh Niên, cho đến một ngày khác, được trả một mức lương mà cái thằng ăn khoai sống, đi chăn trâu cắt cỏ lúc đó có là tôi có mơ trở thành nhà văn để viết truyện viễn tưởng cũng không thể nghĩ tới. Nhờ đó nuôi được gia đình, giúp được hai bên nội ngoại ở cái vùng quê nghèo khó của tôi như bây giờ.
Một hôm, một nhân viên mới được tuyển ở Văn phòng đại diện Báo Thanh Niên tại miền Trung nhận tháng lương đầu tiên, cẩn thận và trân trọng bỏ vào phong bì mang về cho ba mẹ. Ba mẹ người này cầm nguyên phong bì đến hỏi xem tôi có nhầm không. Khi biết không nhầm, ông này bảo: “Tôi làm công chức 30 năm cũng chưa một lần nhận được tháng lương như thế này, nếu không nhầm thì đây là một sự tiến bộ xã hội lớn nhất, cụ thể nhất mà tôi chứng kiến”.
Người ta bảo tiền không quan trọng, tôi nghĩ cũng đúng, nhưng quan trọng là không có tiền. Gần 500 người, 500 gia đình sống ổn định bằng đồng lương chân chính của mình (chưa kể hàng nghìn đại lý và quầy bán báo) thì đó, với tôi, là câu chuyện vĩ đại.
Tôi là người vào báo sau, được hưởng thành quả của các anh chị đi trước xây dựng lên từ hai bàn tay trắng nên càng thấu hiểu hơn công lao vô bờ bến của họ.
Họ đã làm nên một giấc mơ có thật, và hơn cả giấc mơ.
Nhưng chưa hết.
Trong lúc mọi người lo lắng, trăn trở vì ở chỗ này chỗ khác người ta chạy chọt để có một chỗ làm. Đi làm rôi thì chạy chọt vào vị trí này vị trí nọ...thì tôi được sống và làm việc ở một cơ quan mà không phải cấp dưới nịnh sếp mà sếp lại... “nịnh” cấp dưới của mình. Chuyện viễn tưởng nữa ư? Không! Đây là chuyện thật.
Mỗi lần Tổng biên tập Nguyễn Công Khế ra Đà Nẵng, anh bảo tôi mời cho được vợ tôi đi ăn cơm. Tôi đơn giản bảo thôi. Nhưng anh nói: “Ông phải mời cô ấy đi để tôi cám ơn cô ấy, nhờ có cô ấy mà ông làm việc tốt như thế. Ông phải để tôi cám ơn cô ấy...”.
Mình không thể không làm việc tốt khi nghe những lời như thế.
Đó là điều trước đây tôi chưa từng mơ tới.
*
Có một chuyện vui thế này: Một lần anh Phó tổng biên tập, người thường ký các quyết định tiếp nhận phóng viên và CB-CNV, đi trong thang máy chung với nhiều người. Mấy phóng viên trẻ hỏi anh: “Chú ở ban nào?”. Anh đáp: “Chú chẳng ở ban nào hết”. Mấy phóng viên nói thầm với nhau: “Chắc chú ấy làm bảo vệ cơ quan”.
Một lần khác, Tổng biên tập thấy có một cô gái cao ráo, xinh đẹp đứng trước sân cơ quan, hôm đó gặp mặt các ca sĩ và người mẫu làm Duyên dáng Việt Nam, anh bảo: “Em lên đi, gặp mặt ở hội trường tầng 4”. Cô Hồng Hạnh, lúc đó làm trưởng Văn phòng đại diện Đồng bằng sông Cửu Long mới bảo: “Đó là nhân viên văn phòng của em mà anh”. Anh cười: “Thế à, tưởng là người mẫu đến họp!”
Chứng kiến chuyện này, nhiều người cười quá trời. Người ta đi xin việc phải mòn đường chết cỏ, mình vào làm việc rồi lại tưởng người ký quyết định tiếp nhận mình là chú bảo vệ cơ quan, lại tưởng nhân viên của mình là người mẫu. Nghe như là chuyện bịa. Nhưng qua đó để thấy một điều, tờ báo phát triển quá nhanh, nhân sự cũng theo đó mà phát triển, chuyện tiếp nhận ai cũng theo quy trình chung, lấy năng lực làm trọng, không cần cầu cạnh, xin cho. Chuyện này với tôi cũng là chuyện lạ.
*
Cách đây ba ngày, ngày cuối cùng của năm 2008, và chỉ còn 3 ngày nữa kỷ niệm 23 năm Thanh Niên ra số đầu tiên, tại hội trường Báo Thanh Niên 248-Cống Quỳnh, TPHCM, lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi chứng kiến cảnh những người đàn ông mặt mày từng trải có, kiêu bạc có, hùng dũng có, thư sinh có, râu ria có, “hầm hố” (như tôi) cũng có...đã bật khóc nức nở khi chia tay người tổng biên tập đã gắn bó với tờ báo từ khi khai sinh. Một đồng nghiệp đàn anh của tôi nói rằng: “Mỗi năm, đến ngày cuối cùng của năm cũ thấy có một cái gì đó man mác buồn. Nhưng nếu ai hỏi tôi ngày cuối cùng của năm cũ nào buồn nhất, thì cho đến sau này tôi vẫn nói đó là ngày hôm nay”.
Vẫn biết chuyện đi ở là chuyện của cuộc đời, có điều tự hỏi, vì sao những người đàn ông phải bật khóc, âu đó cũng là chuyện của cuộc đời, nhưng là một chuyện hiếm hoi. Có lẽ nó được tích lũy bằng những câu chuyện nhỏ lan man mà tôi kể ở trên. Những câu chuyện nhỏ không phải ai cũng làm được, không phải ở đâu cũng có...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét