Thứ Năm, 20 tháng 7, 2017

"NGÁO ĐÁ" QUYỀN LỰC


Vụ việc bà Lê Mai Trang, Phó chủ tịch UBND Q.Thanh Xuân (Hà Nội) đi ăn trưa đỗ xe trước quán cà phê sinh ra cự cãi và được cho là đã “điều chủ tịch và Công an P.Thanh Xuân Bắc ra trông xe” chưa lắng xuống thì xảy ra vụ việc thứ hai gây ồn ào không kém.
Đó là khi tổ công tác CSGT Công an Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ xử lý vi phạm giao thông thì người ngồi trên ô tô là trung tướng Võ Văn Liêm, nguyên Phó chính ủy Quân khu 9, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quân ủy T.Ư (Bộ Quốc phòng, hiện đang chờ nghỉ hưu), lớn tiếng thóa mạ.
Trước hết nói về vụ “đỗ xe ăn bún”.
Xem đi xem lại clip được dẫn trên mạng thấy rằng, chưa nói chuyện chiếc xe chở bà Trang dừng đỗ trước quán mà ngay đầu ngã ba đường là đã sai, cho dù bà vẫn khăng khăng tuyến phố đó không có biển cấm đỗ xe. Vì clip không nghe lời thoại nhưng việc một người không đội mũ bảo hiểm đi xe máy, được cho là chủ tịch phường và một anh Công an P.Thanh Xuân Bắc lập tức có mặt thì dường như đã có cuộc điện thoại “giải cứu”. Người bình thường chứng kiến cũng thấy rõ ràng những người tham gia đã hành xử dựa vào và lạm dụng quyền lực.
Nói thế là vì, quan sát thì thấy, tuyến phố đó không nhiều người, còn nhiều chỗ đỗ xe. Khi bị chủ quán cà phê phản ứng, thay vì lên xe tìm nơi đỗ khác chỉ mất vài phút thôi thì bà phó chủ tịch quận và bạn mình cứ “kiên gan” như thể thách đố.
Có thể chủ quán cà phê “tinh tướng” gì gì đi nữa, thì trên cương vị lãnh đạo, xét về mọi nhẽ, bà Trang không nên hành xử như thế.
Tướng Liêm có thanh minh trên báo chí về nguyên nhân ông lớn tiếng nhưng vẫn thấy không có lý. Một vị tướng từng kinh qua trận mạc, giữ nhiều cương vị quan trọng, hơn ai hết, ông phải hiểu cho những người thi hành công vụ, ở đây là CSGT.
Nếu tướng Liêm xuống xe, đưa giấy tờ rồi nói đôi lời với những người làm nhiệm vụ, đồ rằng có đến 99% khả năng vụ việc được bỏ qua hoặc trở nên cực kỳ đơn giản. Nhưng ông đã lớn tiếng, không những thế còn thách thức đòi cách chức người này người nọ (mà thực tế ông không thể) làm câu chuyện trở nên ồn ào và người dân không chấp nhận được.
Hồi tháng 3, câu chuyện bà Phạm Thị Minh Hiếu, Phó giám đốc Sở Tư pháp Bình Thuận bẻ hoa anh đào lan truyền trên mạng xã hội. Điều đáng trách là khi người có ý thức can ngăn thì bị bà vặc lại: “Em là ai mà có quyền nói chị vậy?”.
Nghe qua câu nói cũng thấy sự hống hách của một con người cậy quyền.
Tôi đồ rằng, đó chỉ là một vài vụ việc được người dân dùng phương tiện ghi lại, còn trong đời sống, chuyện cậy quyền cậy thế có thể nói không ngoa, như một căn bệnh kinh niên.
Không chỉ người có quyền cậy quyền mà nhiều người dựa thế cậy quyền. Chuyện chúng ta thường thấy là khi đến làm việc ở đâu đó, nhiều người không tuân theo quy định, cứ một mực rút điện thoại ra điện cho sếp của họ như để dằn mặt và đôi khi cũng chỉ để… cho oai.
Rất nhiều người không có chức phận gì nhưng dựa vào sự quen biết mà đe nẹt người khác. Một người lái xe của văn phòng ủy ban hay tỉnh ủy cũng biến thành một “ông trời con”. Dân gian gọi nôm na là “cứt cọp”.
Nói là bệnh bởi vì, kể cả anh bảo vệ trật tự, anh giữ xe, anh bảo vệ cơ quan… hễ cứ được giao quyền thì tinh tướng, cậy quyền liền. Thay vì họ nhắc một bà bán hàng xén ngồi vỉa hè đi chỗ khác thì họ hất tung cả gánh hàng người ta lên, mà người đó có thể già như mẹ, như bà mình.
Dân gian có câu: “Một điều nhịn chín điều lành” nhưng xem ra không ai nhịn ai. Nó nguy hiểm ở chỗ thành thói quen, quen lâu thì thành tính cách, tính cách rồi thành văn hóa.
Không có một xã hội nào dung nạp văn hóa “ngáo đá” quyền lực!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét