Thứ Năm, 4 tháng 4, 2019

Trò chuyện vơi người trẻ (No1): ĐỪNG CHẾT VÌ ẢO TƯỞNG!


Những gì tôi viết sau đây là nói về số đông, không nói cá biệt. Các bạn trẻ đừng lướt, hãy dừng lại vài phút để đọc nó.
THÀ SAI LẦM TRÊN ĐƯỜNG ĐI CÒN HƠN LẠC LỐI
Hầu hết các bạn trẻ bây giờ mơ ước: Học xong đại học sẽ có việc làm. Người mơ ước có một biên chế, từ đó sẽ tiến thân trên chốn quan trường, lấy chức vụ làm thước đo của sự thành công. Một nhóm khác, mơ ước làm kinh tế, trở thành ông chủ, lấy quy mô của sự phát triển công ty, tập đoàn mình làm mục tiêu. Nhóm thư ba, có lẽ ít nhất, chỉ mơ ước có một cuộc sống bình thường.
Cả hai hướng đi đó đều không có gì sai, và, đó cũng chính là mong muốn của phụ huynh. Nhóm thứ ba thường không được người đời đánh giá cao. (Tôi lại thấy làm được người bình thường đã là... vĩ đại).
Cựu bí thư Thành ủy Đà Nẵng, trong một lần nói chuyện với đoàn viên, thanh niên đã khuyên: “Các anh chị phải có mơ ước để trở thành bí thư, chủ tịch TP chứ đứng cam chịu làm đoàn viên mãi”.
Câu này có tác động lớn đến giới trẻ vì họ nhìn lại, toàn thấy lãnh đạo xuất thân từ cán bộ đoàn.
Nhưng lời khuyên này quá phi lý, vì TP chỉ có một bí thư và một chủ tịch. Khuyên thế chúng nó không choảng nhau để tranh giành mới lạ.
Còn hiện thời, lãnh đạo nước ta, trong mọi cuộc nói chuyện, đều kích thích thanh niên trở thành ông chủ.
Cả hai việc đó đều rất khó. Để trở thành lãnh đạo, có nhiều tố chất mà người thông minh, bản lĩnh cũng khó có được, và nếu không có thì đã mất đi yếu tố “cần và đủ”. Chuyện này chúng ta ngầm hiểu với nhau vì ai cũng biết đó là cái gì.
Còn trở thành ông chủ, ước mơ thì không đánh thuế, nhưng nó thực sự khó khăn, kể cả ông chủ bán trà sữa vỉa hè. Sự ảo tưởng ở đây là ảo tưởng biến thanh niên cả nước thành ông chủ, cả lãnh đạo và thủ lĩnh, không ai khuyên họ phải thành người làm thuê giỏi cả.
Nhưng trở thành quan chức tử tế hay người chủ giỏi, trước hết phải biết mình là ai.
Biết mình là ai thì mới chọn được con đường đi đúng. Và thà sai lầm trên đường đi đúng còn hơn là lạc lối.
Chọn làm ông chủ có thể bị lạc lối nếu làm thuê thì giỏi hơn, làm thuê mà nhiều người cầu cạnh.
HÃY TÌNH NGUYỆN CHO... CHÍNH MÌNH TRƯỚC!
Tôi từng làm ở một tờ báo của giới trẻ, trong rất nhiều năm, đã tham gia cổ súy phong trào thanh niên tình nguyện. Cái đó không có gì sai nhưng nó chỉ có giá trị ở một thời điểm lịch sử cụ thể chứ không phải là giá trị vĩnh hằng. Bởi vì, ai cũng biết, làm tình nguyện là giúp đỡ ai đó, đâu đó một công việc cụ thể, nó tương xứng như cho người cần giúp một “con cá”, trong lúc cống hiến cho xã hội mới mang lại cho họ “cái cần câu” căn cơ. Vì thế đứng biến nó thành thước đo.
Chuyện khôi hài nhất là gia đình bố mẹ thì nghèo, đến mùa lúa phải thuê người gặt còn con mình thì xin tiền bố mẹ để đi… tình nguyện, hết hè này đến hè khác.
Đưa chứng nhận hộ nghèo xin miễn học phí sao đến kỳ tình nguyện không xin trường cho mình về giúp hộ nghèo?
Hôm qua, một anh bạn đã comment rất vui vào dưới stt của tôi, đại để, em gái anh, ngủ dậy cũng bắt bố mẹ gấp chăn màn, tức là ngay cả việc tối thiểu cũng chưa lo được cho mình lại suốt ngày đi tình nguyện.
Cái này dân gian thường nói, “việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng”.
Tôi không phủ nhận điểm tốt của tình nguyện nhưng điểm không tốt thì tôi đã nhìn thấy, đó là biến tình nguyện thành nơi đàn đúm. Mãi hơn hai chục năm rồi, tôi và anh em báo tôi vẫn ám ảnh về cảnh ông Nguyễn Lân Trung dẫn một đoàn sinh viên Hà Nội tình nguyện vào cứu trợ bão lụt, ở khách sạn 2- Lê Lợi, Huế. Ông điện thoại xin tiền, hàng cứu trợ của bạn đọc thông qua báo tôi để đi… cứu trợ. Khi anh em tôi mang đến, mở cửa phòng, thấy thầy trò trai gái nằm chọc ghẹo nhau ngã ngớn trên giường, trên sàn. Hôm đó tôi điên đến mức đá tung một thùng carton đựng sữa đã khui ra uống gần hết, ngoài thùng đề “hàng cứu trợ”.
HỌC CHO MÌNH!
Quay trở lại chủ đề. Muốn làm gì đi nữa thì học hành cũng phải tử tế. Học là học cho mình, là để tích lũy kiến thức chứ không phải chỉ lấy cái bằng.
Đào tạo tín chỉ là sự tiến bộ nhưng nó chỉ có tác dụng với sinh viên tiến bộ và có ý thức. Tôi đã chứng kiến vài sinh viên đến giờ học với tôi thì xin phép sang học môn khác “vì em học một lúc hai bằng”. Và thầy dạy luật cũng phàn nàn, hôm nay mấy đứa xin nghỉ giờ tôi để qua học giờ anh vì nó học hai bằng.
Những người đó đến tuyển dụng nên khen: “Em giỏi quá, nên xin làm nơi khác, chỗ tôi em không có đất thi thố đâu, phí”. Là cách nói thôi chứ những người đó môn chẳng ra môn, khoai chẳng ra khoai, ảo tưởng thì đầy mình.
Có ai tin được chuyện này không: Công ty sửa chữa tầng hai nên đưa cái máy fotocopy xuống tầng một. Sửa chữa xong, giao 8 cậu nhân viên đều là thanh niên trình độ cử nhân, kỹ sư, có thâm niên tình nguyện, đưa cái máy lên lại tầng hai, bảo nếu thuê thì mất 1 triệu, giao cho tụi bây 2 triệu, làm lấy tiền chiều nhậu nhẹt. Không làm được. Suốt ngày điện thoại sếp ơi, tụi em chịu. Bảo vận hết trí lực nghĩ coi. Vẫn chịu. Và rất hồn nhiên tuyên bố đầu hàng.
Khi về chỉ cuộn dây, ròng rọc, bảo, sao không dùng nó đưa lên? Tụi nó rất hồn nhiên: Sao sếp không bày trước? Hỡi ôi.
Kỹ năng như thế làm chủ được không?
HẾT LÃNH ĐẠO CÓ AI THUÊ LÀM KHÔNG?
TS. Philipp Roesler, cựu Phó Thủ tướng Đức, sau khi rời ghế đã làm việc cho VinaCapital với vai trò chủ tịch hội đồng cố vấn Quỹ đầu tư VinaCapital Ventures.
Có lãnh đạo nào của VN rời ghế thì được nơi khác mời đi làm thuê không?
Còn lâu. Vì sao? Vì họ chả làm gì được ngoài… lãnh đạo. (Mà lãnh đạo trong hệ thống công quyền Vn thôi nhé!)
Đó là lý do tôi không tin lời họ nói về lập nghiệp. Không tin là để đừng ảo tưởng.
Các bạn trẻ! Bất luận trường hợp nào cũng phải nghĩ: Làm giàu rất khó! Tuyệt đối không tin vào lời phủ dụ: “Làm giàu không khó!”.
Làm giàu không khó mà cả nước gánh nợ công oằn cả lưng?
Làm giàu không khó thì chỉ có bọn ăn cướp!
Cả nước thành ông chủ thì chẳng ông chủ nào làm gì cả, Ngồi ngáp vặt mà chết đói!
Các vị ạ, các vị hãy dạy cho con em biết lo cho bản thân, cho gia đình trước khi nói đến cống hiến và những điều vĩ đại khác. Đừng để một thế hệ sống vì ảo tưởng rồi chết vì ảo tưởng!
Einstein từng viết: “Ở đâu có ý muốn, ở đó cũng có con đường”. Nhưng, tất nhiên, nó phải được đi bằng chính đôi chân của mình chứ không phải bằng cái mồm hô hào của lãnh đạo và cái gọi là phong trào. Thật đấy!

NGUYỄN THẾ THỊNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét