Chúng tôi về mảnh đất "bên ven bờ
Hiền Lương", một ngày trước dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập đặc khu Vĩnh
Linh (nay là huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) vào tháng 8 này. Càng đi, càng
biết, càng hiểu, lại càng thấy thấm thía câu thơ "Đến Vĩnh Linh vốc lên từng nắm đất/Hiểu thêm nhiều sự thật lạ
lùng hơn"...
Chúng tôi đi
từ phía Nam ra, từng bước một, chậm rãi như đếm từng tấm ván của cầu Hiền Lương
vừa được phục chế theo "bản gốc", cạnh đó là cầu Hiền Lương mới, được
hoàn thành bằng công nghệ đúc hẫng (???) tiên tiến nhất hiện nay. Chỉ cần chưa
đầy ba mươi giây, xe đã vù qua cầu. Thế mà, suốt 20 năm trước ngày giải phóng,
bước chân người từ "ngoài ấy" vào phải dừng lại ở vạch hạn định ba
nhịp rưỡi đầu Bắc sơn xanh, người "trong ấy" ra chỉ được bước đến ba
nhịp rưỡi đầu Nam sơn nâu của cầu Hiền Lương bảy nhịp. Và đây là địa giới của
Vĩnh Linh ngày đó.
Sách cũ chép rằng: Châu Minh Linh có từ đời Lý (thế kỷ
XI), trước đó có tên là Ma Linh, sau đổi thành Nam Linh. Đến đời Lê, huyện Minh
Linh thuộc phủ Tân Bình (Quảng Bình hiện nay). Vào thế kỷ XIX, lúc thì thuộc
dinh Quảng Trị (đời Gia Long), lúc thì thuộc phủ Triệu Phong hoặc huyện Địa
Linh (thời Minh Mạng). Năm 1885, gọi là Chiêu Linh (vì húy chữ Minh). Đến năm
1889 thì đổi thành Vĩnh Linh.
Từ châu Minh Linh đến huyện Vĩnh Linh là cả một thời
kỳ lịch sử dài (từ triều Lý đến triều Nguyễn). Nhưng sự thay đổi về hành chính,
danh xưng và phát triển của cư dân vùng này còn chưa dừng lại ở đó. Năm 1954,
Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình trên bán đảo Đông
Dương được ký kết, vùng đất Vĩnh Linh dọc dài 10 km (phía Bắc giáp huyện Lệ
Thủy - Quảng Bình, phía Nam giáp sông Hiền Lương - vĩ tuyến 17 - Quảng Trị) trở
thành một vùng đất hết sức nhạy cảm từng được gọi là đặc khu Vĩnh Linh. Mới đó
mà đã 50 năm rồi!
"Cuối cùng rồi cũng có hòa bình. Hãy quên và tha
thứ cho chúng tôi... Hãy để cho chúng tôi rút ra bài học về quá khứ...".
Wiliam A.Bery, một cựu binh Mỹ có mặt tại chiến trường miền Nam từ những năm
1966 - 1968 đã viết những dòng này vào sổ lưu niệm Nhà bảo tàng địa đạo Vịnh
Mốc năm 1997. Trung bình mỗi mét vuông đất Vĩnh Linh đã hứng chịu 9,6 tấn đạn
bom, mỗi người dân từ bé đến lớn phải gánh chịu 7 tấn bom và 10 quả đạn pháo...
Không biết ông ta rút ra "bài học" gì ở con số này?
Nhà báo Nguyễn Tiến Đạt, người chứng kiến chuyện này
kể lại rằng, lúc ấy có một lão ngư gầy gò cầm cái mai chèo đứng cạnh, hỏi:
"Lạo (lão) này viết chi rứa?". Wiliam thấy chiếc mai chèo là lạ nên
quay sang bắt chuyện. Lão ngư nghe người phiên dịch nói xong thì cười:
"Cái mai chèo này ngày xưa dùng để đánh giặc, bây giờ dùng để nuôi vợ nuôi
con. Hồi chiến tranh, ông bay đến vùng ni ném bom thì chắc biết mặt tui".
Cho đến sau này, Wiliam vẫn không thể nào biết được, lão ngư ấy chính là anh
hùng Lê Văn Ban, người làng Tùng Luật, xã Vĩnh Giang, nơi có bến đò B hai lần
anh hùng. Và hẳn, không người Mỹ nào có thể tưởng tượng được bằng cái mai chèo
ấy, ông Ban đã dùng để chèo thuyền vượt qua hàng trăm trận bom, thủy lôi và bọn
hải tặc để tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ xa bờ 30 hải lý suốt những năm chống Mỹ với
tinh thần “Cồn Cỏ còn là Tổ quốc còn”. Ông Ban bảo "biết mặt tui" là
vì lẽ đó.
Vào thời sinh viên, tôi có ba tháng làm luận văn ở
vùng đất sinh ra chuyện trạng Vĩnh Hoàng. Bản lĩnh của người dân vùng "lũy
thép" Vĩnh Linh qua từng câu chuyện khiến tôi bị ám ảnh một thời gian dài,
và cho đến nay vẫn không thể nào quên được. Hồi ấy, tôi tìm cách cắt nghĩa cho
được, vì sao, hàng ngày trong tiếng máy bay gầm rú, bom đạn cày nát từng tấc
đất, người Vĩnh Linh vẫn lạc quan, coi khinh hiểm nguy đến thế.
Tục ngữ Nga có câu: "Anh hãy cho tôi biết anh
cười ai, tôi sẽ nói cho anh biết anh là người thế nào". Điều này thấy rõ
khi đến đất Vĩnh Linh, nghe người dân kể chuyện cười. Trong hàng trăm câu
chuyện ấy, có chuyện một cụ già bị bom vùi lấp, dân quân đến đào hầm để cứu.
Khi mới thò được cái đầu khỏi đất, cụ tỉnh rụi: "Cho bọ (bố) xin điếu
thuốc đã". Rồi mặc dầu còn bị đất lấp trên người, cụ vẫn thản nhiên:
"Sang vườn bên tê cứu mấy mệ cháu nhà bên nớ, còn bọ, hút hết điếu thuốc
ni là bọ tự lên được". Khi biết cụ bị thương, y tá định đưa đi viện, cụ
ngồi tỉnh queo, tay nắn vào mông, đoạn à lên một tiếng thiệt... Vĩnh Hoàng:
"Mệ mi ơi! Cái mảnh bom đây rồi, chà, hắn cứng gớm. Mệ đem đôi đũa bếp ra
đây gắp hắn ra cho tui với".
Bom đạn của địch hầu như lúc nào cũng "thường
trực", chả thế mà có chuyện một bà mẹ đi chợ về, mấy đứa con phát hiện
trong thúng gạo đội trên đầu có một quả bom bi, chuyện khủng khiếp như thế mà
giọng bà mẹ vẫn như không: "May mà có thúng gạo ni, không thì hắn mượn cái
đội lịp (nón) của tau rồi!". Cách hành xử này vừa có tính hài hước, vừa
giễu cợt kẻ thù, nó chứa đựng sức mạnh và bản lĩnh của người Vĩnh Linh khi họ
phải đối đầu với hiểm nguy luôn rình rập.
*
Ai từng đến Vĩnh Linh, hẳn phải thăm địa đạo Vịnh Mốc.
"Làng địa đạo Vịnh Mốc" bây giờ là di tích lịch sử văn hóa. Công
trình tôn tạo di tích này vừa được hoàn thành vào ngày 22/7 mới rồi. Vĩnh Linh
là nơi duy nhất ở nước ta (và có thể của toàn thế giới) có đến 114 "làng
hầm" với tổng chiều dài hơn 40 km, nơi sâu nhất âm 30m cùng một hệ thống
giao thông hào dài 2.000 km. Các "làng hầm" đều có đủ "cơ sở hạ
tầng" như hội trường, bệnh xá, trường học, trụ sở chính quyền, căn hộ,
bếp, giếng nước... Đào địa đạo là một chuyện khó, vì theo lời kể của người
trong cuộc, trên một trục địa đạo đã được xác định, người ta đào hai cái giếng
sâu chừng 20m, từ hai đáy giếng, hai nhóm người phải đào làm sao có thể thông
được với nhau kiểu như khoan đường hầm đèo Hải Vân bây giờ vậy. Khó khăn nhất
là đoạn giáp mối để thông hầm, vì có thể bên đào lên cao, bên xuống thấp, bên
lệch phải, bên qua trái. Kinh nghiệm đào địa đạo của người Vĩnh Linh về chuyện
này rất... đơn giản: Cử hai người đang yêu nhau đào hai nhóm, nhờ đó mà hai
người này "nghe nhịp đập của trái tim" mà tìm đến nhau. Trong bom đạn
ác liệt, cái chết cận kề, người Vĩnh Linh vẫn nghĩ ra chuyện này (cho dù để kể
vui) cũng quả thật thông minh và... lãng mạn.
*
Buổi trưa, uống chè xanh tại nhà bác Bản ở làng Tùng
Luật, nghe bác kể chuyện thời chiến tranh, ở ngay bến đò này trong 7 năm (1967
- 1973) người dân quê bác đã đưa hơn 2 triệu lượt bộ đội cùng hàng chục vạn tấn
lương thực qua sông chi viện cho chiến trường miền Nam ruột thịt. Bác còn tự
hào về cái làng nhỏ nhoi này sinh ra đến 20 nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú.
Trong đó có nghệ sĩ Châu Loan, Lệ Thi... một thời đêm đêm cả nước lại ngóng
tiếng hát, tiếng ngâm thơ của họ trên đài tiếng nói Việt Nam. Khi biết bác đang
giấu trong mình căn bệnh ung thư, chúng tôi không khỏi ái ngại. Bác biết ý và
cười: "Có chi mô các chú. Tui sống đến ngày hòa bình là thấy có lời (lãi)
rồi. Sống đến chừ thì lời hung!".
Lặn một hơi ra giữa dòng sông Bến Hải, nhìn vào rồi
nhìn ra, chỉ cần một hơi nữa là sang phía bên kia. Lạ thật, thế mà suốt hai
mươi năm đau đáu một nỗi đau chia cắt. Đau đáu trong nỗi niềm câu hát:
"Bên ven bờ Hiền Lương/Chiều nay ra đứng trông về/Mắt đượm tình quê/Đôi
mắt đượm tình quê...". Câu hát đó bây giờ mỗi lúc ngân lên tình cảm mỗi
người vẫn dâng trào trên khóe mắt. "Hò ơi! Dù cho bến cách sông ngăn/Dễ gì
rẽ được duyên anh với nàng/Xé mây cho sáng trăng vàng/Khai sông mở lối cho nàng
về anh...".
Năm 1972, người Vĩnh Linh bước lên khỏi địa đạo, họ
bảo quê của mình lúc ấy y như cái... mặt trăng. Một phần đất trắng, ba phần là
sắt thép đạn bom. Khó khăn nối tiếp khó khăn. Hồi ấy thị trấn Hồ Xá (bấy giờ là
huyện lỵ của huyện Bến Hải, sau này tách thành Vĩnh Linh và Gio Linh) xây được
cái santono cấp nước nhưng không có nước trông như trái bầu khô, nhà máy điện
nhưng điện thì chỉ sáng bằng cái bật lửa, đào ao thả cá nhưng không có nước nên
trở thành nơi... đá bóng. Người Vĩnh Linh tự trào: "Hồ Xá có
trái bù (bầu) khô/Có nhà máy lả (lửa) có hồ đá
banh". Chuyện ấy bây giờ đã trở thành quá khứ.
***
Trở lại vĩ tuyến 17, đứng trên cầu Hiền Lương, một
người con Quảng Trị từ nghèo khó nay đã trở thành một doanh nhân thành đạt ở xa
quê đăm đắm nhìn dòng Bến Hải. Anh đang ôm ấp dự định xây một khu du lịch mang
tên Hiền Lương, trong đó có một khách sạn đặt tên là Vĩ tuyến 17 ngay giữa gò nổi con sông. Anh bảo, cái "thương
hiệu" này không cần quảng cáo cũng đã nổi tiếng rồi và không thể ai tranh
chấp được.
Nhà thơ Ngô Minh viết: "Đến Vĩnh Linh vốc lên từng
nắm đất/Hiểu thêm nhiều sự thật lạ lùng hơn". Đêm, tôi áp ngực vào đất
Vĩnh Linh, nghe tiếng vọng của những truyền kỳ, nhịp thở của cuộc sống mới, nếu
là tôi lúc ấy, bạn sẽ tin như tôi đã tin, kể cả những gì đang ở phía trước.
Quảng Trị
cuối tháng 7/2004
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét