Thứ Năm, 4 tháng 4, 2013

Tám chuyện cầu Rồng

Tám chuyện cầu Rồng
Người có cách nhìn phong thủy nói rằng, Đà Nẵng có 4 chùa lớn ở bốn hướng, gọi là Linh Ứng tứ trấn; nay lại có 9 cầu (cửu long) bắc qua sông. Xây được 4 chùa, 9 cầu là “công đức vô lượng”, là duy trì được sự an lành. Từ cách nhìn này, việc làm rồng cho cầu Rồng vì thế rất được quan tâm, thậm chí sau ngày khánh thành vẫn là chủ đề để tám với nhiều ý kiến khác nhau…





Ảnh PHAN CƯỜNG
Sáng 29.3 khánh thành cầu Rồng thì đêm hôm đó, hàng vạn người đổ xô sang bờ đông sông Hàn để xem rồng phun lửa. Cầu kẹt cứng, đến mức thấy không bảo đảm an toàn nên người ta đã không cho rồng…phun nữa. Thế mới biết, cái lạ, sự độc đáo bao giờ cũng tạo nên một sứt hút lạ thường.
Ngồi ở bờ sông chờ coi rồng phun lửa, một người nói: “Ngày trước mình đi Hà Nội, Sài Gòn, bước lên taxi, lái xe hỏi từ đâu đến, mình ấp a ấp úng nói từ Đà Nẵng, không được tự tin. Nay nghe nói mình từ Đà Nẵng, họ á lên, có vẻ thán phục…mình lắm. Thời buổi khó khăn này mà khánh thành một lần hai cái cầu. cái thì có nét Á đông (cầu Rồng), cái thì rất hiện đại (cầu Trần Thị Lý) nghĩ cũng tự hào thiệt”.
Để có được sự thán phục đó, Đà Nẵng phải làm được nhiều việc, nhưng có hai điều khiến mọi người thích nhất: TP này làm cái gì cũng…độc đáo và làm khi nào cũng nhanh. Cầu Rồng có thiết kế phức tạp, thi công khó nên nhà thầu chậm tiến độ đâu như tổng cộng có 45 ngày mà phải bị phạt mấy lần, mỗi lần mấy trăm triệu. Làm cái gì cũng nhanh nên đi đâu vài ngày trở về, đã thấy Đà Nẵng khác rồi.
Những cây cầu độc đáo
Người có cái nhìn lãng mạn ví sông Hàn là dãi lụa của cô gái xuân thì Đà Nẵng và những chiếc cầu là những nét hoa văn trên dãi lụa đó; người có cái nhìn “vĩ mô” thì những chiếc cầu bắc ngang sông tạo nên sự phát triển về kinh tế- xã hội; người không lãng mạn, không “vĩ mô” chỉ nghĩ, làm nhiều cầu thì giải quyết được vấn đề làm đau đầu không ít người ở các thành phố lớn: kẹt xe…
Chưa đầy 11 km dọc sông Hàn có đến 9 chiếc cầu, từ cửa biển ngược lên thượng nguồn (bao gồm cả nhánh sông Cẩm Lệ đổ về sông Hàn) lần lượt có cầu Thuận Phước, cầu sông Hàn, cầu Rồng, cầu Nguyễn Văn Trỗi, cầu Trần Thị Lý, cầu Tuyên Sơn, cầu Nguyễn Tri Phương và cầu Cẩm Lệ. Trong số đó có những chiếc cầu rất độc đáo, chỉ có ở Đà Nẵng.
Đến bây giờ, du khách đến thành phố này vẫn rất háo hức thức đến nửa đêm để tận mắt chiêm ngưỡng cầu quay sông Hàn. Đây là chiếc cầu độc nhất ở nước ta có thể quay được nhịp giữa với một góc 90 độ. Điểm độc đáo hơn nữa, đây là chiếc cầu đầu tiên được xây dựng bằng kinh phí của người dân Đà Nẵng đóng góp. Hồi đầu có người gọi cầu này là cầu chị Quyên (tức là cái cầu do quyên góp mà có, để đối lại với cầu Nguyễn Văn Trỗi). Có lẽ vì thế, cầu quay sông Hàn được chọn làm biểu tượng của Đà Nẵng cùng với Ngũ Hành Sơn.
Nhưng rồi, các cây cầu khác tiếp tục được xây, cầu sau “độc” không kém cầu trước.
Sau cầu sông Hàn là cầu Thuận Phước nối đường Nguyễn Tất Thành, một con đường từng được mệnh danh là “đẹp nhất Việt Nam”, sang bán đảo Sơn Trà. Chiếc cầu dài 1.855m này hội tụ rất nhiều kỷ lục về công nghệ xây cầu và đến nay vẫn là chiếc cầu treo dây võng dài nhất Việt Nam. Đêm về, khi điện bật lên, ánh sáng làm cho chiếc cầu trở nên lung linh, huyền ảo mê hoặc mọi người.
Hai chiếc cầu Nguyễn Văn Trỗi và Trần Thị Lý cạnh nhau đã trở nên quá đỗi thân quen với người Đà Nẵng. Nhưng dù nhiều lần tu sửa cả hai chiếc cầu vẫn không thể trụ nổi với thời gian. Vì thế, một cây cầu đầu tiên của Việt Nam có sàn vọng cảnh đã thay thế cho một trong hai chiếc cầu này, chính xác là thay thế cầu Trần Thị Lý cũ. Đây là cầu dây văng một mặt phẳng, với kết cấu dây và tháp nghiêng độc đáo. Giữa cầu có tháp trụ cao gần 150 m so với mặt nước. Bên trong tháp trụ có hệ thống thang máy để đưa du khách lên đỉnh tháp ngắm toàn cảnh thành phố.
Cầu Rồng là cầu nằm ở trục chính của Đà Nẵng theo hướng đông - tây, tuyến đường ngắn nhất nối sân bay Đà Nẵng với các khu du lịch bên một trong các bờ biển đẹp nhất hành tinh. Nhiều chuyên gia cho rằng, thiết kế cầu Rồng là một trong những thiết kế tạo nên nguồn cảm hứng đặc biệt, là một biểu tượng mới của TP Đà Nẵng. Cầu Rồng vì thế được quan tâm hơn cả.
Rồng của cầu Rồng
Địa điểm xây dựng cầu Rồng vốn một thời là đề tài bàn tán xôn xao vì cho rằng sẽ ảnh hưởng đến Bảo tang Chăm. Rốt cục thì mọi chuyện…y thế mà làm.
Từ đầu tháng 3 này, khi con rồng của cầu Rồng thành hình thành dạng, đã có rất nhiều người cho rằng, con rồng quá mảnh, trông như con...rắn. Đầu rồng lại chúi xuống, nhìn xa giống như rồng đang...trườn chứ không phải bay.

Đến lúc này, mọi người mới nhớ lại, năm trước, tại một cuộc họp, xung quanh chuyện rồng đã có nhiều ý kiến khác nhau.
Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng, người được mời tham gia ý tưởng chọn đầu rồng cho cầu và sau này là tác giả của đầu rồng hiện nay, lúc đó đã nói, điều ông băn khoăn là cầu dài nên trông con rồng mỏng manh quá. Phần đầu rồng và đuôi rồng của nhà thiết kế thấy trườn chứ không có độ vươn. Vì thế nó không giống…rồng. Lúc đó, ông đã đề nghị cho đầu rồng uốn ngược lại và vươn lên, như vậy sẽ thấy rồng mạnh mẽ hơn.
Ông Hạng còn đề nghị, để con rồng đỡ "ốm" thì nên làm thành hai con rồng. Một con đầu hướng ra biển (hướng đông), một con hướng lên núi (hướng tây), hai cái đuôi nằm giữa cầu quấn lại thành biểu tượng hoa sen. Như thế rồng vừa có đôi, vừa có một đầu hướng về hướng tây, đón khách, một đầu hướng về đông là vươn ra bốn biển năm châu.
Lúc đó, ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP đã không tán đồng ý kiến của nhà điêu khắc, ông cho rằng, hai con rồng xoay lưng lại với nhau sợ người ta cho là...mất đoàn kết. Theo ý ông thì rồng từ biển bay vào, uốn lượn, tạo mưa, vì thế đầu phải quay đầu về hướng tây, tức là phía bờ. Vả lại, nếu đầu hướng ra biển thì khi phun lửa sẽ bớt hấp dẫn du khách (khi đến Đà Nẵng, khách đi trục đường chính Nguyễn Văn Linh sau đó qua cầu mới sang khu du lịch bên biển).
Nhưng nhiều người lại có cùng quan điểm nên đặt đầu rồng ở bờ đông mang tư thế rồng vươn ra biển lớn.
Chuyện cái đầu rồng cũng là đề tài tranh cãi lúc đó. Theo ý ông Nguyễn Bá Thanh thì con rồng chỉ có trong truyền thuyết, chưa ai nhìn thấy, thế nên rồng thời Lý khác thời Trần, thời Trần khác thời Nguyễn…Ông yêu cầu nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng suy nghĩ, làm cái đầu rồng thế nào mà nhìn vào người ta biết đó là rồng Việt Nam là được.
Tám chuyện…rồng
Cuối cùng thì đầu rồng hướng ra biển. Và cũng vì nó quá dài nên trông mảnh và đúng là đầu hơi ngắn nên thấy nó không được mạnh như ông Hạng dự báo. Lúc này có người lại “hiến kế” nên sửa lại thành hai con rồng, lấy nhịp giữa cao hơn làm hai đầu rồng hướng vào nhau theo kiểu “lưỡng long chầu nguyệt”. Nhưng lập tức có người phản bác lại ngay, rằng nếu thế thì làm sao rồng vào được Guinness là con rồng thép dài nhất thế giới? Người có chút vốn liếng kỹ thuật thì cho rằng không thể được vì mỗi cái đầu rồng nặng đến 40 tấn, hai cái chụm lại giữa một nhịp cầu tổng cộng là 80 tấn thì cầu sao trụ nỗi?
Hôm rồng phun lửa thử, nhiều người đến xem đã nhận xét, đầu rồng này không có râu nên đứng đối diện trông nó như cái máy ngoạm đất. Nhưng tôi nhìn nghiêng thấy nó ổn, giống rồng thời Lý, có nét…Việt Nam.
Việc phun lửa cũng là đề tài tám. Ông Võ Chí Trung (khu dân Cư Nam cầu Cẩm Lệ, phường Hòa Xuân, TP Đà Nẵng, đưa lên mạng ý kiến cho rằng, rồng phun lửa là rồng…sát khí, nên để rồng phun nước. Ông còn lo lửa là hỏa mà mạng các vị lãnh đạo đều mạng thủy mạng kim nên sợ…không tốt cho sước khỏe mấy ảnh.
Nhưng bà Trần Thị Kim nói lại rằng: “Sau khi tham quan TP Đà Nẵng, tôi thấy Đà Nẵng có một số yếu tố mà tôi hiểu được đó là “long mạch” nên tôi trộm hiểu, việc xây dựng một cây cầu rồng phun lửa, có thể về mặt nào đó nó là “vật dẫn” hoặc là một yếu tố trấn trạch nếu theo phong thủy…”
Bây giờ thì người ta đã quyết định, ngày phun nước, đêm phun lửa. Cách này có vẻ đã làm cho bác Trung và bác Kim đều hài lòng.
Sáng khánh thành cầu, nhiều người xem truyền hình nhìn rồng phun lửa chê xấu vì cứ phun ra từng cục như thể rồng…ợ hơi. Thực ra thì vì truyền hình quay đối diện, lại là ban ngày, chứ ban đêm nhìn nghiêng thấy rồng phun lửa cũng…giống phun lửa lắm!
Chuyện lửa- nước đến bây giờ vẫn là đề tài bàn tán, có người cho rằng, rồng phun lửa là để “trấn yểm ngoại xâm”, phun nước là để dân được “an lành thịnh vượng”. Bình luận về chuyện này, ông Quốc Cường viết: “ Suy diễn là khái niệm logic quan trọng trong tất cả các lĩnh vực, từ khoa học, kinh tế, chính trị, văn hóa, tâm linh. Trong khoa học tâm linh, suy diễn có hai chiều hướng: làm cho hiện tượng sự vật tốt lên, hoặc là, làm cho sự vật hiện tượng xấu đi. Người lãnh đạo giỏi là người phải biết làm tâm lý, tâm linh sao cho việc suy diễn logic làm cho sự vật hiện tượng được tốt lên. Tức là phát huy sở trường, giảm tác nhân sở đoản”.
Theo đó, ông Quốc Cường ví dụ: “Cao Biền là người nhà Đường sang cai quản Giao Châu. Để làm cho tâm lý nhân dân Giao Châu suốt đời làm nô lệ nên ông ta đã là cái trò trấn ỉm phong thủy (trấn trạch). Tất nhiên ngày xưa các cụ ta cũng khôn ngoan, phao tin phản lại Cao Biền là khi Cao Biền Trấn trạch thì bị cụ già phát hiện và hủy nó đi rồi… (Cao Biền trấn trạch làng Đường Lâm nhưng rồi cũng không thành công, sau này làng này lại là ngôi làng sinh ra hai vua). 
Ông Cường nói thêm: “Đà Nẵng xây 4 chùa Linh Ứng (Linh Ứng tứ trấn), 9 cầu (cửu long). Trong tâm thức, xây 4 chùa, làm chín cầu, là công đức vô lượng, đức là cốt lõi của con người để duy trì cái thiện, cái an lành… Vì vậy, càng củng cố niềm tin trong nhân dân. Vừa hiệu quả tâm linh vừa thu hút khách du lịch”.
Tôi thì thấy, ban đêm, bằng mắt thường có thể thấy rõ ít nhất 5 cây cầu sáng rực trên một khúc sông, đẹp mê hồn. Thích nhất là cầu Trần Thị Lý, đơn giản mà hiện đại, và vì thấy đi qua cầu, con người mình có nhiều cảm xúc.
Lại nhớ câu: “Cầu nối. mạch thông, đất sẽ vượng”. Chẳng cần đến chuyên gia về tâm linh thì ai cũng nhận thấy rõ một điều: Đường thông, cầu thoáng, không kẹt xe, tiết kiệm vô khối thời gian, không vượng mới lạ!
 Cầu Rồng được UBND TP cho phép đăng ký kỷ lục Guinness thế giới là “Con rồng thép lớn nhất”. Đêm, cầu Rồng được thắp sáng với hơn 2.500 điểm đèn LED thông minh. Giải pháp chiếu sáng này sẽ chủ động thay đổi ánh sáng phù hợp với từng chủ đề của các sự kiện, lễ hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét