Thứ Hai, 30 tháng 10, 2017

CÁI GÌ CŨNG BIẾT, VẬY NÊN BIẾT NOTE NÀY

Hôm qua, mình có viết stt đố chị em biết Chủ tịch Hội LHPN VN, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh/thành, huyện thị mình là ai, là để nói lên một thực tế, thời nay, nhiều người cái gì cũng biết mà cái gì cũng không biết. Không cứ gì Hội LHPN, các cơ quan khác cũng thế thôi.
Hôm nọ cơ quan Phương nhà mình công tác tuyển phóng viên, biên tập viên, xong về, mình có hỏi chuyện xem vòng phỏng vấn thì hỏi cái gì, cô ấy nói dài không nhớ, chỉ nhớ có câu hỏi lãnh đạo chủ chốt của Đà Nẵng là ai, lãnh đạo cơ quan mà các ứng viên tuyển vào gồm những ai, tự nhiên rất thú vị với câu hỏi này, đơn giản vậy đấy nhưng lắm ứng viên đạp vỏ chuối chứ chẳng chơi. 
Nhớ mấy lần cơ quan mình tuyển người, mình đọc cái đơn dự tuyển mà điên cả cái đầu. Cơ quan mình chỉ là một văn phòng, họ cứ nhất định kính gửi ông Giám đốc hoặc Tổng biên tập Báo Thanh Niên miền Trung. Báo không có giám đốc, văn phòng không có tổng biên tập, văn phòng tại miền Trung chứ không phải Báo Thanh Niên miền Trung. Ít ai viết đúng Văn phòng đại diện Báo Thanh Niên tại miền Trung 
Đáng lẽ loại từ vòng gửi xe nhưng sợ “bỏ sót nhân tài” nên cũng để dự phỏng vấn. Mình chưa biết được kiểu hỏi của cơ quan bà xã chứ biết thì học theo hỏi cũng vui. Ví dụ như hỏi họ tên của Tổng biên tập, Tổng thư ký Tòa soạn Báo Thanh Niên coi họ biết không.
Nhưng nhớ lại, có người phỏng vấn xong, về ngồi tầng 1 uống nước trà, hỏi người nhà mình, cái anh Thinh Babel làm gì mà hỏi phỏng vấn ở báo mình thế anh. Anh PV hỏi lại, chứ sao biết anh Thịnh Babel, trả lời, vì có đọc facebook anh đó. Hehe.
Nhớ chuyện anh Đặng Thanh Tịnh, hồi còn làm Phó tổng biên tập báo Thanh Niên đi lên thang máy, một cô phóng viên (mới vào làm việc vài tháng) đi cùng, hỏi, bác ở ban nào, bác? Anh Tịnh đùa lại, ở Ban Bảo vệ. Cô ấy hỏi lại, bác ở bảo vệ sao mấy lần cháu đến cơ quan, thấy bác đứng nói chuyện mà không xếp xe cho cháu? Anh Tịnh là người ký quyết định cho cô ấy. 
Người trẻ bữa ni lạ quá ha.
*
Đọc trên các báo, bây giờ, cũng nhiều cái lạ. PV viết đã đành nhưng tòa soạn cũng để y nguyên, ví dụ hay viết các chức danh sai, khi nói anh có thể nói ông chủ tịch tỉnh, nhưng viết nhất định phải cho đúng là Chủ tịch UBND (hay chủ tịch HĐND) tỉnh. Viết thế nhưng mà cơ quan nào ra cái văn bản sơ suất thì chẻ hoe ra ghê lắm. Mấy đứa thảo văn bản chắc cũng đại khái như mấy anh PV viết thế thôi. Viết không chỉn chu nó cũng thành thói quen. Sếp không chỉnh chu cũng thành thói quen.
Có lần vui chuyện với Hiệu trưởng một trường đại học, mình đề nghị, chương trình chính trị học thì dài mà lý thuyết quá, nên đưa vào một học phần về hành chính nhà nước chứ thấy các em tơ lơ mơ lắm. Ông hiệu trưởng bảo có chứ có chứ. Mình lên lớp đố sinh viên năm 4, UBND khác HĐND chỗ nào, chịu!
Mình có khuyên sinh viên nếu có điều khiện, nên xin bố mẹ tiền học lái xe ô tô đi (hồi đó trường này có mời thầy về dạy cho cán bộ tại trường vào buổi tối, rất tiện lợi), thay vì sắm cái máy ảnh mấy chục triệu thì dùng cái máy ảnh vừa phải, dành ra 6 triệu mà học lái xe (nhiều bạn sinh viên báo chí dùng máy ảnh, laptop, điện thoại di động còn xịn hơn cả mình, nhà chưa chắc đã có điều kiện nhưng cứ quan trọng hóa là học báo chí phải này này nọ nọ nên gia đình phải ráng thôi). Sau này anh dự tuyển vào làm một dự án nào đó (nhất là của ngước ngoài) thì đó là một lợi thế. Ở cơ quan nào khác cũng vậy thôi, rất lợi thế.
Xe dòng nào, hãng nào, chạy qua biết liền, nhưng chỉ không biết lái nó mà thôi 
Sinh viên có nhiều thời gian nhưng không chịu học ngoại ngữ, ngoại ngữ chính khóa cũng lười học luôn. Chém gió kinh lắm nhưng gặp người nước ngoài thì ngọng cả miệng. May ra thì chỉ Yes, yes, no, no...
Đứa nào cũng kêu sợ là sợ ngữ pháp, mình nói, bỏ ngữ pháp đi, học từ vựng, biết nhiều từ chí ít cũng nghe và đoán được, nói lại họ thì cứ ghép bừa vào, họ đoán được hết. Gặp người nước ngoài cứ chém búa xua đi, đâu ai cười mà sợ. Sau đó mới nói chuyện ngữ pháp. Không biết từ mà ngữ với pháp cái gì? (Cái này cũng có sai ở chỗ cách dạy ngoại ngữ trong trường cứ ngữ pháp, ngữ pháp... làm họ sợ là phải).
Đừng nói cái gì cũng biết chỉ ngoại ngữ là không biết.
Không rành ngoại ngữ nhục lắm! Đừng nói 4.0, một chấm cũng chưa xong.
*
Nhiều bạn trẻ có thói quen ỷ vào Google nên không tạo thói quen phải nhớ. Ngay cả tên người. Đến một chỗ nào đó, thậm chí ngồi trong một bàn, người ta giới thiệu hẳn hoi nhưng không chịu nhớ, sau phải hỏi đi hỏi lại, rất mếch lòng.
Tập thói quen nhớ tên (để nhớ, khi người ta giới thiệu nên liên tưởng tên người đó với một đặc điểm họ có), khi trò chuyện, nhắc tên (nếu được thì cả họ) làm người ta rất thiện cảm.
Mình có một thói quen, lâu ít ai nhận ra, sau này thầy Hà Văn Thịnh viết chuyện gì đó có đề cập, rằng Nguyễn Thế Thịnh nhắc đến bất cứ ai cũng nói cả họ và tên.
Mình làm thế là tôn trọng người khác, tức là để tôn trọng mình.
Bọn trẻ có thể vòng tay thưa bác, xem ra lễ phép lắm, nhưng mặt ngoảnh nhìn... bờ tường.
Người trẻ sang chảnh, dùng quả táo cắn dở, cầm trên tay suốt ngày, họ có thể biết Job, nhưng ít ai biết Steve. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét