Thứ Hai, 7 tháng 7, 2025

 ĐỂ BIẾT THÊM CHÚT VỀ "NGOÀI KIA TRỜI RẤT XANH"



🍀 Nhã Nam; Anh Nguyễn Thế Thịnh, người bạn đời đã sánh bước bên cạnh chị Trần Thị Cúc Phương trong suốt chặng đường đời, chia sẻ về con người chị, một người phụ nữ đẹp đã thong thả đi qua cuộc đời và để lại cho chúng ta một "Ngoài kia, trời rất xanh"...
***
🍀 Nhã Nam: Nếu được, anh có thể chia sẻ với độc giả, xuất phát từ hoàn cảnh nào chị Cúc Phương lại có ý tưởng viết cuốn sách này không?
🎗 Anh Thịnh: Từ khi phát hiện ung thư lần thứ nhất, Phương nhà tôi đã viết nhật ký. Đó là lời khuyên từ một bác sĩ người Mỹ, ông cho rằng, ghi lại những gì diễn ra trong ngày và trong người là cách tốt nhất để trao đổi với bác sĩ điều trị.
Vậy rồi có một lần, cùng Phương đi dạo trong khuôn viên bệnh viện, thấy nhiều bệnh nhân ngồi hàng giờ trên ghế đá. Cô ấy bảo tôi, giá mà trên tay họ có một quyển sách…
Một lần khác, cô ấy nhắc lại, bệnh nhân đa số là người nghèo, ở nông thôn, họ không có điều kiện để lướt mạng như chúng ta. Từ khi bị bệnh, em đọc nhiều nhưng về ung thư thì rất nhiều quan niệm khác nhau, loạn cả lên. Giá có ai đó viết một quyển sách để họ đọc…
Tôi nghĩ, có lẽ ý tưởng bắt đầu từ đó.
🍀 Nhã Nam: Anh có thể chia sẻ cảm xúc của mình vào giây phút chị Cúc Phương nói chị bị ung thư lần thứ 2 không?
🎗 Anh Thịnh: Sau phẫu thuật ung thư lần đầu, Phương nhà tôi thực hiện nhiều lần kiểm tra, tầm soát và tất cả đều có kết quả khả quan. Phương đi làm bình thường. Thậm chí là vẫn tiếp tục học cao cấp chính trị. Cô ấy nói với tôi, xin thôi thì cũng được nhưng cứ coi đó là một thử thách để mình vượt qua.
48 tuổi nhưng da Phương vẫn trắng mịn như khi mười tám, lúc chúng tôi mới yêu nhau. Sau này, đọc sách Phương viết, tôi mới biết đó là mối lo của cô ấy: Estrogen (nội tiết tố nữ) cao.
Một hôm bên nhau, tôi đùa, em đã U50 mà ngực đẹp thế này sao bọn trẻ phải đi bơm nhỉ? Vợ tôi nhéo tôi một cái rồi nói, không hiểu sao mấy hôm nay em thấy ngực trái hơi đau.
Vài hôm sau, tôi đi làm về trước, nấu cơm, Phương về muộn, ăn xong lên phòng nghỉ. Khi tôi cầm cái điều khiển bật tivi lên thì Phương quay sang, ôm lấy tôi, nói rất nhỏ: “Em bị ung thư vú nữa rồi”. (P nhà tôi bị hai loại ugn thư chứ không phải di căn).
Tôi thả cái điều khiển, ngồi bật dậy: “Sao như thế được, sao như thế được!”. Nhưng mà nó là như thế.
Cô ấy vẫn thế, không bao giờ cho tôi chở đi khám, cứ tự làm một mình vì sợ người khác lo. Nhưng mà, không lo trước thì cũng lo sau thôi.
Lúc đó tôi có cảm giác chiếc giường hai vợ chồng chao đảo. Tôi nằm xuống, cố trấn tĩnh, ôm và xoa vào lưng Phương, không sao đâu, cứ bình tĩnh, ta sẽ có cách…
Cách gì thì tôi đâu có biết.
🍀 Nhã Nam: Trong quá trình chị Cúc Phương viết cuốn sách này, có lúc nào cuốn sách bị gián đoạn không? Nếu có, anh có thể chia sẻ thêm về thời điểm đó không?
🎗 Anh Thịnh: Không kể lần phẫu thuật loại ung thư đầu thì nhà tôi phải đoạn nhũ hai lần. Kèm theo đó là những đợt hóa trị rồi xạ trị. Mỗi ngày, cô ấy chia thời gian ra rất nhỏ để lau nhà, tập thể dục, thiền, đến cơ quan, xử lý công việc…và viết. Chỉ những khi phải nằm ở bệnh viện, còn ở nhà, ngày nào Phương cũng viết. Tuy nhiên, người bệnh ung thư ăn uống không đủ chất lại uống nhiều thuốc nên cơ thể dần suy kiệt, lại bị những cơn đau hành hạ nên nhiều khi không tắt kịp máy tính để về giường nằm. Mình khỏe mạnh, viết lách còn khó huống gì người bệnh nặng. Phải nghị lực lắm…
Hai vợ chồng luôn tôn trọng công việc và sự riêng tư nên tôi cũng không biết cô ấy đang viết sách. Cứ tưởng là viết nhật ký, biên tập kịch bản, duyệt chương trình của Phòng Văn nghệ… như bình thường.
🍀 Nhã Nam: Với tư cách một độc giả, tôi nhận thấy sự bi quan không tồn tại trong cuốn sách của chị Cúc Phương. Nỗi buồn thì chắc chắn có, khi tác giả phải dừng lại trong khi 'ngoài kia trời vẫn xanh'. Nhưng sự bi quan thì không. Theo anh, điều gì đã làm nên điều đó?
🎗 Anh Thịnh: Phải nói thêm một xí, Phương nhà tôi là người không giống bạn bè cùng trang lứa. Cô ấy thích nhạc Văn Cao từ khi còn là thiếu nữ và hát ca khúc Văn Cao rất hay. Phương thích đọc sách. Đến nỗi người ở thư viện TP coi cô như người nhà. Sách cô ấy đọc cũng không theo trend.
Lấy tôi, mọi việc cô ấy một tay thu xếp đâu ra đó. Chứ không phải bị bệnh mới “về thu xếp lại”. Sau này, có người nói, “cô ấy có chồng giỏi, con ngoan, câu chuyện có gì phải nói?”. Tôi thì muốn hỏi lại, vì sao chồng cô ấy giỏi, con cô ấy ngoan? Là từ cô ấy!
Thật khó để cắt nghĩa câu hỏi này nhưng tôi nghĩ, nó xuất phát từ văn hóa cá nhân. Phải thừa nhận, cô ấy đã nghĩ hơn tôi một bậc. Cô ấy chả viết “Hãy đếm cuộc đời bằng số nụ cười chứ không phải bằng nước mắt” đó sao?
🍀 Nhã Nam: Có một câu chị Cúc Phương viết rất hay mà khiến bản thân tôi thấy rất đúng. Đó là "Thân xác cũng giống như ký ức, khi vẫn phải bước đi mà sức còn có hạn thì cần phải bỏ lại vài thứ, nếu không thì làm sao mà bước tiếp?
🎗 Anh Thịnh: Cũng là P tôi nói, "đôi khi, khỏe không phải là nâng lên mạnh mà là đặt xuống được nhẹ nhàng."
Trong cuộc đời không dài của mình, Phương nhà tôi đã có khá nhiều giải thưởng về nhiều lĩnh vực. Nếu muốn làm người nổi tiếng thì cô ấy có rất nhiều cơ hội. Tôi nhớ nhất hồi trước, khi cô ấy đoạt danh hiệu Á khôi thời trang thanh lịch (mà báo chí vẫn tiếc là vì sao cô ấy không phải là hoa khôi?), hồi đó chưa có các cuộc thi thi hoa hậu tràn lan như giờ, ảnh cô ấy xuất hiện nhiều trên mặt báo, tạp chí. Nhiều người gặp cứ khen nọ khen kia, Phương tôi xua tay, nói một câu khôi hài “Để đó tính sau, giờ đi chợ nấu cơm cho chồng con ăn cái đã!”.
Kể câu chuyện này để nói, ngay cả vinh quang cũng phải biết quên đi, huống chi là chuyện buồn.
Nhưng mà, phải đoạn tuyệt với bộ phận cơ thể, nơi đã nuôi hai thiên thần của chúng tôi, tôi biết, cô ấy đau đớn lắm (và tôi cũng thế). Câu đó như một triết lý về cuộc sống, nhưng để làm được thì hoàn toàn không dễ. Đó là sự đúc kết tích cực nhất và cũng là đau đớn nhất mà tôi từng đọc.
Tôi không dám dùng từ “đắc đạo” mà chỉ muốn nhắc lại lần nữa, suy nghĩ đó chỉ có ở người có văn hóa.
🍀 Nhã Nam: Anh có đặc biệt có cảm xúc với một đoạn nào trong cuốn sách không?
🎗 Anh Thịnh: Tôi thích đoạn Phương nhà tôi trả lời một cô em nói là "thần tượng" cô ấy, vì nó rất… đàn bà và rất thực tế:
“Em gái. Cảm ơn em đã thần tượng chị.
Nếu em vẫn muốn có một cuộc hôn nhân như chị thì chị chỉ có thể nói với em rằng: Với chị, chồng là một người đàn ông. Anh ấy có những điều đáng yêu và cả những điều rất không tốt mà mình phải chịu đựng. Nhưng, một khi, anh ấy là chồng chị thì chị sẽ chung thủy, yêu và đấu tranh không khoan nhượng để bảo vệ cái gia định mà anh ấy là một thành viên.
Bởi trong hôn nhân, chỉ yêu thôi thì chưa đủ. Bất cứ người vợ nào, trước khi đòi được yêu thì hãy bắt đầu với việc để được tôn trọng.
Bạn có xứng đáng được tôn trọng không khi chỉ ngồi và đòi hỏi.
Hãy yêu cái mà mình có, rồi một ngày, ta sẽ có cái mà mình yêu.”
🍀 Nhã Nam: Cảm xúc của anh khi cầm trên tay cuốn sách của chị Cúc Phương như thế nào?
🎗 Anh Thịnh: Cô ấy có một ước nguyện, một mục đích, và cuối cùng cô ấy đã làm được. Chúng ta đã làm được. Mục đích đó là bất luận trong hoàn cảnh nào thì "Ngoài kia trời vẫn rất xanh".
Đó cũng là dịp trả lời câu hỏi của nhiều người, vì sao tôi yêu Phương đến thế!
🍀 Nhã Nam: Xin cảm ơn anh rất nhiều về cuộc trò chuyện ngắn này!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét