Thứ Tư, 24 tháng 4, 2013

Không chống cự được thì tận hưởng


Thông tin Ảrập trục xuất 3 người đàn ông đẹp trai bởi các quan chức lo ngại vẻ ngoài hấp dẫn của họ có thể khiến phụ nữ không kiểm soát được hành vi.
Một trong ba chàng trai này tên là Omar Borkan Al Gala quả thật là quá đẹp trai. Theo nhận xét của tui, về hình thức thì nhược điểm của Omar là...không có nhược điểm. Một số người cho rằng, anh ta toát lên vẻ vương tôn cao quý, rất đúng. Tui còn thấy anh ta giống một vị thánh hơn là người. Vẻ đẹp của anh ta xứng đáng để chiêm ngưỡng vì nó không phàm tục (không gợi nhục dục đê hèn-keke).
Mà cấm làm gì, chị em thích để cho họ thích. Cái đó của họ chơ đâu phải... "bộ mặt của chính quyền"? Chẳng phải người Mỹ dạy kỹ năng sống vẫn nói: Khi bị hiếp dâm, nếu thấy không chống cự được thì nên tận hưởng (vì đằng nào nó cũng là sự đã rồi) đó sao. Huống gì anh này có "nguy cơ" làm cho nhiều phụ nữ...tự nguyện? Nếu họ muốn và Omar cũng muốn thì để cho họ tận hưởng.
Lại nhớ chuyện hồi trước Tổng thống Bill Clinton dính scandal với cô thực tập sinh Nhà Trắng, phụ nữ nước Mỹ lên án, bấy giờ trên một tạp chí của Nga có bài viết trích dẫn thư của nhiều phụ nữ đại ý rằng: Phụ nữ Mỹ ngu, không biết xài thì đưa ổng sang đây cho bọn tui xài. Người thế không xài, phí. Ke ke. Rất thật.
Vấn đề ở đây là chính quyền Ảrập rất giống với chính quyền VN, cái gì không quản được thì cấm.
Ngày còn chiến tranh, bộ đội ta sang Lào, Campuchia...ai léng phéng với on gái đều bị kỷ luật, yêu nhau cũng không cho lấy.
Khác với Tàu, đi đâu họ cũng "đồng hóa" phụ nữ bản xứ rất nhanh. Và họ thành công nhờ thế.
Nếu ngày xưa cho bộ đội thoải mái thì Đông Dương bây giờ chả khác rồi sao?
*
Nhưng thôi, nói gì thì nói, mình cũng tự an ủi bản thân, bây giờ đã bớt đẹp trai, cứ như xưa thì phiền lém! Kekeke...banh xác!

Thứ Ba, 23 tháng 4, 2013

Yêu cuồng, sống vội và bài học đạo đức lớp 1


Câu chuyện diễn ra tại kỳ họp HĐND ở một tỉnh, khi các đại biểu chất vấn "bà hội đồng" (vợ một vị lãnh đạo) lấy tiền đâu xây được cái nhà bự chảng giữa trung tâm tỉnh lỵ to hơn cả công sở. "Bà hội đồng" trả lời rằng, là do bà đi ngoài đường nhặt được cục vàng.
Bấy giờ, một đại biểu khác đã đứng lên hỏi bằng cách kể câu chuyện thế này: "Rứa là chị không nhớ bài học đạo đức hồi lớp 1 rồi. Bài Em Thanh nho nhỏ/Học lớp 1B/ Hôm qua học về/ Vừa đi vừa hát/ Thấy 5 đồng bạc/ Của ai đánh rơi/ Thanh nhặt lên rồi/ Đem trình cô giáo/ Tươi cười cô bảo/ Đáng khen em ngoan/ Thấy của không tham/ Cho 10 điểm tốt. Sau bài đó có câu ghi nhớ: Được của rơi trả lại cho người đánh mất. Tôi hỏi chị, vì răng chị được cục vàng mà không mang nộp cho công an để trả lại cho người mất?"
Lúc đó cả hội trường cười ồ. Cười là vì anh này học lớp 1 cách đó ít nhất cũng 40 năm mà vẫn thuộc lòng bài học, cười cũng vì lập luận của anh rất đơn giản nhưng làm "bà hội đồng" đứ đừ đừ.
Hồi ở miền Bắc, môn đạo đức dạy những cái rất thường gặp trong cuộc sống hàng ngày. Tôi còn nhớ bài học Đi tìm việc tốt, đại để kể câu chuyện một em nhỏ muốn đi tìm để làm việc tốt, nhưng tìm mãi không thấy, em mới về kể lại với cô giáo, cô hỏi, em này kể lại đi tìm mà không thấy, chỉ gặp một bà cụ già đi sang đường, sợ bà cụ mắt không rõ dễ bị đụng xe nên em mới dắt tay bà cụ sang bên kia rồi mới đi. Cô giáo bảo, đó là việc tốt!
Bây giờ thì môn đạo đức sau nhiều lần "cải cách" đã thay bằng tên gọi mới: giáo dục công dân. Cái tên đầy tính hàn lâm y như nội dung môn học, nào là phạm trù đạo đức cơ bản, khái niệm và các giá trị đạo đức; vật chất, ý thức, tồn tại xã hội, ý thức xã hội, phương pháp luận biện chứng...(y như môn triết học mà người lớn cũng khó gặm), đã thế ngành GD-ĐT còn thường xuyên bổ sung rất nhiều nội dung y như các đợt "ra quân tuyên truyền": giáo dục an toàn giao thông, giáo dục phòng, chống HIV/AIDS, phòng chống tham nhũng...rồi nào thì là Liên hợp quốc, hợp tác quốc tế...
Môn đạo đức đã không được coi trọng, học sinh lớp 11, 12 ở vào độ tuổi cần định hình nhân cách thì lại không được học đạo đức, càng không được đề cập đến chuyện yêu và phải yêu như thế nào (cứ như yêu là điều cấm kỵ) nên như dân gian nói "quả báo nhãn tiền", báo chí liên tục thông tin những chuyện yêu cuồng, sống vội. Đó là do những người trẻ này không biết tình yêu cao thượng đến thế nào, không biết yêu là phải hy sinh cho tình yêu, không biết yêu là làm cho người mình yêu hạnh phúc...vì thế mới sinh ra ích kỷ, hiếu thắng và tự ái... Yêu mà không được đáp lại thì chém, giết, đốt, tung ảnh thời yêu thương lên mạng để trả thù, yêu không được thì nhảy cầu, nhảy lầu...chỉ để biểu hiện cái tôi ích kỷ. Thậm chí chiếm bằng được người ta bất chấp thủ đoạn để rồi sau đó mới cay đắng nhận ra một điều, đó không phải là tình yêu. Thế nên mới có có những vụ án man rợ: vợ đốt chồng, người yêu tạt a xít, dùng xăng đốt, vác dao truy sát người yêu...
Một người quen với tôi, ngày xưa mới ra trường về công tác ở miền núi, anh đem lòng yêu một cô giáo nhưng không được đáp lại. Rồi cô cưới anh người yêu làm ở kiểm lâm huyện (sau bị mất việc), có 2 con, cuộc sống gia đình rất khó khăn. Một lần đi rẫy, cô bị rắn cắn phải cưa cụt một chân. Anh chồng ốm nặng rồi mất. Bấy giờ anh mới lên gặp cô, ngỏ ý muốn đưa cô về chung sống (lúc đó anh đã 40 tuổi chưa lập gia đình), nhưng cô giáo nhất định không chịu, bảo thế thì thiệt thòi cho anh quá. Phải 5 năm sau, thấy anh quá thành tâm và kiên trì nên cô mới chịu gật đầu. Anh nói, cuộc đời tớ đếch làm được cái gì nên hồn (mặc dù anh đã rất giàu có, thành đạt), chỉ làm được mỗi một việc...(và cười). Anh tâm sự, tớ chỉ nhớ mãi và làm theo mỗi một điều tâm đắc được học từ thời phổ thông: "Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình".
Bây giờ đến nhà, thấy anh chị anh anh em em, con chị ba ba con con với anh (anh chị có một đứa con chung), mỗi chiều anh lại đẩy chiếc xe lăn đưa chị đi dạo...mới thấy cuộc đời có nhiều chuyện thiệt là kỳ diệu.
Sự kỳ diệu đó không phải trên trời rơi xuống, nó được tích lũy bằng những bài học được nhập tâm vào ý thức, sát thực với cuộc sống, từ những việc nhỏ nhất như vòng tay thưa người lớn thì phải nhìn vào người lớn, mời người lớn ăn cơm thì hướng về người mình mời, từ cách nói dạ trước khi trả lời...chứ không phải làm cho xong chuyện. Những thứ đó như những mạch nước nhỏ, ngấm sâu trong lòng đất và chảy về thành khe suối, nhiều suối chảy về thành sông, nhiều sông đổ ra biển lớn...
Không phải định nghĩa xong các khái niệm về đạo đức thì có ngay...đạo đức.

Uống nước nửa ly


Cao Đình học điêu khắc. Người hắn góc cạnh và thô ráp y như một bức tượng tạc bằng đá tách ra từ lèn Cao Quảng quê hắn. Trong một buổi giao lưu sinh viên hai trường, hắn nhìn thấy Nguyệt Tú. Và như bị ám, tan cuộc hắn lẻo đẽo đi theo. Nguyệt Tú biết người theo mình lấy làm khó chịu. Quay lại, thấy một thằng cha xù xì lại càng khó chịu hơn. Khi về phòng E6 cư xá Nguyễn Huệ của Đại học Tổng hợp, quay ra, vẫn thấy thằng cha xù xì đứng dưới gốc xà cừ nhìn vào. Cô nguýt dài một cái rồi đóng sầm cửa lại.
Từ đó, tầm mười giờ đêm, thằng cha xù xì lại trồng cây si dưới gốc xà cừ nhìn vào phòng cô, một lúc thì về. Ngày bão số 8 cây đổ ngổn ngang trên sân trường, mười giờ đêm mở cửa, cô vẫn thấy hắn đứng như thế, xù xì y như một bức tượng tạc bằng đá.
 Cô đi thư viện, bị cha xù xì kẹp thư vào sách. Hắn làm thơ. Mấy đứa bạn cùng phòng Tú biết chuyện, bảo đó là sai lầm nghiêm trọng có tính hệ thống của bọn con trai khi tán tỉnh con gái học văn. Cứ tưởng muốn yêu con gái học văn thì nhất thiết phải làm thơ hoặc đọc thơ mới được. Đúng là bọn cù lần.
*
Thứ bảy, Nguyệt Tú ra bến xe về nhà. Đến nơi, đã thấy thằng cha cù lần đứng đó. Bằng vẻ mặt hết sức cù lần, hắn nói, Nguyệt Tú cho Đình về quê với. Tất nhiên là cô giãy lên như đỉa phải vôi.
Xe chạy, thằng cha cù lần đạp xe theo. Mấy người trên xe nhìn thấy, tủm tỉm cười, hỏi, giận người yêu à, Tú bảo yêu đương chi, đồ cù lần!
Cả nhà cơm nước vừa xong thì nghe ngoài ngõ xôn xao, nhìn ra, thấy cha cù lần tay dắt xe đạp, miệng chỉ chỉ hỏi bọ trẻ con có phải nhà chị Tú. Tú hoảng hồn thất sắc, lao ra chặn Đình lại, dậm chân thình thịch, nuốt tiếng vào cổ: “Cái anh ni, mần ri thì mần răng? Chi lạ ri hè?”. Ba Tú nghe tiếng đi ra, hỏi ai đó, ai đó, Tú hết hồn, mặt trắng bệch, chưa biết ứng phó thế nào thì Đình lên tiếng:
-Cháu chào bác, cháu là bạn học của Tú, có việc ra Hương Điền, nghe tin Tú về nhà nên ghé qua hỏi cô ấy lịch học tuần tới. Cháu xin phép bác cháu đi ạ.
Nói xong dắt xe đi.
Tú thở phào.
Sáng thứ hai lên bến xe, Tú đã thấy thằng cha ám mình đứng đó, sau xe đạp buộc một hòn đá chẻ vuông rất to. Té ra mấy hôm ni hắn vẫn ở quanh đây. Tú quay mặt làm lơ.
Cao Đình cũng không hỏi. Hắn đến nói với anh tài xế gửi hòn đá trên xe, trả tiền cước xong, người lái xe hỏi anh đi xe đạp làm sao lấy hòn đá. Cao Đình chỉ vô Tú, bảo cô ấy đi trên xe, đến bến, anh cứ gửi cho cô ấy. Nói xong đạp xe đi liền.
Đến bế xe An Hòa. Người lái xe giao hòn đá cho Tú. Cô một phen giãy nảy. Nhưng vô thế rồi biết làm sao. Đành đứng nhìn hòn đá bỏ giữa sân mà khóc.
Cuối cùng thì Cao Đình cũng đã tới. Mồ hôi mồ kê nhễ nhại vì phải đạp chiếc xe cà tàng hơn bốn chục cây số. Đình thản nhiên:
-Cám ơn Tú nghe!
Nói xong, không nhìn Tú, hắn rinh hòn đá bỏ lên sau xe buộc lại, đạp đi.
*
Tối, tầm mười giờ, học xong, Tú mở cửa nhìn ra gốc xà cừ, không thấy cái tượng xù xì đâu cả, cảm thấy có gì đó thiêu thiếu.
Mấy ngày sau cũng thế. Có lẽ cái tượng ấy đã di dời.
Đã hơn tháng vẫn không thấy cái tượng ở chỗ cũ.
Bạn bè hỏi náo lên, sao chẳng thấy cha đó mô cả, có chuyện chi à, Tú bảo, ai mà biết.
*
Lại kể, Cao Đình mang cục đá về thì loay hoay đục đục đẻo đẻo. Xong, thỉnh tác phẩm của mình lên bàn đặt giữa phòng trọ. Từ đó sau giờ học, hắn ngồi lỳ không ra ngoài. Hắn ngồi thế, mắt đăm đắm nhìn vào pho tượng.
Pho tượng đó tạc Nguyệt Tú.
Câu chuyện loang ra và nhanh chóng trở thành đề tài bàn luận của cả hai trường. Sinh viên dựng lên nhiều giai thoại, đại để, cha cù lần tự nguyện làm tượng đứng nhìn vào phòng E6 không được bèn tạc tượng người phòng E6 thỉnh ở phòng mình. Đám con trai còn kể, Cao Đình mua rượu về uống, say lên đập vỡ chai, lấy mảnh thủy tinh rạch nát cái tượng, nhưng cái tượng bằng đá cứ trơ ra, thách thức.
Chuyện đến tai Nguyệt Tú.
*
Ra trường, Nguyệt Tú dắt Cao Đình về ra mắt gia đình. Biết Cao Đình là người Khùa ở Minh Hóa nên gia đình, họ hàng cực lực phản đối. Nhất quyết không thể nào. Đôi trẻ lấy làm buồn lắm. Nguyệt Tú nói, không cưới được nhau một ngày thì cùng chết một ngày. Cao Đình nói, chết mà được chết cùng nhau thì coi như sống trọn đời với nhau rồi. Cả hai quyết định thế.
Hôm đó, Đình và Tú ra ngồi bên bờ sông quê. Đình mang theo một chai nước nói là đã pha sẵn thuốc, bảo hôm nay quyết định sống với nhau trọn đời. Nói xong thì đưa chai nước cho Tú.
Tú nước mắt giàn dụa, đẩy chai nước về phía Đình, bảo anh đi trước đi, em theo. Đình mở nắp, ngửa cổ tu một hơi rồi ngã vật ra. Nước trào lên mép. Tú nhìn thấy Đình thì sảng. Cô giật lấy chai nước. Nhưng cô không uống. Phút chốc cô nhảy dựng lên, la:
-Làng nước ơi, cứu, cứu!
Bà con nghe kêu chạy ào ra, đưa Đình lên trạm xá.
Đình lồm cồm bò dậy, nói nhỏ vô tai cô y sĩ, tôi uống nước đường, không can chi mô mà sợ. Nói xong thì về.
Cuối năm, hay tin họ cưới nhau.
*
Cao Đình mở một xưởng điêu khắc. Thời kinh tế thị trường, nói là xưởng điêu khắc nhưng thực ra chỉ làm tượng coppy các tác phẩm kinh điển nổi tiếng bán cho khách hàng. Vài năm thì có nhà lầu xe hơi. Đám bạn bè lận đận chưa xin được việc làm cứ tấm tắc khen Tú có con mắt tinh đời. Chồng xù xì một tí nhưng là chồng mình, chồng mà đẹp trai chẳng qua cũng là chồng thiên hạ.
Xưởng của Đình thành công ty, thêm chức năng kinh doanh bất động sản. Hồi đó người ta không coi trọng người làm bất động sản mà gọi một cách miệt thị: cò đất. Vì thế Đình có tên là Đình cò.
Tú bỏ việc ở Phòng Văn hóa-Thông tin thành phố để làm bà chủ. 
Cuộc đời phơi phới.
*
Một đám bạn bè cùng lớp đến thăm, xúm lại ca ngợi Đình và Tú. Tú nói, mình cũng tưởng lấy chồng xù xì một tí cho chắc chắn là chồng mình, không ngờ thiên hạ lắm kẻ cũng thích đàn ông xù xì. Đám bạn tưởng nói cho vui thế nên cũng chẳng hỏi thêm.
Lâu sau, bạn bè hay tin Nguyệt Tú lâm bệnh nặng, lũ lượt kéo đến thăm.
Tú bấy giờ như người mất hồn, lúc nhớ lúc quên. Ai nói gì cũng cười vô hồn. Hỏi bệnh chi không ai nói.
Chuyện này chỉ có Đình biết.
Đó là một hôm, Nguyệt Tú pha sẵn một chai nước, mời Cao Đình ngồi rồi nói, đã yêu nhau nhất định sống trọn đời với nhau, hôm nay em quyết định chúng ta phải sống như thế. Em không muốn cảnh chồng chung. Nước em đã pha sẵn thuốc, anh uống đi, em theo. Cao Đình nghe nói cả cười, rằng, con trai ra ngoài đôi lúc cũng ưa văn hóa văn nghệ, hái hoa bắt bướm tí cho vui, vả lại cũng do công việc làm ăn nên có quan hệ này nọ khó nói ra, em phải thông cảm cho anh, anh chỉ có mỗi em là vợ. Nguyệt Tú bảo anh không cần giải thích gì thêm, uống đi. Bấy giờ Đình nổi máu gia trưởng, quát, cô thích thì uống, tôi không uống. Trong bụng Đình nghĩ Tú không có gan, chỉ dọa thế thôi, chắc chai nước kia là nước đường.
Nguyệt Tú đang trong cơn giận, tu hết phân nửa thì ngã vật ra đất, sùi bọt mép.
Cao Đình gọi xe cấp cứu.
Bệnh viện súc ruột cứu được mạng Tú nhưng cô trở nên thơ thơ thẩn thẩn, nhớ nhớ quên quên là thế.
*
Sau cú sốc ấy, Đình như ngộ ra. Anh bỏ hết công việc bên ngoài, đưa đón con đi học rồi về nhà chăm sóc vợ. Ngày mấy lần xoa bóp, tối lấy nước cho vợ ngâm chân. Đình tự đi chợ, nấu các món vợ thích. Đình nấu cái gì Tú cũng ăn, chỉ khi Đình rót nước cho Tú, Tú nhất định phải bắt Đình uống một nửa, còn mình uống nửa còn lại.
Bà con thấy Đình chăm vợ, ai cũng phục lăn, bảo Tú có con mắt tinh đời mới lấy được ông chồng Việt Nam chất lượng cao. Năm nào gia đình Tú cũng nhận bằng gia đình văn hóa. Bạn bè hết lời ca ngợi.
Đà Nẵng 12.2009

Chủ Nhật, 21 tháng 4, 2013

Linh hồ

Hồ Dưng có tài thổi sáo. Tiếng sáo của chàng ma mị. Con gái nghe đứt cả dây yếm. Mỗi đêm, chàng lại ra bìa rừng mà thổi. Bố mẹ các cô con gái đang thì nhắc nhau cài chặt phên cửa, sợ tiếng sáo lọt vào.
Bìa rừng có một thung nước muội từ trong lèn chảy ra, đọng lại to như cái hồ. Cái hồ trong như một chiếc gương. Đồn rằng, con gái ai soi vào nhất định muốn nhảy xuống. Nhiều người nhảy, thung nước muội rất nhiều ma.
Dưng làm việc quần quật. Ngày ngày vào rừng đốt than. Khi than chất thành đống thì thuê thuyền chở về chợ Đồn. Chợ Đồn một tháng sáu phiên/Không mua không bán nhưng ghiền phải đi. Dưng đốt than suốt ngày đêm là mong để được xuống chợ.
Gái làng không ai dám đến gần Dưng vì nghe người già kể, tiếng sáo đó không phải của Dưng mà của ma nữ nhập vào. Dưng về chợ không dám thổi sáo nên không ai sợ, nhưng cũng không ai đến làm quen. Không biết Dưng có buồn không, chỉ biết Dưng về, đêm đêm tiếng sáo vẫn vang lên bên thung nước muội nhiều ma.
*
Một đêm, đang thổi sáo, Hồ Dưng thấy sống lưng lạnh toát. Quay lại, thấy một thiếu nữ áo quần trắng tinh, mặt như hoa, da như trăng, chàng như bị thôi miên.
Ánh trăng thanh, gió mát, thung nước muội đẹp như chiếc gương trời, thiếu nữ như bướm, như tiên…khiến Hồ Dưng rạo rực. Sức lực trai ba mươi dồn nén lâu ngày vỡ oà. Thoáng chốc, thiếu nữ nằm gọn trong lòng vòng tay chàng. Chàng cảm thấy như mình đang bay lên.
Lâu sau, Hồ Dưng thảng thốt thấy đám cỏ bên thung bị quần nát chỉ còn lại mình chàng. Nhìn xuống, thấy thiếu phụ đang ngồi trên một cây gỗ khô trôi bồng bềnh trên mặt nước, mặt hoa da trăng, áo quần trắng tinh, miệng nở nụ cười mê hoặc. Lòng rạo rực, Dưng tiến đến mép thung, cách người con gái chỉ vài sải tay. Trong ánh trăng xanh biếc, chàng chợt khựng lại. Trên cây gỗ không còn người thiếu phụ. Chàng nhìn quanh, không thấy ai, chỉ thấy vạt cỏ nhàu nát sau lưng, nhìn lại cây gỗ, vẫn không thấy. Rồi chàng nghe tiếng cười dưới đáy thung. Nhìn kỹ, chàng thấy thiếu phụ áo quần trắng tinh ngồi trên cây gỗ nhưng quay đầu xuống dưới, như nhìn qua gương trời. Chàng bước thêm bước nữa, thiếu phụ biến mất, tiếng cười xa xăm…
Đêm sau, Hồ Dưng ra bìa rừng, ngồi bên thung nước, đưa sáo ra thổi. Nửa đêm, người chàng lạnh toát, quay lại, là nàng.
Đêm sau, không cưỡng nỗi mình, chàng đốt than về sớm, ngồi chờ tối, lại ra.
Khi vạt cỏ ven thung bị quần nát thì thiếu phụ biến mất.
Từ đó, đêm nào chàng cũng ra nhưng vẫn không thấy bóng nàng.
Rồi một đêm của nhiều năm sau, chàng ra bìa rừng gần thung thổi sáo. Gần sáng, chàng lạnh sống lưng, rồi tiếng trẻ con khóc. Chàng quay lại, thấy một đứa trẻ lên ba nhìn chàng mỉm cười. Nụ cười ma mị y hệt nàng áo trắng.
Dưng mang đứa bé về nhà, đặt tên Hồ Dững.
Làng Sơn Minh truyền tai nhau, chàng đi bán than ở chợ Đồn ngủ với con gái người ta, có con mang về.
*
Dững lớn lên không biết thổi sáo, nhưng tiếng hát ma mị không khác tiếng sáo trúc của cha. Và chàng hát, những bài ca chính chàng nghĩ ra, giọng chàng cao, trong như nước thung bìa rừng, hừng hực như lửa. Hát rằng: Lửa đỏ than hồng nước thung trong vắt/ Ngọc đen đã luyện xuôi thuyền Linh Giang/Đáy sông cao hơn trời, đáy sông nhiều mây trắng/ Mây trắng như khói từ lửa ngọc đen…
Dững hát, dân làng hát theo đến thuộc lòng. Từ đó lưu truyền đi nhiều nơi, gọi là Bài ca đốt than.
Một hôm Dững nói với cha: “Thung rộng nhưng không thể là biển. Nước trong nhưng nhất quyết không phải là gương…”. Nói xong rập đầu vái cha ba vái rồi khăn gói lên đường.
Hồ Dưng không giữ được con. Buồn, đêm lại ra bìa rừng thổi sáo. Thổi mãi, thổi mãi, cho đến một đêm không còn nghe nữa. Từ đó ai đi qua thung nước muội đều thấy Dưng cưỡi cây gỗ khô quay đầu xuống đáy nước, như nhìn trong gương. Ai cũng lạnh người. Từ đó không ra thung nữa. Con nít trong làng khóc, doạ ma thung muội nín liền.
*
Lại nói, Hồ Dững thông minh trác việt, nói đâu hiểu đấy, nói một hiểu mười. Làm công cho nhà thầy Lành hai năm thì thuộc hết bài thuốc Nam trong hiệu. Một hôm có người phương xa đến bốc thuốc, thấy chàng trai đem lòng cảm mến, bèn thì thầm thì thầm với thầy Lành rất lâu trong buồng. Lâu sau bước ra, thầy bảo: “Thung không thể là biển, phá cũng không phải là biển, con đi đi…”. Nói một hiểu trăm. Dững rập đầu vái thầy ba vái rồi đi. Thầy Lành gạt nước mắt, lẩm nhẩm bài ca Dững hát: Cây cỏ thần tiên/ Bàn tay thần tiên/Trí óc thần tiên/Con người thần tiên cây cỏ/ Cỏ không là cỏ/Nước không là nước/Tiên không là tiên là cây cỏ…Bài hát đó lưu truyền trong dân gian có tên Bài ca thuốc Nam .
*
Ba mươi năm sau, có người con trai về thắp hương cho thầy Lành. Người đó xưng tên Hồ Nhung. Cháu thầy Lành không biết đó là ai. Người đó rập đầu vái tứ phương xong thì đi.
Hồ Nhung tìm về làng Sơn Minh. Bấy giờ không phải đi thuyền nữa. Linh Giang đã có cầu nối đôi bờ. Xe Hồ Nhung đến tận đầu làng. Hỏi thung nước muội, người làng chỉ vào khu du lịch có tên Viên Linh. Thấy không có người, Nhung hỏi. Người già chỉ đường bảo người ta làm nên rồi bỏ. Hỏi sao bỏ. Già đáp có ma. Hỏi thấy ma thế nào. Đáp, ai qua thung nước ban đêm cũng thấy một trai một gái ngồi trên cây gỗ khô quay đầu xuống đáy nước. Đêm đêm không có người thổi, tiếng sáo vẫn vang lên. Con gái vào Viên Linh làm việc không chồng đều có chửa. Con trai không vợ vẫn dẫn con về. Hồ Nhung cười mỉm, bảo bịa rồi thong thả bước vào.
Vừa lúc người làng thấy ô tô về thì kéo đến. Người già nhìn xe. Người trẻ nhìn người, lập tức reo lên Hồ Nhung, Hồ Nhung, nhạc sĩ Hồ Nhung trên tivi! Mấy thanh niên quay sang cãi nhau, người nói Hồ Nhưng bồ cô ca sĩ này, người khia cãi là bồ cô ca sĩ khác. Loạn lên.
Không mấy chốc tin đã đến tai lãnh đạo huyện. Chủ tịch Trần Sắt đích thân dẫn đoàn tuỳ tùng lên Sơn Minh nghênh tiếp. Bọn trẻ có mắt như mù, chỉ biết Hồ Nhung là nhạc sĩ, lãnh đạo huyện sáng suốt nhận ra ngay nhà kinh doanh tài ba, nhà đầu tư đầy tiềm năng Hồ Nhung . Cơ hội huyện nhà nở mặt với thiên hạ là đây. Chủ tịch huyện tự hỏi, ông ta về mảnh đất khỉ ho cò gáy này làm gì nhỉ?
*
Khi biết Hồ Nhung chính là cháu đích tôn của Hồ Dưng, chính gốc Sơn Minh, chủ tịch Sắt mừng khôn xiết. Ông bảo, người làng ít học nên không biết trọng nhân tài. Tiếng sáo Hồ Dưng hay là nhờ tài mà có, không thổi được hay như người ta thì đặt điều nói xấu, bịa chuyện mê tín dị đoan. Cụ thân sinh Hồ Dững đặt bài hát hay là thế lại để cụ đi khỏi làng. Phí. Đã thế lại không còn giữ được cái nhà làm di tích cho các cụ. Hồ Nhung không nói, chỉ cười.
Chén chú chén anh vài ly, chủ tịch Sắt hứng lên: “Tôi lớn lên không được thấy cụ nội anh, cha anh bỏ làng đi sớm tôi cũng không thấy, nhưng nhìn anh đây rồi tưởng tượng đó là các cụ, rồi cứ thế tưởng tượng thêm anh thổi sáo hay, hát hay, đặt bài hát giỏi…Nói thiệt, con gái nghe đứt dây yếm là ít, đứt cả lưng quần chứ bộ?”. Rồi ông cười khùng khục như thể thấy con gái đứt lưng quần.
*
Chủ tịch Sắt đứng ra dàn xếp cho Hồ Nhung mua lại Viên Linh. Bên bán nói tiền, bên mua gật đầu, trả tiền cái rẹt. Người bán lại mừng như cha chết sống lại. Chủ tịch Sắt cho người làm giấy tờ vượt cả thời gian quy định của cải cách thủ tục hành chính.
Nhung hứa làm cho huyện thêm một chiếc cầu nối qua làng Hà 20 tỷ, xây cho 56 hộ nghèo trong làng Sơn Minh 56 cái nhà tình thương mang tên của đoàn thể huyện, mỗi cái 25 triệu đồng.
Chủ tịch Sắt rụt rè hỏi: “Khi nào mời anh xuống huyện ta ký hợp đồng?”. Nhung bảo: “Anh cho số tài khoản tôi cho chuyển liền, khỏi ký”. Ông Sắt kêu đám tuỳ tùng, lát sau đưa ra mảnh giấy nhỏ. Hồ Nhung bốc điện thoại đọc số tài khoản bảo chuyển tiền ngay. Lại quay sang ông Sắt: “Hai giờ sau anh cho kiểm tra tài khoản, chuyển rồi”. Ông Sắt vừa cười vừa xoa tay: “Tôi biết ngay mà, có thung nước muội tụ khí sơn lâm, làng này nhất định giàu mà!”.
Nhung ở lại mấy ngày, cho người sửa chữa, tháo biển, gắn lên biển mới Linh Viên Hồ. Xong, Hồ Nhung thắp hương, đứng bên thung nước khấn, đoạn rập đầu vái tứ phương thì lên xe.
*
Hồ Nhung biết cha và ông mình đều đoản mệnh, quá năm mươi, chưa bén sáu mươi tuổi đều thăng, nên ông tìm về nguồn.
Về được rồi, lòng Hồ thanh thản lạ. Trong tâm trạng ấy, ông cho gọi luật sư đến bảo lập di chúc.
Gia sản của ông không ai biết là mấy chỉ nghĩ là vô cùng. Ông làm gì cũng thành công, làm nhạc thì nhạc hay, bàn tay ma mị chỉ ai thì người đó nổi tiếng. Khi thích vẽ thì vẽ như thần. Tranh vẽ chưa ráo mực đã có người mua. Kinh doanh bất bại, hãng tàu thuỷ của ông to nhất Đông Dương, làm ăn như thể in ra tiền.
Là người nổi tiếng nên chuyện đời tư của ông thiên hạ đều biết. Hồ Nhung từng sống qua với 9 người như vợ và có tất cả 11 người con. Hồ không cưới ai vì như người ta nói,“chuyện vợ con làm vướng bận thiên tài”.
Ông sống với người ta như tiên, như phật, như cha, như chú, như anh, như chồng, như mạnh thường quân…Nói đến ông ai ai cũng nức lòng. Đến 9 người từng sống và có con với ông cũng không hề ghen nhạu từ lời nói.Thời buổi ai có chút tiền cũng rinh rang bầu đoàn khoe mẽ, ông thậm ghét. Khi các đại gia ăn cơm chỗ nào cũng có người hầu thì tiệc tùng ở đâu ông cũng là người gắp thức ăn cho mọi người. Qua tuổi năm mươi, nhiều cô gái trẻ vẫn chết mê chết mệt vì ông. Nhiều người vì thế nhất định phải có con với ông hòng níu được chân ông. Tất cả đều bất thành.
Nhưng ông là người có trách nhiệm. Người từng sống với ông, có con với ông ông đều chăm lo đầy đủ. Mỗi người thành một đại nữ gia.
Biết ông là người có học, luật sư không cần giữ ý, đề nghị: “Gia sản anh chia cho con cái thế nào tuỳ, nhưng nhất định phải làm cho đúng, nên thử ADN để sau này ai anh cũng thanh thản, con cái anh cũng thanh thản, các bà ấy cũng thanh thản…”. Ông gật đầu nhưng dặn nhỏ, nhất định không được cho ai biết. Ông sợ họ bị tổn thương.
*
Một ngày đẹp trời, tinh thần minh mẫn, luật sư riêng đến nói nhỏ với ông thế này, thế này. Ông gật gật…Mặt không biến sắc.
Nhượng lại hãng tàu thuỷ, đất đai, có bao nhiêu nữa trong gia sản ông hiến phân nửa làm từ tiện, còn lại chia hết cho 9 vợ 11 con và 69 đệ tử nữ. Xong, về Linh Viên Hồ.
Năm đó ông 54 tuổi.
Mỗi đêm, người làng Sơn Minh lại nghe tiếng sáo to hơn, gần hơn, thấy người ngồi trên cây gỗ như rõ hơn. Khi có ông, người làng dường như không còn sợ nữa, họ bắt đầu kéo đến Linh Viên Hồ ngày một nhiều hơn. Nhưng tuyệt nhiên không có ai trong số đó là người thân của ông.
Đêm rằm tháng tư năm Mão, người đến Linh Viên Hồ không thấy ông bèn cất tiếng gọi. Gọi mãi, gọi mãi....Đến khi trăng tỏ bỗng ai nấy đều lạnh sống lưng. Nhìn xuống thung nước muội, thấy cây gỗ khô từ từ trôi đến. Nhìn kỹ, thấy trên cây gỗ chỉ còn ông. Ông thung dung cưỡi gỗ dạo hồ, đầu quay xuống đáy nước. Tiếng sáo ma mị vẫn bay từ lòng hồ lên tận mây xanh rồi lan toả trong không trung…
*
Măm mươi ngày sau khi ông mất, người luật sư riêng của ông gọi hãng truyền thông VIK đến, ngã giá một trăm nghìn đô. Hôm sau, tất cả phương tiện thông tin của hãng này nhất loạt đưa tin, cả 11 người con của ông Hồ Nhung khi xét nghiệm ADN đều không cùng ADN với bố. Hot ơi là hot.
Năm mươi ngày sau đó, người luật sư lại gọi mấy hãng đến cùng chào cạnh tranh, khi nhất giá hai trăm nghìn đô, hôm sau, trên cả 3 kênh truyền hình, 3 tờ báo in, hai tờ báo điện tử, hai kênh radio của hãng HMV đều cho biết nguyên nhân tỷ phú, nhạc sĩ thiên tài Hồ Nhung tiền của vô tận như thế là do ngày xưa bố của cụ thân sinh đốt than xong chở về Ba Đồn trữ lại thành kho trên trăm tấn. Cụ thân sinh sau đó nghe người ta nói lại mới biết nhưng cũng không mấy quan tâm. Trước khi mất, ông có kể với Nhung chuyện này. Hồ Nhung là người có học, lại được linh tính mách bảo, tìm về. Kho than cũ kỷ vẫn còn nguyên. Thời đại điện khí hóa toàn cầu ai báu chi than củi. Biết được cả trăm tấn than đều được đốt từ một loài cây quý chỉ có ở núi Lệ Sơn. Nhung chào hàng rồi bán sĩ với giá một nghìn hai trăm đô một ký. Nghe đâu người Nhật sử dụng than này để chống lại di chứng của bom nguyên tử, chống cả ung thư. Nghe nói hãng HMV nhờ vụ này mà thu cả triệu đô quảng cáo.
*
Sau khi nghe các hãng truyền thông loan tin ly kỳ về cuộc đời nhạc sĩ thiên tài, tỷ phú Hồ Nhung, tôi tìm đến Linh Viên Hồ.
Mỗi đêm lại ra bên thung nước, ngồi cạnh một tấm bia dựng trên nền đất bằng có khắc bài thơ chữ Hán. Cạnh đó cắm nhiều nhang. Người làng bảo, trước khi mất, ông dặn lại, táng xong thì lấp đất bằng như cũ, không có nấm, rồi dựng bia lên.
Tôi ở chín ngày tám đêm thì về.
Mang tờ giấy chép bài thơ chữ Hán nhờ đọc, cụ đồ thời mới bảo đó là bài thơ của Đạo Hạnh Thiền Sư tựa đề Có và không, rồi dịch ra như sau:
Bảo là có thì nhỏ nhoi như hạt cát cũng có
Bảo là không thì tất cả thế giới đều không.
Có và không như ánh trăng dưới nước.
Đà Nẵng, 1.2010

Thứ Tư, 17 tháng 4, 2013

Một bí mật của lịch sử!

Thỉnh thoảng tui vẫn thấy một người ăn mặc đàng hoàng, tóc rẽ ngôi cẩn thận, đạp xe đạp đi trên đường Bạch Đằng với một phong thái ung dung, từ tốn. Sau ni mới biết đó là một công chức của chính quyền chế độ cũ. Nhiều người đều kể, công chức hồi đó rất ít, họ được ưu tiên ở chung cư và được mọi người rất kính trọng. Công chức không giàu nhưng đủ để nuôi sống gia đình một cách thanh bạch. Làng nào có người vào công chức thì tự hào lắm.
Nói lại mới nhớ hồi Báo Dân (sau đổi tên là báo Bình Trị Thiên do một cuộc tranh luận trong thường vụ và ý kiến báo Đảng thì không thể để tên Dân với đa số áp đảo), có bác tên Sung, công chức chế độ cũ được lưu dung làm hành chính (vì có anh là sĩ quan cao cấp của cách mạng). Ngày nào đến cơ quan bác cũng ăn mặc lịch lãm, phong thái đĩnh đạc. 7h làm việc thì 7h kém 10 bác có mặt; trưa 11h30 tan sở thì 11h 40 bác mới ra khỏi cơ quan. Không ai đến báo Dân mà ra về không hài lòng, nhờ bác.
Hồi học ở Huế, có bác lái xe ca cho trường đưa tụi tui đi tham quan. Mỗi lần xe chạy quá trớn cách chỗ dừng khoảng chục mét, tụi tui thấy bình thường nên định xuống, nhưng bác nhất định không chịu, bảo tụi tui ngồi yên và de xe lại y chỗ định dừng. Hỏi ra, bác là lái xe trong công sở của chế độ cũ.
Một chế độ được coi là thối nát sao lại có thể đào tạo ra những công chức mẫn cán như thế? Câu hỏi ni không biết mấy ông tuyển dụng và đào tạo công chức bây giờ có ai tự hỏi không? Mà có tự hỏi, tui e họ cũng không quản nổi vì công chức bây giờ quá nhiều. Đến mức làm báo cũng công chức, làm đài cũng công chức, công ty cũng công chức, xí nghiệp cũng công chức, làm bảo vệ cũng công chức, hội này hội khác, CLB này CLB khác cũng công chức…Thấy mấy anh đồng nghiệp đi tác nghiệp đeo thẻ công chức hỏi đeo thẻ sao hành nghề, lộ hết, bảo phải đeo vì đó là quy định của…công chức!
Một bộ máy công chức của chính quyền, đảng và mặt trận đồ sộ, hoành tráng và kỳ vĩ xứng đáng là kỳ quan mới của thế giới mà không cần bầu chọn như thế thì đóng thuế làm sao cho kịp mà nuôi?
Tui cứ cả nghĩ như thế chứ dân ta vẫn nuôi tốt, thậm chí là rất OK. Bằng cớ là quan chức công chức cực giàu, công chức hạng trung thì từ mức gàu đến khá, hạng thường thì trên dân…
Bình luận về việc người mẫu của ta bây giờ quá nhiều, ai cũng đua làm người mẫu, nhưng tính ra có bao nhiêu show diễn, mỗi show thu nhập bao nhiêu, làm sao đội ngũ hùng hậu đó sống, làm sao vẫn nhà lầu xe hơi…người ta nói, đó là “một bí mật của lịch sử”!
Quan công chức của ta lương thấp nhưng cực giàu, đó cũng là một “một bí mật của lịch sử”!
Người mẫu có thể giải thích được rằng do họ biết lấy lổ, ý lộn, lỗ làm lãi, còn quan công chức thì không.

Thứ Ba, 16 tháng 4, 2013

Ký ức đèn dầu


Đèn khoe đèn tỏ hơn trăng
Đèn ra trước gió còn chăng hỡi đèn?
Không hiểu vì sao, ngày xưa, mạ tui thường ru anh em tui bằng hai câu ca dao đó, để trong lòng con trẻ lúc nào cũng bị day dứt vì một điều gì đó rất khó cắt nghĩa, hình như là sự không công bằng.
Lớn lên, tôi mới biết còn hai câu ca dao nữa:
Trăng khoe trăng tỏ hơn đèn
Cớ sao trăng lại phải luồn đám mây?
Sự bình đẳng giữa đèn và trăng đã được lập lại. Nhưng chúng tôi hiểu nỗi lòng của mạ lúc ấy, mặc dù mạ tui không hề giải thích.
Ngọn đèn dầu ám ảnh ký ức tui từ đó.
Tuổi thơ anh em tui gắn liền với chiến tranh, với tiếng nổ chát chúa của bom đạn, tiếng la hét xé lòng và cái đói triền miên. Nhưng tuổi thơ của bọn tui cũng đầy ắp niềm kiêu hãnh...
Đến bây giờ, dù trải qua biết bao nhiêu thăng trầm của cuộc sống, tui vẫn thấy như vang vọng đâu đây những áng hùng văn trong sách giáo khoa mà cả lớp đồng thanh đọc lên dưới nhà hầm, trong ánh sáng vàng vọt của cây đèn dầu chế bằng vỏ bom bi. Những ông giáo sư, tiến sĩ, những nhà khoa học tài danh, những doanh nhân, nhà chính trị...thành đạt của thế hệ chúng tôi hầu như đít ai cũng chai sẹo vì cưỡi trên lưng trâu và mũi ám đen vì khói đèn dầu.

Ngày ấy, dầu hỏa được bán phân phối theo sổ nhưng không đủ để thắp. Tui còn nhớ như in cảnh mấy đứa em rơm rớm nước mắt khi tui cầm hai chiếc áo vá chằng vá đụp mà anh em tui vẫn mặc để đi học mang cho chú lái máy cày làm giẻ lau để đổi lấy lon dầu cặn đặng có thể thắp mà học bài.
Dầu cặn không thể đổ trong cây đèn bình thường nên phải đổ ra đĩa thắp như dầu lạc. Nó khác dầu lạc ở chỗ khói bốc lên đen ngòm.
Tối lại, mấy anh em chụm đầu vào đĩa dầu ấy dưới căn hầm nóng bức để học bài. Sáng ra rửa mặt, mũi đứa nào cũng bám đầy muội như ống khói. Lạ thay, thế mà em tui đứa mô học cũng giỏi, chữ viết đều tắp lự, bây giờ có thể nói là không phụ công lao đấng sinh thành.
Ngày đất nước thống nhất, trên ba lô về phép của tui có một vật quý nhất, được nâng niu nhất, đó là cây đèn tọa. Tối đến, đổ dầu hỏa vào, bật lửa, vặn to bấc, cả nhà ngồi ngắm sung sướng vô ngần!
*
Ngày làng tui có điện, người ta không nỡ bỏ ngọn đèn dầu, một phần do thói quen, một phần do điện không phải lúc nào cũng sáng.
Năm tháng trôi qua, như một lẽ tự nhiên, ngọn đèn dầu biến mất từ lúc nào không ai để ý. Thế hệ con tui, nhiều đứa không biết thế nào là ngọn đèn dầu. Mừng cho nó.
*
Tui không phải là người hoài cổ, chẳng qua là vì từ trong ký ức, ngọn đèn dầu lúc nào cũng sáng lên cùng những kỷ niệm không thể nào phai. Đối với tui, đó là ngọn đèn không bao giờ tắt.
*
Một đêm mùa Thu hoài niệm, tui đi trên đường phố Hội An xưa cũ, bắt gặp những ngọn đèn dầu. Ký ức bất chợt ùa về. Tui say mê đắm mình trong ánh sáng kỳ ảo đó, như thực, như mơ...

Nằm bên sông Hoài, phố ẩm thực Băch Đằng trở nên huyền ảo vì những ngọn đèn dầu. Du khách ra vào lặng lẽ, huyền bí và tin cậy. Họ đến đây không chỉ để thưởng thức các món ăn mà để sống những phút giây thần tiên của cuộc đời. Tui cũng chưa thể lý giải rõ ràng cho mình, vì sao những ngọn đèn dầu lại làm người ta mê đắm vậy, họ có gì giống với tui không?
Tui cũng không biết họ ngồi đó, bên ngọn đèn dầu để nghĩ những gì, chỉ thấy ánh mắt họ toát lên một vẻ bình yên kỳ lạ.
*
Còn tui, tui không thể nói nên lời, vì từ trong sâu thẳm tâm hồn, thấy những lời nói đó quá nhỏ nhoi đối với những người đã thắp sáng cho mình cả một miền ký ức...

Thứ Năm, 11 tháng 4, 2013

Họa My, Vẹt và Chim Két


Nhà mình có vài người rất yêu Mỹ Tâm. Mình nhớ, có dạo, người nhà mình có một số điện thoại của Họa Mi, điện thoại không khi nào là không bắt máy. Không biết cổ còn giữ số đó không. Nói không để khoe mà để nói mình chẳng bênh ai hay ghét ai trong chuyện này.
Mấy hôm nay lùm xùm chuyện cát sê, mình định nói người nhà mình điện thoại nói Mỹ Tâm một tiếng nhưng nghĩ đi nghĩ lại và…thôi.
Trở lại câu chuyện cũ: Mình thấy chủ tịch Đà Nẵng Văn Hữu Chiến lắc đầu với cát sê khủng chẳng có gì sai. Thứ nhất, đây là chương trình văn nghệ trước giờ khai diễn pháo hoa mà người ta đi xem trình diễn pháo hoa chứ không phải đi xem chương trình nghệ thuật; thứ hai, dựa vào kinh phí, người tổ chức có thể cắt giảm những cái có thể cắt giảm là điều bình thường. Đắt quá thì không mời, không mời chứ không phải “tẩy chay” như một số người lu loa.
Khi báo chí đăng tin, Họa My đã vội “thanh minh thanh nga”, có vẻ răn dạy mọi người nên này nên nọ. Chiêu này có vẻ hơi bị vẹt. Cái vẹt đầu tiên là ai cũng biết, ca sĩ nào cũng có người đại diện, khi “làm giá” hay phát ngôn thì người đại diện hoặc người quản lý làm, khi sai thì ca sĩ đổ thừa cho người đại diện, thế là xong. Thứ hai, Họa My chắc chắn khôn ngoan lanh lợi hơn vẹt nên chỉ cần nói rằng, chuyện này tôi chưa biết cụ thể, để tôi hỏi lại người quản lý, chắc người quản lý không biết chương trình này diễn ra ở TP quê tôi, chỉ đàm phán giá với Sơn Lâm như mọi show diễn khác. Tôi khẳng định, nếu được hát trong một chương trình như thế, ở ngay chính quê mình, phục vụ cho bà con mình thì câu chuyện đã hoàn toàn khác.
Có báo dẫn lời bà Hải Sơn Lâm cho rằng, “nếu chính TP Đà Nẵng ra lời đề nghị thì Mỹ Tâm, trực tiếp đàm phán với Mỹ Tâm cũng có thể giảm giá”. Thiệt tình! Chuyện chủ tịch TP họp để “rắc” lại việc tổ chức, sau đó thì mọi bộ phận khác theo đó mà làm, lãnh đạo TP đâu rỗi hơi đi làm công văn công vơ, đàm phán đàm pheo ba chuyện lăn tăn đó. Nói thế cũng là một cách kiêu ngạo quá rồi!
Bà Nà Hills đang chăng cái băng dọc đường, đại để, chỉ bán vé đi cáp treo 4 kỷ lục thế giới với giá 100 nghìn để tri ân người Đà Nẵng. Biết họ khôn nhưng cái khôn của họ là khôn ngoan.
Cách đây 11 năm, khi chính TP mời về hát trong một chương trình ở sân vận động, Mỹ Tâm (hay người phía Mỹ Tâm) đòi giá 36 triệu đồng, tôi đã nghe ông chủ tịch TP lúc đó cũng đã lắc đầu ngao ngán, phán một câu mà tôi không tiện nhắc lại. (Lúc đó hình như là tôi hay người nhà tôi gì đó có điện thoại khuyên cổ). 
Nhưng câu chuyện ở đây không chỉ có Họa My, Vẹt mà có cả Chim Két. Con Chim Két Sơn Lâm, đơn vị thâu tóm hầu như hầu hết các chương trình lễ hội lớn của đất nước này là con Chim Két thứ dữ cho dù họ chỉ là trung gian đi thuê lại từ thiết bị cho đến con người nhưng vẫn là “đơn vị có đủ năng lực”. Chim Két của nhà ai ư? Biết, chết liền!
Câu chuyện ông chủ tịch TP Đà Nẵng nói bao gồm cả chuyện cát sê mà không phải cát sê, có vẻ như đây là lần đầu tiên, câu chuyện pháo hoa đã không còn là pháo hoa, là một câu chuyện khác!
*
Nhưng mà thôi, không bàn chuyện đó, đó là “công việc nội bộ” của người ta. Bàn chuyện khác.
Người ta hay nói đi nói lại về chuyện “liên kết du lịch” mà chẳng thấy ai làm. Huế tổ chức đằng Huế, Quảng Nam tổ chức đằng Quảng Nam, Đà Nẵng cứ thế mần riêng Đà Nẵng. Sắp đến Quảng Nam tổ chức một cuộc liên hoan nghệ thuật lớn nhưng cho đến nay vẫn chưa có ai nhận lời. Trước đó, họ cũng đã tổ chức một cuộc liên hoan nhạc giao hưởng quốc tế ở Hội An và diễn viên đông hơn khán giả…
Tôi chỉ nghĩ một điều, giả sử cuộc liên hoan nhạc giao hưởng quốc tế ở Hội An tổ chức vào dịp trình diễn pháo hoa Đà Nẵng thì ít nhất họ có hai đêm diễn trước hàng chục vạn khán giả. Và, trước cuộc trình diễn pháo hoa, người dân và du khách ngồi bên sông Hàn được thưởng ngoạn một thứ âm nhạc sang trọng đúng tầm quốc tế ở một cuộc trình diễn pháo hoa quốc tế.
Nhưng mà cuộc đời vẫn thấy nhiều điều như thế xẩy ra, ai nói thì nói, ai làm cứ làm, chỉ vì trong cuộc đời không chỉ có một con chim két.

Thứ Năm, 4 tháng 4, 2013

Tám chuyện cầu Rồng

Tám chuyện cầu Rồng
Người có cách nhìn phong thủy nói rằng, Đà Nẵng có 4 chùa lớn ở bốn hướng, gọi là Linh Ứng tứ trấn; nay lại có 9 cầu (cửu long) bắc qua sông. Xây được 4 chùa, 9 cầu là “công đức vô lượng”, là duy trì được sự an lành. Từ cách nhìn này, việc làm rồng cho cầu Rồng vì thế rất được quan tâm, thậm chí sau ngày khánh thành vẫn là chủ đề để tám với nhiều ý kiến khác nhau…





Ảnh PHAN CƯỜNG
Sáng 29.3 khánh thành cầu Rồng thì đêm hôm đó, hàng vạn người đổ xô sang bờ đông sông Hàn để xem rồng phun lửa. Cầu kẹt cứng, đến mức thấy không bảo đảm an toàn nên người ta đã không cho rồng…phun nữa. Thế mới biết, cái lạ, sự độc đáo bao giờ cũng tạo nên một sứt hút lạ thường.
Ngồi ở bờ sông chờ coi rồng phun lửa, một người nói: “Ngày trước mình đi Hà Nội, Sài Gòn, bước lên taxi, lái xe hỏi từ đâu đến, mình ấp a ấp úng nói từ Đà Nẵng, không được tự tin. Nay nghe nói mình từ Đà Nẵng, họ á lên, có vẻ thán phục…mình lắm. Thời buổi khó khăn này mà khánh thành một lần hai cái cầu. cái thì có nét Á đông (cầu Rồng), cái thì rất hiện đại (cầu Trần Thị Lý) nghĩ cũng tự hào thiệt”.
Để có được sự thán phục đó, Đà Nẵng phải làm được nhiều việc, nhưng có hai điều khiến mọi người thích nhất: TP này làm cái gì cũng…độc đáo và làm khi nào cũng nhanh. Cầu Rồng có thiết kế phức tạp, thi công khó nên nhà thầu chậm tiến độ đâu như tổng cộng có 45 ngày mà phải bị phạt mấy lần, mỗi lần mấy trăm triệu. Làm cái gì cũng nhanh nên đi đâu vài ngày trở về, đã thấy Đà Nẵng khác rồi.
Những cây cầu độc đáo
Người có cái nhìn lãng mạn ví sông Hàn là dãi lụa của cô gái xuân thì Đà Nẵng và những chiếc cầu là những nét hoa văn trên dãi lụa đó; người có cái nhìn “vĩ mô” thì những chiếc cầu bắc ngang sông tạo nên sự phát triển về kinh tế- xã hội; người không lãng mạn, không “vĩ mô” chỉ nghĩ, làm nhiều cầu thì giải quyết được vấn đề làm đau đầu không ít người ở các thành phố lớn: kẹt xe…
Chưa đầy 11 km dọc sông Hàn có đến 9 chiếc cầu, từ cửa biển ngược lên thượng nguồn (bao gồm cả nhánh sông Cẩm Lệ đổ về sông Hàn) lần lượt có cầu Thuận Phước, cầu sông Hàn, cầu Rồng, cầu Nguyễn Văn Trỗi, cầu Trần Thị Lý, cầu Tuyên Sơn, cầu Nguyễn Tri Phương và cầu Cẩm Lệ. Trong số đó có những chiếc cầu rất độc đáo, chỉ có ở Đà Nẵng.
Đến bây giờ, du khách đến thành phố này vẫn rất háo hức thức đến nửa đêm để tận mắt chiêm ngưỡng cầu quay sông Hàn. Đây là chiếc cầu độc nhất ở nước ta có thể quay được nhịp giữa với một góc 90 độ. Điểm độc đáo hơn nữa, đây là chiếc cầu đầu tiên được xây dựng bằng kinh phí của người dân Đà Nẵng đóng góp. Hồi đầu có người gọi cầu này là cầu chị Quyên (tức là cái cầu do quyên góp mà có, để đối lại với cầu Nguyễn Văn Trỗi). Có lẽ vì thế, cầu quay sông Hàn được chọn làm biểu tượng của Đà Nẵng cùng với Ngũ Hành Sơn.
Nhưng rồi, các cây cầu khác tiếp tục được xây, cầu sau “độc” không kém cầu trước.
Sau cầu sông Hàn là cầu Thuận Phước nối đường Nguyễn Tất Thành, một con đường từng được mệnh danh là “đẹp nhất Việt Nam”, sang bán đảo Sơn Trà. Chiếc cầu dài 1.855m này hội tụ rất nhiều kỷ lục về công nghệ xây cầu và đến nay vẫn là chiếc cầu treo dây võng dài nhất Việt Nam. Đêm về, khi điện bật lên, ánh sáng làm cho chiếc cầu trở nên lung linh, huyền ảo mê hoặc mọi người.
Hai chiếc cầu Nguyễn Văn Trỗi và Trần Thị Lý cạnh nhau đã trở nên quá đỗi thân quen với người Đà Nẵng. Nhưng dù nhiều lần tu sửa cả hai chiếc cầu vẫn không thể trụ nổi với thời gian. Vì thế, một cây cầu đầu tiên của Việt Nam có sàn vọng cảnh đã thay thế cho một trong hai chiếc cầu này, chính xác là thay thế cầu Trần Thị Lý cũ. Đây là cầu dây văng một mặt phẳng, với kết cấu dây và tháp nghiêng độc đáo. Giữa cầu có tháp trụ cao gần 150 m so với mặt nước. Bên trong tháp trụ có hệ thống thang máy để đưa du khách lên đỉnh tháp ngắm toàn cảnh thành phố.
Cầu Rồng là cầu nằm ở trục chính của Đà Nẵng theo hướng đông - tây, tuyến đường ngắn nhất nối sân bay Đà Nẵng với các khu du lịch bên một trong các bờ biển đẹp nhất hành tinh. Nhiều chuyên gia cho rằng, thiết kế cầu Rồng là một trong những thiết kế tạo nên nguồn cảm hứng đặc biệt, là một biểu tượng mới của TP Đà Nẵng. Cầu Rồng vì thế được quan tâm hơn cả.
Rồng của cầu Rồng
Địa điểm xây dựng cầu Rồng vốn một thời là đề tài bàn tán xôn xao vì cho rằng sẽ ảnh hưởng đến Bảo tang Chăm. Rốt cục thì mọi chuyện…y thế mà làm.
Từ đầu tháng 3 này, khi con rồng của cầu Rồng thành hình thành dạng, đã có rất nhiều người cho rằng, con rồng quá mảnh, trông như con...rắn. Đầu rồng lại chúi xuống, nhìn xa giống như rồng đang...trườn chứ không phải bay.

Đến lúc này, mọi người mới nhớ lại, năm trước, tại một cuộc họp, xung quanh chuyện rồng đã có nhiều ý kiến khác nhau.
Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng, người được mời tham gia ý tưởng chọn đầu rồng cho cầu và sau này là tác giả của đầu rồng hiện nay, lúc đó đã nói, điều ông băn khoăn là cầu dài nên trông con rồng mỏng manh quá. Phần đầu rồng và đuôi rồng của nhà thiết kế thấy trườn chứ không có độ vươn. Vì thế nó không giống…rồng. Lúc đó, ông đã đề nghị cho đầu rồng uốn ngược lại và vươn lên, như vậy sẽ thấy rồng mạnh mẽ hơn.
Ông Hạng còn đề nghị, để con rồng đỡ "ốm" thì nên làm thành hai con rồng. Một con đầu hướng ra biển (hướng đông), một con hướng lên núi (hướng tây), hai cái đuôi nằm giữa cầu quấn lại thành biểu tượng hoa sen. Như thế rồng vừa có đôi, vừa có một đầu hướng về hướng tây, đón khách, một đầu hướng về đông là vươn ra bốn biển năm châu.
Lúc đó, ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP đã không tán đồng ý kiến của nhà điêu khắc, ông cho rằng, hai con rồng xoay lưng lại với nhau sợ người ta cho là...mất đoàn kết. Theo ý ông thì rồng từ biển bay vào, uốn lượn, tạo mưa, vì thế đầu phải quay đầu về hướng tây, tức là phía bờ. Vả lại, nếu đầu hướng ra biển thì khi phun lửa sẽ bớt hấp dẫn du khách (khi đến Đà Nẵng, khách đi trục đường chính Nguyễn Văn Linh sau đó qua cầu mới sang khu du lịch bên biển).
Nhưng nhiều người lại có cùng quan điểm nên đặt đầu rồng ở bờ đông mang tư thế rồng vươn ra biển lớn.
Chuyện cái đầu rồng cũng là đề tài tranh cãi lúc đó. Theo ý ông Nguyễn Bá Thanh thì con rồng chỉ có trong truyền thuyết, chưa ai nhìn thấy, thế nên rồng thời Lý khác thời Trần, thời Trần khác thời Nguyễn…Ông yêu cầu nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng suy nghĩ, làm cái đầu rồng thế nào mà nhìn vào người ta biết đó là rồng Việt Nam là được.
Tám chuyện…rồng
Cuối cùng thì đầu rồng hướng ra biển. Và cũng vì nó quá dài nên trông mảnh và đúng là đầu hơi ngắn nên thấy nó không được mạnh như ông Hạng dự báo. Lúc này có người lại “hiến kế” nên sửa lại thành hai con rồng, lấy nhịp giữa cao hơn làm hai đầu rồng hướng vào nhau theo kiểu “lưỡng long chầu nguyệt”. Nhưng lập tức có người phản bác lại ngay, rằng nếu thế thì làm sao rồng vào được Guinness là con rồng thép dài nhất thế giới? Người có chút vốn liếng kỹ thuật thì cho rằng không thể được vì mỗi cái đầu rồng nặng đến 40 tấn, hai cái chụm lại giữa một nhịp cầu tổng cộng là 80 tấn thì cầu sao trụ nỗi?
Hôm rồng phun lửa thử, nhiều người đến xem đã nhận xét, đầu rồng này không có râu nên đứng đối diện trông nó như cái máy ngoạm đất. Nhưng tôi nhìn nghiêng thấy nó ổn, giống rồng thời Lý, có nét…Việt Nam.
Việc phun lửa cũng là đề tài tám. Ông Võ Chí Trung (khu dân Cư Nam cầu Cẩm Lệ, phường Hòa Xuân, TP Đà Nẵng, đưa lên mạng ý kiến cho rằng, rồng phun lửa là rồng…sát khí, nên để rồng phun nước. Ông còn lo lửa là hỏa mà mạng các vị lãnh đạo đều mạng thủy mạng kim nên sợ…không tốt cho sước khỏe mấy ảnh.
Nhưng bà Trần Thị Kim nói lại rằng: “Sau khi tham quan TP Đà Nẵng, tôi thấy Đà Nẵng có một số yếu tố mà tôi hiểu được đó là “long mạch” nên tôi trộm hiểu, việc xây dựng một cây cầu rồng phun lửa, có thể về mặt nào đó nó là “vật dẫn” hoặc là một yếu tố trấn trạch nếu theo phong thủy…”
Bây giờ thì người ta đã quyết định, ngày phun nước, đêm phun lửa. Cách này có vẻ đã làm cho bác Trung và bác Kim đều hài lòng.
Sáng khánh thành cầu, nhiều người xem truyền hình nhìn rồng phun lửa chê xấu vì cứ phun ra từng cục như thể rồng…ợ hơi. Thực ra thì vì truyền hình quay đối diện, lại là ban ngày, chứ ban đêm nhìn nghiêng thấy rồng phun lửa cũng…giống phun lửa lắm!
Chuyện lửa- nước đến bây giờ vẫn là đề tài bàn tán, có người cho rằng, rồng phun lửa là để “trấn yểm ngoại xâm”, phun nước là để dân được “an lành thịnh vượng”. Bình luận về chuyện này, ông Quốc Cường viết: “ Suy diễn là khái niệm logic quan trọng trong tất cả các lĩnh vực, từ khoa học, kinh tế, chính trị, văn hóa, tâm linh. Trong khoa học tâm linh, suy diễn có hai chiều hướng: làm cho hiện tượng sự vật tốt lên, hoặc là, làm cho sự vật hiện tượng xấu đi. Người lãnh đạo giỏi là người phải biết làm tâm lý, tâm linh sao cho việc suy diễn logic làm cho sự vật hiện tượng được tốt lên. Tức là phát huy sở trường, giảm tác nhân sở đoản”.
Theo đó, ông Quốc Cường ví dụ: “Cao Biền là người nhà Đường sang cai quản Giao Châu. Để làm cho tâm lý nhân dân Giao Châu suốt đời làm nô lệ nên ông ta đã là cái trò trấn ỉm phong thủy (trấn trạch). Tất nhiên ngày xưa các cụ ta cũng khôn ngoan, phao tin phản lại Cao Biền là khi Cao Biền Trấn trạch thì bị cụ già phát hiện và hủy nó đi rồi… (Cao Biền trấn trạch làng Đường Lâm nhưng rồi cũng không thành công, sau này làng này lại là ngôi làng sinh ra hai vua). 
Ông Cường nói thêm: “Đà Nẵng xây 4 chùa Linh Ứng (Linh Ứng tứ trấn), 9 cầu (cửu long). Trong tâm thức, xây 4 chùa, làm chín cầu, là công đức vô lượng, đức là cốt lõi của con người để duy trì cái thiện, cái an lành… Vì vậy, càng củng cố niềm tin trong nhân dân. Vừa hiệu quả tâm linh vừa thu hút khách du lịch”.
Tôi thì thấy, ban đêm, bằng mắt thường có thể thấy rõ ít nhất 5 cây cầu sáng rực trên một khúc sông, đẹp mê hồn. Thích nhất là cầu Trần Thị Lý, đơn giản mà hiện đại, và vì thấy đi qua cầu, con người mình có nhiều cảm xúc.
Lại nhớ câu: “Cầu nối. mạch thông, đất sẽ vượng”. Chẳng cần đến chuyên gia về tâm linh thì ai cũng nhận thấy rõ một điều: Đường thông, cầu thoáng, không kẹt xe, tiết kiệm vô khối thời gian, không vượng mới lạ!
 Cầu Rồng được UBND TP cho phép đăng ký kỷ lục Guinness thế giới là “Con rồng thép lớn nhất”. Đêm, cầu Rồng được thắp sáng với hơn 2.500 điểm đèn LED thông minh. Giải pháp chiếu sáng này sẽ chủ động thay đổi ánh sáng phù hợp với từng chủ đề của các sự kiện, lễ hội.