Chủ Nhật, 21 tháng 4, 2013

Linh hồ

Hồ Dưng có tài thổi sáo. Tiếng sáo của chàng ma mị. Con gái nghe đứt cả dây yếm. Mỗi đêm, chàng lại ra bìa rừng mà thổi. Bố mẹ các cô con gái đang thì nhắc nhau cài chặt phên cửa, sợ tiếng sáo lọt vào.
Bìa rừng có một thung nước muội từ trong lèn chảy ra, đọng lại to như cái hồ. Cái hồ trong như một chiếc gương. Đồn rằng, con gái ai soi vào nhất định muốn nhảy xuống. Nhiều người nhảy, thung nước muội rất nhiều ma.
Dưng làm việc quần quật. Ngày ngày vào rừng đốt than. Khi than chất thành đống thì thuê thuyền chở về chợ Đồn. Chợ Đồn một tháng sáu phiên/Không mua không bán nhưng ghiền phải đi. Dưng đốt than suốt ngày đêm là mong để được xuống chợ.
Gái làng không ai dám đến gần Dưng vì nghe người già kể, tiếng sáo đó không phải của Dưng mà của ma nữ nhập vào. Dưng về chợ không dám thổi sáo nên không ai sợ, nhưng cũng không ai đến làm quen. Không biết Dưng có buồn không, chỉ biết Dưng về, đêm đêm tiếng sáo vẫn vang lên bên thung nước muội nhiều ma.
*
Một đêm, đang thổi sáo, Hồ Dưng thấy sống lưng lạnh toát. Quay lại, thấy một thiếu nữ áo quần trắng tinh, mặt như hoa, da như trăng, chàng như bị thôi miên.
Ánh trăng thanh, gió mát, thung nước muội đẹp như chiếc gương trời, thiếu nữ như bướm, như tiên…khiến Hồ Dưng rạo rực. Sức lực trai ba mươi dồn nén lâu ngày vỡ oà. Thoáng chốc, thiếu nữ nằm gọn trong lòng vòng tay chàng. Chàng cảm thấy như mình đang bay lên.
Lâu sau, Hồ Dưng thảng thốt thấy đám cỏ bên thung bị quần nát chỉ còn lại mình chàng. Nhìn xuống, thấy thiếu phụ đang ngồi trên một cây gỗ khô trôi bồng bềnh trên mặt nước, mặt hoa da trăng, áo quần trắng tinh, miệng nở nụ cười mê hoặc. Lòng rạo rực, Dưng tiến đến mép thung, cách người con gái chỉ vài sải tay. Trong ánh trăng xanh biếc, chàng chợt khựng lại. Trên cây gỗ không còn người thiếu phụ. Chàng nhìn quanh, không thấy ai, chỉ thấy vạt cỏ nhàu nát sau lưng, nhìn lại cây gỗ, vẫn không thấy. Rồi chàng nghe tiếng cười dưới đáy thung. Nhìn kỹ, chàng thấy thiếu phụ áo quần trắng tinh ngồi trên cây gỗ nhưng quay đầu xuống dưới, như nhìn qua gương trời. Chàng bước thêm bước nữa, thiếu phụ biến mất, tiếng cười xa xăm…
Đêm sau, Hồ Dưng ra bìa rừng, ngồi bên thung nước, đưa sáo ra thổi. Nửa đêm, người chàng lạnh toát, quay lại, là nàng.
Đêm sau, không cưỡng nỗi mình, chàng đốt than về sớm, ngồi chờ tối, lại ra.
Khi vạt cỏ ven thung bị quần nát thì thiếu phụ biến mất.
Từ đó, đêm nào chàng cũng ra nhưng vẫn không thấy bóng nàng.
Rồi một đêm của nhiều năm sau, chàng ra bìa rừng gần thung thổi sáo. Gần sáng, chàng lạnh sống lưng, rồi tiếng trẻ con khóc. Chàng quay lại, thấy một đứa trẻ lên ba nhìn chàng mỉm cười. Nụ cười ma mị y hệt nàng áo trắng.
Dưng mang đứa bé về nhà, đặt tên Hồ Dững.
Làng Sơn Minh truyền tai nhau, chàng đi bán than ở chợ Đồn ngủ với con gái người ta, có con mang về.
*
Dững lớn lên không biết thổi sáo, nhưng tiếng hát ma mị không khác tiếng sáo trúc của cha. Và chàng hát, những bài ca chính chàng nghĩ ra, giọng chàng cao, trong như nước thung bìa rừng, hừng hực như lửa. Hát rằng: Lửa đỏ than hồng nước thung trong vắt/ Ngọc đen đã luyện xuôi thuyền Linh Giang/Đáy sông cao hơn trời, đáy sông nhiều mây trắng/ Mây trắng như khói từ lửa ngọc đen…
Dững hát, dân làng hát theo đến thuộc lòng. Từ đó lưu truyền đi nhiều nơi, gọi là Bài ca đốt than.
Một hôm Dững nói với cha: “Thung rộng nhưng không thể là biển. Nước trong nhưng nhất quyết không phải là gương…”. Nói xong rập đầu vái cha ba vái rồi khăn gói lên đường.
Hồ Dưng không giữ được con. Buồn, đêm lại ra bìa rừng thổi sáo. Thổi mãi, thổi mãi, cho đến một đêm không còn nghe nữa. Từ đó ai đi qua thung nước muội đều thấy Dưng cưỡi cây gỗ khô quay đầu xuống đáy nước, như nhìn trong gương. Ai cũng lạnh người. Từ đó không ra thung nữa. Con nít trong làng khóc, doạ ma thung muội nín liền.
*
Lại nói, Hồ Dững thông minh trác việt, nói đâu hiểu đấy, nói một hiểu mười. Làm công cho nhà thầy Lành hai năm thì thuộc hết bài thuốc Nam trong hiệu. Một hôm có người phương xa đến bốc thuốc, thấy chàng trai đem lòng cảm mến, bèn thì thầm thì thầm với thầy Lành rất lâu trong buồng. Lâu sau bước ra, thầy bảo: “Thung không thể là biển, phá cũng không phải là biển, con đi đi…”. Nói một hiểu trăm. Dững rập đầu vái thầy ba vái rồi đi. Thầy Lành gạt nước mắt, lẩm nhẩm bài ca Dững hát: Cây cỏ thần tiên/ Bàn tay thần tiên/Trí óc thần tiên/Con người thần tiên cây cỏ/ Cỏ không là cỏ/Nước không là nước/Tiên không là tiên là cây cỏ…Bài hát đó lưu truyền trong dân gian có tên Bài ca thuốc Nam .
*
Ba mươi năm sau, có người con trai về thắp hương cho thầy Lành. Người đó xưng tên Hồ Nhung. Cháu thầy Lành không biết đó là ai. Người đó rập đầu vái tứ phương xong thì đi.
Hồ Nhung tìm về làng Sơn Minh. Bấy giờ không phải đi thuyền nữa. Linh Giang đã có cầu nối đôi bờ. Xe Hồ Nhung đến tận đầu làng. Hỏi thung nước muội, người làng chỉ vào khu du lịch có tên Viên Linh. Thấy không có người, Nhung hỏi. Người già chỉ đường bảo người ta làm nên rồi bỏ. Hỏi sao bỏ. Già đáp có ma. Hỏi thấy ma thế nào. Đáp, ai qua thung nước ban đêm cũng thấy một trai một gái ngồi trên cây gỗ khô quay đầu xuống đáy nước. Đêm đêm không có người thổi, tiếng sáo vẫn vang lên. Con gái vào Viên Linh làm việc không chồng đều có chửa. Con trai không vợ vẫn dẫn con về. Hồ Nhung cười mỉm, bảo bịa rồi thong thả bước vào.
Vừa lúc người làng thấy ô tô về thì kéo đến. Người già nhìn xe. Người trẻ nhìn người, lập tức reo lên Hồ Nhung, Hồ Nhung, nhạc sĩ Hồ Nhung trên tivi! Mấy thanh niên quay sang cãi nhau, người nói Hồ Nhưng bồ cô ca sĩ này, người khia cãi là bồ cô ca sĩ khác. Loạn lên.
Không mấy chốc tin đã đến tai lãnh đạo huyện. Chủ tịch Trần Sắt đích thân dẫn đoàn tuỳ tùng lên Sơn Minh nghênh tiếp. Bọn trẻ có mắt như mù, chỉ biết Hồ Nhung là nhạc sĩ, lãnh đạo huyện sáng suốt nhận ra ngay nhà kinh doanh tài ba, nhà đầu tư đầy tiềm năng Hồ Nhung . Cơ hội huyện nhà nở mặt với thiên hạ là đây. Chủ tịch huyện tự hỏi, ông ta về mảnh đất khỉ ho cò gáy này làm gì nhỉ?
*
Khi biết Hồ Nhung chính là cháu đích tôn của Hồ Dưng, chính gốc Sơn Minh, chủ tịch Sắt mừng khôn xiết. Ông bảo, người làng ít học nên không biết trọng nhân tài. Tiếng sáo Hồ Dưng hay là nhờ tài mà có, không thổi được hay như người ta thì đặt điều nói xấu, bịa chuyện mê tín dị đoan. Cụ thân sinh Hồ Dững đặt bài hát hay là thế lại để cụ đi khỏi làng. Phí. Đã thế lại không còn giữ được cái nhà làm di tích cho các cụ. Hồ Nhung không nói, chỉ cười.
Chén chú chén anh vài ly, chủ tịch Sắt hứng lên: “Tôi lớn lên không được thấy cụ nội anh, cha anh bỏ làng đi sớm tôi cũng không thấy, nhưng nhìn anh đây rồi tưởng tượng đó là các cụ, rồi cứ thế tưởng tượng thêm anh thổi sáo hay, hát hay, đặt bài hát giỏi…Nói thiệt, con gái nghe đứt dây yếm là ít, đứt cả lưng quần chứ bộ?”. Rồi ông cười khùng khục như thể thấy con gái đứt lưng quần.
*
Chủ tịch Sắt đứng ra dàn xếp cho Hồ Nhung mua lại Viên Linh. Bên bán nói tiền, bên mua gật đầu, trả tiền cái rẹt. Người bán lại mừng như cha chết sống lại. Chủ tịch Sắt cho người làm giấy tờ vượt cả thời gian quy định của cải cách thủ tục hành chính.
Nhung hứa làm cho huyện thêm một chiếc cầu nối qua làng Hà 20 tỷ, xây cho 56 hộ nghèo trong làng Sơn Minh 56 cái nhà tình thương mang tên của đoàn thể huyện, mỗi cái 25 triệu đồng.
Chủ tịch Sắt rụt rè hỏi: “Khi nào mời anh xuống huyện ta ký hợp đồng?”. Nhung bảo: “Anh cho số tài khoản tôi cho chuyển liền, khỏi ký”. Ông Sắt kêu đám tuỳ tùng, lát sau đưa ra mảnh giấy nhỏ. Hồ Nhung bốc điện thoại đọc số tài khoản bảo chuyển tiền ngay. Lại quay sang ông Sắt: “Hai giờ sau anh cho kiểm tra tài khoản, chuyển rồi”. Ông Sắt vừa cười vừa xoa tay: “Tôi biết ngay mà, có thung nước muội tụ khí sơn lâm, làng này nhất định giàu mà!”.
Nhung ở lại mấy ngày, cho người sửa chữa, tháo biển, gắn lên biển mới Linh Viên Hồ. Xong, Hồ Nhung thắp hương, đứng bên thung nước khấn, đoạn rập đầu vái tứ phương thì lên xe.
*
Hồ Nhung biết cha và ông mình đều đoản mệnh, quá năm mươi, chưa bén sáu mươi tuổi đều thăng, nên ông tìm về nguồn.
Về được rồi, lòng Hồ thanh thản lạ. Trong tâm trạng ấy, ông cho gọi luật sư đến bảo lập di chúc.
Gia sản của ông không ai biết là mấy chỉ nghĩ là vô cùng. Ông làm gì cũng thành công, làm nhạc thì nhạc hay, bàn tay ma mị chỉ ai thì người đó nổi tiếng. Khi thích vẽ thì vẽ như thần. Tranh vẽ chưa ráo mực đã có người mua. Kinh doanh bất bại, hãng tàu thuỷ của ông to nhất Đông Dương, làm ăn như thể in ra tiền.
Là người nổi tiếng nên chuyện đời tư của ông thiên hạ đều biết. Hồ Nhung từng sống qua với 9 người như vợ và có tất cả 11 người con. Hồ không cưới ai vì như người ta nói,“chuyện vợ con làm vướng bận thiên tài”.
Ông sống với người ta như tiên, như phật, như cha, như chú, như anh, như chồng, như mạnh thường quân…Nói đến ông ai ai cũng nức lòng. Đến 9 người từng sống và có con với ông cũng không hề ghen nhạu từ lời nói.Thời buổi ai có chút tiền cũng rinh rang bầu đoàn khoe mẽ, ông thậm ghét. Khi các đại gia ăn cơm chỗ nào cũng có người hầu thì tiệc tùng ở đâu ông cũng là người gắp thức ăn cho mọi người. Qua tuổi năm mươi, nhiều cô gái trẻ vẫn chết mê chết mệt vì ông. Nhiều người vì thế nhất định phải có con với ông hòng níu được chân ông. Tất cả đều bất thành.
Nhưng ông là người có trách nhiệm. Người từng sống với ông, có con với ông ông đều chăm lo đầy đủ. Mỗi người thành một đại nữ gia.
Biết ông là người có học, luật sư không cần giữ ý, đề nghị: “Gia sản anh chia cho con cái thế nào tuỳ, nhưng nhất định phải làm cho đúng, nên thử ADN để sau này ai anh cũng thanh thản, con cái anh cũng thanh thản, các bà ấy cũng thanh thản…”. Ông gật đầu nhưng dặn nhỏ, nhất định không được cho ai biết. Ông sợ họ bị tổn thương.
*
Một ngày đẹp trời, tinh thần minh mẫn, luật sư riêng đến nói nhỏ với ông thế này, thế này. Ông gật gật…Mặt không biến sắc.
Nhượng lại hãng tàu thuỷ, đất đai, có bao nhiêu nữa trong gia sản ông hiến phân nửa làm từ tiện, còn lại chia hết cho 9 vợ 11 con và 69 đệ tử nữ. Xong, về Linh Viên Hồ.
Năm đó ông 54 tuổi.
Mỗi đêm, người làng Sơn Minh lại nghe tiếng sáo to hơn, gần hơn, thấy người ngồi trên cây gỗ như rõ hơn. Khi có ông, người làng dường như không còn sợ nữa, họ bắt đầu kéo đến Linh Viên Hồ ngày một nhiều hơn. Nhưng tuyệt nhiên không có ai trong số đó là người thân của ông.
Đêm rằm tháng tư năm Mão, người đến Linh Viên Hồ không thấy ông bèn cất tiếng gọi. Gọi mãi, gọi mãi....Đến khi trăng tỏ bỗng ai nấy đều lạnh sống lưng. Nhìn xuống thung nước muội, thấy cây gỗ khô từ từ trôi đến. Nhìn kỹ, thấy trên cây gỗ chỉ còn ông. Ông thung dung cưỡi gỗ dạo hồ, đầu quay xuống đáy nước. Tiếng sáo ma mị vẫn bay từ lòng hồ lên tận mây xanh rồi lan toả trong không trung…
*
Măm mươi ngày sau khi ông mất, người luật sư riêng của ông gọi hãng truyền thông VIK đến, ngã giá một trăm nghìn đô. Hôm sau, tất cả phương tiện thông tin của hãng này nhất loạt đưa tin, cả 11 người con của ông Hồ Nhung khi xét nghiệm ADN đều không cùng ADN với bố. Hot ơi là hot.
Năm mươi ngày sau đó, người luật sư lại gọi mấy hãng đến cùng chào cạnh tranh, khi nhất giá hai trăm nghìn đô, hôm sau, trên cả 3 kênh truyền hình, 3 tờ báo in, hai tờ báo điện tử, hai kênh radio của hãng HMV đều cho biết nguyên nhân tỷ phú, nhạc sĩ thiên tài Hồ Nhung tiền của vô tận như thế là do ngày xưa bố của cụ thân sinh đốt than xong chở về Ba Đồn trữ lại thành kho trên trăm tấn. Cụ thân sinh sau đó nghe người ta nói lại mới biết nhưng cũng không mấy quan tâm. Trước khi mất, ông có kể với Nhung chuyện này. Hồ Nhung là người có học, lại được linh tính mách bảo, tìm về. Kho than cũ kỷ vẫn còn nguyên. Thời đại điện khí hóa toàn cầu ai báu chi than củi. Biết được cả trăm tấn than đều được đốt từ một loài cây quý chỉ có ở núi Lệ Sơn. Nhung chào hàng rồi bán sĩ với giá một nghìn hai trăm đô một ký. Nghe đâu người Nhật sử dụng than này để chống lại di chứng của bom nguyên tử, chống cả ung thư. Nghe nói hãng HMV nhờ vụ này mà thu cả triệu đô quảng cáo.
*
Sau khi nghe các hãng truyền thông loan tin ly kỳ về cuộc đời nhạc sĩ thiên tài, tỷ phú Hồ Nhung, tôi tìm đến Linh Viên Hồ.
Mỗi đêm lại ra bên thung nước, ngồi cạnh một tấm bia dựng trên nền đất bằng có khắc bài thơ chữ Hán. Cạnh đó cắm nhiều nhang. Người làng bảo, trước khi mất, ông dặn lại, táng xong thì lấp đất bằng như cũ, không có nấm, rồi dựng bia lên.
Tôi ở chín ngày tám đêm thì về.
Mang tờ giấy chép bài thơ chữ Hán nhờ đọc, cụ đồ thời mới bảo đó là bài thơ của Đạo Hạnh Thiền Sư tựa đề Có và không, rồi dịch ra như sau:
Bảo là có thì nhỏ nhoi như hạt cát cũng có
Bảo là không thì tất cả thế giới đều không.
Có và không như ánh trăng dưới nước.
Đà Nẵng, 1.2010

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét