Thứ Tư, 23 tháng 2, 2022

KHI NGƯỜI TA… GIÀ

Tống Giang lên Lương Sơn Bạc lúc 36 tuổi. Nếu như cùng thời, như giờ chẳng hạn, thì mình bậc bố, thậm chí là bậc ông chú của lão. Thế mà lúc đó, râu Tống đã dài ngang ngực (theo sách) và được quần hùng gọi là lão ca ca.

Nghĩ mình lên lão buồn cười quá đi. Tống thì mặc nhiên.
*
Nhưng mà, vợ chồng mình đã nói chuyện già từ hồi mình còn… bằng Tống Giang, P nhà mình thì kém chục tuổi. Nói rằng, dù giàu hay nghèo thì khi già cũng nhất định phải… đẹp. Bề ngoài có thay đổi thế nào nhưng ăn mặc phải đẹp. Nhất là, đi đâu cũng phải đi với nhau, nắm tay nhau như giờ.
*
Lâu lâu lại bàn chuyện khi người ta… già.
Giờ đi thì chở nhau bằng motor cho nó… ngầu.
Đến khi không dắt nỗi xe phân khối lớn thì đi ô tô.
Vài năm sau bàn tiếp, minh đặt một chiếc Recreational Vehicle rồi sống luôn trên đó. Thích đến đâu thì đến, thích chỗ nào thì dừng.
Vài năm sau nữa, nghĩ xa, bảo khi già nữa thì sao? Thì ta làm một căn nhà bên hồ. Ngày ngày uống trà, chăm hoa, câu cá. Thích thì dắt nhau đi bộ.
Nhà mình bảo, khi đó, chắc phải phân tiền ra để trong ví của cả hai người. Mình kêu, đúng, lỡ em quên thì còn anh. Nhà mình bảo, chưa biết ai quên, nhưng lỡ cả hai lẩn rồi quên thì sao? Mình cười, lo gì, gọi con hoặc cháu đến trợ giúp. Thế lỡ chúng ta không nhớ tên con cháu thì sao? A, không lo, em thêu tên và số điện thoại của bọn nó lên ba lô, túi xách. Chắc ăn nhất là trên áo, kiểu họa tiết trang trí.
Vài năm sau nữa, lớn tuổi hơn, lại bàn chuyện vào trại dưỡng lão.
Hai người chưa già hẳn bàn chuyện già vui lắm.



*
- Lúc đó em sẽ viết lách chút đỉnh.
-Anh không viết đâu.
-Sao thế? Chẳng phải anh thích viết à?
-Đồ rằng sau này người ta chỉ đọc mỗi lần vài câu thả trên mạng, không ai đọc dài.
-Biết đâu đó rồi mình cũng như Hàn, nhà nào có người làm nhà văn thì cả dòng họ tự hào?
-Anh không chắc. Vào lúc đó, cháu chắt chưa chắc biết cụ cố nó là ai mà tự hào. Anh xem phim Mỹ thấy con cháu gặp bố mẹ đã là chuyện hy hữu. Nếu em viết thì nên viết có những đoạn ngắn hay, có thể trích dẫn được, để khi xuất bản free trên mạng, bon trẻ còn cop-pass lên tường fb của của chúng nó, và đừng hy vọng chúng nó dẫn nguồn.
- Ừ ha. Vậy thôi đi.
-Đúng!
-Không, nhưng em vẫn viết, kệ nó, chỉ để luyện trí nhớ mà nhớ tên con cháu.
-Cái này thì được.
*
-Lúc mình vào trại dưỡng lão thì sao?
-Thì có thể chúng ta nhớ nhớ quên quên. Anh có thể nhìn em ngồi trên ghế đá rồi vò đầu bứt tai: Cái cô này mình đã gặp ở đâu rồi nhỉ?
-Vậy rồi anh có nhận ra em không?
-Anh phải đến ngồi cạnh để cảm nhận "mùi thơm của em" anh sẽ nhận ra.
- Nhận ra rồi nói sao?
- Nói: Chắc em là vợ anh. Nếu không phải thì bây giờ ta yêu nhau đi?
-Anh có biết em sẽ nói sao không?
-Không biết!
-Em sẽ nói: Em đồng ý!
*
Nhưng mà...
Hai người muốn cùng già không hề dễ. Vậy nên, hãy nâng niu những điều đang có.
Ai còn trẻ, hãy chở người yêu minh, vợ mình đi chơi bằng xe máy. Vì đi xe máy mới thấy trên đầu trời rất xanh.
NGUYỄN THẾ THỊNH

NƠI CHỐN BÌNH YÊN

 

“Nơi bình yên chim hót”- Câu này hay đến nỗi có nhiều người dùng làm tựa cho phim, cho thơ và cả cho... quảng cáo, nên nó không còn hay như thoạt kỳ thủy.
*
Nơi bình yên thì người ta hay sống bằng ký ức. Lạ thay, ký ức dù sóng gió thế nào cũng thấy bình yên.
“Ở lần phẫu thuật thứ hai. Suốt đêm, cứ thỉnh thoảng tôi lại thấy miệng mình có cái ống hút và tôi thì cứ thế hút thêm một chút prosure.
Những lần như vậy, tôi mở mắt, nhìn thấy anh.
Chao ôi, chồng tôi, gương mặt hốc hác, già hẳn đi vì căng thẳng và mất ngủ. Chồng tôi, người đàn ông đã 60 tuổi, chỉ thích bận quần Jean với áo body, kẻ ham chơi và rất có sở trường làm tổn thương người khác, trong cái áo khoác của bệnh viện, chiếc quần giẫm gót, lưng rũ xuống, sắc mặt bơ phờ cứ chốc chốc lại đưa cái ống hút vào miệng vợ để bón từng ngụm sống.
Hồi trước, khi anh nói rằng:" Nếu có kiếp sau, nhất định anh vẫn tìm bằng được em để cưới làm vợ!" Tôi chỉ thấy tủi thân. Đã có lúc tôi từng nghĩ :" Nếu có kiếp sau, em nhất định sẽ tránh xa anh ít nhất 100km!".
Đã có lúc quá mệt, tôi cứ tưởng: đã yêu anh xong rồi! Thế nhưng khi chìm trong hôn mê, sao tôi vẫn nhận ra lòng bàn tay anh ấm nóng đang nắm chặt tay mình. Giữa đám râu ria lởm chởm, là đôi môi anh rất mềm đang áp vào mắt tôi. Và rồi sau đó, tôi lao xao nghe các bác sỹ gọi tên mình...
Tôi tự hỏi,“Là anh đã đến để dắt em về với cõi đời này, hay anh đã tìm thấy em ở kiếp sau?”… và nghĩ đến câu Kahil Gabran viết đâu đó mà tôi đọc được: “Cùng bên nhau cả trong ký ức lặng im của Thượng đế”
*


Bây giờ, em ngủ rất ngon. Trong màn đêm tịch mịch hay lúc sương giăng, có lúc nào đó thức giấc, chắc chắn em vẫn thấy chồng mình, người đàn ông ngoài 60, vẫn râu ria lởm chởm, vẫn đôi môi mềm ấm áp vào má em, vẫn giữ bàn tay em nồng ấm. Chỉ có đôi mắt dường như không phải nhìn trần thế mà nhìn về cõi hư vô để “Cùng bên nhau cả trong ký ức lặng im của Thượng đế”.
Hạnh phúc đôi khi chỉ cần lặng im, kể cả lặng im trong nỗi cô đơn đớn đau dịu ngọt.