Thứ Sáu, 19 tháng 5, 2017

“Gỡ nóng” cho Sơn Trà

NGUYỄN THẾ THỊNH
Chuyện các dự án xây dựng xâm hại rừng quốc gia bán đảo Sơn Trà, TP Đà Nẵng đang khiến nhiều người quan tâm.
Dạo một vòng trên mạng, đọc nhiều bài viết, nhiều comment nói đại ý rằng, nếu ông Nguyễn Bá Thanh (Chủ tịch rồi Bí thư Thành ủy Đà Nẵng trước đây) còn sống thì Sơn Trà đâu ra nông nỗi này. Đó là vì nhiều người chưa hiểu kỹ mà thôi.
Dự án Khu du lịch sinh thái biển Tiên Sa gây nóng chỉ là một phần trong số 26 dự án đã giao đất và cấp phép lên tới hơn 1.200 ha từ những năm 2000-2010, muộn nhất là vào năm 2012, mãi đến năm 2015, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam mới ký phê duyệt quy hoạch Sơn Trà.
Thời này, những lãnh đạo thành phố hiện tại "đang ở đâu đó" rất xa, nay với vai trò lãnh đạo, họ phải hứng búa rìu dư luận  và xử lý "điểm nóng".
137 lô rừng được giao cho cá nhân, có người đã làm biệt thự cũng từ hồi đó.
Tư duy của lãnh đạo Đà Nẵng lúc bấy giờ là xây dựng bán đảo Sơn Trà như một... Hong Kong , do vậy đã có lúc làm biệt thự mẫu để khách lên mua và nghe đâu khuyến khích cán bộ nhận rừng (trong số rừng giao có phần đất ở). Rất tiếc chuyện này không nhiều người biết.
Năm 2015, khi quy hoạch được duyệt cũng ít người biết, người biết thì cũng không thấy ý kiến nào phản biện. Mãi cho đến khi phát hiện 40 móng biệt thự xây chưa đủ thủ tục thì vấn đề mới được xới xáo, nóng lên.   
*
Bây giờ, Chính phủ đã giao cho Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, người ký quy hoạch bán đảo Sơn Trà tầm nhìn đến năm 2030, chủ trì nghiên cứu, xem xét lại quy hoạch. Quan điểm của Chính phủ và các bộ ngành là nếu sai thì sửa.
Vấn đề còn lại bây giờ không phải là đem sai lầm cũ ra mổ xẻ mà là "xem xét điều chỉnh" theo hướng nào mới là chuyện đáng bàn. 

Theo thiển nghĩ của tôi, chuyện Sơn Trà “nóng” như hiện nay một phần do quy hoạch chưa được công khai minh bạch để các nhà khoa học, các nhà chuyên môn, quản lý và cả người dân tiếp cận, hoặc chỉ một số người hạn chế được tiếp cận, góp ý trước khi phê duyệt.

Vì thế, để điều chính (nếu có) Chính phủ nên tổ chức một cuộc hội thảo khoa học thực sự khoa học chứ không phải tổ chức hội thảo và chỉ mời những người nói nước đôi hoặc ủng hộ quy hoạch gắn với lợi ích của họ mà TP Đà Nẵng từng tổ chức.
Trong đó, đặc biệt phải mời và lắng nghe các chuyên gia hàng đầu của nước ta từng tham gia quy hoạch rừng Cúc Phương và các rừng Quốc gia khác như một nhà khoa học được gọi là "thần rừng" Hoàng Đình Bá đang sống ở Đà Nẵng. (Gõ Google sẽ biết ông là ai).

Trước khi tổ chức hội thảo, cần cung cấp cho các nhà khoa học đủ dữ liệu và bố trí thời gian cho họ đi thực tế. Chứ không thể phát ngôn thiếu trách nhiệm như một vài cán bộ mới đây kiểu không cần biết trái banh (bóng) mấy múi mà bàn chuyện đá banh, kỳ lắm.  
*
Điều chỉnh quy hoạch Sơn Trà là một công việc vô cùng khó khăn, phức tạp vì các dự án đã được cấp, đất rừng đã được cấp, chủ sở hữu có đủ giấy tờ về mặt pháp luật, vậy nên dự án nào được tồn tại, dự án nào chưa khởi công cần được hoán đổi đến vị trí khác, chuyện xử lý đất rừng đã giao (trong đó có phần đất ở) cũng phải được tính toán thận trọng. Nếu không từ cái “nóng” này rất có thể sẽ dẫn đến cái “nóng” khác.

Sơn Trà ngoài vị trí chiến lược về quốc phòng còn là cái máy điều hòa nhiệt độ của Đà Nẵng và phía Bắc Quảng Nam, nhưng hiện tại đứng giữa sân chùa Linh Ứng, lấy thiết bị ra đo, có lúc lên đến 43 độ C thì Sơn Trà không phải cái máy phần nhả lạnh mà cái cục nóng treo phía ngoài tường.

Người Đà Nẵng ví Sơn Trà như cái án thờ trong ngôi nhà Đà Nẵng. Bán đất, bán nhà kiểu gì con cháu cũng tính đến chỗ đặt cái án thờ. Dân gian đã nói thì cần lắng nghe.
N.T.T



Thứ Ba, 16 tháng 5, 2017

"CỤC NÓNG" SƠN TRÀ

Dạo một vòng trên mạng, đọc nhiều bài viết, nhiều comment nói đại ý rằng, nếu ông Nguyễn Bá Thanh còn sống thì Sơn Trà đâu ra nông nỗi này. Đó là vì các bạn chưa hiểu kỹ về Sơn Trà.
Dự án Khu du lịch sinh thái biển Tiên Sa gây nóng chỉ là một phần trong số một loạt các dự án đã giao đất và cấp phép trái luật lên tới hơn 1.200 ha từ những năm 2000-2010, muộn nhất là vào năm 2012. Thời này, những lãnh đạo thành phố hiện tại "đang ở đâu đó" rất xa, nay với vai trò lãnh đạo, họ phải xử lý "điểm nóng" và... nghe chửi :P
137 lô rừng được giao cho cá nhân, có người đã làm biệt thự cũng từ hồi đó.
Hồi đó, tư duy của lãnh đạo Đà Nẵng là xây dựng bán đảo Sơn Trà như một... Hong Kong :P do vậy đã có lúc làm biệt thự mẫu để khách lên mua và vận động cán bộ nhận rừng (trong số rừng giao có phần đất ở). Rất tiếc là hồi đó mình không biết chứ biết kiếm vài ha chơi :P
Hồi đó không thấy ý kiến nào phản bác lại. Im re rè rè.
*
Bây giờ, Thủ tướng đã giao cho Phó TT Vũ Đức Đam, người ký quy hoạch bán đảo Sơn Trà tấm nhìn đến năm 2030, nghiên cứu, xem xét lại quy hoạch.
Vấn đề là "xem xét điều chỉnh" theo hướng nào mới là chuyện đáng bàn lúc này.
Theo thiển nghĩ của tôi, Chính phủ nên tổ chức một cuộc hội thảo khoa học thực sự khoa học chứ không phải tổ chức hội thảo và chỉ mời những người nói nước đôi hoặc ủng hộ mình như Đà Nẵng từng tổ chức.
Trong đó, đặc biệt phải có và lắng nghe ý kiến của "thần rừng" Hoàng Đình Bá. (Hãy gõ Google để biết ông là ai).
Trước khi tổ chức hội thảo, cần cung cấp cho các nhà khoa học đủ dữ liệu và bố trí thời gian cho họ đi thực tế. Chứ không biết trái banh mấy múi mà bàn chuyện đá banh kỳ lắm :P
*
Đà Nẵng đã bán hết đất rồi thì giữ lại cái bán đảo này cho nhân dân.
Bán đất, bán nhà cũng tính đến chỗ đặt cái án thờ.
Sơn Trà là cái máy điều hòa nhiệt độ nhưng hiện tại đứng giữa sân chùa Linh Ứng, mở điện thoại ra đo, có lúc lên đến 43 độ C thì Sơn Trà không phải cái máy phần nhả lạnh mà cái cục nóng treo phía ngoài tường.
(Mà đúng thế, chỉ tính hàng ngàn cái biệt thự, phòng ở trong resort lắp máy lạnh nó nhả nóng ra chi mà không nóng).

NGƯỜI HÙNG BẢO VỆ SƠN TRÀ

 Thấy nhiều bạn đưa ảnh Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Huỳnh Tấn Vinh và gọi đó là hai người hùng bảo vệ Sơn Trà. Vì thế mình muốn nói lại chút về chỗ ông Đam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới là người quan tâm vấn đề Sơn Trà. Ông đã đọc các bài báo viết về Sơn Trà, đọc kỹ nhất loạt Ký sự Sơn Trà của Hoàng Hải Vân.
Ông cũng điện đàm với nhiều nhà chuyên môn, nhiều người hiểu biết về Sơn Trà...
Được biết, Thủ tướng sốt cả ruột vì chờ lãnh đạo Đà Nẵng.
Chính ông là người chỉ đạo xem xét lại quy hoạch Sơn Trà.
Do Phó TT Vũ Đức Đam là người ký quy hoạch Sơn Trà nên Thủ tướng giao cho ông Đam chủ trì việc xem xét lại cho phải đạo mà thôi.
Ông Đam không phải người hùng trong chuyện này. 

Nếu quy hoạch ông Đam đã ký duyệt để Đà Nẵng căn cứ vào đó mà bán đất thì ổng là tội đồ. May thay, quy hoạch ông ký năm 2015 nhưng ĐN đã cấp đất trước năm 2012.
Lần này, ông Đam thấy ổng ký quy hoạch thế là chưa đúng và tiếp thu, cho sửa lại thì ông mới là người hùng, còn ổng nghe đám đệ tử tham ăn rồi bảo vệ quy hoạch cũ hoặc điều chỉnh làm phép thì quên ổng đi.
*
Có một người hùng thực sự, khi xong việc sẽ kể sau.

Thứ Sáu, 12 tháng 5, 2017

TÁI CHIẾM SƠN TRÀ

Sơn Trà đang thất thủ.
Mình rất quý anh Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng và gần 11 nghìn chữ ký của các bạn bày tỏ nguyện vọng cứu Sơn Trà. Tạm gọi là tái chiếm Sơn Trà :P 
Nhưng mà chuyện hiệp hội mình có chút bàn.
*
Hiểu Sơn Trà một cách tường tận và có cái nhìn của người uyên bác (tất nhiên trong đó tác giả có đứng trên vai người khổng lồ), cách lập luận thuyết phục, văn phong đã lỗ nhĩ... thì khó ai qua Hoàng Hải Vân trong loạt 5 kỳ "Ký sự Sơn Trà" đăng trên Một Thế Giới. Đọc xong mình thấy mình không còn gì để viết.
Mình chỉ nghĩ thế này thôi (anh Vinh đừng giận), Hiệp hội mình chỉ góp tiếng nói chứ không thể buộc cơ quan quản lý nhà nước trả lời hoặc quyết định, vì thế anh em làm báo cũng đừng chạy theo phần "cành ngọn", điều quan trọng bây giờ là ở Đảng bộ và chính quyền Đà Nẵng.
Theo mình, cái gốc sâu xa nằm ở 68 khu đất rừng của các cán bộ TP Đà Nẵng qua các thời kỳ tồn tại cho đến nay. Trong đó có cán bộ Đảng có đến 2 ha trên cao và đã làm biệt thự nhưng người khác đứng tên. Khi còn lợi ích của mình thì khó mà xử lý cho rốt ráo và công tâm.
Mình cũng không kỳ vọng trả lại nguyên trạng Sơn Trà, cái đó do lỗi của các thế hệ lãnh đạo trước và vì tất cả đã hợp thức hóa. Mình chỉ kỳ vọng:
- Những dự án đã hoàn thành và đủ thủ tục thì cho tồn tại, chỉ tăng cường giám sát việc tác động đến môi trường, xem họ có làm đúng như cam kết.
- Những dự án chưa triển khai, TP nên thương thảo, đổi cho họ đến nơi khác dưới TP như Cẩm Lệ, Hòa Vang, Ngũ Hành Sơn...
- Từ nay không cấp phép cho bất kỳ dự án nào, kể cả của ông quyền lực nào.
Việc này, như đã nói, phải có Thành ủy chỉ đạo và chính quyền ra tay.
Mà, như đã nói, muốn chỉ đạo hay ra tay được thì phải "sạch", chứ 68 người có lợi ích ở Sơn Trà mà hầu hết là vị trí đẹp, quan hệ của họ lại chằng chéo (chẳng có ai dân thường) thì ra tay cũng... lạnh sống lưng.
Nhưng ra tay được mới giỏi. Làm một việc có ích để đời sao không làm chứ?
Vài bác cán bộ và các bác hưu trí chức sắc ý kiến ý cò thế là nghĩ nó nói ai chứ không phải nói mình.
Đời lạ thế đó!
*
(Mai biên tiếp. Giờ về Hiệp hội Đầm sen của mình cái đã :P )

Thứ Năm, 4 tháng 5, 2017

HAI CHUYỆN VỀ GS TRƯƠNG NGUYỆN THÀNH VÀ BÍ THƯ ĐINH LA THĂNG

1. Chuyện GS Trương Nguyện Thành mặc quần soọc, áo pull khoét lòi rốn lên bục giảng được bàn luận nhiều, trong đó có nhiều ý kiến coi đó là một sự khơi mở sáng tạo.
Mình không đủ trình để bình, chỉ nghĩ thế này thôi, một ngày nào đó mình bước vào lớp, sinh viên đứng dậy chào và... tất cả đều mặc quần ngắn, áo khoét lòi rốn, lúc đó mình nghĩ sao và sẽ phản ứng thế nào?
Đang nghĩ chưa ra, khi nào ra thì nói. :P
2. Khi nhậm chức Bí thư Thành ủy TP HCM, anh Đinh La Thăng có nói (biết qua báo chí): Từ nay mọi tâm huyết tôi dành cả cho thành phố. Đó là câu nói thật lòng chứ không phải làm màu, mà đúng, sau đó, anh hành động đầy tâm huyết và khát vọng.
Nhưng có nhiều lúc mình nghĩ, anh đi đến đâu, dù vô tình hay hữu ý (chắc vì nôn nóng cho được việc) anh đều có hành động và lời nói kiểu vô hiệu hóa (nếu không nói là coi thường) cấp dưới và truyền thông hết lời khen ngợi anh về điều này, như vậy có phải đạo không?
Khoan nói đến chuyện hành động của anh là hành động của một vị tướng chỉ huy mặt trận chứ không phải vị tướng chiến lược (vì mình chưa đủ trình), chỉ nghĩ, giả sử cấp trên của mình đến đơn vị mình, cứ thế mang mình ra chỉ trích trước bàn dân thiên hạ thì mình nghĩ sao và ứng xử thế nào?.
Đọc sách nghe cổ nhân dạy, đạo làm quan lớn không phải chỉ chăn dân mà quan trọng hơn là chăn quan bé, qua quan bé mà chăn dân.
Vì thế nghĩ vẫn chưa ra :P