Thứ Tư, 27 tháng 3, 2013

Người Loạn Chữ



Trăng mười sáu chiếu xiên qua hiên nhà, gió Nam rười rượi thổi. Chanh kéo chiếc chõng tre ra sân, quấn gọn mái tóc dài như suối rồi ngả lưng. Từ ngày mẹ mất, Chanh như thấy căn nhà rộng hẳn ra. Con gái đang thì, ngày đi làm hợp tác xã, bó bó lúa mút sợi lạt dài tám thước gánh chạy băng băng; tối về làm hết việc nhà cũng không thấy mệt; lại chờ sáng đi làm để được gặp chúng bạn.
Đêm nay cũng thế. Gió mơn man. Hương lúa dâng tràn. Chanh vẫn không sao ngủ được. Chiếc chõng tre liên tục phát ra những âm thanh lạo xạo mỗi khi chị trở mình. Người bức bối, Chanh vén áo lên tận ngực, kéo quần lên tận đùi…Thanh niên cả làng cứ đủ tuổi là vào bộ đội, đi chiến trường, còn ai mà giữ ý…
*
Hào vẫn đi như vậy mỗi đêm. Anh nhảy từng bước như cố bước qua cái bóng của mình in dài trên con đường, miệng lẩm nhẩm: Cái bóng là ai, cái bóng là ta, bước qua bước lại hoá ra là mình…
Hào là một trong số hiếm hoi người làng Thạch Bàn được vào đại học. Cả làng phục lắm. Học được một năm thấy anh khăn gói về làng, miệng không ngớt lẩm nhẩm, chân bước vô định, đi mãi trong đêm…
Mỗi ngày, dưới gốc tre nơi ông Đồng đặt cái băng gỗ cho người ngồi cắt tóc, đám con nít xúm xít quanh Hào để nghe kể chuyện. Chuyện Hào kể mãi không hết. Người ta bảo Hào học nhiều quá đâm ra loạn chữ. Dân làng vì thế quên dần tên anh, họ gọi anh là Người Loạn Chữ. Hào cũng quên tên mình luôn, ai hỏi, anh lại bảo ta họ Người, tên là Loạn Chữ!
*
Ngang nhà Chanh, Người Loạn Chữ leo lên bụi tre đằng ngà, đoạn đốt cây cây tre to nhất bóng lên như luôn được người chùi. Y ngồi như thế rất lâu, mắt đăm đắm nhìn vào hiên nhà. Trên chõng tre, Chanh vẫn cựa mình. Dưới ánh trăng đêm, da thịt con gái như nõn nà hơn.
Dường như không có gì ngạc nhiên khi thấy Người Loạn Chữ trên bụi tre, thằng Tủn và đám con nít bẻ một chiếc gai bông lồ nhọn hoắt châm vào mông y. Y không giật mình, giọng tỉnh rụi: “Tao biết rồi, cút đi, mai tao kể thêm cho một chuyện”. Đám con nít khoái chí: “Ngéo tay nghe!”. “Ừ!”- Y đáp nhưng vẫn không quay lại. Thằng Tủn vẫy tay ra hiệu cho đám con nít đi.
Trưa hôm sau, tụi con nít tụ tập dưới gốc tre chỗ ông Đồng cắt tóc. Người Loạn Chữ như mọi khi, bằng giọng kể chuyện cuốn hút của mình, bắt đầu:
“Có một người đi đường bị cọp rượt chạy trối chết. Chạy cùng đường, anh ta nhảy đại xuống một cái hố sâu. May sao vớ được một sợi dây leo và đeo lủng lẳng giữa không không…Nhìn lên miệng hố, thấy con hổ đang há miệng chờ mồi. Dòm đầu dây thấy hai con chuột một trắng một đen đang gặm mòn cái dây mình nắm…Nhìn trước mặt, thấy một trái dâu chín mọng xà lị…”. Y ngừng kể, đám con nít xôn xao: “Rồi sao, rồi sao chú?”. Y hỏi: “Theo tụi bây thì phải làm sao?”. Đám con nít thi nhau đưa ra cách xử lý tình huống. Y lắc đầu, hít một hơi dài rồi tiếp: “Anh ta một tay nắm sợi dây, một tay với hái trái dâu bỏ vào miệng”. Y nuốt nước bọt đánh ực: “Ui cha, trái dâu ngọt lịm cả người!”.
Bọn trẻ bất ngờ à lên cùng lúc. Ông Đồng nhắp nhắp cái kéo, miệng hít hà: “Cái thằng, thế mà tài!”
*
Giã xong cối gạo, Chanh vào nhà xách thùng nước ra hiên dội liên tục cả chục gáo rồi mới cởi cái áo dính bết vào người vứt lên chõng. Chị nhìn xuống ngực rồi bật cười…
Tuần trước chi đoàn tổ chức đám cưới vắng mặt các chú rể cho năm cô dâu. Nghe chị Nguyệt bí thư vận động, không hiểu sao Chanh lại đăng ký tên minh cùng cặp với Vinh. Vinh là hàng xóm, cũng là bạn học cùng lớp với Chanh, hai người thân nhau từ nhỏ. Ngày cha mẹ Chanh chưa bị bom, hai người quý Vinh lắm. Vinh mồ côi từ sớm, hai anh em tự làm lụng nuôi nhau. Anh trai Vinh tên Quang giờ đã có hai con gái, đứa lên mười, đứa lên bảy. Vợ anh bị bom năm ngoái khi đi làm thuỷ lợi. Anh lam làm, về nhà lại đảm đang như một phụ nữ, cả làng ai cũng quý. Hôm đám cưới, anh Quang thay mặt nhà trai phát biểu rồi hát một bài. Mọi người vỗ tay rào rào yêu cầu hát lại. Anh xin phép bà con hai họ cho anh đọc một đoạn trong lá thư Vinh mới  gửi về. Trong thư, Vinh thông báo cho anh trai biết anh đã lên trung đội trưởng, đang đánh nhau ở mặt trận phía Nam . Vinh gửi lời thăm Chanh và hỏi anh, nếu có cô em dâu như Chanh anh có bằng lòng không. Đến đoạn này anh hỏi to lên: “Theo bà con tôi có bằng lòng không?”. Cả đám cưới đồng thành: “Có!”
Từ ngày “làm dâu”, Chanh như thấy mình có trách nhiệm hơn. Đêm đêm xong việc, chị hướng dẫn hai cháu học hành. Thỉnh thoảng lại sang nhà giúp bố con anh vài việc lặt vặt…Thấy mình đỡ chông chênh hơn.
Chanh dội nước lên đầu. Dòng nước thấm qua mái tóc dài, chảy lên da thịt thấy nhồn nhột. “Thế là mình có chồng rồi à? Sao đám cưới không có chú rể mà ai cũng vui thế nhỉ? Giá mà…”-Chanh thở dài.
*
Người Loạn Chữ vẫn bước vô định mỗi đêm và cây tre đằng ngà to nhất trong bụi đã bóng hẳn lên. Bọn con nít kháo nhau, sẽ có ngày Người Loạn Chữ hết chuyện để kể. Thế mà từ năm này sang năm khác, gốc tre nơi ông Đồng đặt cái băng dài cắt tóc giờ đã thành bụi tre khổng lồ, Người Loạn Chữ vẫn chưa hết chuyện. Chỉ có điều, sương gió làm da anh khô sắt lại, đen đùi đủi, tóc bắt đầu lốm đốm bạc…
Rặng tre đằng ngà cao lên, ngôi nhà tranh của Chanh như càng nhỏ lại và thấp xuống, Vinh vẫn chưa một lần ghé qua nhà.
Một đêm như nhiều đêm khác, Chanh kéo chiếc chõng ra hiên. Từ ngày đám cưới đến nay, làng có thêm bốn liệt sĩ. Trong năm người cùng cưới, chỉ có Lành xóm Hói đã có con vào dịp chồng về nhận quân. Phúc thật! O Thiu lớn tuổi nhất năm người chưa thành đàn bà đã thành vợ liệt sĩ.
“Mà thôi, nghĩ làm gì…”- Chanh tự nhủ rồi cố chợp mắt. đêm qua đã không ngủ được vì cả làng náo lên với chuyện anh Lai hủ hoá bị bắt quả tang. Lai bị teo một chân, làm thú y của xã, ngày ngày đi hết làng này đến làng khác tiêm heo. Không biết thèo quèo thoẹt quẹt thế nào mà đi lại được với o Bé có chồng đi B. Đêm hôm ấy ông Phen chỉ huy đội dân quân phục sẵn, trói gô hai người đang tồng ngồng khiêng ra trụ sở hợp tác xã. Khi Chanh đến nơi đã nghe ông Phen sang sảng: “Tôi phải chỉ đạo anh em kiên trì mai phục, cho đến khi người nằm trên người mới hô xung phong. Hờ hờ, không kiên trì làm sao thành công rực rỡ như thế này!”. Chanh cả thẹn, bỏ về.
Tưởng tượng cảnh đội dân quân phải rình suốt đêm. Từ khi anh Lai vào nhà cho đến khi người nằm trên người như ông Phen nói, tự nhiên người Chanh nóng ran lên. Mà quỷ thiệt, sao mình nghĩ chuyện vớ vẩn đó làm gì nhỉ? Chanh nhắm mắt, cố gạt hết mọi chuyện…
*
Ai đó? Anh Vinh! Anh về thật rồi à? Người Chanh nao cả lên. Anh không nói gì, chỉ lặng lẽ nhìn cô say đắm. Chanh bủn rủn hết chân tay. Vinh lao đến, ghì riết lấy cô. Người cô như có ngọn lửa bùng lên rừng rực. Chớp đông loang loáng, có lẽ sắp mưa. Anh bế bổng cô lên bằng đôi cánh tay rắn chắc, đi thẳng vào nhà, đặt cô trên chiếc giường duy nhất có. Trong hơi thở hổn hển, cô như thấy người mình sắp vỡ tung ra. Một thoáng thẹn thùng không đủ cưỡng lại khát khao dồn nén. Mưa đột ngột ào xuống, lộp bộp trên tàu lá sau vườn, trong thoáng chốc, tiếng ếch rền vang cả cánh đồng…Cô không còn nghe thấy gì, không kịp nghĩ gì, chỉ một khát khao bản năng vỡ òa…
Rồi cô nghe anh nói gì đó, hình như anh phải đi, hình như anh phải chạy rất nhiều cây số để về nhà gặp cô…Đầu óc cô mê mệt, chân tay rã rời, cô muốn kéo anh lại, muốn nói một câu gì đó nhưng không thể…
Trời rạng. Sau mưa, mặt đất ngập tràn hương cỏ. Chanh tỉnh dậy, có cảm giác như trải qua cơn mê. Nhưng sức lực của anh, hơi thở của anh vẫn còn đâu đó trên người cô…
Cô rón rén sang nhà anh chồng, với hy vọng là Vinh còn ở đó. Vừa đến hàng rào đã nghe giọng Quang oang oang giải thích bài học gì đó về bộ đội cho các con: “Bộ đội tranh thủ về được nhà một lúc đã quý lắm rồi, nhiệm vụ phải đặt lên hàng đầu…Con đi học đi, có gì không hiểu trưa về tìm Người Loạn Chữ hỏi  thêm…”
Chanh tần ngần một chút rồi quay về.
*
Lũ con nít ngồi há hốc mồm nghe Người Loạn Chữ kể chuyện, thỉnh thoảng lại cười ré lên, thỉnh thoảng lại xuýt xoa, thán phục.
Chanh đi làm về, không hiểu sao cô lại sà vào bắt chuyện với mấy người lớn dưới gốc tre ông Đồng. Câu chuyện đã đến hồi kết, Người Loạn Chữ hạ giọng: “Trang Châu chiêm bao thấy mình là bướm, vui phận làm bướm, tự thấy thích chí, không biết mình là Châu nữa. Chợt tỉnh giấc, lại thấy mình là Châu. Không biết Châu chiêm bao là bướm hay bướm chiêm bao là Châu…”
Lũ con nít vò đầu bứt ta không hiểu. Chanh lẳng lặng ra về.
*
Nghe tiếng Chanh nôn oẹ trước cổng, anh Quang cùng hai đứa nhỏ chạy ra. Bé lớn hốt hoảng: “Thím sao thế thím, ba ơi, thím có sao không?”. Quang vừa dìu Chanh vào vừa quát: “Nhúng khăn ướt, mau. Còn sao nữa, thím sắp có em!”. Hai đứa trẻ không hiểu gì, quýnh quáng cả lên.
Hôm sau cả chi đoàn hay tin kéo đến chúc mừng.
*
Sau ngày nhận được giấy báo tử Vinh, Chanh như nhiều người vợ liệt sĩ khác trong làng, một mình nuôi con, vừa tham gia công tác phụ nữ xã. Người làng bảo nhà anh Quang có phúc nên mới có cháu nối dõi tông đường.
Thời kinh tế mở, ông Quang trở thành chủ trang trại. ông cũng đã thành ông ngoại. Ông Đồng cắt tóc đã qua đời. Dưới gốc cây, một quán cắt tóc tươm tất hơn được dựng lên, chủ quán là anh thương binh con trai ông Đồng nối nghiệp cha.
Làng Thạch Bàn cái gì cũng mới, trừ Người Loạn Chữ. Tuy râu tóc ông đã bạc nhưng mỗi ngày ông vẫn kể các câu chuyện trong cái kho vô tận của ông cho không biết bao nhiêu thế hệ trẻ nít trong làng.
Cuộc sống cứ thế trôi qua nếu không có câu chuyện làm cả làng sôi lên sùng sục.
Ông Quang bị bệnh nan y qua đời. Trong di chúc để lại theo di nguyện của ông được công khai khi có mặt chính quyền, phần đầu như một lá thư, ông in lỗi bà con làng xóm, con gái, con rể và cả chị Chanh, ông bảo thằng Lồi con chị Chanh chính là con trai của ông, vì thế nó được quyền thừa kế một nửa gia sản.
Chị Chanh ngả ra bất tỉnh. Cả làng xôn xao, mỗi người tự kể câu chuyện theo cách tưởng tượng của mình.
Chị Chanh xin thôi việc ở xã, sống lặng lẽ như một cái bóng. Chị vừa tủi nhục, xấu hổ vừa bán tín bán nghi. Thằng Lồi là niềm an ủi duy nhất của chị, nó chính là cuộc đời chị. Biết bao phụ nữ trong làng còn bất hạnh hơn chị nhiều. Tự trấn an mình như thế, nhưng nỗi cay đắng vẫn dày vò chị. Làng xóm có còn ai tin vào chị khi chị đã lừa dối họ ngần ấy năm? Làng xóm có còn ai coi một kẻ loạn luân như chị ra gì?
Chỉ có bọn trẻ nít hình như không cần quan tâm đến chuyện người lớn, dưới bụi tre ông Đồng, nó vẫn say sưa nghe Người Loạn Chữ kể: “Một đám đông kéo người phụ nữ đến trước mặt Jésus, họ thưa: Dâm phụ này bị bắt quả tang khi phạm tội. Theo luật Moise thì phải bị ném đá, vậy ông nghĩ sao? Jésus ngước lên, nói: Trong tất cả mọi người ở đây, ai là người chưa từng làm điều gì tội lỗi có quyền ném viên đá đầu tiên! Nghe lời Jésus phán, dân chúng tản dần…Sau cùng, chỉ còn người đàn bà và Jésus, Jésus hỏi: Những kẻ tố cáo đi đâu cả rồi? Không một ai ném đá vào ngươi cả sao? Người đàn bà thưa: Không ạ! Jésus nói: Ta cũng vậy, thôi về đi! ”
Ông Phen đang ngồi cắt tóc nghe kể xong nhổm dậy, bị cái kéo xắp vào tai máu chảy ròng ròng, tay nắm lấy cái tai chảy máu, ông quát lên: “Sao không ném được. Phải ném cho dâm phụ ấy chết đi!”. Người Loạn Chữ bước ra khỏi bụi tre, vừa cố bước qua cái bóng của mình vừa lẩm nhẩm: “Cái bóng là ai, cái bóng là ta, bước qua bước lại hoá ra là mình”…
*
Câu chuyên rồi cũng lắng xuống, cho đến một ngày…
Người thương binh cắt tóc phát hiện ra Người Loạn Chữ nằm chết ngay trong quán của mình, tay vẫn cầm một tờ giấy. Cả làng hay tin xúm đến, trẻ nít khóc như ri. Người thương binh gỡ tờ giấy vuốt thẳng rồi đọc to lên. Người Loạn chữ viết không nhiều, đại ý ông mới là cha của thàng Lồi. Ông Quang nhận vơ thế chẳng qua là vì lúc lâm bệnh, biết hai đứa con rể ông đã có dã tâm tranh giành, ông buộc phải làm thế để thằng Lồi được chia gia sản của ông mà có điều kiện học hành thành tài. Còn chính ông, Người Loạn Chữ mới là người đã mặc áo quần bộ đội, giả dạng anh Vinh đêm đó. Ông bảo chị Chanh không có lỗi, chính ông mới là người có lỗi…Người Loạn Chữ bảo ông buộc phải nói ra vì thấy của cải không làm con người ta sung sướng khi phải sống suốt đời với hai chữ loạn luân…
Trong lúc mọi người đang há mồm kinh ngạc, chưa phân biệt mô tê thì người thương binh bảo im lặng, và đọc tiếp: “Tôi xin kể câu chuyện cuối cùng trong kho chuyện của tôi”. Đám con nít thôi khóc chen vào.
“Trang Tử cùng Huệ Tử đứng chơi trên cầu hào thành. Trang Tử nói: Cá đang bơi lội thung dung. Cá vui đó! Huệ Tử hỏi: Ông không phải là cá, sao biết cá vui? Trang Tử nói: Ông không phải là tôi sao, sao biết tôi không biết? Huệ Tử nói: Tôi không phải là ông nên tôi không biết được ông, còn ông không phải là cá nên ông cũng không sao biết được cái vui của cá! Trang Tử nói: Xin xét lại câu đầu. ông hỏi tôi làm sao biết được cá vui? Đã biết là tôi biết ông mới hỏi làm sao biết. Thì đây, làm thế này này: Tôi đứng trên hào thành nên biết được!”
Người thương binh bỏ tờ giấy xuống ngực Ông Loạn Chữ rồi cúi đầu theo kiểu mặc niệm nhà binh. Mọi người cúi theo. Chỉ nghe tiếng trẻ con thút thít. Ai đó thắp lên một nén nhang, khói bay mờ ảo.

Thứ Hai, 18 tháng 3, 2013

Thi kể chuyện nghèo


Nhà nước ta không cho ra báo tư nhân (súy nữa trường dân lập cũng không được dạy báo chí), nhưng bọ thấy các công ty tư nhân rất nhanh nhạy, lách luật bằng cách mua lại sóng truyền hình, manchette để làm chương trình ký gửi phát sóng hoặc ra báo...vì thế bọ học theo, làm một geam show rồi mua sóng phát lên, đặng thu quảng cáo. Geam này có tên "Thách đấu". Cần nói rõ hơn, đấu đây không phải là đấu vật, đấu võ, đấu kiếm, đấu súng...mà là đấu...võ mồm, đại để thế.
Hôm quay show đầu tiên với chủ đề: "Thi kể chuyện nghèo". 5 thí sinh đầu tiên được lựa chọn từ 5 tỉnh, thành sẽ thi kể chuyện nghèo trước một ban giám khảo 5 người, trong đó có 2 người nước ngoài đại diện cho nhà đầu tư. Nếu thí sinh tỉnh nào thắng thì hai nhà đầu tư này sẽ mang dự án 5 tỉ đô về đầu tư ở tỉnh của thí sinh đó. Tuy nhiên, kết quả của ban giám khảo chỉ là 50% số điểm, 50% còn lại phụ thuộc vào khán giả bình chọn qua hệ thống tin nhắn. (Số tiền này sau khi trừ chi phí còn lại đương nhiên là của bọ).
Theo bắt thăm, thí sinh Quảng Bình được chọn ô chữ đầu tiên, bạn này chọ số 12. lật số 12 thì đó là chữ P. Theo luật chơi, bạn thí sinh này phải đọc một cau ca dao hoặc hát một đoạn dân ca Việt Nam bắt đầu bằng chữ P để mô tả cái nghèo của người quê mình. Bạn nữ có tên Bình tự tin đọc câu ca dao:
Phận nghèo, nghèo khó, nghèo khăn/Nghèo cực, nghèo khổ, nghèo quăn lông l...
3 người Việt trong ban giám khảo gật gù rất lấy làm tâm đắc, nhưng hai ông Tây sau khi nghe dịch  thì hỏi nhau, đại để, lông ấy vốn dĩ nó đã quăn, hà cớ chi phải nghèo? Mấy ông bà giám khảo người Việt mới giải thích răng, Tây thì nó vốn dĩ, còn phụ nữ VN vốn dĩ thẳng, vì nghèo quá phải dãi nắng, dầm mưa, ngâm người dưới ruộng sâu nước phèn nên thành ra mới quăn lại. Mấy ảnh nghe xong gật gật ra chiều thấm ý. Họ cho điểm và bỏ vào thùng chờ công bố.
Người thứ hai quê Quảng Nam . Anh Nam này chọn số 4, lật số 4 có chữ G. Anh cười như trúng tủ, cao giọng đọc:
Gánh cực mà đổ lên non/ Cong lưng mà chạy cực còn chạy theo.
3 người Việt trong ban giám khảo lại gật gù, nhưng hai ông Tây thì nhíu mày thắc mắc, sao không đổ cái cực xuống sông hoặc xuống ao mà chạy lên non mần chi để hắn chạy theo xuống mau hơn. Phải giải thích mãi hai ông này mới gật gật...
Người thứ 3 quê ở Thừa Thiên-Huế, chị Huế chọn số 2, lật số 2 có chữ T, Huế đọc hai câu ca dao:
Trăng lên đỉnh núi Mu Rùa/ Cho anh đ....chịu đến mùa anh trả khoai.
Hai ông Tây vẫn không hiểu"đ...chịu" là sao. Giải thích xong bèn phá lên cười, gật đầu đập cả xuống bàn ra chiều bái phục.
Người thứ tư quê ở Cần Thơ, anh Cần chọn số 7, lật số 7 có chữ C. và chọn đọc hai câu ca dao quê mình:
Chảo bàn than con tôm càng dựng đứng/ Phận anh nghèo nên c...nứng nửa con
Mấy vị giám khảo người Việt cười phun nước bọt ra bàn (khiến cảnh này phải cắt vì mất lịch sự quá), còn hai ông Tây vẫn không hiểu, lại phải giải thích, nghe xong thì vô cùng thán phục cách ví von của anh Cần.
Đên đây thì thí sinh thứ 5 là anh Hà, thí sinh Hà Tây (là Hà Nội hiện nay) đưa hai tay lên trời, bảo mình chịu thua vì cả 4 bạn chơi đều quá xuất sắc.
Đại diện của Ban giám khảo công bố điểm, tuy từng giám khảo cho khác nhau nhưng chia trung bình thì 4 người có điểm ngang bằng nhau, Ban giám khảo quyết định lấy ý kiến của trưởng ban, nếu trưởng ban đồng ý người nào thì Ban giám khảo đồng ý người đó điểm giám khảo cao nhất. Ông Tây trưởng ban đứng lên nhận xét đại để, cả 4 tỉnh thành nói trên đều cực, nhưng hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Nám cực mà không có khát vọng, còn Thừa Thiên-Huế và Cần Thơ dù nghèo vẫn khát vọng tưng bừng. Tuy nhiên chị Huế có cực nhưng nếu cho anh ấy "đ...chịu" vẫn cứ thực hiện được, còn anh Cần chỉ dám nứng nửa con thì không thể thực hiện được; vả lại, đến bây giờ mới lý giải được vì sao con gái Cần Thơ bỏ đi nơi khác làm ăn là do con trai nhà mình chỉ nứng nửa con, rất tội cho họ, vì thế cá nhân ông cho anh Cần cao điểm nhất đặng đưa dự án về, kêu gọi con gái quê mình về theo.
Tuy vậy, cuộc thi phụ thuộc 50% vào tin nhắn bình chọn, tổng đài vẫn mở đến 5 ngày nữa, nên kết quả vẫn còn để ngõ...
He he, đề nghị nhân dân các tỉnh nhắn tin ủng hộ thí sinh của mình.
Ai có nhu cầu quảng cáo trong chương trình phát sóng chính thức hãy nhanh tay đăng ký.

Thứ Bảy, 16 tháng 3, 2013

Vợ ngoan


Thế nào là một người vợ tốt, vợ ngoan? Đó là đề tài thường xuyên được cánh mày râu nhắc đến trong các cuộc hội thảo bàn...nhậu. Tuy nhiên, do đề tài “nhiều chuyện” đến mức cho đến nay, không có chủ tọa nào đưa ra được kết luận cuối cùng...
Một anh bạn, không biết cóp nhặt từ đâu, đưa ra tiêu chí một người vợ ngoan bằng bài thơ đọc nghe như nhạc rap, tôi nhớ một đoạn như sau (bạn cũng có thể đọc theo phong cách nhạc rap thử xem):
Vợ tốt
Phải đẹp gái/ Không kiêu sa/ Thích ở nhà/ Lo nội trợ/ Không mắc cỡ/ Chửi chồng con/ Nấu ăn ngon/ Dạy con tốt/ Không quá dốt/ Không quá khôn/ Không ôm đồm/ Không nhiều chuyện/ Không lớn tiếng/ Phải riêng năng/ Không ăn hàng/ như cơm bữa/
Theo cái đà này, tùy theo “kinh nghiệm thương đau” và thực tế cuộc sống của mỗi người để có thể chế thêm ra, ví dụ, một người đọc tiếp câu này:
Không đổ lửa/ thêm vào dầu/ Không đối đầu/với... người khác/ Không đánh bạc/ Chơi số đề/ Không được chê/ chồng mình...dở/ Không ăn phở/chỉ ăn cơm/ Không tô son/ Không trát phấn/ Phải cẩn thận/ khi giữ tiền/ Nói đưa liền/ Thế mới tốt...
Nhưng một người khác lại thích đoạn tiếp theo của phần trên thế này:
Chồng gõ cửa/ phải mở ngay/ Khi chồng say/ biết lo lắng/ Phải sốt sắng/ khi chồng về/ Dù có khuya/ cũng phải chịu/ Biết lo liệu/ việc gia đình/ Để chồng mình/ vui cho đã...
Với những yêu cầu tràng giang đại hải trên đây, tôi đồ rằng trên khắp thế giới (kể luôn cả âm phủ và thiên đường) cũng chẳng có ai đáp ứng nỗi lòng tham vô hạn định của các đức ông chồng chỉ biết có mình. Thế mới có chuyện thế này:
Có anh chồng đi khuya về, gõ cửa: Cốc, cốc, cốc
Chị vợ đã biết bài rap của các ông nên khôi hài không kém: Ai gọi đó/ Nếu là thỏ/ cho xem...chân
Chồng: Đừng lần khân/ Ra mở cửa
Vợ: Đi lúc nữa/ rồi hẵng về/ Nếu có phê/ ngủ khách sạn/ Tôi có bạn/ đang ở nhà/ giúp đàn bà/ làm việc đó...
Chồng: Tao là thỏ/ Chân tao đây/ Mở cửa ngay/ Không thì chết...
Nói xong, anh chồng tông cửa xông vào, nhưng cửa đang mở (lại mở vào trong) nên theo đà nằm sóng soài ra nền nhà. Trong lúc anh ta thẹn chín mặt, thì chị vợ vừa nhảy nhót quanh phòng, vừa tiếp tục bài nhạc rap:
Thế mới biết/ Bà chị đây/ đã ra tay/ đừng hòng thoát/ Nếu dứt khoát/ bỏ la đà/ về với bà/ sẽ có thưởng/ Zia!
Câu chuyện không biết thật giả đến đâu nhưng khi nghe xong, các anh chồng đều gật gù: Đúng là vợ ngoan!

Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2013

Một bạn cùng học nghĩ về tôi


Phạm Xuân Vinh người Quảng Trị. Khi tôi ở bộ đội về đi học thì chung một khóa, ở một phòng trong cư xá suốt 4 năm. Vinh là người đọc nhiều, nhớ nhiều, hồi học chúng tôi gọi nó là quyển Bách khoa toàn thư. Tuy vậy, con người Vinh chứa nhiều mâu thuẫn nên khi viết bài (có lẽ do bị giằng xé các mâu thuẫn đó) thường không được điểm cao. Vinh có hai người em là Phạm Xuân Dũng (QRTV) và Phạm Xuân Hùng- tức nhà thơ Từ Dạ Thảo (DVTV) cùng học các khóa sau của khoa mà tôi và Vinh học. Mọi người bảo, ba anh em nhà họ Phạm có thể thành lập được một...Viện Văn học! Hồi đi học, Vinh và tôi thường trò chuyện thâu đêm suốt sáng về nhiều lĩnh vực, nhưng trong cuộc sống Vinh có vẻ như không thích tôi (là tôi nghĩ thế), hay thử tôi (không biết vì sao. Ví như có đêm hai thằng ngồi bàn luận trắng đêm chỉ về các trường phái triết học, có đêm về hội họa...Nó chuẩn bị trước nên quay tôi như thầy giáo quay học sinh). Ra trường, Vinh lên Kontum làm ở Đài PT-TH, sau về làm Thư ký Tòa soạn Tạp chí Cửa Việt và mất như nhân vật trong một cuốn tiểu thuyết Nga mà Vinh hay nói đến. Đây là tờ giấy Vinh phác họa chân dung tôi mà tôi mới tìm được trong kho giấy tờ thời đi học. Hồi đó Vinh viết bằng mực nên đã bị phai nhiều dòng không đọc được. Đây là những dòng chữ của  người quá cố, nhìn mình bất kỳ góc độ nào đều trân trọng, bởi cách nhìn là của từng người. Tôi post lên để giữ tư liệu chứ không có ý gì khác. Ai có thời gian đọc thì cũng vui thôi.
Thản hoặc, gặp một người như thế này: thông minh, giàu ý chí, tự tin đến mức đáng kinh ngạc. Hình như mọi việc trên đời này hắn đều biết, đều hiểu, đều trải qua. Bây giờ, không có gì đáng để hắn ngạc nhiên nữa. Ai nói chuyện, hắn cũng nghe bằng cặp mắt thép lành lạnh; thỉnh thoảng mới chen vào một vài câu rất đắt, có khi đắt đến mức làm lắng cả không khí ồn ã xung quanh. Có ai hỏi ý kiến về một vấn đề gì đó, hắn trả lời bằng một giọng nhát gừng, âm trầm, kèm theo một tiếng chậc lưỡi mà những người có chút tinh ý đều hiểu hắn muốn nói: " Chà, những chuyện vặt vãnh, tao đã làm trước đây vài lần!".
Người ta thường nói đến cặp mắt của một danh thủ thể thao quốc tế từng nổi danh một thời; cặp mắt đã làm cho hàng ngàn cô gái trong cơn cuồng nhiệt sửng sờ không dám bước tới ôm hôn chúc mừng chỉ vì nó lạnh lẽo quá, lạnh đến mức báo chí ví với chất thép làm dao mổ của Thụy Điển. Tôi chưa được nhìn thấy cặp mắt của danh thủ đó, như tôi chưa từng gặp đôi mắt, à quên, cặp mắt nào lạnh hơn cặp mắt hắn!
Lần đầu tiên gặp hắn là ở hội trường 3-Lê Lợi. Hắn mặc áo trắng (câu này không đọc được)...và dây nịt thuộc loại khó kiếm. Những đường nét thanh tú (mấy chữ không đọc được)....mặt hắn: lông mày đen, đậm, gọn như vẽ; sống mũi cao, dài, nhỏ, nhọn, sắc sảo; miệng vừa, môi đỏ cùng nước da công tử cũng không làm tôi chú ý bằng cặp mắt màu vàng nhạt với đôi đồng tử nâu. Một cặp mắt lạnh lẽo, tự tin, trong suốt, không chứa một mẩu cực nhỏ của tâm tư. Đúng hơn, đó là hai cục thép được tô màu được gắn vào hai cái lổ mà ta gọi là hốc mắt. Nếu thỉnh thoảng hắn không chậm rãi liếc nhìn xung quanh thì có khi người ta tưởng như thế thật.
Hắn ngồi ngay ngắn, gác chân chữ ngũ,; hàng ria mép ngạo mạn im phăng phắc. Khi tôi hỏi: "Anh có vẻ thích bỏ áo trong quần?", hắn đáp: "Mỗi người có một sở thích!". Ngoài đôi môi nhếch lên hạ xuống theo một trình tự tiết kiệm nhất để nói câu trả lời, toàn thân hắn vẫn im phăng phắc từ đầu đến chân!
Tôi nghĩ thầm: "Một thằng kiêu; thằng này chắc phải dòng dõi thế phiệt". Quả đúng như vậy thật!
*
Lúc trò chuyện, trước những câu thuộc thì tương lai nói về dự định của bản thân, hắn thường dùng chữ "nếu như..."; nói chính xác hơn, hắn thường có cụm từ: "Nếu như không có gì thay đổi thì...". Đúng là đời hắn gặp nhiều biến thiên, hắn nói vậy!
Khu cư xá này ồn ào như con mừng mẹ đi chợ về; vào đây thì đá cũng mọc lưỡi. Sống được vài hôm hắn có nói chút đỉnh. Sống được vài tháng, hắn nói và cười bằng một nửa người ít nói thường gặp. Bây giờ thì hắn thường. Nhưng chưa bao giờ hắn để lộ tình cảm, bất cứ tình cảm gì với một người nào. Lúc nào hắn cũng ân cần, lịch thiệp nhưng khuôn mặt vẫn không nói lên điều gì để ta đoán biết tâm tư hắn. Hắn cười nhưng cặp mắt không cười; hắn chào nhưng cặp mắt vẫn băng giá. Có lần tôi nói: "Nghề tình báo thích cặp mắt (mấy chữ không đọc được....) vậy?", hắn cười: "...".
Đến đây thì có thể hiểu rằng hắn ít nói? Không! Tôi muốn nói đến cặp mắt thép của hắn, chứ hắn nói và cười như mọi người. Hắn có một kho chuyện và kể khá hay. Nhìn miệng hắn kể, nhìn dáng dấp thanh tú của hắn, mọi người giật mình: "Thật đúng mẫu con nhà văn!". Tôi cũng nghĩ thế: "Đúng mẫu văn chương!".
Té ra hắn dân Toán, lại là chuyên Toán. Hắn học chuyên suốt 3 năm cấp 3. Chưa kịp thi đại học thì vào bộ đội trong một đợt tuyển quân đặc biệt. Trường quân đội đón hắn vào học tiếng Tiệp, hắn cũng vào. Sắp cầm hộ chiếu thì trường bị ghẻ, hắn cũng bị ghẻ, vậy là miễn qua châu Âu. Không được đi xa thì hắn đi gần. Mặc bộ đồ lính, vai một ba lô, mắt một kính cận, hắn lò mò đi khắp Đông Dương. Cho nên nói chuyện, hắn xen vào mấy câu thành ngữ hay của Lào, Miên...là vì vậy. Nghe hắn kể chuyện rồi nhìn vóc dáng của hắn, chả ai muốn tin rằng hắn đã đi nửa vòng xích đạo; ấy vậy nhưng hắn đi thật. Nên bây giờ sức hắn có giảm, lại thêm hồi học Đại học Raddar-Tên lửa, hắn rớt từ dàn radar xuống như trời giáng, hình thù vặn vẹo, mặt mũi vêu vao. Đầu những năm tám mươi đầy khó khăn, ở cư xá chúng tôi nằm giường cứng, hắn phải nằm nệm. Hắn hút thuốc nhưng cũng chỉ tới Sapa, dưới Sapa thì hắn ngồi nhìn. Hắn uống trà cũng gớm.
Về tâm tính thì hắn tự chủ đến mức đáng sợ. Trong tình huống gay go nhất, hắn vẫn điềm đạm, tự tin. Thử hắn cũng vô ích, khêu khích hắn cũng vậy thôi! Có lúc hắn nổi nóng những chuyện nhỏ. Hắn biết nghe, biết nói, nói hay và với kiểu của một chuyên gia hỏi cung lão luyện. Hắn lãng tránh bằng cặp mắt và bằng im lặng. Đã tri âm thì nói chuyện sướng lắm!
Mà sao hắn biết nhiều thế! Chuyện sách vở, chuyện đời, chuyện tàu bay, chuyện chó...Hắn có thể nhảy từ những lĩnh vực xa xôi và bí ẩn của Toán học, Vật lý học... qua chuyện nấu ăn tới việc âm nhạc màu tại sao xuất hiện...mà ngữ lưu vẫn thông suốt. Có thức hắn dậy nửa đêm hắn vẫn kể vanh vách rằng hội họa thế giới lần lượt có các trường phái ấn tượng, dã thú, biểu tượng, lập thể, siêu thực...nghe rối cả tai!
Khi cần hắn mượn bao nhiêu tiền cũng có, nhưng thường thì hắn ít có tiền trong túi, vì hắn tiêu hết. Hắn sống rộng rãi;  gặp ai cũng nói được dăm ba câu; thân với một số, tri âm một vài...Con trai thích hắn vì hắn biết sống; con gái thích hắn vì hắn đẹp trai, tài hoa....(dòng này không đọc được).
Nói chung khó viết tếu về hắn; hắn cười nhưng không có nét hài, hắn nhộn nhưng vẫn đứng đắn. Hắn ăn mặc tinh tươm lắm, áo quần phẳng phiu, chỉnh tề; tóc mượt mà. Nhưng thử nhìn vào rương hòm hắn mà xem: chả hơn gì ổ chuột. Tôi có nói một lần nhưng hắn tỉnh bơ, tôi không nói nữa nhưng ghét lắm!
*
Tưởng rằng chuyện Văn, Toán là bất ngờ, nhưng chưa hết. Sống một thời gian, thì ra hắn vẽ đẹp lắm, nhất là viết chữ mẫu. Một hồi sau, biết thêm hắn đánh bóng chuyền cũng khá. Khi có đội bóng đá, mọi người ngã ngữa ra rằng hắn bắt gôn rất tài và rất liều mạng. Và khi nhìn hắn nhào lộn, những người sành sỏi liền nhận xét rằng hắn là một cao thủ nhu đạo.
Trong lớp, hắn không có đối thủ, ấy vậy mà hắn nhác học đấy!
Cho đến bây giờ, chẳng ai biết được điểm tận cùng của tri thức hắn có, và đó là điều đáng sợ nhất!
*
Cao, gầy, quý phái, uyên bác khoa khọc xã hội và xã hội; uyên thâm khoa học tự nhiên; khôn như quỷ; lãng mạn như nghệ sĩ; tỉnh táo như tình báo...tất cả nấp dưới một khuôn mặt thanh tú với cặp mắt thép, đó là hắn. Hắn chứa tất cả những gì khó dung hòa trong cùng một con người.
*
Hắn ghét tôi; coi thường tôi; chơi với tôi.
PHẠM XUÂN VINH Văn K6-Đại học Tổng hợp Huế (không đề ngày)
***
Ngoài những nhận xét cá nhân không phải nói lại thì cần nói lại cho rõ: -"Hắn học chuyên toán 3 năm cấp 3". Thực ra tôi học xong lớp 8 mới về học lớp chuyên 2 năm.-..."học tiếng Tiệp"- đúng ra là tiếng Nga. Vinh quên mất chuyện tôi đọc thuộc cả cuốn tiểu thuyết Thép đã tôi thế đấy, những đoạn hay tôi đọc luôn bằng tiếng Nga. Không hiểu sao lại nhầm qua...Tiệp!?

Thứ Tư, 13 tháng 3, 2013

Cảnh sát đi xe đạp


Thời gian gần đây, có một khuynh hướng nhiều người bỏ xe máy, chuyển qua đi xe đạp. Đây là một khuynh hướng (hay trào lưu) xét về nhiều phương diện là rất có ý nghĩa: Bảo vệ môi trường, tiết kiệm, giảm kẹt xe...Tuy nhiên, người đi xe đạp cũng chịu nhiều hệ lụy rất...mắc cười.
Khi giá xăng tăng lần gần đây nhất, tôi lấy chiếc xe cũ của con trai đi từ hồi phổ thông đang treo trên gác làm kỷ niệm xuống đi. Lần đầu tiên sau nhiều năm đi lại xe đạp, có một cảm giác rất kỳ lạ, rất khó diễn đạt, trong đó cảm giác rõ nhất là thấy mình rất...tự do. Mỗi ngày đạp 5 km đến cơ quan, 5 km trở về nhà, tính ra khoảng 20 km, thấy con người khỏe khoắn và phấn chấn hẳn lên.
Ra đường đạp xe thấy mọi người nhìn mình rất thân thiện. Có lần chiếc xe rơi mất cái ốc vít chắn sên, nhiều bạn nam thanh nữ tú gần đó chạy ra gọi ơi ới, lượm vít, lấy đồ nghề trong xe máy ra giúp tôi vặn lại, rồi hỏi han thân mật lắm. Thấy vui.
Nhưng khi đi đến các cơ quan khác để làm việc (ở Đà Nẵng các cơ quan không xa nhau lắm mà đường lại rộng), bảo vệ nhìn tôi bằng con mắt khác thường, họ hoạnh họe đủ điều, hỏi hết cả trích ngang lý lịch, chìa đủ loại giấy tờ họ mới cho vào. Nhiều người còn tưởng tôi là ông hưu trí đi...kiện.
Đọc trên mạng, thấy nhiều thành phố lớn, người ta còn không cho gửi xe đạp chỉ vì chỉ còn chỗ gửi...xe máy, thấy mắc cười hơn.
Nhiều bạn trẻ khi bình luận chuyện này trên mạng cũng cho rằng, thời buổi tốc độ siêu nhanh như...email mà đi xe đạp thấy chẳng giống ai. Thậm chí khi nghe tin FPT khuyến khích nhân viên đi xe đạp nhiều người đã "ném đá" không thương tiếc.
Theo quan điểm cá nhân tôi thì phải căn cứ vào tính chất công việc, điều kiện từng người, từng vùng...mà áp dụng, không nên khiên cưỡng. Tóm lại, ai thấy điều kiện của mình có thể dùng xe đạp là đủ thì nên dùng. Và xã hội cũng nên nhìn nhận điều này theo khuynh hướng tích cực.
*
Từ đầu năm 2013 đến nay, có một hình ảnh làm tôi rất thích thú, đó là các cảnh sát khu vực phường Thanh Bình, quận Hải Châu (Đà Nẵng) đi thực thi nhiệm vụ của mình trong phường bằng...xe đạp. Nhìn, đã có ngay một cảm giác bình yên và gần gủi.
Cảnh sát khu vực với nhiệm vụ bám công việc, bám địa bàn, bám đối tượng...trong phạm vi mình phụ trách thì việc đi xe đạp là vô cùng hợp lý. Chính trung sĩ Lê Nhân cũng thấy điều này khi nói: "Từ khi đi xe đạp, tôi thấy công việc thuận lợi hơn, bà con trong khu vực rất ủng hộ và thể hiện thái độ chân tình hơn nhiều". Còn bác Mỹ, một người dân trong phường cụ thể hơn: "Cảnh sát khu vực thường đến nhà dân buổi trưa, buổi tối...Lúc đó mà đi xe máy vào từng ngõ thì ồn ào lắm", ông rất ủng hộ việc lãnh đạo công an phường sắm xe đạp làm phương tiện cho các chiến sĩ của mình.
Chỉ áp dụng chưa đầy 3 tháng, với 7 chiếc xe đạp mới sắm ban đầu, nhưng trung tá Huỳnh Kim Nhẫn, Trưởng công an phường Thanh Bình cũng đã đánh giá đây là một sự chuyển hướng đưa lại hiệu suất công tác cao, và theo ông, mô hình này nên nhân rộng ra toàn thành phố.
Được biết, lãnh đạo công an thành phố Đà Nẵng cũng rất ủng hộ chủ trương này.
Trong nổ lực làm đẹp hình ảnh của người cảnh sát (kể cả việc không đưa cảnh sát bụng béo ra đường), thì đây là biện pháp khả thi nhất.
*
Thành phố Đà Nẵng được mệnh danh là "thành phố đáng sống". Nó đáng sống không chỉ vì nó đẹp, đường sá rộng rãi, thiên nhiên kỳ thú...mà nó còn được tạo ra bằng nhiều thứ, trong đó có con người Đà Nẵng. Một người dân chỉ đường tận tình cho du khách, một người bán hàng nói đúng giá, một ổ cắm điện để sạc điện thoại nơi nhà ga, bến xe, nơi công cộng, một bác xích lô thân thiện, một anh lái xe taxi không đi vòng vo "mua đường"...tất cả đều góp phần làm nên điều đó.
Và bây giờ, hình ảnh của cảnh sát khu vực đi xe đạp chắc chắn mang lại cho người dân sự gần gủi, thân thiện, yên bình...một hình ảnh rất đẹp!
Nó còn đẹp hơn khi chúng ta đang thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" bằng những việc làm rất cụ thể, thiết thực.

Chủ Nhật, 10 tháng 3, 2013

Ta về với mạ ta thôi!

Mạ ơi, đường về quê hóa ra càng lâu càng xa quá, con đi mãi mà bây giờ cũng chỉ mới đến được Đà Nẵng thôi, biết khi nào con mới về đến nhà mình.
Mạ làm cho con một hũ lõi cây chuối sứ muối chua với nén, kho cho con một soong cá tràu theo kiểu Lệ Thủy, một tô canh cá khô nấu khế chua nêm ruốc, một dĩa đọt lang luộc chấm mắm quầy. Nhớ cho ớt nhiều nghe mạ.
Ta về với mạ ta thôi
Có chi mà phải rong chơi cho nhiều
Mạ ngồi bậu cửa mỗi chiều
Ngóng ta như thế bao nhiêu năm rồi
Sao ta lại thế ta ơi
Mãi mê muội giữa dòng đời nhiễu nhương
Thì ai cũng bảo quê hương
Thì ai cũng nhớ cũng thương cũng là...

Dặm đường thuở ấy đi qua
Bây giờ chỉ có mạ ta ngồi chờ.

Ta về theo tiếng ầu ơ
Ta về để khỏi bơ vơ giữa đời
Ta về với mạ ta thôi!
Nhưng giờ có về thì cũng đâu gặp mạ, mạ đã đi xa rồi. Con đúng là đứa con bất hiếu.

Thứ Năm, 7 tháng 3, 2013

Chuyện kể trong ngày 8.3: Người câu cá


“Có ai câu được con cá xong thì banh miệng nó ra rồi nhét 
mồi vô không?” Câu hỏi này thiệt khó cho người trả lời...
Anh là người khiến ai mới gặp cũng mê tơi, không chỉ người khác phái mà cả người cùng phái. Điều đó xuất phát từ cách ứng xử tài tình của anh. Ví như có ai bước vào cơ quan anh đang làm việc, trời mưa anh ra tận nơi cất mũ, cởi áo mưa cho; thấy ai ăn mặc phong phanh, anh cởi luôn áo khoác, khoác cho, lại còn trách sao em mặc thế này, cảm chết...Cách ứng xử đó làm mhiều người, nhất là phái nữ xao xuyến khôn cùng, có chăng một vài chị em thấy thế là quá mức thân mật, đâm ngại nên e dè, nhưng đó chỉ là số ít.
Một vài lần, thấy anh sửa lại cái cổ áo cho chị em, nhất là khi cái cổ áo muốn rơi khỏi ngực bằng một cử chỉ rất tự tin, thiệt tình tôi phục lắm. Tôi mà động vô đó, e gay!
Phục nhất là cách anh nhớ các ngày kỷ niệm (cả chung và riêng). Hãy tưởng tượng xem, một hôm nào đó, bạn nhận được lẳng hoa do bưu điện đưa đến, trong đó có bưu thiếp chúc mừng em nhân kỷ niệm ngày đi làm việc đầu tiên. Đọc xong, ai chẳng “rụng rời rơi rốn”. Nhất là chị em ta!
*
Đều đặn mỗi năm hai lần, ngày 8.3 và 20.10, anh đều có một danh sách tặng hoa. Cái đặt chuyển qua bưu điện, cái thuế shop hoa tươi mang đến, cái tự anh cầm đi...Mỗi lần như thế, anh mang lại niềm vui cho ít nhất một tá người.
Một lần, anh phê bình người lãnh đạo cao nhất của công ty đã không quan tâm đến điều đó, rằng thật sai lầm, rằng tặng hoa nhân ngày của chị em cũng là một nhiệm vụ của người lãnh đạo...Phê bình đúng thế, đố lãnh đạo nào dám cãi, phải cám ơn anh nữa mới đúng.
Nhưng mà không phải người lãnh đạo nào cũng làm được, biết bao nhiêu người trong công ty làm sao nhớ cho nỗi. Với lại, phàm đã làm lãnh đạo thì phải công bằng, mà quan tâm hết mọi người thì không đủ sức mà nhớ, nhưng chỉ quan tâm những người mình nhớ thì không công bằng...Búi!
Nhưng nếu làm được tất nhiên là quá hay rồi. Cái này khuyên các vị lãnh đạo phấn đấu “tùy theo sức của mình” thôi.
*
Nhớ chuyện ngày 20.10 rồi, anh kêu một shop hoa tươi vào cơ quan rồi đưa ra một cô-lít-xông, một bên ghi danh sách, một bên ghi câu chúc mừng, 12 người được anh tặng hoa là12 câu chúc khác nhau. Thế mới cẩn thận, phục thiệt!
Câu thì anh viết: “Chúc em đẹp thì thừa, vì còn ai đẹp hơn em, nên chỉ chúc em hạnh phúc hơn nữa mà thôi!”. Câu khác thì thế này: “Cuộc đời này thật hiếm có một người vừa đẹp vừa giỏi như em!”. Câu nữa: “Em chỉ đẹp và giỏi chừng đó thôi nghen, thêm tí nữa làm người ta ghen tị!”...Nói thiệt, đàn ông mà đọc những lời chúc này thì chỉ có mà...ghen tị với anh mà thôi!
*
Cũng trong ngày 20.10 bận bịu tặng hoa trực tiếp và gián tiếp đó, tối về, vợ anh nhỏ nhẹ:
-Sao hồi yêu nhau anh thường tặng hoa cho em, không chỉ ngày lễ, ngày kỷ niệm mà cả ngày thường. Sao hôm nay 20.10, ngày của chúng em anh lại không tặng hoa cho em?
Anh trợn tròn mắt, thoạt đầu có vẻ ngạc nhiên, sau đó, vốn là người ứng xử cừ khôi, anh phát huy ngay năng lực của mình, nhưng lần này coi bộ hơi lạ:
-Này, tui hỏi cô nghe, có ai câu được con cá xong thì banh miệng nó ra rồi nhét mồi vô không?
Chị vợ quá đỗi bất ngờ, há hốc mồm kinh ngạc.
Nhưng đàn bà vốn không vừa, chị trấn tỉnh ngay, rồi cũng trợn mắt lên:
-Thì này, tui nói cho ông biết, tui ói mồi ra cho ông đây, ông lấy đi câu con cá nào thì đi!
Không biết mặt anh lúc đó thế nào vì chuyện này do mọi người kể lại, cũng không biết chuyện đúng sai đến đâu nhưng nghe nó quen quen y như một chuyện vui nào đó mà tôi đã đọc.
*
Phải đến ngày 20.11, ngày nhà giáo VN, gặp chị đang cầm bó hoa tươi trên tay, tôi khen:
-Đẹp quá, anh biết chọn hoa tặng vợ đẹp thiệt đó!
Chị nhìn tôi như thể tôi ở trên trời rơi xuống, tôi hỏi lại:
-Trên mặt em có chi à?
Chị lắc đầu:
-Không, nhưng trên mồm chú thì có.
-Có chi chị? Tôi hỏi lại.
-Chú nói ra cái điều không có, không ai câu cá được rồi lại banh mồm nó ra để nhét mồi vào cả!
Nhớ lại câu chuyện mọi người kể, tôi thấy sường sượng cái mặt, liền khỏa lấp:
-Hì hì, chị nói thế, con cá nhà em em câu được rồi nhưng thỉnh thoảng lại phải châm mồi vô mà đôi lúc nó còn chê đó chị.
Chị bỗng trở nên ngoa ngoắt:
-Cá nhà chú còn non, chú không châm mồi thằng đi câu khác nó châm, cá nhà này già rồi, cái lưỡi câu mắc ở mép lâu ngày rỉ rét, có muốn nuốt mồi cũng chẳng được đâu chú, nên người ta lo đi câu con khác tơ hơn rồi!
Nói xong chị ngoảy đi, bỏ tôi đứng một mình há hốc mồm như thể chính mình bị mắc lưỡi câu đau điếng.

Thứ Tư, 6 tháng 3, 2013

Chạy đua với...ánh sáng!


Ngày trước, làng báo có rất nhiều "cây bút", nhắc đến, mọi người đều nể trọng, mở tờ báo ra, nhất định đọc bài của họ viết trước, thậm chí lướt qua, không thấy tên của họ thì không mua.
Bây giờ thì ít dần và có cảm giác như đã mất hẳn các cây bút. Người làm báo bây giờ được biết đến là do tần suất xuất hiện nhiều, đồng nghĩa với việc họ có nguồn tin tốt. Nhiều người quan niệm làm báo thời này chỉ ném thông tin ra là được, có tòa soạn lại quan niệm đội ngũ phóng viên như một đội bóng, đội bóng đá tốt là tốt ở tập thể, không cần ngôi sao. Có chuyện đó là vì thời đại sống nhanh, thông tin nhanh, nhanh là thắng.
Điều đó không sai nhưng chưa đúng.
Xét về khía cạnh thông tin thì bây giờ thông tin trên mạng nhanh với tốc độ...ánh sáng. Mỗi ngày, mở internet ra vài lần, lướt một cái là có hết. Vì thế, tờ báo in mà chạy đua thông tin với mạng chẳng khác nào người chạy đua với...ánh sáng là vậy.
Nhưng không vì thế mà báo in mất đi, bởi vì, báo in có lợi thế về thời gian suy ngẫm và sắp đặt vấn đề. Mỗi sáng, người ta mua báo, lướt qua như lướt web, xong nhét vào túi sau, đi làm, vào mạng đã đời, tối về mở báo in ra đọc lại.
Hãy thử đặt mình vào vị trí người mua báo, mở tờ báo ra, ta mong có gì trong đó?
Như đã nói, không có một tin tức nào lọt qua được báo mạng và mạng xã hội, do đó, người ta đọc báo in là đọc hai chỗ: góc nhìn của tác giả (cũng là của tờ báo), và văn phong thể hiện. Đó cũng là hai điểm chính để tạo nên cây bút.
Bi kịch nằm ở chỗ: các tòa soạn không thương tiếc khi chém đứt từng khúc, từng đọan liên quan đến các loại văn phong. Ấy là chưa nói góc nhìn: nhìn cũng phải tròn trịa. Thời không cá tính.
Quan niệm đó có vẻ như là sai lầm của người làm báo in. Khi anh không thể nhanh hơn ánh sáng thì anh không thể nghĩ đến việc chạy đua với nó.
Nhật báo phố Wall là tờ báo lâu đời ở Mỹ, họ viết bài rất dấm dẳng, như tường thuật những gì đang xẩy ra. Đây là câu chuyện họ viết về đề tài môi trường: Buổi sáng, vợ con các ngư dân tiễn chồng ra bãi biển, những người đàn ông lên thuyền đánh cá, bao nhiêu người đi chung một thuyền, họ phải vật lộn với cái nắng như thế nào, bủa lưới ra sao...cho đến khi về. Những người đàn bà, những đứa nhỏ lại ra bờ biển đón chồng, đón cha với biết bao kỳ vọng. Và khi thuyền cập bến, người trên thuyền vứt lên bãi cát hai con cá, mỗi con bằng hai ngón tay và nói: Đây là bữa tối của hai gia đình chúng ta. Trong bài tuyệt nhiên không nhắc đến hai từ môi trường nhưng làm người ta dựng cả tóc khi đọc câu cuối. 
Bọ nghĩ, thời buổi ni lướt thì phải nhanh, nhưng đọc thì phải chậm. Báo in sinh ra để đọc chứ không phải để lướt.
Bọ lại nghĩ, coi bóng đá đôi khi không chỉ là coi chuyện đội nào thắng mà coi họ, nhất là các ngôi sao, đá như thế nào. Đội có nhiều ngôi sao là đội có nhiều fan hâm mộ. Ca nhạc, điện ảnh cũng thế, phải có ngôi sao. Và vì thế, tờ báo phải có cây bút.

Thứ Ba, 5 tháng 3, 2013

Hay eng hè?


Hồi ở ngoải. tui có chơi với hai đứa sắp nhỏ, chừ thì tụi hắn đã có chức có quyền. Hôm rồi mấy anh em gặp nhau ở Đà Nẵng nhậu nhẹt chơi, thằng Lợi nói, người Đà Nẵng hay eng hè? Tui hỏi răng hay, hắn bảo, hôm nọ tụi em đi tìm nhà người bạn, gặp mấy bác đứng đầu đường hỏi, ai cũng chỉ vẻ rất nhiệt tình. Đi đến đó rẽ trái, đi khoảng trăm mét gặp ngã ba rẽ trái nữa, thấy cái bảng ghi thế này thế này, nhìn coi, gần đó...Tụi em đi vô, trúng chóc, nghĩ người Đà Nẵng hay thiệt a. Chưa hết, đoạn đi ra, mấy bác ấy còn cẩn thận hỏi lại, tìm ra nhà chưa? Người Đà Nẵng hay eng hè?
Mấy đứa ngồi nghe nói đúng a, đúng a, người Đà Nẵng hay thiệt, hỏi đường họ chỉ rất tận tình.
Một đứa khác kể, hôm trước xe tụi em dừng lại, mấy ông con trai tìm chỗ "giải quyết nỗi buồn" rất nhanh, tụi con gái đang lúng túng chưa biết tính răng thì có chị đứng trong quán gọi. Tụi em tưởng chị ấy gọi mình vô mua hàng kiểu chèo kéo như nơi khác nên lắc đầu. Mãi sau chị đi ra, nói nhỏ với mấy đứa con gái. Ai cũng à lên. Hóa ra chị ấy bảo nếu muốn đi toilet thì vô quán chị, đi ra phía sau mà đi. Trời đất, người Đà Nẵng hay thiệt a eng hè?
Tui ở đây thấy rứa quen rồi, không ngờ đó là chuyện hay của tụi hắn.
*
Tui nghe vui trong bụng, định kể chuyện hôm ở Hà Nội cho mấy đứa nghe. Hôm đó tui đứng trước cái ngõ, hỏi đường rẽ vô ngách số này số nọ, cha xe ôm ngồi gật gật, đoạn bảo, đưa cho chả gói ba số chả chỉ cho. Tui há hốc mồm ngạc nhiên, chả tưởng tui không biết thuốc ba số là chi nên xòe bàn tay ra dứ dứ ba lần, ý nói ba số 5. Nhưng không hiểu răng lại không kể.
*
Minh làm sếp bên công an, kể, hôm ra Hà Nội, đang dừng ở ngã tư đèn đỏ thì một anh CSGT tiến đến, hồ hởi, chào sếp, sếp mới ra công tác ạ, nhìn biển số xe biết ngay trong ngành. Minh ta khoái chí, hi hi, CSGT Thủ đô lịch sự phết. Đang nghĩ thì anh CS nói tiếp, em chưa ăn xáng, sếp mời tụi em ăn xáng chứ ạ. Minh ta không hiểu thế là sao cả, đang lúng túng thì cậu lái xe móc vì rút ra tờ 50 nghìn, nói, phở nha. Anh CSGT cầm rồi mới tiếp, dạ, tụi em có 4 đứa cơ ạ. Anh lái xe móc thêm 3 tờ 50 ngìn nữa đưa cho anh ta. Anh CS cám ơn rối rít, đoạn nói với theo, đây là sếp mời ăn xáng chứ xe sếp xe xịn, dừng đỗ đúng quy định, tụi em không thổi sếp nha...
Minh kể cho tui nghe xong, vẫn còn đang hậm hực, tui chọc, cha CS nớ hay eng hè? Hắn bực lên quát, hay cái con c...!
Vì Minh là CA nên tui thận trọng: Nì, đó mi nói chơ tau không nói nghe!
He he, mình đểu thế!

Thứ Hai, 4 tháng 3, 2013

Viết như kể chuyện


Trong vô số lý luận về viết lách khiến người ta càng học càng thấy “toá loà loạ”, có hai lời khuyên mà tôi lúc nào cũng nhớ: “Hãy viết như trả lời câu hỏi của bạn mình qua điện thoại: Hôm nay có gì mới không?” và “Hãy viết như đang kể chuyện cho... bà mình ở quê nghe”.
Câu thứ nhất, trả lời qua điện thoại tức là phải biết nói ngắn, nhưng trong thời gian ngắn đó phải chuyển tải những thông tin cốt lõi nhất, dễ hiểu nhất và hấp dẫn nhất cho người hỏi mình (sau này là bạn đọc), và tất nhiên, thông tin đó phải mới.
Câu thứ hai, phải viết một cách giản dị, dễ hiểu, (đến bà mình ở quê cũng có thể hiểu được).
Hai lời khuyên có vẻ như vô cùng đơn giản, ai cũng biết, nhưng để làm được thì hoàn toàn không dễ chút nào.
Tôi có tham gia giảng dạy hai chuyên đề Kỹ năng báo chí và Kỹ năng phỏng vấn cho các lớp báo chí ở Đại học Khoa học Huế từ nhiều năm nay, đôi lúc còn tham gia nói chuyện cho các lớp tập huấn về báo chí, hầu hết, các sinh viên và học viên đều có chung một câu hỏi: “Em (tôi) đã có đủ tư lệu, nhưng mỗi khi ngồi vào bàn thì không biết nên bắt đầu từ đâu”. Tôi hỏi lại: “Câu chuyện đó là gì vậy?” Và họ kể ra. Tôi lại bảo: “Hãy viết lại y như anh/chị vừa kể với tôi, viết đi!” Và nhiều người đã thành công bắt đầu từ lời khuyên giản dị đó.
Tôi đọc nhiều sách viết về thể loại phóng sự, một thể loại mà bất cứ người làm báo nào cũng mơ ước mình có cơ may thành công. Tôi cũng được nghe nhiều sinh viên và đồng nghiệp trẻ phàn nàn về sự rắc rối trong lý luận về phóng sự, rồi sau khi đã học, đã đọc chán chê, họ lại hỏi tôi một câu như thể bắt đầu: Phải viết phóng sự như thế nào? (họ hỏi thế là vì tôi cũng có in vài tập phóng sự). Tôi bèn nghĩ đến chuyện “kể cho bà tôi ở quê nghe chuyện viết phóng sự như thế nào”. Không ngờ ý kiến tôi được nhà văn, nhà báo Vĩnh Quyền ủng hộ khi anh đặt vấn đề làm tập sách nói về cách viết phóng sự do anh chủ biên. Và tôi kể.
Nhưng trước khi kể, phải nói vài điều để người đọc thông cảm: Một, đây là những kinh nghiệm cá nhân nên hơi bị... “tôi”; Hai, vì “tôi” nên có thể không “ta”. Ba, sau khi đọc xong thì “quên” đi để làm nghề, đừng phụ thuộc vào nó.
Chuyện tôi kể thế này:
Hồi mới chân ướt chân ráo bước vào nghề làm báo, một hôm, ông trưởng phòng phóng viên (nguyên là một bác cán bộ quân đội chuyển ngành), kêu tôi vào răn dạy: “Báo có hai thể loại chính là tin và bài. Cái gì dài gọi là bài, cái gì ngắn gọi là tin, cứ thế mà viết”. Tôi hồi đó trẻ người non dạ nên rất manh động, vì không phục nên giơ tay xin có ý kiến, và nói: “Xin được bổ sung để hoàn thiện lý luận báo chí của đồng chí trưởng phòng: Tin dài gọi là bài, bài ngắn gọi là tin, xin hết!”. Nói xong đi ra cửa.
Câu nói đó không ngờ đã mang đến cho tôi nhiều hệ luỵ sau này.
Lại kể, hồi ấy anh Chung Anh (bây giờ là Thư ký Toà soạn báo Đà Nẵng) nộp bài, bao giờ cũng bị ông trưởng phòng phán: “Vấn đề này cậu nên cắt ngang ra chứ đừng bổ dọc”. Anh Chung Anh về “cắt ngang” mang lên nộp, ông lại phán: “Không được, vấn đề này anh phải bổ dọc chứ đừng cắt ngang”. Chung Anh búi. Nhưng rất nhanh, anh rút kinh nghiệm liền. Mỗi lần nộp bài, được góp ý, anh mang bài về nhưng không sửa, hôm sau lại mang lên nộp, lại góp ý, anh lại mang về nhưng vẫn không sửa, hôm sau nữa mang lên nộp tiếp, và ông trưởng phòng cười khà khà: “Thấy chưa, sửa nhiều lần bài viết khác liền!”. Và ông ký cho đăng.
Vì sao tôi phải “dài dòng văn tự” chuyện này? Là vì, viết gì cũng thế, đặc biệt là phóng sự, bạn hãy nhìn vào “gu” của người biên tập và thư ký toà soạn (như người chủ bút). Vì thế, bạn hãy quan sát mà xem, cũng là phóng sự nhưng mỗi tờ báo có chất khác nhau. Nhưng không vì thế mà bạn đánh mất bản sắc của mình. Hãy bằng nhiều cách (trong đó có cả cách của anh Chung Anh) để bảo vệ chính mình, cụ thể là bài viết của mình.
Tuy nhiên, bảo vệ chứ đừng bảo thủ. Xin nhắc lại, mỗi tờ báo có “gu” phóng sự của mình, và người viết phải biết tôn trọng cái “gu” đó, anh chỉ có quyền làm hay hơn mà thôi!
*
Hồi mới vào làm báo (đang thời bao cấp), tôi viết bài nào có ghi “Phóng sự của NGUYỄN THẾ THỊNH” đều bị bỏ đi 3 chữ “Phóng sự của”, chỉ để lại cái tên. Nhiều lần nên lấy làm lạ, bèn hỏi người biên tập, họ trả lời theo kiểu “ấm ớ vịt giời”, nhưng tôi hiểu ra, đại để, phóng sự là một cái gì đó cao siêu lắm, sợ để thể loại phóng sự lại có người bắt bẻ kiểu “thế này mà là phóng sự à?”, nhưng vì sao nó không là phóng sự thì họ không nói với tôi.
Mãi đến khi làm thư ký toà soạn, tôi phát động anh em phóng viên mỗi số phải có một phóng sự, và tôi thêm vào cụm từ “Phóng sự của...”, tất nhiên là theo quan điểm của tôi.
Thế rồi cho đến khi làm cho báo Lao Động, bấy giờ vào thời kỳ phóng sự trên báo Lao Động là số 1. Được đăng phóng sự trên tờ báo này thì sướng không có gì bằng. Vì nó được trình bày trang trọng, biên tập kỹ càng và, tất nhiên, chỉ có một tiêu chí là...hay!
Tôi vẫn nhớ như in, buổi sáng khi Lao Động đăng phóng sự “Đi chợ bò” của tôi, vì ở Đồng Hới nên chưa được đọc (báo chậm), đã có hàng trăm cuộc điện thoại gọi đến chúc mừng và..khen nức nở. Đầu tiên là Dương Minh Long, khen qua điện toại chưa đủ, Long còn viết cho tôi một lá thư dài để..khen tiếp. Rồi Huỳnh Dũng Nhân, bấy giờ là cây phóng sự “khét tiếng”, cũng khen luôn. Trần Quang Đạo lại bảo: “Mày làm tao tự hào về..mày quá!”.. .(Nổ xí cho vui).
Nhưng đầu tiên là anh Vĩnh Quyền, người biên tập phóng sự này (bấy giờ còn viết tay, ảnh thì làm ra rồi gửi kèm), biên tập xong, anh gọi điện thoại (bàn) cho tôi: “Thịnh à? Như thế này mới gọi là phóng sự chứ!”. Tôi nghe mà sướng rơn người.
Vì sao mọi người khen “Đi chợ bò”?, tôi ngẫm lại và tự hỏi và rút ra mấy điểm thế này:
Chợ bò ở Ba Đồn thì ai mà chả thấy, nhiều nhà báo đạp chân đến toè loe ra rồi, nhưng sao họ không chọn đề tài này làm phóng sự, còn tôi thì lại chọn? Trước hết vì tôi thấy lạ. Chữ lạ này rất quan trọng, không tin, sau này bạn hãy áp dụng mà xem, cứ thấy cái gì lạ (bất thường, khác với quy luật tự nhiên và mình thấy.. . lạ) thì bạn hãy nắm lấy mà viết phóng sự. Tức là, tôi đang nói đến chuyện chọn đề tài. Vậy thì chợ bò Ba Đồn lạ ở chỗ nào?
Trả lời: Đó là cái chợ sầm uất nhất khu vực Bắc miền Trung, có riêng một khu đến bán bò. Phong trào nuôi bò bấy giờ đang ào ạt, nhưng bò nuôi ra không có chỗ tiêu thụ. Có chỗ bán là tốt rồi, nhưng trăm người bán chỉ vài người mua. Việc mua bán của họ cũng rất lạ (phong tục đập tay ra giá và trả giá), lạ ở chỗ có người đập đến bầm tím cả tay mà vẫn không bán được. Không bán được thì dắt về, phiên chợ sau lại mang ra, lại đập tay và đôi khi vẫn không bán được. Người bán được thì vào hàng thịt chó trứ danh có tên Cu Loe mà nhậu, đôi khi mất cả nửa con bò. Nhưng chừng ấy thì vẫn chưa đủ cho một phóng sự. Tôi phải đi “nhặt thêm vài đồng tiền vàng” (những chi tiết hay theo cách nói của dân phóng sự) nữa để lận lưng. “Đồng tiền vàng” đó là gì? Đó là Quảng Bình vừa đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây xong Xí nghiệp Chế biến Súc sản nhằm xuất thịt đông lạnh sang các nước Đông Âu và đang không hoạt động được vì không có nguyên liệu (?), trong lúc Hội Nông dân tỉnh lại đang báo cáo thành tích bình quân đầu người có đến 2 con bò. Bò đưa ra chợ bán không được, Xí nghiệp Chế biến Súc sản thì không có nguyên liệu để làm. Vô lý chưa? Và có lạ không cơ chứ?
Rồi tôi lục lọi và nhặt thêm được một “đồng tiền vàng” nữa: Thời bao cấp khốn khó, gia đình một anh bạn người lanh trí mua men Ba Đồn mang vào Huế để nấu rượu, nhưng anh nấu mãi cũng không ra được loại rượu Ba Đồn nổi tiếng của quê anh, hoá ra, để có rượu Ba Đồn không chỉ cần men mà còn cần nước Ba Đồn và nhiệt độ, độ ẩm của vùng quê đó. Aái chà, anh ngộ ra, làm cái gì cũng phải hiểu đến ngóc ngách của vấn đề. Nuôi bò cũng thế, chế biến súc sản cũng thế. Đừng nên làm theo kiểu phong trào, nói nuôi bò thì đồng loạt nuôi bò, nuôi cá thì đồng loạt nuôi cá.. .Không phải cứ có nhà máy đông lạnh thì xuất khẩu được thịt ra nước ngoài...
Có nhiều “đồng tiền vàng” rồi, tôi đặt số ảnh chợ bò ra trước mặt, mở băng ghi âm mặc cả giá để lấy không khí, và viết một mạch như đang kể cho bà tôi ở quê nghe chuyện lạ chợ bò mà tôi vừa chứng kiến. Thỉnh thoảng, tôi lại “đặt một đồng tiền vàng trên đường đi”, tức là ném ra một chi tiết hay sau một đoạn để dẫn dụ người đọc đi cùng mình đến hết bài viết.
Khi đặt đấu chấm cuối cùng, tôi tự khen: “Hay!” (Tiếc chi không khen mình một tiếng).
Nhưng bài phóng sự sẽ không thành công nếu anh không chọn được ảnh đẹp. Nhà nhiếp ảnh tiếng tăm Dương Minh Long đã khen rất nhiều về chùm ảnh của tôi (tôi mê ảnh anh này nên tin lời anh khen lắm!). Nhưng bài phóng sự vẫn chưa thành công nếu anh chưa chọn được giọng điệu cho bài viết. Nếu là một đề tài xã hội có tính khôi hài thì khác, một chuyện bi thương thì khác hơn, một vấn đề nghiêm túc lại khác nữa. Giọng điệu rất quan trọng. Nó tạo nên phong cách của cây bút.
Nhưng dù kể chuyện cho bà nghe cũng phải kể sao cho hấp dẫn, ý nhị chứ không tường thuật trần trụi. Ví dụ mô tả một cô gái mặc áo dài trắng “thinh không”che ô đi dưới mưa, bạn rất “hồi hộp” vì mưa lớn, cô gái đã bị ướt đến quá đầu gối, nếu bạn viết: “Mưa mà ướt lên thắt lưng thì chiếc quần dài trắng biến thành..màu da”, nghe nó thô thiển quá, không tương xứng với chiếc áo dài. Nếu viết: “Mưa mà ướt lên tí nữa, e gay!”. Vừa phải, có sức gợi mà vẫn lịch lãm như thường. Âëy là ngôn ngữ. Người ta bảo chất văn trong phóng sự có lẽ là ở chỗ này.
Ủa quên, tôi chưa nói đến điều quan trọng nhất là đặt tít. Tít của phóng sự vô cùng quan trọng. Tôi nhớ tờ “Cá Trê”- tờ báo cười lưu hành nội bộ của Lao Động một lần “bình bầu” cho cái tít phóng sự dài nhất: “Thành phố đỏ vươn năm ngón tay trước bình minh hồng”. Ui, nghe như một câu..cải lương. Không được! Không biết các đồng nghiệp khác thế nào, chứ tôi, chưa đặt xong cái tít thì tôi không thể ngồi vào bàn viết.
Phóng sự mà tôi kể trên cũng thế, thoạt đầu tôi đặt: “Chợ bò ai bán, ai mua?”. Hir, nghe như câu..ca, không ổn. Nghĩ đi nghĩ lại, rồi bảo, rắc rối chữ nghĩa làm chi phiền thế, cứ nói: “Đi chợ bò” là xong! Giản dị, dễ hiểu và cũng có sức gợi đó chứ bộ (đi rồi bò (động từ), không lạ sao?)
Không khí phóng sự của Lao Động lúc đó làm cho tôi “sung” lên. Viết một loạt, và nhiều bài được giải, thậm chí khi sang công tác ở Thanh Niên, phóng sự “Một lão nông tài ngang.. tiến sĩ” của tôi đăng trên Lao Động còn đoạt giải nhất. Giờ đọc lại, không hiểu sao thời đó mà mình viết được như thế (Nổ xí)
Nói chuyện đặt tít, tôi không thể không nhắc lại một phóng sự của Huỳnh Dũng Nhân. Hồi đó rất nhiều báo viết về chợ lao động ở thủ đô, họ đặt nhiều cái tít rất kêu như Chợ người; Chợ lao động.. .Nhưng đến Huỳnh Dũng Nhân từ TP Hồ Chí Minh ra, anh đã chọn cách nhập cuộc để viết phóng sự “Tôi đi bán tôi”-cái tít đã quá hay nhất định bài phóng sự cúng phải hay, quả thế.! Hồi ấy tôi có nói với các đồng nghiệp ở Hà Nội, rằng, phóng sự “Tôi đi bán tôi” là một cái tát vào những người làm báo ở Hà Nội. Câu này có vẻ hơi quá nhưng không sai.
**
5 năm ở Hà Nội làm báo Thanh Niên, tôi một mình một xe Win rong ruỗi khắp các tỉnh miền Bắc để viết phóng sự, đó là thời kỳ được đi nhiều và biết nhiều nhất trong đời làm báo của tôi. Mãi đến cuối năm 2001, Ban biên tập điều động vào Đà Nẵng, làm ở Văn phòng miền Trung, vì có dính dáng chút ít đến công tác quản lý, tôi tưởng như thế là.. . hết đời phóng sự.
Nhưng may thay, báo Thanh Niên đã ủng hộ tôi thử nghiệm một cách viết phóng sự mới để sau này có được tập “Thiên hạ man man...” (Nhà XB Văn Nghệ-2006).
Tôi nói mới là vì sao?
Viết phóng sự mà không được đi thì làm sao đây? Tôi trăn trở rất nhiều là vì còn rất mê phóng sự, bỗng một ngày tôi nghĩ ra, tại sao không viết về cuộc sống đang diễn ra quanh mình?
Lâu nay, ai cũng biết, tìm được đề tài phóng sự rất khó vì người ta quan niệm vấn đề đặt ra trong mỗi phóng sự phải nóng bỏng và phải có tầm, và thế là đi tìm, tìm đã khó, tìm hoài cũng cạn, vậy sao không viết những gì xẩy ra quanh ta?
Và tôi viết.
Thoạt đầu là phóng sự “Thiên hạ man man...” nói về nạn nhậu nhẹt ở Đà Nẵng, tiếp đó là các phóng sự: Đàn ông đi chợ..đàn ông; Nỗi niềm người phải ra toà; Những nẻo đường ghen; Đi làm cao học; Bếp không đỏ lửa; Thoát khỏi thành phố; Những bí mật trên bàn nhậu; Đi dọc vỉa hè: Bọ ngạc nhiên chưa?; Ba người đi khắp nhân gian; Lệnh truy nã...
Mới đọc qua cũng thấy, đề tài tôi lựa chọn ai cũng biết (nhưng chưa hẳn đã thấy), ví dụ “Bếp không đỏ lửa”- đó là câu chuyện về các gia đình thời hiện đại không còn thời gian để chăm lo chuyện ăn uống, tất cả đều ra phố. Vì thế mới có chuyện “sáng đưa cơm đi ăn phở, trưa đưa phở đi ăn cơm, tối cơm về nhà cơm, phở về nhà phở”, bình ga mua 5 năm không xài hết, con cái bỏ học đi chơi bố mẹ cũng không hay. Đó là câu chuyện “Thoát khỏi thành phố” kể về một ông bố ở quê ra thăm con ở thành phố, ở đó ông thấy cảnh chen lấn xô bồ và ông bảo: “Sống như thế này mà gọi là sống à? Phải gọi là đi chiến đấu!”. Rồi ông tuyên bố ông không chiến đấu nữa, ông "đào ngũ", ông trở lại quê và vào bưu điện quê ông điện thoại cho tác giả, giọng hỉ hả: “Chú Thịnh ơi, tui đã thoát khỏi thành phố rồi chú nờ!”
Hay phóng sự “Những bí mật trên bàn nhậu”, đó là câu chuyện để trả lời cho các bà vợ vì sao các đức ông chồng lại có thể ngồi dăm bảy tiếng đồng hồ trên bàn nhậu, họ nói chuyện gì?
Tóm lại, đề tài phóng sự của tôi đã có phần chuyển hướng, gần gũi với đời thường. Tôi rất thú vị vì mỗi buổi sáng khi báo đăng, nhiều người điện thoại cười ngặt ngẻo, họ tự nhận mình là người trong phóng sự, họ bảo vì sao tôi có thể biết được chuyện của họ (dù họ chưa gặp tác giả)- đó là một hiệu ứng tốt. Nhưng cũng không ít đồng nghiệp lại bảo: “Chuyện đó có gì lạ?”-Đúng, không lạ, nhưng anh không viết ra, tôi viết ra mới là sự lạ! Đó là tôi nghĩ thế!
Rất may cho tôi, anh Hoàng Hải Vân, Tổng thư ký báo Thanh Niên họp cơ quan bao giờ cũng bảo: “Phải viết như thế!”. Thậm chí anh làm tôi “mặt mày hớn hở ngực nở đầy rôm” khi gọi tôi là cây bút phóng sự số 1. Tôi kể ra không phải để khoe mà để muốn nói một điều rằng, làm báo cũng cần có sự may mắn, may mắn của tôi là có người (mà là người chủ bút) hậu thuẫn. Nói rộng hơn, đó là tôi có môi trường làm việc tốt. Đó là điều rất quan trọng!
Cho đến một ngày, tôi nhận được điện thoại của Nhà XB Văn Nghệ, họ bảo Công ty TNHH Tuổi Ngọc (TPHCM) muốn được tập hợp 20 phóng sự của tôi viết theo kiểu này để in thành tập, việc còn lại là tôi phải ký một hợp đồng cho họ giữ bản quyền 3 năm và ra giá nhuận bút. Tôi đồng ý cái rụp. 3 năm chứ 30 năm mà họ tái bản liên tục thì còn gì bằng!
Điều thú vị là sách phát hành được bán hết sạch trơn. Vì thế tôi tự tin hơn về mảng đề tài mà mình khai thác, coi đó là lựa chọn đúng.
Phải nói công bằng rằng, mảng đề tài này các bậc tiền bối về phóng sự trước tiền chiến đã làm, không hiểu sau đó vì lý do gì báo chí ta lại không ưa nó lắm, nên có phần không mấy mặn mà.
Từ thực tế đó, tôi rút ra ba điều: Một, không nên coi đề tài phóng sự là một cái gì đó cao siêu quá, mà nó nằm ngay bên ta. Vấn đề là ta phải nhìn thấy nó. Tôi vẫn thường tự nhủ: “Nhìn chai nước bị lưng đừng nên chấp nhận là nó lưng mà phải hỏi vì sao nó lưng?”. Hai là, phải tìm được cấu tứ trong đề tài đó, không có được cấu tứ coi như bỏ đi. Ba là, phải chọn được cách thể hiện và giọng văn phù hợp.
Vì sao tôi nói đến cấu tứ? Một lần dẫn sinh viên Lớp Báo K28 ĐHKH Huế đi thực tế ở Lăng Cô, chúng tôi đến bãi biển lúc 8 giờ sáng và thấy rất nhiều trẻ con, phụ nữ, người già ngồi vọng ra biển. Hỏi ra mới biết họ vừa tiễn chồng, con, cha, anh lên thuyền ra khơi (ở đó là bãi ngang nên thuyền nhỏ, dân nghèo nên 3-4 gia đình chung một thuyền). Chiều, họ lại ùa ra biển để đón chồng con về. Tôi có hỏi sinh viên nếu viết về đề tài này thì viết thế nào, rất tiếc không ai trả lời được, đúng ra là nếu trả lời như thế thì không thể viết thành bài báo. Đoạn tôi chỉ vào một chiếc thuyền và bảo: “Các em hãy mô tả cảnh ngóng đợi của người ở nhà và cuối cùng phải có chi tiết của chiếc thuyền này: Người đàn ông đứng trên thuyền vứt xuống bãi biển hai con cá, mỗi con bằng 3 ngón tay và nói: “Đây là bữa tối của 4 gia đình ta!”. Đó chính là cấu tứ của bài viết.
Ở trên tôi đã nói đến chuyện nhặt cho được thật nhiều “đồng tiền vàng” lận lưng vốn trước khi viết và phải biết cách đặt nó trên đường đi để dẫn dụ người đọc. Còn một điều nữa, đó là lý thuyết “nhặt gạch vỡ để xây nhà”. Có thể hôm nay anh chứng kiến một vấn đề mà nó chưa thể ra phóng sự, hãy ghi lại nó (bây giờ có thể viết vào blog); lâu sau, anh lại thấy một vấn đề nữa (cũng thuộc đề tài này), lại ghi vào, hôm sau nữa.. .Và đến một ngày nào đó anh xâu chuỗi lại sẽ được một phóng sự ra trò. (Đó là cách tôi làm để có Đi dọc vỉa hè; Sống ở Đà Nẵng...)
Tôi rất thích thú khi đọc “Ba người trên một con đường” của Trần Đăng (Lao Động); “Nghe rọ”(nghe rõ) của Nguyễn Quang Vinh (Lao Động); “Con đường bia bọt” của Huỳnh Dũng Nhân. . .Thích ở chỗ họ khai thác đề tài, thích ở chỗ là họ làm lạ vấn đề để hấp dẫn người đọc.
Trong lúc đó, tôi cũng rất thích các phóng sự và bút ký của Vĩnh Quyền, tôi học được ở đây cách nhìn vấn đề ở một tầm khái quát và chiều sâu về tư liệu.
Nói về tư liệu, viết phóng sự mà không có tư liệu xung quanh, bổ sung cho nó thì phóng sự không sâu, nó rất dễ biến thành một bài ghi chép. Tư liệu cũng là những đồng tiền vàng, hãy nhặt lấy và đặt nó vào bài viết, người đi đường (bạn đọc) sẽ cúi xuống nhặt những đồng tiiền đó và đi tiếp trên con đường mà người viết dẫn dụ cho đến khi kết thúc họ vẫn lấy làm tiếc. Như vậy là bạn đã thành công!
**
Chuyện viết phóng sự có thể nói mãi không hết, tranh luận mãi không xong, nhiều đồng nghiệp vẫn nói một số bài trong tập phóng sự “Thiên hạ man man” của tôi không phải là..phóng sự. Vì sao? Tôi biết khi khai thác và viết những đề tài gần gũi như tôi vừa nói cũng rất mạo hiểm, như thể anh đang đi trên một sợi dây ranh giới giữa văn học và báo chí, giữa sáng tác và phản ánh. (Đặc biệt khi đụng đến những vấn đề nhạy cảm như ghen tuông, ly dị chẳng hạn, đôi khi anh không thể nêu tên và địa chỉ từng người, rất dễ gây ra ngộ nhận). Nhưng tôi tự tin khi được thừa nhận: Vấn đề đó là có và đang là..vấn đề. Và, nhiều người nhận mình là nhân vật trong đó. Vậy thì không phải phóng sự thì là gì?
**
Nói như tôi thì viết phóng sự quá dễ chăng?
Dễ! Vì đó là anh kể lại câu chuyện “có vấn đề”, trả lời câu hỏi: “Có chuyện gì hay?”.
Dễ! Là vì anh hãy kể giản dị như đang kể cho bà nghe một câu chuyện mà anh chứng kiến.
Nhưng rất khó, ở chỗ anh phải tìm được một câu chuyện hay và phải “có vấn đề”, câu chuyện càng lạ càng hay.
Khó là anh buộc người ta phải nghe xong câu chuyện mà vẫn còn thấy tiếc.
Khó nữa, là làm sao để họ đọc xong phóng sự rồi lấy chuyện hoặc những câu nói trong đó kể lại cho mọi người.
Mà đừng bàn nhiều đến chuyện dễ-khó, hãy viết đi! Viết như đang kể chuyện. Người nghe hứng khởi là thành! Đơn giản quá, phải không?