Thứ Năm, 24 tháng 8, 2017

Kiếm tiền trên tính mạng của bệnh nhân

Có 3 nghề mà người làm nghề đó được gọi bằng thầy: Thầy giáo, thầy thuốc và thầy cúng. Thầy cúng, thoạt kỳ thủy, là người hướng dẫn tâm linh, và thầy là từ nghĩa đó (không bàn đến biến tướng của nó).

Dân gian có câu: “Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy”, sau này nghề y phát triển thành câu “Lương y như từ mẫu” mà ai cũng thuộc nằm lòng.

Ai từng đến bệnh viện cũng cảm nhận rõ rằng, với bệnh nhân đôi khi chỉ cần loáng thoáng nhìn thấy bác sĩ trực đi ngang qua phòng của mình giữa đêm hay ghé vào hỏi ai đó một câu cũng đủ để làm cho cơn đau dịu lại. Chiếc áo trắng của bác sĩ trở thành biểu tượng về niềm hy vọng, sự an tâm và cứu rỗi của họ và người nhà. 

Thế nhưng, cuộc sống ngày càng phát triển, con người ngày càng bị quá nhiều thứ do con người nghĩ ra tác động lại chính con người làm cho họ không còn giữ được như danh xưng mà bao nhiêu người tôn kính.

Mấy hôm nay, TAND TP.HCM đưa ra xét xử vụ án “buôn lậu” thuốc chữa bệnh và “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” xảy ra tại Công ty Cổ phần VN Pharma

Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần VN Pharma,  đã chỉ đạo các bị cáo cấp dưới làm giả hồ sơ kỹ thuật thuốc nộp cho Cục Quản lý dược Bộ Y tế để nhập khẩu 200.000 hộp thuốc. Trong số này có hơn 9.000 hộp thuốc H-Capita 500mg dùng để điều trị bệnh ung thư giả không rõ nguồn gốc, không đủ điều kiện cho người.  
Ngoài ra, Hùng còn sử dụng con dấu, chữ ký của hai công ty nước ngoài để làm giả hợp đồng mua bán nhập khẩu nhiều loại thuốc khác sau đó nâng khống giá so với thực tế.
Số tiền chênh lệch do nâng khống giá thuốc, Hùng chỉ đạo nhân viên chi cho các bác sĩ để họ kê đơn cho bệnh nhân sử dụng thuốc của công ty mình nhập khẩu.

Trước tòa, Hùng khai rất thản nhiên rằng “thuốc ung thư giả là bình thường”.

Trời đất, một con người được học hành, có bằng cấp, làm đến cái chức đó mà ông ta có thể nói một câu vô tâm, thậm chí là tàn nhẫn như thế, thì làm sao có thể nói đến chuyện cứu người?

Gia đình nào từng có người bệnh ung thư thì biết, những loại thuốc quý đều không được bảo hiểm mà cá nhân tự thanh toán nên đa phần gia đình khánh kiệt vì người bệnh. Họ đưa thuốc giả vào bệnh viện để bòn rút tiền của những người sắp chết, của những gia đình bán cả nhà cửa ruộng vườn thì họ có còn là đồng loại?

Không chỉ Hùng mà những bác sĩ nhận tiền để đưa các loại thuốc trên vào bệnh viện cũng không khác gì Hùng. Chỉ vì tiền, họ có thể đánh đổi cả mạng sống của bệnh nhân.

Trong các bệnh viện, phóng khám hiện nay, không thiếu gì bác sĩ kê đơn và chỉ định nhà thuốc để mua với giá thuốc cao hơn nhiều nhà thuốc khác. Chưa hết, họ còn nhẫn tâm hơn là sử dụng nghiệp vụ của mình để kê đơn không phải để chữa bệnh mà kéo dài bệnh tật gọi là “nuôi khách hàng”, biến “lợn lành thành lợn què”. Không có sự tàn nhẫn nào hơn thế!

Có lẽ cũng đã đến lúc nên nhìn nhận về nghề y một cách thiết thực và giản dị hơn. Mối quan hệ của thầy thuốc với bệnh nhân nên bắt đầu là mối quan hệ của một người làm nghề với khách hàng của mình. Biết đâu sự tôn trọng đôi khi đơn giản sẽ bắt đầu chính từ lợi ích của cả từ hai phía.

“Lương y như từ mẫu” không phải làm lương y thì làm bố mẹ thiên hạ theo nghĩa “tao cho ăn gì ăn nấy, nói gì nghe nấy”. Hippocrates từng nói: “Nghệ thuật của y học đôi khi là nghệ thuật của tình yêu thương nhân loại” .


Kiếm tiền trên tính mạng người khác thì yêu thương đặt ở chỗ nào?

NHẬN TIỀN, HÁT NHẠC CÁCH MẠNG; NHẬU, HÁT BOLERO- TUI RỨA ĐÓ!

Dân mình kỳ thiệt. Nói cái gì mà người ta nói lại thì lu loa lên là chụp mũ, là không tôn trọng ý kiến cá nhân, là không văn minh văn hóa này này nọ nọ...còn mình thì...
Thằng Tùng Dương nó cũng đánh giá đúng vị trí của bolero của thời điểm đó, nó bảo ca sĩ trẻ không nên cố hát bolero, không nên cố là vì cảm xúc không tới, vậy thì có sao đâu?
Ông Trung Kiên ổng bảo bolero không mang lại cảm giác tích cực thì sao nào, chỉ vì ổng không sống trong "hoàn cảnh bolero" thôi. Ổng có đi nhậu vỉa hè đâu. Đó là ý kiến cá nhân ổng mà.
Còn ông Đàm ổng bảo tôi không đụng đến dòng nhạc của ai thì đừng ai đụng đến bolero của ổng thì cũng cực đoan.
Ai thích, ai không, đánh giá thế nào là quyền cá nhân, miễn họ đừng xưng đại diện, đừng nhân danh cho ai là được. Còn tranh luận thì phải từ tốn, có lý lẽ chứ sao chụp mũ người ta?
Tôi đồ rằng nhiều người ném đá chưa đọc hết bài phỏng vấn Tùng Dương. Có phải bất công không?
*
Tui khi nhận tiền thích hát (nghe) nhạc cách mạng, khi lái xe thích hát (nghe) nhạc nước ngoài, khi uống trà thích nghe nhạc không lời, khi nhậu xỉn thích hát bolero...
Bỏ cục tiền trong túi, tui ưỡn ngực hát: "Bác kính yêu đang cùng chúng cháu hành quân..."
Còn nhậu khuya, tui hát bolero theo kiểu tưởng tượng ra mặt vài đứa mà chửi: "Khi trắng tay gọi tên bằng hữu, giờ giàu sang quên kẻ thương đau....
còn gian dối với tình..."
Ngay tâm trạng hát bolero cũng khác. Một bài đó khi hát nỉ non, khi tức tưởi, khi hận đến tâm can. Tùy hoàn cảnh mà đôi khi đổi đi vài từ (như câu vừa dẫn) hoặc chế ra một đoạn cho... đã cái đời ông Địa.
Vậy thì sao?
*
Mấy người mỉa mai dòng nhạc cách mạng cho tui hỏi xí:
Đứng trên Dinh Độc Lập vẫy cờ giải phóng chẳng lẽ hát: "Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô đơn...". Có mà tâm thần!

CHUYỆN ĐÀ NẴNG: KHÔNG AI BIẾT ĐỦ THÔNG TIN

Báo chí và nhiều trang cá nhân đang đưa tin và bàn luận rất nhiều về vụ bắt một người nhắn tin đe dọa Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng.
Đọc và nhận thấy không ai có đủ thông tin nên viết và bình luận khá thiên kiến.
Đó là cách làm báo rất mạo hiểm, vì tôi liên tưởng đến vụ PMU18, khi đó anh Nguyễn Việt Chiến ở báo tôi có đủ file ghi âm người có thẩm quyền cung cấp thông tin nhưng cũng bị án oan và người cung cấp thông tin, trong đó có một vị tướng, cũng bị khởi tố.
Cục diện đôi khi không phụ thuộc vào vấn đề mà phụ thuộc vào...thời thế.
Việc bắt người nhắn tin chỉ là một lý do bề nổi mà thôi. Vì thế, vụ này nên lấy nguồn tin từ phía cơ quan điều tra, không nên lần theo đường dây vấn đề mà mình nghĩ rồi cố gắng chứng minh nó. Có vẻ như vấn đề nằm ở chỗ khác.
Ví dụ có báo nói nguồn gốc là do đất Sơn Trà, theo tôi thì không phải. Vì qua báo chí và các cuộc họp, UBND TP chưa có động thái cắt giảm dự án nào cả. Còn cái lô biệt thự L09 thì tôi biết chắc không phải của ông Đào Tấn Cường mà hiện sổ đỏ mang tên ông Tiến, em vợ của ông Nguyễn Bá Thanh, trước đó do bà Oanh, vợ ông Đào Tấn Cường đứng tên giùm. (Ở một stt trước tôi đã nói chuyện này và chụp ảnh sổ đỏ đưa lên rồi).
Nếu đi theo hướng này sẽ bị lạc.
Khi không đủ thông tin thì không thể phán đoán, nhận định điều gì. Nhất đang là tháng cô hồn 
*
Ở stt cách đây mấy hôm tôi có viết: "Người ta biết ai cung cấp tài liệu (viết bài) cho Người Buôn Gió thì người ta cũng biết ai cung cấp tài liệu (viết bài) cho Anh Ba Sàm. Mà hai trang này đứng ở hai phía khi nói về Đà Nẵng.
Còn chúng ta chỉ được nghe thông tin về cái tin nhắn nên chỉ biết thế đã".
Những người hiện tại đang lập nên trang này trang khác để nói người này người khác, theo tôi cũng nên nghĩ lại. Cơ quan chức năng cả bên công an và quân đội rất giỏi, tôi nói là rất giỏi! (Ai nói không giỏi tôi cũng không cãi). Tin nhắn cũng bị bắt nói chi trang mạng, chỉ cần truy nguồn gốc tài liệu cũng "đi họp" mà không chứng minh được thì can tội vu khống, bôi nhọ cũng "đi họp".
*
Cho dù là ai, thế nào, ra sao... thì cũng mong các bác ở trển xử lý sớm để sự việc sớm kết thúc. Nói không ngoa, người dân đang phân tâm về chuyện này, rất không hay.

Thứ Tư, 16 tháng 8, 2017

HỌC SƯ PHẠM ĐÃ LÀ... DŨNG CẢM!

Nói dũng cảm là vì các ngành khác học ra không làm thầy thì làm thợ, ngành sư phạm thì không thể làm thợ, có chăng thì làm... thợ may ở các khu công nghiệp.

Dân tình sôi sùng sục sau những phát biểu ất ơ của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ. Mình là người không rành về giáo dục cũng thấy rất là lạ. Ông chỉ nói được một ý đúng, "ngành sư phạm không cần giỏi, ví dụ giáo viên mầm non chỉ cần múa hát" (cũng như quan chức thì chỉ cần chạy chọt là xong.  )
Cả nước đang thừa 26.000 giáo viên mà ông cứ cho mở trường và tăng chỉ tiêu tuyển sinh năm sau cao hơn năm trước. Điều đó có bất hợp lý không? Quá bất hợp lý. Ông có thấy không? Quá rõ. Nhưng vì sao vẫn làm? Cái này chịu.
*
Nếu chưa thể cùng một lúc làm lại kế hoạch đào tạo và sử dụng nhân lực trình độ đại học thì trước hết hãy làm riêng ngành sư phạm đi.
Việc cân đối đầu ra đầu vào, lập lại bản đồ về giáo dục có lẽ không khó đến mức VN không ai làm được.
Bộ đã từng chi hàng trăm tỉ cho những dự án không ứng dụng được tại sao không làm dự án này?
Bộ chỉ cần cung cấp dữ liệu để các cá nhân làm dự án, không cần đầu tư trước, ai bảo vệ thành công, nhận 1 tỷ thôi, bảo đảm chỉ cần 3 tháng, có người làm được.
Nếu cứ đào tạo tràn lan thế này vừa tốn ngân sách, vừa sinh ra một lớp "giáo viên điểm sàn" thì quá nguy!
*
Tôi thấy, không cần miễn học phí cho sinh viên sư phạm như ông Nhạ nói trong điều kiện ông đề ra mà nên cắt nó đi. Tập trung các nguồn kinh phí:
- Từ cắt giảm chỉ tiêu các trường công mà nhà nước phải chi ngân sách
- Từ nguồn học phí lâu nay nhà nước trả.
- Nguồn các dự án vô bổ.
Từ đó bảo đảm thí sinh thi vào sư phạm ra trường có việc làm ngay. Cùng với đó tăng lương cho giáo viên hơn các ngành khác một chút.
Người giỏi không đua vào sư phạm mới lạ.
*
Việc tuyến thí sinh cũng phân bổ theo nhu cầu của từng địa bàn để họ có sự gắn bó.
Có một thực trạng là lâu nay, cứ đến mỗi dịp kết thúc năm học cũ, các Phòng GD lại sử dụng chiêu bài "luân chuyển giáo viên", có khi thật nhưng cũng rất nhiều khi "rung cây nhát khỉ", làm cho giáo viên ôm tiền chạy cuống cả lên. Họ đã nghèo lại còn gặp eo. Cái này có lẽ là khổ nhất.
*
Việc lập lại kế hoạch không chỉ trong đào tạo mà cả việc phân bổ trường cho hợp lý để phụ huynh khỏi phải chen chúc mỗi khi xin cho con đi học đôi khi chỉ cần trường tiện đưa đón. (Ví dụ các khu công nghiệp có nhiều công nhân cần tăng nhiều trường hoặc tăng quy mô trường).
*
Chúng ta lo ngại, thậm chí mỉa mai về chất lượng "giáo viên điểm sàn" nhưng tôi nghĩ, thời buổi này mà em nào thi vào sư phạm đã là... dũng cảm. Nếu không dũng cảm thì đã hết đường, chỉ chờ vào sự hên xui, nghĩa là họ đánh cược cuộc đời mình với... ông Nhạ. Gia đình lại chuẩn bị cầm cố nhà cửa, ruộng đất để chạy chọt cho con một cái hợp đồng chỉ để mỗi tháng đủ tiền xăng xe. Nói thế là vì các em thi vào sư phạm hiện nay đa phần là con nhà nghèo, chọn sư phạm là để không phải đóng học phí.
Thầy cô có thể toàn tâm toàn ý, thanh thản để dạy dỗ học sinh những điều phụ huynh mong muốn khi bản thân họ nơm nớp nỗi lo luân chuyển mỗi mùa hè đến và khi chính họ đã phải luồn cúi chạy chọt cửa sau?
Nhưng phải cái, quan chức giáo dục từ đó mà giàu, rất giàu!

CÓ MỖI CÁI TRẠM THU PHÍ MÀ XỬ KHÔNG XONG THÌ LÀM CÁI GÌ?

Mình biết người dân dị ứng với quan chức đôi khi hơi thái quá, cứ quan là tham, cứ quan là dốt...
Tham thì có nhưng dốt thì không đâu, có dốt chăng cũng do tham mà ra.
Cơ mà, nhiều ông quan dạo này đúng là vạ miệng, nói năng cứ như... dốt thật.
Giáo dục, làm thầy cô thiên hạ mà ông kêu không cần giỏi, như dạy mẫu giáo thì chỉ cần biết múa hát là được.
Con đường người ta đi, không thể không đi, mà ông kêu dân không thích thì đừng sử dụng dịch vụ đó.
Trời đất quỹ thần ơi! Ông độn thổ được không mà nói thế ông?
Ông đi ô tô là tiền thuế dân trả, phí cũng là tiền dân, chứ tôi đi là tiền mồ hôi xương máu của tôi, là bữa cơm gia đình, là tiền học con cái, là sự sống... Ông biết không ông?
Đừng có mang cái tư duy "kẻ xấu xúi dục", hay lên lớp về văn hóa cho người dân khi họ trả tiền lẻ cho trạm thu phí, không ai xúi cả, không văn hóa văn heo gì cả, con giun xéo lắm phải quằn. Hãy đặt mình vào vị trí người dân.
Đến cảnh sát cũng nói, họ đến không phải bảo vệ trạm mà bảo vệ trật tự vì họ cũng phản đối cái trạm đặt không đúng chỗ.
Có chuyện chừng đó thôi mà kéo dài mãi, cả bộ, cả tỉnh xử lý không xong thì đòi làm cái gì?
Đơn giản lắm: Dời cái trạm thu phí qua đường mới, ai ưa đi thì nộp phí đi, ai không ưa thì đi đường cũ, thế thôi, có chi mô nà?
Họ có biết thế không? Dư biết. Nhưng vì sao không làm? Tham!
Cho hỏi cái, Tham là đồng chí nào mà quyền lực thế?

Chủ Nhật, 6 tháng 8, 2017

Bố ơi, đừng… hy sinh kiểu đó!

Thanh Niên số ra ngày hôm qua, 6.8, có bài Không để tham nhũng “hy sinh đời bố, củng cố đời con”- đó là một trong những ý kiến của các chuyên gia khi trả lời Thanh Niên về nỗ lực phòng chống tham nhũng.

Clarence Budington Kelland  từng viết: "Cha không nói với tôi phải sống như thế nào, cha sống và để tôi chứng kiến điều đó". Nếu cha hy sinh đúng nghĩa cao đẹp của từ này, nghĩa là cuộc đời cha chịu nhiều thiệt thòi để phấn đấu cho gia đình có cuộc sống hạnh phúc và qua đó, đóng góp tích cực cho xã hội thì đó là tấm gương để các con soi vào và noi theo.  

“Hy sinh đời bố” theo cách nói ở trên thì hoàn toàn ngược lại. Có thể hiểu nôm na rằng, người cha (mẹ) này, bất chấp tất cả, bằng mọi thủ đoạn, làm sao vun vén cho cuộc sống cá nhân và gia đình ông ta, bà ta, mà trong thâm tâm họ xác định có vi phạm pháp luật, có trả giá thì họ vẫn chấp nhận để con họ được sung sướng hơn người khác.

Làm cha, làm mẹ, rốt cục ai cũng vì con cái, nhưng vì theo cách nàylà một quan niệm hết sức sai lầm.

Trong thực tế, ai cũng có thể nhìn thấy, nhiều gia đình mà bố mẹ có một chút chức quyền thì con cái họ được “hầu hạ” không khác gì công tử, tiểu thư. Ngay từ thuở thiếu thời đã “lên xe xuống ngựa”, chỉ cần mở miệng nói chưa hết câu đã có người đáp ứng. Thậm chí đi học thì điểm cũng đã có người khác lo cho. Vậy thì các em đó còn động lực nào để học hành, chưa nói là phấn đấu?

Sống trong một ngôi nhà mà hàng ngày chứng kiến những người khác xu nịnh, quà cáp ngập tràn, phong bì phong bao không cần giấu diếm, mỗi khi thấy chuyện gì cũng quá dễ, thậm chí cả chuyện kiếm tiền, các cháu có thể nghĩ, mọi điều thầy cô dạy ở trường có vẻ như không đúng.
Làm sao các cháu có thể tưởng tượng ra một gia đình bạn nào đó thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu tiền mua sách vở? Vì tiền người ta tự mang đến cơ mà?

Khi cuộc đời không còn gì để mơ ước, để phấn đấu, thì các cháu sẽ làm gì? Chắc không còn gì khác ngoài việc ăn chơi, hưởng thụ.
Đó là nói chung, còn thì, phải công bằng mà nói, nhiều gia đình quan chức cũng tiết chế được, cũng không để con biết nhiều chuyện: nhiều bạn trẻ cũng có bản lĩnh để tự “vượt giàu học giỏi”, nhưng không nhiều lắm.

“Cái kim trong túi cũng có ngày lòi ra”, sự “hy sinh” bằng tham nhũng, cho dù có thể không hoặc chưa bị phát hiện, chưa bị pháp luật trừng trị nhưng nó vẫn hiện diện đâu đó không khó để nhận ra.  Mỗi khi cái tâm không sáng thì hành động sẽ bất minh và tự nó đã chế ngự cuộc sống của mỗi người.

Thực tế cũng thấy, nhiều gia đình, bố mẹ miệt mài đâu tranh cho cái ghế, cho tiền bạc, ngoảnh lại đã thấy con hư mất rồi. Vậy thì “hy sinh” để làm gì?

Hãy nghĩ, một ngày nào đó, bố mẹ bị tai tiếng, con họ đi học sẽ nghe bạn bè hỏi: “Bố (mẹ) mày sao thế?”, rồi mở tờ báo hay điện thoại ra, lúc đó các em có chịu nỗi không?

Cuộc đời của mỗi con người luôn có hình bóng mẹ. Mẹ là bóng mát chở che cho con từ bước đi chập chững cho đến cả lúc về già. Nhưng cha là người mà con luôn chịu ảnh hưởng nhiều nhất.
Người cha luôn ở bên con, đỡ con mỗi khi con vấp ngã. Người cha thực thụ có thể giàu, có thể nghèo, nhưng luôn dạy cho con những điều chính trực. Cuộc sống không có gì thanh thản hơn khi mình chính trực. Nghèo có thể cần mẫn làm việc để sống nhưng mất đi sự chính trực là mất đi tất cả vì bản thân mình đã tự lừa dối mình rồi.

Có những người cha đầu tắt mặt tối, có những người cha thậm chí không được đi học, nhưng gia đình và con cái vẫn hạnh phúc, đó là dù “cha không hoàn hảo nhưng cha vẫn yêu thương các con theo cách hoàn hảo nhất”.
Những người cha đó, mỗi khi nhắc đến, con cái có thể ưỡn ngực ra mà nói rằng: Cha tôi đó!

Vậy thì, tham nhũng không thể gọi là hy sinh trong bất luận trường hợp nào. Và “Bố ơi, đừng… hy sinh kiểu đó!”




“Cha không hoàn hảo nhưng cha vẫn yêu thương các con theo cách hoàn hảo nhất”.

"Cha không nói với tôi phải sống như thế nào, cha sống và để tôi chứng kiến điều đó"- Clarence Budington Kelland nói như thế và không cần chứng minh, ba tôi là người như thế.
Cách sống của ba tôi thấm vào tôi một cách tự nhiên, nghĩa là, cho dù không dạy, tôi cũng học được từ ông rất nhiều, chỉ có một điều mà tôi học mãi vẫn chưa được, vì thế vẫn tiếp tục học, học cho đến khi tôi có thể… già hơn ba tôi (ông mất năm 86 tuổi). Điều đó sẽ kể phần sau.
*
Tôi thích câu của Vỹ Kiệt: “Có nhiều người không tin siêu anh hùng có thật, vì là họ chưa gặp ba tôi thôi”.
Nếu kể từ năm 18 tuổi, khi ba tôi được cài cắm làm lý trưởng để chuẩn bị cướp chính quyền, tiếp đó làm lãnh đạo ngay và cứ thăng tiến cho đến khi về hưu, có thể nói đời ông chủ yếu làm “quan”, nhưng những người dưới quyền ba tôi vẫn chưa từng thấy ông nói nặng lời với ai.
Anh em tôi rất giống ba nên đi đâu cũng có người nhận ra. Tôi thích nhất là khi biết con ba tôi thì họ đều ồ lên. 

Tôi đi xin việc, hồ sơ nộp phòng tổ chức, đến khi đi làm rồi, ba tôi đến thăm, sếp tôi (là lính của của ba) mới biết, ông nói: “Vậy thì tôi nhận đúng người rồi!”.

Với con cái, câu nặng nhất của ông là “Con làm thế, ba không đồng ý đâu nha”.
Công tác xa, nhưng ba hay gửi sách về cho tôi, vẫn nhớ câu ông ghi: "Đọc sách ba khuyến khích, nhưng không chỉ ngồi đọc sách mà thôi".
Ba mạ tôi không được sống bên cạnh nhau nhiều, thời chiến, ba tôi đi biền biệt. Sau này về hưu, ông bà quấn quýt bên nhau. Ba tôi đi đâu đều có mạ theo sau, mạ tôi đi đâu cũng có ông đi cùng. Ông đi đâu một ngày là bà quay quắt, bà đi đâu một ngày, ông đứng ngồi không yên.
Mỗi khi mạ tôi giận điều gì đó, ông đều nhẹ nhàng: "Mạ Thịnh (mạ thằng Thịnh) giận à?".
Riêng chừng đó thôi, ba đã là một siêu anh hùng.
*
Tôi không học được ba điều đó.

Tôi thẳng tuột, không khôn khéo, bực lên là nói. Ngoài 30 tuổi, làm sếp nho nhỏ (thư ký tòa soạn kiêm trưởng phòng phóng viên) mà nhiều lần đuổi lính ra khỏi cơ quan. Dù hôm sau rủ nó đi uống bia nhưng như thế vẫn không phải với họ. Họ cho dù là lính mình nhưng lại là chủ của một gia đình, là người chồng, người vợ, người bố, người mẹ, đôi khi còn là niềm tự hào của dòng họ họ.
Cái này tôi biết mà không sửa được. Có lẽ nó bị ảnh hưởng từ thời kỳ ở quân đội. Ra lệnh là phải chấp hành.
Khi có con, tôi thấy, với tính cách này, có lẽ tôi dạy con thật khó. Chúng nó nhìn mình mà học thì còn nguy hơn.
Cho nên tôi đã sửa sai bằng cách giành tất cả tình yêu thương cho chúng nó. Yêu thương theo cách không cưng chiều.
À, mà hình như, tôi cũng chưa từng nặng lời với con.
Từ nhỏ, tôi luôn coi trọng cá tính mỗi đứa. Lớn lên, tôi chỉ nói mỗi câu: “Con nên làm việc mình thích”. Thế thôi.
Anh cả nhà tôi đi làm bao lâu rồi sếp nó, trong câu chuyện tình cờ, mới biết nó là con mẹ nó, mẹ nó là bạn học chính trị với ông (sếp) và mẹ nó là vợ… của tôi. Ổng cũng bảo, ổng nhận đúng người rồi.
Đến khi nó không thích làm đó nữa vì cơ quan có một vài điều thâm căn cố đế khó sửa, ổng gọi điện nhờ khuyên, tôi trả lời: “Để nó làm việc nó thích”.
Gái út còn cá tính hơn. Nó quan niệm, với công việc, chuyện ai người nấy biết.

Nghĩ cho cùng, tôi chẳng dạy gì được chúng nó.
Làm cha thật khó.

“Ơn trời”, chúng nó học rất giỏi và ngoan.

Nhưng mà các con, “cha không hoàn hảo nhưng cha vẫn yêu thương các con theo cách hoàn hảo nhất”.

Nguyễn Thế Thịnh


Những người cuồng voọc Sơn Trà



NGUYỄN THẾ THỊNH

Bán đảo Sơn Trà, biểu tượng trong tâm thức người Đà Nẵng, là một cánh rừng nguyên sinh nằm sát nách thành phố. Ở đó có muôn loài muông thú, kỳ hoa dị thảo… Trong đó, có một loại động vật khiến nhiều người mê mẫn: Voọc chà vá chân nâu.

NGƯỜI THỨ NHẤT

Bấy giờ Lê Hải Sơn làm báo nói (VOV) nhưng người ta biết đến nhiều với vai trò bình luận viên các buổi tường thuật trực tiếp bóng đá trên Đài PT-TH Đà Nẵng. Biết là biết qua giọng nói nhưng cái mặt thì mãi sau này đi đá bóng mới gặp. Gặp rồi thì gặp hoài, vì Sơn làm Chủ nhiệm CLB Bóng đá JFC, nơi tập trung các cầu thủ trứ danh nhất (còn ai nữa mà không nhất?) của các cơ quan báo chí trung ương và địa phương khác đóng trên địa bàn, còn tôi thì được làm cái chân… trao giải.

Gần như đối lập với giọng nói bằng ngữ điệu miền Bắc lịch lãm, chơi thể thao nhiều nên nhìn Sơn phong sương và… góc cạnh.
Càng lâu, phát hiện ra Sơn còn nhiều đam mê khác như dù lượn, nhiếp ảnh… Cái gì mê cũng mê đắm đuối. Người như thế khi yêu, chắc chỉ yêu một người, đầu tiên, duy nhất và… cuối cùng mà thôi!

Bây giờ thì Sơn không chỉ mê mà gọi là cuồng. Anh cuồng Sơn Trà đến mức có người (không tiện nói tên) sinh nghi khu rừng ấy chắc có ma nữ. Có thật, nhưng cả đực cả cái, có tên chung là Voọc chà vá chân nâu.

Năm 2013, khi tập môn thể thao mạo hiểm dù lượn trên đỉnh núi Sơn Trà, chứng kiến từng đàn voọc có bộ lông ngũ sắc chuyền cành với muôn vàn tư thế khác nhau trong ráng chiều muôn sắc, đâm mê, Sơn quyết định phải ghi lại những khoảnh khắc tuyệt vời mà thiên nhiên ban tặng.

Vác cái Canon 7D ống kính 70-200 có thể gọi là “cà tàng” trong chụp ảnh động vật hoang dã, một mình lang thang trong cánh rừng vắng lặng, chân bước sao để không gây ra tiếng động, mắt dõi theo đàn voọc, nhưng phải phản xạ nhanh để chớp lấy từng khoảnh khắc như chụp ảnh thể thao.
Sơn kể: “ Lúc đó vừa cô đơn vừa sợ, không phải sợ gì cả anh, sợ cái thứ con người giăng ra, bẫy thú dày đặc, sơ sẩy cái xong liền!”.

Đến năm sau, 2014, Lê Hải Sơn thực sự sống không thể thiếu… voọc. Có bao nhiêu tiền cắc cụp đầu tư vào máy, vào ống kính… Chưa có thì mua chịu, trả dần. Người mê chụp ảnh bao giờ cũng thế, mê thêm máy ảnh, một thứ vô cùng tốn kém.
Hỏi Sơn: “Chơ vợ không… càm ràm à?”, Sơn cười: “ Thì cũng còn hơn mỗi chiều lại đi nhậu mà anh!”.

Có hôm, mẹ của các con Sơn mới đòi lên coi coi Sơn Trà có gì mà ông Sơn mê đắm thế. Lên. Đó là một buổi chiều tuyệt đẹp. Nắng như cánh quạt xuyên qua từng kẽ lá, cảnh vật lung linh huyền ảo khiến cô ấy như thấy đang ở… thiên đường.
Sơn kể, em nói với vợ: “Ánh nắng mỗi ngày một khác, mỗi mùa một khác: cảnh vật, hoa lá theo đó mỗi ngày một khác, mỗi mùa một khác, đẹp lung linh và không bao giờ lặp lại khiến cảm giác con người mình luôn luôn tươi mới. Mê là thế đó em!”.

Lê Hải Sơn có thể kể hàng giờ về cách di chuyển, thói quen ăn uống, chăm con và cả… vượt cạn của loài voọc này. Thậm chí cậu còn nhớ mặt nhiều con. Như có con bị hỏng một mắt, có đôi vợ chồng voọc già thường đi với nhau mà không theo đàn, con đã sinh đến lần thứ mấy, có con voọc cái xinh đẹp thường lắc đầu điệu nghệ làm bờm lông tung theo chiều như thiếu nữ mới gội đầu xong …


Giờ đã làm quản lý, không nhiều thời gian, nhưng khi không phải ca trực lại vác đồ nghề lên Sơn Trà. Anh sở hữu nhiều bức ảnh chụp từ dù lượn ở góc độ mà có dùng Flycam cũng không chụp được.

Mê ảnh góc độ độc mà có lần dù lượn suýt vướng vào đường điện cao thế nếu không kịp quyết định lao vào vách núi dựng đứng. Khoảnh khắc đó, rất nhanh, Sơn nghĩ, nơi có gió biển đập vào sẽ thốc lên. Sơn đã đúng.

Vui nhất là trên bản đồ của Google có một địa chỉ tên là Doc Le Hai Son (dốc Lê Hải Sơn), vì nó gắn liền với một kỷ niệm để đời của anh.

NHỮNG NGƯỜI… LẦN THỨ NHẤT

Đặng Thu Thủy có nicknem là “Tóc Bạc Drt”. Vì tóc Thủy bạc sớm và làm việc ở DRT (Đài PT- TH Đà Nẵng). Cái nicknem đó cũng phần nào nói lên  tính cách con người, có gì nói nấy, như tóc có bạc lúc còn rất trẻ nhưng không cần phải mất vài chục để có màu đen.

Thủy đam mê chụp ảnh nhưng ban đầu không phải là… voọc. Chuyện đến với voọc là từ Lê Hải Sơn. “Dính” rồi thì Thủy cuồng luôn.

Thủy có người em đồng nghiệp tên Phương, chơi thân, rủ gì không rủ lại cứ dụ khị “Để tao chở mày lên Sơn Trà ngắm Voọc, bảo đảm mày mê luôn”.
Nói là làm, “bốc” Phương lên xe máy, thế là đi.
Về rồi, Phương mới tấm tắc: “Lên đó rồi mới thấy vì sao chị ấy cuồng Sơn Trà, cuồng voọc”. Hỏi: “Voọc ám đến thế luôn à?”. “Trời, quá ám. Cứ xong việc là chị ấy chạy lên Sơn Trà ngay và luôn!”

Thoạt đầu Thủy cũng sợ. Đường rừng, lại là đàn bà con gái, hơn nữa ở trên đó có nhiều câu chuyện có vẻ huyền hoặc lắm. Ví như có một điểm trên đoạn đường đến với Voọc mà ai đi xe máy ngang đó cũng rất dễ bị “xòa”. Lại có đoạn khác, ai đi xe một mình ngang qua cũng tự nhiên thấy nặng, xe rung, phải quay lại nói khẽ: |Ngồi yên, đến đoạn nào xuống thì bảo nha”. Thế là đi đến một đọn thấy xe nhẹ hẳn. Nhiều người sau này nhờ người ta bày, bỏ trong xe miếng trầm hay miếng gỗ huê đi ngang qua mới không “gặp”.

Thủy mê Voọc cũng mới chỉ hơn 3 năm nhưng đã có một triển lãm chuyên đề về  Voọc.

Nhưng Đặng Thu Thủy cũng chỉ là một trong số chừng 30 tay máy cuồng Voọc mà thôi. Có người bắt đầu từ cái điện thoại rồi tiến dần lên, “súng ống” đâu vào đấy. Họ là những người đến từ nhiều ngành nghề khác nhau, có người từ CLB nhiếp ảnh, có người làm điện lực, có người làm doanh nghiệp, có người là công an, có người là sinh viên…

Tôi có người đồng hương tên Kỳ, không phải chỉ mình Kỳ mê mà vợ anh cũng mê luôn. Ngày nghỉ và ngoài giờ làm việc tìm vợ chồng anh rất dễ: Sơn Trà.

Và Sơn Trà không chỉ có Voọc mà còn phong cảnh thiên nhiên, hoa lá, chim muông… đó là những đề tài mà mỗi tay máy đều ấp ủ cho ra từng bộ ảnh theo chủ đề định sẵn.

Lê Hải Sơn kể : “Lạ lắm anh, cứ một người mới nhập cuộc thì họ lại được “tổ đãi” một bức ảnh hiếm. Ví như ông Tùng “trọc”, ổng mới nhập môn ít lâu chụp được tấm hình con Voọc ngồi trên phiến đá bên chân sóng, chưa ai chụp được khoảnh khắc đó cả”.

Sơn dụ khị tôi vác máy lên Sơn Trà thử coi, tôi cười: “Biết bao giờ anh mới có 30.000 bức ảnh như mày, nhưng mà để anh coi. Hôm nọ nghe ông làm nghề cắt lá dừa rừng bán để cắm hoa kể, trên đó có con Voọc bạch tạng, lông nó trắng phau và to như con người, chưa ai chụp được ảnh nó, tao nhập hội, chưa chừng được “tổ đãi” đó nghe!”

N.T.T


Jonh Norton và bạn gái kết thúc kỳ nghỉ ở  InterContinental Danang Sun Peninsula Resort, trên đường ra sân bay trở lại Anh quốc, trong hành lý có một thứ mà anh nói là quý nhất, đó là bức ảnh đàn voọc về chính khu resort này mà anh được một nhân viên ở đó chụp tặng. Jonh nói: “Thế giới có thể có những khu nghĩ dưỡng đẹp nhưng chưa có nơi nào du khách “cùng sống” với đàn voọc ngũ sắc kỳ diệu như ở đây.


A1: Mẹ con- Ảnh LÊ HẢI SƠN
A2: Voọc với bộ lông ngũ sắc. Ảnh LÊ HẢI SƠN.
A3: Cú nhảy của Voọc. Ảnh LÊ HẢI SƠN.
A4: Lê Hải Sơn. Ảnh: TL


Đề xuất quy trình cho sinh viên báo chí thực tập

NGUYỄN THẾ THỊNH
Nhà báo, giảng viên
I.ĐẶT VẤN ĐỀ
Thực tập là quảng thời gian vô cùng quan trong trong chương trình đào tạo báo chí- truyền thông. Bởi đây là thời gian hầu hết sinh viên mới thực sự bắt tay vào làm nghề. Nói hầu hết là vì trước đó, một số sinh viên đã cộng tác với các cơ quan báo chí.
Hiện nay, các trường có đào tạo báo chí phân bổ thời gian thực tập có khác nhau. Ví dụ, Khoa Báo chí- Truyền thông (BC-TT) Đại học Khoa học Huế phân thời gian thực tập làm hai năm (năm thứ 3 và năm thứ 4), mỗi năm một tháng, trong lúc Khoa BC-TT Đại học KHXH và NV Quốc gia TP. HCM thì thực tập 3 tháng vào năm cuối.
Việc bố trí thời gian thực tập, việc chọn cơ quan báo chí thực tập là việc rất quan trọng, có tác động rất lớn đến sinh viên về cả hai khía cạnh: sự yêu nghề và hướng lựa chọn chuyên nghành khi ra làm việc. Tuy nhiên, ở một góc độ nào đó, nó chưa được chú ý đầu tư thỏa đáng.
Vì thế, tham luận này xin đề xuất một quy trình cho sinh viên báo chí thực tập có hiệu quả, góp phần giải quyết tình trạng đã nêu ra ở trên.
               II. THỰC TRẠNG CỦA SINH VIÊN THỰC TẬP
2.1. Coi thời gian thực tập là chuyến… du lịch.
Là một người làm công tác quản lý ở khu vực của một tờ báo, trong nhiều năm, chúng tôi nhận khá nhiều sinh viên thực tập của các trường đại học trong cả nước.
(*) Dự án nâng cao năng lực báo chí VN của Bộ TT-TT và Đại sứ quán Thụy Điển.

Theo khảo sát, sinh viên các khóa cách đây 5 năm về trước của các trường, nhiều sinh viên có tinh thần học hỏi, đam mê nghề nghiệp hơn là các khóa sau đó. Điều này chúng tôi chưa lý giải được vì sao nhưng thực tế diễn ra là thế.
Nếu các khóa trước, chúng tôi nhận nhiều sinh viên (có đợt 11 sinh viên một khóa về thực tập cùng lúc) và tất cả đều vượt chỉ tiêu tin, bài, hơn thế, số nhuận bút mà mỗi sinh viên thu nhập được có thể cải thiện đáng kể đời sống. Hầu hết các sinh viên này đều có tính kỷ luật cao, có sự cầu tiến và niềm đam mê nghề nghiệp, có sự thi đua với nhau… Thời gian thực tập các sinh viên đến cơ quan thường xuyên và sinh hoạt như một phóng viên.
Thế nhưng, những khóa sau đó mức độ giảm dần. Nhiều sinh viên thực tập chỉ đến trình giấy với cơ quan xong thì vắng mặt dài ngày. Mãi cho đến khi kết thúc mới quay trở lại xin xác nhận theo quy định của trường.
Theo dõi trên facebook của các sinh viên này, thấy họ kết thành nhóm để phượt. Họ đã biến đợt thực tập thành chuyến du lịch chứ không phải thời gian học nghề.
2.2. Lựa chọn cơ quan thực tập không phù hợp.
Nhiều sinh viên thực tập, do mối quan hệ cá nhân hoặc theo cảm tính, xin thực tập ở các cơ quan là các tờ báo lớn hay các đài truyền hình cốt để cho… sang hoặc theo nhóm bạn thân quen mà không căn cứ vào điều kiện và năng lực của mình.
Ví dụ, sinh viên quê ở các tỉnh phía Bắc chọn thực tập ở Đà Nẵng hoặc các tỉnh phía Nam. Điều này hết sức bất lợi vì trong thời gian ngắn đó, sinh viên chưa thuộc đường đi chứ đứng nói đến chuyện thiết lập quan hệ.
Nếu thực tập ở các tờ báo lớn, có đội ngũ phóng viên hùng hậu và chuyên nghiệp, sinh viên sẽ rất khó cạnh tranh tin tức, bài vở.
Các sinh viên quê ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An… xin thực tập ở các đài truyền hình phía Nam hoặc phía Bắc sẽ rất khó hoàn thành công việc, đơn giản vì hiện nay, các đài truyền hình đào tạo phóng viên kiêm biên tập viên. Họ là người tác nghiệp vừa là người dẫn chương trình, trong lúc giọng nói đã khó được chấp nhận.
2.3 Các cơ quan báo chí không “mặn mà”.
Thực tế, có nhiều cơ quan báo chí nhận bao nhiêu sinh viên thực tập cũng được nhưng họ không mặn mà. Nói trắng ra là sinh viên cứ về thực tập, tự bơi lấy, viết được bài nào tốt thì đăng, không tốt thì bỏ, cũng không cần chỉ bảo, góp ý. Điều này cũng khó trách, vì họ bị áp lực về công việc, lo điều hành số phóng viên, biên tập viên của tòa soạn đã chiếm nhiều thời gian nên khó có thời gian giành cho sinh viên.
2.4. Không có nguồn tin.
Do các cơ quan báo chí đã bố trí phóng viên theo dõi các mảng và họ bị áp lực về định mức tin, bài nên rất khó để họ chia sẻ đề tài với sinh viên thực tập, trong lúc sinh viên- với vị trí thực tập- rất khó để kết nối, xây dựng nguồn tin. Hầu hết chỉ đi theo phóng viên hoặc nhờ họ chỉ cho một số tin tức vừa diễn mà họ không có thời gian để làm. Còn lại, sinh viên phải tự đi tìm hiểu, đó là điều khó nhất.
2.5. Từ khó khăn sinh ra “chống chế”
Nhiều sinh viên, để có kết quả, thường phải “xin” ghi tên kèm với phóng viên. Nhiều sinh viên khác (đặc biệt thực tập ở truyền hình), khi kết thúc, xin phóng viên sửa băng các tác phẩm ghi thêm tên mình. Đó là một sự chống chế có phần dối trá, rất không hay.
            III. SINH VIÊN THỰC TẬP Ở BÁO THANH NIÊN
3.1. Được quan tâm.
Hầu hết các sinh viên từ Khóa 33 trở về trước của Khoa BC-TT Đại học Khoa học Huế về thực tập ở Báo Thanh Niên sau khi ra trường đều có việc làm, một số đã thành cây bút chủ chốt ở các cơ quan truyền thông.
Phải nói một cách công bằng, thì, do tác giả tham luận này là sinh viên cũ lại có tham gia giảng dạy ở trường nên có chú ý hơn.
Có năm, trước đợt thực tập, vì biết sinh viên về nhiều nên cơ quan cho mua thêm máy tính để sinh viên đủ dùng. Hàng ngày, cho sinh viên giao ban, đăng ký, nhận đề tài. Cơ quan cử người theo dõi, giúp đỡ. Khi sinh viên nộp bài có sự thảo luận, trao đổi. Hàng tuần họp rút kinh nghiệm. Đi công tác, được cơ quan cho giấy giới thiệu là phóng viên.  Nói chung, thời gian sinh viên thực tập họ không khác gì một phóng viên.
3.2. Thành công nhờ sự đam mê và tính kỷ luật.
Sự quan tâm nói trên đã tác động rất lớn đến tâm lý, tạo cho sinh viên có niềm cảm hứng.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn nằm ở ý thức của mỗi người.
Như đã nói ở trên, từ K33 trở về trước, các sinh viên đều rấ có ý thức, tuyệt đại đa số tuân theo sự phân công của cơ quan. Trong trường hợp có việc riêng, sinh viên đều báo cáo, xin phép. Tóm lại là tính kỷ luật rất cao.
Điều quan trọng hơn là ý thức học hỏi để làm nghề.
“Học thầy không tày học bạn”, câu nói xưa rất đúng cho trường hợp làm nghề báo. Các học tốt nhất của người làm báo là học từ đồng nghiệp.
Nhờ cầu thị, ham học hỏi nên các sinh viên tiến bộ rất nhanh.
Đơn cử một việc: Khi 8 sinh viên K29 về thực tập một tháng thì cơ quan tổ chức đi du lịch ở Thái Lan (một nửa số người đi, một nửa ở nhà làm việc đi chuyến sau). Do sau đợt thực tập là nghỉ hè nên tôi (quản lý cơ quan) vận động các em ở lại văn phóng làm việc, một phần để học nghề, một phần để có thêm thu nhập. Khi đó tôi giao cho một sinh viên phụ trách nhóm, người này thay mặt các bạn kết nối với người trực văn phòng. Theo một cách hiểu nào đó, các em như là một phòng phóng viên.
Điều đáng mừng là sau 10 ngày trở về, số lượng tin, bài của sinh viên được đăng rất nhiều, dĩ nhiên là chất lượng tốt, được tòa soạn thấm định mới đăng. Thực sự đợt thực tập đã làm sinh viên lớn lên rất nhiều.
IV. ĐỀ XUẤT QUY TRÌNH CHO SINH VIÊN THỰC TẬP
Từ thực tế nêu trên, tôi xin mạnh dạn đề xuất một quy trình cho sinh viên thực tập.
4.1. Các trường nên tăng thời gian thực tập.
Do thời gian 1 tháng, sinh viên chưa kịp làm quen đường sá đi lại, không thể kết nối với các nguồn tin, sinh viên lại không thể cạnh tranh với phóng viên chính thức, vả lại, làm báo thiên về kỹ năng hơn là lý thuyết, vì thế, các trường nên nghiên cứu bố trí thời gian thực tập dài hơn (như Khoa BC-TT Đại học KHXH và NV Quốc gia TP. HCM). Tốt nhất, trong 4 năm học nên có 6 tháng thực tập chia làm 2 đợt (năm thứ ba và thứ tư).
4.2. Chọn cơ quan thực tập.
Nếu sinh viên lựa chọn hoặc giảng viên hướng dẫn chọn nơi thực tập cho sinh viên nên quan tâm đến hai yếu tố: Địa bàn và khả năng.
Như đã nói, địa bàn là chí ít để sinh viên quen đường đi và có mối quan hệ: khả năng là chọn cơ quan phù hợp với mình.
Hiện nay các báo đều có văn phòng đại diện, văn phòng liên lạc hoặc phóng viên thường trú khắp các tỉnh thành, vì thế, năm đầu tiên, theo tôi, sinh viên nên chọn địa bàn quen thuộc và cơ quan báo chí vừa sức mình.
Nếu sinh viên chọn nơi xa lạ, cơ quan báo chí đòi hỏi chất lượng bài vở cao sẽ rất khó có tác phẩm được đăng. Nếu không được đăng hoặc ít được đăng thì sẽ gây ra cảm giác nản lòng, không có cảm hứng với nghề nghiệp. Trong lúc đó, sinh viên chọn tờ báo yêu cầu thấp hơn (như báo địa phương chẳng hạn) hoặc tờ báo mà khu vực đó ít hoặc chưa có phóng viên, tin bài sẽ được đăng nhiều hơn khiến mỗi người đều có động lực.
Nếu thành công ở lần thực tập đầu tiên, năm sau, sinh viên có thể thử sức mình ở địa bàn khác, tờ báo có yêu cầu cao hơn.
4.3. Cẩn thận khi viết công văn hoặc quyết định hay giấy giới thiệu.
Rất nhiều trường đã không chú ý đến vấn đề này. Từ những sơ suất nhỏ có thể dẫn đến hậu quả là các cơ quan báo chí mất cảm tình với sinh viên. Có mấy lỗi thường xẩy ra:
-         Giấy giới thiệu không đóng dấu.
-         Ghi sai tên cơ quan hoặc chức vụ người quản lý. (Ví dụ ông Nguyễn Thế Thịnh, Trưởng văn phòng đại diện Báo Thanh Niên tại miền Trung chứ không phải trưởng đại diện hoặc trưởng Văn phòng Đà Nẵng…)
-         Quyết định cử sinh viên thực tập nên có câu: Được sự chấp thuận của Báo (Đài) nay quyết định cử sinh viên Nguyễn Kim B về thực tập… Trong các quyết định từ trước đến nay thường nhà trường đơn phương quyết định, điều đó không đúng vì trường không thể quyết định cử sinh viên về một cơ quan không thuộc sự quản lý của mình.
4.4. Không nên giao chỉ tiêu (định mức) tin, bài được đăng trong thời gian thực tập.
Thực tế, như đã nói ở trên, sinh viên thực tập khó lòng cạnh tranh với phóng viên lại lạ về địa bàn, chưa kết nối được nguồn tin, do vậy để được đăng tin bài là rất khó (hiện có báo mạng thì đỡ hơn). Nên giao định mức tin bài nhưng chỉ cần cơ quan báo chí nhận xét vào bài viết (có thể cho điểm vào bài viết) là được.
4.5. Nên để cơ quan nhận thực tập cho điểm sinh viên.
Như thế người hướng dẫn sinh viên và cả người quản lý có trách nhiệm hơn là nhận xét chung chung.
Cho điểm một sinh viên thực tập, ngoài chất lượng tin, bài còn bao gồm cả tính kỷ luật, tinh thần làm việc, sự học hỏi, khả năng tiến bộ… thì giảng viên khó sâu sát như cơ quan thực tập.
4.6. Xây dựng, duy trì mối liên kết với cơ quan báo chí.
Để sinh viên có nơi thực tập ổn định, Khoa và Nhà trường nên xây dựng và duy trì mối quan hệ với các cơ quan, không chỉ tình cảm mà phải có tính chuyên nghiệp.
-         Tổ chức kết nghĩa với các cơ quan báo chí để có những buổi giao lưu.
-         Mời những người quản lý và các nhà báo giỏi các cơ quan báo chí nói chuyện với sinh viên về các chuyên đề cụ thể. Các chuyên đề đó không cần cao siêu, ví dụ, làm một phóng viên báo (đài) tỉnh thì phải thế nào, quy trình vận hành của một cơ quan báo chí cụ thể chẳng hạn.
-         Cho sinh viên viết bản thu hoạch (không phải hình thức như báo cáo thực tập hiện nay), trong đó, sinh viên có quyền bày tỏ, nhận xét về cơ quan mình thực tập (điều hay và điều thấy chưa được, bao gồm cả chuyên môn và quy trình làm việc hoặc thái độ…)
-         Sau mỗi đợt sinh viên thực tập, giảng viên phụ trách nên có buổi làm việc với từng cơ quan để rút kinh nghiệm về tất cả những vấn đề liên quan.

- Gửi thư cám ơn đến các cơ quan báo chí. Tốt nhất là đến từng người hướng dẫn sinh viên ./.

Thứ Sáu, 4 tháng 8, 2017

BÀI BÁO ĐÁNG NHỚ và ĐÁNG SỢ

Năm 1997, khi chuyển từ báo Quảng Bình sang báo Thanh Niên, ra làm việc tại Tòa soạn Hà Nội, mình được anh Nguyễn Quốc Phong, Phó tổng biên tập giao viết bài về chuyện nhà của gia đình ông Trịnh Văn Bô.

Trịnh Văn Bô là một thương nhân Việt Nam giàu có bậc nhất Hà Thành giữa thế kỷ 20. Ông là một nhà tư sản theo chủ nghĩa dân tộc, từng ủng hộ cho Chính phủ Cách mạng Lâm thời Việt Nam 5.147 lượng vàng, tương đương số tiền gần gấp đôi ngân khố chính phủ bấy giờ.

Nhà riêng của ông tại số 48 phố Hàng Ngang quận Hoàn Kiếm Hà Nội, trước Cách mạng tháng Tám là nơi Hồ Chí Minh ở dịp cuối tháng 8 đầu tháng 9 năm 1945, và là nơi ra đời bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Mọi hoạt động của Chính phủ lúc bấy giờ phần lớn dựa vào tài chính của gia đình ông. PPng cũng là người đưa vàng cho Bác Hồ mua lại kho vũ khí của Nhật. Sau này, nhiều ngôi nhà của ông ở quận Hoàn Kiếm đưa cho nhà nước sử dụng. 
*
Tháng 10/1987, cố vấn Trường Chinh mời ông Trịnh Văn Bô và vợ ông, bà Hoàng Thị Minh Hồ lên gặp.
Hai ông bà ngỏ ý cho phép gia đình được trở về sống tại 34 Hoàng Diệu vì gia đình ông bà hiện đông các con, cháu, chắt. Cả bốn thế hệ cùng ở trong một ngôi nhà ở phố Nguyễn Gia Thiều. Nhà 34 Hoàng Diệu, ông bà Trịnh Văn Bô cho tướng Hoàng Văn Thái mượn từ những ngày tiếp quản Thủ đô năm 1954 với thời hạn 2 năm (1954-1956), đến ngày Tổng tuyển cử đất nước thì trả.
Năm 1986, tướng Hoàng Văn Thái mất, Bộ Quốc phòng xây nhà cho các tướng lĩnh cao cấp tại Liễu Giai rất rộng rãi, khang trang. Gia đình tướng Hoàng Văn Thái được chuyển về Liễu Giai.
Ngày 1/6/1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười phê chuẩn việc trả lại nhà 34 Hoàng Diệu cho ông bà Trịnh Văn Bô. Ngày 10/7/1990, Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo cũng có ý kiến nhất trí việc trả nhà cho bà Bô.
Nhưng mãi đến năm 1993, gia đình bà Bô vẫn chưa nhận được nhà.
Cuối năm 1993, Thủ tướng Võ Văn Kiệt giao cho Phó Thủ tướng Phan Văn Khải ký quyết định trả nhà 34 Hoàng Diệu cho bà Hồ (lúc đó ông Bô đã mất).

Việc trả nhà lại cho gia đình ông Trịnh Văn Bô được Báo Nhân Dân đăng rất trang trọng trên trang nhất.
Thế nhưng xà quần xà quần mãi người ta vẫn không trả nhà cho gia đình ông bà với vô số lý do vô lối.
*
Một tuần sau khi Thanh Niên đăng bài viết của mình, anh Nguyễn Công Thắng, Trưởng ban Bạn đọc Báo Thanh Niên điện thoại (bàn) cho mình nói rằng, trong thời gian làm bạn đọc khá lâu của anh, chưa có bài báo nào được bạn đọc quan tâm, ủng hộ như bài viết của Nguyễn Thế Thịnh. Tòa soạn đã nhận được 19,2 kg thư!
*
Lúc đó mình thấy lạ, không sao lý giải nỗi, một gia đình cống hiến cho cách mạng như thế mà đến một cái nhà cũng không trả lại cho người ta.
Lạ hơn nữa là sau bài viết đó, sếp mình, anh Quốc Phong nhận được điện thoại yêu cầu không được nói về vấn đề đó nữa.

Mãi sau đó nhiều năm, năm 2003, gia đình bà Bô mới lấy lại được nhà với tình tiết ly kỳ như… phim.
*
Nhân ngày Báo chí, đọc lại bài báo đó, mới nghĩ và phục các sếp mình, trực tiếp là anh Quốc Phong.
Sau nữa mình cũng…. phục mình. Thời còn trẻ, máu me nghề nghiệp. Dù nhận được nhiều cuộc điện thoại của những người xưng danh này nọ nói rất rõ ràng: “Mày im cái mồm lại, tao cho chén rượu là xong!” nhưng có vẻ mình chẳng sợ.


Giờ mà thế, có lẽ mình phải tính. Già rồi thường lấy an toàn làm trọng nên mình không thích người già là vì thế. Hehe.

Giữ Sơn Trà

Câu chuyện giữ bảo tồn và khai thác bán đảo Sơn Trà, một khu đa dạng sinh học nằm ở một quận của TP Đà Nẵng đang là vấn đề được công luận và dư luận quan tâm trong mấy tháng qua.
Quan tâm là vì, Sơn Trà là biểu tượng trong tâm thức của người Quảng Nam- Đà Nẵng, đối với người dân, đó không chỉ là một khu rừng nguyên sinh hiếm hoi mà còn là linh khí của một vùng đất.
Qua hai cuộc hội thảo cũng như nhiều cuộc họp bàn gần đây, mấu chốt là xử lý mâu thuẫn giữ bảo tồn và phát triển du lịch. Hầu hết đều nhất trí phải bảo tồn, gìn giữ Sơn Trà theo nguyên trạng. Vấn đề đặt ra nguyên trạng là nguyên trạng thế nào?
Nói thế là vì, ở Sơn Trà ngoài các dự án đã hoàn thành thì còn đến 18 dự án đã được cấp phép trước đây, có doanh nghiệp đã triển khai, có doanh nghiệp chưa triển khai dự án.
Doanh nghiệp đầu tư vào Sơn Trà đều có giấy tờ hợp pháp, họ hoàn toàn không có lỗi, nhưng bây giờ rà soát lại thấy nó không hợp lý, cần phải điều chỉnh mà thôi.
Chính phủ đã thấy vấn đề và có quan điểm chỉ đạo, sai thì phải sửa, chưa hợp lý thì điều chỉnh. TP cũng đang rà soát và xử lý theo hướng này.
Quan điểm của UNESCO cũng thể hiện, khai thác tài nguyên, phát triển du lịch phải cân đối. Phát triển trên cơ sở bảo tồn. Đó là một bài toán không dễ.
Muốn giải bài toán đó thì mấu chốt nằm ở hai phía.
Về phía chính quyền, nói như ông Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Quốc hội: “Cái gì trái phép là phải dẹp, xử lý, thậm chí trừng trị nếu vi phạm nghiêm trọng. Cái gì hợp pháp mà nay không hợ lý nữa thì phải tìm giải pháp đáp ứng lợi ích của các bên. Thiệt hại thì bàn cách chia sẻ…”
Về phía nhà đầu tư, cũng theo ông Nghĩa: “Vận động doanh nghiệp vì tinh thần yêu nước, vì trách nhiệm xã hội, vì thương hiệu. Nếu có thiệt hại thì hy sinh phần nào đó cho Sơn Trà. Coi đó là vinh dự. Và nếu làm được thế thì tăng thêm lòng yêu mến của người dân đối với doanh nghiệp đó”.
Người viết bài này tâm đắc với phát biểu trên. Tuy thực tế thì không đơn giản.
Không đơn giản là vì, một số dự án đã được “mua đi bán lại” giá tăng lên hàng trăm tỷ so với giá ban đầu, doanh nghiệp khó dứt bỏ và TP cũng khó đền bù.
Điều này chỉ có thể giải quyết được khi doanh nghiệp thực sự có tâm với TP, với cộng đồng, phải hợp tác với TP, chia sẻ khó khăn trên tinh thần trung thực. Nếu chủ đầu tư nào chưa chuyển nhượng thì tiên phong xin rút. Nếu đã chuyển nhượng thì TP phải rà soát lại chuyển nhượng có đúng nguyên tắc hay không để tìm cách giải quyết bằng cách đền bù cho họ, chuyển dự án đến nơi khác.
Tóm lại thì cách gì cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải hy sinh. Vậy thì hãy coi đó như một sự hy sinh vì cộng đồng, nói rộng hơn là vì đất nước.
Hành động này không chỉ chúng ta tôn vinh hôm nay mà con cháu mai sau cùng vô cùng biết ơn. Nói không sợ ngoa ngôn là nó sẽ đi vào lịch sử!
*
 Nhìn rộng ra, vào đầu năm nay,thực hiện di nguyện của người chồng quá cố, vợ của triệu phú Mỹ Douglas Tompkins đã hiến cho Chính phủ Chile một diện tích đất rừng khổng lồ lên tới 407.625 ha (lớn gần 100 lần diện tích bán đảo Sơn Trà), để xây dựng vườn quốc gia.
Số đất rừng này vợ chồng ông Douglas Tompkins đã bỏ tiền ra mua để giữ cho được rừng nguyên sinh nơi đây và biến vùng đất rộng lớn này thành vùng bảo tồn sinh học.
Trước đó, vào tháng 12.2015, bà Kristine Tompkins cũng đã gặp Tổng thống Argentina Mauricio Macri để hiến 150.000 ha đất ở khu vực biên giới Argentina - Brazil nhằm thành lập khu bảo tồn quốc gia Ibera.
 “Như suy nghĩ của nhiều người, chúng tôi thấy rằng đa dạng sinh học và hệ sinh thái xung quanh đang bị hủy hoại. Vì thế chúng tôi phải bắt tay vào để bảo vệ môi trường. Nếu không, chúng ta có thể phải tạm biệt hành tinh xinh đẹp này”.

Hãy nghĩ về thông điệp của ông Douglas Tompkins.

Không chỉ vô cảm mà đã quá nhẫn tâm!


Người ta nói, văn là người. Muốn biết người làm báo, viết văn đó thế nào, hãy đọc tác phẩm của họ. Muốn biết ai là ai, hãy đọc trang mạng cá nhân của họ!

Gần đây, một tờ báo viết bài về nhạc sĩ tài danh Nguyễn Văn Tý, cho rằng ông đã bị con mình bỏ rơi, tuổi già cô đơn, nghèo khó và sống lắt lay.
Người viết đã rất ẩu khi chỉ tiếp cận và nghe theo một phía, phía đó lại là một ông già 92 tuổi, trái với nguyên tắc của người làm báo là phải điều tra, xác tín lại thông tin.
Ban biên tập lại càng ẩu và thiếu kiến thức, vì câu chuyện của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã được báo chí nói đến từ lâu và con gái ông cũng đã lên tiếng. từ thời... tám hoánh. Không biết sao người ta lại khơi lại như mới.
Người viết và BBT đã không nghĩ đến hậu quả của mình gây ra, đó là ảnh hưởng đến nhân thân từng thành viên và cả gia đình cũng như làm tổn thương những người lâu nay giúp đỡ ông.

Tôi có vắt óc cũng không nghĩ ra vì sao có cái những phóng viên, biên tập viên và lãnh đạo lại có thể cho đăng bài với cái tít: Xe lao xuống vực, 4 người trong gia đình đoàn tụ nơi chín suối. Thật kinh khủng.

Trên báo mạng, vô thiên lủng những cái tít bài và bài viết kiểu đó. Nó thể hiện một phông văn hóa thấp kém. Ở một khía cạnh khác, họ đã làm không đúng chức năng của báo chí, không mang lại cho người đọc suy nghĩ hướng thiện.

Đó là báo.
Trên mạng xã hội cón nặng đô hơn.
Nhiều chuyện người ta sai, sai thật, sai lắm, nhưng viết note, status, comment thóa mạ họ không tiếc lời. Hãy nghĩ, gia đình họ, con cái họ, những đứa trẻ vô tội nghĩ gì khi đọc những dòng đó?
Nhiều câu chuyện chưa rõ đầu đuôi đã xông vào ném đá, rủa xả hết lời, cuối cùng thì nó không phải như thế, rất tẽn tò.
Mới đây thôi, có một phụ nữ ra cầu sông Hàn (Đà Nẵng) nhảy xuống. Người chồng bồng con theo sau (chắc đi theo can ngăn) vội vàng lao xuống cứu vợ và bị đuối nước. Người vợ được bà con cứu lên.
Câu chuyện gia đình họ khúc mắc thế nào chưa ai biết, nhưng anh chồng bồng con đi theo và lao xuống sông khi thấy vợ nhảy cầu, chắc anh ta không phải tệ bạc và vợ anh chắc có trầm uất gì đó. Điều đáng nói là khi câu chuyện được đưa lên một diễn đàn công cộng của TP Đà Nẵng thì nhận được nhiều comment phải nói là kinh khủng. Ví dụ như đồ nớ chết đi cho rồi: sao không hiến tạng cho đỡ phí… Khi có comment nói về chuyện cứu hộ, cứu nạn đầy tính xây dựng thì bao nhiêu người khác xông vào miệt thị, họ muốn chết để chết mắc chi cứu…
Một tờ báo thì ly kỳ hóa: Một thiếu nữ nhảy cầu, thanh niên lao ra cứu thì đuối nước…

Người viết báo, chơi blog, facebook rất dễ để người ta nhận ra chân dung và chân tướng của mình. Mạng thì ảo, nhưng con người là thật. Nếu cần biết về người nào, chúng ta chỉ cần vào đọc kỹ trang cá nhân của họ. Rất dễ.
Họ có thể giấu mặt dưới một bài viết dạy dỗ đạo đức nhưng lịch sử trang của họ thì không thể.

Có những người cong lập cả một trang giả danh để bêu riếu, bôi xấu người khác (như vụ bôi xấu Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh mà công an đang vào cuộc).  Mới đây, một người ở Đà Nẵng bị bệnh lên bệnh viện thì có người khác lập một facebook nick ảo nói rằng ung thư sắp chết. Mỗi ngày viết một status trù ẻo hết lời… Thật khó mà tưởng tượng có những con người tà tâm như thế.
Theo quy luật vạn vật hấp dẫn, con người nghĩ đến cái gì nhiều thì vũ trụ hấp dẫn vào họ đúng thứ đó. Nếu đầu óc anh đen tối thì vũ trụ sẽ phản hồi năng lượng đen tối (tà khí) đến anh.

Đừng để sự nhẫn tâm ngự trị!

Thích và chia sẻ

Ngày 28.7, TNO có bài viết Sao lại tiếp tay cho trò đùa nhảm nhí trên Facebook? phản ánh chuyện một người đưa lên facebook của mình thông tin ở Công viên 29.3 Đà Nẵng tổ chức một lễ hội sờ ngực (chủ trang dùng từ trần trụi hơn) kéo dài 15 ngày, ai bỏ ra 50 nghìn sẽ được sờ ngực các cô gái trẻ từ 16 đến 22 tuổi.  Số tiền thu được sẽ ủng hộ cho người khuyết tật.

Ngày 31.7, Công an Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng cho hay đã ra quyết định xử phạt người tung tin lễ hội sờ ngực 5 triệu đồng.

Người bị xử phạt là N.K.Anh (30 tuổi, ngụ H.Đô Lương, Nghệ An), chủ Facebook nói trên, hiện là chủ một cửa hàng mua bán, sửa chữa máy tính cũ trên đường Hàm Nghi, Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng.

Điều đáng nói ở đây là, ngay khi đọc, chắc chắn ai cũng biết không ai đi tổ chức một lễ hội như thế cả, điều bịa đặt này không chỉ làm ảnh hưởng đến TP Đà Nẵng mà cả những cô gái, cả những người khuyết tật. Thế nhưng, chỉ trong một thời gian ngắn đã có hàng ngàn lượt người bấm núy thíchchia sẻ. Hơn thế, rất nhiều người có lời bình luận cợt nhã hoặc đùa nhưng dung tục, thô thiển…

Người viết bài này thực sự không hiểu người ta thích cái gì ở đó và vì sao họ lại chia sẻ hoặc rủ rê bạn mình vào đọc nhiều như thế?

Tiếp tay cho một trò đùa nhảm nhí, vô văn hóa thì người tiếp tay là gì?

Nhiều người bấm thíchchia sẻ, đặc biệt là nút thích (like) như một thói quen vô thức. Vì thế cộng đồng mạng mới có từ “like dạo” (dạo một vòng và bấm like).

*

Còn nhớ cuối năm trước, trên tài khoản Facebook có tên Nguyễn Liên đăng một bức ảnh chụp cảnh một người đàn ông đang ôm một người phụ nữ, kèm theo lời dẫn: “Người ta gọi đây là những tên dâm quan, đây là hình ảnh một trong 21 cô giáo được chủ tịch thị xã Hồng Lĩnh và Phòng giáo dục thị xã điều đi tiếp khách là quan chức Hà Tĩnh. Các bạn xem hình ảnh quan chức đang ép cô giáo trong buổi tiếp khách mà trưởng phòng giáo dục thị xã nói là bình thường...".
Lập tức, thông tin này đã thu hút nhiều lượt chia sẻ, bình luận, tạo nên một làn sóng trong cộng đồng mạng xã hội.

Tuy nhiên, sau đó một số người tìm ra nhân vật trong ảnh là một quan chức và cô gái là tiếp viên đều ở Trung Quốc và chủ Facebook nói trên bị phạt 10 triệu đồng.

Câu chuyện này lại nói lên một khía cạnh khác của người sử dụng mạng xã hội. Đầu tiên là người đưa thông tin nói trên. Không biết vì động cơ gì nhưng ông ta không lường hết hậu quả xã hội của nó. Chỉ vì thông tin này mà cộng đồng mạng bức xúc (mà nếu sự việc là thật thì quá bức xúc), từ đó có nhiều bình luận không hay ảnh hưởng đến uy tín của cả ngành giáo dục.

Điều đáng trách là, trước một sự việc có thể nói không ngoa là “tày trời” đó, ít ai đặt câu hỏi ngược lại mà chỉ bấm nút thíchchia sẻ.
Rất may mắn là có vài người lấy bức ảnh đó đưa vào Google tìm kiếm vụ việc mới được làm sáng tỏ.
*
Chưa nói đến chuyện nhiều người chơi Facebook chủ ý đưa lên trang cá nhân để bôi nhọ người khác, thì nhiều người tung tin giả mạo chỉ để câu view, câu like… (như chuyện tung tin máy bay rơi, bịa chuyện bắt cóc trẻ em… vừa rồi) là những người thiếu trách nhiệm với cộng đồng, với thế hệ trẻ và với cả nền văn hóa của một Quốc gia.

Vì thế người chơi Facebook (hay các mạng xã hội khác) trước khi đưa con trỏ vào nút thích hoặc chia sẻ, hãy dừng lại, chậm hơn một tí để nghĩ lại một tí… Việc dừng lại đó không tốn bao nhiêu thời gian nhưng như là một thói quen để tự răn mình, đó cũng là thể hiện văn hóa của mình, trách nhiệm của mình trước cộng đồng.

Người ta nói “văn là người”, anh viết về chuyện gì, quan điểm ra sao, ngôn ngữ, văn phong thế nào… thể hiện rất rõ con người anh. Anh có thể chửi bới, mạt sát hay tung hô điều này điều khác hoặc có vẻ “cao đàm khoát luận” ở một chỗ nào đó nhưng hệ thống lại, người ta vẫn nhận ra chân tướng của anh.

Bấm thích hay chia sẻ là thể hiện anh đồng quan điểm và muốn mọi người chia sẻ quan điểm đó với mình, nên nó cũng thế, là mình đã thể hiện ra cho bàn dân thiên hạ biết mình là ai cả đấy!