Thứ Hai, 24 tháng 7, 2017

CÂU CHUYỆN CÁI DÙ

Mấy hôm nay dân mạng sốt xình xịch từ tấm ảnh người che dù cho Thủ tướng và các bà mẹ VNAH mặc áo mưa tiện lợi ôm bằng. Tôi đồ rằng, trong rất nhiều người viết stt, bình luận, phần lớn không có mặt và cũng không xem truyền hình trực tiếp, vì thế chưa đánh giá hết toàn bộ cục diện.

1.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đang đọc lời khai mạc thì trời mưa nặng hạt, một cán bộ cầm cái dù lên che cho ông.
Chương trình tiếp tục cho đến khi Thủ tướng lên trao bằng danh hiệu Bà mẹ VNAH. Lúc đó trời mưa to hơn. Các mẹ đã được Ban Tổ chức phát áo mưa tiện lợi nên mặc rồi, thấy Thủ tướng đầu trần, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cầm cái dù chạy lên sân khấu che cho Thủ tướng.
Trước khi bàn về hành động này, tôi cho rằng, đó là sự phản ứng tức thời của một người Á Đông nặng về tình cảm mà thôi.
Nhưng rồi, bức ảnh chụp sau đó xem lại thì cũng “có gì đó sai sai”.
Theo thiển ý cá nhân tôi, nhiều người cho rằng nhìn bức hình thấy phản cảm, không sai. Và làm chính khách thì phải đối diện với sự “săm soi” của công chúng, Trump hay Putin cũng thế thôi.
Ai ở Quảng Nam- Đà Nẵng đã từng biết, quen hoặc làm việc cùng với ông Nguyễn Xuân Phúc đều có cùng nhận xét, ông là con người thân thiện, gần gũi. Chưa nghe ai nói ông quan cách này nọ. Vì thế chỉ chuyện cái dù mà có những lời bình luận quá đà về ông cũng “có gì đó sai sai”.
Nhưng đây là một đêm tri ân đầy tính chính trị, phản ứng của ông Thu cầm cái dù cho dù là tức thời cũng gây điều tiếng không hay.
Trước khi Thủ tướng lên trao, ông Thu hoàn toàn có thể nói ban tổ chức cho các thanh niên, đoàn viên cầm dù che và đưa các mẹ lên sân khấu, sau đó cầm bằng và dẫn các mẹ xuống; chuẩn bị một người khác cầm dù che cho Thủ tướng.
Xem truyền hình trực tiếp, thấy Thủ tướng đầu trần đi lên sân khấu, tức là ổng không có ý định che dù. Bây giờ mình đứng ngoài, có thời gian mới nghĩ chứ chắc là khi ông Thu xuất hiện làm ông Phúc không ứng xử kịp. Nếu nhạy hơn, Thủ tướng có thể quay lại nói với ông Thu, để tôi cầm dù, anh đi xuống xem ai có dù gọi lên đây 3 người nữa. Lúc đó có chậm đi vài phút nhưng sẽ rất hay!
Nhưng đó là câu chuyện “cờ ngoài bài trong”.
Rốt cục, nếu theo diễn tiến từ đầu chúng ta có trách Thủ tướng một chút đoạn xử lý tình huống chứ không nên quá khắt khe như câu chuyện đang lan truyền.
Obama, Trump hay Putin có diễn không? Diễn! Làm chính khách hay người nổi tiếng cần có lúc diễn, nếu diễn mà mang lại cảm hứng cho công chúng thì chúng tôi chấp nhận chuyện đó.
2. 
Công ty CP Báo Thanh Niên tham gia đêm tri ân Một thời hoa đỏ nhưng chỉ được giao mảng biểu diễn nghệ thuật chứ không phải tổ chức toàn bộ sự kiện. Không thanh minh nhưng nói để biết. Trách nhiệm cũng nên rõ ràng.
Ban tổ chức là tỉnh Quảng Nam đã không tính kỹ phương án. Mùa này bắt đầu mùa mưa, dự báo thời tiết lại có thêm cơn bão nhưng ban tổ chức không chuẩn bị phương án xẩy ra mưa là sai.
Tôi thấy vẫn còn quá may mắn là hôm ấy không có mẹ nào bị gì. Bị gì chắc chết quá!
Ngay cả truyền hình thấy cũng rất bị động, hình ảnh nhòe nhoẹt, để máy nhiều đúp dài và không cần thiết (như đoạn Thủ tướng đi xuống sân khấu). Xét tổng thể thì không thể nói là “thành công tốt đẹp”.
3. 
Cá nhân tôi theo dõi và thấy, ông Nguyễn Xuân Phúc là người có khát vọng, không vun vén cá nhân, tôi tôn trọng và yêu quý ông về điều này, nhưng ông hơi tham việc và hệ thống tham mưu của ông rõ ràng là “có vấn đề”.
Từ việc đoàn xe vào phố cổ cho đến việc này, đều là do cấp dưới. Một việc ông có thể xin lỗi nhưng đến việc thứ hai sẽ rất khó ăn nói. Bộ máy đang bị lỗi. Mà oái oăm làm sao, đều diễn ra trên quê ông.
4. 
Việc này Thủ tướng hoặc ai đó có giận tôi cũng phải nói ra, vì không nói chưa chắc Thủ tướng đã để ý, không để ý thì tác dụng có thể ngược lại.
Đó là việc giới thiệu “Thủ tướng và phu nhân”, lâu nay chỉ dùng để đối ngoại, không nên xuất hiện dày đặc như bây giờ.

Thứ Năm, 20 tháng 7, 2017

"NGÁO ĐÁ" QUYỀN LỰC


Vụ việc bà Lê Mai Trang, Phó chủ tịch UBND Q.Thanh Xuân (Hà Nội) đi ăn trưa đỗ xe trước quán cà phê sinh ra cự cãi và được cho là đã “điều chủ tịch và Công an P.Thanh Xuân Bắc ra trông xe” chưa lắng xuống thì xảy ra vụ việc thứ hai gây ồn ào không kém.
Đó là khi tổ công tác CSGT Công an Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ xử lý vi phạm giao thông thì người ngồi trên ô tô là trung tướng Võ Văn Liêm, nguyên Phó chính ủy Quân khu 9, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quân ủy T.Ư (Bộ Quốc phòng, hiện đang chờ nghỉ hưu), lớn tiếng thóa mạ.
Trước hết nói về vụ “đỗ xe ăn bún”.
Xem đi xem lại clip được dẫn trên mạng thấy rằng, chưa nói chuyện chiếc xe chở bà Trang dừng đỗ trước quán mà ngay đầu ngã ba đường là đã sai, cho dù bà vẫn khăng khăng tuyến phố đó không có biển cấm đỗ xe. Vì clip không nghe lời thoại nhưng việc một người không đội mũ bảo hiểm đi xe máy, được cho là chủ tịch phường và một anh Công an P.Thanh Xuân Bắc lập tức có mặt thì dường như đã có cuộc điện thoại “giải cứu”. Người bình thường chứng kiến cũng thấy rõ ràng những người tham gia đã hành xử dựa vào và lạm dụng quyền lực.
Nói thế là vì, quan sát thì thấy, tuyến phố đó không nhiều người, còn nhiều chỗ đỗ xe. Khi bị chủ quán cà phê phản ứng, thay vì lên xe tìm nơi đỗ khác chỉ mất vài phút thôi thì bà phó chủ tịch quận và bạn mình cứ “kiên gan” như thể thách đố.
Có thể chủ quán cà phê “tinh tướng” gì gì đi nữa, thì trên cương vị lãnh đạo, xét về mọi nhẽ, bà Trang không nên hành xử như thế.
Tướng Liêm có thanh minh trên báo chí về nguyên nhân ông lớn tiếng nhưng vẫn thấy không có lý. Một vị tướng từng kinh qua trận mạc, giữ nhiều cương vị quan trọng, hơn ai hết, ông phải hiểu cho những người thi hành công vụ, ở đây là CSGT.
Nếu tướng Liêm xuống xe, đưa giấy tờ rồi nói đôi lời với những người làm nhiệm vụ, đồ rằng có đến 99% khả năng vụ việc được bỏ qua hoặc trở nên cực kỳ đơn giản. Nhưng ông đã lớn tiếng, không những thế còn thách thức đòi cách chức người này người nọ (mà thực tế ông không thể) làm câu chuyện trở nên ồn ào và người dân không chấp nhận được.
Hồi tháng 3, câu chuyện bà Phạm Thị Minh Hiếu, Phó giám đốc Sở Tư pháp Bình Thuận bẻ hoa anh đào lan truyền trên mạng xã hội. Điều đáng trách là khi người có ý thức can ngăn thì bị bà vặc lại: “Em là ai mà có quyền nói chị vậy?”.
Nghe qua câu nói cũng thấy sự hống hách của một con người cậy quyền.
Tôi đồ rằng, đó chỉ là một vài vụ việc được người dân dùng phương tiện ghi lại, còn trong đời sống, chuyện cậy quyền cậy thế có thể nói không ngoa, như một căn bệnh kinh niên.
Không chỉ người có quyền cậy quyền mà nhiều người dựa thế cậy quyền. Chuyện chúng ta thường thấy là khi đến làm việc ở đâu đó, nhiều người không tuân theo quy định, cứ một mực rút điện thoại ra điện cho sếp của họ như để dằn mặt và đôi khi cũng chỉ để… cho oai.
Rất nhiều người không có chức phận gì nhưng dựa vào sự quen biết mà đe nẹt người khác. Một người lái xe của văn phòng ủy ban hay tỉnh ủy cũng biến thành một “ông trời con”. Dân gian gọi nôm na là “cứt cọp”.
Nói là bệnh bởi vì, kể cả anh bảo vệ trật tự, anh giữ xe, anh bảo vệ cơ quan… hễ cứ được giao quyền thì tinh tướng, cậy quyền liền. Thay vì họ nhắc một bà bán hàng xén ngồi vỉa hè đi chỗ khác thì họ hất tung cả gánh hàng người ta lên, mà người đó có thể già như mẹ, như bà mình.
Dân gian có câu: “Một điều nhịn chín điều lành” nhưng xem ra không ai nhịn ai. Nó nguy hiểm ở chỗ thành thói quen, quen lâu thì thành tính cách, tính cách rồi thành văn hóa.
Không có một xã hội nào dung nạp văn hóa “ngáo đá” quyền lực!

NẾU KHÔNG PHẢI TƯỚNG LIÊM MÀ ĐÓ LÀ TƯỚNG THỊNH THÌ SAO?

Người VN có thể do bản lĩnh hoặc do hiểu biết nên ít nghe ai nói đến hội chứng sau chiến tranh. Người Mỹ thì nhiều. Cả tướng lĩnh, sĩ quan và binh sĩ của họ hầu hết đều bị trầm cảm, stres này nọ...
*
Tôi là một người lính, kinh qua chiến trường Lào, Căm pu chia và miền Nam trước giải phóng, về đi học rồi đi làm, không ai, ngay cả tôi bảo tôi bị hội chứng sau chiến tranh cả.
Nhưng đôi khi bị ai đó trách móc, nằm nghĩ lại, thấy cũng là lạ.
Vì sao vốn là một nam sinh được cô thầy khen là có nụ cười đẹp, hiền lành vì má có hai lúm đồng tiền lại biến thành một người đàn ông có bản mặt khó ưa?
Vì sao điện thoại hoặc nghe điện thoại của PV, nhân viên chưa bao giờ quá một phút?
Vì sao giao việc chỉ nói một câu?
Vì sao nhận việc chỉ lắc hoặc gật?
Vì sao khi biên tập bài chỉ ghi một từ: Hay! Tốt! Dở! Bỏ! Có mùi!
Với gia đình vì sao mình ít chuyện trò cởi mở?
Vì sao thấy cái gì chướng cũng xông vào dù chẳng phải việc mình?
Vì sao không ưa ai là nhất định không ưa dù mới chỉ nhìn họ trong vòng ba nốt nhạc?
Nhiều lắm.
Có lẽ tôi đã bị hội chứng sau chiến tranh một mức độ nào đó mà tôi không biết.
*
Mấy hôm nay tôi cứ nghĩ mãi về câu chuyện tướng Liêm.
Ông với tôi cùng thế hệ. Bạn học cùng lớp ở trường quân sự với tôi cũng có hai thằng đeo hàm trung tướng.
Thực sự tôi có trách ông và lấy làm tiếc về cách hành xử của ông vì nghĩ, một con người đã kinh qua trận mạc, giữ nhiều cương vị quan trọng, đi lên từ người lính mà ông lại không đủ bản lĩnh hành xử trước một việc nhỏ như thế?
Chiến trường binh đao không chết lại chết vì anh núp lùm.
Hôm nay hay tin thân mẫu ông qua đời. Nghĩa là ông nói thật vội chạy về vì mẹ ốm.
Mình thành người vô tâm mất rồi.
Mẹ!
Đời ta sẽ chông chênh nhường nào khi không còn mẹ.
Lại nghĩ, nếu mình là ông lúc đó thì sao?
Ông sai. Không bênh ông nhưng thấy thương cho ông.
Thương cả cho mình, Thịnh ạ.

TỪ SANG CHẢNH ĐẾN TRỌC PHÚ

 “Sang chảnh” ngoài cách nói vui thường ngày khi thấy ai đó có thứ gì mới, xịn, kiểu “Sang chảnh rứa bây!” thì nó còn chỉ lối sống của các cậu ấm cô chiêu. Họ tự lập ra các nhóm, gọi là “hội quý tộc”, “hội con nhà giàu”, “hội tỉ phú”... thậm chí lấy ngay cái tên là “hội sang chảnh”

Bằng cách này hay cách khác, lối sống sang chảnh đang lan nhanh trong giới trẻ, có thể chủ ý, có thể vô ý. Đó là lối sống đua đòi cho “bằng chị bằng em”. Ngoài tác động tích cực của nó là sự vươn lên thì hầu như tác động nghiêng về phía tiêu cực.
Nói thế là vì, trong lúc bố mẹ lam lũ kiếm đồng tiền bát gạo thì lối sống sang chảnh của con cái là một gánh nặng với gia đình.
Không ít bạn trẻ đang đi học, thay vì chỉ dùng điện thoại bình thường có chức năng nghe gọi và lướt web thì họ cố chạy theo trào lưu, đổi điện thoại từ "đời" này sang "đời" khác, mà mỗi chiếc điện thoại thế hệ mới tính bằng nửa năm tiền lương người mới vào công chức.
Một người quen kể rằng, mỗi tháng họ tích cóp cố gửi cho con đang học đại học 3 triệu đồng, mới rồi cu cậu xin ba mẹ 20 triệu đồng để thay laptop đi thực tập, họ vay mượn nhiều nơi rồi cũng có. Mấy hôm sau đứa em ở nhà phát hiện trên Facebook cậu khoe tặng quà sinh nhật cho bạn gái là một chiếc iPhone 7 plus.
*
Giới trẻ thì đua đòi sang chảnh, còn nhiều người lớn thì sống khoe mẽ. Không có, chưa có vẫn cố sao cho có. Vài năm trở lại đây, gặp nhau chưa hỏi sức khỏe, công việc ra sao mà hỏi... đã mua xe ô tô chưa?
Rất nhiều người mua ô tô không phải để kinh doanh hay vì công việc cần thiết phải có mà chỉ để sáng ra đi ăn sáng, uống cà phê. Đến chỗ đông người bước xuống, bấm khóa cái "choét" cho nó sang.
Một cán bộ quản lý ngân hàng ở Quảng Bình cho biết, rất nhiều người mua xe khi chỉ có đủ 30% số tiền và những người đó sáng nào cũng có mặt ở quán cà phê sang trọng bậc nhất Đồng Hới trong lúc đến hạn chưa trả được lãi suất.
*
Nhưng sự khoe mẽ đó được đẩy lên đỉnh điểm ở những người có tiền, mà đa phần là người kiếm được đồng tiền không đổ mồ hôi, nói không quá là bất chính, thành cuộc sống phô trương, xa hoa.
Có thể nhận thấy rõ nhất trong thời gian gần đây rộ lên thông tin các cán bộ lãnh đạo nhiều tỉnh thành xây biệt phủ, lâu đài, tòa nhà khủng, đi xe xịn, biển số phải đẹp... Nhiều cán bộ khác xây nhà thờ, nhà lưu niệm của dòng tộc không khác gì phủ vua chúa phương Đông hay cung điện quý tộc phương Tây.
Tại hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh Sơn La ngày 17.7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói với các cán bộ vùng Tây Bắc: “Tôi rất trăn trở khi nghe các thông tin về lối sống phô trương, lãng phí, gây nhiều phản cảm của một bộ phận cán bộ, đảng viên ở một vài tỉnh miền núi của chúng ta”.
Vì sao Thủ tướng nói đó là phản cảm? Tôi chắc chắn, ông rất muốn dân giàu để nước mạnh, nếu người giàu có bằng sức lao động của mình thì chẳng có gì phản cảm, nhưng phản cảm ở chỗ anh đang ăn lương công chức, thu nhập của anh ai cũng biết, anh lấy tiền đâu để xây lâu đài xa hoa như thế?
Một khía cạnh phản cảm khác, giống như anh ngồi trong cùng bàn ăn, ai nấy gọi cơm đĩa thì anh gọi tôm cua rùa cá và rượu ngoại ra ngồi vắt chân chữ ngũ ăn uống cạnh họ.
Đó không còn là sự sang chảnh mà đã thành... trọc phú!

Thứ Bảy, 15 tháng 7, 2017

VÌ SAO CÁN BỘ THÍCH KHOE NHÀ TO, BIỂN SỐ XE ĐẸP?

Trước hết cán bộ cũng là người Việt Nam mà người Việt Nam hầu hết đều rất muốn khoe mẽ.
Cái này có lẽ bắt đầu từ tư duy tiểu nông. Khoe là để người ta khỏi khinh mình nghèo. Tư duy tiểu nông bao gồm cả sự hơn thua. Nhà bên trồng bụi chuối, có cái mầm nhảy sang đất mình phải cuốc bỏ đi mới hả.
Nếu như ở nước ngoài, người ta quan tâm đến nội thất ngôi nhà thì người Việt Nam rất chú trọng bề ngoài. Có bao nhiêu tiền “dán” hết ra mặt tiền, còn trong nhà tính sau.
*
Cách đây vài năm, có phong trào sắm ô tô. Ở Đà Nẵng cũng thế mà về quê Quảng Bình cũng thế, câu đầu tiên gặp nhau hỏi liền: “Đã mua ô tô chưa?” hoặc tế nhị hơn là “Đi ô tô hay xe máy rứa?”.
Phong trào phát triển đến độ nhiều người vay tiền mua ô tô chỉ cốt để… đi uống café. Đến, đậu xe bấm khóa kêu cái chít cho nó sang. Thế nên xe mình mà giấy tờ ngân hàng giữ nên sinh chuyện như bây giờ.
Lúc đó mình đã rất buồn cười vì tính, bỏ tiền ra mua một chiếc ô tô, hàng năm mua bảo hiểm, đăng kiểm, phí đường bộ, dầu nhớt, xăng, thuê chỗ để, người vay tiền phải còng lưng trả lãi, tốn kém vô cùng. Ấy là chưa kể đi làm không có chỗ đậu xe. Cực khổ lắm luôn!.
Vậy thì, thay vì mua ô tô, nếu có việc cần đi xa, thuê một chiếc xe tự lái, thậm chí thuê xe sang luôn, tính ra vẫn cứ rẻ chán.
Nhưng ai cũng muốn có ô tô.
Mình tính thế nhưng nghe người ta hỏi quá, thậm chí không mua xe thì họ nói mình giả chết. Rồi mình cũng không vượt qua tư tưởng tiểu nông, mua xe.
*
Nói dài dòng văn tự thế để quay lại chuyện cán bộ.
Họ thừa biết bàn dân thiên hạ nhìn họ, tính thu nhập lương công chức của họ, nhưng họ vẫn làm nhà to, đi xe xịn, biển số phải đẹp… là vì, ngoài chuyện không vượt qua được tư tưởng khoe mẽ, hơn thua, họ còn muốn thể hiện quyền lực của mình. Tao đi xe biển số đẹp là vì chúng nó phải cho tao biển số đẹp.
Đậu xe ăn bún mà cũng điều công an đến giữ là nô lệ của quyền lực.
Khi có quyền lực trong tay, họ thường bị ảo tưởng như thiên hạ là của họ, họ có quyền làm như thế. Một phần khác, khi kiếm được nhiều tiền quá dễ dàng họ bỏ ra chừng đó làm phủ làm tòa thấy nó cũng chưa đáng gì.
Họ quên mất người dân kiếm được đồng tiền còm chảy cả máu mặt.
*
Người ta thường bảo, phàm đã quan thì tham. Ừ thì cho họ tham đi nhưng cũng nên biết dừng lại. Ví dụ nhiệm kỳ trước anh kiếm được tiền rồi thì nhiệm kỳ này chú tâm làm một cái gì đó cho dân, vừa là để lại tiếng thơm. Nhưng ít người làm được điều đó quá. Kiếm được một họ lại muốn kiếm mười… Vô đáy!
*
Có lần tôi đã viết rằng tôi không thích ông Nguyễn Sự Hội An là vì ông làm quan rất lâu, kể từ Trưởng phòng Tài chính rồi Chủ tịch, bí thư Thành ủy đến mấy chục năm mà ở trong cái nhà cấp bốn lợp tôn là không có trách nhiệm với gia đình. Nóng chết.
Sau này biết nhà ông, thấy ngôi nhà (giờ đã lợp ngói) nấp trong vườn cây xanh mới thấy nó không nóng như mình nghĩ.
Rồi thấy ông vẫn đi chiếc xe máy cà tàng. Rồi biết con ông hai đứa bỏ công chức làm doanh nghiệp tư nhân. Rồi biết thêm vợ chồng của hai con trai ông và các cháu đang ở cùng ba mẹ dù hai đứa đều làm ra tiền.
Mình cũng thắc mắc lắm nhưng nghĩ lại, cái gì thấy thoải mái thì làm. Vợ chồng, con cái ông thấy thế là thoải mái tại sao mình lại lấy suy nghĩ của mình áp đặt vào ông?
Ông đi xe máy cà tàng vứt đâu cũng được, không lăn tăn vì nó như mình đỗ xe sợ người ta quẹt vào, há chẳng phải sướng sao?
Nhưng mà đất nước này đâu có nhiều ông Sự?
*
Mà này, cuộc đời họ lao vào kiếm tiền để rồi giật mình ngoảnh lại thấy con đã hư mất rồi thì còn gì là cuộc đời nữa nhỉ?

Thứ Sáu, 14 tháng 7, 2017

Y CHANG!

Năm 2001, Ban biên tập báo Thanh Niên điều chuyển tôi từ Tòa soạn Hà Nội vào Văn phòng miền Trung đóng tại Đà Nẵng. 
Hồi đó báo in đang chiếm lĩnh thị trường và cũng đang "rất mạnh" nên hàng ngày bạn đọc đến khiếu nại, tố cáo, phản ánh rất nhiều.
Họ còn tin báo.
Có hôm, 18 bác cán bộ hưu trí đến Văn phòng, đưa đơn phản ánh rồi cứ đòi báo can thiệp để gặp cho được ông Nguyễn Bá Thanh.
Lúc mới vào, anh Nguyễn Công Khế, Tổng biên tập có dẫn tôi lên "trình diện" ông Thanh. Một lần đó, sau không có dịp gặp lại nên điện thoại cho ông thì ngại quá, nhưng vì các cụ quá "máu lửa" cho nên tôi mới đánh liều gọi điện thoại cho ông.
Không ngờ ông bảo: " Ông dẫn mấy ổng lên đây tui".
Tôi dẫn lên.
Ông Thanh đứng trước sân, bắt tay hết một lượt rồi nói: Tui biết các ông đến gặp vì chuyện chi rồi, thôi, về đi, sáng mai 9h30 đến hội trường ni (ông chỉ vào hội trường ủy ban) tui tiếp. Nói xong, ông xin số điện thoại của bác tạm gọi là trưởng đoàn. Bác ấy đọc số điện thoại bàn.
Các cụ về, tôi đứng lại nói chuyện một lát rồi cũng về.
Sáng hôm sau, 9h15, thấy ông gọi: "Ông mô rứa, răng chưa lên đây".
Tôi xách xe chạy.
Lên hội trường, thấy ông, chào, ông không trả lời, bấm điện thoại gọi cho ai đó: " Sao chưa lên ông? Rứa à, thôi hỉ", Cúp điện thoại ông mới quay sang tui: "Mấy cụ nói không có việc chi nữa mà lên, thôi ông về đi".
Tôi ngơ ngác định hỏi lại nhưng ông đã bỏ đi.
*
Phóng xe chạy lên gặp mấy bác hôm trước, thấy con đường đi qua khu phố rải thảm láng o. Sau ni nhiều lần chuyện trò mới biết câu chuyện như thế này:
Khu phố vận động bà con mỗi bên lùi vào 2m để làm đường, bà con đồng thuận hết. Con đường mở ra, đến công đoạn rải đá dăm xong thì ngưng lại đến 5 tháng, bụi mù, không chịu được nên các cụ mới đi kêu.
Ông Thanh vốn đã biết chuyện này nên khi các cụ về rồi ông mới điện thoại cho chủ đầu tư rồi đơn vị thi công, ông đe, nếu từ khi ông điện đến 8h sáng mai không hoàn thành thì từ nay trở về sau ông "cấm cửa", không cho nhận công trình nào của TP nữa.
Đơn vị thi công hoảng hồn, mới huy động lực lượng, mượn thêm cả đơn vị bạn đến rải thảm con đường đó (nghe đâu thiết kế chỉ đổ mặt đường xi măng cấp phối), đến 7h sáng thì láng o như đã nói (chắc lỗ to).
*
Kể chuyện này để nói, ông Thanh nắm rất kỹ vấn đề của từng địa bàn, khi đã đi thị sát hoặc giải quyết việc gì ông đều chuẩn bị thấu đáo phương án, nên quyết là trúng, nói là làm.
Bây giờ tôi thấy lãnh đạo cũng đi thị sát, đến đâu cũng phát biểu từ rạng ngời đến chói lóa nhưng có vẻ như không có phương án tiếp theo, nên nói chỉ để nói. Tôi ngồi sợt Google những điều được báo chí giật tít kêu như chuông từ trước đến nay, những vấn đề dân sinh cần kíp, tất cả đều còn y chang. Chắc năm sau họ lại đến đó và nói... y chang!

KHEN MỘT BÀI CHO NÓ CHẾT!

Hồi trước, "phong trào N.V.L" do Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh khởi xướng lên cao, anh em làm báo ghét ai thường có câu cửa miệng, đánh một bài cho nó chết.
Lúc đó, mình đã nghĩ khác, không phải đánh mà khen, khen một bài cho nó chết.
Quả thật. Đơn vị nào được khen thì hết đoàn này đến đoàn khác đến tham quan, giao lưu học hỏi... vừa mất thời gian vừa tốn tiền. Chỉ tiếp khách cũng đủ sạt nghiệp. Nhưng chưa xong, sau đó thì thanh tra kiểm tra, thuế má nhảy vô... Không chết mới lạ.
Cá nhân ai được báo khen sau đó bị để ý, "a, mày ngon hả Bưởi", sự nghiệp coi như xong.
*
Hôm qua báo chí tường thuật chuyện cử tri hỏi ông Nguyễn Xuân Anh đại để, có thông tin lãnh đạo TP bị đại gia nào chi phối đúng không? Ông Xuân Anh nói đại ý là không đúng và lý giải ông còn trẻ, sự nghiệp chính trị còn dài không dại gì làm chuyện đó...
Chuyện cũng bình thường thôi, nhưng sau đó nhiều anh, trong đó có cả tác giả bài báo, dẫn link sang fb kèm theo lời mào đầu, ví dụ fb "Tôi yêu Đà Nẵng" viết dẫn: "Hỏi thẳng thắn bà trả lời cũng thẳng thắn..." Thế là có cớ bà con bay vô chém từa lưa...Nội dung bài báo chỉ có tác dụng như thể cái thớt.
Mình định còm để nói về cái lời dẫn "hỏi thẳng trả lời thẳng" đó thế này: " Hỏi đứa học sinh vừa thi xong mần bài hết không, nó trả lời mần hết cả nhưng... nỏ đúng". Định thôi chưa còm.
Nhưng mà Thinh Babel tôi cũng ngứa mồm còm đâu đó, đại ý: "Tự nhiên nhớ mình vào quán, hỏi thứ này thứ khác có tươi không và chưa bao giờ nghe chủ quán nói không tươi".
*
Thấy "triết lý" KHEN CHO NÓ CHẾT của mình đến nay vẫn còn nguyên giá trị huống chi tụi nó nâng cao thêm một bậc, đã khen lại còn khen đểu   

Thứ Năm, 13 tháng 7, 2017

GIAO LƯU HAY TỈ THÍ?

Mặc dù, trên trang cá nhân, anh Đoàn Bảo Châu đã thừa nhận những cái sai của mình khi nhận lời đấu với Pierre Francois Flores, người nhỏ hơn mình 11 tuổi và nặng hơn mình 29 kg nhưng tôi cũng xin nói lại, anh đã sai. Cái sai đó nhân lên gấp bội khi xẩy ra với một người thông tuệ như anh.
Các bạn đừng viện dẫn lý do này nọ để thanh minh cho anh Châu nữa.
Chiều nay, cái sai đó lại diễn ra với một người khác, võ sư Trần Lê Hoài Linh, người đã lục tuần, lớn hơn Pierre hai chục tuổi.
Học võ, trên hết là để tự tiết chế bản thân mình, không hiểu sao các anh lại không thể tiết chế được?
Các anh đấu không thể nói vì bản thân mình vì dù sao người ta vẫn coi đó là đại diện của võ thuật nước nhà.
*
Hai cuộc đấu nói trên, xét về giao lưu võ học hay tỉ thí đều không đúng.
Nếu Pierre muốn giao lưu, hãy đến võ đường, đấu với võ sĩ, đệ tử hàng đầu (đại đệ tử) của tôi, cùng hoặc sem sém đồng cân đồng lạng. Sau đó chúng ta bàn luận về chiêu thức.
Nếu Pierre muốn tỉ thí, hãy để võ sĩ hàng đầu của tôi tiếp chiêu. Thắng nó coi như thắng tôi.
Tôi không phải coi thường anh nhưng tôi nói thật, ở độ tuổi này rồi nếu tỉ thí tôi chưa chắc thắng mà có thể nói là thua cả đệ tử của tôi. Các tượng đài quyền anh là một ví dụ. Tuổi tác không tha ai bao giờ.
Và nếu tỉ thí thì phải dùng hết chiêu thức, không hạn chế, ở một bãi đất, hoặc một võ đài đủ rộng để hai bên đủ đất thi triển.
*
Chúng ta bị ám ảnh về phim ảnh và truyện chưởng, thực ra thì cả nội công, tuổi già không đủ sinh lực và sinh khí như tuổi trẻ, huống chi là độ nhanh nhạy và sức chịu đòn. Kiếm hiệp là do Kim Dung phịa ra thôi.
Võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt, người mà Pierre muốn tìm nhưng ông tránh mặt là có cái lý của ông, năm nay ông 49 tuổi, gọi là năm hạn và tuổi đó cũng gọi là già rồi. Tôi không bênh ông vì tôi cũng không tin màn “xẹt điện” của ông. Tuy nhiên, ông nên mời Pierre đấu với một đệ tử để “giao lưu” thì hay hơn.
*
Mai Tuấn (Tuấn hạc), người đã cho Pierre hít đất năm 2009, nay Pierre rất muốn gặp lại, theo tôi cũng nên gặp nhưng không nên tỉ thí như hồi đó. Hình như Tuấn hạc cũng muốn thế.
*
Pierre chu du để giao lưu võ học không có gì sai, cái sai của anh ta là nhận lời đấu (với bất kỳ lý do nào) với người nhẹ cân và nhiều tuổi hơn mình. Rồi báo chí nước ngoài sẽ lấy đó tôn vinh anh, bảng bề dày thành tích của anh dày thêm, có thể là ý đồ, có thể là ngoài ý muốn, nhưng ở một góc nhìn nào đó, tôi thấy anh ta vẫn sân si.
(Cú đá cuối cùng của Pierre không phải tiểu nhân hay ác ý, các bạn luyện võ khắc biết, khi ra đòn thường ra liên hoàn, cú đá đó Pierre đã hãm lực rất nhiều rồi)
*
Mọi người cũng tức cười, khi anh Đoàn Bảo Châu ngã, chị Hoàng Hương đến đỡ, ôm thì lấy đó ca ngợi hết lời. Ơ hay, vợ đứng đó, chồng ngã, không đỡ, không ôm thì quay đít bỏ đi à?
Đó là cái nhẽ tối thiểu ở đời thôi, đừng làm quá lên. Chướng.
*
Mình có học võ nhưng không bài bản gì, không có sư phụ.
Hồi nhỏ mình học võ gia truyền với người trong nhà (ông ngoại mình là Lê Phàn, em ông là Lê Viên nổi danh một thời, sách vở còn chép lại. Đến cả Cọc Sào, Cọc Sính là hai tên cướp khét tiếng ở Lệ Thủy, Quảng Bình đưa thuyền buồn đi cướp của, nghe ngoại mình đứng trên bờ đằng hắng phát, khi về còn để trước nhà ông ngoại chum rượu. Ông bị Pháp bắt vô tù nhưng bọn nó một hai gọi ông là Thầy. Sau này ông làm Trưởng ty An ninh đầu tiên của Quảng Bình rồi hy sinh, nay có Nhà lưu niệm ở quê).
Vào bộ đội mình học võ nhưng với nhiều thầy, mỗi thầy một môn. Võ đặc công thì đòn hiểm, chỉ ra đòn bất ngờ, không đối mặt giao đấu.
Hồi mới ở bộ đội về mình có mở lớp dạy (không giấy phép) cho thanh thiếu niên trong làng. Dạy võ lấy gạo.
Hồi trẻ cũng manh động, hay ỷ ta đây có vài miếng. Oánh nhau chưa hề thua nhưng nhờ đánh úp, hỏi xong chưa, người đối diện chưa trả lời là bụp liền. Thường thì đối phương gục ngay phát đầu. Lúc còn sinh viên, có thằng kích bác (sao mình như con mắm lại yêu được (bà xã mình bây giờ) cô đẹp thế), mình thách nó ra sân bóng đá oánh nhau. Mình lúc đó sốt rét, gầy, chỉ 45kg, cao 1,65m; Nó cao gần mét tám, nặng 80kg, nhưng bụp phát nó gục liền. (Không biết nó trụ được cú ấy thì mình ra sao.  )
Nay mình vẫn có tuyệt chiêu: Ù té quyền. Hehe.
Bàn vui vậy, trúng trật hên xui 

HĐND TP ĐÀ NẴNG "TÍNH TOÁN" VỚI NHÀ BÁO và FACEBOOKER

HĐND TP Đà Nẵng vừa ra thông báo "nói lại cho rõ" những thông tin liên quan đến kỳ họp, chủ yếu là việc miễn nhiệm chức danh Phó chủ tịch của ông Đặng Việt Dũng.
Thông báo cho rằng một số tờ báo và trang mạng điện tử cá nhân đã xúc phạm này nọ...và đề nghị phải xử lý họ.
Đọc thông báo này xong, với tư cách một công dân, tôi nghĩ thế này:
1. Những nhà báo bà fbker cho việc bỏ phiếu đó là "họp kín", là "bất thường" là rất ngây ngô, không hề hiểu gì về luật.
Đơn giản nhất, mình đi bỏ phiếu cũng vào một ngăn riêng để bảo mật, đại biểu hội đồng bỏ phiếu hình thức nào đi nữa thì đều phải tôn trọng quyền cá nhân của họ. Anh không thể đòi chứng kiến để biết hoặc quay phim, chụp ảnh để biết người đồng ý và không đồng ý. Đừng đòi cho mình cái quyền mà mình không có.
Việc phản ánh trên báo hay fb theo kiểu quy kết thế rõ ràng là sai.
2. Khi sự việc xẩy ra, HĐND ra thông báo như đã dẫn, thấy xử lý khủng hoảng truyền thông thấp cơ.
Trong kỳ họp đã có chuyện tính số người làm báo trên km vuông đã cho thấy sự lo lắng (hoặc lo sợ), nay với thông báo này, càng thấy có một sự hớt hãi không hề nhẹ.
Đó là nhận định của cá nhân tôi. Vì người làm đúng, người mạnh thì không bao giờ thanh minh kiểu đó.
Nếu thấy báo nào viết sai, HĐND gửi công văn đích danh cho báo đó yêu cầu đính chính và xử lý phóng viên.
Nếu fbker nào đó viết sai thì gửi công văn yêu cầu cơ quan chức năng xử lý cá nhân đó. Theo mức độ từ phạt tiền đến chịu trách nhiệm trước pháp luật.
3. Thông báo trên cho thấy các fbker được thừa nhận có sự ảnh hưởng lớn và xếp ngang hàng với báo chí. Từ đó tạo ra tiền lệ rồi cứ thế chạy theo để thanh minh, tôi bảo đảm là tuột chạc, không bao giờ làm nỗi. Và khi các fbker thấy mình "quan trọng" thì họ càng "bùm chiu".
Nhưng từ đây có một tín hiệu: Một ngày nào đó có thể các fbker cũng được mời họp như các nhà báo, lúc đó thực sự thừa nhận báo chí công dân.
*
Đà Nẵng đang xẩy ra rất nhiều việc ồn ào, nay Hội đồng thêm việc này cho thấy sự lúng túng. Có cảm giác như thể người loay hoay mãi mà chưa thể ra khỏi khu rừng.
"Gần nhà báo thì nguy cơ, xa nhà báo thì nguy hiểm", câu này chắc Chủ tịch HĐND, cựu nhà báo Xuân Anh đã biết.
Từ cách tính đầu người làm báo đến thông báo này làm nhà báo xa ra.
Nguy hiểm!

Chủ Nhật, 9 tháng 7, 2017

MỖI MÉT VUÔNG CÓ BA THẰNG... LÀM BÁO

Giám đốc Sở TT-TT Đà Nẵng tính toán:
Đà Nẵng hiện có hơn 109 cơ quan báo chí với hơn 800 người làm báo, trong đó 400 nhà báo được cấp thẻ.
“Không kể Hoàng Sa thì Đà Nẵng có 0,85 người làm báo/1km2, còn kể cả Hoàng Sa thì có 0,65 người làm báo/ 1km2”.
Mình không biết tính thế để làm gì?
Lâu nay nghe dân gian nói: "Một mét vuông có 3 thằng kẻ cắp", giờ nghe thêm: "Một km vuông có hai phần ba thằng làm báo".
Hehe, Đà Nẵng khi nào cũng độc.
*
Nói qua thì cũng nói lại.
Cách tinh mét vuông là cách tính cơ học và không khoa học, nếu tính thế thì Q. Hai Bà Trưng, Q. Đống Đa (Hà Nội), Q.1 (TP Hồ Chí Minh) mật độ nhà báo có thể ngang với... kẻ cắp.
Trong số 800 người làm báo nói trên, các cơ quan báo chí thuộc TP ĐN chiếm chừng một nửa. Các cơ quan báo chí trung ương và địa phương khác chiếm một nửa nhưng họ tác chiến cho cả miền Trung- Tây Nguyên nên cách tính trên càng sai.
Cái sai nhất về mặt quản lý là không chỉ có chừng đó người làm báo, vì tính thêm "báo chí công dân" thì số người làm báo đã ngang... kẻ cắp rồi.
Bí thư Nguyễn Xuân Anh nhận định: "Bây giờ Đà Nẵng được cả nước quan tâm, chúng tôi đang bị đặt dưới không những kính lúp mà kính hiển vi nữa".
Rất chính xác. Kính hiển vi đó là các "nhà báo công dân". Tính coi: Mỗi nhà 4 người có 4 cái Fb, đó là 4 cơ quan báo chí. Họ có mặt khắp nơi. Tự viết bái, link bài, xuất bản... cập nhật từng phút,
Họ cũng là nguồn tin cho báo chí.
Trừ các nguồn tin chính thống, nguồn tin độc hầu hết các báo chạy theo mạng xã hội.
Kính hiển vi coi chừng cũng thua!
(Xin bổ sung thêm: Tỉnh thành nào chả thế!)
*
Nhưng mà, điều quan trọng nhất không phải nằm ở chỗ bao nhiêu người làm báo mà nằm ở chỗ nguồn tin của họ.
Đó là thực tế đang diễn ra.
Đó là nội bộ của các cơ quan. Nếu ở đâu nội bộ mất đoàn kết, thông tin được tuồn ra ngoài với mục đích đánh nhau thì không cần chừng đó mà chí cần 1 nhà báo biết cũng đủ rồi.
Lúc đó bài họ viết lên sẽ nhanh chóng được shae, nhanh một cách chóng mặt.
Quản lý báo chí thời kỹ thuật số không nên tính cơ học là thế.

CÓ THẬT XE MÁY HẠNG SANG CHẤT ĐỐNG TRONG BÃI GIỮ XE CÁC BỆNH VIỆN ĐÀ NẴNG?

Lâu rồi mới thấy ông Nguyễn Bá Cảnh đăng đàn. Lần này, theo tường thuật của báo chí, ông nói về chuyện phí giữ xe ở các bệnh viện. Theo ông: "Không phải trước đây chính quyền không thu phí là nhân văn, còn bây giờ thu phí là không nhân văn". Cũng theo ông Cảnh, "hiện xảy ra tình trạng một số người dân lợi dụng chính sách miễn phí giữ xe đã đưa các loại xe máy hạng sang vào bãi giữ xe bệnh viện gửi đến mấy ngày".
“Đó là chủ trương lớn có từ thời bố anh Cảnh rất hợp lòng dân. Bây giờ chúng ta tính toán làm sao phù hợp với quy định của pháp luật- ông Nguyễn Xuân Anh nói- rồi viện dẫn: "Đi xe tay ga vô rồi gửi luôn, chất đống trong đó, tận dụng đó làm bãi giữ xe. Người nghèo thực ra họ được hưởng gì trong khi bị chiếm mất chỗ".
(Các nguồn trên dẫn từThanh Niên)
Nếu viện lý do "xe máy hạng sang" vô gửi chiếm mất chỗ thì thật là buồn cười. Nếu anh thu phí mỗi lần gửi 3.000 đồng thì những người có "xe máy hạng sang" đó người ta không vào gửi sao?
Những người nhà gần, người ta cũng không đưa xe máy vô gửi chi cho phơi mưa phơi nắng, ở xa tất nhiên không ai gửi để đi taxi về. Vậy ai gửi? Có chăng những người trốn vợ trốn chồng đi với bồ bịch mới vào gửi. Số đó có gửi mấy ngày không và có đông không, và nếu thu phí họ có gửi không?
Thật ngớ ngẩn.
Nhân văn hay không nhân văn, thu hay không thu là chuyện của các ông, nhưng lập luận như thế bộc lộ trình độ non kém về quản lý.
Nếu khẳng định chủ trương là nhân văn, hợp lòng dân thì phải duy trì và phát huy, bất cập thì tìm cách giải quyết và quản lý nó.
Tỉnh Quảng Trị được cho là tỉnh nghèo, Hội Doanh nghiệp trẻ của họ còn xây được cả khu nhà ở miễn phí cho gia đình bệnh nhân.
Khu nhà đó nếu không quản lý tốt cũng sẽ xẩy ra bất cập, có người không đúng đối tượng vào tá túc. Vấn đề vẫn là cách quản lý chứ không phải vì thế mà thu tiền người ở, trái với mục đích ban đầu.
*
Một trong những điều khiến cá nhân tôi tôn trọng ông Nguyễn Bá Thanh là ông luôn nghĩ đến người nghèo. Bệnh viện Ung thư, Bệnh viện Phụ nữ nghèo, miễn phí gửi xe ở các bệnh viện là những ví dụ. Đành rằng, trong quá trình thực hiện có thể phát sinh bất cập, nhưng đó là mong muốn của một cán bộ lãnh đạo có tâm, bất cập thì tím cách khắc phục, như đã nói, không phải cứ bất cập là bỏ. (Hiện hai bệnh viện đã bỏ mục đích ban đầu rồi).
Còn cách quản lý như thế nào để người nghèo được thụ hưởng thì các ban ngành liên quan phải tính toán chứ mấy việc giữ xe mà cũng đưa ra hội đồng mất thời gian vô lối.
Ví dụ, Thành Đoàn chỗ ông Cảnh làm bí thư, làm một đề án quản lý bãi giữ xe miễn phí ở các bệnh viện rồi trình thành phố, xin giao cho Thành Đoàn hoặc Hội LHTN TP quản lý.
Nếu TP không cấp ngân sách thì vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp được không?
Nếu bãi đỗ xe nhếch nhác thì tổ chức thanh niên tình nguyện đến sửa sang có được không? Bất hợp lý cái gì thì có phương án khắc phục được không?
Đó mới là tình nguyện thiết thực chứ không phải mặc áo xanh cầm lá cờ đứng ở ngã ba, ngã tư phất phất làm màu, không phải việc của anh.
*
Tôi thấy thế hệ lãnh đạo hiện nay có những vấn đề rất tôn trọng tiền nhiệm.
Ví dụ 28 dự án, 137 lô biệt thự đã cấp ở Sơn Trà từ thời ông Nguyễn Bá Thanh làm Bí thư, ông Trần Văn Minh làm chủ tịch trở về trước (ông Văn Hữu Chiến kế tiếp và ông Huỳnh Đức Thơ hiện nay không cấp), hiện Chính phủ giao TP rà soát lại, nếu xổ toẹt, lãnh đạo TP bây giờ có thể đề nghị Chính phủ thanh tra đất Sơn Trà, có sai phạm thì xử lý các cá nhân đó trước rồi mới nói đến chuyện điều chỉnh quy hoạch du lịch. Bí thư, chủ tịch và tập thể lãnh đạo đương nhiệm không làm thế mà tính toán phương án khác để xử lý (theo thông tin từ các báo dẫn lời Chủ tịch TP tại kỳ họp này), theo tôi, đó là tôn trọng những người tiền nhiệm.
Lãnh đạo nhiệm kỳ sau phủ nhận nhiệm kỳ trước, hay xới tung chuyện cũ ra không nói chuyện nhân văn hay không nhân văn mà người dân nhìn vào đã thấy không ổn rồi.
Chuyện đất Sơn Trà, đất chỗ này chỗ khác người ta không nói thì so đo chi ba đồng bạc lẻ của dân nghèo hở ông Cảnh?
Mà các đồng chí này, có cái chuyện giữ xe mà mất thời gian thế thì đầu óc đâu mà nghĩ chuyện lớn? Biết bao giờ mới có thể chữa bệnh miễn phí cho người dân chốn thiên đường XHCN đây?