Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2017

THẢM HỌA TỪ LÀNG BÁO

Đề án quy hoạch báo chí của Bộ TT-TT nghe dứ từ mấy năm nay rồi nhưng không hiểu vì sao vẫn chưa ban hành.
Tôi thì nhất trí quy hoạch lại, nhưng quy hoạch kiểu mỗi tỉnh thành, mỗi ngành một tờ báo thì vô lý.
Ví dụ thế này thôi thì thấy: TP HCM chỉ 1 tờ báo, vậy thì Tuổi Trẻ, Pháp Luật, Người Lao Động... nhập về tờ SGGP... vô lý không?
Tờ báo lớn không phải vì cơ quan chủ quản lớn mà lớn.
Trong lúc một tờ báo lớn như TT có thể bị nhập thì những tờ như báo điện tử Giáo dục VN (không phải Giáo dục thời đại của Bộ GD) mà của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ được coi như một ngành thì tồn tại. Chưa kể bao nhiêu tờ báo mạng khác.
Trong lúc đó, các cơ quan báo chí có hưởng ngân sách (bao cấp) hoặc chỉ hạch toán một phần lại phát triển rầm rộ.
Vì như truyền hình, ngoài Đài truyền hình VN còn thêm truyền hình Quốc hội, truyền hình Thông tấn, truyền hình VOV, truyền hình Quân đội, truyền hình An ninh, truyền hình Nhân dân (của Báo ND)... Mà truyền hình, người ta ví chi phí của nó thế này: một bên phát sóng, một bên cầm tập tiền tờ 500 nghìn mà đếm cũng phải nhanh mới kịp.
Anh Vũ Đức Đam ơi, anh thuyết phục BCT, BBT cho lùi để xem xét lại thấu đáo hơn vì đây là chuyện vô cùng nhạy cảm. Cả làng báo VN, cả làng báo thế giới, cả cộng đồng mạng, phải nói là tổ kiến lửa sẽ mổ xẻ nó và người ký (là anh) sẽ rất "nổi" luôn.
*
Xét về kinh tế báo chí, doanh thu chủ yếu là từ quảng cáo. Miếng bánh quảng cáo chừng đó thôi nhưng quá nhiều tờ báo ra đời thì miếng bánh đó bị chia năm xẻ bảy, khó đủ cho tất cả cùng sống.
Không sống thì phải làm sao?
Làm tiền!
*
Không chỉ chính quyền, doanh nghiệp, anh em báo chí cũng rất bức xúc về hoạt động của một vài tờ báo. Phải nói là làm tiền một cách trắng trợn và bỉ ổi. Nói thật, nếu sếp quản lý chặt, không bật đèn xanh thì đố đứa nào dám ho he.
Quản lý chặt thì sao có chuyện "sáng đăng- trưa gặp- chiều gỡ"? Tiền!
Báo chí gì mà hợp đồng không có lương, cứ cho cái tư cách pháp nhân, giấy giới thiệu rồi tự sống (đó chưa nói là phải cống nộp lên) thế mà vẫn sống, thậm chí giàu có hơn cả các báo có thu nhập cao thì không làm tiền mới là chuyện lạ,
Các bạn làm báo nhìn lại đi: Đám đó toàn có nhà to, đi xe hơi chứ các bạn ở các tờ báo thu nhập cao cũng chỉ được vài người thôi.
Tôi ra Nghệ An- Hà Tĩnh- Quảng Bình, nhắc đến Báo Thanh Tra ai cũng khiếp vía. Mấy anh chị làm báo Thanh Tra (của chính phủ) đi đâu cũng ỡm ờ giới thiệu là Thanh tra chính phủ. Kinh. (Xin lỗi anh em làm báo Thanh Tra chân chính).
Mấy anh chị làm báo này thì có đất cả ở các huyện thị ở các tỉnh đó. Lạ lùng ghê.
*
Anh em làm báo chắc hẳn đã chứng kiến, ở đâu có sự kiện gì thì các tờ báo đó bu lại, đúng như bầy kền kền. Từ đó nhận tiền người này đánh người kia, nhận tiền doanh nghiệp này đánh doanh nghiệp nọ...
Chính quyền thì hình như hầu như ở đâu, ít nhiều, cũng có chuyện mất đoàn kết (vì lợi ích), nên đằng sau mỗi ông đều có những doanh nghiệp chi tiền để oánh nhau vụ này vụ khác làm náo loạn, càng mất đoàn kết hơn.
Chính những người này làm tình hình chính trị bất ổn chứ không phải (hoặc chỉ) diễn biến của một vài người viết blog bị xử tù.
*
Truyền hình thì bán sóng, gọi bằng mỹ từ "xã hội hóa", game Show nhảm nhí nhan nhãn. Có cảm giác như cả nước đi thi, hết thi hát lại thi hài... từ con nít đến ông già, tạo ra một sự cuồng vọng về nghề nghiệp rất vô lối.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn là "vua xử phạt" các báo, nhưng ông chưa bao giờ phạt được một tờ báo nhảm nhí. Tờ báo đó nó không sai quan điểm chính trị nhưng nó nhảm nhí, làm hỏng văn hóa của một thế hệ, của cả dân tộc.
*
Tôi nói không ngoa: Đây mới là đại họa!

NHÀ BÁO và QUAN CHỨC thời nay

Không ai và không bao giờ, người nào lại đi cười trên nỗi đau của người khác. Nhưng có những nỗi đau, nó như một thứ ung nhọt phải được mổ ra, cắt bỏ mới mong hết đau. 
Tôi đang nói chuyện về vụ đồng nghiệp Duy Phong- người vừa bị bắt ở Yên Bái.
Khi mọi người hay tin qua báo chí, mạng xã hội lập tức phản hồi, rào rào. Bảo đảm, ai đọc bản tin đầu tiên cũng nghĩ, đó là cái bẫy, thậm chí một cái bẫy vụng về và thảm hại, thể hiện sự tuyệt vọng của một tầng lớp ăn trên ngồi trước.
Vì có hơn 30 năm làm báo, tôi có biết và có linh tính khác hơn.
Ngày hôm sau, tôi gọi điện cho "nguồn tin" nắm rõ chuyện này, nghe kể thì tôi... thả tay!
Cho dù thế nào thì vụ án vẫn đang trong quá trình điều tra, theo nguyên tắc suy đoán vô tội, tôi không kết luận Phong nhận tiền hay công an giăng bẫy, nhưng đây là câu chuyện đặt ra rất nhiều vấn đề xã hội có phần như vụ án đang xét xử Mỹ- Nga.
*
Bỏ qua câu chuyện ở quán ăn khi Phong bị bắt mà chuyện trước đó, ngày 16.6. CA nói rằng Phong gặp Giám đốc Sở KH-ĐT "mặc cả", bên đưa 200 triệu, bên không viết bài.
Ông giám đốc đưa luôn 100 tr, chiều đưa tiếp 100 nữa.
Bây giờ bình loạn coi nha (trúng trật hên- xui  )
Ông giám đốc này, nếu không làm ăn gian dối thì sao phải đưa tiền?
Mà thôi, bỏ chuyện làm ăn gian dối sang một bên, bàn sau. Mà cứ cho gian dối là cấp dưới ông gian dối, tức là ông ta chỉ chịu trách nhiệm gián tiếp, chưa đến mức đưa ngay và luôn. Đưa tiền, ông ta hoàn toàn có thể nói người làm ăn với ông đưa nhưng ông đã tự đưa (như lập luận tôi nghe).
Ông ta đưa tiền và nghĩ ngay đến việc báo công an và quyết định giăng bẫy từ đây. 100 tr đưa buổi chiều, đó mới là bằng chứng (vì có tư vấn cách thức). Tố giác tội phạm và hợp tác điều tra nên ông ta vô tội.
Cùng lúc đó, không chỉ chuyện này, các doanh nghiệp làm ăn trên địa bàn và cấp dưới ông liên đới cũng đã xẩy ra vài chuyện.
Thôi, chuyện chưa ai biết nên không kể.
Giám đốc sở lương bao nhiêu nhỉ? 10 triệu/tháng? Ông ta nhận lương không mang về nhà sao?
Còn Duy Phong, anh ta mới lên Yên Bái hôm 16, 22 anh lại lên. Mà theo sếp anh thì anh không được cử đi công tác, chỉ là đi chơi.
Xét về nghiệp vụ, nếu tiếp tục điều tra làm rõ chuyện đã nêu hay các sai phạm khác ở địa bàn này, sếp nên cử người khác. Người được cử đi phải báo cáo rõ mục đích, cách thức, thời gian... để Tòa soạn quản lý và hỗ trợ.
Phong là tác giả những bài viết đụng chạm như thế, việc anh đi lại quá nhiều ở địa bàn là điều mạo hiểm và không nên.
(Sau khi Phong bị bắt, trên mạng lan truyền bản tường trình của cô sinh viên đi cùng, mọi người ít để ý dòng cuối, đó là bản cô ta viết theo yêu cầu của vợ Phong khi cô ta đã về Hà Nội, theo tôi cũng chỉ để tham khảo chứ hành trình khác lắm).
Công an Yên Bái muốn làm vụ này nên đã dụ Phong mà Phong không biết.
*
Tôi cam đoan không có người làm báo nào đi công tác trong nước mà thẻ tín dụng có tiền tỷ.
*
Như đã nói, theo nguyên tắc suy đoán vô tội thì ai cũng chưa có tội. Mong sao Phong vô tội để nhiều người (cả sếp anh) khỏi tẽn tò.
Người ta hay nói câu, chuyện gì luật pháp không cấm thì được làm. Trong ngành CA có câu, chuyện gì nghiệp vụ cho phép thì được làm, và họ làm.
Thế đó.
*
Loạn, loạn hết cả rồi!
*
Còn hai chuyện nữa trong vụ này:
- Công là đồng (ý) chí hay kẻ thù của Phong?
- Trong tài khoản sao kê có khoản tiền chuyển từ một ngân hàng Đà Nẵng ở một thời điểm khác. Phong giải thích nguồn tiền này thế nào?

Thứ Tư, 28 tháng 6, 2017

HOAN NGHÊNH TÒA XỬ ÁN KIỂU... NGA- MỸ

Đừng mỉa mai chuyện chúng ta mất thời gian về vụ án Nga- Mỹ. Bởi đó là câu chuyện rất đáng được quan tâm, nó phơi bày rất nhiều chuyện hậu trường mà lâu nay chúng ta chỉ nghe truyền miệng một cách thì thầm. Nó hội tụ nhiều vấn đề của xã hội đương thời.
(Cũng đừng nên chửi rủa cô Nga quá đáng, hãy nhìn đi, trong giới của cô, có bao nhiêu người gọi là "thần tượng" cũng "rày đây mai đó", cặp hết đại gia này tiểu gia kia, có phải yêu đương gì đâu?
Nhiều đại gia như Mỹ cũng bỉ ổi khác gì anh ta.
Quan trên muốn gái thì phải có gái và có người dắt gái, vậy thì nói ai làm gì. Hàng tỉnh còn nuôi cả đoàn gọi là ca sĩ diễn viên múa may gì đó để uống rượu tiếp khách nữa là).
*
Qua theo dõi phiên tòa lần này, tôi thấy cần phải.... hoan nghênh tòa án. Vì thường, họ là những người chúa cắt ngang lời, chuyên ép bị cáo, bị hại và nhân chứng chỉ trả lời có hoặc không. Thậm chí luật sư cũng khó có cơ hội để nói. Nói chung là xử cứ như mặc định.
Phiên tòa này tôi thấy tòa án đã cho tất cả các bên có cơ hội.
Nhờ cơ hội đó mà chúng ta biết thêm nhiều điều:
- Bị can sắc sảo, hiểu biết pháp luật và sử dụng đúng quyền của mình. Từ đó, để các bên bộc lộ ra nhiều vấn đề trước bàn dân thiên hạ.
- Từ đó chúng ta mới biết có hai bản cung giống nhau mà thuật ngữ gọi là ép, mớm và thông cung.
- Từ đó chúng ta mới biết có một đường dây liên lạc trong trại giam với ngoài đời thông qua giám thị.
- Từ đó chúng ta mới biết một vụ án được bao nhiêu người nhúng tay, chạy đôn chạy đáo náo loạn cả lên.
- Từ đó chúng ta mới biết có nhân chứng gọi là "nhân chứng bí ẩn" và có những mối quan hệ kỳ lạ gọi là mối quan hệ phòng kín (lấy cảm hứng từ việc nhân chứng Mai Phương được ngồi phòng kín).
-Từ đó chúng ta mới biết đôi khi con người không còn biết tin ai, kể cả người thực thi luật pháp.
-Từ đó chúng ta mới biết không chỉ đại gia trác táng mà có những vị già hơn, quyền hơn.
-Từ đó chúng ta mới biết lòng dạ con người.
Vân vân, vô thiên lủng.
*
Thấy tòa làm được việc đó thì hoan nghênh cái đã, còn việc kết án sao thì nói sau. Kiểu như vụ bầu Kiên đó thôi.
Và nếu điều đó xẩy ra, chúng ta cũng sẽ biết thêm câu chuyện "đất nước mình nó thế".
Còn nếu tòa có một phán quyết hay thì chúng ta có thêm lòng tin về sự tiến bộ của VN về luật pháp.
Phim đang rất hay, phải không ạ?

Thứ Bảy, 17 tháng 6, 2017

21.6: MỘT TRONG MUÔN VÀN KỶ NIỆM

Năm nào bão lụt, mình cũng được cơ quan giao phụ trách đoàn cứu trợ. Thường thì làm một tháng, nhưng có năm, như 2010 thì đến 45 ngày mới về lại văn phòng.
Bức ảnh này chụp khi lên huyện miền núi Minh Hóa, lúc đó là ngày thứ 26. Đi nhiều gia đình, nhưng khi đến đây, thấy căn nhà lá bị sập, nhà lại có đến hai người bệnh tâm thần.
Trao xong số tiền 10 triệu do bạn đọc Thanh Niên hỗ trợ, anh em trong đoàn không ai nói với ai, tất cả móc ví ra, bỏ vào phong bì, rồi mình đưa cho Dương thay mặt đoàn trao.
Sáng ra, cậu Trí lái xe cho văn phòng lúng túng mãi mới nói: "Chú, cho con xin 10 nghìn", hỏi: "Mần chi 10 nghìn?". Trí bảo: "Con mua bàn chải đánh răng, hôm qua móc hết tiền trong ví tặng nhà anh đó rồi".
Nhin cái thằng cao hơn mét tám, nặng cả tạ, lúng túng khi nói xin 10 nghìn, tự nhiên nghèn nghẹn.

Thứ Năm, 15 tháng 6, 2017

CÁN BỘ Ở ĐÂU TÀI NHẤT THẾ GIỚI?

Cách đây vài năm, hay tin Hà Nội đưa ra kế hoạch phải phổ cập tiến sĩ cho cán bộ lãnh đạo, tôi thấy hơi lạ, nhưng nghĩ, chắc mình chưa đủ trình để hiểu hết chiến lược của đất nước mà Thủ đô là tinh túy nên im im lặng chờ xem đặng mở mang tầm hiều biết.
Thế rồi thấy tỉnh thành nào cũng có chủ trương chiêu hiền đãi sĩ. Trong đó giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ… là đối tượng được ưu tiên nhất. Cũng hơi lạ, vì không biết giáo sư họ về tỉnh thì sẽ làm gì, chẳng lẽ dạy THPT?
Thế rồi đọc công văn của văn phòng tỉnh nọ gửi cho các ban ngành, huyện thị yêu cầu khi giới thiệu phải giới thiệu đủ chức danh, học hàm, học vị… của vị bí thư , thế này: Xin trân trọng kính giới thiệu, đồng chí Phó giáo sư, tiến sĩ, nhà giáo ưu tú… Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND… Trong mỗi cuộc họp, khi nhắc đến đồng chí đó, ai nấy đều kính thưa như trên. Lúc đó mới hiểu hơn chút đỉnh.
Mấy lần đi bầu cử, đọc lý lịch các ứng cử viên, hóa ra họ đều là tiến sĩ, mèng cũng thạc sĩ… lúc nào mình cũng không hay. Cứ thắc mắc hoài, sau khi học 12 năm phổ thông, 4 năm đại học, họ đi làm việc. Rồi họ phải học 1 năm quản lý nhà nước, 2 năm cao cấp (hoặc cử nhân chính trị), rồi chương trình chuyên viên chính mới làm được lãnh đạo. Ngày nào cũng thấy họ họp hành, lên tivi, không biết họ học lúc nào để lên tiến sĩ (ít nhất thạc sĩ 2 năm và tiến sĩ 3 năm). Ấy là chưa kể phải đạt trình độ ngoại ngữ theo yêu cầu mới được học lên cấp 5 cấp 6.
Thật tài tình.
Thế rồi thấy các đồng chí học chuyên ngành này lại làm chuyên ngành khác như tiến sĩ Kỹ thuật, Thạc sĩ chuyên ngành Thuỷ lợi, Kỹ sư chuyên ngành Đường ô tô phụ trách tuyên giáo; học Sư phạm phụ trách du lịch; học Công đoàn phụ trách văn hóa; học văn chương làm bí thư tỉnh ủy; học Văn hóa phụ trách công thương, chưa viết cái tin nào thì làm sếp báo… Hóa ra, học bất kỳ ngành gì nhưng sau đó học xong trường Đảng thì làm gì cũng được.
Vậy sao ngay từ đầu không tuyển sinh học sinh vào học trường Đảng luôn cho tiết kiệm thời gian?
Chưa hết, trước khi làm trưởng các ngành đó, các đồng chí này đều được luân chuyển cán bộ, về làm bí thư, chủ tịch các quận huyện, có khi vài quận huyện. Chạy như chó đạp lửa mà vẫn nắm được tình hình, chỉ đạo, lãnh đạo xuất sắc thì là thiên tài.
Tôi chỉ làm cái chức trưởng văn phòng của một tờ báo mà ngoài học hết các lớp bồi dưỡng chuyên môn về báo chí, quản lý báo chí (trong, ngoài nước) còn phải học về kinh tế báo chí… toét cả mắt, sáng sớm tinh mơ phải thâm nhập thị trường, phải suy nghĩ, phải ứng phó… mà còn vất vả mới gọi là hoàn thành nhiệm vụ, huống chi các đồng chí đó kiêm nhiệm thêm một mớ chức vụ, mới thấy các đồng chí cán bộ của ta tài năng vô cùng tận.
Đến đây sẽ có người lập luận, vậy thì Obama, Trump… học gì mà làm tổng thống? Tôi không biết rõ, nhưng chắc chắn các ông đó không học trường Đảng.
Nói cho vui thôi, chứ mỗi chế độ khác nhau người lãnh đạo khác nhau, chế độ phổ thông đầu phiếu là do cử tri chọn, họ chọn người xuất sắc nhất, hội tụ khả năng để cầm lái đất nước trong thời kỳ đó, họ tranh cử công khai, mà mỗi khi quyết định ra tranh cử, họ đều là những người tiếng tăm, họ đã phải học hết sách chứ không phải chuyện đơn giản. Có điều khác biệt là họ ít bằng cấp hơn cán bộ VN.
Trump nếu nộp đơn thi công chức Việt Nam ông sẽ nhận được câu nổi tiếng mà ông vẫn thường nói (trong chương trình The Apprentice) : "You're fired" (Bạn đã bị sa thải) mà… từ vòng gửi xe.
Cán bộ VN làm gì cũng được, chỉ nhiệm vụ chính là quản lý thì cũng làm được nhưng...không đúng.

Thứ Ba, 13 tháng 6, 2017

HỦ BẠI

Đọc lịch sử hoặc xem phim cổ trang thấy cái triều đại bại vong chủ yếu là do quan lại hủ bại.
Quan lại có hai đặc tính: tham lam và đố kỵ.
Trên đời, thấy nhiều vị quan rất chăm đi chùa. Nhưng trên đời, hiếm thấy vị nào thấy đủ là đủ, chỉ thấy họ càng ngày càng tham lam, tham lam vô độ.
Người nói buông bỏ chỉ khi họ thất sủng hoặc hồi hưu. Không ai buông bỏ sớm khi đương chức.
Tham nhũng tràn lan, ai cũng thấy, thấy đến nỗi, thấy bình thường.
Nhưng nói chuyện chống tham nhũng, ai cũng bảo khó.
Tôi chỉ nói một chuyện thôi để thấy có chống hay không chứ không phải khó chống.
Ví dụ, HĐND tỉnh Gia Lai trong một năm tiếp khách 3,2 tỷ đồng.
Người ta tính thế này: Một năm có 365 ngày, trừ đi 104 ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật, và khoảng 10 ngày nghỉ lễ, nghỉ tết nữa, còn 251 ngày làm việc. Lấy 3,2 tỷ tiền tiếp khách đó chia cho 251 ngày, bình quân mỗi ngày văn phòng HĐND tỉnh Gia Lai tiếp khách hết xấp xỉ 13 triệu đồng. Liên miên khách khứa thế, thì thời gian đâu để làm việc. Và ai cũng có thể suy luận, số tiền đó không hẳn đã là tiếp khách mà một phần chảy vào túi những ai đó.
Vậy thì thế này: Tại sao phải chi tiền tiếp khách? Hội đồng là cơ quan đại diện cho nhân dân nhưng đã bao giờ tiếp người dân một bữa cơm chưa? Chưa!
Đó là cái trò “giao lưu học hỏi”, tỉnh này kéo bầu đoàn thê tử đến tỉnh kia du hí và lấy ngân sách tiếp qua tiếp lại.
Vậy thì sao Bộ Tài chính không quy định: Không cho tiếp khách. Ai đi công tác thì có chế độ của người đó. Chỉ một quy định đó thôi, bảo đảm mỗi năm tiết kiệm cho ngân sách hàng nghìn tỷ đồng.
Tại sao không làm?
Không làm là vì không ai tự đập bể nồi cơm của mình cả.
Mỗi mùa lễ hội ở tỉnh thành nào đó, hết bộ này cục khác nhà nhà kéo nhau bắt tỉnh thành đó đài tải. Họ thì còn có thể hiểu nhưng vợ con họ là gì mà đến đâu cũng tinh tướng như thể đương nhiên phải cung phụng mình.
Ở Đà Nẵng tôi ít thấy, hoặc giả, ít tiếp xúc với giới đó, giới đó ăn nhậu có nơi có chốn nên không thấy, chứ vào một nhà hàng nào đó ở các tỉnh thành, để ý một chút, thấy rất nhiều công chức ăn nhậu lấy hóa đơn đỏ về thanh toán. Sở này, ngành này sang làm việc với sở kia, ngành kia trong tỉnh với nhau nhưng bao giờ cũng kết thúc bằng một bữa nhậu mới thành công. Tất nhiên là lấy hóa đơn đỏ.
Tiêu tốn vô thiên lũng.
Phật dạy, thấy đủ là đủ.
Người Bắc Âu không theo đạo Phật nhưng họ thấm nhuần triết lý này. Vì thế họ không bon chen, đố kỵ, sống thanh thản.
Ý thức đó thấm nhuần một cách tự nhiên vào các thế hệ tiếp theo. Họ không làm việc vì tiền, không kiếm tiền bằng mọi giá mà họ làm cái họ thích.
Không gì bằng làm cái mình thích.
Và họ thấy, cuộc đời có một việc quan trọng, rất quan trọng, là đi chơi.
Tôi thấy người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long có tính cách như người Bắc Âu. Tiếc thay, do di dân nên sự giao thoa văn hóa khiến tính cách họ dần dẫn mai một.
Suốt đời nghĩ chuyện kiếm tiền. Vì thế mới có chuyện khai gian tuổi để không phải về hưu, vì thế nên già rồi cũng muốn tại vị. Vì thế mà có bằng giả, bằng dỗm...
Kiếm tiền, kiếm tiền và khiếm tiền… Cho đến một ngày, già rồi, ngày ngày lấy tập sổ đỏ ra đếm lui đếm tới, đếm rồi mà tưởng chưa đếm.
Lúc chết chắc dùng tiền và sổ đỏ hỏa thiêu cho thơm xương.
Không chỉ quan lại, người Việt Nam nói chung cũng thế. Hiếm ai biết đủ là đủ. Vì thế mới có chuyện vay tiền ngân hàng mua ô tô đi uống café cho oai rồi nghĩ cách kiếm tiền trả nợ, chuộc giấy xe từ ngân hàng ra.
Chưa hết, thấy người khác đi xe sang hơn cũng bươn chãi… Cái vòng luẩn quẩn đó cứ kéo dài suốt cả cuộc đời. Tham ô, tham nhũng cũng sinh ra từ đó.
Rốt cục mỗi bữa ăn mấy bát cơm, ăn mấy miếng thịt, mấy miếng cá, uống mấy ly rượu?
Bon chen chi để suốt đời sống trong thấp thỏm lo âu không biết khi nào thì đến lượt mình bị lộ?
Người tử tế không chờ đến lúc nào đó mới làm.

House of Cards: NGƯỜI CHƠI CỜ VÀ VÁN CỜ SÂN GOLF- SÂN BAY

***
Có hai quy ước khi đọc note này:
Một là, có thể tranh luận hoặc có ý kiến trái ngược nhưng không được miệt thị.
Hai là, hãy coi đây như người bình luận sau khi đọc một cuốn tiểu thuyết, dù đây là cuốn tiểu thuyết chính trị hay cuộc đời. Tiểu thuyết là một phần sự thật, một phần hư cấu và cách thẩm là do từng người.
Ai không đồng ý có thể dừng tại đây, đừng đọc tiếp.
***
Tôi là một cựu binh. Dù thời gian ở quân đội chỉ 8 năm nhưng chất lính vẫn đậm đặc trong người.
Tôi tự nói với mình, từ tháng 5.1975 trở về sau là thời gian lãi của cuộc đời mình, vì thế hệ tôi, chẳng ai có thể nghĩ rằng mình có thể sống để chứng kiến ngày đất nước thống nhất. Không phải bi quan, mà thấy chiến tranh quá tàn khốc, nhiều đồng đội của tôi đã không có thời gian lãi như tôi..
Gần đây, trên diễn đàn Quốc hội cũng như công luận và dư luận nói về sân bay và sân golf, tự nhiên thấy nhói lòng. Rốt cục thì quân đội chiến đầu và chiến thắng là nhờ nhân dân, vì nhân dân, vậy thì sao lại không vì nhân dân cho trót?
Vì sao? Một câu hỏi vô cùng dễ mà cũng vô cùng khó.
Rồi tôi lặng im đọc, suy ngẫm và chờ đợi, chờ đợi ý kiến của Tổng bí thư, Bí thư Quân ủy Trung ương.
Mãi cho đến hôm qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết định: khẩn trương nghiên cứu làm thêm đường băng số 3 tại sân bay Tân Sơn Nhất.
"Thủ tướng cũng giao Bộ trưởng Quốc phòng chỉ đạo dừng tất cả các công trình liên quan hạ tầng phụ trợ sân golf, như trường đào tạo năng khiếu golf, khu biệt thự, chung cư cao cấp cho thuê… để chờ các cơ quan tư vấn và các nhà khoa học xem xét trước khi quyết định"
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch cũng khẳng định vì mục đích mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, nếu cần Bộ Quốc phòng sẵn sàng bàn giao đất quốc phòng để làm việc này.
Tôi bắt đầu thấy có tín hiệu vui, vui vì trước đó, tôi thậm chí đã nghĩ, người ta sẽ chọn sân golf thay vì chọn nhân dân.
Nhà tôi có một khoảnh sân, trước đào làm hồ nuôi cá để ăn, nay trồng có để ngắm. Cả hai thứ đều cần cho cuộc sống nhưng tùy từng thời điểm khác nhau.
*
Cuộc đời và chính trường có nhiều chuyện mà một nhà tiểu thuyết đại tài cũng khó có thể nghĩ ra. Nó vừa kịch tính, vừa chứa đầy bi kịch.
Tự nhiên nghĩ đến người chơi trong bàn cờ ấy.
Và tôi nghĩ đến ông Nguyễn Phú Trọng.
Sau nước cờ Nguyễn Bá Thanh hơi loạng choạng, ông Trọng dường như đã ngộ ra. Bây giờ, ông đã tính cờ trước nhiều nước, tôi linh cảm thế và rất hy vọng ở ông.
Nhân đây, tôi cũng nhắc lại với tôi, để nhớ. Làm cách mạng hay chuyện nhỏ hơn, làm một việc gì đó cũng phải có mục đích, có phương pháp và có nguồn lực, không thể làm cách mạng bằng việc chém gió. Nhiều người mắc bệnh coi thường người khác, trong lúc, tôi có lần nói, làm tổ trưởng tổ 3 người cũng phải đạp lên 2 người khác, huống gì làm các chức vụ lớn hơn. Chẳng qua là vì thế cờ triệt buộc người chơi cờ, thấp cơ thì buông bỏ, chỉ có cao cơ mới nghĩ nước đi gỡ thế và phản công.
“Cờ ngoài bài trong”, nhân dân là người đứng ngoài.
Nước cờ Thủ tướng đi là nước cờ bên bàn cờ của Tổng bí thư. Nhưng có được nước cờ này ông Trọng cũng đã lao tâm khổ tứ. (Chi tiết nghe được chưa tiện kể ra)
*
Nhớ lại chuyện cũ, khi ông Đinh La Thăng trúng Ủy viên Bộ chính trị, được cử vào là Bí thư Thành ủy TPHCM, tôi đã rất ngạc nhiên về nước cờ của ông Trọng.
Lâu dần, như đã nói ở phần đầu, như người đọc tiểu thuyết, tôi nhận ra, nước cờ cao, mà cao đến mấy nước.
Đôi khi nhà văn, nhà thơ viết bằng cảm hứng, nhưng người phê bình chẻ nó ra thành thi pháp này nọ, cũng có, đôi khi khi viết, họ không nghĩ đến thi pháp nhưng thi pháp đã được bản thân họ nhập tâm, thế mới có chuyện phong cách nhà văn này, nhà thơ nọ.
Quay lại chuyện ông Đinh La Thăng.
Khi vào TPHCM, tôi vẫn đánh giá ông là người có khát vọng cống hiến thật sự, những gì xẩy ra trước đó là do ông đứng trong thế cờ mà quân cờ bị triệt buộc. Với tư cách người đọc tiểu thuyết, tôi thấy nhân vật này rất hấp dẫn, chứa đựng nút thắt và cả nút mở.
“Đi” nước cờ ông Thăng, có mấy điều hay:
Một là, cắt đứt ảnh hưởng của quân cờ trước đó, tức là người tiền nhiệm vốn có sức ảnh hưởng lớn ở khu vực. Hai là, để người chơi cờ phía bên bàn cờ bên kia thấy dường nhưng đối phương đã bị sập bẫy, từ đó chủ quan rồi chính mình sập bẫy.
Ông Nguyễn Xuân Sơn, nguyên là Tổng giám đốc Công ty Tài chính Dầu khí, bị bắt và bây giờ, nghe nói, cùng với một vài người khác bị xử tội nặng nhất. Vậy thì những người liên quan chắc không thể yên thân.
Vụ mua bán AVG của Mobifone cũng đang đến hồi hay. Nghe đâu để gỡ thế cờ này, bên bán đã xin không bán nữa. Tình tiết còn thú vị hơn nhưng xin chưa nói ra.
Vòng vây khép chặt, chỉ vài nước nữa là chiếu tướng.
*
Có thể nhiều người không ưa hoặc thấy điều tôi nói là sai, có thể. Nhưng đó là cảm nhận khi đọc tiểu thuyết của tôi, như đã mào đầu.
Cái làm cho xã hội bức xúc nhất trong nhiều điều bức xúc là nạn tham nhũng. Ông Trọng phất ngọn cờ chống tham nhũng, vì sao nhiều thế lực chống lại ông?
Lịch sử ghi lại, những cuộc khởi nghĩa đều phải có người cầm cờ và thu phục nhiều người đi dưới ngọn cờ ấy. Có thể người cầm cờ không toàn bích, vì thế mà nhiều cuộc khởi nghĩa giành được cái cần giành nhưng sau đó không lâu thì bị đả thương chỉ vì hoặc là nhiều người vùng dậy cầm cờ hoặc là vì đám quan lại hủ bại mà tiêu vong. Đó là cái dở nhất mà chúng ta gọi là “bài học lịch sử”.
Đồng đội của tôi ơi, hãy nghĩ đến những người đã hy sinh trước khi nghĩ đến những người đã quá giàu. Giàu không có lỗi, lỗi là ở chỗ giàu là nhờ làm nghèo người khác.
Tự nhiên nhớ câu thơ của Lê Anh Xuân:
"Từ dáng đứng của anh trên đường băng Tân Sơn Nhất
Dáng đứng tự hào, dáng đứng Việt Nam!"
Thế giới phẳng và thế giới mở, mọi người đều có quyền suy nghĩ khác nhau, tôi thì thế, tôi ghét tham nhũng nên đi theo ngọn cờ chống tham nhũng. Đơn giản vậy thôi.
***
(Nhắc lại lần nữa: Những phản hồi mang hơi hướng miệt thị cá nhân đều bị xóa bỏ)

Thứ Sáu, 9 tháng 6, 2017

KHÔNG THỂ KHÔNG NÓI

I.
                  Phủ của giám đốc Sở TN-MT Yên Bái (ảnh của Thương hiệu & Công luận)

Tui sinh ra trong gia đình ba đời chùi đít bằng lá chuối khô. Thấy bọn nó ở đâu đến phá nhà mình thì rủ nhau đánh, đuổi nó đi, gọi là làm cách mạng.
Cách mạng thành công hơn bảy chục năm nay rồi thì nghe cán bộ ngồi ở hội trường Ba Đình xin người làm cảnh vệ. Hơn bảy chục năm những chức vụ đó không có cảnh vệ đã có ai bị ám sát hay hành hung chưa? (Chỉ có một người bị xử do mâu thuẫn cá nhân mà cũng mới đây thôi!). Vậy thì vì sao lúc này phải có cảnh vệ?
Theo tui suy luận thì có hai lý do, một là, người ta linh cảm bắt đầu có gì đó bất ổn: hai là, không ám sát, hành hung nhưng tư gia bị trộm cướp nhiều tài sản có giá trị lớn mà không dám trình báo. Không có lý do thứ ba.
Nhìn cái biệt phủ của tay giám đốc Sở TN-MT Yên Bái (ảnh của Thương hiệu & Công luận), một tỉnh nghèo, địa chủ, phú hào ngày xưa chưa bằng cái lông chân của nó. Bạn hãy nghĩ mà coi vì sao đầu tỉnh của nó cần bảo vệ?
II.
Một ông lớn về thông tin di động như Mobifone, muốn làm truyền hình cáp thì dư sức. Bởi hạ tầng, cán bộ kỹ thuật có trong tay, mạng lưới cơ sở có trong tay, chỉ cần một phần mười số tiền đó cũng có thể biến thành ông lớn trong truyền hình kỹ thuật số. Vậy vì sao phải mua lại AVG với giá 400 triệu đô (rồi về ôm cục lỗ của nó) kinh khủng thế?
Mua đắt để làm gì?
 Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son sắp mãn nhiệm, ông đã cấp tập làm chuyện này (tất nhiên không phải tự ông mà phải từ ông lớn khác). Rồi ông Son điều chuyển cán bộ Mobifone chóng mặt. Đang làm ăn ngon lành chủ tịch mới của Mobifone lo đổi màu logo cho hợp mạng (tức là chỉ lo cho mình).
Ấy là chưa kể, quá trình cổ phần hóa Mobifone, một công ty nước ngoài làm đề án nghe đâu mất hơn 10 triệu đô, bỏ, phải để một công ty con ông lớn làm lại mất 1,5 lần số tiền đó nữa. Đất nước này hỏi sao ngóc đầu dậy được?
III.
Ai sao kệ chứ tui rất tin vào ông Nguyễn Phú Trọng, ở chỗ, ông trong sạch (chí ít là không tai tiếng về lợi ích nhóm, con cháu thăng quan tiến chức), ông lại có khát vọng, vì thế tui mong ông mạnh tay hơn nữa. Có thể thời gian tại vị của ông hết nhiệm kỳ này đi nữa thì cũng không còn nhiều, nhưng chừng đó thôi, ông hãy làm cái gì đó để lại cho đời. Ông hãy tin, nhân dân nhìn thấy hết.
Trước hết, ông xử hết những thằng cán bộ ăn lương công chức mà xây biệt phủ, vì tham nhũng, tha hóa, tự diễn biến...nó rành rành ra đó chứ đâu?
IV.
Tui đóng thuế, nó lấy về làm giàu, nó bán tài nguyên, đất đai để làm giàu, chúng nó khác gì bọn ở đâu đến phá nhà chúng tôi?
Chẳng lẽ những người chùi đít bằng lá chuối khô phải làm cách mạng lần nữa.
Ông Trọng làm cách mạng, tui theo!

Thứ Hai, 5 tháng 6, 2017

ĐÀN ÔNG

Người đàn ông trèo lên đỉnh núi
Với tay ngắt lấy mặt trời
Cất lửa vào trong khối óc
Lửa lạnh như băng.
Người đàn ông vượt qua ghềnh thác
Lùa tay cả một cánh rừng
Cánh rừng lẫn vào mái tóc
Rừng trắng như vôi.
Người đàn ông đi về vực thẳm
Nhón tay nhặt hòn cuội tròn
Hòn cuội nằm trong đầu gối
Hòn cuội mê man.
Người đàn ông đứng trên mặt đất
Dang tay đón người đàn bà
Đàn bà tan vào huyết quản
Cuộc đời hôn mê.
Người đàn ông về nhà với mẹ
Tựa đầu vào bờ vai gầy
Khoe mẹ những gì có được
Mẹ đong chưa đầy bàn tay.

"SAO BỐ/MẸ MÀY DỐT THẾ?"


I.
Nói gì thì nói, cá nhân mình rất phục Bầu Kiên, người bị xử cái tội có một không hai trên thế giới này, đó là lách luật. Luật chỉ có đúng hoặc sai, cái gì luật không cấm thì công dân được làm, luật có lỗ hổng để lách là lỗi của những người làm luật chứ đâu phải lỗi của ông ta?
Một đầu óc phi phàm như thế đã bị bóp chết. 
Giá như có ai đó có quyền, làm cho ông một căn hộ trong khuôn viên nhà tù ông đang thụ án, có kết nối mạng, ra cho ông Kiên cái đề: Trong bối cảnh bây giờ, nếu tiếp tục làm kinh tế thì ông sẽ làm gì?
Đáp án của ông Kiên tìm ra chính là điều bổ sung, sửa đổi luật, ích lợi vô cùng.
Cứ mỗi đáp án tôt, giảm cho ông ta 5 năm tù.
II.
Quay lại câu chuyện đời thực.
Bộ, ngành nào cũng có chức năng, nhiệm vụ của mình. Công chức phải thực hiện theo chức năng nhiệm vụ đó. Nhưng những câu chuyện đang xẩy ra khiến mình không thể hiểu được các quan chức là công chức và hệ thống tham mưu của họ đang nghĩ gì, cụ thể là nghĩ gì mà hành động như thế?
Mình cũng nghĩ họ đang lách, nhưng cái lách rất là lạ.
Chuyện ở Bộ Lễ có thể nói là hội tụ cho tất cả những điều bất cập đó.
Mình từng nói, làm tổ trưởng tổ 3 người cũng đạp lên hai thằng, huống chi làm đến Cục trưởng, Thứ trưởng, Bộ trưởng? Rồi tự nhủ, không nên coi thường mấy người đó, họ phải có một cái gì đó hơn người.
Nhưng rồi càng lâu, chứng kiến nhiều câu chuyện, mình thấy nó không bình thường.
Ví dụ, thân sinh của ông Bộ trưởng mất sao lại có thể làm công văn hỏa tốc gửi đi các nơi?
Làm đến thứ trưởng mà ký cái công văn không phân việt thế nào là quản lý nhà nước, thế nào là tổ chức hội nghề nghiệp là sao?
Mời người ta đi hội thảo, người ta phát biểu sao làm công văn bắt người ta giải trình?
Trong lúc ông Võ Văn Thưởng nói Đảng sẵn sàng đối thoại thì công văn này có phải đã chống lại lời ông Thưởng không?
Làm đến Cục trưởng mà lôi Quốc ca ra cấp phép có bình thường không?
Tất cả những sự việc khôi hài của Bộ Lễ thời gian qua khiến khát vọng xây dựng Chính phủ kiến tạo của Thủ tướng trở nên xa vời. Có thể xây dựng một chính phủ kiến tạo, liêm chính bằng những con người như thế sao?
Cá nhân mình ủng hộ ý tưởng của Thủ tướng nhưng cũng nghi ngờ, vì nó không thể thành sự thật khi những con người như thế nằm trong bộ máy công quyền và giữ những vài trò quan trọng.
III.
Mình biết, làm công chức thì không thể chọn sếp cho mình, cũng không được chọn lính cho mình. Ai bổ làm sếp mình thì mình biết đó là sếp, ai được nhận vào làm lính mình thì biết đó là lính. Đó là "cái đạo của người làm công chức", rất khôi hài nhưng mà là thực tế.
Nhưng mình không biết, khi các công chức lãnh đạo có những việc làm, những phát ngôn vô tiền khoáng hậu như đang xẩy ra, có khi nào lính họ ra ngoài bị hỏi: Sao sếp mày dốt thế?
Có khi nào họ bị hỏi: Sao mày tham mưu cho sếp mày ngu thế?
Có khi nào con cái họ nói với họ "Con ra ngoài, thấy nhiều người hỏi, sao bố/mẹ mày dốt thế. Con cũng không biết vì sao bố/mẹ dốt thế?"
Đau đớn vô cùng.