Thứ Ba, 26 tháng 4, 2016

Chọn sắt thép hay cá tôm?

Sự kiện cá chết đồng loạt ở bờ biển các tỉnh miền Trung cho dù chưa có kết luận cuối cùng nhưng lời phát biểu của Giám đốc đối ngoại Formosa đã gián tiếp nói lên sự thật: Chọn một trong hai thứ, sắt thép hoặc cá tôm, không thể được cả hai. Chó dù lời nói như một lời thách thức (hoặc là này hoặc là kia, chọn đi) nhưng là lời nói thật, một sự thật đắng lòng. Đó là điều mà người ta thường nói: cái giá của phát triển.

Một sự việc khác, chiều 24.4, tại xã Hải Ninh Quảng Ninh (Quảng Bình), FLC tổ chức lễ khởi công dự án tổ hợp 10 sân golf. Hàng trăm người dân ở đây đã xông lên lễ đài, phản ứng, quan khách đại biểu buộc phải rời khỏi nơi làm lễ.  
Sự phản ứng có thể gọi là manh động của một số người trong một buổi lễ như thế là hoàn toàn sai, nhưng phản ứng chỉ vì nghe tin đồn FLC là thủ phạm phá hoại môi trường nói lên một phân “tâm tư” lo ngại, chưa thông suốt cần được lãnh đạo địa phương lưu ý.

Nhân nói về sự lựa chọn “sắt thép hay cá tôm” mới nhớ, ngày 5.12.2011, ông Nguyễn Bá Thanh, lúc đó đang là Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, làm việc với đoàn Hiệp hội các nhà kinh doanh châu Á do ông Sawada Hideo, chủ tịch Tập đoàn HIS, làm trưởng đoàn đến tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Đà Nẵng.
Tại đây, ông Nguyễn Bá Thanh nói: TP Đà Nẵng đang hướng tới một đô thị sạch, kiểu mẫu nên vừa qua khi có hai tập đoàn nước ngoài xin đầu tư hai dự án thép và sản xuất bột giấy có tổng vốn lên đến 4 tỉ USD nhưng lãnh đạo TP đã từ chối.

Vậy Đà Nẵng chọn phát triển công nghiệp để phát triển nhanh hay chỉ có du lịch, dịch vụ, công nghệ cao… để có đô thị sạch, kiểu mẫu như ông Thanh từng nói trong lựa chọn mà ông giám đốc đối ngoại của Formosa cảnh tỉnh?   
Quá khó!
Nhưng sự lựa chọn khó khăn đó mới đòi hỏi tư duy và bản lĩnh của những người lãnh đạo. Nói nôm na, phải có một “tầm nhìn xa trên 10km”.

GS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục YTDP và Cục Quản lý Môi trường Y tế, Bộ Y tế đã liên tưởng sự kiện cá chết dọc biển một số tỉnh miền Trung với thảm họa vịnh Minamata ở Nhật Bản.
Cho dù đây chỉ là một sự lien tưởng nhưng là sự lien tưởng có tính cảnh báo khiến chúng ta phải giật mình.
Đúng vào thời kỳ phát triển kỳ diệu của Nhật Bản , nước này phải đối diện với nỗi kinh hoàng mang tên thảm họa Minamata do vụ nhiễm độc chất thải chứa thủy ngân trên diện rộng.
GS Nguyễn Huy Nga nói: Nếu lặp lại sự kiện Vịnh Minamata thì là thảm họa. Người ăn cá từ vịnh này bị ngộ độc thần kinh với những hậu quả vô cùng thảm khốc.
Sau hơn 50 năm, Nhật Bản vẫn có nhiều trẻ em sinh ra với dị tật do thủy ngân và hàng ngàn người hiện nay vẫn bị nhiễm độc thần kinh làm tiêu tốn rất nhiều triệu đô la của nhà nước. Đấy là cái giá phải trả cho sự buông lỏng kiểm soát môi trường trong phát triển.
Tên vịnh Minamata biến thành tên bệnh Minamata, một căn bệnh khủng khiếp đã gây ra nỗi kinh hoàng cho cả nước Nhật trong những năm cuối thập kỉ 60 đầu 70 của thế kỷ trước,  
Những người bệnh nặng thường rú lên vì đau đớn, thường xuyên co giật và bị liệt. Một số bệnh nhân bị mù, điếc hoặc mất trí và nhiều người bị nhẹ hơn thì tay chân run, mất cảm giác, mất thăng bằng.
Phụ nữ nhiễm metyl thủy ngân khi mang thai sẽ có nguy cơ sinh con liệt não, bị điếc, bị mù hoặc đầu quá nhỏ, lớn lên thì tâm trí phát triển chậm.

Chắc chắn không một ai và không bao giờ ai muốn đánh đổi sự phát triển bằng mọi giá để con cháu mình gánh chịu những nỗi đau như thế. Nói cách khác, chúng ta khẳng định ngay và luôn: chọn “tôm cá”!

Nguyễn Thế Thịnh

“Đúng quy trình”sao trật đường ray?

Gần đây, một cụm từ trở nên thông dụng và được nhiều người dùng để giải thích một sự cố nào đó vừa xẩy ra: đúng quy trình!
  Chị Trần Thái Hằng, Ủy viên Ban thường vụ Huyện đoàn Đô Lương (Nghệ An),một cán bộ đoàn xuất sắc, bỗng dưng nhận thông báo cho thôi việc vì bị cáo buộc bố có tiền án mà anh thì nghiện ma túy nhưng đã không khai trong lý lịch.
Khi chị Hằng kêu cứu, UBND huyện Đô Lương cho rằng các bước tiến hành thẩm tra dẫn đến quyết định cuối cùng đều “đúng quy trình”. Chuyện đến tai Bí thư Tỉnh ủy, ông cho thẩm tra lại và sự thực cả hai điều trên đều… không đúng. Bấy giờ huyện mới thừa nhận và hứa sẽ bố trí lại công tác.
     Liên quan đến việc một công ty của Trung Quốc được lựa chọn để cung cấp đường ống và phụ kiện với giá thấp hơn 11,8% so với gói thầu được phê duyệt cho dự án nước sông Đà số 2 về Hà Nội, đại diện chủ đầu tư Công ty CP nước sạch Vinaconex (Viwasupco) khẳng định việc lựa chọn nhà thầu Trung Quốc là cả quá trình chứ không phải vì giá thấp. Tức là việc đấu thầu diễn ra “đúng quy trình”.
  Đường nước sạch sông Đà số 2 được khởi công ngày 7.10.2015. Giai đoạn một của dự án hoàn thành năm 2009 với công suất 300.000 m3/ngày đêm. Từ đó, đường ống số 1 đã bị vỡ 17 lần khiến cuộc sống của khoảng 70.000 hộ dân thuộc 6 quận nội thành Hà Nội thường xuyên bị ảnh hưởng. Nguyên nhân ống vỡ được cơ quan chức năng chỉ ra là do Ban quản lý sử dụng chất liệu composite cốt sợi thủy tinh không phù hợp trên nền đất phức tạp. 9 cựu quan chức của Vinaconex vì việc này đã vướng lao lý.
   Hai dự án đường sắt đô thị trị giá hơn 2 tỷ USD tại Hà Nội liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn, sự cố... khiến một người chết, 5 người bị thương và nhiều phương tiện bị hư hỏng.
Dù thi công “đúng quy trình” thì lần đầu, sắt bị tuột khỏi cẩu rơi xuống đường: lần thứ hai sàn bê tông đổ sập:  lần thứ ba là một thanh dầm thép: lần thứ tư là một thanh sắt rơi xuống trúng chiếc xe: lần thứ năm,  chiếc cần cẩu dài hơn 10m  đè lên nhà dân…
  Hàng chục vụ việc người dân phát hiện, làm đơn tố cáo vì không thể chịu nỗi ô nhiễm môi trường từ nước thải của các nhà máy, lần nào cũng được các cơ quan liên quan giải thích là các cơ sở đó được cấp phép và đều xả nước “đúng quy trình”. Phải lao đao lận đận lắm mới “nhờ” được các bên liên quan vào cuộc và sự thực là xả thải sai cho dù làm “đúng quy trình”!
Mới đây nhất, vụ cá chết tràn lan trên biển, người dân nghi vấn nhà máy Forsama Vũng Ánh (Hà Tĩnh) xả thải có độc tố khi họ chôn ống sâu dưới biển, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Võ Nhân Tuấn khẳng định: Đường ống xả thải ra biển của Formosa Hà Tĩnh  đã được cấp phép. Việc được phép lắp đường ống xả thải chạy ngầm với việc nước thải đó có chất gì gây hại môi trường hay không là hai chuyện khác nhau. Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn thì khuyên  bà con: Yên tâm ăn cá, tắm biển Vũng Áng!
 Cuối năm ngoái, dư luận xôn xao về việc 7 lái xe được bổ nhiệm làm Phó chánh văn phòng. Việc bổ nhiệm phó chánh văn phòng của một huyện được thực hiện theo “đúng quy trình”. Thế nhưng, theo rà soát của cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa sau đó, 7 huyện có lái xe được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó chánh Văn phòng Huyện ủy, Ủy ban nhân dân các huyện trong tỉnh, chỉ có hai huyện bổ nhiệm đúng theo quy định về bằng cấp, tuổi là Quan Sơn và Thọ Xuân, còn lại 5 huyện bổ nhiệm sai.  
 Vấn đề được dư luận quan tâm nhất trong thời gian gần đây là vụ khởi tố chủ quán cà phê Xin Chào ở Bình Chánh (TP HCM). Trước đó, cả Công an, Viện kiểm sát huyện này đều cho rằng vụ việc đã được thực hiện “đúng quy trình”, trong cuộc họp báo, đại diện Công an TP cũng bày tỏ quan điểm khởi tố không sai nhưng hơi nóng vội. Vụ việc tuy nhỏ (so với các vụ khác) nhưng ảnh hưởng môi trường kinh doanh và lòng tin rất lớn nên Thủ tướng phải chỉ đạo và cuối cùng Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí yêu cầu Viện trưởng Viện KSND TP.HCM chỉ đạo Viện trưởng Viện KSND huyện Bình Chánh ra ngay quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với ông Nguyễn Văn Tấn, đồng thời tiến hành công khai xin lỗi và bồi thường thiệt hại (nếu có) cho ông Tấn. Theo đó, những người liên quan cũng bị đình chỉ công tác để làm rõ.
Xa hơn tí thì vụ các ông Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén bị hàm oan cuối cùng cũng được trả tự do, công khai xin lỗi và đền bù thiệt hại dù trước đó, công an, VKS, TA… các cấp đều đã xử “đúng quy trình”.
Từ vài vụ việc điển hình nêu trên đặt ra câu hỏi: Vì sao “đúng quy trình” mà vẫn sai (trật đường ray)?
Theo thiển ý của tôi, trước hết, xuất phát từ việc đối xử với người dân “không thân thiện”, muốn thể hiện và khẳng định uy quyền được giao.
Thứ hai, nếu không vì điều thứ nhất, thì do trình độ nhận thức về mặt pháp luật không thông đạt. Thứ ba, là do lợi ích cá nhân.Thứ tư, là thiếu lắng nghe quần chúng và dư luận…
Luật pháp là do con người tạo ra, nó cũng như con người, không thể toàn bích, có thể phù hợp với lúc này mà không phù hợp với lúc khác (thế mới có chuyện sửa đổi, điều chỉnh…): Luật pháp lại do con người thực thi nên dù có đưa ra “quy trình” thì “quy trình” cũng khó chế ngự được con người thực thì vì những điều đã nói ở trên.

Thánh nhân, thiên tài và cổ nhân đều dạy, phẩm chất con người “làm người” trước hết phải trung thực và liêm sỉ là vì vậy! 
NGUYỄN THẾ THỊNH

Thứ Hai, 25 tháng 4, 2016

TẦM NHÌN XA VƯỢT QUA… VÒNG BỤNG

Sự kiện cá chết đồng loạt ở bờ biển các tỉnh miền Trung cho dù chưa có kết luận cuối cùng nhưng lời phát biểu của Giám đốc đối ngoại Formosa đã gián tiếp nói lên sự thật: Chọn một trong hai thứ, sắt thép hoặc cá tôm, không thể được cả hai. Cho dù lời nói như một lời thách thức nhưng là lời nói thật, một sự thật đắng lòng. Đó là cái cái giá của sự gọi là phát triển.
Nhân vụ việc nói trên mới nhớ, ngày 5.12.2011, ông Nguyễn Bá Thanh - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng - làm việc với đoàn Hiệp hội các nhà kinh doanh châu Á do ông Sawada Hideo, chủ tịch Tập đoàn HIS, làm trưởng đoàn đến tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Đà Nẵng.
Tại đây, ông Nguyễn Bá Thanh nói: TP Đà Nẵng đang hướng tới một đô thị sạch, kiểu mẫu nên vừa qua khi có hai tập đoàn nước ngoài xin đầu tư hai dự án thép và sản xuất bột giấy có tổng vốn lên đến 4 tỉ USD nhưng lãnh đạo TP đã từ chối.
Đà Nẵng đang bị cho là tụt hậu vì không phát triển công nghiệp.
Vậy Đà Nẵng chọn phát triển công nghiệp hay chỉ có du lịch, dịch vụ, công nghệ cao… để có đô thị sạch, kiểu mẫu như ông Thanh nói trong lựa chọn mà ông giám đốc đối…đầu của Formosa tuyên bố?
Quá khó!
Nhưng sự lựa chọn khó khăn đó mới đòi hỏi tư duy và bản lĩnh của những người lãnh đạo. Nói nôm na, phải có một tầm nhìn xa vượt qua…vòng bụng!
Chiều 24.4, tại xã Hải Ninh Quảng Ninh (Quảng Bình), FLC tổ chức lễ khởi công dự án tổ hợp 10 sân golf. Hàng trăm người dân ở đây đã xông lên lễ đài, phản ứng vì lo sợ về môi trường, quan khách đại biểu buộc phải rời khỏi nơi làm lễ. Và liền ngay sau đó vụ án đã được khởi tố.
Bác Thanh ơi, "sợi dây kinh nghiệm" sắt hay cá của Formosa sợ là "càng rút càng dài" như sinh thời bác nói.

Thứ Năm, 21 tháng 4, 2016

Dũng cảm cũng phải dũng cảm sao cho đúng

Hồi chiến tranh, mình đi theo chiến dịch K8 (đưa con em vùng ác liệt đi sơ tán để giữ “Hạt giống”) ra ở thôn Thọ Đồn, xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa).
Thôn Thọ Đốn nằm bên bờ sông Mã cuồn cuộn chảy.
Một hôm đang tắm thì phát hiện ra thằng Kèo bị nước cuốn, mình và thằng Thắng (hiện làm công an huyện Hương Phú, TT-H) bơi ra.
Thằng Kèo đang hoảng lọan nên vớ được ai là túm chặt, rất khó để gỡ ra. Nếu không cẩn thần thì chết chùm.
Mình và Thắng ngoi lên ra hiệu với nhau xong thì lặn xuống, mình dùng đầu thúc vào thằng Kèo một cái thì tránh ra để Thắng thúc vào một cái. Cứ thế ụi đẩy được Kèo lên khỏi mặt nước. Đến đó thì mình túm tóc thằng Kèo vừa kéo vừa bơi, Thắng hỗ trợ, mỗi khi Kèo cố vớ mình thì Thắng gạt tay nó ra.
Kèo được cứu.
Hai tuần sau, trước buổi chào cờ của Trường cấp II Vĩnh Yên (mình đang học lớp 5 hệ 10), mình được Thứ trưởng Bộ Nội vụ Lê Tất Đắc (lúc đó công an thuộc Bộ Nội vụ) gắn Huy hiệu Bác Hồ (một phần thưởng cao quý mà sau này sách giáo khoa ghi là được tặng huy hiệu của Người).
Không hiểu sao lúc đó Thắng lại không được nhận (ai đề xuất cũng không biết và mình cũng không làm báo cáo thành tích).
Chiếc huy hiệu này mình giữ đến năm 2007 thì tặng lại cho anh Lê Đức Hùng (lúc đó đang là Phó VP đại diện Báo Thanh Niên tại miền Trung) làm bộ sưu tập huy hiệu của anh.
*
Sau này, mỗi lần nghe học sinh đuối nước mình lại nhớ chuyện này. Mình cũng áy náy với việc trao Huy chương Tuổi trẻ dũng cảm cho những học sinh cứu bạn rồi cùng chết với bạn.
Nếu không có kỹ năng cứu đuối thì hãy tìm cách khác, đừng liều lĩnh dù hành động đó cũng rất con người và rất dũng cảm.
Cách đây 10 năm, mình và anh Vĩnh Quyền đến nhà bạn ảnh ở Huế. Cô này có đứa con du học ở Mỹ, lúc đi tắm biển thì thấy người đuối nước, nó bơi ra cứu và bị đuối. Trong căn nhà ngập hoa hồng trắng, cô ấy đau buồn vì mất đứa con trai tuấn tú và ấm ức về việc cảnh sát vùng đó gửi thư phê bình con trai cô.
Không hiểu sao lúc đó mình cũng ấm ức.
Lạ thế.