Thứ Năm, 8 tháng 8, 2019

THỨC TỈNH

Hôm qua đọc thấy mấy cái tin buồn: Một cháu bé bị bỏ quên đến chết trên xe đưa đón của trường Quốc tế; một cháu bé khác bị người tu hành lạm dụng và bạo hành dã man khi tham gia một khóa tu; một cô giáo đội đơn quỳ trước sân cơ quan công quyền…
Mấy việc trên sẽ không xẩy ra khi đất nước có một nền giáo dục đủ tốt, có thể chỉ cần tốt bằng một phần mười so với những gì khoa trương trong các khẩu hiệu: Trường chuẩn Quốc gia, Tất cả vì học sinh thân yêu, Dạy tốt học tốt, Tiên học lễ hậu học văn, Hiền tài là nguyên khí Quốc gia…vân vân.
Khi một Quốc gia mà giáo dục phổ thông và chăm sóc y tế là mảnh đất màu mỡ cho người đua nhau ta kinh doanh kiếm tiền thì khó có thể gọi là ưu việt.
Nhưng chúng ta không trách người kinh doanh. Là vì do Nhà nước làm không tốt nên họ mới làm. Chỉ trách người làm không có lương tâm.
Một trường Quốc tế mà không biết học sinh vì sao không có mặt ở lớp và nại lý do “vì cô giáo phụ trách việc đó nghỉ” rồi để học sinh chết trên xe thì quái đản, quái thai, quái vật thật.
Hồi mới nghe mấy bác sĩ bỏ bệnh viện công ra bệnh viện tư làm việc, thấy hay, vài tháng sau lại nghe họ tháo chạy khỏi bệnh viện tư vì lý do bị giao chỉ tiêu người bệnh. Để đủ chỉ tiêu thì được tập huấn… nuôi bệnh. Nuôi bệnh là sao? Là chữa đừng khỏi, chữa sao để bệnh nhân quay lại. Thật là lũ quái vật chứ đâu phải con người?
Quốc gia này phải thức tỉnh ra. Đừng mê muội vì những điều không có nhưng tự mình dựng lên, nói dối thành quen, như thật, tưởng thật.
Một Quốc gia mà đến chốn tu thiền cũng không yên. Có vẻ như bọn phản động Việt Tân có mặt khắp nơi. Thật bất an.
*
Và chúng ta cũng nên thức tỉnh.
Tôi không ám chỉ trường hợp gia đình cháu học sinh trường Phổ thông liên cấp quốc tế Gateway nói trên mà thấy trong thực tế có nhiều chuyện chưa thật phải.
Một ông bố bà mẹ học ở trường làng, vào đại học, đi làm việc, trằn lưng ra để đóng học phí cho con học trường quốc tế mỗi tháng hơn cả lương hai vợ chồng cộng lại. Thấy khát vọng và kỳ vọng của con người thật là to lớn. Bái phục!
Nhưng mà, theo thiển nghĩ của tôi, học gì thì học, học đâu thì học, chúng ta chỉ thành công, nền giáo dục chỉ thành công, con cái chỉ thành công khi mẹ về già con biết cõng mẹ đi chơi.
Thế giới rồi sẽ không còn quá cần người làm ra tiền mà cần nhiều người sửa lỗi cho những hệ lụy từ tiền. Họ không cần thiên tài mới sửa được lỗi, mà cần làm người bình thường, sống tốt. Mọi người đều sống tốt thì mới sửa được quá nhiều lỗi do tiền nhân gây ra.
Thiên hạ đang ngày một thiếu đi người bình thường.

Thứ Năm, 4 tháng 4, 2019

TRÊN ĐỜI NÀY, CÁI GÌ THẬT NHẤT?

Nhiều tỷ phú, đấu giá bức tranh vài triệu đến vài chục triệu đô.
Bức tranh được treo nơi trang trọng nhất, bao nhiêu người có số má cũng chỉ được đứng từ xa ngắm, ngưỡng mộ nức nở.
Đó là bức tranh được thuê chép lại, bản chính đã được bỏ trong két sắt khóa 7 lớp.
*
Thằng em làm sếp, đeo cái đồng hồ Rolex, cầm điện thoại Vertu.
Một hôm ngồi nhậu, nó nghiêng tai nói nhỏ: Em mua cái đồng hồ 700 ngàn, khuyến mại thêm cái Vertu đó anh. Em dùng thì chúng nó tin chắc đồ thật chứ anh dùng nó lật mặt Tàu ra, ôi lắm.
*
Đi nhậu với mấy đứa bạn. Uống hết chai rượu thứ nhất, gọi chai thứ hai.
Một thằng sành điệu nhăn mặt: Rượu dỗm!
Mấy thằng cầm ly nhấp cái: Đúng, dỗm!
Bà chủ nhà hàng lên nạnh: Rượu vợ bí thư gửi bán mà mấy ông kêu dỗm. Mấy ông dỗm thì có!

THÂN PHẬN CON NGƯỜI

Mình không thích những người chế nhạo hình ảnh cô Lê Hoàng Diệp Thảo khóc khi rời tòa.

Vợ chồng sống với nhau ngần ấy năm, có với nhau chừng ấy mặt con, lâu nay dù cho ly thân nhưng danh nghĩa vẫn là vợ chồng, nay chính thức không còn nữa. Đó là một cung bậc tình cảm rất khác. Có thể ví như người sống thực vật, nay rút ống thở vậy.
Nên lắng lại một tý đi.
Không phải lúc nào, ở đâu cũng vì tiền.
Một người đàn ông ly dị vợ lúc 48 tuổi rất khác người đàn bà 4 con ly dị chồng lúc 46 tuổi.
Cá nhân mình thấy, bức ảnh gợi rất nhiều cảm xúc về thân phận con người.
(Ảnh của BÁO THANH NIÊN)

NHẦM CHỖ

Mọi thứ sẽ ổn nếu như ông Vũ Minh Hiếu (tức Thích Trúc Thái Minh) điều hành Trung Nguyên và Đặng Lê Nguyên Vũ trụ trì chùa Ba Vàng.
(Nó không ổn vì một ông tu thì thích làm kinh tế, một ông làm kinh tế thì thích tu).
Cái này bên tổ chức gọi là bố trí cán bộ đúng năng lực.
Hầu hết mọi cái sai đều bắt nguồn từ nhầm chỗ. Kể cả BOT và lấy vợ, lấy chồng.


HÃY GIỮ LẤY CON MÌNH, NẾU KHÔNG, SẼ MẤT HẾT!


Tháng trước, ở Quảng Bình: Bạn học với nhau, đi hát hò, bạn có chút men, chở bạn về thì hiếp dâm ban.
Thế là đã quá thú vật rồi, nhưng chưa hết, còn quay clip lại, post lên mạng để…khoe.
Tháng này ở Quảng Trị: Cùng bạn học với nhau, đi sinh nhật, về rồi thì hiếp dâm bạn, mà hiếp dâm tập thể.
Một nhóm bạn trai, hiếp dâm bạn gái cùng học, hãy tưởng tượng mà xem nó kinh khủng như thế nào?
Các vụ học sinh đánh nhau, rất nhiều vụ kèm màn lột đồ. Điều đáng nói là nhiều bạn học không hề can ngăn, thản nhiên quay clip để post chơi.
Nói vô cảm e không đúng, mà con người, những người trẻ đó, đã mất hết cả tính người.
*

Quy hết lỗi về ngành Giáo dục không sai nhưng không đúng hoàn toàn. Hãy xem lại cách giáo dục của cả hệ thống.
Đối với đoàn thể:
Biết bao cuộc trống giong cờ mở, “học tập và làm theo…”, biết bao cuộc trống giong cờ mở hành trình về nguồn này nọ, giáo dục đạo đức. lý tưởng, ra quân dẹp tệ nạn này kia… Hàng ngày ở trường thì đội cờ đỏ cờ đen búa xua oách lắm.
Nhân cách, đạo đức gì mà một học sinh bị bạn bạo hành không dám mở miệng, bạn biết, cô giáo chủ nhiệm biết cũng không có biện pháo ngăn chặn… Khi vụ việc phơi bày trên mạng thì tìm cách giấu giếm chỉ vì sợ ảnh hưởng thành tích.
Tinh thần và lý tưởng ở đâu?
Ở khu dân cư: Bảo đảm nhà của 5 đứa trẻ bạo hành bạn, nhà của mấy đứa hiếp dâm bạn… chắc chắn là gia đình văn hóa liên tục nhiều năm.
***Đối với gia đình: Hẳn luôn nghĩ con mình là giỏi. Không giỏi cũng chạy chọt cho được giỏi. Sẵn sàng bỏ phong bì chạy trường, mua điểm, lên bậc đạo đức... nhưng không sẵn sàng để lắng nghe và hiểu con mình.
Con mình không lo giữ lấy thì đến lúc có tiền "mua nó quay trở lại" cũng không được đâu. ****
Trong một hệ thống hình thức và dối trá đó hẳn sẽ sinh ra những con người đó mà thôi.
*
Bây giờ, các ngành, đơn vị đều có lực lượng thành đấu tranh trên mạng. Những người tham gia đều là những người trẻ, rất trẻ.
Tôi không phê phán về việc thành lập lực lượng này mà còn ủng hộ, nếu những người tham gia là những người hiểu biết, có học vấn và tư cách, tranh luận có lý lẽ và văn hóa tranh luận để thuyết phục người khác.
Tôi chỉ không thích sự kém hiểu biết của họ. Cứ có chuyện gì không tốt về đơn vị mình thì họ xúm vào chửi bới. Vốn từ rất hạn hẹp và chửi bới rất vô học. Hung hăng lấy thịt đè người như hồng vệ binh của Tàu. Một thế hệ trẻ kế cận của ngành đó đấy nhé.
Khi người trẻ a dua chạy theo mấy "thần tượng" tào lao, có ai trong lực lượng này mở mồm không? Không! Vì họ cũng đang... "thần tượng". Nếu không thần tượng thì cũng không đủ lý lẽ để nói. Và dù có lực lượng cả chục nghìn người thì đám giang hồ sống ảo quậy phá vẫn chiếm thế thượng phong trên mặt trận mạng meo.
Người lớn đã làm hư bọn trẻ.
Đến đây thì… hết nói.
*
CÁC BẠN, HÃY TÌM CÁCH GIỮ LẤY CON MÌNH!

Trò chuyện với người trẻ (No3): NGHĨ KHÁC ĐỂ THÀNH CÔNG



Trước hết hỏi cái: Có người trẻ nào bây giờ chịu khó đọc hết chừng này chữ không? Nếu đọc thì đã là người nghĩ khác 



* NGHĨ KHÁC VỀ HỌC VÀ LÀM
1. Học để làm chứ không học để xin vô biên chế.
2. Học cái không có trong sách chứ không học cái đã viết trong sách.
3. Học để tìm kiếm sự thú vị chứ không phải học để hành xác.
4. Học môn giúp ích cho mình chứ không học môn vô bổ để lấy bằng.
5. Học để ra người ta xin việc mình chứ không học để đi xin việc.
6. Học để làm người bình thường chứ không học để làm người phi thường.
7. Học để xây dựng gia đình hạnh phúc chứ không phải để quên gia đình.
8. Học để có nhiều bạn chứ không phải học để hơn bạn.
9. Học để đừng làm phiền người khác chứ không phải để làm phiền người khác.
10. Học để biết nhận lỗi chứ không học để chối lỗi.
11. Học để biết khen người khác chứ không học để chê người khác.
12. Học để biết mình thua cả tỉ người trên trái đất chứ không phải để thấy mình năm nay hơn mình năm ngoái.
13. Học để tự nói, không học để cầm giấy đọc.
14. Làm cái người khác chưa làm chứ không làm theo cái người khác đã làm.
15. Làm việc mình thích chứ không làm việc bố mẹ muốn.
16. Làm việc để kiếm tiền, biết cách hưởng thụ và giúp người khác chứ không làm việc chỉ để kiếm tiền.
17. Làm để nuôi con học hành có kiến thức chứ không phải làm để dành tài sản cho con.
18. Sợ không có võ chứ đừng sợ không có đất dụng võ.
19. Đừng đi tìm minh chủ, hãy tự mình làm minh chủ cho mình.
* ĐI LÀM ĐỂ LÀM GÌ?
Câu hỏi rất ngu. Đi làm để có ăn, nuôi bản thân, lo cho gia đình, để con cái học hành chứ làm gì nữa?
À, vậy hỏi tiếp, nếu muốn vào công chức, tối thiểu phải mất 300 triệu (dù có tổ chức thi cử như thật). Gia đình không có, cầm sổ đỏ đi vay. Mỗi tháng trả lãi bao nhiêu nhỉ? 2,4 triệu!
Xong vào lĩnh lương công chức ban đầu, nhóm 3 (C3) là 2.011.500 đồng. (Làm tròn là 2,1 triệu). Chưa đủ trả lãi ngân hàng.
Giả sử, 300 triệu này là số tiền ba mẹ đầu tư, không phải vay, con không phải trả lãi mà chỉ trả vốn cho ba mẹ dưỡng già, thì: Mỗi tháng tiền thuê nhà 500 nghìn đồng (ở ghép); Tiền xăng xe 600 nghìn đồng; còn 1 triệu.
Nếu nhịn ăn, nhịn mặc, nhịn tắm... thì 300 tháng, tức là 25 năm sau mới trả được cho ba mẹ. Nếu tính tăng lương theo bậc thì thời gian tạm tính có thể rút lại còn 12 năm.
Vậy làm làm gì?
Nhưng bao nhiêu người vẫn nô nức, hào hứng, hãnh diện, chen nhau để vào công chức và vẫn sống khỏe. Hay chưa?
Không làm thêm mà có thì làm gì? Ăn cắp! (Mỹ từ là tham nhũng).
Không vòi vĩnh, khai khống mới là chuyện lạ.
*
Cuộc đời khi trưởng thành cho đến khi về hưu tính ra chừng 35 năm. Phần lớn thời gian trong số đó dành cho công việc cơ quan. Cơ quan là ngôi nhà thứ hai như ở chính của ta.
Vậy thì cơ quan phải vui. Chứ đi làm mà trên đe dưới búa, đồng nghiệp tị hiềm, sếp nạt nộ thì đó là đi... hành xác chứ đi làm gì?
Mà cuộc đời ta thì phải sống, vì ta, vì bố mẹ, vì con cái... bao nhiêu là việc. Đến cơ quan thì như thế, lại mang áp lực và sự bực bội về nhà (chưa kể mất công nghĩ mẹo ăn cắp) thì còn gì là sống?
*
Vậy nên, đi làm, nhất định phải đi. Nhưng làm việc mình thích (đã thích tức có năng khiều, năng lực và thấy dễ dàng). Nhưng mà phải có thu nhập để sống cho ra sống (sống đàng hoàng, đừng nghĩ cách ăn cắp) thì nên tìm một công việc chứ đừng tìm một biên chế.
Muốn tìm một công việc phù hợp có thu nhập cao thì nên học, không phải học lấy bằng mà học để làm.
Đi làm thuê thì được người thuê trọng dụng.
Có khả năng làm chủ thì thành minh chủ cho người khác được nhờ.
Thế mới gọi là đi làm. Thế mới gọi là sống!
* LÀM CÔNG CHỨC ĐỪNG NÊN GIỎI QUÁ?
Là đang nói trong bối cảnh hiện nay, sau này thì chắc sẽ khác 
Không biết mọi người thế nào chứ trong ngần ấy năm làm việc, mình luôn để ý và nhận thấy một điều, những người giỏi, những người thạo việc, những người nhiều tài... con đường thăng tiến sẽ rất khó khăn.
Kể nghe:
Có hai ông anh con bác họ gần, một anh lớn tuổi hơn và một anh nhỏ tuổi hơn mình.
Anh nhỏ tuổi hơn đẹp trai cỡ bằng mình (hồi trước mình đẹp trai lắm, giờ đỡ nhiều rồi ) nhưng ổng cao đến mét tám nên thành ra về ngoại hình chấp mình “trên 10 km”.
Ảnh học ĐHSP rồi làm giáo viên ở ngoại ô TP Huế. Về trường, con gái quanh vùng rủ nhau đi xem, thấy rồi thì xuýt xoa, mơ ước, giành nhau, ghen nhau. Đồng nghiệp thì điên máu còn trai làng luôn tìm cách gây sự. Đến mức hay tin, về hè, mình phải dạy cho anh mấy chiêu ruột để tự vệ. Từ đó cứ sáng ra, anh cởi trần, đấm đá nát bét cả vườn chuối sau trường. Trai làng nhìn thấy thế mới chịu lãng ra.
Anh hát hay, đàn giỏi, làm thơ hay,.. Học văn mà thiếu giáo viên dạy nhạc ảnh dạy luôn, thiếu giáo viên mỹ thuật, dạy luôn... Văn nghệ cần có giải thì phải cầu anh ấy. Lãnh đạo tiếp khách quan trọng cũng phải gọi. Đại để thế.
Dạy hơn 30 năm rồi vẫn không làm nỗi chức hiệu phó, học trò anh dạy và ngưỡng mộ tài năng của thầy lại về làm sếp ảnh.
Ông anh lớn tuổi viết văn thì văn hay nổi tiếng luôn, giải này giải nọ, được dựng thành phim này phim nọ. Làm truyền hình cũng đủ loại huy chương. Từ kịch bản, lời bình, dẫn chương trình... làm ngon. Khó đâu đều kêu anh ấy.
Nay về hưu rồi cũng chưa có nỗi chức “nguyên phó phòng”.
Cũng không ai ghét mấy ổng, có điều, đưa lên ổng làm quản lý thì thiếu người làm, thế là hai ông làm lính miết.
*
Lại kể, có ông về làm việc ở cơ quan thì cơ quan đó kêu trời, đến mức không dám giao việc cho ảnh vì sợ bể chuyện. Không có việc gì cụ thể nên trên bổ về yêu cầu cơ quan cử người đi học gì đó, sếp thấy ai đi cũng khó có người thay nên cử anh ta đi. Hết lớp này đến lớp khác, Mọi người bận còn ảnh rảnh nên hay đến thăm sếp này sếp nọ, đến khi làm quy hoạch, cơ quan chỉ có ảnh đủ bằng cấp theo tiêu chuẩn. Đương nhiên ảnh lên làm sếp. Cả cơ quan cười méo xẹo.
Một cô khác ngơ ngơ như ngỗng đội lá môn, chẳng làm được gì. Vậy rồi sếp lớn về hưu, mấy ông phó đánh nhau chí chóe tranh ghế; mấy ông trưởng phó phòng thì theo phe ông này ông khác loạn cả lên. Trên về dẹp xong cái thấy cô ngỗng đội lá môn không theo bên nào, lại đang cần cơ cấu nữ nên đưa lên.
Chết chúng mày chưa!
*
Vậy nên, trừ làm báo (vì không ai nghĩ đề tài, đi lấy tư liệu rồi viết thay cho được), và một ít ngành đặc thù, còn lại làm công chức, viên chức nói chung, muốn làm sếp nếu không có thân thế, không đủ tiền bạc, không thể vô liêm sỉ để luồn cúi, nịnh nọt thì đừng nên giỏi, à không, đừng nên bình thường mà phải... khờ. Có thể khờ thật, có thể giả khờ, nhưng nhất định đừng làm gì ra hồn và ai làm gì cũng đừng ý kiến ý cò. Cứ từ từ mà lượm hoa rơi.
Thạo việc cái gì sếp cũng kêu, mắc mệt. Giao việc mình làm cái rẹt xong sau này bình bầu nó bảo chưa phát huy hết năng lực, thằng khờ cặm cụi mấy ngày chưa xong lại được đánh giá là cần cù, chăm chỉ, siêng năng... Làm cái gì nó cũng phải hỏi, sếp lại bảo chịu khó học hỏi.
Thằng nhanh nhẹn, chụp ảnh đẹp thì không bao giờ có trong khuôn hình. Chỉ thế thằng giỏi cũng đã thua thằng khờ rồi.
Giỏi, cương trực, trung thực, có chính kiến... thì đừng chôn mình ở đó, thoát, ra ngoài, nơi lấy thước đo công việc để trả lương mà làm. Có thể làm thuê, làm lính nhưng “lính đẹp trai”   

Trò chuyện với người trẻ (No2): HỌC AI VÀ HỌC CÁI GÌ?



Tôi vừa đọc xong và đang đọc lại quyển ĐẠI HỌC của TS. Nguyễn Xuân Xanh. Trước đó, có đọc CÁC CÔNG DỤNG CỦA ĐẠI HỌC của Clark Kerr.
Lâu nay đọc sách chuyên môn về báo chí là do mình hành nghề báo, nay đi dạy nhiều nên phải biết đại học là cái gì. Và đọc xong, thực sự… hoảng hốt. Hóa ra chúng ta được đào tạo trong một môi trường… rất sai! Đó là lý do tôi viết “Trò chuyện với người trẻ". Đây là bài thứ 2. Mục đích là gợi mở vấn đề để bạn trẻ suy nghĩ.

CHỈ VN MỚI CÓ ĐẠI HỌC… LÀM GÌ CŨNG ĐƯỢC
Trong bài đầu, ĐỪNG CHẾT VÌ ẢO TƯỞNG. tôi nhận được comment của Phan Văn Tú: “Không có ai mơ ước làm khoa học hết hả anh?”, câu hỏi làm tôi giật mình y như đã giật mình khi đọc xong hai quyển sách nói trên.
Nói gọn lại, đại học chính là nơi đào tạo ra những con người làm thay đổi thế giới nhờ những phát minh khoa học của họ. Vì thế, thầy muốn dạy cái thầy muốn và sinh viên muốn học cái sinh viên muốn. Ta đã nhận thức sai về đại học và vì thế tạo ra một môi trường cũng… sai nốt.
Thử hỏi xem: Người trẻ bây giờ có ai muốn làm khoa học? No!
Mà đất nước không có các nhà khoa học tài danh thì không thể nào tiến lên được, mãi mãi lẹt đẹt chạy theo người ta.
Cả nước từ nhí đến già đua nhau đi thi sắc đẹp, thi giọng hát, thi tấu hài, thi MC… Cứ như cả nước sắp gia nhập giới showbiz (các địa phương đều thành đầu tàu).
Có một cuộc thi có thể coi là đàng hoàng nhất, “Đường lên đỉnh Olympia” thì lại là nơi phát hiện nhân tài cho… nước khác.
Oái oăm thay, nhiều địa phương, như Hà Nội, đặt ra mục tiêu phổ cập tiến sĩ cho cán bộ lãnh đạo. Rất nhiều cán bộ lãnh đạo là tiến sĩ, tức là vô cùng nhiều nhà khoa học đi làm cái việc chẳng liên quan gì đến chuyên môn của mình. Vì thế trong nhiều thập niên, VN chưa có một phát minh nào nên hồn. Những phát minh phục vụ đời sống toàn dựa vào… nông dân! Bi kịch chưa?
Thực ra, những người có bằng tiến sĩ nói trên không phải là tiến sĩ đúng nghĩa (trừ làm ở nước ngoài mà cũng chỉ vài người làm thật thôi).
Cái sai từ đào tạo đã dẫn đến cái sai về cuộc sống. Sinh viên học đại học như đi học nghề. Và họ có học lên cao thì để nhằm mục đích đạt các tiêu chuẩn để tuyển dụng và tiến thân theo đường công chức. Và cho dù đã học như thế, nhưng muốn tiến thân họ phải qua trường chính trị. Cứ học xong cử nhân hay cao cấp chính trị thì ra làm gì cũng được. Cả thế giớ chỉ có VN có trường này. Kinh chưa?

NGHỀ… LÃNH ĐẠO
Một cán bộ, trong cuộc đời, để làm lên hàng lãnh đạo, phải “luân chuyển” rất nhiều nơi. Các bạn thấy không, mình làm một việc, hiểu rõ về việc đó đã khó, cán bộ thì lúc làm công thương, lúc chuyển qua văn hóa, lúc làm bí thư, lúc làm chủ tịch…
Còn cán bộ đoàn rồi thì làm lãnh đạo tuốt, lãnh đạo gì cũng xong, như thể siêu nhân. Cái gì cũng làm và cái gì cũng… trời ơi đất hỡi. Đến nói trên nghị trường cũng làm trò cười cho thiên hạ.
Cha ông đã dạy: “Một nghề cho chin hơn chin mười nghề”. Cán bộ lãnh đạo của ta nếu rời chức vụ không có ai thuê làm là vì thế. Và vì thế, họ kiên quyết giữ cái ghế của mình bằng mọi giá, kể cả nghĩa đen của giá. Trong cuộc đời họ chỉ làm nghề không khai trong lý lịch: Nghề lãnh đạo!
Điều này đã tác động lớn đến tâm lý, suy nghĩ và động cơ của người trẻ.
XIN TIỀN BỐ MẸ?
Đó là thói dựa dẫm thâm căn cố đề do chính bố mẹ tạo ra. Cái gì cũng nghĩ làm cho con trong lúc đáng lẽ, chỉ nên cho con kiến thức là đủ.
Một người sức dài vai rộng thế nhưng làm gì cũng xin tiền bố mẹ, kể cả xin để đi làm… tình nguyện. Đến khi ra đi làm rồi, mua nhà cửa, xe cộ cũng xin bố mẹ. Mà bố mẹ thì già, chân lấm tay bùn, phải oằn lưng lượm từng đồng bạc.
Tôi đã gặp rất nhiều sinh viên sử dụng laptop, máy ảnh, điện thoại di động loại mà cả đời tôi chưa có, dù rõ ràng tôi làm ra tiền hơn sinh viên. Vì sao? Vì tôi thấy dùng những thứ tôi dùng là đủ. Trong lúc sinh viên về nói với ba mẹ là con học báo chí, cần phải thế này thế kia, thế là đến cắm sổ đỏ ba mẹ cũng cắm để vay mà sắm cho con. Sắm để con làm gì? Làm màu!
Sắm đồ xin không dùng vào mục đích hành nghề mà để làm anh hùng bàn phím, để seo-phì, để a dua với số đông vào thần tượng trước đây là bà Tưng, sau này là anh Khá Bảnh, anh Phúc XO… Thật vô bổ! Vô bổ là vì sao? Là vì những đứa đó không có cái gì để ta đáng học, nó có thể ồn ào trên mạng một lúc rồi thiên hạ sẽ quên nó đi vì có đứa khác nhố nhăng hơn, tưng hơn.
Hãy nhớ, anh theo đám đông nào người ta sẽ đánh giá được con người anh ngay. Và thời đại kỹ thuật số này, nó lưu giữ suốt đời. Mai kia anh có làm gì thì sẽ có người lục anh ra mà phán xét. Coi chừng!
NÊN HỌC TẬP AI?
Cả nước đang học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tôi là người thần tượng Bác Hồ vì thế thấy không có gì sai cả. Nhưng thực sự để học tập và làm theo một con người có lẽ chỉ có một trên cõi đời này thì thật là khó cho người học.
Trong cuộc sống, em nên học anh, con nên học cha mẹ, bạn bè nên học nhau, cao hơn thì nên học và thậm chí thần tượng những danh nhân, những người gần gủi với lĩnh vực mình đeo đuổi. Con người không bao giờ toàn bích nên học là học cái tốt của họ.
Học bạn là học cái bạn giỏi, vì sao mình ngoại ngữ yếu thế này mà bạn mình giỏi thế? Học. Mà nói học thì học ngay đừng để đến ngày mai.
Tôi thường khuyên sinh viên, ngoài học tập chuyên môn của mình thì chỉ có một điều đáng quan tâm, đáng học và phải học là ngoại ngữ. Trẻ không học, có thời gian không học thì đợi đến khi nào?
Điều vô lý nhất của người trẻ hiện nay là khi đi học lại tính chuyện đi làm thêm, đến khi ra đi làm lại tính chuyện đi học. Lúng túng mãi mà chẳng có cái gì ra hồn. Lạ chưa?
Làm đến ông này bà kia mà khi bắt tay ngoại giao, giới thiệu thành phần đoàn của mình cũng không nói nỗi một câu tiếng Anh hỏi có nhục không? Nghĩ thế đi.
Bác Hồ biết mấy chục thứ tiếng đấy, bây giờ có ai học được không mà suốt ngày ra rã? Lãnh đạo là họ nhận lãnh cái phần chỉ đạo, mà chỉ đạo thì không làm cụ thế nên họ chẳng rành gì đâu, tin họ một vừa hai phải thôi.
ĐỌC SÁCH
Này nhé, nếu lãnh đạo và những người quản lý ngành đọc ĐẠI HỌC của TS. Nguyễn Xuân Xanh hay CÁC CÔNG DỤNG CỦA ĐẠI HỌC của Clark Kerr thì ta đâu có một nền giáo dục nhôm nhựa như hiện nay? Đến đọc cái người ta đúc kết trí tuệ nhân loại để áp dụng cũng không đọc nữa thì làm được gì? Phải không?
Người trẻ thông minh, năng động nhưng phải có ý chí. Muốn có ý chí thì phải độc lập suy nghĩ. Muốn độc lập suy nghĩ thì phải đọc sách, đọc sách và đọc sách. Đọc sách để xây dựng văn hóa nền của mình.
Buồn thay, văn hóa đọc ngày càng mai một.
Đừng bao giờ than học xong không có việc làm, cử nhân, thạc sĩ đi xe ôm… Tôi cam đoan, đó là những người kém, xe ôm chính là công việc phù hợp với họ.
Lãnh đạo đừng bao giờ nhắc lại câu: “Thừa thầy thiếu thợ”. Học đại học VN ra không phải là thầy mà càng không phải là thợ!
Trong vô vàn nhiễu nhương của đời sống thì ta chọn cái gì? Đó mới là người giỏi!



Trò chuyện vơi người trẻ (No1): ĐỪNG CHẾT VÌ ẢO TƯỞNG!


Những gì tôi viết sau đây là nói về số đông, không nói cá biệt. Các bạn trẻ đừng lướt, hãy dừng lại vài phút để đọc nó.
THÀ SAI LẦM TRÊN ĐƯỜNG ĐI CÒN HƠN LẠC LỐI
Hầu hết các bạn trẻ bây giờ mơ ước: Học xong đại học sẽ có việc làm. Người mơ ước có một biên chế, từ đó sẽ tiến thân trên chốn quan trường, lấy chức vụ làm thước đo của sự thành công. Một nhóm khác, mơ ước làm kinh tế, trở thành ông chủ, lấy quy mô của sự phát triển công ty, tập đoàn mình làm mục tiêu. Nhóm thư ba, có lẽ ít nhất, chỉ mơ ước có một cuộc sống bình thường.
Cả hai hướng đi đó đều không có gì sai, và, đó cũng chính là mong muốn của phụ huynh. Nhóm thứ ba thường không được người đời đánh giá cao. (Tôi lại thấy làm được người bình thường đã là... vĩ đại).
Cựu bí thư Thành ủy Đà Nẵng, trong một lần nói chuyện với đoàn viên, thanh niên đã khuyên: “Các anh chị phải có mơ ước để trở thành bí thư, chủ tịch TP chứ đứng cam chịu làm đoàn viên mãi”.
Câu này có tác động lớn đến giới trẻ vì họ nhìn lại, toàn thấy lãnh đạo xuất thân từ cán bộ đoàn.
Nhưng lời khuyên này quá phi lý, vì TP chỉ có một bí thư và một chủ tịch. Khuyên thế chúng nó không choảng nhau để tranh giành mới lạ.
Còn hiện thời, lãnh đạo nước ta, trong mọi cuộc nói chuyện, đều kích thích thanh niên trở thành ông chủ.
Cả hai việc đó đều rất khó. Để trở thành lãnh đạo, có nhiều tố chất mà người thông minh, bản lĩnh cũng khó có được, và nếu không có thì đã mất đi yếu tố “cần và đủ”. Chuyện này chúng ta ngầm hiểu với nhau vì ai cũng biết đó là cái gì.
Còn trở thành ông chủ, ước mơ thì không đánh thuế, nhưng nó thực sự khó khăn, kể cả ông chủ bán trà sữa vỉa hè. Sự ảo tưởng ở đây là ảo tưởng biến thanh niên cả nước thành ông chủ, cả lãnh đạo và thủ lĩnh, không ai khuyên họ phải thành người làm thuê giỏi cả.
Nhưng trở thành quan chức tử tế hay người chủ giỏi, trước hết phải biết mình là ai.
Biết mình là ai thì mới chọn được con đường đi đúng. Và thà sai lầm trên đường đi đúng còn hơn là lạc lối.
Chọn làm ông chủ có thể bị lạc lối nếu làm thuê thì giỏi hơn, làm thuê mà nhiều người cầu cạnh.
HÃY TÌNH NGUYỆN CHO... CHÍNH MÌNH TRƯỚC!
Tôi từng làm ở một tờ báo của giới trẻ, trong rất nhiều năm, đã tham gia cổ súy phong trào thanh niên tình nguyện. Cái đó không có gì sai nhưng nó chỉ có giá trị ở một thời điểm lịch sử cụ thể chứ không phải là giá trị vĩnh hằng. Bởi vì, ai cũng biết, làm tình nguyện là giúp đỡ ai đó, đâu đó một công việc cụ thể, nó tương xứng như cho người cần giúp một “con cá”, trong lúc cống hiến cho xã hội mới mang lại cho họ “cái cần câu” căn cơ. Vì thế đứng biến nó thành thước đo.
Chuyện khôi hài nhất là gia đình bố mẹ thì nghèo, đến mùa lúa phải thuê người gặt còn con mình thì xin tiền bố mẹ để đi… tình nguyện, hết hè này đến hè khác.
Đưa chứng nhận hộ nghèo xin miễn học phí sao đến kỳ tình nguyện không xin trường cho mình về giúp hộ nghèo?
Hôm qua, một anh bạn đã comment rất vui vào dưới stt của tôi, đại để, em gái anh, ngủ dậy cũng bắt bố mẹ gấp chăn màn, tức là ngay cả việc tối thiểu cũng chưa lo được cho mình lại suốt ngày đi tình nguyện.
Cái này dân gian thường nói, “việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng”.
Tôi không phủ nhận điểm tốt của tình nguyện nhưng điểm không tốt thì tôi đã nhìn thấy, đó là biến tình nguyện thành nơi đàn đúm. Mãi hơn hai chục năm rồi, tôi và anh em báo tôi vẫn ám ảnh về cảnh ông Nguyễn Lân Trung dẫn một đoàn sinh viên Hà Nội tình nguyện vào cứu trợ bão lụt, ở khách sạn 2- Lê Lợi, Huế. Ông điện thoại xin tiền, hàng cứu trợ của bạn đọc thông qua báo tôi để đi… cứu trợ. Khi anh em tôi mang đến, mở cửa phòng, thấy thầy trò trai gái nằm chọc ghẹo nhau ngã ngớn trên giường, trên sàn. Hôm đó tôi điên đến mức đá tung một thùng carton đựng sữa đã khui ra uống gần hết, ngoài thùng đề “hàng cứu trợ”.
HỌC CHO MÌNH!
Quay trở lại chủ đề. Muốn làm gì đi nữa thì học hành cũng phải tử tế. Học là học cho mình, là để tích lũy kiến thức chứ không phải chỉ lấy cái bằng.
Đào tạo tín chỉ là sự tiến bộ nhưng nó chỉ có tác dụng với sinh viên tiến bộ và có ý thức. Tôi đã chứng kiến vài sinh viên đến giờ học với tôi thì xin phép sang học môn khác “vì em học một lúc hai bằng”. Và thầy dạy luật cũng phàn nàn, hôm nay mấy đứa xin nghỉ giờ tôi để qua học giờ anh vì nó học hai bằng.
Những người đó đến tuyển dụng nên khen: “Em giỏi quá, nên xin làm nơi khác, chỗ tôi em không có đất thi thố đâu, phí”. Là cách nói thôi chứ những người đó môn chẳng ra môn, khoai chẳng ra khoai, ảo tưởng thì đầy mình.
Có ai tin được chuyện này không: Công ty sửa chữa tầng hai nên đưa cái máy fotocopy xuống tầng một. Sửa chữa xong, giao 8 cậu nhân viên đều là thanh niên trình độ cử nhân, kỹ sư, có thâm niên tình nguyện, đưa cái máy lên lại tầng hai, bảo nếu thuê thì mất 1 triệu, giao cho tụi bây 2 triệu, làm lấy tiền chiều nhậu nhẹt. Không làm được. Suốt ngày điện thoại sếp ơi, tụi em chịu. Bảo vận hết trí lực nghĩ coi. Vẫn chịu. Và rất hồn nhiên tuyên bố đầu hàng.
Khi về chỉ cuộn dây, ròng rọc, bảo, sao không dùng nó đưa lên? Tụi nó rất hồn nhiên: Sao sếp không bày trước? Hỡi ôi.
Kỹ năng như thế làm chủ được không?
HẾT LÃNH ĐẠO CÓ AI THUÊ LÀM KHÔNG?
TS. Philipp Roesler, cựu Phó Thủ tướng Đức, sau khi rời ghế đã làm việc cho VinaCapital với vai trò chủ tịch hội đồng cố vấn Quỹ đầu tư VinaCapital Ventures.
Có lãnh đạo nào của VN rời ghế thì được nơi khác mời đi làm thuê không?
Còn lâu. Vì sao? Vì họ chả làm gì được ngoài… lãnh đạo. (Mà lãnh đạo trong hệ thống công quyền Vn thôi nhé!)
Đó là lý do tôi không tin lời họ nói về lập nghiệp. Không tin là để đừng ảo tưởng.
Các bạn trẻ! Bất luận trường hợp nào cũng phải nghĩ: Làm giàu rất khó! Tuyệt đối không tin vào lời phủ dụ: “Làm giàu không khó!”.
Làm giàu không khó mà cả nước gánh nợ công oằn cả lưng?
Làm giàu không khó thì chỉ có bọn ăn cướp!
Cả nước thành ông chủ thì chẳng ông chủ nào làm gì cả, Ngồi ngáp vặt mà chết đói!
Các vị ạ, các vị hãy dạy cho con em biết lo cho bản thân, cho gia đình trước khi nói đến cống hiến và những điều vĩ đại khác. Đừng để một thế hệ sống vì ảo tưởng rồi chết vì ảo tưởng!
Einstein từng viết: “Ở đâu có ý muốn, ở đó cũng có con đường”. Nhưng, tất nhiên, nó phải được đi bằng chính đôi chân của mình chứ không phải bằng cái mồm hô hào của lãnh đạo và cái gọi là phong trào. Thật đấy!

NGUYỄN THẾ THỊNH

Thứ Năm, 31 tháng 1, 2019

MIỀN CỰC LẠC TIÊU TIỀN ĐỊA PHỦ, CÁ NƯỚC NGỌT BỊ DÌM CHẾT DƯỚI SÔNG HÀN

Phong tục thờ cúng gia tiên (gọi là thọ mai) là một nét văn hóa của người Việt, nó không liên quan đến tôn giáo nào cả.
Thế nhưng hiện nay, trên mạng, các trang hướng dẫn về phong thủy, nghi lễ, thậm chí hầu hết các báo viết về đề tài này đều dẫn những bài văn khấn (nhất là các lễ cúng dịp tết) đều bắt đầu và kết thúc bằng câu “Nam mô a di đà phật (3 lần). 
Ai cũng biết câu này thuộc về đạo Phật.
*
Tôi không theo đạo Phật nhưng rất thích triết lý của đạo Phật. Thượng tọa Thích Nhật Từ giải thích ngắn gọn, triết lý đó là lo cho người sống chứ không phải người chết. Ngay cả khi làm lễ cầu siêu cho người đã khuất cũng là lo cho người sống.
Sống phải tích đức chứ không phải chết rồi cầu phúc đức.

Thầy nói thế này:
Khi cúng ông Công, ông Táo hay cúng tất niên, giao thừa, thường có áo mũ, vàng mã. Không đúng. Ông Công, ông Táo, quan hành khiển làm việc của Ngọc Hoàng giao. Họ có trang phục, có phương tiện được cấp. Không ông nào lại mang đồ cuả người dương gian tặng, cưỡi cá chép, cầm tiền vàng của dương gian cúng… (hóa ra họ nhận lối lộ à?). Nên các lễ cũng đó là nghi lễ đón rước hoặc đưa tiễn, nên làm vui vẻ nhưng nhẹ nhàng. Đã là tiên, là thánh… thì họ chỉ hưởng hương hoa mà thôi.
Tôi thấy có lý.
Và thọ mai không khấn Nam mô…chỉ kính lạy (ông này bà khác).
*
Ai cũng cầu cho người chết vãng sinh cực lạc, tức là đến miền cực lạc. Vậy sao đốt tiền “Ngân hàng địa phủ”? Muốn họ ở đó hoài để tiêu tiền à?
Quá vô lý.
*
Mấy hôm nay trên mạng đưa các clip về phóng sinh mà thấy đau lòng. Người vừa phóng sinh, cá chưa kịp bơi đã bị điện dí giãy đành đạch. Họ bắt lại không phải để ăn mà để cho nó tỉnh lại rồi bán tiếp cho người mua để… phóng sinh.
Không có chuyện phóng sinh thì có phải chim cá nó sống đàng hoàng không?
Phóng sinh là khi thấy một con chim bị ướt lông không bay được thì cứu nó. Thấy ai làm thịt con chó thì can lại, hỏi mua rồi mang về nuôi hoặc thả nó nơi hợp lý…Chứ đi đặt mua để phóng sinh là mắc tội chứ phóng sinh gì?
Đặt thì có người săn bắt, mới sinh chuyện dí điện đau lòng đó.
Ấy là chưa kể mấy người mua cá vàng phóng sinh xuống sông Hàn. Cá vàng sống nước ngọt, sông Hàn nước mặn làm sao nó sống cho nỗi. Vậy mà hôm rồi, bờ sông đoạn cầu Tuyên Sơn xếp hàng...phóng sinh. Phóng gì, thả xuống nước mặn nó nổ mắt mà chết chứ có mà phóng?
*
Người học hành đầy mình, đầu hai thứ tóc lại gọi thầy bói không biết chữ bằng thầy, xưng con. Thầy phán cứ dạ thưa răm rắp.
Đó là biểu hiện cao nhất của sự bế tắc, sự ngu muội của lối giáo dục cứ khóc là Bụt hiện ra...

LỬA ẤM

Thời nhỏ, ba đi vắng, mạ ở nhà một mình vất vả vô cùng tận nên làm được gì phụ mạ là làm. Mình là anh của một đàn em.
Thời đó cả làng uống nước sông Kiến Giang. Nhà cách xa sông, hai đứa lớn nhất hai đầu cái đòn gánh có cái thùng ở giữa xuống bến lấy nước. Đầu tiên hai đứa nửa thùng, lớn lên xí, hai phân ba thùng, rồi đầy thùng.
Lớn lên tí nữa thì mình tự gánh hai đầu hai thùng nhưng cũng bắt đầu từ một phần ba thùng nước.
Gánh nước là thước đo sự trưởng thành của anh em mình.
Đến khi gánh được hai thùng đầy. Mình đã lớn.
*
Đến bữa nấu cơm, rất hiếm củi, chủ yếu đun bằng rơm rạ nên mạ bày trong một nồi phải nấu được cả cơm cả cháo. Vì em nhỏ ăn cháo.
Muốn thế thì khi cơm sôi, bắc nghiêng nồi lại, gạt sắn ra một bên (cơm độn sắn nên cho khá nhiều nước) rồi lấy đũa đánh góc có nhiều gạo. Đánh một lúc phải để nghiêng nồi thế mà đun lửa rơm cho đến chín. Phía gạo nhiều sẽ thành cháo.
Bữa mua được con cá trê dành nấu cháo cho em. Muốn một con cá nấu nhiều bữa thì cắt phần đuôi nấu trước, phần còn lại vẫn để con cá vào chậu đậy lại, cá trê vẫn sống như thường. Bữa sau lại cắt khúc kế tiếp (chưa đến ruột). Sau cùng mới là phần đầu. (Vì sợ luộc ra thì anh chị thèm quá lén ăn hết phần em).
*
Cái nghèo, cái đói ngấm vào căn cốt, có nhiều thói quen đến giờ vẫn không bỏ được.
Mình không bao giờ ra quán uống cà phê, ăn sáng.
Buổi sáng pha trà đặc, ngồi đọc báo, uống trà. Thường thì không ăn, nhưng nếu đêm trước nhậu, sáng ra đói thì lấy cơm nguội ra chiên hoặc nấu thành cháo, ăn với nước mắm.
Thức ăn còn thừa cứ tiếc, không bao giờ đổ, bỏ tủ lạnh. Có thứ không ăn tiếp nữa nhưng chờ hư mới chịu đổ.
Cá, thịt ăn chán xay ra làm ruốc bông. Đôi khi cũng chẳng ăn, lâu quá lại đổ.
Nhà nhất định duy trì bữa cơm, người này bận, người kia nấu, không gọi đồ ăn ngoài. Bếp nhất định phải “đỏ lửa”.
Nói chung, cái thói quen không hề hay nhưng khó bỏ.
Thói quen làm hai đứa con cũng quen luôn. Đi học xa, không ăn ngoài, đi chợ, nấu cơm cho đến khi ra trường. Con sang học nước ngoài cũng tự nấu ăn, ngày nào mẹ cũng skype hỏi nấu món gì.
*
Hồi trước, khi ra Hà Nội, mình vận động ba mạ về sống ở Đồng Hới cho gần các em. Ba mạ vẫn để một góc làm cái bếp củi. Sáng, mạ lui cui đun nước, pha trà, ba đi bộ về thì hai ông bà ngồi uống.
Trưa, chiều, ba nhóm lửa, mạ nấu cơm.
Nói nấu bếp ga cho nhanh, mạ nói nấu bếp củi ngon hơn. Ba nói, nước nấu bếp củi pha trà thơm hơn.
Bọn mình bảo ba mạ bảo thủ.
Nhưng mà…
Có bếp củi, người trong nhà ngồi bên nhau nhiều hơn.
Lửa ấm.
***
Ảnh: Vợ chồng bên góc bếp nhà ba mạ ở TP Đồng Hới.