Thứ Sáu, 28 tháng 1, 2022

TẾT

Đã từ rất lâu, tôi nói với P. nhà tôi, em à, đến Tết mình kéo cả nhà đi chơi đi, đừng ở nhà mệt lắm. hết tất niên lại đưa ông Táo, đón giao thừa, rồi đưa ông bà, tân niên… Chỉ mỗi chuyện dọn mâm ra rồi dọn mâm vào đã mệt rồi. P. nhà tôi gật.

Nhưng miết rồi, Tết vẫn không thể bỏ nhà mà đi được. Mới hay cái lề thói nó cắm rễ sâu đến mức nào.
P. nhà tôi vẫn lại đi mua gừng, ngào mứt (vì bản thân tôi cũng thấy ăn mứt tẩy trắng rất vô duyên). Rồi thì làm dưa món, thịt bò ngâm…
Tôi thì chạy lăng xăng, lúc lau cái này, dọn cái nọ, rồi đi tha hoa hòe hoa sói về đặt đầy nhà.
Lúc ôn ổn tí rồi nằm trên salon nhìn nhà mình thấy đẹp, đầy sinh khí. Cũng thinh thích. Nhưng thấy vợ cứ hết làm cái này đến cái khác, đi lại chóng cả mặt, hỏi, em làm chi rứa, để đó đi, anh làm cho. Cổ cười, cái ni để em, anh vừa làm vừa hỏi em còn mệt hơn.
*
Có lần tôi nhỏ to, em à, làm đơn giản thôi, ăn uống chả bao nhiêu mà mệt quá. P. nhà tôi cười, bảo mệt thì cũng mệt, nhưng nếu anh coi dọn dẹp, trang trí nhà cửa là một niềm vui; em coi nấu nướng bày biện món ăn là sự thú vị; Con cái qua đó nó cũng biết thêm Tết là thế nào; Khách bạn đến chơi; Cả nhà rộn ràng cũng hay chứ anh. Nếu vô resort nằm chườn ườn ra thì đâu phải Tết?
Tôi hơi ớ ra một lúc. Ừ nhỉ, nếu Tết mà không thế thì sao gọi là Tết?
Từ đó tôi theo triết lý của P. nhà tôi, nếu làm cái gì mà coi đó là niềm vui thì đều rất nhẹ nhàng.

SỰ GIẢN DỊ CỦA HẠNH PHÚC

Tết cổ truyền, với nhiều nghi thức rườm rà, phải nói là khá mệt. Nhưng tết mang lại sự đầm ấm, không có lúc nào tình thân lại biểu đạt giống như dịp tết. Tất cả mọi người đều trở nên thân thiện vô cùng.

Không biết mọi người thế nào, chứ mình thích nhất là thời điểm, khi chuẩn bị hết mọi thứ, nhìn vợ tựa người trên salon hay ngồi xích đu cầm quyển sách đọc, thấy cuộc đời nhẹ nhõm, thanh thoát và rất… đáng yêu.
Vì sao phải nói là nhìn vợ mà không phải là mình? Là vì, tết vợ là người bận rộn nhất với hàng trăm thứ việc có tên và không tên.


*
Mình rất lấy làm buồn cười khi trên mạng ca ngợi một “soái ca rửa bát” hay một người đàn ông vào bếp mang tạp dề nấu cơm… Đối với mình, nó quá bình thường.
Hồi mới vô Đà Nẵng, tầm 10h mình thường ra chợ Hàn (sát cơ quan) mua thức ăn, rồi về gửi vào tủ lạnh cơ quan để hết giờ mang về. Chị Nhung văn thư cứ mở tủ lại hỏi, đứa mô đi chợ đây bây. Mấy đứa nhỏ nói, sếp đó chị. Chị Nhung không tin. Bảo, sếp có mà đi chợ. Nhưng rồi cuối cùng chị cũng biết. Có hôm mở tủ chưa thấy gì chị lại hỏi, sao sếp bận chi mà chưa đi chợ bây. Rất vui.
Là vì, vợ mình làm truyền hình, theo việc khó mà về sớm nên bữa trưa mình thường là người đi chợ, nấu cơm, dọn ra, ba con chờ mẹ về mới ăn. Ăn xong lại giục vợ lên nghỉ (vợ mình hay bị choáng nên buổi trưa không nằm yên được tí là chiều rất oải). Anh trai và em gái thường dọn bàn và rửa bát sau bữa cơm. Những năm anh em đi học xa thì là ba. “Mau lên nghỉ đi, để anh, loáng cái là xong ấy mà!”- mình hay giục vì vợ hay tần ngần.
Đó là trưa, còn chiều thì vợ lo hết, mình hay đi bù khú (lắm lúc vợ cũng giận lắm). Nhưng mà những lúc ở nhà hoặc về sớm, thì nhất định nấu nước lá thơm ngâm chân cho vợ (việc này hay làm hơn khi con gái đi học xa, vì thường là con gái làm, mà con đi học xa thì mình lại ít đi nhậu). Có người thấy thế hơi kỳ, có người lại thấy như chuyện không tưởng, nhưng mà nó là thế.
Lúc mình ngồi dưới nền nắn nắn bàn chân rất xinh của vợ, vợ lại mân mê nhổ tóc bạc cho mình, cảm giác bình an lắm. Có lúc vợ phải nhắc, nước nguội rồi anh, được rồi. Mình mới sực nhớ, ngẩng lên cười rất chi là hiền. Đến nỗi vợ nhất thiết phải thơm một cái.
*
Tết thì nhận việc đi mua hoa. Về nhà thì cứ loanh quanh, vợ đi đâu đi theo sau lưng mà chẳng biết làm gì, nghe vợ nhờ lấy cái này cái nọ là mừng lắm. Nhưng cũng có vài việc tự làm được, như việc thái cây chuối hột để làm món nộm da trâu.
Ở quê mình làm thịt trâu lấy da luộc, thái rồi phơi khô để dành. Có việc thì lấy ra, rang lên, thái cây chuối hột, cho thêm lá nén (ném) bóp lên, gọi là thấu da trâu. Thấu là gỏi. Đến bây giờ vẫn thích món đó. (Quê vợ mình không làm món này). Món này mình gọi là món ký ức.
*
Tết, vợ mua áo mới cho. Đến đêm 30, kêu, mặc áo vô coi nào. Mình mặc vô. Vợ bảo, cũng được đó chơ, đẹp.
Có năm mình bảo, có vẻ như cái áo này nó hơi trẻ. Vợ vừa sửa cổ áo vừa nói, ôi trời, hóa ra con người này cũng đã biết già rồi.
Những lúc đó mình, một thằng râu ria, mặt khó đăm đăm, thấy sống mũi cay cay, mắt ậng nước.
Mình gọi đó là hạnh phúc!

LỬA ẤM

Thưở nhỏ, ba đi vắng, mạ ở nhà một mình vất vả vô cùng tận nên làm được gì phụ mạ là làm. Mình là anh của một đàn em.

Thời đó cả làng uống nước sông Kiến Giang. Nhà cách xa sông, hai đứa lớn nhất hai đầu cái đòn gánh có cái thùng ở giữa xuống bến lấy nước. Đầu tiên hai đứa nửa thùng, lớn lên xí, hai phân ba thùng, rồi đầy thùng.
Lớn lên tí nữa thì mình tự gánh hai đầu hai thùng nhưng cũng bắt đầu từ một phần ba thùng nước.
Gánh nước là thước đo sự trưởng thành của anh em mình.
Đến khi gánh được hai thùng đầy. Mình đã lớn.
*
Đến bữa nấu cơm, rất hiếm củi, chủ yếu đun bằng rơm rạ nên mạ bày trong một nồi phải nấu được cả cơm cả cháo. Vì em nhỏ ăn cháo.
Muốn thế thì khi cơm sôi, bắc nghiêng nồi lại, gạt sắn ra một bên (cơm độn sắn nên cho khá nhiều nước) rồi lấy đũa đánh góc có nhiều gạo. Đánh một lúc phải để nghiêng nồi thế mà đun lửa rơm cho đến chín. Phía gạo nhiều sẽ thành cháo.
Bữa mua được con cá trê dành nấu cháo cho em. Muốn một con cá nấu nhiều bữa thì cắt phần đuôi nấu trước, phần còn lại vẫn để con cá vào chậu đậy lại, cá trê vẫn sống như thường. Bữa sau lại cắt khúc kế tiếp (chưa đến ruột). Sau cùng mới là phần đầu. (Vì sợ luộc ra thì anh chị thèm quá lén ăn hết phần em).
*
Cái nghèo, cái đói ngấm vào căn cốt, có nhiều thói quen đến giờ vẫn không bỏ được.
Mình không bao giờ ra quán uống cà phê, ăn sáng.
Buổi sáng ngồi đọc báo, uống trà. Thường thì không ăn, nhưng nếu đêm trước nhậu, sáng ra đói thì lấy cơm nguội ra chiên hoặc nấu thành cháo, ăn với nước mắm.
Thức ăn còn thừa cứ tiếc, không bao giờ đổ, bỏ tủ lạnh. Có thứ không ăn tiếp nữa nhưng chờ hư mới chịu đổ.
Cá, thịt ăn còn xay ra làm ruốc bông. Đôi khi cũng chẳng ăn, lâu quá lại đổ.
Nhà nhất định duy trì bữa cơm, người này bận, người kia nấu, không gọi đồ ăn ngoài. Bếp nhất định phải “đỏ lửa”.
Nói chung, cái thói quen không hề hay nhưng khó bỏ.
Thói quen làm hai đứa con cũng quen luôn. Đi học xa, không ăn ngoài, đi chợ, nấu cơm cho đến khi ra trường. Con sang học sau đại học ở nước ngoài cũng tự nấu ăn, ngày nào mẹ cũng skype hỏi nấu món gì.
*
Bên góc bếp nhà ba mạ ở TP Đồng Hới.

Hồi trước, khi ra Hà Nội, mình vận động ba mạ về sống ở Đồng Hới cho gần các em. Ba mạ vẫn để một góc làm cái bếp củi. Sáng, mạ lui cui đun nước, pha trà, ba đi bộ về thì hai ông bà ngồi uống.
Trưa, chiều, ba nhóm lửa, mạ nấu cơm.
Nói nấu bếp ga cho nhanh, mạ nói nấu bếp củi ngon hơn. Ba nói, nước mạ nấu bếp củi pha trà thơm hơn.
Bọn mình bảo ba mạ bảo thủ.
Nhưng mà…
Có bếp củi, người trong nhà ngồi bên nhau nhiều hơn.
Lửa ấm.
***