Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2017

BÁO CHÍ BÍ ĐỀ TÀI?

Các bạn làm báo cứ than ra tết bí đề tài. Trời đất.
Cứ gắn cái camera trước cúc áo ngực, đến bất kỳ cơ quan công quyền nào, theo chân một người dân đi làm thủ tục gì đó, chắc chắn có một clip hay mà chỉ cần đặt tít, viết câu dẫn, không phải thêm một lời bình nào. Bảo đảm view cao ngất trời.
Mỗi ngày một clip.
Gặp chuyện không tốt cũng hot, gặp chuyện tốt thời buổi này càng hot.
Cao siêu gì cho lắm, cứ cái gì đụng đến dân thì làm, làm thì dân ủng hộ, tin tưởng.
Làm báo xét cho cùng là thế thôi.
(Gặp mấy tay bảo vệ hạnh họe cũng đã hay rồi. Anh nào dắt xe, tận tình chỉ dẫn cho ta càng hay hơn)
***
Clip đính kèm chẳng cần bình luận cũng nói lên rất nhiều điều: Về câu chuyện phóng sinh- Về kết luận của cơ quan chức năng là cá chim này vô hại...http://kenh14cdn.com/57036d4cd2/2015/08/11/4A7p7aa-d21d8.gif

Thứ Năm, 9 tháng 2, 2017

DUYÊN NỢ VỚI SÔNG HÀN


Tôi cầm tờ quyết định, mang ba lô du lịch nhảy tàu vào Đà Nẵng để nhận nhiệm vụ mới. 
Tháng 10 năm 2001, Đà Nẵng ngập nước, tàu không vào được ga phải dừng ở Thanh Khê. Tôi gọi cho Phan Bùi Bảo Thy, bảo mi ra đón anh với.
Thằng Thy đi chiếc xe máy cà tàng chở tôi về nhà nó, một phòng trong chung cư đường sắt củ kỹ ở đường Thanh Thủy. Nhà chỉ có một chiếc giường và một tấm chăn, hai vợ chồng nó bảo anh cứ nằm chung giường với tụi em. Tôi trải chiếc chiếu ra sàn, mỗi tội cái quần lội nước ướt đến đầu gối, đêm lạnh, may mà đi đường mệt quá nên thiếp đi.
Đó là đêm đầu tiên tôi sống ở nơi mới và dự là lâu dài, Đà Nẵng!
*
Vào Đà Nẵng cũng do cái duyên chứ chẳng hề định trước.
Lúc đó tôi làm báo Thanh Niên, từ thường trú ở Quảng Bình ra Tòa soạn Hà Nội. Anh em dù chưa gặp mặt nhưng đã nghe tiếng của nhau nên nhờ thế, tôi hòa nhập rất nhanh và rất vui.
Ở Tòa soạn có một người Quảng Nam từng làm việc ở Đà Nẵng rất lâu, hoạt động từ thời trước giải phóng, tên là Huỳnh Kim Sánh, bút danh Hoàng Hải Vân, trạc tuổi tôi, lúc đó cũng mới từ Nông thôn ngày nay chuyển về. Sánh chưa có chức vụ gì, chỉ trực biên tập.
Tôi và Sánh hợp nhau ngay. Mỗi sáng uống café và đàm đạo đủ thứ chuyện trên đời. Khi uống trà cũng chế trà đặc kẹo như nhau. Hợp nhau nhất là chuyện làm báo. Sánh trải đời, có cái nhìn sắc lẹm, tư chất ít người bằng.
Hai đứa khá giống tính nhau nên cuối cùng cũng cãi nhau mấy bận, dù chỉ toàn về công việc. Cũng là người miền Trung nên không cãi thì thôi, cãi thì nảy lửa.
Mỗi lần hai đứa cãi nhau, anh Nguyễn Quốc Phong, Phó tổng biên tập chỉ nghe, không nói gì. Mãi sau mấy đứa trong Tòa soạn mới méc tôi, sếp Phong nói, hai con hổ này không thể ở chung một chuồng rồi.
Thực ra mọi người không biết hết, chiều cãi nhau như thể bỏ đi, hết giờ làm việc, Sánh bảo tôi nhà Sánh ăn cơm (hồi đó gia đình tôi chưa ra Hà Nội). Vợ Sánh, Mai Nhung, Tổng biên tập Nông thôn ngày nay cũng rất quý tôi.
Sánh không đẹp trai bằng tôi nhưng con gái mê Sánh hơn tôi, chắc vì nó tài hơn.
*
Một hôm, anh Nguyễn Công Khế bảo tôi: “Ông vào làm phó tổng thư ký Tòa soạn cho tôi, ông Nguyễn Khắc Nhượng cũng lớn tuổi rồi, khi ổng về thì ông làm”. Tôi ngẫm nghĩ một hồi rồi lắc đầu: “Dạ không anh!”. Anh Khế trố mắt: “Sao vậy ông?”. Tôi đáp: “Em ở xa thì anh quý em chứ ở gần em cãi anh rồi anh em mất tình cảm, thôi đi anh”. Anh Khế tiếp: “Sao kỳ vậy?”, tôi nói thiệt luôn: “Ở gần mặt trời thì rát mặt mà anh!”. Anh Khế oai phong là thế nhưng nghe tôi nói xong cũng im lặng, không mắng. Thiệt may.
 Anh nguyễn Công Khế (bìa phải) trong ngày vui của gia đình tôi 
Ít lâu sau, anh điện thoại cho tôi, bảo: “Ông và ông Sánh một đứa phải vào Sài Gòn làm Phó tổng thư ký”. Tôi trả lời: “Dạ, anh để Sánh vào đi”. Anh Khế dường như đã quyết, nhưng vẫn hỏi: “Sánh nó có làm được không?”. Tôi chắc nịch: “Được! Nó rất thông minh, sắc sảo, có khát vọng làm báo, nó đã làm thì rất muốn làm hơn người khác. Gia đình nó đang có chuyện nên cũng để nó thay đổi môi trường đi anh. Có điều…”. Anh Khế hấp tấp: “Điều chi?”. Tôi trả lời: “Anh phải kiểm soát nó, nó cái gì cũng giỏi nhưng quyết liệt đến cực đoan, anh phải tỉnh táo, đừng để nó thuyết phục, nếu không thì hỏng hết chuyện”. Anh Khế cười: “Thế thôi à?”.
Vậy là Huỳnh Kim Sánh vào Tòa soạn thành phố Hồ Chí Minh.
Quả nhiên, Hoàng Hải Vân đã mang lại một luồng gió mới bằng cách làm việc quyết liệt, nóng bỏng, nó hối tất cả cùng chạy theo nó, tôi rất thích cách làm việc đó.
Những chuyện khác nói sau.
Huỳnh Kim Sánh vào thành phố Hồ Chí Minh rồi, anh Nguyễn Công Khế lại hỏi: “ Vậy Hà nội đứa nào thay Sánh được ông?”. Tôi trả lời ngay: “Việt Hưng!”. Anh Khế hỏi lại: “Việt Hưng làm được không?”. Tôi chắc nịch: “Được và giỏi luôn!”. Anh Khế bảo: “Nó làm không được ông chịu trách nhiệm đó!”. Tôi cười, nghĩ, mình có trách nhiệm gì đâu mà chịu, nhưng vẫn đạp: “Dạ!”.
Khi sang làm báo Thanh Niên tôi vẫn thường trú tại Quảng Bình, năm đầu tiên về báo tôi đoạt giả Báo chí Quốc gia nên được ra Hà Nội nhận, anh Quốc Phong cẩn thận bảo Việt Hưng đón tôi về Tòa soạn. Sau này ra Hà Nội, Việt Hưng đi học báo chí ở Pháp, mỗi lần về nước, tôi lại hỏi Việt Hưng bên đó học thế nào, họ làm báo thế nào…. Việt Hưng thấy tôi siêng học hỏi nên cũng nhiệt tình nói hết. Tôi học được từ các câu chuyện của Việt Hưng rất nhiều. Qua đó, tôi cũng nhận ra tư chất của Hưng.
Sau này, khi đang trống vị trí, ba lần bảy lượt tôi nói chuyện với các anh trong ban tiên tập rằng nên để Việt Hưng và Sài Gòn làm Tổng thư ký tòa soạn… Không biết thế nào mà giờ cậu ấy làm Tổng thư ký tòa soạn nhưng của Thanh niên Oline!
Kể chuyện này không phải để nói tôi có vai trò quan trọng gì, tôi biết ý anh Khế đã quyết, anh chỉ hỏi tôi để thêm thông tin (và chắc cũng hỏi nhiều người khác nữa). Nhưng những điều tôi nói với anh là thật, từ trong suy nghĩ của tôi với kinh nghiệm cuộc đời và hơn 10 năm làm thư ký tòa soạn một tờ báo khác.
*
Tháng 8.2001, tôi theo đoàn công tác của Bộ Giao thông- vận tải vào Đồng bằng sông Cửu Long, khi về thành phố Hồ Chí Minh thì anh Quôc Phong điện thoại. Tính anh Phong rất kỹ nên anh rào trước đón sau: “Thực ra mình không muốn Thế Thịnh đi nhưng mấy hôm nay vào họp Ban biên tập có bàn chuyện Văn phòng miền Trung, có chút lộn xộn nên ý Ban biên tập điều Thịnh vào”. Nói rồi, anh lại rào trước đón sau, rằng nếu tôi không muốn vào thì ở Hà Nội cũng rất tốt…v.v…".
Tôi nói với anh Phong, chuyện bất ngờ quá nên cho em suy nghĩ thêm tí, mai em trả lời.
Lát sau, anh Nguyễn Công Khế điện thoại nói như thể quyết. Tôi vẫn xin cho tôi suy nghĩ, mai trả lời.
Sáng hôm sau, tôi điện thoại cho cả hai sếp, bảo cho tôi đến Tòa sọan gặp anh Trương Điện Thắng (lúc đó là Trưởng Văn phòng miền Trung) và anh Lê Đức Hùng (Phó văn phòng). Anh Thắng ủng hộ: “Tao nghỉ thì mày nên vào”. Tôi gặp anh Lê Đức Hùng, nói với anh: “Ban biên tập có nói chuyện em vào làm trưởng văn phòng…” Mới ngang đó anh Hùng đã bảo: “Mày vào chứ còn ai nữa!”. Tôi từ tốn: “Em nói thật với anh. em ở Hà nội, chưa biết gì là báo chí thị trường, sợ vào nắm văn phòng chưa được. Anh này, giờ em vào gặp các anh ban biên tập đề nghị anh làm trưởng, em làm phó, anh nha”. Anh Hùng gật: “Thế đi!”.
Tôi găp anh Nguyễn Công Khế, Đặng Thanh Tịnh, Nguyễn Quốc Phong trình bày lại chuyện như đã nói. Hai anh phó tổng biên tập im lặng, anh Khế thì xua tay: “Ông làm trưởng đi!”.
Tôi trình bày hết những suy nghĩ của mình.
 Tháng sau tôi có quyết định vào là Phó văn phòng đại diện Báo Thanh Niên tại miền Trung; có điều hơi bất ngờ là anh Lê Đức Hùng vẫn làm phó.
*
Anh Trương Điện Thắng là sếp cũ nay lại về làm phóng viên nhưng anh rất người lớn, lúc nào cũng bày vẻ cho tôi. Anh thực sự là một quyển từ điển sống về Quảng Nam- Đà Nẵng.
Tôi biết nhiều người khó chịu với anh Thắng về chuyện này chuyện khác (hầu hết là trong cư xử), nhưng tôi thì không, tôi nhìn anh ở khía cạnh tích cực, đáng để học. Và thực sự tôi học được ở anh rất nhiều.
Anh Lê Đức Hùng là người mà ai mới tiếp xúc với anh đều thích liền. Tôi thấy anh rất hay trong chuyện này nhưng lại học không được vì cái bản mặt khó ưa vốn dĩ của mình. Với tôi, anh Hùng không câu nệ, anh cho tôi quyền tự do quyết việc.
Sau ngày nhận nhiệm vụ, tôi ngủ trên gác văn phòng (lúc đó chưa xây lại nên gác gỗ rất ọp ẹp) và đêm nào 2 giờ sáng cũng đến nhà in để xem việc phát hành báo, xong thì theo chân các đại lý để hỏi han, đó là thời gian học việc của tôi, học làm báo thị trường.
Lúc mới vào Đà Nẵng tôi có rất ít người thân mặc dầu bạn bè làm báo hầu hết đã biết tôi. Phan Bùi Bảo Thy là đứa nhìn đời lúc nào cũng lạc quan hơn mức nó có nên tôi cần hiểu biết thực tế hơn.
Có lần tôi ra chợ Hàn, mua một mớ cá rô, chạy sang nhà Phạm Xuân Hùng (DVTV) ở bên trường chính trị bảo Triều, vợ Hùng, rán cá rô cho hai anh em nhậu. Nhậu để hỏi chuyện.
Hùng là em một người bạn học của tôi thời ở trường Huế. Tôi biết nó từ hổi nó từ Quảng Trị vào học Quốc học. Sau này nó làm truyền hình (nay là VTV8). Hùng là đứa trác việt.
Lâu dần tôi cũng quen thêm vài người.
*
Một hôm đi nhậu ở quán 55 Lê Hồng Phong, quán của anh Quốc Hương, nay là đại gia điện lạnh Quốc Hương. Vừa bước vào đã thấy một người reo lên. Tôi nhìn lại thì đó là anh Khuê. Anh Khuê chơi thân với bạn tôi nên từ đó mà chơi thân với tôi hồi anh ở “Công ty xây dựng của ông Thông” làm mấy công trình lớn ở Quảng Bình.
Nói chuyện một hồi quay sang đề tài chỗ ở, anh Khuê nghe xong thì lấy một tờ giấy ăn vẽ vẽ, nói nói, là có cái nhà thế này thế này… Tôi vốn rất quý anh nên tin và đồng ý liền. Hai anh em hẹn nhau sáng hôm sau đi xem. Nhờ thế mà tôi có cái nhà đang ở bây giờ.
Nhờ anh Khuê chỉ cái nhà ưng ý nhưng mua được còn nhờ anh Trương Điện Thắng và chị Tuyết Nhung (làm văn thư văn phòng). Đặt cọc tiền thì mượn chị Nhung, trả tiền thì nhờ anh Thắng dẫn lên ngân hàng vay tín chấp. Thế mà có nhà. Đúng là có duyên.
*
Lâu sau tôi nhận được quyết định làm trưởng văn phòng, nói thiệt là lo đến bạc tóc. Đêm nào cũng đi nhà in, sáng nào cũng đến các quầy báo quan sát xem người mua đánh giá thế nào, họ muốn cái gì…
Có đêm, tầm 3 giờ sang, điện thoại đổ chuông. Tôi bật dậy, điện thoại giờ đó là có chuyện rồi. Quả nhiên.
Nghe xong tôi quát: “Chuyện đó mà cô không tự xử lý đi còn nói với tôi làm gì?”. Nói xong thì mặc áo quần, mở cửa, dắt chiếc xe Win, rồ máy phóng đi.
Sau này mới viết sự vô tình của mình làm vợ rất khổ tâm. Chuyện gì mà “cô tự xử lý đi”, chuyện gì mà “báo tôi làm gì”, chuyện gì mà phóng xe đi giữa đêm…
Là có chuyện gì đâu, cô Thu Hà văn phòng phụ trách việc chia báo buổi sáng, hồi đó báo in của Thanh Niên đang hot nên các đại lý tranh lấy số lượng nhiều hơn họ đăng ký, cãi nhau ỏm tỏi nên cô ấy điện thoại cho tôi, tôi bảo xử lý đi là thế!
*
Nói chuyện làm báo sống với thị trường mệt nhưng vui. Vui nhất là chuyện sếp tôi, Nguyễn Công Khế.
Một lần ra Đà Nẵng, ảnh gọi cả văn phòng đi ăn cơm, chuyện trò một lúc ảnh nói: “ Tôi giao cho ông trong 6 tháng phải phát hành gấp rưởi báo Tuổi Trẻ. Ông làm được tôi cho ông chiếc xe con”. Tôi dạ.
Hai tháng sau số lượng Thanh Niên gấp rưởi Tuổi Trẻ. Anh Khế điện cho anh Quốc Phong rồi Chu Ngọc Thắng lái chiếc xe Mazda 6 màu đồng từ Hà Nội vào giao cho tôi. Anh Khế hay nói cho tôi, giao cho tôi tức là giao cho văn phòng ấy chứ đâu phải tôi, nhưng văn phòng mà có xe con cũng oách chớ bộ?
Một lần khác ảnh ra, cứ đứng thế mà nói chuyện với anh em văn phòng, đoạn chỉ tôi, nói: “ Ông làm (số lượng) gấp đôi Tuổi Trẻ tôi cho ông chiếc xe nữa. Cho ông 6 tháng, ông dám chơi không?”. Tôi dạ. Ảnh nói xong thì đi luôn.
Ba tháng sau, Chu Ngọc Thắng lái chiếc Isuzu 7 chỗ từ Hà Nội vào cho văn phòng tôi.
Văn phòng có hai chiếc xe con là điều xưa nay chưa từng có ai, ở đâu và nơi nào có được.
Anh Khế là thế đó!
Nhân đây nói luôn, việc phát hành báo chí là cả một nghệ thuật. Ngoài nội dung hay phải còn các chiêu thức kinh doanh phù hợp với bạn đọc từng vùng. Công bằng mà nói, báo Thanh Niên và Tuổi Trẻ thế nào bạn đọc đều thẩm định được hết, họ tinh tế lắm. Nhưng số lượng Thanh Niên phát hành trong khu vực miền Trung cao hơn Tuổi Trẻ chắc chắn phải nhờ vào phương thức khác (không tiện kể ra đây).
Đến bây giờ tôi vẫn lấy làm tiếc là trong các trường báo chí người ta không chú trọng đến điều này. Điều mà đáng ra phải đặt lên tầm rất quan trọng!
*
Trước khi về báo Thanh Niên, tôi đã làm thư ký tòa soạn cho bốn đời tổng biên tập, sếp nào cũng quý, nhưng quý và thương yêu tôi nhất là anh Đỗ Quý Doãn (sau này làm Thứ trưởng Bộ Thông tin- truyền thông). Khi chuyển sang Thanh Niên thì là anh Nguyễn Công Khế.
Anh Khế thương yêu cả gia đình tôi như gia đình em út. Cho đến bây giờ vẫn thế.
Hồi mới vào Đà Nẵng, anh Khế nói với anh Nguyễn Bá Thanh giúp tôi chuyện đất đai nhà cửa. Lâu sau anh hỏi anh Thanh, anh Thanh bảo: “Cái ông này (chỉ tôi) chướng lắm, tui nói viết cái đơn xin mua lô đất giá ủy ban chỉ định mà ổng có viết mô bảo tui giúp”.
Tôi hỏi lại: “Anh ơi, nếu em viết đơn xin, anh ký cho mua lô đất, chắc bây giờ anh không còn quý em như thế này đâu anh nhỉ?”. Anh Thanh trớt quớt: “Thì tui coi ông cũng như mấy thèng (thằng) khác thôi!”.
*
Vào thời điểm tháng 5.2008, báo Thanh Niên bị tai nạn nghề nghiệp vụ PMU18, anh Nguyễn Việt Chiến, phóng viên điều tra bị bắt, sau đó anh Nguyễn Quốc Phong bị cách chức phó tổng biên tập, anh Nguyễn Công Khế gọi cả nhà tôi vào thành phố Hồ Chí Minh, bảo tôi quay ra Hà Nội phụ trách tòa soạn ngoài đó.
Đầu tiên anh Khế hỏi hai đứa nhỏ thì cả hai đứa rơm rớm nước mắt: “Bác ơi, bác để ba cháu ở Đà Nẵng đi bác!”. Hỏi Phương nhà tôi, Phương nhà tôi không trả lời thẳng có hay không mà nói quyết định là do tôi.
Hỏi tôi, tôi trả lời: “Anh à, tính em ít nói nhưng rất cục, cái gì không ưa ý thì bốp chát lại liền, ra đó phải thay mặt ban biên tập đối ngoại, em sợ một lúc nào đó cục lên em làm hỏng hết chuyện. Anh để em ở Đà Nẵng, làm cái gì cũng phụ thuộc vào năng lực thực tế, nếu làm việc dưới năng lực mình một chút thì mình thoải mái và dễ làm tốt hơn. Anh để em ở miền Trung, dù sao thì đó cũng là địa bàn quan trọng của báo mình mà”.
Anh Khế không nói gì thêm, chỉ thở dài, tôi biết anh cũng tính lung lắm vì đó là thời điểm khó khăn của báo tôi.
Có lẽ anh Khế áy náy và chủ yếu là thương tôi nên có lần, anh nói, Ban biên tập bàn có thêm một Phó tổng biên tập phụ trách miền Trung,chấm tôi. Tôi đáp: Mắc chi khổ rứa anh, cũng chỉ là phụ trách miền Trung thì cứ để trưởng văn phòng là ổn rồi.
Rồi tôi ở lại cho đến bây giờ.
*
Trong lúc trà dư tửu hậu, tôi thường nói với bạn bè, đời tôi chẳng làm được cái gì ra hồn, chỉ làm được một việc đúng nhất là chọn Đà Nẵng để sống.
Bây giờ nhà tôi ở quận Hải Châu, nói trạng tí là quận nhất. Bước ra ba trăm bước Hồ Ngọc Hà là phố xá đông vui, lui vô thì rất yên tĩnh. Cả khu phố có hơn hai chục chiếc ô tô, nhiều nhà để xe ngoài đường từ năm này qua năm khác vẫn không xước một vết sơn.
Cái đó gọi là duyên.
Đà Nẵng, 2016
NGUYỄN THẾ THỊNH

Đừng bắt học sinh nộp lon bia nữa!

Ra tết, vợ chồng người em ở  khu phố Cẩm Sa, P. Điện Năm Bắc, thị xã Điện Bàn, (Quảng Nam) sang nhà hàng xóm xin lon bia cho con để mai nộp cho trường.

Nhà có 3 đứa đang đi học.
Hỏi, vậy sao không nộp tiền, khỏi đi mua?
Trả lời, nhà trường bảo làm thế để giáo dục ý thức cho học sinh.
Nhưng xin hỏi thật: Cái lý nằm ở đâu?
Dù cố tỉnh táo để nghĩ nhưng nghĩ mãi không ra.
Vậy “phong trào kế hoạch nhỏ” này nó có thực sự giáo dục được học sinh không?

Hỏi ra mới hay, đầu tháng mỗi học sinh nộp 30 lon bia, cuối tháng nộp 3 kg giấy báo.
Hỏi, làm sao xin đủ trăm lon bia và chục ký giấy? Phụ huynh bảo xin được bao nhiêu thì xin, còn lại ra vựa chai bao mua lại.
Tôi tưởng chuyện này có từ thời con tôi đi học, nay đã bỏ rồi, ai dè nó vẫn tồn tại, không chỉ ở Quảng Nam mà rất nhiều nơi khác nữa.
Thời con tôi học tiểu học rồi THCS, tôi đã thấy chuyện này không phù hợp, nhiều lần muốn đi họp phụ huynh để ý kiến, nhưng bà xã biết tính tôi nên không cho đi vì… ngại.
Nhưng "phong trào kế hoạch nhỏ" chai bao này tồn tại trong nhà trường lâu như thế, đôi khi tự nghĩ, nó phải có cái lý của nó.

Ở nước ta, người ta vẫn uống bia, thậm chí uống rất nhiều bia, nhưng hầu hết là uống ở quán xá, ở quán thì không thể bỏ túi lon bia mang về.
Nếu tính mỗi nhà có hai con đi học thì làm sao có 60 lon bia, nhất là ở nông thôn, để nộp?
Mỗi gia đình mỗi ngày phải đặt bao nhiêu tờ báo để cuối tháng có 6 kg?

Mang câu hỏi này hỏi nhiều người có con trong độ tuổi đi học, đa phần đều than phiền, cho rằng đây là một “gánh nặng” của gia đình. Vì con họ không thể đi lượm lon bia và giấy báo như lượm chai bao. Đi xin cũng không có mà xin. Rồi hầu hết các em ngại không xin, nhờ bố mẹ làm thay. Việc giáo dục đã không có từ đây.
Bố mẹ xin không được thì tự đi hoặc cho con tiền ra vựa chai bao (đồng nát) để mua về đi nộp cho đủ. Sự dối trá sinh ra từ đây.

Tôi hiểu, “phong trào kế hoạch nhỏ” nhằm giáo dục, trước hết, cho học sinh ý thức được việc tái chế phế liệu, bảo vệ môi trường; tiết kiệm hay gây quỹ từ rác để giúp đỡ bạn nghèo là khâu thứ yếu. Nhưng bây giờ có nhiều nơi, thấy việc nộp lon bia và giấy báo không còn khả thi nên chuyển sang nộp tiền, như vậy mục đích của phong trào đã biến tướng, không còn ý nghĩa ban đầu.

Cần phải nói rằng, “phong trào kế hoạch nhỏ” và một ý tưởng tốt, nhưng phong trào nào cũng có thời điểm của nó, phong trào nào khi thấy không còn phù hợp thì nên thay thế bằng phong trào khác. Ví dụ, bây giờ không ai làm “hũ gạo tiết kiệm” để bớt một bữa một nhúm gạo nữa, cũng không ai duy trì “phong trào học sinh tăng gia sản xuất để tự túc lương thực” vì nó không còn phù hợp.
Vậy thì, khi đã thấy “kế hoạch nhỏ” chai bao gây khó, làm phát sinh sự dối trá cho học sinh và phụ huynh thì nên thay thế nó đi.
Cần phải nói thêm, một xã hội phát triển là xã hội có trình độ phân công lao động chuyên nghiệp cao. Nhà trương có nhiệm vụ truyền tải kiến thức và kỷ năng sống cho con trẻ. Nếu trẻ nhỏ nhận ra bản chất của công việc thì sẽ mất hết lòng tin, sự kính trọng đối với nhà trường, thầy cô vì quy trình thu gom của nhà trường cũng thương mại hóa không khác gì bà ve chai cả. 
Cá nhân tôi thấy ngành giáo dục và hội đồng đội nhà trường đã cạn ý tưởng, vì thế mới duy trì phong trào chai bao này.
Hãy dạy bọn trẻ nghĩ lớn để thành công, đừng dạy chúng đi xin và dối trá.
Còn nếu muốn dạy chuyện nhỏ thì hãy nghĩ ra chuyện khác phù hợp hơn. Ví dụ, dạy học sinh giúp ba mẹ phân loại rác ở trong nhà trước khi đưa ra xe rác, điều mà cả người lớn cũng chưa ý thức được. Như vậy nó thiết thực hơn.
NGUYỄN THẾ THỊNH




BÁO LỚN, BÁO NHỎ


Tôi có ông thầy làm tổng biên tập tờ báo cho đăng biếm họa nhà tiên tri Mohammed và cái đầu của ông từng bị đưa ra treo giải (thầy đứng giữa, trong ảnh). 

Năm trước, ổng sang VN, về chỗ tôi nói chuyện. Lúc đó mới biết ổng đã sang làm Giám đốc Đài truyền hình Quốc gia.
Tôi không rành truyền hình lắm nên băn khoăn, hỏi ổng sao đang yên đang lành bỗng dưng thầy lại sang đài quốc gia? Ổng cười (chắc bụng nghĩ sao mày ngu thế?), rồi giải thích đại ý: Đài truyền hình Quốc gia là đài hoạt động từ tiền thuế của dân nên dân đòi hỏi phải làm hay. Chuyện lễ tân lễ tiếc, hội nghị hội nghiếc, bỏ. Chỉ lấy cái hay làm tiêu chí. Lượng người xem tụt thì lo mà từ chức.
Tôi nghe xong ớ ra.
*
Bèn nghĩ, ở VN, trong lúc một số tờ báo tự hạch toán bị đánh thuế như doanh nghiệp thì cơ quan chức năng lại yêu cầu họ phải tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách theo chỉ đạo, không được nói chuyện này chuyện kia. Làm sao học có thể thực hiện nhiệm vụ “hai trong một” đó được?
Dù khó nhưng vẫn phải làm, ráng để tồn tại.
Các cơ quan báo chí được cấp kinh phí hoạt động đa phần là “hoạt động bí mật”. Truyền hình, nhiều đài bao cấp vẫn rầm rộ ra đời và… sống khỏe, bất chấp lượng người xem.
*
Khi các tờ báo gọi là lớn khó khăn thì đó là cơ hội cho các tờ báo mạng, các trang mạng, tạm gọi là “báo nhỏ”.
Từ hoạt động thực tiễn, tôi thấy, nhiều cuộc hội nghị, hội thảo, khai trương, khánh thành (có nhiều dự án lớn có tác động đến xã hội) họ không mời các báo lớn vì rất khó đưa cho họ một cái tin, trong lúc, các tờ báo nhỏ lại có thể tin ảnh, thậm chí cả bài dài nhiều ảnh…
Nhiều chuyện báo lớn không đăng (vì nhiều lý do) thì báo nhỏ vô tư. Đăng lên, bị nhắc nhở thì gỡ xuống nhưng cư dân mạng đã nhanh tay sao chép lại và lan truyền chóng mặt. Cứ bài bị gỡ lại hot. Gỡ nhiều tiếng tăm của tờ báo càng nổi.
Từ đó các tờ báo lớn vô hình trung nhường vị trí cho các tờ báo nhỏ.
Vì thế, tờ báo lớn hay nhỏ, theo tôi, phải định nghĩa lại ở mức độ lan truyền của nó. Có tờ báo in ra không ai đọc sao có thể là báo lớn? Gọi đúng ra là tờ báo tiêu tiền lớn.
*
Bộ TT-TT dạo này mạnh tay xử phạt, nhưng hầu hết xử về chuyện ít nhiều liên quan đến chính trị, trong lúc tin tức nhảm nhí phải nói là làm lùn văn hóa của một thế hệ thì nhan nhãn như nấm sau mưa.
N:Phiều trang mạng mang tên các vị chức sắc cao cấp vô tư đăng tải chuyện thâm cung bí sử, thậm chí dựng chuyện vu khống, hạ bệ người khác thì chẳng biết ai mà phạt, cũng không (hoặc không thể) chặn được nó. Mà nó lại được đọc nhiều nhất. Nó trở thành báo lớn.
“Nắm thằng có tóc không nắm thằng trọc đầu” là đây!
*
Trước đây, có trào lưu PV trong hệ thống bao cấp chạy đi làm báo kinh doanh thì nay ngược lại, vì làm báo bao cấp an toàn hơn (về thu nhập).
Cái này ngược với quy luật thị trường.
Chuyện thầy tôi đang làm báo tư nhân về làm đài quốc gia khác xa chuyện các PV quay về báo bao cấp. Ở chỗ, nhà nước của họ tôn trọng quy luật của thị trường: Cạnh tranh.
Không phải như báo lớn của ta, họ chỉ cạnh tranh trong cách viết: Bí thư Huyện ủy trở lên thì Bí thư viết hoa; bí thư Đảng ủy Xã trở xuống thì bí thư viết thường.
Cách quản lý báo chí "có gì đó sai sai".
NGUYỄN THẾ THỊNH