Thứ Năm, 30 tháng 3, 2017

LĂN TĂN CHUYỆN LÀM BÁO Ở ĐÀ NẴNG

NGUYỄN THẾ THỊNH

Chuyện xẩy ra ở Đà Nẵng thời gian qua thấy rất nhiều bài báo trên các tờ báo chính thống (chưa kể lề trái) viết theo kiểu võ đoán, suy diễn. 
*
Có thể lấy vài ví dụ:
Một người cùng quê, từng ở trong nhà của bí thư, đứng tên mua 12 lô đất gần sân bay Nước Mặn là có, nhưng từ đó lập luận, người đó làm gì có tiền để mua rồi suy ra đó là tiền của nhà ông bí thư để cho anh này đứng tên thì không có lý.
Anh ta có thể từng ở trong nhà bố mẹ ông bí thư nhưng bây giờ anh ta cũng có mối quan hệ làm ăn riêng của anh ta, anh ta không có tiền để mua chừng đó nhưng bạn làm ăn cùng anh ta thì có. Tôi nghĩ chuyện đó rất có thể xẩy ra.
Muốn chứng minh đó là tiền nhà ông bí thư thì nhất định phải điều tra cho rõ, có bằng chứng hẳn hoi chứ nguyên tắc điều tra nói chung là không suy diễn.
Nếu suy diễn thì cũng có thể suy diễn theo hướng: Nhà ông bí thư muốn mua đất mà tránh mang tiếng thì thiếu gì người đứng tên mà phải để cho ông dễ lộ này đứng?
Điều đáng nói là sự suy diễn đó cũng được BBT một số báo cho đăng.
*
Chuyện từ bản kê khai tài sản của ông chủ tịch cũng là một ví dụ.
Ông ta có nhà ở có diện tích xây dựng 300 mét vuông, một lô đất 310 mét vuông ở Hòa Quý và một lô ở Điện Bàn, Quảng Nam (không nhớ là bao nhiêu mét)…
Báo chí “tóm” được rồi cứ thế gom lại, viết đó là các lô đất từ 150 đến 1.000 mét vuông ở vị trí đẹp, là đất vàng…
Người ở nơi khác đọc sẽ tin và hiểu khác nhưng người ở Quảng Nam- Đà Nẵng thì biết Hòa Quý là đâu, Điện Nam- Điện Ngọc là đâu và thấy như thế là không thiện ý.
Người làm báo có trách nhiệm thì sẽ điều tra và chỉ ra vị trí các lô đất. Ví dụ đất ở Hòa Quý là đất hương hỏa, được bố mẹ tách thửa chia cho, Hòa Quý thì không thể gọi là đất vàng. Cũng như đất khu Điện Ngọc hiện đang rao bán đầy đường, giá rất rẻ, đó cũng không thể gọi là đất vàng…
Còn lô đất nào là vàng thì chỉ ra cho trúng. Trúng thì người đọc và cả người trong cuộc mới phục.
*
Cần nói lại, hiện tượng có thể là có nhưng từ đó suy diễn mà không có bằng chứng thuyết phục là không tuân thủ nguyên tắc làm báo.
Còn từ hiện tượng đó, người làm báo điều ra, chỉ đúng và trúng mới... đã đời.
*
Tôi thấy làm báo trong bối cảnh Đà Nẵng hiện nay là quá khó. Vì không đủ thông tin, không nhìn được toàn cục, không biết rõ thực hư nên mỗi khi có thông tin tung ra là cứ thế mà đưa. Vì thế, đôi khi, sự vô tình đó đã biến mình thành gươm đao cho người khác. Đó là điều đáng ngại nhất.
*
Tôi hết tuổi làm quản lý nên không còn đau đầu để suy nghĩ và quyết định, thấy mình khỏe chi lạ. Còn viết báo thì tôi đã chuyển qua trường phái lãng mạn rồi :P Chỉ đôi khi ngứa nghề có suy nghĩ lăn tăn tí vậy thôi. Ha.
***
P/S: - Nhân đây nói luôn: Tôi chỉ có quan điểm thể hiện trên fb Thinh Babelvà Blog Nguyễn Thế Thịnh, không thể hiện nơi nào khác. Nếu ai thấy đâu đó thì là mạo danh. Thịnh tôi không ưa là bụp, không chơi trò tiểu nhân đâm lén.
- Các đồng nghiệp và bạn đọc coi stt trên như một sự trao đổi, phàm là ý kiến cá nhân thì có thể có cái đúng cái sai, vì thế phản hồi cũng để trao đổi, đừng suy diễn.

ThíchHiển thị thêm cảm xúc
Bình luận

Thứ Hai, 27 tháng 3, 2017

ĐÀ NẴNG: NHẬU SAU HỌP BÁO

Chiều nay, TP Đà Nẵng tổ chức họp báo định kỳ quý I.
- Chỉ là họp báo định kỳ sao lại thu hút sự quan tâm của nhiều người vậy?
- Biết rồi còn hỏi.
-Vậy thôi không hỏi nữa. :P
*
Tường thuật kèm bình luận đại khái :P :
1. Vụ bạt núi Sơn Trà xây biệt thự sẽ báo cáo xin ý kiến Thủ tướng về quy hoạch. Theo đó, ý kiến như thế nào Đà Nẵng sẽ làm theo như thế.
Điều này mừng ở chỗ là quy hoạch Sơn Trà sẽ được cân nhắc kỹ hơn (chứ không phải tạm dừng để hoàn thành thủ tục rồi... mần tiếp). Như thế, có một cửa... hy vọng, rất có thể là... dừng hẳn.
Vui là, quả bóng đã được chuyền sang chân Thủ tướng.
- Không biết cửa... mần tiếp có cơ không?
-Hên xui.
2. Vụ tài sản của Chủ tịch TP: Không hỏi và trả lời như thế là khủng hay không khủng và vì sao có nó mà tập trung theo theo hướng điều tra ai là người tiết lộ bản kê khai tài sản vốn kèm theo lý lịch cán bộ để làm quy hoạch chức danh chủ tịch. Mũi giáo đã chỉa sang hướng khác.
- Khối tên ngồi run?
- Không run mới lạ!
- Đây đúng là bài "biến đám cháy thành pháo hoa"?
- Yes!
3. Sau họp báo, người viết tin, bài xong đi nhậu, bàn tán; người không viết cũng đi nhậu, bàn tán...
- Thành phần khác nhau, chủ đề khác nhau, sự công khai và bí mật cũng khác nhau?
- Đúng. Chỉ có điều giống nhau là ai nấy đều rất... tâm tư.
4. Người viết tút này bây giờ mới gọi taxi đi nhậu đây.
- Vì sao phải đi taxi?
- Hỏi ngu. Đi xe mình để lộ à? Mà tớ dự là... xỉn. Tâm tư hay xỉn lắm!
- Hehe. Sao anh giống em thế!
- Mày đích thị là thằng ngu. Không giống nhau tao oánh này, mày oánh tao làm éo giề? Từ nay tao thích cái gì thì mày chớ có dại mà thích nha! :P.

BỊ ĐÌ VÌ HÁT GUANTANAMERA

(Chuyện kể sau hiệu ứng cấm... ca khúc"

NGUYỄN THẾ THỊNH 
*
Tháng 3 năm 1975 giải phóng Buôn Mê Thuột, Trung đoàn 53 chúng tôi tiếp quản Khu Mai Hắc Đế (khu thiết giáp của chế độ cũ). Tôi, Thân Trọng Bình và Nguyễn Thanh Sinh lúc đó mới 18 tuổi, cùng ở Đại đội Vệ binh của trung đoàn và đều hiếu động như nhau.
Tôi thì còn cá biệt hơn, mỗi đếm điểm danh xong lại cầm đèn pin chui xuống hầm chứa đồ cũ lục sách báo ra đọc lén. Có đêm đọc say sưa đến tận... báo thức thì chạy vội lên tập thể dục.
Rồi tôi lục được cái máy hát và chồng đĩa cũ, cắm điện, bật lên. Bài hát đầu tiên tôi nghe được là bài "Xuân này con không về". Một cảm giác vô cùng kỳ lạ, rất khó cắt nghĩa, chỉ có điều, nghe qua vài lần là thuộc luôn.
Chuyện này kể sau, để kể chuyện này trước.
*
Hồi đó Sư đoàn 470 tổ chức một đêm văn nghệ giao lưu quân dân, 3 thằng tôi được giao một tiết mục.
Thân Trọng Bình (sau này là giảng viên Nhạc viện Huế) gợi ý, mình hát bài gì đó đừng nhà quê quá mà dân trong này họ cười cho, bèn đề xuất bài Guantanamera. Tôi và Sinh (sau học sĩ quan và hy sinh ở biên giới phía Bắc) đồng ý ngay.
Bình chơi guitare, Sinh trống, tôi cello (viôlôngxen), các loại nhạc cụ đó đều do Bình dạy từ hồi chúng tôi ở Stungtreng, Cambodia. Bài hát đó ít hợp âm, chơi cũng dễ. Chỉ có chuyện mượn cây cello là rất kỳ công.
Tập được mấy ngày ngon trớn, một hôm thủ trưởng chúng tôi xuất hiện, mặt ông hầm hầm, quát: "Ai cho các cậu chơi loại nhạc xập xình này? Dẹp ngay cho tôi!".
Chúng tôi thưa, đó là một bài hát của Cu ba, hát bằng tiếng Tây ban nha có lời Việt. Thủ trưởng vẫn kiên quyết: Dẹp!
Chúng tôi không chỉ bị truất khỏi đội văn nghệ mà còn bị kiểm điểm chỉ vì chơi nhạc xập xình. (Mà lạ,trong đại đội toàn người miền Bắc, thế mà chẳng ai mở miệng bênh vực chúng tôi một câu).
Thực ra bài Guantanamera do Joseíto Fernández” (1908-1979) sáng tác là bài hát Cu ba nổi tiếng nhất. Hầu hết các nước trên thế giới đều biết.
Ở VN, có nhiều bản dịch lời Việt (trong đó lưu hành nhiều ở miền Nam là bản dịch của Phạm Duy).
Lúc đó, chúng tôi hát lời Việt theo một bản lưu truyền từ ngoài Bắc (khác bản Phạm Duy dịch) nhưng không rõ tác giả. Sau này tìm trên mạng cũng không có lời này:
Guantanamera/ Guafira Guantanamera
Guantanamera/ Guafira Guantanamera
Hàng cây cỏ cao vươn trời mây xanh
Là muôn ý thơ trôi về nơi đây
Tưởng như mẹ ru khi còn thơ ngây
Ôi bao yêu thương đất quê hương này
Một lòng trung hiếu
xin hứa với nước non
Hiến dâng cuộc đời cho quê nhà…
Guantanamera…
Biển nắng chói chang gió ngàn reo vui
Người nông dân chúng tôi
Hiến dâng cuộc đời cho quê nhà...
Điều đáng nói là, trong đêm văn nghệ, một tốp ca ở trung đoàn khác đã hát chính bài hát này, được khán giả hò reo cổ vũ và hát theo đoạn điệp khúc.
Nhưng cuối năm đó, tôi không được trung đoàn cho đi học sĩ quan (dù đã có danh sách từ trước). Mãi đến năm sau nữa, chuyển sang sư đoàn 471 tôi mới được đi ôn để thi vào Đại học Quân sự.
Chuyện hay không? Hay quá đi chứ lị!
Hehe.
*
Nhưng chưa hay bằng chuyện này:
Cuối năm 1975, về sư đoàn khác, đóng quân ở Châu thành Gia Nghĩa (Đăk Nông), Tết năm đó, tụi tôi chui vô vườn mít Lệ Xuân (gọi thế vì nghe nói hồi xưa bà ấy cho trồng mít ở đây, mít bạt ngàn, không biết bây giờ còn không) cầm đàn nghêu ngao bài “Xuân này con không về”.
Đang nức nở thì đại đội trưởng xuất hiện, quát: “Ai cho các cậu ra đây hát “Xuân này con không về”? Đoạn ông hạ giọng: “Mà sao không rủ tôi ra hát với!”
Trời ạ, câu đầu làm cả bọn rụng rời tay chân, sợ đến són đái ra quần, câu sau mới à lên một tiếng, nhảy cẩng lên, đu cả lên cổ ông: “Đúng là… thủ trưởng!”
*

Uptempo Dance Party remix of Julio Iglesias doing Guantanamera. This is just good fun!. Hope you enjoy it!.

Thứ Ba, 21 tháng 3, 2017

Ngăn chặn kịch bản phim: Voọc: Bán đảo đầu lâu: VÌ SAO ĐÀ NẴNG KHÔNG CÔNG KHAI QUY HOẠCH SƠN TRÀ?

NGUYỄN THẾ THỊNH

Như tôi đã nói, có hai nơi dễ làm tổn thương Đà Nẵng, đó là sông Hàn và Sơn Trà.
Năm trước, Đà Nẵng có thuê một công ty tư vấn Hàn Quốc quy hoạch hai bờ sông Hàn, sau đó thì các kiến trúc sư trong nước có nhiều ý kiến không đồng thuận, chủ yếu là do có quá nhiều nhà cao tầng bên bờ sông. Cho đến nay, không biết quy hoạch đó đến đâu rồi, chỉ biết các công trình bên sông tiếp tục mọc lên.
Riêng Sơn Trà, tôi chưa từng nghe có quy hoạch (hồi trước có một công ty của Mỹ làm nhưng ĐN không đồng ý), vì nếu có, thì cái quận Sơn Trà sao lại không biết công ty Biển Tiên Sa bạt cả góc núi của mình, (trong lúc một nhà ở trong hẻm sâu hút đổ một đống cát cũng bị quy tắc đến phạt ngay và luôn?)
Năm ngoái, rộ lên tin làm cáp treo lên Sơn Trà. Sau một hồi tranh cãi, kẻ nói có người nói không, đến giờ cũng không biết có hay không?
Năm ngoái cũng tranh cãi chuyện làm hầm chui qua sông Hàn, kẻ bảo làm người bảo đừng.
Năm ngoái cũng đồn dời tòa nhà Trung tâm hành chính. Kẻ bảo dời, người bảo không.
Nói chung, chuyện quy hoạch Đà Nẵng có cái gì đó rất... mù mờ.
*
Quay lại chuyện Sơn Trà.
Stt trước tôi có nói, nếu Sở NN và PTNT lý luận khu vực Công ty Biển Tiên Sa làm dự án khủng (chỉ riêng móng biệt thự trái phép đã có 40 cái, nghe nói, giá mỗi biệt thự dự bán từ một đến vài triệu đô) thì trên đỉnh Sơn Trà (chỗ gần sân bay trực thăng cũng là rừng nghèo, rất có thể làm khu biệt thự, đỉnh của đỉnh. Liệu một lúc nào đó có cấp cho ai làm không?
Tôi nghi cái cáp treo là nhắm vào khu đất này lắm.
Nếu vậy, Sơn Trà sẽ thành gì?
*
Cần hỏi lại câu: Vì Sao Đà Nẵng không công khai quy hoạch Sơn Trà?
(Vì sao chọn Voọc Sơn Trà là biểu tượng Đà Nẵng?
Cái gì sắp biến mất sẽ thành biểu tượng. :P)
*
Đà Nẵng đang có ba miếng mồi ngon: Sơn Trà, sông Hàn và bờ biển.
Có mồi ngon hẳn có sự giành giật, kẻ phá sơn lâm, kẻ đâm hà bá.
Mọi chuyện lùng bùng thời gian gần đây (ông đánh con gà, bà đánh con vịt) bắt nguồn từ đó. Thật đơn giản như thể... đang giỡn!
*****
Kính gửi các anh lãnh đạo TP Đà Nẵng!
Theo thiển nghĩ của tôi, các anh nên họp Ban thường vụ Thành ủy Đà Nẵng để xem xét một cách nghiêm túc dự án bạt Sơn Trà. Nếu đã cấp phép thì nên xin lỗi, đền bù cho nhà đầu tư (chứ đừng thấy chưa đủ thủ tục thì tiếp tục hoàn thiện rồi cấp phép), và tuyên bố dừng hẳn. Rừng nghèo thì phát động thanh niên trồng rừng. Trong bối cảnh này không cần ngồi quy trách nhiệm. Để không ảnh hưởng đến ngân sách, thì tôi (hoặc ai đó) xin đứng ra vận động Quỹ Bảo vệ Sơn Trà, bảo đảm sẽ đủ tiền đền. .
Làm được thế, các anh sẽ được nhân dân ủng hộ và con cháu muôn đời sau tri ân.
Con cháu không muốn xem phim: Voọc: Bán đảo đầu lâu.

ThíchHiển thị thêm cảm xúc
Bình luận

Bạt Sơn Trà: CÔNG TY CP BIỂN TIÊN SA CỦA AI MÀ CÓ THỂ "PHÁ SƠN LÂM, ĐÂM HÀ BÁ"?

Có hai nơi, đụng vào, rất dễ làm tổn thương Đà Nẵng, đó là Sơn Trà và sông Hàn.
Mấy hôm nay, cứ mở mạng ra, thấy hình ảnh Sơn Trà bị bạt, có cái gì đó nhói vào tim.
"Chưa hoàn thành thủ tục thì tiếp tục hoàn thành", vậy là xong om!
(Đến đây ngộ ra một điều: Đà Nẵng luôn dẫn đầu CPI là một phần nhờ nhiều nhà đầu tư không phép vẫn làm. Quá thoáng ha :P )
*
Mình cứ tự hỏi hoài: Khi các ban ngành Đà Nẵng đặt bút ký, cho bạt Sơn Trà làm biệt thự (khoan nói phần họ làm sai) không biết người ta đã nghĩ gì?
Mấy ông ĐN nói đây là khu vực rừng nghèo thì mình bày luôn cho, trên đỉnh Sơn Trà, khu vực sân bay trực thăng,
toàn cỏ tranh, rừng nghèo lắm, cấp làm khu biệt thự thì đỉnh của đỉnh. :P
*
Ai mà có "sức mạnh" bạt Sơn Trà như thế?
Không phải đơn vị quân đội như người ta nói (Công ty 319- đơn vị quân đội chỉ là đơn vị thi công).
Còn đó là Công ty cổ phần Biển Tiên Sa (trụ sở tại 07-09 Yết Kiêu, Phường Thọ Quang, Quận Sơn Trà, Đà Nẵng).
Giám đốc là ông Nguyễn Thanh Sơn, trú tại Căn hộ 3, 4, T4 Lô B1 C/C 189B Cống Quỳnh, Phường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1, TP Hồ Chí Minh. Kế toán là bà Hà Thị Loan.
Theo hồ sơ, đây là công ty cổ phần ngoài quốc doanh (100% vốn tư nhân). Ngành nghề chính: Dịch vụ lưu trú ngắn ngày.
*
Đến đây lại hỏi: Ông Sơn làm dịch vụ lưu trú ngắn ngày mà tiền mạnh thế sao?
 Hỏi ngu. Ông ta không mạnh, chủ ông ta mới mạnh.
Chủ ông ta chưa mạnh, người được trả bằng... cổ phần mới mạnh.
Ai mới được trả cổ phần- phần cỗ?
Ưa biết không? Biết... ngất liền!
*
Cáo lỗi tiền nhân vì câu nhại:
Chiều chiều lên núi Sơn Trà
Ở trong biệt thự bia và lộn tôm.
*
Nhân đây xin tặng cho chủ ông Sơn,ông Sơn, những người có cỗ, những người ký vào dự án câu:
"Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá".
Linh lắm!

CẤM HÁT = CẤM NGHĨ

Thiên hạ đang àm ào về chuyện 5 ca khúc bị cấm. Tôi là người ngoại đạo âm nhạc, không dám bình, chỉ nhớ lại câu chuyện này nên kể vui:
Năm 1989, tỉnh Bình Trị Thiên tách làm ba, mỗi tỉnh đều trở về địa giới cũ. Hồi đó có nhiều người khá cực đoan, sự cực đoan thể hiện luôn qua tư duy của người lãnh đạo. Còn nhớ hồi đó TP Huế phát động một ngày tổng vệ sinh dọn rác rưởi, ý rằng dọn sạch những thứ của Quảng Bình, Quảng Trị mang vào lâu nay. Nhiều nơi còn lấy chổi, bồ kết đốt xông xú uế :P
Nhiều người bạn Huế từng rất thân với chúng tôi cũng hô hào nhiều câu khiến tôi đến nay vẫn còn nhớ y nguyên.
Người Quảng Bình cũng cực đoan không kém.
Trong một cuộc liên hoan ngày tái lập tỉnh, có mời nhạc sĩ Hoàng Vân, người sáng tác bài Tỉnh ca nổi tiếng "Quảng Bình quê ta ơi".
Trong cuộc đó, mấy cụ hưu trí cấp cao đề nghị Hoàng Vân sửa lại ca từ đoạn :Muôn người như một gửi về Trị Thiên tấm lòng sắt son...". "Nó đối xử với mình như thế thì mình sắt son làm gì?". Nếu Hoàng Vân không sửa thì đề nghị tỉnh cấm hát bài đó. :P
Lúc đó nhạc sĩ Hoàng Vân đứng lên, giọng rất từ tốn, ông nói đại ý rằng, mỗi tác phẩm nghệ thuật đều hướng đến giá trị vĩnh cửu, giá trị của loài người. Rồi ông khẳng định luôn, ông không sửa và không cho ai sửa lời bài hát của ông.
Nói "Quảng Bình quê ta ơi" là bài tỉnh ca, thực tế, tôi thấy rất nhiều người thuộc, rất nhiều người hát, không cứ gì người Quảng Bình.Chứng tỏ, ca khúc đó có một sức sống rất mảnh liệt.
Trở lại mấy bài hát bị cấm.
Trước hết, tôi nghĩ, mọi người có thể tranh luận những không nên miệt thị người khác. Ông Nguyễn Lưu hay Nguyễn Thụy Kha nói ra suy nghĩ thì đó chỉ là suy nghĩ cá nhân các ông ấy thôi và chúng ta cũng nên làm quen với những suy nghĩ trái chiều, đừng đồng phục suy nghĩ.
Điều đáng suy nghĩ ở đây mà tôi suy nghĩ hoài cũng không hiểu được là xuất phát từ đâu người ta lại "tạm ngưng lưu hành" những bài hát đó?
Nếu nói vì lời bài hát có nhiều dị bản thì nhiệm vụ của người quản lý là tìm ra và công bố bản gốc chứ không phải vì thế mà cấm hay ngưng.,
Còn nói kiểu "Con đường xưa em đi là con đường nào?" hay "Chiến trường anh bước đi là chiến trường nào?" thì kỳ quá. Chiến trường nào thì cũng là chiến trường. Và chắc chắn "Chiến trường anh bước đi / Có nàng hoen đôi mi, ngóng theo đường vắng hoe..." là hình ảnh, là thực tế, là nỗi niềm có thật, rất thật, rất con người. Đó là vấn đề của nhân loại.
Người ta sợ bài hát đó làm ảnh hưởng đến suy nghĩ của người khác nhưng vô hình trung họ đã tiếp thêm sức sống cho nó. Đó là cách làm quản lý và cách "định hướng tư tưởng" sai lầm nhất mà Việt Nam vẫn còn áp dụng.
***
(Nhân đây hiến kế luôn: Nếu muốn tinh thần văn bản nào đến tận từng người dân thì nên... cấm lưu hành)

Thứ Năm, 16 tháng 3, 2017

ĐÀ NẴNG: CÓ CHUYỆN “ĐÁNH NHAU” KHÔNG? (Phản hồi tích cực)

NGUYỄN THẾ THỊNH 

I.
Mình thường nói với mấy đứa nhỏ, thông minh thì nhỏ tuổi cũng thông minh nhưng kinh nghiệm thì phải sống mới có. Vấn đề ở chỗ, nếu cứ phải sống cho đến khi có kinh nghiệm thì kinh nghiệm cũng không còn mấy khả dụng, vì thế phải lắng nghe và học kinh nghiệm từ những người đã sống. Cũng như trí tuệ, cái này có thể nói “thiên tài là người đứng trên vai người khổng lồ”.
Nhưng một đứa bậc đàn em mình lại nói, già chẳng được gì, chỉ được cái mau về hưu và mau chết.
Vế đầu đúng, vế sau không hoàn toàn đúng, vì khối đứa trẻ cũng chết như thường, khối người già vẫn sống nhăn răng.
II.
Dạo này Đà Nẵng xẩy ra nhiều chuyện, hết bên Thành ủy lại đến bên Ủy ban khiến bàn dân thiên hạ nghi ngờ có chuyện phe này đánh phe kia. Đánh qua đánh lại? Và tất nhiên, đầu tiên họ nghĩ đến hai người đứng đầu thành phố.
Có không?
Theo những gì mình biết thì thế này:
Bí thư Nguyễn Xuân Anh là người còn rất trẻ, gần như hội đủ yếu tố để có thể tiến xa. Xuân Anh sinh ra trong gia đình căn cơ, có nền tảng nói chung và kinh tế nói riêng, vì thế, theo quan sát của mình, Xuân Anh có khát vọng làm việc để thể hiện mình. Vì có nền tảng kinh tế nên không tham lam (như/bằng những người khác).
Lãnh đạo mà thiên tài hoặc đặc biệt giỏi thì lâu lâu mới có một người, còn thì trí tuệ không hơn thua nhau là mấy, vậy thì người nào không tham lam hoặc ít tham lam hơn thì mình ủng hộ. Huống chi Xuân Anh là người học hành bài bản lại còn chấp người khác mấy nhiệm kỳ.
Dù nhiều người nhận xét khác nhau nhưng mình tiên lượng, Xuân Anh sẽ còn thăng tiến.
Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ là người đĩnh đạc, lịch lãm, theo mình là có tầm. Tuy nhiên, ông Thơ làm chủ tịch hết nhiệm kỳ này thì đã quá tuổi cơ cấu. Điều này hẳn ông Thơ tự biết (và ai cũng biết).
Ông Thơ có trong sạch không mình không dám nói, nhưng qua vụ lùm xùm về tài sản kê khai, mình cho rằng, nếu có người muốn đánh mà chỉ có thứ đó thì chứng tỏ ông Thơ không có thứ gì khác để họ đánh cả.
Tính thử, ngôi nhà ông đang ở (trong kiệt đường Hàm Nghi), 310 m2 đất Hòa Quý xa lắc là đất hương hỏa, đất Quảng Nam bây giờ chỗ đó còn bán rất rẻ, còn chuyện cổ phần 500 triệu nhưng với mức thu nhập hai vợ chồng mỗi năm 400 triệu thì tính ra chẳng có gì gọi là bất thường. Nếu làm rõ và kết luận thì có lẽ uy tín ông Thơ sẽ lên cao chứ không vơi đi. Có thể nói “đám cháy này rất dễ biến thành pháo hoa” cho ông Thơ.
Nhưng như đã nói, ông Thơ dư biết ông không còn tuổi “cơ cấu” cao hơn. Có pháo hoa thì ông vẫn thế.
Qua đó có thể thấy hai người này không vì lý do nào đó để phải “đánh nhau” cả.
Trong mắt mình, nếu ông Xuân Anh có khát vọng làm việc và trong sáng, nếu ông Huỳnh Đức Thơ lịch lãm, có tầm thì hai người bổ sung cho nhau, đẹp.
Nếu đánh nhau thì cả hai đều biết “không chột cũng què’. Vì thế không dại.
Ai tiến cứ tiến, ai thôi cứ thôi.
III.
Trở lại câu hỏi, vậy thì vì sao có những chuyện lùm xùm vừa qua, ngẫu nhiên hay chủ ý?
Thật tính mà nói, chính trường cũng như giang hồ ở chỗ đều có nhiều ân oán. Anh có thể được lòng người này và mất lòng người kia. Tất nhiên. Nếu anh tốt thì người xấu ghét và ngược lại. Ông Anh và ông Thơ cũng không ngoại lệ.
Chúng ta thường bảo cái gì cũng do tập thể, không đúng, là do người đứng đầu tập thể đó. Vì thế, vấn đề là cả hai ông đều phải có bản lĩnh, đừng để tiểu nhân lợi dụng cũng đừng để tiểu nhân phá bĩnh.
Và, bản lĩnh thôi chưa đủ, phải công tâm.
Và, công tâm chưa đủ, phải không tham.
Và, không tham chưa đủ, phải tiết chế quyền lực.
Tiền nhân đã xây dựng nên một Đà Nẵng đáng sống, nhiệm vụ của người đương nhiệm và thế hệ sau là giữ lấy và làm cho đáng sống hơn. Những chuyện vừa qua có phần làm cho hình ảnh Đà Nẵng “xuống nước” trong mắt mọi người trong lúc các chỉ số vẫn phát triển rất tốt là rất đáng tiếc.
Nếu hai ông đầu thành có mắc mớ nào đó mà từ góc nhìn hạn hẹp của mình nhìn không thấu thì bỏ đi, vì đại cuộc.
IV.
Cuối cùng là mình và đồng nghiệp. Làm báo sợ nhất là biến thành dao kiếm cho người khác.
Cái chi mà tài sản khủng? Bao nhiêu là khủng? Cái chi là đất vàng? Đất trong hóc mò tó mà vàng cái chi?
V.
Rốt cục thì rồi ăn cơm ngày mấy bát, uống rượu ngày mấy ly, áo quần ngày mấy bộ?
Rốt cục thì nói cho hung, đi chùa cho nhiều, cầu cho lắm…cũng vì mỗi một chữ An.
Khi đủ sống rồi thì làm giúp người khác, nhiều người còn khổ lắm. Chứ bon chen cho đến lúc ngày ngày cầm chồng sổ đỏ ra đếm lui đếm tời làm vui cũng buồn chết đi được!

ĐÀ NẴNG: NỔI TIẾNG & TAI TIẾNG

Hôm nay mạng meo hot chuyện anh Thơ chủ tịch.
Từ hôm rộ chuyện biển số xe, mình đã viết stt nói rằng, Đà Nẵng sắp có kịch hay. Y rứa.
***
Chuyện là, anh Thơ kê khai tài sản năm 2014, hồ sơ của anh Thơ lại do Trung ương quản lý (và có thể có một bản lưu ở TP- như Chủ nhiệm UBKT Thành ủy nói với báo chí), vì sao lại xì ra ngoài và vì sao lại xì ra lúc này?
Mình nói thế là vì, anh Thơ kê khai tài sản cách đây 3 năm, có điều gì bất thường, đáng lẽ cơ quan quản lý đã phải làm rõ, sao 3 năm qua không thấy nói gì? Chẳng lạ sao?
Ổng kê khai rõ ràng còn hơn vô số cha tiền tấn, đất tính bằng héc ta mà không kê khai. Không khai thì... trong sạch (!)
Mà tổ chức chi lạ rứa, bảo người ta kê khai trung thực, kê khai xong thì xì ra cho đánh?
***
Về một góc độ nào đó (lùm xùm trên báo biếc mạng meo) chuyện anh Thơ khá giống với chuyện anh Thọ (cựu bí thư có con có hai lô đất). Mình nói giống chắc chẳng mấy ai hiểu và công nhận. Nhưng giống. Ở chỗ từ một nguồn tin, từ một động cơ mà ra.
 Tóm lại, chuyện này là từ nội bộ các đồng chí với nhau, nha.
***
Sau khi anh Dũng Phó chủ tịch sang làm Tuyên giáo, Đà Nẵng đang khuyết một Phó chủ tịch.
Nếu mình làm cán bộ, mình ao ước vị trí này (nếu có người rồi mình cú lắm).
Nếu mình làm doanh nghiệp, mình rất ghét ông nào không đưa lại lợi ích cho mình (mà cho thằng khác, nếu có).
Nếu viết báo, được cung cấp chuyện này nhiều người viết. Viết lấy tiền (nhuận bút :P ). Nhưng mình thì không. Mình rất ghét cán bộ nói chung (vì không hiểu sao họ rất... đáng ghét), nhất là cán bộ tham nhũng và tinh tướng, nhưng mình sẽ ghét mình hơn khi vô tình (vì không đủ thông tin) hay cố ý (vì gì gì đó) bị lợi dụng hoặc tiếp tay cho một mưu đồ.
***
Quá nhanh, quá nguy hiểm!
***
Điều quan trọng là, Đà Nẵng hình như bị sao Thái Bạch (có người gọi là sao Quả Tạ). Độ này lắm chuyện quá, tự nhiên thấy mất hình ảnh.
***
PV đi nhiều hay gặp chứ mình chỉ gặp Chủ tịch TP có hai lần ở chỗ đông người, chả thân, chả sơ. Công bằng mà nói, mình khá thích phong thái của ổng, đĩnh đạc và kiệm lời. Còn việc ổng sao cá nhân mình không quan tâm. Mình cũng không còn làm quản lý để chỉ đạo này nọ nữa. Bình loạn cho vui vậy thôi. Ha.
Dịp sau kể cho nghe chuyện Cán- Doanh- Phóng, không hay không lấy tiền :P :P :P