Thứ Ba, 22 tháng 6, 2021

CHA KHÔNG HOÀN HẢO NHƯNG CHA VẪN YÊU THƯƠNG CÁC CON THEO CÁCH HOÀN HẢO NHẤT

"Cha không nói với tôi phải sống như thế nào, cha sống và để tôi chứng kiến điều đó"- Clarence Budington Kelland nói như thế và không cần chứng minh, ba tôi cũng là người như thế.

Cách sống của ba tôi thấm vào tôi một cách tự nhiên, nghĩa là, cho dù không dạy, tôi cũng học được từ ông rất nhiều, chỉ có một điều mà tôi học mãi vẫn chưa được, vì thế vẫn tiếp tục học, học cho đến khi tôi có thể… già hơn ba tôi (ông mất năm 86 tuổi). Điều đó sẽ kể phần sau.
*
Tôi thích câu của Vỹ Kiệt: “Có nhiều người không tin siêu anh hùng có thật, vì là họ chưa gặp cha tôi thôi”.
Nếu kể từ năm 18 tuổi, khi ba tôi được cài cắm làm lý trưởng để chuẩn bị cướp chính quyền, tiếp đó làm lãnh đạo ngay và cứ thăng tiến cho đến khi về hưu, có thể nói đời ông chủ yếu làm “quan”, nhưng những người dưới quyền ba tôi vẫn chưa từng thấy ông nói nặng lời với ai.
Anh em tôi rất giống ba nên đi đâu cũng có người nhận ra. Tôi thích nhất là khi biết con ba tôi thì họ đều ồ lên.
Tôi đi xin việc, hồ sơ nộp phòng tổ chức, đến khi đi làm rồi, ba tôi đến thăm, sếp tôi (là lính cũa của ba) mới biết, ông nói: “Vậy thì tôi nhận đúng người rồi!”.
Với con cái, câu nặng nhất của ông là “Con làm thế, ba không đồng ý đâu nha”.
Công tác xa, nhưng ba hay gửi sách về cho tôi, vẫn nhớ câu ông ghi trên trang nhất cuốn tiểu thuyết Xi măng: "Đọc sách ba khuyến khích, nhưng không chỉ ngồi đọc sách mà thôi".
Ba mạ tôi không được sống bên cạnh nhau nhiều, thời chiến, ba tôi đi biền biệt. Sau này về hưu, ông bà quấn quýt bên nhau. Ba tôi đi đâu đều có mạ theo sau, mạ tôi đi đâu cũng có ông đi cùng. Ông đi đâu một ngày là bà quay quắt, bà đi đâu một ngày, ông đứng ngồi không yên.
Mỗi khi mạ tôi giận điều gì đó, ông đều nhẹ nhàng: "Mạ Thịnh (mạ của thằng Thịnh) giận à?".
Riêng chừng đó thôi, ba đã là một siêu anh hùng.
*
Tôi không học được ba điều đó.
Tôi thẳng tuột, không khôn khéo, bực lên là nói. Ngoài 30 tuổi, làm sếp nho nhỏ (thư ký tòa soạn kiêm trưởng phòng phóng viên) mà nhiều lần đuổi lính ra khỏi cơ quan. Dù hôm sau rủ nó đi uống bia nhưng như thế vẫn không phải với họ. Họ cho dù là lính mình nhưng lại là chủ của một gia đình, là người chồng, người vợ, người bố, người mẹ, đôi khi còn là niềm tự hào của dòng họ họ.
Cái này tôi biết mà không sửa được. Có lẽ nó bị ảnh hưởng từ thời kỳ ở quân đội. Ra lệnh là phải chấp hành.
Khi có con, tôi thấy, với tính cách này, có lẽ tôi dạy con thật khó. Chúng nó nhìn mình mà học thì còn nguy hơn.
Cho nên tôi đã sửa sai bằng cách giành tất cả tình yêu thương cho chúng nó. Yêu thương theo cách không cưng chiều.
À, mà hình như, tôi cũng chưa từng nặng lời với con.




Từ nhỏ, tôi luôn coi trọng cá tính mỗi đứa. Lớn lên, tôi chỉ nói mỗi câu: “Con nên làm việc mình thích”. Thế thôi.
Anh cả nhà tôi đi làm bao lâu rồi sếp nó, trong câu chuyện tình cờ, mới biết nó là con mẹ nó, mẹ nó là bạn học chính trị với ông (sếp) và mẹ nó là vợ… của tôi.
Đến khi nó không thích làm đó nữa, ổng gọi điện nhờ khuyên, tôi trả lời: “Để nó làm việc nó thích”.
Gái út còn cá tính hơn. Nó quan niệm, với công việc, chuyện ai người nấy biết.
Nghĩ cho cùng, tôi chẳng dạy gì được chúng nó.
Làm cha thật khó.
Nhưng mà các con, cha không hoàn hảo nhưng cha vẫn yêu thương các con theo cách hoàn hảo nhất.
NGUYỄN THẾ THỊNH

Thứ Sáu, 28 tháng 5, 2021

HỌC CÁCH BỎ TRỐNG

Mấy hôm rồi, do lục tài liệu làm sách, mới thấy có một folder lưu các bài viết về mình, bài lâu nhất là từ thời học sinh phổ thông, của một bạn học (chụp lại), gần nhất là của một cô sinh viên.

Đưa lên fb mấy chuyện không phải khoe mẽ gì đâu, giờ khoe cũng chẳng để làm gì.
Vả lại, mình biết, lý do mình cho rằng mình khác biệt và giỏi giang hơn người khác chính là vì đâu đó trong sâu thẳm vẫn có cảm giác mình thua kém người khác.
“Vì tự ti nên lòng tự tôn mới tồn tại trong mỗi con người”- Không nhớ chính xác là ai đã nói câu này, nhưng hay.
Tuy nhiên, những bài biết đó là những kỷ niệm vui. Và nói thật, có chút tự hào, vì mình đã có gì đó để người khác viết, viết tự nhiên, không vì gì cả. Nếu mình sống nhạt thì họ có cố viết cũng không ra.
Có nhiều người không thích đọc những bài đại loại thế, tùy họ thôi. Người luôn nhìn thấy cái không tốt của người khác, tìm cái không tốt để chê là những người bất hạnh nhất! Thật đấy!
*
Nhiều người cho rằng sẽ có hạnh phúc lâu dài sau khi đạt được những cái mình ao ước, không phải vậy đâu.
Sau khi đạt được tất cả, chính là lúc trống trải nhất, là vì không còn gì để ao ước. Bất hạnh bắt đầu sinh ra từ đó.
Vì thế, mình luôn tận hưởng quá trình cố gắng của mình, kể cả một lời nhận xét thiện chí dù là nhỏ nhất.
Mình rất thích lời nhận xét của cô mình, Trần Thùy Mai: “Sau nhiều năm, những gì Thịnh viết, những gì Thịnh làm, đã chứng minh điểm 11 của cô là hoàn toàn chính xác. Vì, phải có điểm vượt khung cho một con người vượt khung”.
Mình cũng thích cách quan sát và lời nhận xét của thầy Hà Văn Thịnh, là mỗi khi nhắc đến thầy cô mình đều nói đủ cả họ và tên. Nói cái gì với thầy cô mình đều đứng lên.
Nhưng cũng thích cách bạn học đại học quan sát: “Khi có đội bóng đá, mọi người ngã ngữa ra rằng hắn bắt gôn rất tài và rất liều mạng”. Và, “Trong lớp, hắn không có đối thủ, ấy vậy mà hắn nhác học đấy!”
Cũng thích mấy đứa sinh viên nữ: “Sao bọn họ không viết thầy bị gạ tình mà viết thầy gạ tình?”
Rồi cũng thích cô đồng nghiệp:” Mấy năm làm việc với Bọ ở Hà Nội, em có cảm giác bọ bị lãnh cảm” (Là cô ấy nói mình không quan tâm đến phụ nữ).
*
Điểm yếu nhất của mình là dễ bị tổn thương. Mọi người hay khuyện, kệ họ. Nhưng mình không kệ được khi có những người nói không đúng về mình. Đó là cái dở.
Điểm yếu thứ hai là chơi với bạn bè rất chung thủy nhưng nếu ai đó làm tổn thương, nhất là tổn thương đến tình cảm vợ chồng mình thì mình cắt cái bụp, không giao du. Cho dù xin lỗi mình cũng không chấp nhận. Trong cuộc đời hình như đã có 2 người.
Lại nữa, mình luôn tìm cách lấp đầy chỗ trống, nhưng không biết rằng, sự hoàn thiện lại nằm trong sự trống trải đó.
Cũng mấy hôm rồi làm tài liệu nên mở ảnh cũ ra coi. Thấy mình từng có chiếc đồng hồ rất đẹp, chiếc kính rất ngầu, chiếc áo rất đỉnh, điện thoại rất xịn… nhưng không biết nó đã ở đâu.
Chắc chắn là đã cho đứa nào đó. Không nhớ cho ai là dở nhưng mà cũng hay, nghĩa là từ trong tâm thức, vô thức, mình đã tạo ra chỗ trống. Nhưng mình đã không đánh giá hết về tầm quan trọng của nó. Không biết không có khoảng trống thì cây không lớn được.
Mình phải học cách bỏ trống.
Nhưng nhất định không bỏ trống bạn bè.
"Đêm nhớ về SG
Thấy bạn bè thèm ngồi bên nhau
Nhắc chuyện người chuyện đời thương đau
Tình chia trong đêm sầu ..."
(Trầm Tử Thiêng)

Chủ Nhật, 23 tháng 5, 2021

 "SỐNG VÀ CỨ THẾ, ĐẾN CÙNG…"

***
Cũng con người đó nhưng trong mắt mỗi người đều có những chân dung khác nhau. Lẽ thường.
Còn tôi thì, như thầy Hà Văn Thịnh, người viết bài này, khuyên, "Hãy sống, sống và cứ thế/ Sống và cứ thế, đến cùng..."
Thầy, một con người thảng hoặc mới xuất hiện trên đời, một kỳ nhân xứ Nghệ, cũng từng "SỐNG VÀ CỨ THẾ, ĐẾN CÙNG…" cho đến cả lúc này, lúc thầy đã đi xa.
***
Tôi biết Nguyễn Thế Thịnh lần đầu tiên khi đến nhà một người bạn mà tôi rất quý trọng: Trần Ngọc Nam, lúc đó ở khu tập thể của trường Đại học tổng hợp Huế. Nam cũng là dân Tổng hợp (Đại học tổng hợp Hà Nội). Nam có đôi mắt sáng rực, sáng đến độ, sau này, nhiều khi tôi tự hỏi mắt hắn và mắt Nguyễn Thế Thịnh, của ai lấp lánh hơn, kẻ nào tinh quái hơn?
Tôi và Nam khoái nhau ở một cái điểm chung thôi: Cả hai học trong nước, chả biết cờ vua là gì, nhưng vì bực cái lối ngạo mạn, hợm hĩnh của mấy lão học từ Nga về nên quyết học chơi cờ vua để, lần lượt đánh bại “chúng nó”, từng tên một.
Đang ngồi nhấm nháp ly rượu thì nghe thấy tiếng cười nói. Rồi mấy sinh viên xuất hiện. Nam nói với tôi: “Phương, con em mình và bạn trai nó”. Tôi nhìn ra và, hắn cũng nhìn tôi chằm chằm nhưng chỉ một thoáng thôi.
Hình như tôi đã hơi giật mình (hay rùng mình?) trước cái nhìn nỏ giống sinh viên, vì ít có sinh viên nào dám nhìn thầy theo kiểu đó. Tôi có cảm giác mình đang bị lột trần trước mắt hắn; nhưng, tất nhiên, tôi lấy lại ngay tính tự tin (vì có một cô gái đã từng khen tôi đẹp hơn khi… không mặc áo!).
Nhưng, có lẽ ánh mắt làm tôi ngạc nhiên hơn là của Phương– bạn học, và, bây giờ vẫn đang là vợ hắn. Cái cách nhìn của Phương đối với Thế Thịnh, tôi “đọc” thấy cả một rừng… đắm đuối.
Cái ánh mắt đó của Thế Thịnh và, Phương, ám ảnh tôi cho đến tận bây giờ. Sự tinh quái, sắc sảo, chế ngự, lấn lướt… vẫn giống như thuở nào. Chỉ có một điều khác với tôi nghĩ, hắn – Nguyễn Thế Thịnh, là kẻ giống sinh viên nhất trong cách đối xử với cô, thầy, bất kể lúc nào; tức là tính cả lúc này, sau hơn 30 năm đã trôi qua…
*
Cái lần “gặp” mơ mơ, tỉnh tỉnh ấy, theo cách nói của dân Nghệ quê tôi là chỉ nhìn mà chưa chộ.
Phải 15 năm sau, vì có việc phải hỏi báo Thanh Niên (nơi tôi đã đăng khoảng vài chục bài viết), tôi vào Đà Nẵng, tìm đến Văn phòng đại diện miền Trung đóng ở đường Bạch Đằng. Cô nhân viên văn phòng hỏi có hẹn trước không. Tôi trả lời là không, chỉ cần nhắn tên Hà Văn Thịnh là có thể có “hồi âm”.
Ít phút sau, Nguyễn Thế Thịnh xuống đón, mời tôi lên và gọi tôi là… thầy!
Tôi hơi bị choáng vì chẳng hề dạy hắn tiết học nào, tuổi thì gần bằng nhau (vì hắn làm sinh viên sau khi ở quân ngũ 8 năm).
“Choáng” hơn nữa là tôi phát hiện ra rằng Nguyễn Thế Thịnh có cách xưng hô khi nói chuyện “lạ” lắm. Những cựu sinh viên khác khi nói với ai đó về thầy, cô; thường chỉ nói là thầy Xớn, thầy Dũng, cô Lộc…; riêng với Nguyễn Thế Thịnh thì lúc nào cũng là thầy Nguyễn Xớn, thầy Nguyễn Hồng Dũng, cô Nguyễn Thị Mỹ Lộc…
Cách gọi đó mênh mông nhiều nghĩa lắm: Nó vừa toát lên cái mức cao của sự quý trọng, lại vừa ẩn chứa sự hiểu biết, thân tình như thể mặc định với người nghe rằng, đối với thầy, cô ấy, tôi hiểu rõ mà… Có lẽ, đó là cách gọi – chỉ định, riêng của Nguyễn Thế Thịnh làm cho người nghe dường như “nghe” được thanh âm hơi thở của mình…
Thế là, hai “thầy trò” mở một chai rượu, nói như ai cũng biết rõ chân trời, góc bể. Vui lên, tôi hỏi, có nghe mọi người đọc hai câu “Thứ nhất là động Phong Nha/ Thứ nhì Thế Thịnh, thứ ba Thế Tường”?
Thế Thịnh cười: Hình như thầy nhầm đó thầy, em lại nghe họ đọc: “Thứ nhì là động Phong Nha, thứ nhất Thế Thịnh, thứ ba Thế Tường”.
Tôi shock thật sự vì ngạo như tôi cũng thua. Tôi thường nói với sinh viên rằng, các em hãy tin là tôi thuộc lòng mọi sự kiện, năm tháng quan trọng của lịch sử thế giới, lịch sử VN; tôi có thể vẽ trầm bản đồ bất kỳ nước nào với 20 địa danh chính xác mỗi nước; thậm chí, có người bảo tôi là tự điển biết đi…Tất nhiên, đó là những lời chém gió có không ít ảo ảnh của sự ngông cuồng; nhưng, thú thật, “thứ nhì là động Phong Nha” thì quả là đỉnh cao của của trí tưởng tượng về mọi sự thậm ngôn trong cõi chơi này.
Sau, tôi tìm hiểu mới biết là Dân Bọ truyền tụng câu ca trên để ca ngợi hai nhà báo nổi tiếng của Quảng Bình mà họ đặt lòng tin, thời ấy.
Chia tay, Thế Thịnh tặng tôi một chai rượu ngoại. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi được một cựu sinh viên không do mình dạy (và sinh viên đó có đi dạy) tặng rượu ngon!
Sau này, mỗi lần có dịp, khi tôi hỏi ai đó về Thế Thịnh đều có cái chung trong nhận xét: Một người rất khôn và ngoan, đối xử với thầy cô, anh em, bạn bè có trước, có sau, thông minh, hóm hỉnh ít ai bì…
Những ai đã tiếp xúc với giới nhà văn, nhà báo đều hiểu mang máng cách dùng từ lấp lửng của “người ta”: khôn, khôn ngoan, khôn và ngoan, thông minh, rất khôn, rất được về tư duy…; tóm lại là có cả một rừng ngôn từ chập choạng, hiểu cho đúng, cho đủ cũng gần khó bằng việc đo, đếm lòng dạ con người.
Dĩ nhiên, để khỏi lạc lối, lẫn lầm trong cái mê cung đa nghĩa của ngôn từ, tôi nghĩ, chỉ cần mình tự nghĩ, hiểu đúng là đủ.
Một lần, trong một cuộc nhậu, tình cờ tôi nói với cả bàn (gần chục người) rằng thầy Dũng sắp bảo vệ luận án tiến sĩ, rất đáng nâng ly chúc mừng. Vậy là sau khi ly chén va vào nhau lập bập, bia ngung nghiêng như thuyền gặp sóng lớn, tôi nghe thấy tiếng loạt soạt dưới gầm bàn rồi, thấy Thế Thịnh cầm lên chiếc phong bì, cầm bằng hai tay, đứng lên, đưa và nói với Nguyễn Hồng Dũng: “Thầy, em có chút gọi là, coi như em cùng góp gió để mai mốt thầy mời các cô, thầy một bữa liên hoan mừng thành công”.
Lần này thì tôi hơi bị hoa mắt chút chút vì không nghĩ cựu sinh viên ra trường ba chục năm rồi mà vẫn chân tình và lễ phép đến thế. (Nguyễn Hồng Dũng về công tác tại Đại học tổng hợp Huế muộn hơn tôi nhiều. Tôi chắc Nguyễn Hồng Dũng ít tuổi hơn Nguyễn Thế Thịnh, nhưng không chắc Dũng có dạy Thịnh tiết nào không?)
*
Đôi khi, tôi suy nghĩ vẩn vơ rằng có lẽ cái chữ thế trong Thế Thịnh cũng đa dạng và tiềm tàng nhiều năng lực như là… hắn?
Nó là sự trả lời dứt khoát của Ngô Thì Nhậm với mọi Đặng Trần Thường trong cuộc đời này, gặp thời thế, thế thời phải thế. Nó là ngầm định rằng chẳng ai đủ khả năng sáng hơn, lấp lánh hơn và hấp dẫn hơn hắn, có thể thế vị thế của hắn trong một cuộc vui, cho đến tận giây phút… đã tàn. Sự nhẹ nhõm và đồng cảm đem đến cho tất cả mọi người là điều chẳng dễ bao giờ. Nó như là một sự khẳng định phải thế, như thế khi rất nhiều người đọc những dòng viết, trang viết của hắn; tâm đắc, cảm phục, thích thú bởi những bất ngờ, những sáng tạo nhẹ nhàng, những châm chích mềm như nước chảy mà có thể làm mẻ mòn cả đá, làm lở, bồi cả một bờ sông; tỉ như đến thành phố Tam Kỳ, mới ngộ được tứ kỳ!
*
Tôi không dạy Nguyễn Thế Thịnh, không gặp Nguyễn Thế Thịnh nhiều, không thân với Nguyễn Thế Thịnh như vài người khác… nhưng sao tôi lại phải mất công ngồi “luận” về hắn? Có lẽ chỉ vì, tôi có cảm giác, hắn biết tôi!
Và, nó, cái chữ thế ấy - rất nhiều lần, tôi nghĩ giống với câu thơ của Raxun Gamzatov: Hãy sống, sống và cứ thế/ Sống và cứ thế, đến cùng…
***
Huế, tháng 10.2015
HÀ VĂN THỊNH