Thứ Hai, 13 tháng 6, 2022

BÁNH CANH

 Bánh canh là món ăn quen thuộc và yêu thích của người dân vùng Bình- Trị- Thiên.

Đó là món khá dễ nấu. Hồi còn nhỏ, chỉ cần con cá lóc, hoặc vài con đam (cua đồng) hoặc ít tép, vắt cục bột (gạo, mì, sắn gì cũng được) cán ra rồi thái sợi, nấu các thứ sôi lên rồi thả vào, cho ít ớt, ít rau thơm vào là xong.
Ở quê không nêm mì chính mà nêm ruốc. Cho một thìa ruốc vào bát nước lã, đánh lên, cho vào trước khi đun vì cho vào khi nước sôi nó sẽ có mùi ruốc.
Sợi bánh canh to cỡ chiếc đũa, vì khi thái xong có lăn qua bột cho khỏi dính nên tô bánh canh nước sền sệt.
Mình thích nhất bánh canh sườn lẫn tôm. Sườn chặt nhỏ thôi.
Ba Đồn được cho là nơi nấu bánh canh ngon. Không biết trước đây sao chứ mấy lần ra ăn, tôi tuyệt đối không thích.
Bánh canh Ba Đồn nước trong veo, sợi bánh cán bằng máy nhỏ như sợi bún, các thứ trong tô rời rạc, không hoà quyện. Chỉ ram để ăn cùng thì ngon.
Nếu đã từng ngon sao làm cho nó dở đi?
Bánh canh Huế và vài nơi ở Quảng Trị (gọi là cháo vạc giường) có vẻ giữ được cách truyền thống nhất.
Nhưng bánh canh thiên về món ăn ký ức nên ngon dở còn tuỳ mỗi người.
Mình thì thậm ghét sợi thái bằng máy. Thậm ghét. 😛

KHOE ĐỒ ĂN CẮP

Mọi người hay đề cập đến vấn đề đạo đức xuống cấp và chỉ ra rất nhiều nguyên nhân, đều rất đúng.

Riêng tôi có cảm nhận cá nhân, có một nguyên nhân rất quan trọng, đó là sự tác động của cán bộ.
Cán bộ, dù cấp nào cũng là “tấm gương”. Cấp càng cao thì “tấm gương” càng lớn và càng trong.
Mấy năm qua, số cán bộ cao cấp bị bắt ngày càng nhiều, vi phạm của họ đều liên quan đến đạo đức. Điều đó khiến không ít người có hội chứng mất lòng tin vào cán bộ.
Cá nhân tôi, dù không hề có bằng chứng, nhưng mỗi lần nghe cán bộ thuyết giảng tôi đều rất khó tin, khó tin vì không biết ngày ngào thì sai phạm của họ được công khai.
Tôi đã từng nghe, đã từng trích dẫn rất nhiều “lời hay ý đẹp” từ phát biểu của các vị đó, và cuối cũng, đã thất vọng về nhiều trường hợp. Thật sự họ nói mà không biết ngượng mồm.
Lại nói về “tấm gương”.
“Tấm gương” của ông Nguyễn Bắc Son nhận tiền triệu đô từ một phi vụ và vào tù mới đó thôi nhưng có vẻ không làm cho các ông chủ tịch, bộ trưởng…sau đó soi được gì cả. Nói dân giã hơn là không làm họ giật mình.
Con người VN rất giỏi, bất kỳ việc gì, kể cả trong đại dịch, họ vẫn nhìn ra cơ hội kiếm tiền. Vẫn biết, đồng tiền có sức mạnh nhưng không ngờ nó còn mạnh hơn liêm sỉ.
Thật sự, tôi không biết bọn trẻ nghĩ gì khi hàng ngày hay tin có nhiều ông bà lớn sai phạm vì tiền.
Điều cơ bản nhất là họ không hề biết giữ kẽ, Vẫn ở nhà trăm tỷ, sắm xe siêu sang…một cách ngang nhiên trước bàn dân thiên hạ. Có vẻ họ coi đó là “đặc ân” mà họ đương nhiên được hưởng.
Khi con người selfie ngay cả cái có được bằng ăn cắp để khoe khoang thì thực sự cạn lời rồi.

Chủ Nhật, 15 tháng 5, 2022

THẢN NHIÊN MÀ SỐNG!

Đợt dịch bệnh đầu tiên, mình cùng nhóm anh em Trương Phong ra Làng Vân ở. Lúc trên tàu, lúc lên bờ, tự thả lưới đánh cá, lên rừng hái quả…Tự do tự tại.

 

Mới nghĩ, thực ra cuộc sống rất đơn giản, sắm một bộ đồ, chất vào ba lô, đến đâu có view đẹp thì căng lều lên ở. Ba lô có tay lưới, dây câu, cái ná (súng cao su), con dao… là có thể sống khỏe.

Nhà cao cửa rộng xe nhiều như “Ông Hạ Long” quá khổ.

 

Ví dụ cái chỗ trong ảnh: Mình dọn sạch, căng cái lều, trải tấm bạt làm bàn trà, chả phải thú vị sao?



*

Trong cuộc sống, cũng đừng phức tạp hóa nó lên vì tất cả đều chả có gì phức tạp.

Ngày trước mình không uống rượu bia được nên anh Đỗ Quý Doãn vẫn gọi mình là “thợ lặn”. Không uống được thì lặn, không chào, chào sẽ bị bắt ngồi lại.

 

Sau này thấy thế cũng không xong bèn tìm cách khác: Dọa cho thiên hạ sợ.

Trên fb, mình hay dọa mỗi ngày “súc miệng” 13 chai bia, khiến ai nấy đều gọi là “Thần men đại hiệp”. Thực ra thì, mình làm việc nhiều, nguyên tắc không uống ban ngày, chỉ sau 18h, một tuần cũng một, hai lần.

Vào bàn thì nói, sắp ra cho tao 13 lon, tao chừng đó thôi, xong về.

Phủ đầu ngay làm bọn nó sợ mất dép.

Uống bia xong gom chai, lon lại trước mặt, chụp cái ảnh đưa lên fb dọa chơi!

 

Hôm nọ ngồi với vợ chồng đứa em. Nó kêu uống với anh chán, ngồi cả buổi không nói. Đúng thế đấy. Nhưng đến lúc, thấy tụi nó sắp đến ngưỡng thì cởi áo khoác ngoài, đứng lên ghế, quay một vòng, nói lớn: “Cuộc chơi bắt đầu!

Xanh mặt hết. Đứa nào cũng can: Thôi anh, thôi anh! (Thật đúng ý mình :P )

 

Hôm ở Làng Vân, có mấy anh ở TP HCM ra nổ nổ. Mình lấy cái chai nhựa 5 lít, cắt làm cái ly, bỏ đá, rót đầy bia, bảo ai chơi chơi với tui. Tụi nó tắt tiếng hết. :P



Có điều, đã không đi uống bia thì thôi, đi thì phải về sau cùng. Bọn nó nghe dọa sợ mà về chứ mình không dọa chắc gì uống song phẳng với nó được? :P

*

Mình có tiền không? Có nhưng không nhiều. Nhưng chắc chắn ít người nghĩ mình không nhiều tiền. Vì sao? Vì không nên tỏ ra thiếu tiền!

Mình kêu than không có có ai cho mình đâu, thậm chí bụng chúng nó còn khinh mình.

Mặt cứ thản nhiên đi, nói cho rổn rảng: Để tao! Tụi bây không có mà bày đặt đòi trả!

Mình trả thật. Cũng chả làm mình nghèo đi mà được cái vui. Cũng là dọa cho nó sợ để bỏ thói mở ví run run, tính tiền thì ngoảnh mặt xỉa răng…:P

*

Nói thế hóa ra mình “nổ” à? Không nổ. Nói cũng dựa trên nội lực. Quảng Bình quê tôi có câu: “Lải rãi trời đãi cho, co ro trời cho một đạp”. Trong ví có trăm ngàn cũng như 10 triệu, mặt không biến sắc. Không có rồi lại có, mấy hồi. :P

 

Thế cho khỏe.

Thứ Năm, 28 tháng 4, 2022

HAI NGƯỜI TÔI GẶP

Những ngày làm thiện nguyện, giúp đỡ bà con về quê tránh dịch, tôi gặp được hai người.

MỘT CHÀNG TRAI.
Đó là Trần Hoàng Vương, nick Vương Trần, được nhiều người biết đến trên mạng thông qua làm thiện nguyện. Tôi biết Vương cũng thế.
Sau đó tôi chơi với nó, cũng hay nhắc về nó, dường như nó cũng thế, nên hai anh em đi đâu cũng đi với nhau. Tôi biết Vương sau rất nhiều người, đặc biệt là bạn bè “tầng tầng lớp lớp” của nó, nên không thể nói là người thân nhất. Nhưng không ngày nào không liên lạc với nhau.
Tôi quý Vương ở “khí chất đàn ông”. Đối với nó, hầu như không có việc gì là khó. “Bỏ tay mặt, bắt tay trái”, nó làm bao việc, đến tôi ham việc cũng hoa cả mắt. Nhưng đó chỉ là một nét khí chất. Nét chính có thể tóm gọn trong một câu dễ hiểu: “Ngay cả khi trong thẻ không có tiền, bạn hỏi mượn nó cũng đi mượn người khác cho bạn mượn”.
Hồi làm thiện nguyện, tôi có bao nhiêu chuyển dần cho nó, đến lúc cuối, người ta ngưng hết rồi nó vẫn làm. Có lần nó điện: “Anh còn tiền cho em 15 triệu”. Hỏi chi? Bảo thuê xe cho mấy người về chứ họ tã hết rồi.
Lúc đó tôi chụp ảnh màn hình gửi nó, nhắn một cách bực bội: “Tao còn 3.456.000 đây, mi lấy 3 triệu đi để tao nhịn!”
Vậy rồi nó cũng xử lý đâu vào đó.
Một lần khác sau khi nghe đt xong nó quay sang: “Em biết anh mới có tiền, bắn sang cho em ít”. Hỏi nhiêu? “XYZ…thằng bạn mới hỏi mượn”. Tôi vừa chuyển tiền vừa cằn nhằn: “Mày mà con gái năm có bầu 12 lần”.
Nó không nhiều tiền bằng một số người chơi với nó, nhưng tôi thấy, nó mới là đứa nhiều tiền nhất. Làm nhiều, làm đến nơi đến chốn và sống rổn rảng. “Ai gọi đó, có Vương đây!”.
Nhiều lúc cũng khuyên nó thu gọn lại để còn chơi, nó cười khì khì. Sang lại cái nhà hàng thấy đã nhẹ nhàng, đang mừng thì nó lai lập tức chuyển sang NIÊU ĐỎ Restaurant (7- Phan Bội Châu) trong lúc ngày nào cũng “chốt, chốt”, ấy là chưa nói chuyện các lĩnh vực dịch vụ khác và thang máy.
Tôi có cảm giác nó là một người đàn ông quật cường, đón nhận tất cả những gì số phận ban tặng và giữ vững đức tin của mình. Ở nó toát ra một năng lượng sáng chói.
Mọi người nhìn nó thế nào không biết, tôi thấy nó thế.
Đôi khi tôi mắng: “Mày không có người vợ như con em Kiều Oanh của tao, mày chả làm cứt gì được, đừng ồn! Thực ta đời nó cũng may!
*
MỘT CÔ GÁI
Cũng quen trên mạng vì công việc thiện nguyện, sau đó cùng bạn cô ấy kết hợp làm thêm một vài việc thiện nguyện khác, nhờ thế mới gặp ngoài đời.
Cô ấy không rổn rảng như ku Vương nhưng nói một là một, hai là hai, bằng một ngữ điệu truyền cảm nhưng chắc chắn.
Cô ấy có công việc tốt, thu nhập tốt, lại còn sang trọng. nhưng rồi xin nghỉ lúc chưa tới bốn mươi.
Quen rồi mới nghe cô ấy kể chuyện gói ghém lại cuộc sống, tính toán cho con cái học hành tốt và bản thân có cuộc sống chất lượng nhất có thể.
Cô ấy không nhiều tiền nếu không nói là ít tiền (vì có lần nghe lỏm được cô ấy nói với bạn thân), nhưng có một cuộc sống cực kỳ tự do, đi rất nhiều nơi, chiêm ngưỡng nhiều điều thú vị…
Cô ấy làm tôi ngộ ra một điều: Không cần nhiều tiền mà cần biết tính toán, “gói ghém” lại để làm cái mình thích, phục vụ nhu cầu của mình chứ không làm cái mọi người đua.
Với tôi, cô ấy là người giàu có nhất.
*
Hai người tôi gặp ở trên về khía cạnh nào đó là thầy tôi, vì học được ở họ rất nhiều.

Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2022

BÁU VẬT CỦA CUỘC ĐỜI

Khi còn nhỏ và còn trẻ, mẹ là người chăm sóc ta, hiểu ta nhất. Chỉ cần sờ tay vào trán, mẹ cũng biết cơ thể ta như thế nào.

Nhưng khi có gia đình, đặc biệt là khi về già, vợ mới là người hiểu ta, chăm sóc ta nhiều nhất. Chỉ cần nghe tiếng thở, vợ ta cũng biết ta thế nào.
Tuổi già, vợ thường chăm sóc chồng nhiều hơn là chồng chăm sóc vợ.
Người ta thường bảo, phụ nữ có đức hy sinh, nhưng người ta cũng từng nói, phụ nữ không cần phải hy sinh, cuộc sống bây giờ là bình đẳng. Tôi thì vẫn tin phụ nữ, ngay từ sâu thẳm, đã có đức hy sinh. Đó là bản năng để bảo vệ tổ ấm của mình, họ có thiên chức hy sinh để che chở. Nếu không, cái tổ ấy luôn luôn có nguy cơ bị chia rẽ. Họ là thiên sứ của mỗi gia đình.
Trong cuộc sống, đôi khi người đàn ông quên đi điều đó, hoặc coi điều đó như chuyện mặc nhiên. Đó là sai lầm của đại đa số giống đực.
Mẹ ta nuôi ta cho đến khi đủ lông đủ cánh bước ra cuộc đời.
Mẹ vợ ta nuôi vợ ta cho đến khi đủ lông đủ cánh rồi về ở với ta.
Hơn 7 tỷ người trên thế giới, sao lại là cô ấy?
Vì cô ấy chính là thiên sứ được cử đến để biến ta từ kẻ lêu bêu thành người đàn ông có trách nhiệm.
Cô ấy bình thường yếu đuối, nép mình bên ta tìm sự che chở. Nhưng khi khó khăn nhất, cô ấy chính là người che chở ta. Trên thế gian này, có hai người phụ nữ vị tha nhất trước lỗi lầm của ta: Mẹ và vợ.
Trời lạnh, ta cởi áo khoác khoác cho người phụ nữ được khen là ga lăng, trời lạnh và nắng, người phụ nữ cởi khăn choàng che cho ta, ta coi đó là chuyện đương nhiên.
Ta, những người đàn ông vô tâm đến mức tàn nhẫn, sự tàn nhẫn thản nhiên.
Tôi cam đoan, không có người phụ nữ biết hy sinh thì không bao giờ có một gia đình hạnh phúc.



*
Suốt những năm tháng khó khăn nhất trước khi đi xa, P. nhà tôi luôn luôn mỉm cười, nụ cười rạng rỡ như ngày đầu mới gặp nhưng đằm thắm hơn nhiều. Không phải tôi mà chính nhà tôi đang che chở cho tôi.
Phụ nữ luôn biết mỉm cười cũng là một sự hy sinh.
Giờ thì không có ai che chở cho mình nữa, tôi thấy dường như đất dưới chân sụt lún, may thay vẫn còn ký ức níu giữ. Ký ức đó là báu vật cô ấy để lại cho ba con tôi.
Những ai còn bên nhau, hãy trân trọng từng giây phút, vì mỗi giây phút đó, sau này sẽ trở thành ký ức, để già đi ta vẫn sống với ký ức tươi trẻ, rồi đến một ngày nào đó, ta để lại cho con cháu của mình.
"Em xem, ông bà anh sống thế này này!"
"Anh, ông bà em sống thế này nè!"
Thật sự không gì có thể sánh bằng.

Thứ Ba, 12 tháng 4, 2022

KÝ ỨC DÙNG DẰNG

Tôi và P lang thang quanh thành phố, trên những con đường ký ức, nơi mà ngày xưa, khi còn là sinh viên, hai đứa đi lại đến quen cả từng gốc cây, ngọn cỏ.

Trời Huế tháng tư lại như thể mùa Đông, mưa phùn, lạnh và buồn.
Lúc đang trên đường Lê Lợi, P ngồi sau, xuýt xoa, trời Huế chi lạ anh hè, nhưng mà cây của Huế rất đẹp, anh coi, cây bàng thì đỏ lá, bắt đầu rụng, cây long não lá xanh ngắt, cây phong thì non mơn mởn, cây phượng lại đang ra hoa vàng rực…Cây ở Huế cũng khác cây các nơi khác, cành thế rất đẹp…Chắc khi trồng, người ta cũng tính toán trồng nhiều loại cây xen kẽ để được thế này.
Bình thường tôi không để ý chuyện này, nghe nói mới nhìn lại, thấy P nhà tôi quan sát tinh tế. Tôi bình luận theo, anh không biết họ có cố ý không nhưng đúng là đẹp lắm. Người ta thích con đường long não nhưng anh thấy con đường đó chỉ tuyền một màu xanh quanh năm, rất đơn điệu. Con đường này sinh động hơn nhiều.
P gật đầu, đoạn bảo, đố anh vì sao cây Huế cành thế lại đẹp hơn nơi khác?
Tôi nói, chắc vì thời tiết Huế khắc nghiệt quá, mỗi loài cây phải tự thích nghi mà tồn tại, nó không thể vươn lên một cách suôn sẻ như cây ở phía Nam thời tiết thuận hoà, lại không như cây của vùng Bắc miền Trung thường gãy ngang vì bão gió. Thời tiết Huế đủ làm cho cái cây dùng dằng nên hấp dẫn…
Nếu có đường cao tốc Bắc Nam, từ Đà Nẵng ra Huế chừng 30 phút, lúc đó thỉnh thoảng ta ra Huế ngắm cây và…buồn cho vui. Có lẽ ta phải sắm chiếc xe đạp để sẵn đây, chiếc xe này không tương thích với Huế.
Nếu người Huế đi xe đạp, thành phố này sẽ chậm hơn, buồn hơn và...vui lắm.
P nhà tôi gật gù, thỉnh thoảng chậm lại để buồn cũng... vui.
Vì thế nên ủng hộ thủ tướng làm tàu cao tốc để tối mình ra Huế đạp xe đi chơi, sáng vô Đà Nẵng đi làm. Làm kiếm được tiền rồi lại ra Huế để buồn cho vui!
(Đoạn này tôi viết trong một stt từ 5 năm trước).
*


Thực ra, đối với bọn tôi, Huế hấp dẫn nhất ở...ký ức.
Ở đó, tôi đã từng cắp sách đi sau P và giữ một khoảng cách nhất định khi trong lòng đã rất thích cô ấy.
Sau yêu nhau lại cùng bước trên 64 bậc cầu thang lên giảng đường mỗi tối (Hồi đó ở tập thể trong cư xá 27 Nguyễn Huệ và tối lên giảng đường học bài).
Ở đó, mỗi tối chúng tôi ra dãy ghế đá trước dãy nhà E để đàn hát chỉ để "thả thính" với dãy nữ phía trước.
Ở đó tôi đã làm rất nhiều thơ. Xong cuộn lại, dùng dây cao su bắn nó vào giường ngủ của P khi phòng cô mở cửa.
Ở đó mỗi tối sau bữa cơm bếp tập thể đói meo hai đứa cùng đi dạo.
Dưới gốc phong là chiếc ghế đá mà chúng tôi đã "thuê bao". Chiếc ghế đá vẫn còn ở vị trí cũ nhưng đã được làm mới. Tất nhiên.
Các bạn học nhiều khóa, nhiều khoa, do hồi đó ít sinh viên và ở cùng cư xá nên giờ vẫn nhớ hình ảnh đó của chúng tôi: Một cô gái xinh tươi và một anh chàng có gương mặt ít biểu cảm.
Giờ thì, mỗi lần ra trường thỉnh giảng, sinh viên lại bắt gặp hình ảnh một thầy giáo già, mỗi chiều lại đi theo lộ trình đó, ngồi trên chiếc ghế đá đó, thẩn thờ.
Tôi gọi đó là ký ức dùng dằng. Dùng dằng như người đang yêu.
Mãi mãi đang yêu.
***
(P nhà tôi tóc dài ngang lưng. Trong ảnh là lần về thăm trường khi tóc P mới mọc lại sau nhiều lần điều trị).

NGÔI NHÀ ẤM ÁP

 Cho đến nay mình đã làm vài cái nhà, nhà phố có, nhà vườn có, to có, nhỏ có...Ý là trải nghiệm cả rồi.

Đêm qua nằm nghĩ, hóa ra cũng không cần phải biệt phủ hay biệt thự gì, khi con cái lớn rồi thì hai vợ chồng chỉ cần cái nhà như cái bungalow này, chỉ 24 mét vuông nhưng có đủ những thứ thiết yếu.
Có vợ, có chồng lẩn thẩn cùng nhau, vậy là đủ.
Đối với mình giờ thì nó lại quá rộng.


Thứ Năm, 7 tháng 4, 2022

BẠN BÈ

Trong cuộc đời, chắc ai cũng có chí ít một người bạn rất thân từ thời đi học. Thân lắm, thân đến nỗi, ta có thể chia sẻ với bạn ấy nhiều chuyện hơn cả với anh em. Thế nên, có anh em nhà ai đó thân thiết nhau, ta thường nói, chúng nó thân nhau như bạn bè.

Nếu bạn đó là người khác giới, sẽ thân nhau đến mức không thể yêu nhau, vì yêu sợ tổn thương tình bạn.
*
Khi trưởng thành, theo môi trường sống và làm việc, chúng ta hẳn có thêm nhiều người bạn. Nếu có duyên, cũng có bạn thân như bạn thời đi học.
Tình bạn như đã nói, có gì đó rất khó cắt nghĩa, nó thiêng liêng, cao cả, về một nghĩa nào đó còn hơn cả tình yêu.
Một số người bạn khác cũng thân, nhưng thường không thân như bạn thời để chỏm. Dân gian có câu “Giàu nhờ bạn, sang nhờ vợ” nghiệm lại quả không sai.Nếu xét quan hệ ngoài gia đình thì giàu cũng nhờ bạn mà sang cũng nhờ bạn.
Vì, như ngạn ngữ Pháp: “Hãy cho tôi biết bạn anh là người thế nào, tôi sẽ cho anh biết anh là người thế nào”.
*
Nhưng rồi, cuộc sống xô bồ khiến đôi khi người ta nhầm tưởng về tình bạn. Cái nhầm đầu tiên là tưởng bè là bạn. Cái nhầm thứ hai, tưởng gặp nhau nhiều là bạn.



Anh có thể theo phe nào đó để đấu với phe khác, thì đó là bè. Bè thì đấu xong trong bè sẽ đấu nhau.
Anh có thể gọi hoặc nghe gọi thì có liền, có liền, là để nhậu. Nhậu hào sảng lắm. Có thể tranh nhau trả tiền. Nhưng một ngày nào đó anh có việc cần hỏi mượn tiền, vài triệu thôi, ai cũng viện lý do. Không mượn được những người đó đâu.
Còn người khác cho mượn tiền, không phải là họ quá nhiều tiền, không phải là họ thân anh, mà họ tin anh, muốn giúp anh. Đó là một dạng khác.
Bạn có thể đưa cho anh mượn đồng tiền cuối cùng.
*
Có lần tưng lên, cao đàm khoát luận, mình nói, các vị hãy nghĩ xem, các vị chơi với nhau cũng đã lâu, con cái đều thông minh, xinh đẹp, nhưng vì sao không có gia đình nào làm thông gia? Là vì cứ rủ nhau đi nhậu nhẹt, đàn đúm, quan hệ không có chiều sâu.
Vì sao ở châu Âu, người ta hay tổ chức tiệc cuối tuần ở nhà với gia đình những người bạn? Đó là nơi để con cái biết nhau, làm quen nhau như ta đã từng quen và chơi thân ngần ấy năm. Đó là điều kiện cần để chúng nó gặp nhau, còn thân hay không phụ thuộc vào điều kiện đủ, là chúng nó hợp nhau.
“Môn đăng hậu đối” không phải cái gì ghê gớm mà chỉ ở chỗ các gia đình đó có một phong văn hóa với nhau.
Chúng ta thỉnh thoảng cũng có tiệc tùng nhưng vẫn không có chiều sâu. Cứ một hai ba, zô! Rất ít khi giành thời gian trò chuyện, tâm sự, thậm chí để nhớ tên từng đứa con bạn mình. Cái này rất dở.
Có người cuộc nào cũng được gọi, gọi đâu là có đó rồi cứ tưởng mình quan trọng, là nhiều bạn. Trật lất. Nhậu là chỉ có người nhậu cho vui thôi. Phần nào đó anh chỉ như người phù họa nếu không nói là con rối.
*
Có những điều trong cuộc sống chúng ta không thể chia sẻ với bất cứ ai ngoài bạn.
Bạn là tri kỷ.

NÊN CHƠI VỚI NHỮNG AI?

Vì làm nghề báo nên phần lớn thời gian mình chơi với những người viết lách. Nếu là nhà văn thì họ có những suy nghĩ thông minh và hài hước, nếu là nhà báo thì họ có thông tin và luôn phản biện.

Cho đến một hôm, tự nhiên nghĩ lại, sự hài hước đó chỉ giúp mình sảng khoái trong một thời gian không dài và sự phản biện lại làm cho mình nhiễm cái tính luôn luôn nghĩ ngược, đôi khi sự việc rất đơn giản mình lại sa vào thuyết âm mưu rất mệt người.
Mấy năm nay, mình chơi với những người làm kinh tế thường xuyên hơn. Từ đó nhận thấy, trong lúc mọi người than vãn về cuộc sống thì những người này đều đặn lượm tiền, không phải tiền trăm nghìn mà là tiền tỉ, chục tỉ, vài chục tỉ.
Làm báo thì cũng có tiền chứ không phải không có. Viết một cái bài nho nhỏ đăng online cũng có nhuận bút 400 nghìn, bằng một công phụ nề, mà phụ nề thì khổ lắm.
Đại để, làm báo chân chính thì bòn tiền lẻ, đủ sống nhưng khó giàu.
*
Làm báo, thường không có những suy nghĩ lớn để làm giàu, cứ loanh quanh tự sướng với mấy cái tin bài được đăng, lại thường nói thì như cái gì cũng biết tuốt nhưng không có năng lực hành động. Đã thế thấy ai giàu có lại suy nghĩ theo chiều hướng thuyết âm mưu.
Người làm kinh tế chơi với người làm báo, ngoài nguyên nhân XYZ thì đa phần là họ chơi để có thông tin. Nhà báo thì thường thể hiện biết tuốt nên cung cấp thông tin vô tư, miễn phí.
Làm kinh tế, họ kết bạn với những người cùng chí hướng làm giàu, trong câu chuyện của họ bổ sung cho nhau rất nhiều ý tưởng. Có ý tưởng lập tức họ hành động. Người làm báo có năng lực lý thuyết nhưng thiếu năng lực hành động.
Mình từng gặp, nhậu nhẹt và nói chuyện với những người làm kinh tế giỏi, phải thực sự phục họ vì họ nhìn đâu cũng ra tiền, ngay cả lúc người khác khó khăn thì họ cũng nhìn ra đó là cơ hội của mình.
Vì thế, nên kết bạn và thường xuyên gặp gỡ những người có suy nghĩ lớn.
Những người có suy nghĩ lớn và thành công là người có năng lượng tốt.
*
Bill Zanker lập nghiệp với một công ty với số vốn 5.000 USD và nhanh chóng trở thành tỉ phú. Ông từng dốc hết vốn liếng lúc đó là 73.000 USD để thắng trong một cuộc đấu giá chiếc xe Lincoln Town của Warren Buffett mà chỉ để làm quen và được trò chuyện với tỷ phú này. Bill cũng từng trả 57.100 USD để thắng trong một cuộc đấu giá trên eBay chỉ để có 1 giờ… ăn trưa với Murdoch (tính ra mỗi phút 1.000 USD).
Sau này, Zanker trở thành tỷ phú (viết chung sách Nghĩ lớn để thành công cùng Donald Trump thì không phải dạng vừa.
Làm báo có cơ hội gặp rất nhiều người giỏi nhưng khi gặp, nhà báo thường giành nói nhiều hơn là để nghe.
Đi dự khởi công hay mở bán bất động sản một dự án thì về chỉ viết cái tin, không hề nghĩ đến cơ hội đầu tư dù mình có thông tin trước người khác.
*
Nếu bạn chơi với những người lăn tăn, chắc chắn sẽ bị nhiễm về thói lăn tăn, chơi với người lắm chuyện, nhất định sẽ nhiễm thói lắm chuyện, chơi với người có suy nghĩ lớn bạn cũng sẽ dần có suy nghĩ lớn.
Suy nghĩ lớn thì bỏ qua lăn tăn, đỡ mệt người.
*
Hồi trước làm báo, cứ nghĩ, mình mà không làm báo nữa chắc buồn lắm. Té ra không phải, người làm kinh tế có sự thú vị của họ, thú vị nhất là ai đó cần làm từ thiện đâu đó thì họ dõng dạc đọc ra một con số có thể bằng cả gia tài của mình mà mặt vẫn không biến sắc.
Thú vị hơn, đa phần họ chơi đàn rất hay, hát chuẩn từng nốt, chính xác từng từ (mà không cần khoe là mình biết chữ 😛), vô cùng phiêu lãng...
(À, ở đây không bao gồm người làm kinh tế lưu manh).
Thực sự họ là những người tạo cảm hứng cho mình. Đơn giản thôi, ví dụ, mình đang đắn đo có nên mua miếng đất ở đó không thì họ nói đừng mua hoặc mua đi. Vậy là mình quyết định. Họ nói ra chỉ một từ Yes hoặc No là từ sự thông minh và trải nghiệm của họ.
Sự thông minh và trải nghiệm tích tụ thành năng lượng.
Nói học hỏi cũng được, tiếp nhận năng lượng từ họ cũng được mà lợi dụng trí tuệ của họ cũng không sai.

Thứ Năm, 31 tháng 3, 2022

MẬT NGỌT TRONG ĐẦU


Một người để mất đi công việc, hoặc giả, chỉ quyết đinh thay đổi công việc, đã là sốc, huống gì, mất đi công việc cao cả nhất của cuộc đời, đó là yêu thương và bao bọc người phụ nữ của mình.
Người chưa mất thứ đó, không bao giờ biết mất đi nó sẽ như thế nào đâu. Vì thế họ có thể có thể nghĩ về câu chuyện này theo cách của họ.
Thực ra, con người là tạo vật của thói quen. Khi mất đi thói quen, họ quay về với ký ức. Điều đó có thể lý giải phần nào sự đãng trí của người già, họ rất hay quên cái hiện tại nhưng không bao giờ quên ký ức. Và, đến một lúc nào đó họ có thể quên cả chính bản thân mình nhưng ký ức thì vẫn còn. Người ta gọi đó là head full of honey (mật ngọt trong đầu).



Sẽ chẳng còn gì khi không còn ký ức.
Sống với ký ức của mình như thể mài sâu các nếp nhăn rất có nguy cơ ngày một phẳng ra. Nên bạn, ạnh chị, ông bà nào đó, đừng phán xét về những người như thế. Vì họ không làm gì ảnh hưởng đến ai.
Văn hóa người Nhật chỉ tóm gọn trong một câu: “Không làm phiền người khác”. Họ không làm phiền mình, mình cũng không làm phiền họ.
Đau đớn thay những người đang sống mà không còn ký ức. Vì sao? Vì sống nhạt. Sống mà không thể kể được một câu chuyện của hôm qua.
Hãy học cách trân trọng những gì bạn đang có trước khi thời gian khiến bạn trân trọng những gì bạn đã từng có nhưng lúc đó mới tỉnh ra, mình chẳng có gì! Đó mới là cái chết thực sự.
Không một câu chuyện nào trong ký ức mà tôi có thể quên. Tôi từng nói, ký ức không phải là nơi đến mà là viên đá lát đường để mình bước qua. Không có những viên đá đó khiến ta lạc lối.
Có thể đến lúc già, lẩn thẩn, tôi chỉ lặp đi lặp lại mỗi câu: “Ôi, cái ông già này!”. Vì sao lặp lại câu đó mà không câu khác? Vì đó là câu của P. nhà tôi, cô ấy nói câu này từ khi chúng tôi còn rất trẻ, và đó là lời trách cứ yêu thương nhất.
“Ôi, cái ông già này!”.

NGUYỄN THẾ THỊNH

HẠNH PHÚC CHỈ CÁCH MỘT CÁI NHÌN

Hồi P. đi xa, tôi thấy đất dưới chân sụt lún. Đôi khi, không phải đôi khi mà cả mấy trăm ngày ở Bến Xuân tôi đều thấy cuộc đời rất không đáng sống.

32 năm, từ khi có vợ, tôi đã quen có cô ấy ở bên. Giờ thì không biết phải ở một mình như thế nào. Đỉnh điểm là hôm ngồi cắt móng chân bị lẹm vào, đau điếng, tôi ném tất cả những gì thấy được rồi ngồi khóc.
Mới hay, đó là việc 32 năm qua đều là vợ tôi làm. Lâu lâu cô ấy lại bảo duỗi chân ra rồi lấy bông thấm cồn xoa vào móng chân và tẩn mẫn ngồi cắt, mặt chăm chú và tràn đầy yêu thương.
Thực ra, đã có lúc, nhiều lúc tôi không còn muốn sống. Thế rồi nhìn cây hoa mới trồng, lại nghĩ, không có mình thì ai chăm nó, không tưới nước mỗi ngày giữa đồi cát trắng nó sống làm sao? Nó, hóa ra, có gì đó giống mình. Nó cần mình. Phải sống.
Thời gian trôi qua, vèo cái đã 4 năm rồi.


*
Mở file ghi chép của vợ đọc, đọc và nghĩ:
“Đừng nói rằng chẳng có điều gì đẹp đẽ trên thế gian này nữa. Luôn luôn có một cái gì đó cho ta. Một dáng cây hay một chiếc lá rung rinh chẳng hạn… Hãy hít thở và tận hưởng chúng với tất cả lòng biết ơn. Từ những điều bé nhỏ ấy ta sẽ thấy tình yêu mênh mông của cuộc sống mang đến cho mình”.
“Khi chúng ta mong ước cuộc đời không nghịch cảnh, hãy nhớ kim cương hình thành dưới áp lực, cây cổ thụ đầy vết sẹo trên thân. Đừng ghét bỏ hay coi thường bản thân và những thứ mình đang có. Thái độ ta đối xử với bản thân ngầm dạy cho vạn vật cách đối xử với ta. Ta chăm chút yêu thương thì những bông hoa sẽ nở, đó là nó đang đền đáp cho ta”.
“Hành trình tìm kiếm hạnh phúc là hành trình trở về với nơi sâu thẳm tâm hồn. Đôi khi, hạnh phúc chỉ cách ta một cái nhìn, một ý nghĩ mà ta vội lướt qua. Bởi vậy hãy bắt đầu một khởi đầu mới, hãy tìm kiếm hạnh phúc trong chính con người mình. Một trong những điều nuối tiếc nhất là để năm tháng đi qua. Vì thế, bất cứ lúc nào cũng phải nghĩ về ước mơ và bắt tay vào thực hiện chúng”.
Từng câu, từng chữ cứ như P nhà mình đang nói với mình vậy.
Nhưng mà, không biết đến bao giờ cắt móng chân không bị lẹm.
Hóa ra, đôi khi, hạnh phúc chỉ cách ta một cái…móng chân.

NGUYỄN THẾ THỊNH

THAY ĐỔI CÁCH NHÌN

Người ta hay khuyên buông (hoặc buông bỏ). Tôi nghe nhiều và nghiền ngẫm nhiều, thấy khó lắm, không bao giờ buông được. Người càng nói buông càng chẳng thể buông, vì buông được họ sẽ không còn nói.

*
Nếu coi cuộc đời như một tờ giấy để ta viết lên đó số phận của mình thì có người viết ít, có người viết nhiều, có người viết hay, có người viết dở… nhưng phải viết. Buông là không viết hoặc để người khác viết thay, tôi không tin đó là một cách hay. Vì sao? Vì con người phải tồn tại giữa nhân gian, anh buông nhưng ai cho anh buông? Cái này còn có cách diễn đạt khác của dân gian: “Cây muốn lặng mà giớ chẳng đừng”.
Nhưng mà, tôi tin vào việc thay đổi cách nhìn. Nếu gặp khó khăn, bế tắc đừng vội nản chí mà nên thay đổi cách nhìn về nó, lúc đó sự việc sẽ có một sắc thái mới, nhẹ nhàng hơn.
Tôi đọc đâu đó câu chuyện một giáo sư ra đề bài cho sinh viên bằng cách đưa ra một tờ giấy trắng, giữa tờ giấy có một chấm đen rồi yêu cầu họ bình luận. Tất cả sinh viên đều tập trung vào bình luận chấm đen, từ vị trí, màu sắc, kích thước, độ tròn méo vân vân. Giáo sư rất thất vọng. Ông cho rằng, vì sao cả tờ giấy diện tích màu trắng lớn như thế mà ai cũng tập trung chú ý vào điểm đen, không nói gì về phần trắng?
Đấy là thói quen của cách nhìn, phải thay đổi nó.
Trên mạng meo liên tục xuất hiện clip đánh ghen này nọ. Ơ hay, đánh ghen làm gì nhỉ? Để giành lại vợ/chồng mình à? Vì sao phải hao hơi tốn sức níu giữ một kẻ phản bội mình? Vì sao không coi đó là thời điểm mình nhận ra chân tướng kẻ kia để thay vì đau khổ thì coi đó là điều may mắn?
Nếu nghĩ thế, sẽ có nhiều đường hướng hé mở trước mắt, chí ít là đã không phải sống bên kẻ dối trá và hành động hạ thấp giá trị bản thân mình?
*
Không ai có thể tận hưởng cuộc sống hiện tại nếu cứ luôn nghĩ về khía cạnh tiêu cực của cuộc sống.
Trên facebook, tôi chặn hết tất cả những nick nhìn mọi việc theo hướng tiêu cực (điều này khác với phản biện). Họ có thể không làm gì tôi nhưng thấy họ nổi lên nó như một luồng năng lượng xấu. Bỏ đi cho lành.
Than vãn, kích bác, xoi móc, nghi kỵ, nói xấu người khác…chẳng giúp gì cho tương lai và cũng không thay đổi được quá khứ. Thay vì thế, chắt chiu những giá trị mà mình đang có, nắm bắt vẻ đẹp của từng khoảnh khắc và tận hưởng nó.
*
Suốt thời gian dài tôi rất buồn, nhưng cái buồn của tôi không bi lụy. Dù buồn, tôi vẫn thức dậy mỗi sáng với lòng biết ơn cuộc sống. Đơn giản thôi, vì hôm nay tôi không phải lo cái ăn, hôm nay trời rét tôi có áo để mặc ấm hơn, trời nóng có thể bật quạt, có tiền đổ xăng để không phải đi bộ…
Tôi còn có những cây hoa để chăm, hồ nước để nghe cá quẫy, ngắm giàn bí quả ngày một to lên, ngửi được hương ngò gai thơm nức…
Thậm chí chiều tối lại có thể đi uống bia…
Đó là những thứ cuộc sống ban tặng cho tôi, tôi đã hơn nhiều người nghèo khó.
*
Đừng tự mãn với những gì đang có vì tự mãn là dừng lại, dừng lại thì cái đang có sẽ không còn có nữa. Cũng đừng đố kỵ với người có nhiều thứ hơn mình, vì càng đố kỵ con người càng trở nên ích kỷ. Ích kỷ, ti tiện nó bộc lộ ra mặt. Cái này gọi là tâm sinh tướng.
Tôi thật, từ thuở hàn vi đến nay, trong túi tôi có 10 ngàn thì sắc mặt vẫn như đang có chục triệu. Trong ví không tiền, có khách, kéo bạn bè ra quán mặt không biến sắc. Chưa bao giờ để bạn phật lòng. Nhìn lại, mấy người keo kiệt cũng chả giàu lên mà tôi cũng chẳng vì thế mà nghèo đi.
Tôi nghĩ, cái đó là nuôi dưỡng tính cách trong sự bình yên thanh thản của nội tâm. Nội tâm thanh thản mới có thể sinh ra cái gọi là thần thái.
Tôi có thần thái ư?
Haha. Một chút. 😛 😛 😛

NGUYỄN THẾ THỊNH

LUẬN LINH TINH VỀ TƯỚNG SỐ

Tôi không biết gì về tướng số nhưng tin là có tướng và có số.

Là vì:
Có những người gặp cái đã thấy thân thiện. Ấy là từ tướng mạo và năng lượng của họ phát ra.
Có những người học hành chẳng đến đâu, suy nghĩ cũng chẳng mấy thông minh nhưng người thì làm lớn, người thì rất giàu.
Có người chuyện gì cũng biết chỉ có chuyện làm ra tiền thì không biết. Họ đi dạy làm giảu để kiếm tiền vì nếu biết làm giàu họ đã không đi dạy. (Trừ những người thành công chia sẻ kinh nghiệm, không phải “dạy”).
*
Tôi cũng tin là có linh khí.
Chả thế mà ngày trước đặt kinh đô ở đâu cũng phải hỏi các cao nhân phong thủy.
Nhưng linh khí không tồn tại vĩnh hằng mà nó sẽ tán khí theo thời gian. Vì thế mà có chuyện dời đô đến vùng có linh khí mới.
Linh khí trong mỗi gia đình, dòng họ cũng thế.
Tôi để ý và thấy, nếu trong gia đình, dòng họ có người kiệt xuất hoặc một vài thế hệ sinh ra người kiệt xuất thì các thế hệ sau chỉ “tàn tàn”. Nên có bà gì đó nói, con lãnh đạo làm lãnh đạo là phúc cho dân tộc, tôi không tin.
Tôi tin những dòng họ thông minh, con cháu làm vừa phải, không kiệt xuất thì được lâu dài.
*
Nhưng tướng số cũng phải thấu hiểu về nó. Không chỉ nhìn bề ngoài.
Mới có chuyện một thầy tướng số nhìn một phú ông giàu có và cực hoang mang, vì theo sách vở phú ông tuyệt nhiên không có chút tướng giàu.
Thấy lạ, ông ta mới quan sát nhiều ngày, cho đến một hôm ông à lên, hiểu rồi.
Đó là khi phú ông ra đồng đi ngoài, đi xong, thầy tướng số đến xem và thấy cục phân phú ông có hình đầu ra vuông, chóp nhọn, rất rắn. Đó là tướng giàu. Hiếm gặp.
Nhưng tướng số thế nào thì cuộc đời cũng có nhiều giai đoạn. Vì thế, Pythagoras mới phát minh ra “Thần số học”, chứng minh cuộc đời con người gắn với ngày tháng năm sinh và nó được thể hiện bằng một đồ thị lúc là đỉnh, lúc là đáy…
*
Theo đó, con người có thể vận dụng thần số học để làm (khi tuổi nào đó có đường lên đỉnh) hoặc tránh (khi tuổi nào đó từ đỉnh đi xuống).
Cũng theo đó mà không đến nơi đã bị tán khí (các ngôi nhà hoang, các di tích hoang phế…), đơn giản vì nó không còn năng lượng tốt mà con người thì không nên nạp năng lượng xấu.
*
Nếu đọc Thần số học (còn có tên là Nhân số học) mới có thể lý giải vì sao có người lên vùn vụt rồi rớt cái đụp, có những chuyện nhìn thấy đã lâu vì sao sau này mới bị khui ra (cụ thể hơn là bị bắt).
Nên ngạn ngữ Pháp mới có câu “Hãy biết dừng lại khi cuộc tiệc đang còn vui nhất”.
Vấn đề là không ai muốn dừng lại. Ít ai dừng lại được. Đó chính là bi kịch của con người.
*
Thỉnh thoảng trò chuyện với con cái, tôi hay nói: Ba thiệt lạ, nếu trong ví (thẻ) có chừng đó tiền thì không làm ra tiền nữa, nếu tiêu (cho) đi thì lại làm ra nhưng cũng chỉ làm ra chừng đó tiền thôi.
Nên chi ba biết ba là người tàn tàn. Linh khí trời ban chia nhau mà sống. Không giàu nhưng sang 😛
NGUYỄN THẾ THỊNH

Thứ Tư, 23 tháng 2, 2022

KHI NGƯỜI TA… GIÀ

Tống Giang lên Lương Sơn Bạc lúc 36 tuổi. Nếu như cùng thời, như giờ chẳng hạn, thì mình bậc bố, thậm chí là bậc ông chú của lão. Thế mà lúc đó, râu Tống đã dài ngang ngực (theo sách) và được quần hùng gọi là lão ca ca.

Nghĩ mình lên lão buồn cười quá đi. Tống thì mặc nhiên.
*
Nhưng mà, vợ chồng mình đã nói chuyện già từ hồi mình còn… bằng Tống Giang, P nhà mình thì kém chục tuổi. Nói rằng, dù giàu hay nghèo thì khi già cũng nhất định phải… đẹp. Bề ngoài có thay đổi thế nào nhưng ăn mặc phải đẹp. Nhất là, đi đâu cũng phải đi với nhau, nắm tay nhau như giờ.
*
Lâu lâu lại bàn chuyện khi người ta… già.
Giờ đi thì chở nhau bằng motor cho nó… ngầu.
Đến khi không dắt nỗi xe phân khối lớn thì đi ô tô.
Vài năm sau bàn tiếp, minh đặt một chiếc Recreational Vehicle rồi sống luôn trên đó. Thích đến đâu thì đến, thích chỗ nào thì dừng.
Vài năm sau nữa, nghĩ xa, bảo khi già nữa thì sao? Thì ta làm một căn nhà bên hồ. Ngày ngày uống trà, chăm hoa, câu cá. Thích thì dắt nhau đi bộ.
Nhà mình bảo, khi đó, chắc phải phân tiền ra để trong ví của cả hai người. Mình kêu, đúng, lỡ em quên thì còn anh. Nhà mình bảo, chưa biết ai quên, nhưng lỡ cả hai lẩn rồi quên thì sao? Mình cười, lo gì, gọi con hoặc cháu đến trợ giúp. Thế lỡ chúng ta không nhớ tên con cháu thì sao? A, không lo, em thêu tên và số điện thoại của bọn nó lên ba lô, túi xách. Chắc ăn nhất là trên áo, kiểu họa tiết trang trí.
Vài năm sau nữa, lớn tuổi hơn, lại bàn chuyện vào trại dưỡng lão.
Hai người chưa già hẳn bàn chuyện già vui lắm.



*
- Lúc đó em sẽ viết lách chút đỉnh.
-Anh không viết đâu.
-Sao thế? Chẳng phải anh thích viết à?
-Đồ rằng sau này người ta chỉ đọc mỗi lần vài câu thả trên mạng, không ai đọc dài.
-Biết đâu đó rồi mình cũng như Hàn, nhà nào có người làm nhà văn thì cả dòng họ tự hào?
-Anh không chắc. Vào lúc đó, cháu chắt chưa chắc biết cụ cố nó là ai mà tự hào. Anh xem phim Mỹ thấy con cháu gặp bố mẹ đã là chuyện hy hữu. Nếu em viết thì nên viết có những đoạn ngắn hay, có thể trích dẫn được, để khi xuất bản free trên mạng, bon trẻ còn cop-pass lên tường fb của của chúng nó, và đừng hy vọng chúng nó dẫn nguồn.
- Ừ ha. Vậy thôi đi.
-Đúng!
-Không, nhưng em vẫn viết, kệ nó, chỉ để luyện trí nhớ mà nhớ tên con cháu.
-Cái này thì được.
*
-Lúc mình vào trại dưỡng lão thì sao?
-Thì có thể chúng ta nhớ nhớ quên quên. Anh có thể nhìn em ngồi trên ghế đá rồi vò đầu bứt tai: Cái cô này mình đã gặp ở đâu rồi nhỉ?
-Vậy rồi anh có nhận ra em không?
-Anh phải đến ngồi cạnh để cảm nhận "mùi thơm của em" anh sẽ nhận ra.
- Nhận ra rồi nói sao?
- Nói: Chắc em là vợ anh. Nếu không phải thì bây giờ ta yêu nhau đi?
-Anh có biết em sẽ nói sao không?
-Không biết!
-Em sẽ nói: Em đồng ý!
*
Nhưng mà...
Hai người muốn cùng già không hề dễ. Vậy nên, hãy nâng niu những điều đang có.
Ai còn trẻ, hãy chở người yêu minh, vợ mình đi chơi bằng xe máy. Vì đi xe máy mới thấy trên đầu trời rất xanh.
NGUYỄN THẾ THỊNH

NƠI CHỐN BÌNH YÊN

 

“Nơi bình yên chim hót”- Câu này hay đến nỗi có nhiều người dùng làm tựa cho phim, cho thơ và cả cho... quảng cáo, nên nó không còn hay như thoạt kỳ thủy.
*
Nơi bình yên thì người ta hay sống bằng ký ức. Lạ thay, ký ức dù sóng gió thế nào cũng thấy bình yên.
“Ở lần phẫu thuật thứ hai. Suốt đêm, cứ thỉnh thoảng tôi lại thấy miệng mình có cái ống hút và tôi thì cứ thế hút thêm một chút prosure.
Những lần như vậy, tôi mở mắt, nhìn thấy anh.
Chao ôi, chồng tôi, gương mặt hốc hác, già hẳn đi vì căng thẳng và mất ngủ. Chồng tôi, người đàn ông đã 60 tuổi, chỉ thích bận quần Jean với áo body, kẻ ham chơi và rất có sở trường làm tổn thương người khác, trong cái áo khoác của bệnh viện, chiếc quần giẫm gót, lưng rũ xuống, sắc mặt bơ phờ cứ chốc chốc lại đưa cái ống hút vào miệng vợ để bón từng ngụm sống.
Hồi trước, khi anh nói rằng:" Nếu có kiếp sau, nhất định anh vẫn tìm bằng được em để cưới làm vợ!" Tôi chỉ thấy tủi thân. Đã có lúc tôi từng nghĩ :" Nếu có kiếp sau, em nhất định sẽ tránh xa anh ít nhất 100km!".
Đã có lúc quá mệt, tôi cứ tưởng: đã yêu anh xong rồi! Thế nhưng khi chìm trong hôn mê, sao tôi vẫn nhận ra lòng bàn tay anh ấm nóng đang nắm chặt tay mình. Giữa đám râu ria lởm chởm, là đôi môi anh rất mềm đang áp vào mắt tôi. Và rồi sau đó, tôi lao xao nghe các bác sỹ gọi tên mình...
Tôi tự hỏi,“Là anh đã đến để dắt em về với cõi đời này, hay anh đã tìm thấy em ở kiếp sau?”… và nghĩ đến câu Kahil Gabran viết đâu đó mà tôi đọc được: “Cùng bên nhau cả trong ký ức lặng im của Thượng đế”
*


Bây giờ, em ngủ rất ngon. Trong màn đêm tịch mịch hay lúc sương giăng, có lúc nào đó thức giấc, chắc chắn em vẫn thấy chồng mình, người đàn ông ngoài 60, vẫn râu ria lởm chởm, vẫn đôi môi mềm ấm áp vào má em, vẫn giữ bàn tay em nồng ấm. Chỉ có đôi mắt dường như không phải nhìn trần thế mà nhìn về cõi hư vô để “Cùng bên nhau cả trong ký ức lặng im của Thượng đế”.
Hạnh phúc đôi khi chỉ cần lặng im, kể cả lặng im trong nỗi cô đơn đớn đau dịu ngọt.