Thứ Sáu, 19 tháng 12, 2014

NIỀM VUI 12 CÔNG NHÂN ĐƯỢC SINH RA LẦN THỨ HAI

(Tản mạn về nghề)
Cuộc cứu nạn 12 công nhân trong vụ sập hầm thủy điện không chỉ thần kỳ khi 12 người như được sinh ra lần thứ hai, cùng năm, cùng tháng, cùng ngày mà còn thần kỳ hơn khi chính nó đã làm hàng chục triệu người VN cùng chung nhịp đập trái tim, chung nỗi buồn, sự lo âu và cùng vỡ òa niềm cảm xúc.
Nhân vật chính vẫn là 12 công nhân nhưng không hiểu sao, mình lại cứ ngắm đi ngắm lại bức ảnh của Mai Vinh chụp cảnh thiếu tá Nguyễn Văn Cường (Bộ tư lệnh Công binh) được đồng đội công kênh, và mỗi lần nhìn lại cứ thấy rưng rưng không cầm được nước mắt dù đó là niềm vui khôn tả (ảnh đăng cùng).
Mình không chắc mình có thể làm được gì hơn nếu được cử tường thuật sự kiện này, nhưng người ngồi ngoài bàn cờ thường tỉnh hơn người trong cuộc nên thấy thích đọc những bài có nhiều chi tiết, thích góc tiếp cận khác biệt, thích biết 3 ngày họ đã sống ra sao, suy nghĩ gì trong đường hầm tối om đó dù cũng rất muốn biết cuộc cứu nạn diễn ra như thế nào.
MÌnh rất phục PV khi tường thuật có những chi tiết thế này:
- Ngọc ơi, đừng ngủ, sắp tới nơi rồi. Ðừng ngủ, đừng ngủ. (một chiến sĩ công binh)
- Anh khóc to lên, nhưng mở mắt to ra. Ánh sáng kìa, thấy chưa, sống rồi! (chiến sĩ Hoàng Văn Thảo).
-Chị Ngọc đâu, chị Ngọc đâu? (một chiến sĩ công binh).
Chỉ một câu nói nhưng chúng ta cũng có thể hình dung được toàn bộ khung cảnh, tình cảm của con người vào thời điểm đó.
Sư phụ Tom Plate từng dẫn lời một đồng nghiệp khuyên người làm báo đại ý “Khi lấy tư liệu phải có được cả tên con chó”. Một cách nói để biết ông coi trọng chi tiết như thế nào.
Chi tiết như cầu thủ có cú chọc khe thiên tài.
Chi tiết làm nên sự khác biệt của bài báo.
Chi tiết phân biệt được nhà báo này với nhà báo khác.
Có những chi tiết lay động lòng người, khiến hàng triệu trái tim dâng tràn cảm xúc thánh thiên và ở một mức độ nào đó, nó hơn cả nghìn ông tuyên giáo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét