Thứ Hai, 30 tháng 10, 2017

KỂ CHUYỆN SẾP

Không tính thời bộ đội, khi ra dân sự thì sếp đầu tiên là chú Phạm Xuân Thích. Chú Thích làm Tổng biên tập Báo Dân, sau đổi là Bình Trị Thiên.
Vào làm việc đâu như một năm, một hôm chú đạp xe đến cơ quan thì thấy ba mình, ổng mới vô thăm, mình ở cái phòng tập thể 8 mét vuông trong khuôn viên của báo, chung với thằng Úy kế toán.
Chú dựng xe chạy đến, chào rồi nói, thằng này là con anh mà răng nó không nói với tui trời, tui biết mô.
Té ra chú là lính cũ của ba mình.
Đó là một ông già nghiêm khắc và bản lĩnh. Nhớ lần chú cự cả Bí thư Tỉnh ủy và Trưởng ban Tuyên giáo vì ông tuyên giáo viết một bài, nói quan điểm của Tỉnh ủy, bảo đăng nhưng chú nói quan điểm như thế không đúng nên chú không đăng.
Ngày đầu tiên nghỉ hưu, chú chở cái điện thoại bàn và một cuộn dây quấn tròn, điện thoại cơ quan lắp ở nhà riêng cho chú, trả lại. Chú dặn, hết tháng thì cắt hết các loại báo đặt cho tui. Hồi đó đâu như chỉ hai tờ Nhân dân và QĐND thì phải.
Về hưu, chú thuê thầy ở Học viện Âm nhạc dạy piano (chú đánh mandolin rất thiện nghệ). Chú nói học cái gì thì phải đến nơi đến chốn.
Rất phục chú.
*
Sếp thứ hai là anh Đỗ Quý Doãn.
Anh Doãn hơn mình một tuổi nhưng khai gian, tăng tuổi để đi bộ đội nên về hưu sớm.  Anh học báo chí ở Lomonosov về. Làm sếp khá sớm, là tổng biên tập trẻ nhất hệ thống báo Đảng lúc bấy giờ.
Mình biết anh là người không hoàn toàn ưa mình vì cá tính, còn công việc chuyên môn thì anh giao hết.
Hồi đó báo chí chống tiêu cực rất mạnh, đụng chạm nhiều. Nhiều lần đối tượng bị phê bình (là quan chức) đến Tòa soạn gây gổ, anh không cho phóng viên viết bài hay Thư ký tòa soạn là mình tiếp mà anh tiếp. Có ông lớn tiếng, anh đuổi thẳng cổ, bảo ông không được đến làm loạn ở đây, có gì về viết công văn phản hồi, tôi sẽ giải quyết,
Họ về rồi anh mới kêu bọn tôi lên phân tích chỗ nào đúng, chỗ nào non tay, sơ suất. Nhưng thường thế, nói ồn ào nhưng chẳng có cha nào làm công văn vì sợ bây hôi.
Sau mình có học được anh cách này. 
Cái gì anh cũng kiên quyết, rõ ràng, chỉ có cái, mấy đứa em đồng nghiệp khi nhậu tưng lên điện thoại hành anh cả đêm anh vẫn nghe, nói rủ rỉ rù rì, không bao giờ ngắt máy trước.
*
Khi anh Doãn lên chức cao hơn thì anh Nguyễn Thanh Ba làm sếp. Anh Ba là người thông minh, nhạy bén nhưng có cái dở là hơi thiên kiến.
Có lần, anh chuyển về một bài viết của CTV, mình đọc xong ghi bên góc: Không đăng! (Hồi đó nội bộ lãnh đạo tỉnh có dấu hiệu mất đoàn kết).
Chiều duyệt ma- két không thấy bài, anh kêu mình mang bài đó lên rồi viết vào góc dưới chữ của mình: Đăng số ngày mai. Xong có lẽ vì giận, anh ký phía dưới, gạch một cái rách cả giấy.
Báo ra, anh bị cách chức. Không biết quy trình thế nào mà nhanh như máy, ngay và luôn.
Xong, Ban Kiểm tra Tỉnh ủy kêu mình làm giải trình. Mình nói sự việc như kể trên. Họ ra nhà in lục lại bản thảo, thấy mình ghi không đăng nên thôi, không nói gì.
*
Anh Phạm Xuân Lục từ Đài PTTH về làm Tổng biên tập.
Nhớ nhất chuyện họp chi bộ, anh hỏi vì sao không kết nạp ông Thịnh vô Đảng. Mọi người nói sao thì mình không rõ nhưng có người ghi âm cuộc họp đó lên báo cáo Tỉnh ủy.
Tỉnh ủy mời lên làm việc. Cụ thể sao không biết nhưng anh kể lại, tao nói với họ là tôi nói thế không đúng à? Nó làm thư ký tòa soạn kiêm trưởng phòng phóng viên từ 1989 đến nay cũng đã 7 năm, báo hay, không có sai sót, thế nó tốt hay xấu mà không kết nạp?
Hôm kết nạp Đảng cho mình, anh Hồng Lợi lái xe cơ quan, anh Lợi là chúa phê bình người khác, phụ trách loa máy, đến khi hô chào cờ, chào, anh bấm nút: “Làng quan họ quê tôi...”. Cười bể bụng.
Tớt trước kể, anh Lục kêu cho mình đi học cao cấp chính trị để quy hoạch, mình lắc, ảnh nói mình điên 
Gần đại hội Đảng thì có đơn kiện một chuyện cực kỳ vớ vẩn. Vì thời gian ngắn không xác minh kịp nên ảnh bị rút tên khỏi anh sách bầu Tỉnh ủy viên. Kỳ. Anh chuyển công tác.
*
Anh Tạ Đình Nam là Phó tổng trúng Tỉnh ủy viên, làm tổng.
Mình gọi anh Nam bằng thầy vì khi đi bộ đội về học ảnh đang dạy ở Khoa Văn, ĐHTH Huế. Lúc đó ảnh bị kỷ luật hình như để lộ đề thi gì đó nên làm trên khoa, không dạy. Anh Nam là người rất lành, mỗi cái là ảnh hay nghe người hay nói với ảnh, đâm cái gì ảnh cũng nghi.
Ảnh cũng hay viết bài từ tư liệu, kiểu bổn cũ soạn lại. Có lần mình nói với ảnh, từ nay viết, tất cả từ lâu nay anh viết dấu hỏi thì nay viết lại dấu ngã và ngược lại, như thế em đỡ sửa hơn. Ảnh cười rất hiền, thừa nhận liền, nói răng hỏi ngã tau không phân biệt được mi 
Hôm mình nộp đơn xin nghỉ phép để đi liên hệ xin chuyển công tác, ảnh ký liền. Đoạn nói, nếu xin không được đâu thì về anh em làm với nhau cho vui. Mình cám ơn, gấp đơn lại bỏ vào túi, xong chìa ra tờ quyết định tiếp nhận của Thanh Niên.
Ảnh cười rất hiền, bảo: Mau hè.
Anh cùng cơ quan đi tham quan về, tắm rửa, nghe một cuộc điện thoại rồi ngủ luôn. Hình như năm đó anh mới 53.
*
Kể thêm chút, lúc anh Nam làm tổng, có mấy anh trong cơ quan đặt vấn đề, kêu anh coi lại, Nguyễn Thế Thịnh vì sao lại có thể làm được Thư ký Tòa soạn cho 4 đời tổng biện tập? Chắc là thằng ba phải. Anh Nam nói, nó ba phải sao cản sếp không đăng bài? Không phải mô.\
Nói thế chứ thực ra mình cũng chẳng biết vì sao, mình cứ làm thôi, ai nói, kệ. Rồi nghĩ: Làm cái gì dưới sức mình một tí thì nó dễ dàng hơn. Làm cái gì để không bị lăn tăn thì làm. Nghĩ gì thí cứ nó ra cho nhẹ.
Giờ về lại cơ quan cũ, mấy đứa toàn nhắc lại câu mình nói như thể trích dẫn sách. Vui ghê luôn.
*
Các sếp tiếp theo kể sau. 
Cách đây mấy năm, xin Tổng biên tập Nguyễn Quang Thông cho thôi làm trưởng văn phòng để sang làm Giám đốc Nhà in báo ở Đà Nẵng của Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên, lý do là làm lâu ở một vị trí nó đâm chủ quan và không còn sáng tạo. Nói mãi ảnh cứ bảo để đó tính. Có lần họp văn phòng, trình bày lại chuyện đó với ảnh, ảnh nói thôi anh cứ làm đi, đến tuổi không làm quản lý rồi tính.
Đến tuổi, ảnh ký hợp đồng lại làm một số công việc cụ thể, gặp ảnh nói xin qua một tờ khác, làm này làm nọ, ảnh chỉ nói mỗi câu. Thế rồi không đi. Giờ mới có lương dù tháng nào trừ hết tháng đó, hết năm này mới trừ xong thuế thu nhập cá nhân 214 triệu đồng còn nợ, xong thì nợ thuế năm nay 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét