Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: "Năm
Kiến Vũ 19, màu xuân, tháng giêng, Trưng Nữ Vương cùng em là Trương Nhị chống
lại quận nhà Hán, thế cô, đều thua hết... Người địa phương thương mến làm đền
thờ phụng, đền ở xã Hát Môn, huyện Phúc Lộc" (tức huyện Phúc Thọ, Hà Tây
ngày nay - TG). Đến đất phát tích và nơi hy sinh oanh liệt của Hai Bà, chúng
tôi biết thêm nhiều chuyện lạ về các dòng họ ở đây. Có mối liên hệ nào giữa hai
việc này chăng?
Ông Kim Mạo, làm thủ từ đền thờ Hai Bà
Trưng đã 10 năm nay, hướng dẫn chúng tôi dâng hương cho Hai Bà. Trong không khí
u tịch, ngước nhìn bức hoành phi bốn chữ "Lạc
hùng chính thống" lại nhớ đến hùng khí một thời "Đồng trụ triết hoàn Giao Lĩnh trĩ / Cấm Khê doanh hạc Hát long
trường" (Đồng trụ gãy hay còn, núi Lĩnh Nam đời đời cao ngất / Cấm Khê với
hay đầy, dòng Hát giang mãi mãi vươn dài).
Chuyện kể:
"Khi Hai Bà Trưng bại trận mất tích
rồi, dân sở tại dựng đền thờ ở xã Hát Môn. Thần rất thiêng. Phải kỳ đại hạn,
vua Anh Tông nhà Lý (1138 - 1175) sai nhà sư tên Tĩnh Giới đến đảo vũ, quả
nhiên được mưa. Trời mát, vua vừa thiu thiu ngủ, mông thấy Hai Bà đội mũ hoa
sen, mặc áo xanh, thắt đai và quân ky theo hầu, tự sau đám mây tiến qua trước
mặt mà nói: "Chúng tôi là hai chị em họ Trưng phụng mệnh trời đi làm
mưa". Vua tỉnh dậy bèn cho sửa lại ngôi đền, dâng lễ cúng và khấn rước về
kinh sư. Ít lâu sau, Hai Bà lại báo mộng xin vua cho dựng đền ở quê hương lâu
nay. Vua ưng thuận".
Ngôi đền đặt trên đất tứ linh (Ấn, Long,
Quy, Phụng) đẹp và có tiếng là linh thiêng, Người thủ từ tiếp tục câu chuyện:
"Xã có 7.000 dân thì gần 4.000 người họ Kim còn lại là 32 dòng họ
khác". "Sao ông Nguyễn Kim Khoa có hai người con thì con trai là
Nguyễn Kim Tảo mà con gái lại là Kim Thị Thắm?" - tôi gợi chuyện.
"Chuyện đó cũng lạ lắm!" - người
thủ từ nói giọng đầy bí ẩn, buộc chúng tôi không thể không tìm hiểu ngọn nguồn.
*
Ông Nguyễn Quốc Thắng, Chủ tịch UBND xã
cho biết lệ làng lạ lắm: "Nếu sinh con trai, con tôi phải viết tên là
Nguyễn Quốc A, còn sinh con gái, sẽ đặt là Quốc Thị B". Tôi áy náy:
"Lạ nhỉ?". Ông Thắng tiếp: "Những dòng họ lớn ở Hát Môn như
Nguyễn Kim, Nguyễn Quốc, Nguyễn Đình... nếu viết đúng như thông thường phải là
Kim Nguyễn, Quốc Nguyễn, Đình Nguyễn...". Bà Đặng Thị Lung, 67 tuổi, cho
biết: "Bố tôi là Trần Đặng Lân, mẹ là Duy Thị Bích (vì ông ngoại tôi là
Trần Duy Thuận). Chồng tôi là ông Nguyễn Kim Khoa. Tôi có hai con. Con trai
Nguyễn Kim Tảo, con gái Kim Thị Thắm". Ông Đình Nguyễn Trường (Nguyễn Đình
Trường) làm công an xã cho biết cụ thể hơn: "Từ năm 1990 trở về trước,
100% nam giới ở xã không mang họ ở đầu, vẫn khai sinh theo "lệ" đệm,
họ và tên, như tôi. Từ năm 1990 trở lại đây, 75% số trẻ sinh ra phải khai sinh
theo đúng quy định họ, đệm, tên, chẳng
hạn như con tôi phải Nguyễn Đình Thường.
Nhưng vẫn còn 25% đặt theo lệ cũ nên ở đây cũng gây ra lắm chuyện phiền hà.
Ông
ví dụ: Ông Nguyễn Kim Tước có cô con gái là Kim Thị Nga, hiện làm cán bộ y tế
xã, năm 1998 để được đi học, cô phải lên tận UBND tỉnh để xin đổi họ cho giống
bố ở trong hồ sơ. Chuyện nhà ông Thiêm mới phiền hơn: Ông Nguyễn Kim Thiên đi
bộ đội, thương binh hạng 2/4, vợ chồng ông sinh được cháu gái tên là Kim Thị
Lan, năm nay cháu thi vào PTTH, nhưng không được cộng điểm ưu tiên vì bố là Nguyễn
sao có con lại họ Kim? Tôi phân vân: "Vậy rồi sao?". "Ông Thiêm
lên phòng LĐ-TB-XH xin xác nhận, họ bảo ông sang Sở Tư pháp, nhưng sở cũng
không dám ký vì làm sao lại xác nhận cô gái họ Kim lại con ông họ Nguyễn. Ông
Thiêm phải đội mưa lên gặp ông Ngô Thanh Kỳ, Trưởng phòng VH-TT huyện là bạn
chiến đấu cũ nhờ ông Kỳ viết giấy bảo lãnh cho. Thật phiền hà cho cái lệ
làng".
*
Có thể nói, chuyện tên họ của các dòng tộc
ở Hát Môn, theo hiểu biết của chúng tôi, là chuyện "độc nhất vô nhị"
trong 900 dòng họ ở nước ta. Cách đặt tên họ theo lệ làng Hát Môn quả đã gây ra
nhiều phiền toái, nhưng không hiểu vì sao người dân vẫn chấp nhận. Chủ tịch xã
Nguyễn Quốc Thắng hạ một câu nghe rất ... hồn nhiên: "Phong tục ở đây nó
thế mà anh!". Còn có người lại bảo: Sau khi Hai Bà Trưng hy sinh, tướng
Hán là Mã Viện vẫn còn ấm ức lắm. Đất Hát Môn là nơi phát tích, cũng là nơi Hai
Bà hy sinh lẫm liệt nên sợ giặc Hán trả thù con gái, vì thế dân trong vùng đã
đổi hết họ cho con gái mình, thế mới có chuyện như bây giờ. Lại có người cho
rằng, vì quan niệm con gái là "nữ nhân ngoại tộc" nên mới không cho
lấy họ của cha. Lập luận này xem ra không có lý, vì là đất Hai Bà dấy nghiệp,
Hai Bà là niềm tự hào, được thờ như thần thì làm sao có thể coi con gái là
"nữ nhân ngoại tộc"? Người khác thì nói: Do trong làng, trong xã có
nhiều họ, mỗi họ có nhiều nhánh, nhiều chi, nên đặt ra chữ đệm khác nhau để
phân biệt. Cứ thế dần dần để khẳng định chi của mình, người ta nhận luôn tên
đệm làm họ chính... Dù nói thế nào, lý giải thế nào, chúng tôi vẫn cứ áy náy,
không thỏa...
*
Hầu hết gia phả của các dòng họ bị mất do
trận vỡ đê năm Ất Dậu (1945) và do chiến tranh, nếu có, cũng chỉ mới viết sau
1945. Hỏi người cao niên nhất làng (91 tuổi) cũng chỉ biết "lệ này đã có
từ xưa". Khảo lại các văn bia, chỉ thấy thế này:
Bia "Hưng công tự tạo Bảo lâm tự
bi" (1693) có ghi tên 100 người
xã tiến cúng, tất thảy có 29 họ như Nguyễn Tiến, Nguyễn Quang, Nguyễn Khắc,
Trần Văn, Trần Công... Trong bia có ghi 31 nữ giới cũng có các họ như nam giới,
như Trần Thị Duệ, Trần Thị Mai, Trần Thị Ngân... Còn bia "Nguyễn Kim tộc
bi ký" ghi chuyện con cháu đóng góp xây dựng nhà thờ tổ, mua ruộng tế lại
cho thấy rõ từng chi trong họ: Chi thứ nhất Nguyễn Kim (Nguyễn Kim Nghĩa,
Nguyễn Kim Huân...), chi thứ hai Nguyễn Năng (Nguyễn Năng Trọng...). Khảo sát
thêm trên bia ở các đền thờ, từ đường... có thể thấy thêm: Các dòng họ cư ngụ ở
Hát Môn (chỉ biết từ thế kỷ 17) như Nguyễn, Trần, Đình, Phan, Phùng, Vũ... sau
này phát triển ra nhiều chi, mỗi chi phân biệt nhau bằng chữ đệm, sau này lớn
dần thành họ, ví dụ như họ Nguyễn đã nói ở trên. Và (có thể) vì thế cho nên,
đối với con gái, sợ không phân biệt rõ họ của mình mà người ta dùng chữ đệm làm
họ. Trở lại trường hợp cô Kim Thị Thắm, con ông Nguyễn Kim Khoa, nếu để là
Nguyễn Thị Thắm thì không phân biệt được cô Thắm thuộc họ Nguyễn Kim hay Nguyễn
Năng... nên đặt là Kim Thị Thắm cho... chắc chuyện. Nhưng sao không đặt Nguyễn
Thị Kim Thắm hay Nguyễn Kim Thị Thắm? Hay vì người dân nông thôn không quen đặt
họ tên bốn chữ? Với nam giới, để khẳng định luôn, người ta giản lược họ ghép
như Nguyễn Kim thành họ Kim cho gọn (?). Ông thủ từ đền thờ Hai Bà Trưng khi
được hỏi đã khẳng định ngay: "Tôi họ Kim, Kim Mạo, viết đủ là Kim Nguyễn
Mạo". Rắc rối thay!
*
Hát Môn là một làng cổ, gắn liền với cuộc
khởi nghĩa Hai Bà Trưng cách đây gần 2.000 năm. Và thật mừng thay, mỗi di tích
còn lại đều được bảo vệ chu đáo. Làng thờ hai thần Trưng Trắc, Trưng Nhị. Lễ
sinh nhật ngày 4/8 và lễ hóa ngày 8/3. Các ngày lễ khác là 6/3, 4/6 và mùng 4
tháng 9. Chuyện kể: Khi Mã Viện đuổi ráp, Hai Bà chỉ kịp ăn một đĩa bánh trôi
và hai quả muỗi. Hạt vứt ra mọc thành hai cây muỗi lớn, sau này bóng muỗi sum
xuê tỏa mát ngôi đền... Trong đền thờ chỉ sơn một màu đen, kiêng màu đỏ, tế lễ,
hội hè đều không được mặc áo đỏ. Vì sao? Rồi chuyện lễ bánh trôi, gốc tích thế
nào? Và chính xác đền được xây dựng khi nào? Tất cả đều còn là bí mật và vì thế
nó càng trở nên hấp dẫn các nhà nghiên cứu. Riêng chuyện các dòng họ ở Hát Môn,
nếu lưu tâm nghiên cứu hẳn sẽ còn nhiều điều thú vị hơn.
o0o
Chúng tôi xin ông thủ từ một gàu nước từ
cái giếng, nơi thường dùng lấy nước cúng tế hàng năm, nghĩ đến 23 tháng chạp
sắp đến, kỳ lễ hội rước bài vị Hai Bà trên song loan đến ngôi miếu gần đây để
làm lễ mộc lục, uống vào, nước trong, mát, lạ khác thường. Không biết có phải
do cảm giác của bao nhiêu điều bí ẩn trong từng con người, từng thước đất của
làng Hát Môn tạo nên hay không?
Hà
Tây, 12/1999
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét