Thứ Sáu, 19 tháng 5, 2017

“Gỡ nóng” cho Sơn Trà

NGUYỄN THẾ THỊNH
Chuyện các dự án xây dựng xâm hại rừng quốc gia bán đảo Sơn Trà, TP Đà Nẵng đang khiến nhiều người quan tâm.
Dạo một vòng trên mạng, đọc nhiều bài viết, nhiều comment nói đại ý rằng, nếu ông Nguyễn Bá Thanh (Chủ tịch rồi Bí thư Thành ủy Đà Nẵng trước đây) còn sống thì Sơn Trà đâu ra nông nỗi này. Đó là vì nhiều người chưa hiểu kỹ mà thôi.
Dự án Khu du lịch sinh thái biển Tiên Sa gây nóng chỉ là một phần trong số 26 dự án đã giao đất và cấp phép lên tới hơn 1.200 ha từ những năm 2000-2010, muộn nhất là vào năm 2012, mãi đến năm 2015, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam mới ký phê duyệt quy hoạch Sơn Trà.
Thời này, những lãnh đạo thành phố hiện tại "đang ở đâu đó" rất xa, nay với vai trò lãnh đạo, họ phải hứng búa rìu dư luận  và xử lý "điểm nóng".
137 lô rừng được giao cho cá nhân, có người đã làm biệt thự cũng từ hồi đó.
Tư duy của lãnh đạo Đà Nẵng lúc bấy giờ là xây dựng bán đảo Sơn Trà như một... Hong Kong , do vậy đã có lúc làm biệt thự mẫu để khách lên mua và nghe đâu khuyến khích cán bộ nhận rừng (trong số rừng giao có phần đất ở). Rất tiếc chuyện này không nhiều người biết.
Năm 2015, khi quy hoạch được duyệt cũng ít người biết, người biết thì cũng không thấy ý kiến nào phản biện. Mãi cho đến khi phát hiện 40 móng biệt thự xây chưa đủ thủ tục thì vấn đề mới được xới xáo, nóng lên.   
*
Bây giờ, Chính phủ đã giao cho Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, người ký quy hoạch bán đảo Sơn Trà tầm nhìn đến năm 2030, chủ trì nghiên cứu, xem xét lại quy hoạch. Quan điểm của Chính phủ và các bộ ngành là nếu sai thì sửa.
Vấn đề còn lại bây giờ không phải là đem sai lầm cũ ra mổ xẻ mà là "xem xét điều chỉnh" theo hướng nào mới là chuyện đáng bàn. 

Theo thiển nghĩ của tôi, chuyện Sơn Trà “nóng” như hiện nay một phần do quy hoạch chưa được công khai minh bạch để các nhà khoa học, các nhà chuyên môn, quản lý và cả người dân tiếp cận, hoặc chỉ một số người hạn chế được tiếp cận, góp ý trước khi phê duyệt.

Vì thế, để điều chính (nếu có) Chính phủ nên tổ chức một cuộc hội thảo khoa học thực sự khoa học chứ không phải tổ chức hội thảo và chỉ mời những người nói nước đôi hoặc ủng hộ quy hoạch gắn với lợi ích của họ mà TP Đà Nẵng từng tổ chức.
Trong đó, đặc biệt phải mời và lắng nghe các chuyên gia hàng đầu của nước ta từng tham gia quy hoạch rừng Cúc Phương và các rừng Quốc gia khác như một nhà khoa học được gọi là "thần rừng" Hoàng Đình Bá đang sống ở Đà Nẵng. (Gõ Google sẽ biết ông là ai).

Trước khi tổ chức hội thảo, cần cung cấp cho các nhà khoa học đủ dữ liệu và bố trí thời gian cho họ đi thực tế. Chứ không thể phát ngôn thiếu trách nhiệm như một vài cán bộ mới đây kiểu không cần biết trái banh (bóng) mấy múi mà bàn chuyện đá banh, kỳ lắm.  
*
Điều chỉnh quy hoạch Sơn Trà là một công việc vô cùng khó khăn, phức tạp vì các dự án đã được cấp, đất rừng đã được cấp, chủ sở hữu có đủ giấy tờ về mặt pháp luật, vậy nên dự án nào được tồn tại, dự án nào chưa khởi công cần được hoán đổi đến vị trí khác, chuyện xử lý đất rừng đã giao (trong đó có phần đất ở) cũng phải được tính toán thận trọng. Nếu không từ cái “nóng” này rất có thể sẽ dẫn đến cái “nóng” khác.

Sơn Trà ngoài vị trí chiến lược về quốc phòng còn là cái máy điều hòa nhiệt độ của Đà Nẵng và phía Bắc Quảng Nam, nhưng hiện tại đứng giữa sân chùa Linh Ứng, lấy thiết bị ra đo, có lúc lên đến 43 độ C thì Sơn Trà không phải cái máy phần nhả lạnh mà cái cục nóng treo phía ngoài tường.

Người Đà Nẵng ví Sơn Trà như cái án thờ trong ngôi nhà Đà Nẵng. Bán đất, bán nhà kiểu gì con cháu cũng tính đến chỗ đặt cái án thờ. Dân gian đã nói thì cần lắng nghe.
N.T.T



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét