Câu chuyện diễn ra tại kỳ họp
HĐND ở một tỉnh, khi các đại biểu chất vấn "bà hội đồng" (vợ một vị
lãnh đạo) lấy tiền đâu xây được cái nhà bự chảng giữa trung tâm tỉnh lỵ to hơn
cả công sở. "Bà hội đồng" trả lời rằng, là do bà đi ngoài đường nhặt
được cục vàng.
Bấy giờ, một đại biểu khác đã
đứng lên hỏi bằng cách kể câu chuyện thế này: "Rứa là chị không nhớ bài
học đạo đức hồi lớp 1 rồi. Bài Em Thanh
nho nhỏ/Học lớp 1B/ Hôm qua học về/ Vừa đi vừa hát/ Thấy 5 đồng bạc/ Của ai
đánh rơi/ Thanh nhặt lên rồi/ Đem trình cô giáo/ Tươi cười cô bảo/ Đáng khen em
ngoan/ Thấy của không tham/ Cho 10 điểm tốt. Sau bài đó có câu ghi nhớ: Được của rơi trả lại cho người đánh mất.
Tôi hỏi chị, vì răng chị được cục vàng mà không mang nộp cho công an để trả lại
cho người mất?"
Lúc đó cả hội trường cười ồ.
Cười là vì anh này học lớp 1 cách đó ít nhất cũng 40 năm mà vẫn thuộc lòng bài
học, cười cũng vì lập luận của anh rất đơn giản nhưng làm "bà hội
đồng" đứ đừ đừ.
Hồi ở miền Bắc, môn đạo đức
dạy những cái rất thường gặp trong cuộc sống hàng ngày. Tôi còn nhớ bài học Đi tìm việc tốt, đại để kể câu chuyện
một em nhỏ muốn đi tìm để làm việc tốt, nhưng tìm mãi không thấy, em mới về kể
lại với cô giáo, cô hỏi, em này kể lại đi tìm mà không thấy, chỉ gặp một bà cụ
già đi sang đường, sợ bà cụ mắt không rõ dễ bị đụng xe nên em mới dắt tay bà cụ
sang bên kia rồi mới đi. Cô giáo bảo, đó là việc tốt!
Bây giờ thì môn đạo đức sau
nhiều lần "cải cách" đã thay bằng tên gọi mới: giáo dục công dân. Cái
tên đầy tính hàn lâm y như nội dung môn học, nào là phạm trù đạo đức cơ bản,
khái niệm và các giá trị đạo đức; vật chất, ý thức, tồn tại xã hội, ý thức xã
hội, phương pháp luận biện chứng...(y như môn triết học mà người lớn cũng khó
gặm), đã thế ngành GD-ĐT còn thường xuyên bổ sung rất nhiều nội dung y như các
đợt "ra quân tuyên truyền": giáo dục an toàn giao thông, giáo dục
phòng, chống HIV/AIDS, phòng chống tham nhũng...rồi nào thì là Liên hợp quốc,
hợp tác quốc tế...
Môn đạo đức đã không được coi
trọng, học sinh lớp 11, 12 ở vào độ tuổi cần định hình nhân cách thì lại không
được học đạo đức, càng không được đề cập đến chuyện yêu và phải yêu như thế nào
(cứ như yêu là điều cấm kỵ) nên như dân gian nói "quả báo nhãn tiền",
báo chí liên tục thông tin những chuyện yêu cuồng, sống vội. Đó là do những
người trẻ này không biết tình yêu cao thượng đến thế nào, không biết yêu là
phải hy sinh cho tình yêu, không biết yêu là làm cho người mình yêu hạnh
phúc...vì thế mới sinh ra ích kỷ, hiếu thắng và tự ái... Yêu mà không được đáp
lại thì chém, giết, đốt, tung ảnh thời yêu thương lên mạng để trả thù, yêu
không được thì nhảy cầu, nhảy lầu...chỉ để biểu hiện cái tôi ích kỷ. Thậm chí
chiếm bằng được người ta bất chấp thủ đoạn để rồi sau đó mới cay đắng nhận ra
một điều, đó không phải là tình yêu. Thế nên mới có có những vụ án man rợ: vợ
đốt chồng, người yêu tạt a xít, dùng xăng đốt, vác dao truy sát người yêu...
Một người quen với tôi, ngày
xưa mới ra trường về công tác ở miền núi, anh đem lòng yêu một cô giáo nhưng
không được đáp lại. Rồi cô cưới anh người yêu làm ở kiểm lâm huyện (sau bị mất
việc), có 2 con, cuộc sống gia đình rất khó khăn. Một lần đi rẫy, cô bị rắn cắn
phải cưa cụt một chân. Anh chồng ốm nặng rồi mất. Bấy giờ anh mới lên gặp cô,
ngỏ ý muốn đưa cô về chung sống (lúc đó anh đã 40 tuổi chưa lập gia đình),
nhưng cô giáo nhất định không chịu, bảo thế thì thiệt thòi cho anh quá. Phải 5
năm sau, thấy anh quá thành tâm và kiên trì nên cô mới chịu gật đầu. Anh nói,
cuộc đời tớ đếch làm được cái gì nên hồn (mặc dù anh đã rất giàu có, thành
đạt), chỉ làm được mỗi một việc...(và cười). Anh tâm sự, tớ chỉ nhớ mãi và làm
theo mỗi một điều tâm đắc được học từ thời phổ thông: "Sống là cho đâu chỉ
nhận riêng mình".
Bây giờ đến nhà, thấy anh chị
anh anh em em, con chị ba ba con con với anh (anh chị có một đứa con chung), mỗi
chiều anh lại đẩy chiếc xe lăn đưa chị đi dạo...mới thấy cuộc đời có nhiều
chuyện thiệt là kỳ diệu.
Sự kỳ diệu đó không phải trên
trời rơi xuống, nó được tích lũy bằng những bài học được nhập tâm vào ý thức,
sát thực với cuộc sống, từ những việc nhỏ nhất như vòng tay thưa người lớn thì
phải nhìn vào người lớn, mời người lớn ăn cơm thì hướng về người mình mời, từ
cách nói dạ trước khi trả lời...chứ không phải làm cho xong chuyện. Những thứ
đó như những mạch nước nhỏ, ngấm sâu trong lòng đất và chảy về thành khe suối, nhiều
suối chảy về thành sông, nhiều sông đổ ra biển lớn...
Không phải định nghĩa xong các khái niệm về đạo đức
thì có ngay...đạo đức.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét