Cao Đình học điêu khắc. Người hắn góc cạnh và thô ráp y như một bức tượng tạc bằng đá tách ra từ lèn Cao Quảng quê hắn. Trong một buổi giao lưu sinh viên hai trường, hắn nhìn thấy Nguyệt Tú. Và như bị ám, tan cuộc hắn lẻo đẽo đi theo. Nguyệt Tú biết người theo mình lấy làm khó chịu. Quay lại, thấy một thằng cha xù xì lại càng khó chịu hơn. Khi về phòng E6 cư xá Nguyễn Huệ của Đại học Tổng hợp, quay ra, vẫn thấy thằng cha xù xì đứng dưới gốc xà cừ nhìn vào. Cô nguýt dài một cái rồi đóng sầm cửa lại.
Từ đó, tầm mười giờ đêm, thằng cha xù xì lại trồng cây si dưới gốc xà cừ nhìn vào phòng cô, một lúc thì về. Ngày bão số 8 cây đổ ngổn ngang trên sân trường, mười giờ đêm mở cửa, cô vẫn thấy hắn đứng như thế, xù xì y như một bức tượng tạc bằng đá.
Cô đi thư viện, bị cha xù xì kẹp thư vào sách. Hắn làm thơ. Mấy đứa bạn cùng phòng Tú biết chuyện, bảo đó là sai lầm nghiêm trọng có tính hệ thống của bọn con trai khi tán tỉnh con gái học văn. Cứ tưởng muốn yêu con gái học văn thì nhất thiết phải làm thơ hoặc đọc thơ mới được. Đúng là bọn cù lần.
*
Thứ bảy, Nguyệt Tú ra bến xe về nhà. Đến nơi, đã thấy thằng cha cù lần đứng đó. Bằng vẻ mặt hết sức cù lần, hắn nói, Nguyệt Tú cho Đình về quê với. Tất nhiên là cô giãy lên như đỉa phải vôi.
Xe chạy, thằng cha cù lần đạp xe theo. Mấy người trên xe nhìn thấy, tủm tỉm cười, hỏi, giận người yêu à, Tú bảo yêu đương chi, đồ cù lần!
Cả nhà cơm nước vừa xong thì nghe ngoài ngõ xôn xao, nhìn ra, thấy cha cù lần tay dắt xe đạp, miệng chỉ chỉ hỏi bọ trẻ con có phải nhà chị Tú. Tú hoảng hồn thất sắc, lao ra chặn Đình lại, dậm chân thình thịch, nuốt tiếng vào cổ: “Cái anh ni, mần ri thì mần răng? Chi lạ ri hè?”. Ba Tú nghe tiếng đi ra, hỏi ai đó, ai đó, Tú hết hồn, mặt trắng bệch, chưa biết ứng phó thế nào thì Đình lên tiếng:
-Cháu chào bác, cháu là bạn học của Tú, có việc ra Hương Điền, nghe tin Tú về nhà nên ghé qua hỏi cô ấy lịch học tuần tới. Cháu xin phép bác cháu đi ạ.
Nói xong dắt xe đi.
Tú thở phào.
Sáng thứ hai lên bến xe, Tú đã thấy thằng cha ám mình đứng đó, sau xe đạp buộc một hòn đá chẻ vuông rất to. Té ra mấy hôm ni hắn vẫn ở quanh đây. Tú quay mặt làm lơ.
Cao Đình cũng không hỏi. Hắn đến nói với anh tài xế gửi hòn đá trên xe, trả tiền cước xong, người lái xe hỏi anh đi xe đạp làm sao lấy hòn đá. Cao Đình chỉ vô Tú, bảo cô ấy đi trên xe, đến bến, anh cứ gửi cho cô ấy. Nói xong đạp xe đi liền.
Đến bế xe An Hòa. Người lái xe giao hòn đá cho Tú. Cô một phen giãy nảy. Nhưng vô thế rồi biết làm sao. Đành đứng nhìn hòn đá bỏ giữa sân mà khóc.
Cuối cùng thì Cao Đình cũng đã tới. Mồ hôi mồ kê nhễ nhại vì phải đạp chiếc xe cà tàng hơn bốn chục cây số. Đình thản nhiên:
-Cám ơn Tú nghe!
Nói xong, không nhìn Tú, hắn rinh hòn đá bỏ lên sau xe buộc lại, đạp đi.
*
Tối, tầm mười giờ, học xong, Tú mở cửa nhìn ra gốc xà cừ, không thấy cái tượng xù xì đâu cả, cảm thấy có gì đó thiêu thiếu.
Mấy ngày sau cũng thế. Có lẽ cái tượng ấy đã di dời.
Đã hơn tháng vẫn không thấy cái tượng ở chỗ cũ.
Bạn bè hỏi náo lên, sao chẳng thấy cha đó mô cả, có chuyện chi à, Tú bảo, ai mà biết.
*
Lại kể, Cao Đình mang cục đá về thì loay hoay đục đục đẻo đẻo. Xong, thỉnh tác phẩm của mình lên bàn đặt giữa phòng trọ. Từ đó sau giờ học, hắn ngồi lỳ không ra ngoài. Hắn ngồi thế, mắt đăm đắm nhìn vào pho tượng.
Pho tượng đó tạc Nguyệt Tú.
Câu chuyện loang ra và nhanh chóng trở thành đề tài bàn luận của cả hai trường. Sinh viên dựng lên nhiều giai thoại, đại để, cha cù lần tự nguyện làm tượng đứng nhìn vào phòng E6 không được bèn tạc tượng người phòng E6 thỉnh ở phòng mình. Đám con trai còn kể, Cao Đình mua rượu về uống, say lên đập vỡ chai, lấy mảnh thủy tinh rạch nát cái tượng, nhưng cái tượng bằng đá cứ trơ ra, thách thức.
Chuyện đến tai Nguyệt Tú.
*
Ra trường, Nguyệt Tú dắt Cao Đình về ra mắt gia đình. Biết Cao Đình là người Khùa ở Minh Hóa nên gia đình, họ hàng cực lực phản đối. Nhất quyết không thể nào. Đôi trẻ lấy làm buồn lắm. Nguyệt Tú nói, không cưới được nhau một ngày thì cùng chết một ngày. Cao Đình nói, chết mà được chết cùng nhau thì coi như sống trọn đời với nhau rồi. Cả hai quyết định thế.
Hôm đó, Đình và Tú ra ngồi bên bờ sông quê. Đình mang theo một chai nước nói là đã pha sẵn thuốc, bảo hôm nay quyết định sống với nhau trọn đời. Nói xong thì đưa chai nước cho Tú.
Tú nước mắt giàn dụa, đẩy chai nước về phía Đình, bảo anh đi trước đi, em theo. Đình mở nắp, ngửa cổ tu một hơi rồi ngã vật ra. Nước trào lên mép. Tú nhìn thấy Đình thì sảng. Cô giật lấy chai nước. Nhưng cô không uống. Phút chốc cô nhảy dựng lên, la:
-Làng nước ơi, cứu, cứu!
Bà con nghe kêu chạy ào ra, đưa Đình lên trạm xá.
Đình lồm cồm bò dậy, nói nhỏ vô tai cô y sĩ, tôi uống nước đường, không can chi mô mà sợ. Nói xong thì về.
Cuối năm, hay tin họ cưới nhau.
*
Cao Đình mở một xưởng điêu khắc. Thời kinh tế thị trường, nói là xưởng điêu khắc nhưng thực ra chỉ làm tượng coppy các tác phẩm kinh điển nổi tiếng bán cho khách hàng. Vài năm thì có nhà lầu xe hơi. Đám bạn bè lận đận chưa xin được việc làm cứ tấm tắc khen Tú có con mắt tinh đời. Chồng xù xì một tí nhưng là chồng mình, chồng mà đẹp trai chẳng qua cũng là chồng thiên hạ.
Xưởng của Đình thành công ty, thêm chức năng kinh doanh bất động sản. Hồi đó người ta không coi trọng người làm bất động sản mà gọi một cách miệt thị: cò đất. Vì thế Đình có tên là Đình cò.
Tú bỏ việc ở Phòng Văn hóa-Thông tin thành phố để làm bà chủ.
Cuộc đời phơi phới.
*
Một đám bạn bè cùng lớp đến thăm, xúm lại ca ngợi Đình và Tú. Tú nói, mình cũng tưởng lấy chồng xù xì một tí cho chắc chắn là chồng mình, không ngờ thiên hạ lắm kẻ cũng thích đàn ông xù xì. Đám bạn tưởng nói cho vui thế nên cũng chẳng hỏi thêm.
Lâu sau, bạn bè hay tin Nguyệt Tú lâm bệnh nặng, lũ lượt kéo đến thăm.
Tú bấy giờ như người mất hồn, lúc nhớ lúc quên. Ai nói gì cũng cười vô hồn. Hỏi bệnh chi không ai nói.
Chuyện này chỉ có Đình biết.
Đó là một hôm, Nguyệt Tú pha sẵn một chai nước, mời Cao Đình ngồi rồi nói, đã yêu nhau nhất định sống trọn đời với nhau, hôm nay em quyết định chúng ta phải sống như thế. Em không muốn cảnh chồng chung. Nước em đã pha sẵn thuốc, anh uống đi, em theo. Cao Đình nghe nói cả cười, rằng, con trai ra ngoài đôi lúc cũng ưa văn hóa văn nghệ, hái hoa bắt bướm tí cho vui, vả lại cũng do công việc làm ăn nên có quan hệ này nọ khó nói ra, em phải thông cảm cho anh, anh chỉ có mỗi em là vợ. Nguyệt Tú bảo anh không cần giải thích gì thêm, uống đi. Bấy giờ Đình nổi máu gia trưởng, quát, cô thích thì uống, tôi không uống. Trong bụng Đình nghĩ Tú không có gan, chỉ dọa thế thôi, chắc chai nước kia là nước đường.
Nguyệt Tú đang trong cơn giận, tu hết phân nửa thì ngã vật ra đất, sùi bọt mép.
Cao Đình gọi xe cấp cứu.
Bệnh viện súc ruột cứu được mạng Tú nhưng cô trở nên thơ thơ thẩn thẩn, nhớ nhớ quên quên là thế.
*
Sau cú sốc ấy, Đình như ngộ ra. Anh bỏ hết công việc bên ngoài, đưa đón con đi học rồi về nhà chăm sóc vợ. Ngày mấy lần xoa bóp, tối lấy nước cho vợ ngâm chân. Đình tự đi chợ, nấu các món vợ thích. Đình nấu cái gì Tú cũng ăn, chỉ khi Đình rót nước cho Tú, Tú nhất định phải bắt Đình uống một nửa, còn mình uống nửa còn lại.
Bà con thấy Đình chăm vợ, ai cũng phục lăn, bảo Tú có con mắt tinh đời mới lấy được ông chồng Việt Nam chất lượng cao. Năm nào gia đình Tú cũng nhận bằng gia đình văn hóa. Bạn bè hết lời ca ngợi.
Đà Nẵng 12.2009
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét