Đang nói đến đoạn về Thanh Niên và ra Hà Nội, nhưng dừng lại một chút để nói chuyện cũ hơn một chút.
Ông Nguyễn Đắc Xuân, Trưởng VPĐD Báo Lao Động tại miền Trung ra Quảng Bình tìm cộng tác viên (hồi đó gọi là phái viên) cho báo, mọi người giới thiệu tôi nhưng ông có vẻ lừng khừng. Cuối cùng ổng chọn cách tìm thêm một người khác rồi trả phụ cấp cho cả hai. Mỗi tháng tôi được nhận 200 đồng.
Làm được một thời gian thì VP thuê một xe 12 chỗ ngồi chở PV và phái viên vào TPHCM họp, chuyến đi nhớ đời, đến Nha Trang đã 2 giờ sáng, ông Xuân cho hết anh em vào hội trường của LĐLĐ, muỗi cắn đập không xuể. Ngồi thế cho đến sáng lại đi. Nhưng chuyến đi đó tôi học được rất nhiều từ các bậc tiền bối: Lý Quý Chung, Trần Trọng Thức và Ba Thợ Tiện.
Hồi đó anh Ba giữ mục “Nói hay đừng”, gần ngày vào SG, tôi viết một bài cho mục này có tên “Bài học đạo đức” kể chuyện bà hội đồng (vợ ông cấp lớn) trả lời trước hội đồng câu hỏi tiền đâu để làm cái nhà bự chác giữa thị xã, bà đáp tỉnh queo: “Tôi ra đường được cục vàng đem về bán đi xây nhà”. Trong bài đó tôi nhắc lại bài học đạo đức từ hồi còn bé có tên “Được của rơi trả lại cho người đánh mất”, rồi đặt câu hỏi, sao bà không trả? Đại để thế. Bài đăng, ký tên Học trò Thợ tiện. Anh Ba gặp tôi, bảo: “Mấy đứa biên tập bậy, anh để cái tên em ký (Tư Đèo Ngang) không hiểu sao chúng nó sửa lại bậy thiệt, anh xin lỗi! Bài ấy xứng đáng là thầy thợ tiện chứ học trò chi? ”
Bài ấy công bằng mà nói thì cũng có hay, nhưng anh khen chủ yếu là khen động viên, biết thế nhưng được đà, tôi viết nhiều, đặc biệt là phóng sự “thương hiệu Báo Lao Động”. Nhiều bài được thưởng chất lượng và...tiếng nổi như cồn. Hồi đó được đăng phóng sự trên Lao Động Chủ nhật (làm ở SG) là...kinh khủng lắm!
Sau này mọi người hay nhắc cũng là nhắc phóng sự trên Lao Động của tôi. Đặc biệt bài “Đi chợ bò” được rất nhiều giáo trình lấy ra làm...kinh điển.
Lao Động đã cho tôi rất nhiều. Tiền (hồi đó đang nghèo, tháng tôi thu nhập một hai triệu nhuận bút (cả cây vàng) là kinh lắm), danh (như đã nói), do vậy khi quyết định đi là tôi nhắm đến Lao Động.
*
Nộp hồ sơ xong và chờ. Chờ không được, tôi nhảy tàu ra Hà Nội.
Tổng biên tập Phạm Huy Hoàn nghe tôi trình bày xong thì nói vanh vách đầu đề mấy phóng sự của tôi. Tôi mừng hết lớn. Nhưng rồi anh hạ giọng: “Cậu cũng có vài vấn đề, nhưng được rồi, để tớ xem đã nhé!”.
Tôi sang gặp anh Lý Sinh Sự, anh Lý là người thường liên lạc với tôi và đã gặp mấy lần. Gặp, anh nói ngay: “Cũng có người muốn cứu cậu đó, nhưng cũng còn vài vấn đề...”
Ơ hay, cứu là cứu cái gì? Đi được thì đi không thì việc tôi tôi làm chứ sao ai lại cứu? Tự nhiên thấy mất hứng.
Trưa, anh Lý cũng mời tôi và anh Hân Hương đi cơm trưa tại nhà hàng Ngọc. Ông nhà văn Hòa Vang và anh Lương Ngọc nhà thơ bất ngờ chạy đến ôm tôi, thắm thiết lắm, rồi hai người thi nhau ca tôi, bảo anh Lý nên nhận tôi về. Anh Lý lại nói: “Nó cũng còn một số vấn đề”.
Tối tôi đi nhậu với Trần Duy Phương (hồi đó đang là Tổng thư ký) và một người bạn rồi nhảy lên tàu vào Đồng Hới, tự kiểm điểm lại xem “một số vấn đề” là vấn đề gì, nhưng không thể nào biết được. Nói chung là hơi thất vọng.
Hôm sau đến nhà, nhận được điện thoại một người bạn trong Lao Động: “Thôi, thế là được rồi đó, chờ vài hôm đi, yên tâm!”. Tôi cười mếu: “Yên tâm mả mẹ gì được, một số vấn đề mà vấn đề gì không biết thì sao mà yên tâm!”
*
Sau tôi nghe kể lại:
Anh Nguyễn Công Khế điện thoại cho anh Trương Điện Thắng, Trưởng VPMT, bảo: “Nghe nói Thế Thịnh nó định về Lao Động nhưng lùng bùng gì đó, ông xem bảo nó về báo ta”. Anh Thắng cử anh Thái Ngọc San ra gặp.
Anh San không báo trước, gặp tình cờ ở quán café, anh bảo: “Mi có hay đọc Thanh Niên không mi?”. Tôi bảo: “Hữu Thái, Phó thư ký tòa soạn của em cộng tác với Thanh Niên nên nó có báo, em đọc hết, em nói thiệt nghe, tờ báo anh rồi phát triển mạnh lắm đó. Em rất thích cách làm của báo anh”. Anh San cười cười: “Rứa mi ưa về báo ta không?”. Tôi đáp: “Được thế thì tốt quá!”
Nói thì như nói chuyện chơi rồi quên đi. Vài hôm sau, nhận được điện thoại anh Trương Điện Thắng, sau đó cỡ tiếng đồng hồ nhận được điện thoại anh Nguyễn Thanh Minh (sau này mới biết là Chánh Văn phòng Báo Thanh Niên), hỏi tôi ăn lương bậc mấy, phụ cấp ra sao, thu nhập thế nào...tôi trả lời hết, rồi thôi.
Hôm sau nữa, anh Thắng gọi: “Mi có quyết định rồi, chừ gửi ra hay mi vô lấy”. Tôi bảo hôm sau em vô, và nhờ một người bạn chở vô. Lần đầu tiên tôi biết VPMT của Thanh Niên.
Tôi nhận quyết định, nhận tháng lương đầu tiên rồi mới quay ra Quảng Bình, gặp Tổng biên tập Báo Quảng bình trình bày xin nghỉ phép để đi xin việc. Ông tổng động viên, nếu xin không được chỗ vừa ý thì về mần lại cho bui rồi ký giấy cho tôi nghỉ phép đi xin việc. Cầm giấy cho vào túi xong, tôi chìa quyết định của Thanh Niên ra. Thế là xong.
Tôi coi đó là cơ duyên. Nếu về Lao Động thì có "lăng ba di bộ" siêu như Vũ Mạnh Cường còn không né nỗi huống chi loại bốp chát như tôi. Như thế có phải là định mệnh?
Sau này, mỗi khi nhắc lại, anh Thái Ngọc San bảo: “Trong cuộc đời ta không mần được cứt chi hết, chỉ mần được một việc là đưa thằng này (tức là tôi) về Thanh Niên”. Tôi coi đó là lời khen cũng là lời răn.
*
Tôi chưa từng viết cho Thanh Niên nên về tôi viết như điên. Bài đăng lia chia.
Năm đó tổ chức Duyên dáng VN, anh Khế cho tôi vô Sài Gòn chơi. Năm sau tổ chức U21 tại Đà Nẵng ảnh cũng cho tôi vô chơi. Tôi coi đó như là một sự tưởng thưởng.
Rồi tôi ra Hà Nội mấy năm, cho đến 2001. Ở đó, tôi vẫn chơi thân thiết với bạn bè tôi ở Lao Động. Và tôi vẫn viết phóng sự cho Lao Động.
Rồi tôi nhận được giấy báo của Hội Nhà báo, cho hay tôi đoạt giải nhất duy nhất, trị giá 15 triệu đồng cho phóng sự “Một lão nông tài ngang...tiến sĩ” đăng trên Lao Động.
Kể chuyện này để nói lại chuyện cũ, tôi nhất định phải tìm ra “một số vấn đề” là vấn đề gì.
Và được biết: Hồi đó tôi viết bất kỳ bài nào trên báo Lao Động cũng có đơn khiếu nại. Ông Quyền Lực đọc báo, thấy bài, lập tức đến đơn vị gọi là bị phê bình hoặc có nhắc đến trong bài viết xúi họ kiện. Chẳng những thế, ông còn tự viết bài phản bác, rồi thuê người đánh máy, in ra, mang đến cho họ ký, đóng dấu, gửi đi.
Khi nghe rục rịch tôi xin về Lao Động, ông đã tự tay viết một lá đơn dài 14 trang để tố tôi, trong đó chủ yếu nói tôi ngạo mạn, không tôn trọng người lớn, hay mạt sát cấp trên, tham vọng quyền lực, tính cách ưa làm lãnh tụ...vân vân (đơn này sau đó được một người làm fotocopy đưa cho tôi).
Hơn thế, có người tổ chức cho ông ra tận Tòa soạn Lao Động, gặp lãnh đạo để trình bày.
Khi TS đang phân vân, hỏi ý kiến ông Nguyễn Đắc Xuân, ông Xuân tóc trắng nhận xét: “Lý lịch hắng (hắn) có vấn đề, chú hắn là linh mục” (chuyện này tôi mới biết sau này).
Tôi xin nói để ông Xuân biết: Ông ngoại tôi Lê Viên là Trưởng ty Công an đầu tiên của tỉnh Quảng Bình (hiện có nhà lưu niệm của Bộ Công an xây ở quê); bác tôi là cán bộ cao cấp, chú ruột tôi là liệt sĩ công an, ba tôi là cán bộ tiền khởi nghĩa (Đảng viên 60 năm tuổi Đảng); mạ tôi là một du kích cừ khôi thời chống Pháp (có nhiều huân chương); tôi vào bộ đội năm 17 tuổi, đánh nhau xong thì đi học đại học và đào tạo để thành cán bộ cao cấp trong quân đội; tôi có 8 anh em thì 6 người là Đảng viên cộng sản. Tôi có người chú cùng họ Nguyễn Thế là linh mục ở nhà thờ Châu Ổ, từng là ủy viên Ủy ban MTTQVN, anh em của chú toàn là tướng tá cách mạng (vì thế mà không được tấn phong cao hơn). Tóm lại, ông Quyền Lực hay ông Xuân nói tôi thế nào là điều tôi không lạ, cái lạ là tại sao mấy anh người lớn bên Lao Động lại úp mở không hỏi thẳng tôi. Thế thôi.
*
Câu ông Quyền Lực nói thì tự hỏi: Tôi có tham vọng không?
Người không có tham vọng thì chết đi cho rảnh. Nhưng tham vọng là tham vọng gì? Làm báo thì phải có tham vọng, tham vọng viết hay!
Tôi về Thanh Niên ra Hà Nội được 4 năm thì đoạt 3 giải báo chí toàn quốc. Về 4 năm thì Tổng biên tập biểu, một trong hai người, tôi hoặc Hoàng Hải Vân vô làm phó tổng thư ký tòa soạn, tôi thấy sức không trụ được áp lực nên kiếu. Ban biên tập bảo không vô TP HCM thì vô làm trưởng VPMT, tôi chưa quen nên xin làm phó VP cho đến khi quen việc thì anh Hùng hay bệnh nên bảo tôi làm trưởng. Thanh Niên cho tôi nhiều lắm.
Như thế có chi là tham vọng?
Nhưng tôi có tham vọng thật:
Khi tôi vào VPMT, điểm in Đà Nẵng in 7000 tờ báo. Sau đó lên 37.000 tờ bình quân (có lúc lên 42.000 tờ) gấp đôi tờ báo đứng thứ hai.
Mỗi ngày, thấy số lượng báo lên, đã đời lắm!
Tôi không nói nhờ tôi mà báo lên, đó là cái đà đi lên của một tờ báo, cái vía của người cầm lái, của tập thể anh em, nhưng trong đó có VP tôi, có cả tôi.
Tôi vẫn hay trạng: Trong cùng một công việc, tôi đã làm chỉ muốn đứng thứ nhất. Nếu đứng thứ hai thì thằng thứ nhất nhất định đã chết rồi.
Tôi có tham vọng là thế!
Kể lại chuyện chuyển nơi làm việc, lại nhớ mới rồi trong dịp hội thảo về phương pháp giảng dạy báo chí của Dự án Nâng cao năng lực báo chí VN, anh em đang tám về chủ đề không có đất dụng võ, cô Thu Hà, trước ở VTV (tôi biết do xem chương trình Báo chí tuần qua), sau chuyển qua kênh O2, nay về lại VTV làm Phó ban Chào buổi sáng, nói một câu khiến mọi người gật gù: "Không sợ không có đất dụng võ, chỉ sợ mình không có võ"
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét